Một bữa lục lọi trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ tại http://catalog.loc.gov/, tôi thấy cuốn “Lịch sử báo chí Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh, 1865-1995”, ghi tên tác giả là Nguyễn Công Khanh, do Nhà Xuất bản Tổng hợp TP-HCM ấn hành năm 2006. Tò mò, tôi nhờ cậu em ở Sàigòn kiếm cho một cuốn. Cậu em không những gửi cho tôi cuốn sách đó mà còn thêm ba cuốn nữa, hai tập thơ và một cuốn lý luận phê bình văn học tại Miền Nam 1954-1975, để “chị đọc cho biết tình hình sách vở bên nhà”.
Cuốn sách về báo chí Miền Nam, với cái bìa trình bầy khá trang nhã và mang một sắc thái hoài cổ, tuy cũng về báo chí Miền Nam từ 1865 đến 1995, cũng một nhà xuất bản và cùng năm, nhưng tựa và tên người biên soạn thì lại khác với cuốn trong văn khố Thư Viện Quốc Hội. Tựa là “Báo chí ở Thành Phố Hố Chí Minh – 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định – Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh”, với tên người biên soạn là Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan (xin xem hình bìa sách). Tôi đoán cả hai cuốn có lẽ cùng là một, chỉ khác cái tựa, vì không thể nào một nhà xuất bản lại in hai cuốn sách cùng nội dung.
Trong bài này tôi sẽ dùng cuốn sách đang có trong tay, và gọi là “100 Câu Hỏi Đáp Về Báo Chí Miền Nam”, tắt là “100 Câu Hỏi Đáp”, cho tiện.
Báo chí Miền Nam 1865-1995
Phải nhận là nhìn qua mục lục liệt kê 100 câu hỏi và đáp, một người muốn tìm hiểu về báo chí Miền Nam từ thời Pháp thuộc đến gần đây, dù chỉ một cách rất tổng quát, sẽ có cảm tưởng mình đến đúng cái “mỏ” hứa hẹn nhiều thông tin thú vị. Mỗi câu hỏi, và cũng là tựa của mỗi bài, độ từ 2 tới 4 trang, như sau: “001/ Xin cho biết về sự ra đời của báo chí ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chi Minh”; hoặc “002 / Xin cho biết về luật báo chí dưới chế độ thuộc địa”; hoặc “003 / Xin cho biết về nội dung tờ Gia Định Báo”; hoặc – cái này có vẻ ngồ ngộ — “006 / Vua Tự Đức và các quan nhà Nguyễn xem báo như thế nào?”; hoặc “007 / Báo chí thời Pháp thuộc lấy tin từ nguồn nào?”; hoặc, cái này đặc biệt thú vị đối với tôi, “017 / Xin cho biết về nhà báo nữ nổi tiếng của tờ Lục Tỉnh Tân Văn vào những năm 1930-1934” (trả lời: đó là nữ sĩ Manh Manh Nguyễn thị Kiêm, mà từ hồi nào tới giờ tôi cứ đinh ninh bà chỉ viết truyện hay thơ, như hầu hết các nữ sĩ cùng thời ở ngoài Bắc). Và câu hỏi/tựa cuối cùng, khá kích thích óc tò mò của tôi, là “100 / Xin cho biết về các trang thông tin điện tử ở thành phố Hồ Chí Minh”.
Có cả những câu hỏi/tựa bài liên quan đến báo chí thời Việt Nam Cộng Hoà trong hai thập niên 1954-1975 — một thiện chí rất đáng ghi nhận của các soạn giả, và có thể là khuynh hướng chung bây giờ ở trong nước. Phải vậy thôi vì chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, không thể tiếp tục, như con đà điểu, vùi đấu dưới cát.
Phải nói rằng đây là một lối dàn bài khá thú vị vì đơn giản, ngắn gọn và dễ đọc. Tuy nhiên, những thông tin trong cuốn “100 Câu Hỏi Đáp” ấy có bao nhiêu độ chính xác, bao nhiêu phần không bị ô nhiễm bởi chính trị ý thức hệ và chủ trương văn học chỉ đạo (mà nhiều người ta thích dùng cụm từ “văn dĩ tải đạo”), thì cần xét lại.
Dầu sao, tôi phải ghi nhận ham muốn tìm hiểu về một phần của nền văn học Việt Nam đã bị vùi dập quên lãng trong một môi trường nặng mầu sắc chính trị ý thức hệ lâu nay ở trong nước, đó là văn học Miền Nam nói chung, và bộ môn báo chí của Miền Nam, đặc biệt của thời điểm 1954-1975, nói riêng. Từ ham muốn tìm hiểu dẫn tới những nỗ lực rất đáng khích lệ, mà điển hình là cuốn “100 Câu Hỏi Đáp” này. Tôi chỉ muốn nêu ra một số sai sót mà tôi biết được, để độc giả lưu ý và tùy nghi lượng định khi đọc những bài khác trong cuốn sách.
Những sai sót trong phần đề cập tới tờ Sóng Thần
Trong bài này, vì không sẵn tài liệu và vì sự hạn chế của một bài điểm sách, tôi sẽ chỉ đề cập tới một tờ báo mà tôi biết rõ nhất vì đã sống và thở với nó trong suốt bốn năm, 1971-1975, cũng như đã nhìn nó tắt thở ngay trước mắt mình, đó là tờ Sóng Thần. Tôi cũng không định, và cũng không thể làm một việc bất công, dùng đó như một thước đo sự chính xác của nội dung của 99 câu hỏi-đáp còn lại trong cuốn “100 Câu Hỏi Đáp”. Việc đó, như đã nói ở trên, để độc giả tùy nghi lượng xét lấy, tùy theo trình độ hiểu biết và thông minh của mình. Tôi thấy có nhu cầu phải lên tiếng, một phần, vì cuốn sách đã nằm trong văn khố của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
Tờ Sóng Thần được đề cập tới trong câu hỏi-đáp số 078, trang 286-287, tựa là “Xin cho biết về tờ Sóng Thần”, và qua hai trang bài thấy đầy rẫy những sai lầm. Khi tôi scan lại và gửi hai trang đó đi cho vài người bạn, họ hỏi tôi có phải đó là một cố ý. Tôi thẳng thắn đáp là tôi không tin như vậy, mà chỉ có cảm tưởng là người soạn có thể thiếu tài liệu và hiểu biết, có nhiều phần đoán mò, viết đại (xin xem hình hai trang hỏi-đáp về tờ Sóng Thần). Tôi viết bài này cũng là để cung cấp một số dữ kiện về tờ báo, để những nhà viết về báo chí Việt Miền Nam trong tương lai và muốn đề cập tới tờ Sóng Thần có được tài liệu từ nguồn chính, một người trong cuộc.
Tờ Sóng Thần ra đời vào một ngày (tôi không nhớ ngày) vào tháng 10, năm 1971, và bị rút giấy phép vào tháng 2, năm 1975. Microfilm của những số báo Sóng Thần (trừ những số báo bị tịch thu không ra được tới sạp bán) hiện được lưu trữ tại thư viện Kroch Library Asia thuộc Đại học Cornell, Ithaca, N.Y. Bộ phim gồm bẩy cuộn, mang số 5004, gồm 1971: Oct.-Dec., 1972-1974, 1975: Jan.-Feb.
Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một số người khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai. Sau vì nhu cầu chuyên nghiệp, tờ báo tách ra đứng riêng, mặc dù vẫn theo chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội. Hồi ấy, tham nhũng ở Miền Nam chỉ bằng một phần nhỏ, so với bây giờ, và cũng chẳng lãnh đạo nào dám ngang nhiên tặng đảo, đất hay cho ngoại bang thuê mỏ, thuê rừng để bỏ túi riêng, như bây giờ. Và cũng không có lãnh đạo nào dám bênh vực tham nhũng, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam còn thua xa vài quốc gia khác, như mới đây, ở Việt Nam.
Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Saigòn (không phải ở miền Trung như ghi trong cuốn Báo chí TP. Hồ Chí Minh). Tờ báo do tôi dứng tên làm chủ nhiệm, và nhà văn-nhà báo Chu Tử làm chủ biên. Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu, chứ không phải mãi tới cuối năm 1974, như ghi trong bài “Xin cho biết về tờ Sóng Thần”. Tuy vậy, Sóng Thần chống tham nhũng, không chống chế độ hay chính phủ, như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là “anti-government”. Ngoài ra là thông tin, bình luận thời cuộc, xã hội, và giải trí (mà việc đăng tải những truyện feuilleton là một).
Báo có anh Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự, một người rất tận tụy, không những đối với tờ báo, mà còn với gia đình của anh chị em tòa soạn. Phát hành thì có Sáu Cao (tôi không nhớ trọn tên họ của anh, anh chị em quen gọi anh là Cao vì anh … rất cao và gầy, người miền Nam, năng nổ, bộc trực). Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Sáu ngồi kiểu nước lụt (tức ngồi xổm, theo lối diễn tả của người Bắc), bứt rứt, khốn khổ, buồn so, mỗi khi nghe tin báo bị tịch thu vì một lý do nào đó, và anh không có báo để phát hành.
Phần tòa soạn thì anh Uyên Thao điều hành, với tư cách tổng thư ký, và anh Trương Cam Vĩnh làm phụ tá. Phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường, và Vị Ý. Hồi ấy, chúng tôi đưa báo đi nhà in mướn người ta in, nhưng có riêng một dàn sắp chữ với khoảng một tá thợ, cậu nào cậu nấy lúc nào cũng mình trần vì phòng sắp chữ vốn là một cái gác lửng trần thấp nên rất nóng, và lem luốc vì mực. Phòng sắp chữ nằm phía sau tòa soạn, do xếp typo Tấn, một thanh niên gốc miền Nam, rất tận tụy, trông coi. Giờ nhìn lại tôi không khỏi xấu hổ mà nhìn nhận là trong số thợ sắp chữ đó có một số em chỉ mới trên duới 10 tuổi, đủ biết đánh vần để có thể sắp chữ, bỏ học đi làm để kiếm sống giúp gia đình. Tôi cũng còn nhớ cảnh Tấn giục bài, “để mấy đứa nhỏ có bài sắp chữ”, có lần đứng bên cạnh bàn làm việc của tôi với cái thước kẻ, hễ thấy viết được khoảng nửa trang, cậu ta kê thước kẻ vào trang giấy xé cái rẹt, đem phần giấy có chữ xuống nhà sắp chữ, mặc tôi ngẩn ngơ như con gà vừa bị cắt đầu. Sau kinh nghiệm đó, tôi thường viết bài ở nhà, nếu bữa nào chậm bài cho Tấn.
Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh khá đông, nồng cốt gồm có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Dại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long, vv. Bên cạnh đó là một hệ thống các văn phòng đại diện ở các tỉnh, đặc biệt là Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, với Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường và nhiều anh em khác. Cộng tác viên thì càng đông hơn. Thường xuyên lui tới toà soạn tôi nhớ nhất có các anh Trần Phong Vũ và Vũ Đức Vinh, cả hai hồi ấy làm đài phát thanh Sàigòn, với anh Vinh là tổng giám đốc. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972 đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, Sóng Thần (tồn tại nhờ vay tiền ký quỹ, và số tiền này còn nằm ở Ngân Hàng Quốc Gia khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy ra) mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954. Khác với lời ghi trong cuốn “100 Câu Hỏi Đáp” là cả ba nhà báo kỳ cựu gốc miền Nam Trần Tấn Quốc, Nam Đình và Ngọa Long “cùng sang cộng tác với Sóng Thần”, thực tế chỉ có một mình ông Ngọa Long bằng lòng về hợp tác thôi.
Riêng về các nhà văn nhận lời viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thuỵ Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ, vv. Sau thêm một số khác nữa trong đó tôi nhớ hơn cả, vì là do chính tôi mời, mà lại mời viết hồi ký chứ không phải tiểu thuyết, để in song song, một phần cũng là nhằm lôi cuốn người đọc, đó là hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi đã dự tính sau hai nhà văn này thì sẽ mời Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng viết hồi ký song song như thế, nhưng chưa kịp, không nhớ vì lý do gì. Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện “xuân thu nhị kỳ”, như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương. Những người viết feuilleton cho báo hàng ngày là cộng tác viên, không nằm trong thành phần biên tập.
Ngoài công việc thông tin, nhật báo Sóng Thần còn tham gia vào hoặc tài trợ cho một số những sinh hoạt giáo dục (như hỗ trợ cho chương trình gây quỹ học bổng cho trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục dậy học miễn phí cho vài trăm em học sinh trung học nghèo ở Quảng Ngãi, do Nguyễn Liệu và trên 100 giáo sư trung học ở Quảng Ngãi đảm trách); xã hội hoặc nhân đạo (như chương trình xây nhà giúp người nghèo, hoặc gây quỹ và phát động chiến dịch hốt xác và chôn cất gần 2,000 nạn nhân chiến cuộc trên Đại lộ Kinh Hoàng trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972); hoặc văn nghệ (như lập nhà xuất bản Nhân Chủ, hỗ trợ gánh hát cải lương Bạch Tuyết-Hùng Cường, thực hiện phim “Yêu”, do Đỗ Tiến Đức đạo diễn, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chu Tử).
Cái ưu điểm của Sóng Thần, và lý do tờ báo lôi cuốn được nhiều người tham gia, hỗ trợ, đó là, ngoài chủ trương chống tham nhũng làm sạch hậu phương để hỗ trợ tiền tuyến chống Cộng đặng bảo vệ một Miền Nam tự do, còn do chỗ này: đó là tờ báo do nhiều người làm chủ, với tư cách cổ đông góp phần hùn vốn, và niềm tin của họ đặt vào hoài bão của nhóm chủ trương, cũng là ước vọng của họ. Tôi chỉ là người đứng tên trên giấy phép xuất bản và chịu trách nhiệm đối với chính quyền, trong đó có những màn đi hầu tòa mỗi khi báo bị tịch thu. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi mặc áo dài đến tòa soạn, thế nào cũng có người hỏi: “Bữa nay bà đi hầu tòa hả?” Vì tôi ít khi mặc ào dài, mà thường mặc âu phục để đi xe đạp cho đỡ vướng. Nói tóm lại, không có các anh chị em khác đã cộng tác với Sóng Thần và sự tin tưởng vào lý tưởng của tờ báo từ các cổ đông và độc giả, chắc chắn đã không có tờ Sóng Thần.
Trùng Dương
05-2010
HÌNH ẢNH:
Vài số báo và hình ảnh Sóng Thân trong vụ án Sóng Thần ngày 31 tháng 10, 1974. Tờ báo bị Bộ Nội Vụ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đưa ra toà xử về tội đã đăng nguyên văn bản cáo trạng số 1 của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng do Linh Muc Trần Hữu Thanh chủ xướng với sự tham gia của 300 linh mục. Tông cộng có 205 luật sư tình nguyện ra toà biện hộ cho Sóng Thần và quyền tự do báo chí. (Collage TD2008, rút từ cuốn “Sóng Thần – Vụ Án Lịch Sử 31-10-74: Ngày Báo Chí và Công Lý Thọ Nạn”, tài liệu nội bộ, do Uyên Thao và Lê Thiệp soạn, 1974)
Gửi ý kiến của bạn