BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đi tìm mùa xuân

16 Tháng Bảy 197712:00 SA(Xem: 1335)
Đi tìm mùa xuân
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tin đồn ai có được một bộ hài cốt quân nhân Mỹ để trao cho các phái đoàn đang đi tìm thì sẽ được họ bảo trợ đến định cư tại Mỹ. Tuy đây là một tin đồn thực hư chưa rõ, nhưng tôi vẫn bám víu vào nguồn tin này để sống, để hy vọng, mơ ước. Nhân dịp hai chú em bà con chuẩn bị chuyến đi tìm trầm trước Tết, tôi xin đi theo để may ra tìm được một bộ hài cốt lính Mỹ trong vùng rừng núi Quảng Trị Thừa Thiên, nơi có phi cơ Hoa Kỳ bị CS bắn hạ trong thời chiến tranh.

Nhìn thân thể ốm yếu của người mới ra khỏi trại tù, Hùng cười nói: Sợ anh không đủ sức thôi. Tụi em nhiều khi tiểu không ra nước đó anh ơi .

Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngoài gạo cơm mắm muối, theo lời Tấn, tôi phải mang thêm một chai rượu đế và một thẻ hương để cúng thần Núi .

Tôi hy vọng con đường lên núi lần này sẽ là con đường đưa tôi thoát khỏi Việt Nam.

***

Đã hai ngày, ba anh em chúng tôi từ khi xuống chuyến xe đò cũ Quảng Trị Đông Hà, rồi lội bộ vào đây đã phải vượt qua nhiều dốc núi đá dựng mà khi leo lên đến cao rồi không dám nhìn xuống. Mỗi lần lên được một con dốc, tôi lại hỏi Hùng và Tấn đây có phải là dốc Trời ơi không, cái dốc mà trước khi đi, hai người em họ đã cho tôi biết để tự lượng sức mình. Nghe tôi hỏi, cả hai cười và lắc đầu. Hùng nói:

- Khi mô anh bật ra tiếng kêu trời ơi thì lúc đó anh mới đến được dốc Trời ơi.

Tấn bồi thêm:

- Khi mô anh tè hết ra quần thì mới đến lận.

Mệt quá, nhưng nghe Tấn nói, tôi cũng tức cười:

- Còn chút chi mô nữa mà tè trời ơi.

Bây giờ thì tôi đang thật sự nằm trên nửa dốc Trời ơi vì chính tôi vừa buột miệng kêu lên hai tiếng trời ơi khi ngước mắt nhìn lên cái đĩnh cao trước mặt. Phải vượt con dốc lên đến đĩnh. Đến được đĩnh rồi thì đi qua các đĩnh khác không khó khăn. Chúng tôi phải cố gắng lên đến đĩnh đêm nay để nghĩ ngơi lấy lại sức, sáng mai mới thật sự bắt tay vào việc của mình.

Lấy lại được hơi thở bình thường, tôi ngồi dậy, kéo ba lô lên vai, nhìn lên dốc nhưng không thấy hai chú em họ vì cây lá che khuất. Tôi cất tiếng hú gọi và tiếp tục leo khi nghe tiếng hú trả lời. Hai người bỏ tôi khá xa nhưng chắc chưa lên đến đĩnh.

Lúc này ánh nắng yếu ớt đang tàn dần còn nhanh hơn những cánh chim chiều đang bay tìm về tổ ấm. Tôi phải cố gắng đuổi cho kịp hai chú em, nếu không, đêm nay phải nằm một mình giữa con dốc này, rất nguy hiểm. Thật vậy, những người đi tìm trầm nói rằng cọp thường xuất hiện giữa con dốc để rình mồi khi màn đêm buông xuống. Có người đã bị cọp bắt nên ai cũng phải cố hết sức leo lên đến đĩnh, đốt lửa quây tụ bên nhau, mắc võng trên cành cao để tránh cọp .

Đêm đó, ba anh em treo võng trên cây gần nhau. Tôi ngủ say vì quá mệt cho đến khi nghe tiếng gà rừng gáy mới giật mình thức dậy. Hai chú em thức dậy trước và đang lo cơm nước cho một ngày hoạt động. Tôi hỏi quanh đây có cây trầm không? Hùng nói chắc phải đến gần biên giới Lào Việt. Nhưng đến gần biên giới đôi lúc lại lạc qua bên phần đất Lào. Nhiều người tìm trầm trước đây đã mất tích khi đến gần biên giới. Có thể họ đã bị quân kháng chiến Pathet Lào bắt giữ vì nghi ngờ làm do thám hoặc bị lạc đường, chết đói, bị thú dữ ăn thịt.

Suốt ngày hôm sau, tôi theo hai chú em leo từ mõm núi này đến mõm núi khác, tai luôn nghe tiếng gió từ đất Lào thổi qua. Theo Hùng thì loài cây mang hương trầm thường mọc trên vùng núi đá cheo leo. Hai người tìm kiếm suốt cả ba ngày vẫn chưa tìm thấy cây trầm nào giá trị mà chỉ đẻo được một ít gỗ có mùi thơm, đem bán chắc không đủ để trang trải tiền cơm mắm. Phần tôi, nhiều lần leo lên ngọn cây cao quan sát chung quanh xem nơi nào có xác phi cơ Hoa Kỳ bị bắn hạ để lần mò tới tìm hài cốt lính Mỹ tử nạn, nhưng vẫn không thấy.

Đã nhiều năm ngưng chiến mà vết thương của rừng núi vẫn chưa lành, thế hệ cây mới chưa đủ sức che lấp những hố bom B52. Đây đó những hố hầm, lều trại xiêu vẹo của quân đội CS vẫn còn. Nỗi buồn âm u của khói đạn bom như vẫn còn vương trên cành cây phiến đá.

Lòng tôi chùng xuống khi thấy một vài chiếc nón sắt hoen rỉ, những lon đựng thức ăn của người lính miền Nam VN trong các lùm bụi.

Đêm đó tôi bị lên cơn sốt. Trong mê mệt tôi thấy nhiều hài cốt nhỏ bé nhảy múa chung quanh, kẻ khóc, người cười hỏi tôi ông là ai, sao chưa chết mà sống sung sướng vậy, sao không hy sinh vì lý tưởng như chúng tôi. Rồi có một bộ xương cao lênh khênh nạt nộ, chê bai mấy bộ xương nhỏ: các người chẳng có ích lợi gì cho ông này đâu, chỉ có ta là người mà ông ấy đang khao khát tìm kiếm.

Tôi giật mình tĩnh dậy mồ hôi toát như tắm dù trời khuya rất lạnh .

Hôm sau, Hùng và Tấn thấy tôi không được khoẻ nên bảo tôi nằm võng nghĩ, đến chiều hai người sẽ trở lại. T

ôi nấu nước uống cho đở lạnh, nằm võng chờ nắng lên.

Mùa này, nắng mai đến muộn vì khí núi và sương mù. Tôi nghĩ thầm biết đâu đây là một đĩnh núi mình đã từng đặt chân đến khi còn là một Trung đội trưởng thuộc Sư Đoàn 1 bộ binh. Đó là những ngày tháng đầy ắp thanh xuân, sáng ngọn núi này, chiều ngọn núi khác, gian khổ hiểm nguy nhưng thật thoải mái, hạnh phúc, làm chủ được đời mình.

Đang nằm nghĩ ngợi miên man, tôi bỗng cảm giác có mùi thơm dịu dàng trong gió. Chắc là quanh đây có hoa lan nỡ.

Tôi ngồi dậy, mặc thêm chiếc áo ấm đã bạc màu rồi lần bước theo triền dốc, chủ tâm tìm một cánh hoa lan, nhưng không thấy.

Xuyên qua khoảng trống do đạn bom tàn phá, tôi thấy phía dưới kia rất xa có những mái nhà, những thôn bảng đây đó ẩn hiện trong sương sớm nắng mai như những bức tranh thuỷ mạc tuyệt vời.

Tôi đứng yên lặng khá lâu với đất trời cây đá chung quanh, hít thở không khí trong lành và cảm thấy như không còn chút bệnh tật nào trong cơ thể. Quê hương đất nước đẹp như thế này sao mình lại muốn bỏ đi.

Khi dừng chân ngồi nghĩ, tôi vui tay chém thử cây rựa vào một thân cây lớn ngã từ nhiều năm, và thật là bất ngờ, đó là thân cây có chứa hương liệu trầm. Vì không biết cách lấy trầm từ thân cây nên tôi ngồi chờ Tấn và Hùng trở về.

Buổi chiều, khi trở về vừa thấy tôi, Tấn nói giọng vui:

- Tụi em thấy mấy bộ xương người bên kia sườn núi, không biết là xương Mỹ hay Việt. Sáng mai tụi em tiếp tục qua bên đó vì hy vọng có trầm. Anh đi theo xem thử, may ra tìm được xương lính Mỹ thì may quá.

Tôi cũng báo tin vui tìm được trầm và dẫn hai người đến bên thân cây đã được làm dấu. Với kinh nghiệm, Tấn và Hùng biết là cây có lỏi trầm giá trị. Hai người vui mừng cầm tay tôi. Tấn nói:

- Đi rừng, có nhiều điều không thể tiên đoán được. Ai có phúc, may mắn mới được hưởng của rừng. Tụi em đi rừng nhiều lần nhưng chưa bao giờ tìm được trầm như anh hôm nay. Nếu rồi đây khi về trót lọt mấy trạm kiểm soát và bọn công an chìm thì gia đình anh em mình sẽ khá thảnh thơi ra đến ngoài Tết.

Tôi cười vui:

- Xem như chuyến đi của hai chú có kết quả tốt. Còn anh cũng rất hy vọng sáng mai khi qua bên kia núi. Mong cho chúng ta được về sớm để các chú kịp giao hàng.

Sáng hôm sau chúng tôi tìm được xác chiếc phi cơ vận tải của Quân đội Hoa Kỳ. Chiếc phi cơ bị đứt làm đôi. Phần đầu máy bị cháy. Hai cánh phi cơ bị nát tung vì đã chém ngã cả một khoảng cây rừng. Phi cơ này bị trúng đạn phòng không hay là hỏa tiển tầm nhiệt SA7 trên đường bay thả dù tiếp tế thực phẩm đạn dược cho căn cứ Khe Sanh. Hai chữ Khe Sanh in đậm trên những thùng sắt vuông lớn vẫn chưa phai mờ.

Chúng tôi lục soát kỹ nhưng không tìm thấy một hài cốt người lính Hoa Kỳ nào trong lòng phi cơ và quanh vùng bị tàn phá mà chỉ có bảy bộ xương lính CS với những cây súng AK và B40 rỉ sét nằm bên cạnh. Tôi cũng nhận ra ba hài cốt của người lính miền Nam bởi những chiếc nón sắt rỉ sét còn trùm lên những xương sọ của họ. Một trận chiến đã xảy ra quanh chiếc phi cơ giữa người lính hai miền Bắc, Nam để dành lấy phi hành đoàn Hoa Kỳ bị nạn. Có thể phi hành đoàn đã bị quân CS bắt làm tù binh và cũng có thể họ đã được lính miền Nam giải cứu. Những quân nhân Hoa Kỳ này sống hay chết thì cũng đã được đưa đi, còn lại nơi này giữa rừng sâu là những bộ xương Việt Nam nhỏ bé.

Khi thấy tôi chôn chung hài cốt của mười người lính hai miền vào một chiếc hố nhỏ, Hùng nói, nửa đùa nửa thật:

- Anh không sợ họ phản đối sao?

- Anh nghĩ rằng không ai phản đối đâu. Tôi trả lời Hùng rồi cầm chai rót rượu xuống đất, thắp ba cây hương, khấn thầm:

- Các anh em ơi, chiến tranh chấm dứt rồi, thôi bây giờ hãy ngủ chung với nhau nơi chốn yên ổn này.

Lẽ ra hôm sau chúng tôi rời khỏi núi rừng vì chỉ còn bốn hôm nữa là Tết, nhưng vì thấy tôi khó lòng mà thực hiện được thêm một chuyến đi xa trong tương lai nên Hùng và Tấn đề nghị kéo dài cuộc tìm kiếm thêm một ngày nữa.

Hùng đề nghị xuống núi, vào một bảng nhỏ cho đồng bào thượng ít muối, bột ngọt rồi hỏi thăm tin tức về những chiếc máy bay Hoa Kỳ bị rơi quanh vùng này trong thời chiến tranh. Hùng tin là có nhiều người biết vì họ thường vào sâu trong vùng núi rừng để săn bắt thú rừng và trồng trọt. Trước đây Hùng và Tấn đôi khi cũng đã ghé vào thôn bảng mua, trao đổi bột ngọt để lấy thực phẩm khi muốn kéo dài thêm thời gian tìm trầm.

Dân chúng trong bảng vui mừng khi thấy chúng tôi. Tấn phân phát cho bầy trẻ con trần truồng reo cười chạy bu quanh chúng tôi những miếng đường đen nhỏ mang theo trong ba lô.

Trò chuyện, tôi biết ông già tộc trưởng rất có cảm tình với lính Mỹ đóng tại căn cứ Khe Sanh trước đây. Ông chỉ vào cái áo Jacket đã quá cũ đang mặc trong người và nói:

- Thằng con Mỹ thấy tôi nghèo quá, lạnh quá nên đã cho tôi.

- Tại sao ông gọi người lính Mỹ đó bằng con như vậy? Tôi mỉm cười hỏi.

- Tại vì thằng con Mỹ gọi tôi bằng cha khi cho tôi cái áo mà. Ông già hảnh diện trả lời.

Ông già đã mặc và giữ gìn cái áo mười mấy năm rồi và sẽ để lại cho người con trai của ông khi ông qua đời.

Khi biết tôi đang đi tìm một bộ hài cốt lính Mỹ, và mục đích của tôi, ông già tỏ ra mừng rỡ. Ông nói rất chân thành:

- Nếu ông thật sự cần thì tôi sẽ giúp cho. Tôi không đòi hỏi bạc vàng gì hết, chỉ cần ông đưa bộ hài cốt đứa con này về Mỹ mà thôi.

Tôi thật rất mừng và ngạc nhiên. Đi tìm bao ngày mà không có, bỗng dưng bây giờ lại được một ông lão người Thượng cho mình cả một gia tài, một tương lai tươi sáng.

Cho đến khi cầm bộ hài cốt trong tay, tôi mới hoàn toàn tin đây là sự thật. Đúng là hài cốt của một người lính Mỹ với những ống xương to và dài, vẫn còn khá rắn chắc, khác xa những ống xương tay chân nhỏ bé của người lính miền Nam VN và bộ đội miền Bắc.

Tôi cầm chiếc thẻ danh bài và đọc to tên người chết cho ông lão nghe. Ông lão xúc động ôm vai tôi và nói:

- Tôi tin tưởng ông sẽ giúp tôi đưa đứa nhỏ này về quê hương của nó.

Tôi gói bộ xương bằng ba lớp giấy thật cẩn thận, cho vào ba lô, cám ơn ông già, ôm vai ông và hứa sẽ làm đúng như ông muốn.

Từ giã ông già tộc trưởng và dân trong thôn bảng, anh em chúng tôi đi thật nhanh. Trong ba anh em có lẻ tôi là người vui nhất. Tôi nghe trong mỗi bước đi của đôi chân mình đang leo trèo, của chiếc ba lô cọ vào cây đá như có tiếng thúc dục khuyến khích, tiếng reo vui mừng của người mang tên Cooks. Tôi có cảm giác như mình đang cõng một đứa bé trên vai, làm sao cho nó khỏi bị va chạm, đau đớn trên đường đi.

Đêm cuối trước khi ra vùng đồng bằng thuộc quận Cam Lộ, chúng tôi căng võng nằm ngủ bên bờ suối sau khi tắm rửa, giặt giủ sạch sẽ để chuẩn bị khi về thành phố. Phải làm sao dấu diếm bộ hài cốt khi lên xe đò. Tôi thao thức vì những tưởng tượng đẹp đẻ của mình. Tôi sẽ được gặp phái đoàn Mỹ. Họ rất vui mừng khi nhận ra chính đây là bộ xương của một người đồng chủng. Họ trân trọng cho vào áo quan và cử hành nghi lể tiển đưa bộ hài cốt như đã từng tiển đưa những người chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh trở về đất mẹ.

Tôi mệt mõi thiếp đi trong mơ ước tự do. Nửa đêm, giật mình thức dậy bởi tiếng mưa dội mạnh xuống mái lều poncho và tiếng ầm ầm của nước lũ từ trên nguồn đang đổ xuống.

Tôi hét lớn gọi hai chú em, rồi nhảy vội xuống võng, tìm cách chạy lên nơi đất cao, không còn thì giờ để lấy ba cái ba lô treo trên một cành cây gần chổ nằm. Nếu không bị nước mưa tạt vào áo, vào cổ lạnh mà tôi tưởng là nước mắt mình, đánh thức dậy kịp thì ba anh em cũng đã bị nước cuốn trôi theo tài sản.

Hai chú em họ luôn thở dài vì thương vợ con đang chờ đợi một cái Tết đầy hy vọng.

Còn tôi, tiếc giấc mơ bị chấm dứt nửa chừng, nhưng suy cho cùng thì giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ, hết giấc mơ này thì mơ tiếp giấc mơ khác, chỉ buồn khi nhớ đến ông lão tốt bụng người Thượng. Tôi hiểu rằng ông đã không bắt tôi trả giá bằng tiền bạc, vật chất vì ông biết giá ơn nghĩa tình cảm của ông dành cho bộ hài cốt quá lớn mà tôi sẽ phải mang theo.

***

Chuyến xe đò ì ạch từ Đông Hà vào Quảng Trị bị chận xét nhiều lần. Những người công an lục tung những chiếc giỏ, bao bị của người đi xe để kiếm tìm trầm. Hình như đối với họ thì ai cũng là người đi buôn trầm. Họ đặc biệt chú ý đến ba anh em chúng tôi. Tìm mãi không thấy gì, một người nhìn chúng tôi cười cười, hỏi:

- Nước cuốn trôi mất hết rồi phải không? Sao ngu ngốc vậy ?

Tôi mỉm cười, khép ngón tay trỏ và ngón cái của bàn tay phải làm thanh hình con số không, đưa lên trước mặt hai người công an như một lời xác nhận. Khách trên xe bật cười. Người công an lắc đầu rồi bước xuống xe.

- Đúng là một con số không to tướng.

Khi xe bắt đầu chuyển bánh cũng là lúc con số không trở thành một đề tài cho mọi người nói chuyện. Người ta lắng nghe nhau nói. Cười vui về con số không người công an vừa nhận. Và rồi buồn về con số không đang bao quanh đời mình.

Một bà lão mặc áo nâu vá vai, mặt mày phúc hậu, mang dáng vẻ một kẻ tu hành, nãy giờ ngồi yên lặng trong góc xe, lắng nghe, bây giờ lên tiếng:

- Đã thấy con số không thì hãy biết đó là con số không. Nói nhiều về con số không cũng không làm cho nó lớn hơn hay nhỏ lại. Mà dù nó lớn hơn hay nhỏ lại thì nó cũng là số không. Các con quan tâm đến nó nữa làm chi.

Xe đang chạy bỗng nhiên dừng hẳn lại. Người tài xế và cũng là lơ xe vội bước xuống cho thêm than vào lò. Anh ta nói:

- Bà con vui lòng chờ cho máy được tiếp nhiệt lượng đầy đủ, sẽ chạy tiếp.

Sau chuyến đi thất bại, tôi còn tiếp tục đi theo hai chú em vài lần nữa. Tuy không tìm được hài cốt lính Mỹ nhưng ít ra mình cũng được sống trong hy vọng ít nhiều. Và một điều mà tôi thấy cần cho tâm hồn mình là để có dịp rót rượu mời những người đã chết khi chôn chung họ với nhau, được nghe họ nói những lời lẻ đầy ắp tình người, tình dân tộc, những lời lẻ mà cho đến nay đã hơn mười hai năm sau ngày ngưng tiếng súng, vẫn chưa có người sống nào nói được.

NPSH
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Mười 20107:00 SA
Khách
Cám on tác giả đã cho tôi thấy đươc tình tự anh em,đồng đội,tất cả trở thành hồn thiên sông núi phù trợ cho con dân nước Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn