BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73177)
(Xem: 62204)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hội ngộ 30 năm ở Brisbane

16 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1589)
Hội ngộ 30 năm ở Brisbane
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ý kiến độc đáo của ông chủ tàu ĐN1601CA mời tất cả mọi người vượt biên trên chiếc tàu với vợ chồng ông cách đây 30 năm tụ họp tại Birsbane, nơi gia đình ông sinh sống từ ngày qua Úc, vào ngày 9 tháng 10, 2010.



 Mấy tháng trước ngày hội ngộ chủ tàu, ông Nguyễn kim Đỉnh, gửi đi một bức thư ngỏ. Lá thư nói rõ mục đích của ngày hội ngộ lịch sử. Ông nhắc đến những nguy hiểm mọi người đã trải qua, từ lúc nửa đêm chuyển người qua bãi chà là để trốn vào chỗ vắng chờ taxi ra tàu lớn. Sau ba mươi năm mọi người đã an cư lạc nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở Úc. Đây là dịp gặp gỡ để cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa vì ai cũng biết rằng chỉ có phép lạ mới đưa hết 163 thuyền nhân đến bờ tự do an toàn. Nhưng tôi tâm đắc nhất một câu nói của ông trong bức thư: nếu không vượt thoát thành công thì mặc dù 163 người sinh khác ngày nhưng chắc chắn chúng ta sẽ có chung một ngày giỗ. Câu nói chân tình đọc lên tôi chợt nghe một luồng hơi lạnh chạy suốt sống lưng khi nhớ lại cơn bão kinh hoàng vào đêm thứ 2 trong chuyến vượt biển. Cơn bão với những con sóng cao ngất trời suýt nhận chìm từng ấy người vào lòng biển khơi. Thêm vào đó bọn hải tặc kéo chiếc tàu ĐN1601 chạy vòng vòng trong vịnh Thái lan suốt nửa ngày đường làm mất phương hướng. Đứng bơ vơ giữa biển rộng mênh mông, chúng tôi không biết phải quay mũi về hướng nào. Thật may khi buổi tối bầu trời khá quang đãng để nhận diện một vài vì sao qua sự hiểu biết của ông tài công. Sớm ban mai đã thấy mặt trời, thấy hướng Đông, đoán phương hướng để tiến về phía đất Mã-lai. Câu nói trong bức thư thật đúng, chúng tôi may mắn đã không có chung một ngày giỗ.

 Tôi bay từ California đến Hobart thăm Cậu Mợ tôi vài ngày rồi cả gia đình bay sang Brisbane ngày thứ 6, mùng 8 tháng 10. Mấy cô em gái của mợ tôi cũng bay từ Texas đến. Đây là những người chung với tôi một chút quá khứ 30 năm trước. Ba cô gái giờ đây đã trở thành bà nội, bà ngoại. Mặc dù tuổi đời đã chồng chất nhưng họ vẫn giữ được nét thanh tú thuở xưa. Tôi nhận ra họ ngay là nhờ những nét thân quen còn đọng lại trên khuôn mặt, ở giọng nói, từ dáng đi đến tiếng cười dòn tan, liến thoắng. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi có dịp ôn lại một vài mẩu quá khứ và chạnh lòng nhớ lại những vui buồn trong chuyến hải hành và những ngày trên đảo. Ôi! Thời gian thấm thoát đã 30 năm.

Phi cơ hạ cánh xuống Brisbane lúc 9:15h sáng. Chúng tôi dự định có cả một buổi sáng rong chơi cho biết thành phố rồi chiều mới ghé vào nhà ông chủ tàu. Rất may, một gia đình quen hiện ở Brisbane, anh chị Luật/Mai thật tốt bụng sẵn sàng nghỉ việc để tiện việc đưa đón chúng tôi. Loay hoay với chiếc xe van thuê mãi đến quá trưa mới ra khỏi phi trường. Lẩn quẩn trong thành phố vì không quen đường sá và cách sử dụng chiếc máy GPS nên lại mất đến hơn tiếng đồng hồ mới về nhà anh chị Luật. Căn nhà rộng rãi, vườn sau có bụi mía, cây lựu, và một vài cây ăn trái khác như một khu vườn tiêu biểu Việt nam. Nghỉ ngơi một chút, tất cả kéo nhau ra khu Việt nam ăn trưa.

 Lần đầu đến Úc, tôi khá lạ lẫm khi bước vào khu thương mại của người Việt. Chợ búa bày trái cây, rau trái ngay trước cửa, rất tiện cho người mua. Hàng quán khá sầm uất, khách vào ra ăn uống tấp nập. Ngay ở giữa khu thương mại là một mảnh đất trống rộng rãi với dù che, bàn ghế. Khách có thể ngồi nghỉ chân hoặc mua càphê, nước uống và tụm năm tụm ba ngồi tán gẫu, chuyện trò. Trời mưa không nặng hạt nhưng rỉ rả từ sáng mang theo chút lạnh của mùa đông vẫn còn lưu luyến chưa chịu nhường hẳn lại cho tiết xuân. Ăn trưa xong, chúng tôi kéo hết từng ấy người vào thăm ông chủ tàu.

 Đường từ motel đến trang trại của ông Đỉnh chừng 17 cây số thì đã có 9 cây số đường rừng. Tuy là rừng nhưng con đường trải nhựa bằng phẳng gồm hai phân lộ, xe chạy bon bon. Rừng thưa nhưng cây cối đủ rậm che tầm mắt. Thấp thoáng sau hàng cây nhà cửa nằm cô đơn xa cách mặt đường. Trời vẫn mưa rỉ rả từ sáng đến giờ, thỉnh thoảng lại xối cả thác nước xuống nhân gian. Thời tiết Brisbane đáng lẽ phải nắng ráo, hứa hẹn một cuối tuần hội ngộ tuyệt vời thế mà ông trời vẫn rơi rớt nước mắt như thương tiếc ai. Xe chạy ngoằn nghoèo một lúc rồi dừng lại trước một căn nhà hai tầng, nằm thênh thang trên mảnh đất đỏ ngoét rộng rãi. Rừng cây đen rậm bao bọc chung quanh khiến căn nhà nhìn nổi bật trên bầu trời xám. Ngõ dốc đứng dẫn từ ngoài cổng dẫn vào nhà lầy lội, trơn trượt, choẹt bùn đỏ quạnh làm dính bước chân. Khách phải bước chậm, cẩn thận từng bước đi. Con ngõ dài chừng 20 mét nhưng phải vất vả chừng mươi phút mới lên được thềm nhà. Bà Hồng, vợ ông Đỉnh, đon đả chạy vội ra đón tiếp chúng tôi. Tay bắt mặt mừng, mọi người vồn vã chào hỏi nhau, kể chuyện đường dài. Bức tường trước mặt tôi in hình bản đồ hình chữ S, phía dưới vẽ hình một con tàu và bài thơ thất ngôn.

 Ba mươi xuân sắc thoáng qua rồi

 Năm ngày cơ cực đã dần trôi

 Hội ngộ mừng nhau nhiều thành quả

 Tụ họp về đây một mái nhà

 Bài thơ thật tuyệt. Tôi được biết đây chính là thủ bút của tác giả. Ông thân chinh đến nhà này và phóng tay viết bài thơ lên vách. Nét chữ bay bướm in hằn lên bước tường trắng nổi bật màu mực đen. Tôi bước lên cầu thang nhỏ dẫn ra phía nhà sau. Nói là nhà nhưng thật sự chỉ là cái mái đủ che mưa nắng. Trừ một mặt có bức tường sau của căn nhà còn ba phía kia để trống hoác. Những tấm bạt nhà binh to rộng che từ mái kéo dài ra hai bên để tránh mưa hắt vào nền nhà. Chái nhà đâm dài ra mảnh vườn có cây cối nằm ngổn ngang, có lẽ chúng vừa bị đốn ngã lấy đất cho buổi hội ngộ. Những khúc cây sần sùi nằm cồng kềnh lăn lóc trên sân sẵn sàng làm mồi cho đống lửa lớn đang cháy ngùn ngụt. Sức nóng tỏa ra làm ấm cả một không gian rộng khuyến khích mọi người kéo đến chuyện trò gần đống lửa. Nhà sau không có vách nên gió lạnh thổi lồng lộng từ phía rừng cây mang theo cái lạnh se sắt. Ở một góc chái, đã có hơn chục người đang mải mê tập hát cho thánh lễ ngày mai. Anh Tỵ ôm cây đàn thùng kiên nhẫn với từng nốt nhạc, từng bài hát. Bài Mẹ Thuyền Nhân nghe an ủi và ấm lòng khi biết có Mẹ đang dẫn những thuyền nhân đến bến bờ tự do. Tập hát một lúc, ông Đỉnh yêu cầu mọi người tạm ngưng để dùng cơm chiều. Cơm nước dọn ra trên chiếc bàn dài. Mọi người ngồi xuống cầm đũa. Hình như niềm vui tràn ngập trong lòng mọi người nên mọi người chỉ gắp thức ăn cho có lệ, còn lại ngồi ôn lại chuyến vượt biển.



 Đoàn chúng tôi ngồi rải rác trên chiếc bàn dài chuyện trò rôm rả. Chuyện nổ ra như bắp rang. Tiếng cười sảng khoái vang lên rộn ràng trong màn đêm phủ kín căn nhà giữa cánh rừng. Chuyện kể lại với những chi tiết không ngờ, buồn có, vui có, giận hờn có, nước mắt có. Tôi không nhớ hết những chi tiết oái oăm nhưng người kể một hai đoan quyết chính tôi là tác giả những câu nói. Thôi, cười xòa và nhận lỗi vậy. Mọi người muốn ôn lại chuyến hải hành đầy gian truân vì có ông cậu tôi là tài công bất đắc dĩ khi tài công chính thức của chuyến tàu bị… say sóng ngất xỉu. Lúc trên tàu không ai biết hết mọi diễn tiến ngoại trừ ông chủ tàu và một vài người thân cận. Người coi sóc máy móc ở dưới hầm tàu nên không thể biết những con sóng cao nghễu nghện đến thế nào. Người đứng ở cuối tàu không thể biết tiếng gió rít thổi xéo qua tai nghe rùng rợn ra sao. Người mệt xỉu vì say sóng cũng không thể nào biết con thuyền bị nhồi lên nhồi xuống trong cơn giông bão xem ra mong manh, nhỏ nhoi hơn bao giờ. Câu chuyện gom góp lại từ ký ức của nhiều nhân chứng nên bây giờ mọi người hình dung được những khó khăn, những gian truân trên chuyến tàu cách đây 30 năm.

 Gió lạnh len lỏi giữa bàn ghế ngồi khiến mọi người ngồi gần nhau hơn để câu chuyện thêm ấm lòng. Ông chủ tàu đã mời được một ban nhạc gồm 4 nhạc công và hai cô ca sĩ. Ban nhạc bận rộn với nhạc cụ, máy móc và dây nhợ dàn rộng trên chiếc bục gỗ. Nốt nhạc đầu tiên búng lên với tiếng trống rộn ràng. Họ cũng biết đây là cuộc họp mặt sau 30 năm nên toàn ban nhạc hết lòng với những bản tình ca về lính, đánh dấu một thuở chinh chiến với bao mối tình tha thiết. Bài Tuyết Trắng mở đầu với tiếng súng nhân tạo vang lên từ chiếc organ và tiếng hát ngọt ngào điêu luyện của một nam ca sĩ. Điệu bolero chải chuốt như những mối tình lớn lên trong chiến tranh tuy vội vàng nhưng nhiều say đắm.

 Mọi người thả hồn theo tiếng nhạc. Có người ngồi trầm ngâm, lặng lẽ hút thước ở một góc vắng. Có kẻ sôi nổi với những bài hát giúp vui. Tiếng trống rộn ràng của một bản nhạc kích động. Giọng cô ca sĩ cao vút ở nốt nhạc của một bài hát thời thượng trong nước. Tôi nhìn mông ra khu rừng âm u ở phía sau. Một màu đen kịt sơn phết lên rừng cây, lên cả bầu trời nên không thấy ranh giới giữa trời và đất. Tất cả chỉ một màu đen u ám. Ba mươi năm trước, tôi đứng ở mũi thuyền khi cơn giông bão hòng nhận chìm con tàu, cũng một màu đen rùng rợn phủ kín trời và biển. Ngọn đèn bão treo ở đầu con thỏ tỏa ánh sáng héo hắt nhưng đủ sáng để tôi thấy những con sóng cao ngất ngưỡng. Phận người bèo bọt có đáng gì trước cơn thịnh nộ của biển cả, của giông bão. Ôi! Mong manh quá, nhỏ bé quá. Tôi khẽ rùng mình; không biết vì hơi lạnh của núi rừng hoặc vì nhớ lại một lần thân phận yếu ớt mỏng dòn khi lênh đênh trên biển?

 Ngày hôm sau, ngày 9 tháng 10 là ngày cao điểm của lần hội ngộ. Mọi người đổ về nhà ông chủ tàu. Có người từ Sydney, Melbourn, Tasmania, và các tiểu bang ở phía bên kia nước Úc. Ở Hoa kỳ chỉ có mấy cô em của bà mợ tôi đến từ Texas, và một mình tôi từ Cali. Có nguyên một gia đình đến từ Tân-Tây-Lan. Sáng Chủ nhật hôm đó trời đổ mưa nặng hạt, con đường từ cổng vốn đã lầy lội bùn lại càng trở nên nhão nhoẹt hơn vì dấu chân người dẫm lên không ngừng. Có người bước không khéo đã ngã xóng xoải lên con đường đất. Bùn đất dính bê bết vào bộ đồ vest. Thế là mất toi bộ đồ, đành phải quay về khách sạn để thay bộ đồ khác. Có kẻ thấy cảnh “tung vó đo đất” đã vội khôn ngoan vào xe thay hết bộ đồ vía, chỉ mặc bộ đồ cánh để bước qua “đại lộ kinh hoàng”, bàn tay giữ chặt bao ni-lông đựng bộ đồ vía. Vượt qua đoạn đường đất khá vất vả bước lên thềm nhà rồi mới thay bộ đồ vía.

 Số người đổ về nhà ông chủ tàu tăng dần. Xe hơi đậu chật trước cổng. Chủ nhà phải xin phép chủ nhà bên cạnh cho khách đậu nhờ. Vợ chồng ông chủ tàu tiếp khách ngay tại thềm nhà. Tay bắt mặt mừng, ông chào hỏi mọi người. Có những khuôn mặt lạ lẫm, hỏi ra mới biết mấy thằng bé vượt biên theo diện mồ côi, nghĩa là không có họ hàng thân thích ở ngoại quốc. Thế mà bây giờ đã vợ con hai ba đứa. Vợ chồng gom góp đi dự ngày hội ngộ, không màng công ăn việc làm đang lúc khó khăn. Có những mái tóc lấm tấm bạc, lúc ra đi trên đảo đang còn là thanh niên khỏe mạnh, nhớ lại đêm vào Côn sơn xin nước sau một ngày lênh đênh trên biển và ông chủ tàu khám phá không đủ nước cho từng ấy người, họ đã can đảm buộc dây vào người nhảy xuống tàu trong đêm tối bơi vào bờ. Lần theo sợi dây, cả chục thanh niên mới nhảy theo bơi vào một hòn đảo ở Côn sơn. Người giữ đảo thật tốt, anh không những cho cả chục can nước mà còn biếu thật nhiều trái cây. Ông chủ tàu sẵn sàng dành cho anh một chỗ trên tàu nhưng anh quyết định ở lại chỉ vì vợ con còn kẹt lại trong đất liền.

 Những thuyền nhân đứng ở thềm nhà ông Đỉnh hôm đó ôm chầm lấy nhau, hỏi han về gia đình, công ăn việc làm. Họ sôi nổi ôn lại dĩ vãng những ngày trên đảo, nhất là 5 ngày 6 đêm lênh đênh trên biển cả với cơn bão và những cơn sóng thần cao nghễu nghện đến chóng mặt; với hải tặc, và với những hiểm nguy chưa từng đối diện một lần trong đời. Những hình ảnh kinh hoàng vẫn còn tươi rói trong ký ức. Họ kể cho nhau nghe rõ từng chi tiết cơ hồ họ mới vượt biển tháng trước. Mà người nghe cũng là một trong những nhân chứng của chuyến hải hành chứ chẳng ai khác. Thế mà họ chăm chú nghe kể và góp lời như đang nghe một chuyến vượt biển của một người xa lạ. Có người chép miệng thở dài nói đến buổi sáng tàu bị gãy bánh lái. Cả tàu cứ xem như đã chết vì làm sao hướng mũi tàu vào đất liền. Thế mà ông chủ tàu bàn bạc với mọi người rồi quyết định lấy nắp hầm tàu thay thế bánh lái. Trong chuyến đi làm gì có đồ nghề để sửa chữa một trục trặc chết người như thế. Không đinh, không ốc, chỉ buộc chặt vào cần lái bằng hai sợi dây kẽm khá to. Thế mà cái nắp hầm bằng gỗ đã quằn quại dưới sức nước đưa 163 người lênh đênh thêm 2 ngày nữa và đến bờ biển Mã an toàn. Cuối cùng tất cả đều đồng ý một điểm, chỉ có phép lạ mới có thể giải thích được chuyến vượt biển kỳ lạ của con tàu ĐN1601CA. Phép lạ nhãn tiền mọi người đã gật đầu ngay sau khi đặt chân lên đất liền, và 30 năm sau, họ lại xác tín niềm tin vào Thiên Chúa thêm một lần nữa.

 Ông chủ tàu đọc một bài chào mừng ngắn. Ông nhấn mạnh đây là dịp hội ngộ nhưng mục đích chính vẫn là cảm tạ Thiên Chúa. Thánh lễ tạ ơn do cha Trần Bạch Hổ chủ tế. Ngài thổ lộ thật không ngờ sau 30 năm lại mà con tàu qui tụ được từng ấy người. Đây phải kể là một kỳ công. Ngài cũng chưa bao giờ dâng một thánh lễ đặc biệt đến thế. Thánh lễ của những thuyền nhân. Ca đoàn hình như hát hay hơn bao giờ, bõ công luyện tập cả một ngày thứ Sáu. Giọng của ca viên tha thiết hơn, trầm bổng hơn dâng lên Thiên Chúa đã cứu vớt 163 người hơn 30 năm trước. Tiếng hát lơ lửng giữa vùng đất đỏ, quyện với hơi thở của rừng cây để lại trong lòng những thuyền nhân mối thân tình ấm áp của bầu trời Brisbane. Dâng của lễ lên Thiên Chúa gồm chiếc thuyền gỗ cùng với bánh và rượu, nói lên tấm lòng biết ơn của những thuyền nhân tàu ĐN1601. Chúc bình an, mọi người nồng nhiệt bắt tay nhau nhớ lại những ngày gian truân lênh đênh trên biển. Thánh lễ kết thúc với bài hát “Mẹ Thuyền Nhân” trong niềm hân hoan của mọi người.

 Bàn ghế rộn ràng kê dài dọc theo căn nhà trống vách. Năm dãy bàn dài, cỡ 40 người mỗi dãy; tính ra thực khách và bà con thân thuộc của ông Đỉnh đổ về hơn hai trăm người. Bếp núc nhộn nhịp, lửa đỏ rực dưới đáy nồi, hầu như không bao giờ tắt. Đầu bếp bận rộn rửa, cắt, thái từ sáng sớm đã đành và hầu như suốt bữa ăn cũng chẳng ngừng tay. Thức ăn dọn la liệt trên bàn, mọi người thưởng thức các món trên thực đơn. Ông bà Đỉnh vui vẻ đến từng bàn cụng ly, hỏi han, chụp hình lưu niệm. Có người bảo, chụp đi kẻo không biết khi nào còn gặp lại. Tôi ngẩn người nghĩ đến câu nói mà không nén được tiếng thở dài. Những thuyền nhân ba mươi năm trước bây giờ tóc đã hoa râm, da mồi. Có người đề nghị lần hội ngộ 35 năm. Lòng hiếu khách của ông bà chủ tàu vẫn nồng nàn nhưng với tuổi đời chồng chất, không ai dám chắc sẽ gặp lại hết từng ấy người trong lần tới.

 Có một chi tiết thú vị khi có người đố tổng số người của tàu ĐN1601 đặt chân lên đảo Biđông là bao nhiêu? Câu trả lời ai cũng biết là 163 thuyền nhân. Con số này chưa đúng hẳn. Đúng ra là 163 ½ người vì vừa lên đảo được hơn tháng có một phụ nữ sinh hạ một bé gái. Một phụ nữ mang thai gần đến ngày sanh dám vượt biển kể là một kỳ công. Thời gian đó, chủ tàu thường mê tín dị đoan nên dứt khoát không bao giờ chấp nhận khách mang thai lên tàu. Sở dĩ phụ nữ này vẫn lên tàu như mọi người là vì ông chủ tàu là người có đạo, không tin chuyện mê tín. Một điểm lý thú nữa là bé gái sinh ở đảo năm đó nay đã lập gia đình, một người mẹ với đứa con mấy tháng tuổi. Mẹ bồng con bay từ Tân Tây Lan đến tham dự ngày hội ngộ. Lịch sử của con tàu ĐN1601 gắn liền với số tuổi đời của người đàn bà này. Ba mươi tuổi đời kể từ ngày sinh ở đảo Biđông bằng với ba mươi năm hội ngộ.



 Một buổi tối đầy ắp tiếng nhạc. Mọi người đua nhau hát. Thức ăn dọn vào rồi lại dọn ra mời khách còn quyến luyến đêm hội ngộ. Khách vơi dần khi trời về khuya nhưng tiếng hát vẫn cất lên. Bài “Xin đời một nụ cười” vang lên rộn rã với điệp khúc: TỰ DO ơi TỰ DO! Tôi trả bằng nước mắt, TỰ DO ơi TỰ DO! Anh trao bằng máu xương, TỰ DO ơi TỰ DO! Em đổi bằng thân xác, Vì hai chữ TỰ DO! Ta mang đời lưu vong.

 Vì hai chữ Tự Do, 163 người đã bỏ nước ra đi. Cũng vì hai chữ Tự Do mà hơn nửa triệu thuyền nhân bỏ xác trên biển Đông.

 Cảm tạ Thiên Chúa đã đưa con tàu đến chốn bình an. Cám ơn ông bà Đỉnh, chủ nhân con tàu ĐN1601. Sau cùng, cám ơn khung trời Úc đã đón nhận hơn nửa số thuyền nhân hội ngộ sau 30 năm.

 Hẹn gặp lại nhân dịp 35 năm.

 Sơn Nghị
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn