BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đạo Phật Thể Hiện Trong Cuộc Đời Nhà Vua - Thiền Sư Trần Nhân Tông

12 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1249)
Đạo Phật Thể Hiện Trong Cuộc Đời Nhà Vua - Thiền Sư Trần Nhân Tông
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54




Nhắc đến Trần Nhân Tông, là người Việt Nam, ai trong chúng ta cũng biết đó là ông vua anh hùng đã hai lần đánh thắng cuộc xâm lược của Nguyên Mông, đạo quân bách chiến bách thắng từ Á sang Âu hồi ấy. Nhắc đến Trần Nhân Tông là nhắc đến thời đại cực thịnh của nhà Trần, khi chung quanh ông là những khuôn mặt đã tạo ra cái thời đại lịch sử vẻ vang ấy: Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Mạc Đỉnh Chi, Lê Văn Hưu, Trương Hán Siêu, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Pháp Loa, Huyền Quang…


 

Và riêng với lịch sử đạo Phật Việt Nam, nhắc tới vua Nhân Tông là nhắc tới một trường hợp duy nhất sau Đức Thích Ca: một vị vua bỏ ngôi, xuất gia đắc đạo và trở thành Sơ Tổ của phái Thiền Trúc Lâm do người Việt Nam sáng lập, một cuộc đời biểu lộ cái sức sống diệu kỳ của đạo Phật trong mọi hoàn cảnh đời sống. Vua đã chứng minh được bằng chính cuộc đời mình đạo Phật là cái gì sống động, rằng đối với người hiểu biết, thì đạo Phật có mặt trong giờ phút chiến tranh dầu sôi lửa bỏng, đạo Phật có mặt trong lúc an nhàn nhìn ngắm buổi chiều quê (bài thơ Thiên Trường văn vọng), đạo Phật trên con đường đi khắp thôn làng để giảng kinh Thập Thiện, đạo Phật có mặt trong tất cả các mối tương quan vua tôi, cha con, chồng vợ, người giữ nước và kẻ xâm lăng…

 

Khi nói rằng đạo Phật là cái trục cốt lõi quanh đó cuộc đời Trần Nhân Tông xoay chuyển: khi thì ứng phó với hoàn cảnh này, khi đáp ứng hoàn cảnh nọ, không phải là đề cao quá mức ảnh hưởng của đạo Phật với nhà vua Trần Nhân Tông, không phải là “thấy sang bắt quàng làm họ”. Ông nội vua là Trần Thái Tông, người viết nên bản văn Thiền Khóa Hư Lục; ngay từ thiếu niên vua đã gặp Thượng sĩ Tuệ Trung và thờ làm thầy, vua cũng đã có ý định nhường ngôi cho em để xuất gia; về cuối đời khi đã hoàn thành bổn phận trị nước, vua làm lễ xuất gia ngay giữa triều đình, trở thành Sơ Tổ phái Thiền Trúc Lâm.

 

Vì thế nghiên cứu một vài sự việc trong cuộc đời vua Trần Nhân Tông chính là tìm hiểu xem đạo Phật đã biểu lộ nơi một con người trước những hoàn cảnh khác biệt nhau như thế nào. Sau đây chúng ta xét qua vài sự việc ấy mà không theo thứ tự lịch sử.

 

Hội nghị Diên Hồng: Sau hội nghị quân sự Bình Than, vua triệu tập bô lão khắp nước dự tiệc ở điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến nên hòa hay nên đánh. Tất cả đều đồng lòng: Xin đánh. Năm đó vua 27 tuổi. Ở đây ta thấy sự biểu lộ của tinh thần vô ngã và bình đẳng của đạo Phật. Vô ngã nghĩa là không cho mình là nhất, ý mình là ý trời, mặc dù đang ở ngôi vua, mà trước sự an nguy, tồn vong của đất nước, trước sự có thể thiệt hại lớn lao về sinh mạng và của cải của mọi người, vua không tự mình quyết định, mà xin ý kiến của toàn dân. Bình đẳng là không phân biệt địa vị, tuổi tác, dòng tộc, quyền lợi mà cùng chung nhau tìm ra giải pháp. Có thể nói hội nghị Diên Hồng là sự chiến thắng của tinh thần dân chủ, và sự chiến thắng của lòng dân ấy đã tạo ra chiến thắng quân sự sau đó, là lần chiến đấu gian khổ, nguy ngập nhất.

 

Gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, tạo nên nền hòa bình Chiêm Việt lâu dài: Năm 1301 vua đi thăm Chiêm Thành, sau khi đã xuất gia, vua hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Chiêm dâng hai châu Ô, Lý (Thuận, Hóa tức Bình Trị Thiên) làm lễ cưới. Sự việc này dẫn đến một nền hòa bình ở phương Nam giữa Chiêm và Việt. Về sau, bằng tình cảm đơn giản của mình, dân gian thương tiếc cho công chúa Huyền Trân (Tiếc thay cây quế giữ rừng, Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo), người thì bảo đây là hành động chính trị để có thêm hai châu Thuận, hóa. Xét sâu xa hơn, với một người thấm nhuần đạo Phật từ nhỏ, có phải rằng đây là kết quả của một cái nhìn đạo Phật: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, bất kể màu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Có phải rằng đây là hành động của một người đã xóa bỏ nơi mình đầu óc phân biệt chủng tộc, đã nhìn thấy mọi người đều đáng trân trọng, một người đã xem sự hòa bình và an toàn của mọi sinh vật là quan trọng hơn hết?

 

Trước cái chết của Toa Đô: Năm 1285 là năm nguy khốn của nhà Trần, thế giặc cả thủy lẫn bộ mạnh nhất trong ba lần xâm lăng, triều đình chạy vào Thanh Hóa, phía Bắc Thoát Hoan đánh xuống, phía Nam Toa Đô đánh ra, thế nước như chỉ mành treo chuông, Trần Hưng Đạo phải nói: xin chém đầu tôi rồi hãy hàng. Tháng 5 quân ta phản công, Toa Đô bị chém ở Tây Kết. Khi những tang tóc điêu linh còn sờ sờ trước mắt – Trần Bình Trọng không chịu dụ hàng, “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc”, bị xử chém – Thăng Long bị giặc phá phách hoang tàn, thế mà trước thủ cấp của tướng giặc Toa Đô, vua thương hại nói: “Người làm tôi phải như thế này”, rồi cởi áo ngự đắp lên cho chôn cất. Trong thời phong kiến Trung cổ, một cử chỉ như thế đang lúc chiến tranh quả là hiếm thấy. Đó là một hành động phát lộ từ cội nguồn Từ Bi Hỷ Xả, tạo thành nhân cách đạo Phật. Từ bi trước cái chết của một con người, Hỷ xả trước cái vô minh của tham vọng vô nghĩa của một đồng loại. Cũng với Từ Bi Hỷ Xả đó mà vua cho trả hết tù binh sau khi đã thích chữ trên trán

 

Bao dung với Trần Khánh Dư: Trần Khánh Dư tánh tình có phần thô thiển có chiến công được phong là Phiêu Kỵ Tướng quân – một chức chỉ dành phong cho các hoàng tử - Sau lại dan díu với công chúa Thiên Thụy. Khánh Dư bị án “phải đánh chết”, nhưng vua dặn “chớ đánh chết” rồi lột bỏ chức tước, sản nghiệp về làm nghề bán than ở Chí Linh. Sau, trong hội nghị Bình Than ở Chí Linh, vua cho phục chức làm phó tướng, mà vẫn giữ nguyên án cũ, nhưng cho lập công chuộc tội. Khánh Dư thua trận nhiều lần, vua cũng kiên nhẫn không hỏi tội như các tướng khác yêu cầu. Mãi đến năm 1288, Khánh Dư mới phá được đoàn thuyền tiếp vận của Trương Văn Hổ, góp phần quyết định cho cuộc kháng chiến thắng lợi thứ 3. Về sau trở thành một tướng giỏi đời Trần.

 

Ở đây, chúng ta nhớ lại lời của Thiền Sư Ngũ Tổ Pháp Diễn: “Người xưa thích nghe lỗi mình, vui với sự làm thiện, kiên nhẫn bao dung kẻ hoang sơ thô lỗ, nhân hậu che điều xấu lỗi cho người, khiêm nhường giao tiếp vói bạn hữu, siêng năng cứu giúp tất cả, chẳng vì được mất mà có hai lòng, bởi thế mà quang minh càng lớn lao, chiếu soi kim cổ”.

 

Qua sự bao dung với Trần Khánh Dư, qua việc cho đốt hết tài liệu thơ từ có thể tố cáo những người có liên hệ với giặc trong thời chiến tranh mà không hề xem qua, phải chăng vua đã luôn luôn tin tưởng rằng cái tốt cái thiện mới là khuôn mặt chân thường của con người, còn cái ác cái xấu chỉ là vô thường, tạm bợ ? Có phải vua đã luôn luôn có niềm tin vĩnh cửu của Kinh Pháp Hoa: “Tất cả chúng sanh đầu bất kỳ hạng loại gì rồi cũng sẽ thành Phật”.

 

Xả bỏ ngôi vua để xuất gia và sống cuộc đời vì tất cả mọi người: Năm 41 tuổi, vua xuất gia ở triều đình, lập ra phái Thiền Trúc Lâm ở núi Yên Tử, từ đây vua tu hạnh đầu đà, truyền bá đạo Phật khắp hang cùng ngõ hẻm cho đến tận Chiêm Thành, đồng thời vẫn làm cố vấn cho con là vua Trần Anh Tông. Có lẽ đây là vị vua độc nhất trong lịch sử Đông Tây đã làm một hành động giống như Đức Phật Thích Ca. Sự xả bỏ ấy là sự xả bỏ của một người đã thấy thật tướng của tất cả các pháp, đã giải thoát, tự tại với tất cả, như chương thứ 42, Đạt Thế Tri Huyễn của Kinh Bốn Mươi Hai Chương ghi nhận: “Đức Phật nói: Ta xem thấy ngôi vua chúa như bụi qua khe hở, thấy châu báu vàng ngọc như ngói đá, thấy gấm vóc lụa là như vải rách, thấy đại thiên thế giới như trái lật trong bàn tay, thấy hồ nước A Nậu như thau rửa chân bẩn. Ta xem thấy những món phương tiện như thành báu huyển hóa, thấy vô thượng thừa như vàng ngọc lụa là trong mộng, thấy Phật đạo như hoa trước mắt, thấy thiền như cột trụ núi Tu Di, thấy Niết Bàn như ngày đêm thức tỉnh, thấy chánh kiến tà kiến như sáu con rồng lượn múa, thấy bình đẳng như thật địa nhất chơn, thấy sự hưng hóa như cây cỏ bốn mùa”.

 

Đó là cái thấy của Trần Nhân Tông khi bỏ ngôi vua để thành một Thiền sư giải thoát, như lời nói cuối cùng của vua: “Tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt. Nếu thấy hiểu như thế. Chư Phật thường hiện tiền”.

 

Nhưng sự xuất gia của vua không phải là thái độ tiêu cực “bỏ đời” mà chính là sự hoàn thành ở mức độ cao nhất cái bổn phận trách nhiệm của một con người: tự giác, giác tha. Từ đây, với tư cách là một ông vua bỏ ngôi, một vị Thượng hoàng, một vị Tổ đầu tiên của Thiền Trúc Lâm, đồng thời là một Quốc sư, vua một thân một mình với hạnh đầu đà đi khắp hang cùng ngõ hẻm để truyền bá Phật pháp. Sự xuất gia đó là thành tựu đẹp đẽ nhất, trong đó con người chính trị, con người thao lược, con người văn hóa, con người đạo đức kết hợp nơi một đỉnh cao: hoàn toàn sống vì mọi người, cho tất cả mọi người.

 

Để kết luận, khi nhắc lại cuộc đời Trần Nhân Tông là nhắc lại một con người đã thể hiện, đã sống đươc đạo Phật, đã biểu lộ cái Chân Thiện Mỹ ra giữa cuộc đời. Vua là bằng chứng nổi bật cho điều chúng ta thường nói: dùng cái chân lý “bất biến” của đạo Phật mà “tùy duyên” với mọi cảnh, bất biến để tùy duyên, tùy duyên mà bất biến. Đó là một cuộc đời “khế lý khế cơ”. Nơi vua những danh từ như bình đẳng, vô ngả, từ bi, hỷ xả, vị tha… những ý niệm như “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật”, “Giải thoát hiện tiền ngay trong đời sống”, “Phật pháp chẳng lìa thế gian pháp”, “Sanh tử tức Niết Bàn” không còn lý thuyết, mà danh từ đã biến thành thực tại, ý niệm trở thành thực tiễn, đó có phải là điều mà đạo Phật gọi là sự tu chứng?

 

Qua vua chúng ta thấy đạo Phật không bao giờ cạn nguồn. Đạo Phật là nguồn sống không bao giờ cạn, luôn luôn sẵn sàng cung ứng cho mọi hoàn cảnh sống, cho mọi cuộc đời, cho mọi biến thái phát triển của lịch sử. Vấn đề duy nhất còn lại là vấn đề của mỗi chúng ta: chúng ta vận dụng được đạo Phật vào cuộc đời, vào hoàn cảnh mình như thế nào?

 

Với riêng chúng ta, đạo Phật đã truyền vào từ trước cả Trung Hoa. Với gia sản khổng lồ của cha ông như thế, chúng ta đang và sẽ đóng góp được gì vào sự phát triển vật chất lẫn tinh thần của toàn bộ đất nước chúng ta?

 

Nguyễn Thế Đăng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn