BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ra mắt tác phẩm 'Một Thời Để Nhớ'

11 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1201)
Ra mắt tác phẩm 'Một Thời Để Nhớ'
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51









“Chính sách sai lầm của miền Bắc sau biến cố tháng 4 năm 1975, ngoài việc đã đưa bao nhiêu người yêu nước và trí thức vào những trại tù cải tạo, mà còn giành độc quyền yêu nước, dồn những người dân miền Nam vào đường cùng, phải bỏ quê hương mà đi.” Tác giả Tống Viết Minh phát biểu về tác phẩm “Một Thời Để Nhớ” sắp được ra mắt. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

“Xiieeo, xiieeo, xiieeo, xiieeo, rầm, rầm, rầm, rầm...”

“Tụi nó pháo kích! Hỏa tiễn 122 ly.”

“Thường thì tụi nó pháo kích ban đêm; to gan thật, hôm nay chúng chơi luôn cả ban ngày!”

“Yên trí đi, chúng không dám pháo nhiều, vì lâu sẽ bị phát hiện và tiêu diệt ngay.”

Đó là một đoạn văn tả lại cuộc đối thoại giữa bác sĩ quân y tên Minh và một đồng nghiệp ngay hôm ông đến nhận nhiệm sở mới, vào khoảng thời gian cuối năm 1972, tại một bệnh viện “dã chiến” do quân đội Hoa Kỳ trao lại. Người đồng nghiệp giải thích cho Bác Sĩ Minh biết vì bệnh viện nằm giữa sân bay Phú Bài và Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa, Huế, cho nên liên tục bị nghe hay trúng pháo kích.

Chuyện xẩy ra cách đây đã gần 40 năm, nhưng với Bác Sĩ Tống Viết Minh, tác giả cuốn sách “Một Thời Để Nhớ,” thì vẫn còn hằn rõ trong tâm trí ông, như mới xẩy ra hôm qua, hôm kia.

“Có những hình ảnh và sự kiện, có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được.”

Bác Sĩ Minh chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt.

Ông giải thích rằng có lẽ phải ở trong vai trò một bác sĩ quân y phục vụ ngoài hỏa tuyến, mới thấy hết được sự tàn phá và hậu quả dã man mà chiến tranh gây ra cho giới trẻ Việt Nam.

Như chuyện ban ngày, những chuyến phi cơ vận tải quân sự của Không Lực VNCH C123, C119 và C47 bay từ Sài Gòn ra, đổ hàng hàng lớp lớp tân binh Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân xuống phi trường Phú Bài, thì ban đêm “cũng những chuyến bay này” mang xác của không biết bao nhiêu thanh niên tuổi từ 17 đến 18 từ chiến trường trở về Phú Bài.

Ông viết: “Cũng tại phi trường Phú Bài này, cách nơi họ lên xe chưa đầy 100 bước, trong một căn nhà mái tôn thật lớn, bao nhiêu đồng đội của họ đang nằm yên bất động trong những chiếc quan tài phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Những quan tài được xếp thành hàng bốn rất thứ tự, cứ thế xếp cho đến khi không còn có thể xếp được nữa trong căn nhà ấy.”

Và cuộc trao trả tù binh giữa hai miền Nam Bắc, theo Hiệp Ước Paris, ông miêu tả những tù binh CSVN được thả, mà ông kể lại trong tác phẩm của mình: .”..Cán binh Việt Cộng xuất hiện, trong những bộ đồ bà ba nâu, đầu trần, chân đi dép râu, khuôn mặt đằng đằng sát khí, không cười, không nói, họ đi rất thứ tự, tay người này kẹp trong tay người kế cận. Trước khi lên xe, không ai bảo ai, tất cả đều cởi bỏ đôi dép râu (mà miền Nam cấp cho họ) để lại sân bay và đi chân đất. Họ từ chối bất cứ một sự giúp đỡ nào của toán quân y (VNCH), kể cả chiếc nạng gỗ dành cho các tù nhân tàn tật.”

Tác giả Tống Viết Minh than: “Đầu họ thành đá rồi!” Và ông giải thích: “Tôi muốn nói là tư tưởng của họ không thay đổi được nữa. Lẽ ra được thả tự do, họ phải vui lắm chứ, nhưng họ không cười, và họ lột hết quần áo ra trả như thể muốn nói ‘đếch cần’ cái gì của các anh.”

Ám ảnh với hậu quả tàn khốc của cuộc chiến, thôi thúc vì thương nhớ quê nhà; băn khoăn với vận mệnh của đất nước; và dằn vặt với tâm trạng của một kẻ sĩ không thể ở lại để kiến thiết đất nước, là những động cơ chính đã thúc đẩy tác giả Tống Viết Minh cầm bút để chia sẻ tâm tư trong tác phẩm “Một Thời Để Nhớ,” dài 300 trang, do ông tự xuất bản.









Hình bìa tác phẩm “Một Thời Để Nhớ.” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Và dù “không có dụng ý chính trị,” nhưng tác giả Tống Viết Minh cho biết thông điệp chính ông muốn gửi đến người đọc là: “Chính sách sai lầm của miền Bắc sau biến cố tháng 4 năm 1975, ngoài việc đã đưa bao nhiêu người yêu nước và trí thức vào những trại tù cải tạo, mà còn giành độc quyền yêu nước, dồn những người dân miền Nam vào đường cùng, phải bỏ quê hương mà đi.”

Bằng một giọng văn kể chuyện rất thân tình, tự nhiên, không cường điệu, tác phẩm “Một Thời Để Nhớ” đưa người đọc đến những vùng đất của quê hương, và ghi lại lịch sử một thời của Việt Nam từ khoảng năm 1972 khi ông tốt nghiệp và nhập ngũ, đến năm 1986, khi ông đáp máy bay rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ.

Đọc “Một Thời Để Nhớ,” người ta không chỉ xúc động, mà còn có cảm tưởng quen biết tác giả từ lâu, có lẽ vì tâm trạng của Bác Sĩ Tống Viết Minh cũng là tâm trạng chung của những người thanh niên yêu nước, nhập ngũ với lý tưởng phục vụ, đớn đau trước sự tàn phá của chiến tranh, sửng sốt trước cách cư xử của những người anh em cùng chung một chủng tộc nhưng khác chiến tuyến, rồi sống kiếp lưu vong ôm ấp trong lòng niềm hoài nhớ quê nhà...

Tác phẩm “Một Thời Để Nhớ” sẽ được ra mắt vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011 tại:

Trung Tâm Công Giáo

1538 N. Century Blvd.

Santa Ana, CA 92703

(714) 554-4211

Đến với buổi ra mắt tác phẩm, để ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm một thời để nhớ.

Hà Giang/Người Việt

10-05-2011

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn