BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cái gì dung dưỡng cho sự thờ ơ?

16 Tháng Ba 201012:00 SA(Xem: 1114)
Cái gì dung dưỡng cho sự thờ ơ?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Vẫn biết cuộc đời là vận động, do vậy tôi không dám đem chuyện học trò xưa của chúng tôi để so với bọn trẻ ngày nay vì e “lạc hậu” mất (!!)

Chúng tôi – đám học trò choai choai (cỡ đệ tam, đệ tứ tức lớp mười, lớp chín bây giờ) – cái đám “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cũng có những trò nghịch ngợm, những xích mích, cũng có những giận hờn, hiềm khích, ganh tị lẫn nhau và đương nhiên dùng theo ngôn ngữ hiện đại là cũng có… bạo lực! Nhưng hồi xưa bọn thiếu niên đang lớn của chúng tôi thì… khác.

Chúng tôi cũng được đưa vào văn học, đưa lên báo chí, đem vào âm nhạc cả những đáng yêu và những cái đáng giận, đánh trách nhưng hầu như chưa bao giờ tạo cho người lớn cái gọi là “rùng mình, ghê tởm, bất nhân, lạnh lùng v.v…”.

Nhà văn Duyên Anh với nhiều tác phẩm dành cho tuổi trẻ và tuổi học trò như Con Thúy, Thằng Côn, Thằng Vũ v.v… đã làm cho thế hệ chúng tôi say mê mà trong đó tác phẩm nổi đình đám trong những năm trước 1975 mà đám thanh thiếu niên thời đó chuyền tay nhau đọc – “Ngựa Chứng Trong Sân Trường” vẫn còn thua quá xa so với hiện trạng bạo lực học đường ngày nay.

Thời đó, chúng tôi cũng có đầy đủ các loại sách báo, phim ảnh (đương nhiên không thể sánh bằng bây giờ do khoa học kỹ thuật đã tiến bộ như vũ bão), nhưng một trong những nguyên nhân chính mà người ta thường đổ lỗi bạo lực học đường ngày nay do sách báo, phim ảnh, internet, sự thờ ơ của cha mẹ do tối mặt kiếm sống, của thầy cô nhà trường v.v… mà minh chứng mới nhất là ông Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng viết bài “Sự thờ ơ dung dưỡng cho cái xấu” trên trang nhất báo Tuổi Trẻ ra ngày 15/3/2010 là không thỏa đáng. Ở góc độ khách quan tôi xin phép phản biện lại lập luận mà nghe quá có vẻ hoàn toàn xác đáng, nhưng thực chất ông Hùng mới chỉ ra cái ngọn, không phải cái gốc của vấn đề .

1. Phim ảnh, sách báo ảnh hưởng đến chúng tôi ư? Tôi rất băn khoăn, vì thế xin trần tình cùng các quý vị, đặc biệt các quý vị được sinh ra từ những năm đầu 60 trở về trước hãy cho tôi ý kiến để cùng làm rõ bạo lực học đường ngày nay do nguyên nhân gì nhằm vạch rõ “tội phạm” đã đẩy bọn trẻ đến tận cùng “thời ăn lông ở lỗ trong hành xử” và góp phần níu kéo (chỉ dám dùng từ này để thể hiện sự hết sức của thế hệ chúng tôi – dù sao cũng chỉ là người dân bình thường) thế hệ trẻ – đang ngật ngưỡng như những “thằng say thuốc lắc” – ra khỏi cái “bể tội ác” của xã hội ngày nay.

Từ phim ảnh, sách báo “đồi trụy” ảnh hưởng bạo lực học đường ư? Ở đây cần nhấn mạnh, thế hệ chúng tôi chưa có internet (đang nói riêng cho các ý kiến đổ lỗi cho internet trong việc làm băng hoại thế hệ trẻ). Internet chỉ là một kỹ thuật thời đại mới do con người phát minh nhằm chuyển tải thông tin đến mọi người phù hợp với thời đại, Internet – nó không hề có tội gì cả trong việc làm cho thế hệ trẻ băng hoại về đạo đức. Chẳng qua, thông tin hồi trước chuyển tải đến con người với tốc độ của “xe đạp” thì bây giờ nhờ có internet thông tin được chuyển đến bằng tốc độ của “phi thuyền bay vào vũ trụ”. Nói chung âm nhạc, phim ảnh, sách báo, tiểu thuyết v.v… cứ bỏ vào “cái phi thuyền internet” là “ngon” nhất, đó là ích lợi mà cho đến nay chưa có phương tiện truyền tải nào qua mặt internet (chưa nói đến các góc độ về kinh tế, chính trị, y tế v.v…)

Phim ảnh, sách báo thời chúng tôi cũng không thiếu (xin nhấn mạnh Miền Nam trước 1975). Các loại tiểu thuyết được chia làm nhiều loại theo lứa tuổi, sở thích, ví dụ như : “tủ sách Tuổi Hoa” có Hoa Đen (chuyên về truyện ma), Hoa Tím (dành cho tuổi mới lớn với những tình cảm xao xuyến ban đầu), Hoa Xanh (tình cảm gia đình), Hoa Đỏ (trinh thám), ngoài ra có Tuổi Ngọc (dành cho thanh niên khoảng 18 đến dưới 25 tuổi), Xìtrum, Lucky Luke (dành cho thiếu nhi)ngoài ra còn có các tiểu thuyết của Mai Thảo (được mệnh danh là vua về tiểu thuyết khiêu dâm), Quỳnh Dao v.v… và còn rất nhiều nhà văn mà tôi không tài nào nhớ nổi (dù sao cũng đã ba mươi lăm năm rồi – mà tất cả ai ở lại SàiGòn sau 1975 đều phải đem sách báo đốt để không bị quy chụp về tư tưởng, nên rất tiếc không còn tư liệu để chứng minh rõ hơn).

Về phim ảnh “bạo lực” thì những Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Địch Long, Sương Điền Bảo Chiêu, Trịnh Phối Phối, Lăng Ba v.v… “tình cảm hình sự, mát mẻ” thì có Alain Delon, Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot v.v… cũng là thần tượng chúng tôi một thời. Phim hành động ư? Ma quái ư? Bạo lực ư? Sex ư? Không thiếu. Chỉ khác do kỹ xảo hình ảnh ngày nay nhờ công nghệ mới mà hình ảnh thực hơn thôi, còn cốt truyện thì chưa chắc đã qua mặt phim ảnh ngày xưa. Chúng tôi (thời bấy giờ) đứa nào nghèo thì coi “phim thường trực” (thường thì chiếu 2 phim một xuất, nên chúng tôi có thể xem từ giữa phim này rồi coi tiếp phim thứ hai sau đó coi lại phim đầu và nếu muốn, có quyền ngồi trong rạp cả ngày, chẳng ai đuổi, vì những phim này đã được chiếu suất rồi, nên ít khách), đứa nào khá giả thì coi “phim xuất”.

Cũng máu, cũng mông, cũng ngực, cũng súng ống, cũng giết người như ngóe, cũng cao bồi Viễn Tây, cũng giật mình hét toáng lên, cũng rùng rợn, cũng nguyền rủa, cũng cấm trẻ em dưới 16 tuổi v.v và v.v… Thế thì tại sao chúng tôi không bạo lực như lớp trẻ bây giờ?

Tôi nhớ, thời đó chúng tôi hay gọi nhau là “phe tóc dài” và “phe húi cua”, chúng tôi cũng giận hờn, xích mích, cũng ẩu đả nhưng xong rồi thì thôi. Tuy nhiên, chỉ cần hai thằng xáp vô mới chừng một cú đấm là đám bạn bè can ngay, những thằng nào dữ dằn mà không chịu ngưng, lớp trưởng sẽ ra khuyên nó, nó còn không nghe thì “méc” thầy là sợ ngay, còn đến mức “méc” ba má nó là coi như nó trở thành “con cún ngoan ngoãn” liền, đố thằng nào dám. Chỉ cần đầu tuần đứng chào cờ xong mà một thằng nào “được” thầy hiệu trưởng gọi lên xướng danh trước toàn trường về “tội đánh bạn” thì chỉ có nước gục đầu xuống đất mà đi, có đứa đánh nhau không khóc mà chỉ cần đứng trước cột cờ từ trên cao (vài bậc tam cấp) là nước mắt cứ tự nhiên mà chảy vì… xấu hổ. Ba má chúng tôi thời đó mà được thầy hiệu trưởng mời vô thì sợ còn hơn gặp cảnh sát và thằng nào mà để ba má gặp thầy hiệu trưởng là coi như “mày lúa đời mày rồi con à!”.

Bọn con gái ư? Cùng lắm không thèm nói chuyện, mắt thì ném cái nhìn “sắc như dao cạo” đến con nhỏ nào mà nó ghét hoặc nặng hơn nữa thì “chia bàn” ra (chúng tôi thường ngồi khoảng 4 đến 5 đứa một bàn đóng thành dãy dài và ghế dài, mỗi bàn chia làm 4- 5 ngăn để chứa cặp, mặt bàn bằng phẳng không ngăn cách gì cả, thế là bọn con gái ghét “thằng nào” hay “con nào” thì dùng viên phấn vạch một đường “biên giới” cấm không cho đứa kia để tay lấn qua vạch biên giới đó để biểu thị chiến tranh, nhưng cùng lắm vài ba buổi học là cái vạch đó biến). Đứa con gái nào mà ủy mị, yếu đuối hơn (thời đó chúng tôi hay gọi là “tiểu thư”) thì kiếm nhỏ bạn nào thân để kể lể tỉ tê, cùng lắm là “nói xấu” nhỏ kia cho đám bạn cùng tẩy chay là coi như thành công, nhưng cũng chẳng lâu cùng lắm là vài tuần hay một tháng. Con gái mà! thôi kệ nó! bọn con trai chúng tôi hay nói vậy.

2. Do cha mẹ đâm đầu lo kiếm sống (dân nghèo), đâm đầu lo mấy cái “áp phe” (dân giàu)ư? Thời nào chẳng có. Cha mẹ chúng tôi thời đó cũng vậy thôi. Những đứa con nhà nghèo vẫn phải vừa đi học vừa đi buôn bán phụ ba má kiếm tiền, đứa nào đỡ hơn không phải đi buôn bán thì ở nhà lo việc nhà, giặt đồ, rửa chén, giữ em v.v… Mấy đứa con nhà giàu thì đỡ hơn nhiều, nhưng đứa nào mà ỷ con nhà giàu thì chỉ cần một đứa hơi “gấu” một chút hất mặt lên hỏi :”Ê! mày ỷ con nhà giàu rồi làm phách hả mậy?” là coi như giải quyết xong. Nói cho ngay, mấy đứa bạn con nhà giàu thời đó lại đa số là những đứa học rất giỏi (vì nó có thời gian để học đâu có buôn bán phụ giúp gia đình gì đâu), nói cho công bằng nữa, mấy đứa đó rất hiểu biết, nó thấy bạn nghèo hơn còn giúp bạn và rất hòa đồng (vì đứa nào đi học cũng mặc đồng phục, nhà trường thời đó chỉ bán cho học sinh phù hiệu, còn quần áo gia đình tự lo cho con cái, nhưng không một đứa nào dám mặc khác bạn).

3. Do sự thờ ơ của thầy cô, nhà trường ư? Càng không hề, chính các thầy cô giáo ngày nay còn khổ hơn trăm bề so với thầy cô ngày xưa. Thầy cô thời bọn tôi là “vua”, khi nói với Thầy Hiệu trưởng về đứa nào hư quá thì có nghĩa là thầy cô đó đã nói rồi mà nó không nghe (chỉ một lần cho một việc mà thầy cô thấy là nghiêm trọng)rồi việc còn lại là do Hiệu trưởng làm việc với đứa đó, chính vì lẽ đó thầy cô ngày trước rất khỏe vì hầu như việc gì nghiêm trọng lắm mới báo thầy Hiệu trưởng, đặc biệt là cỡ tụi tôi (đã là đệ tứ, đệ tam hết rồi) hầu như thầy cô không còn quá chú trọng đến cách học, hành xử của bọn tôi, môn “giáo dục công dân” tụi tôi hầu như đứa nào cũng “qua” thoải mái trong các kỳ thi “đệ nhất, đệ nhị lục cá nguyệt” (nghĩa là học kỳ 1 học kỳ 2 bây giờ) (tôi trộm nghĩ có lẽ từ hồi tiểu học, các thầy cô đã dạy chúng tôi quá kỹ và ăn vào máu về đạo đức rồi).

Vậy thì phim ảnh, sách báo, cha mẹ,, thầy cô thờ ơ sao chúng tôi không hành xử dã man, tàn nhẫn như bọn trẻ ngày nay?

Bạo lực học đường thì cũng có vũ khí. Vũ khí gỉ? nắm đấm, cú đá, dao, búa, lưỡi lam, acid cùng lắm là súng đạn. Những hung khí giúp cho “bạo lực học đường lên ngôi” cũng chỉ là những hung khí xưa như trái đất. Bọn trẻ bây giờ cũng vậy cũng chỉ là những nắm đấm, cú đá (chưa dám nói đến dao búa) mà sao hành vi, nét mặt khi người lớn nhìn phải thốt lên “rùng mình, ghê tởm, mất nhân tính v.v…” Tại sao? thời chúng tôi cũng là những cú đấm, cái đá, cái tát tai như hiện nay thôi mà??!! Tại sao chúng tôi không gây ra án mạng, chúng tôi không tham gia đánh hội đồng (nếu có thì vô cùng hiếm thời chúng tôi)? Chúng tôi không “hồ hỡi”, không “khuyến khích”, không “chế dầu vào lửa”, không “reo hò”,không dửng dưng? Quá nhiều câu hỏi tại sao. Chúng tôi cũng được dạy về giáo dục công dân. lòng yêu gia đình, bạn bè, đất nước, chúng tôi cũng được dạy về sự ích kỷ, giúp người cô thế, vạch mặt cái ác, lên án cái xấu. Bọn trẻ ngày nay cũng được dạy y như vậy thôi mà? Tại sao? KHÁC. RẤT KHÁC. Vì lẽ đơn giản : CHÚNG TÔI ĐƯỢC DẠY ĐẠO ĐỨC THẬT. Chúng tôi PHẢI TRẢ GIÁ cho danh dự, chúng tôi biết xấu hổ và nhục nhã khi hiếp người cô thế, chúng tôi biết tự sỉ vả về những khinh bỉ đối với người bạn nghèo hơn mình, chúng tôi được dạy “lấy thịt đè người” là hành vi đê tiện bỉ ổi, không đáng mặt học trò! Than ôi! tại sao bây giờ những điều trông thấy mà đau đớn lòng!!!

Thời nào nhà trường chẳng có nội quy(!)(?)

Thời nào học trò không được dạy về đạo đức(!)(?)

Thời nào đất nước không có pháp luật(!)(?)

Ôi học trò thời nay! Không các cháu không có lỗi. Đó chính là tội lỗi của người lớn chúng tôi.

Ông Tiến Sĩ Hồ Thiệu Hùng đã nói :”Sự thờ ơ dung dưỡng cho cái xấu” hãy trả lời tôi câu hỏi:

Cái gì dung dưỡng cho sự thờ ơ?

Nguyễn Ngọc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn