BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thuyết Công Dân Cộng Hòa

04 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 933)
Thuyết Công Dân Cộng Hòa
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Là một hệ tư tưởng riêng biệt, nhưng thường đi kèm với tư tưởng dân chủ, chủ nghĩa Cộng hòa là một chủ nghĩa chủ trương thay thế chế độ cha truyền con nối trị vì của nhà nước Phong kiến, bằng quyền lực nhân dân. Nhưng trong mô hình thiết lập nhà nước Cộng hòa, rất nhiều quốc gia đã chấp nhận sự hiện diện song hành của Hoàng gia, như là một phần của hình thức thiết lập chế độ cầm quyền.

 Ở Việt Nam, chế độ Phong kiến đã bị xóa sổ, nhưng chủ nghĩa Cộng hòa – Cái mà từ đó thiết đặt nên một nền móng dân chủ cho đất nước – Cũng chưa có cơ hội phát triển. Để tìm ra phương cách thiết lập và vận hành có hiệu quả chế độ Cộng hòa, Thuyết Công Dân Cộng Hòa ra đời nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của người Công dân trong xã hội, cải biến vị trí thụ động của người dân có dân trí Công dân thấp, thành cương vị người Công dân có đủ năng lực để làm chủ đất nước. Nếu áp dụng đúng, công năng của Thuyết Công Dân Cộng Hòa có đủ quyền lực để “hô biến” một thể chế Độc tài thành thể chế Cộng hòa Dân chủ trong một thời gian cực ngắn. Và sẽ khiến công cụ đàn áp của chế độ Độc tài thành trò cười, vì họ không biết đàn áp vào ai và vào đâu.

 Trước khi đi vào chủ đề “Thuyết Công dân Cộng hòa”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ lược về chủ nghĩa Cộng hòa và tư tưởng Công dân.

 Chủ nghĩa Cộng hòa là một hệ tư tưởng được hình thành sau thời Phong kiến. Trên danh nghĩa, nhà nước Cộng hòa được xây dựng bằng tư tưởng Cộng hòa, tức là chế độ nghị viện. Hệ thống “tam quyền phân lập”, được thiết lập theo chủ đề “chính quyền nhân dân”, do toàn dân bầu ra đại diện của mình trong một cuộc tổng tuyển cử đa đảng, hoặc đa thành phần.

 Chế độ Cộng Hòa được hình thành rất sớm ở Hy Lạp cổ đại, thời kỳ đó người ta chưa thể hiểu thế nào là Cộng hòa, mà họ chỉ nghĩ đến nó như là một chế độ tiến bộ có chính phủ hỗn hợp. Sau này vào thế kỷ XIX tại Châu Âu, dưới chủ trương của chủ nghĩa tự do phát triển kinh tế đa thành phần, chế độ Cộng hòa được thiết lập bằng đầu phiếu phổ thông, lập nên nhà nước pháp quyền.

 Nhưng bản thân hai từ “Cộng hòa” cũng khá trừu tượng. Ở những nước không còn sự hiện diện của nhà vua thì nó được gọi là “chế độ Cộng hòa lập hiến”, hoặc “Dân chủ lập hiến”. Nhưng ở một số nước người dân vẫn có nếp suy nghĩ cũ, tức là trọng công tạo dựng đất nước (giữ gìn hoặc xâm lăng) của nhà vua, cho nên dù vẫn có nghị viện, nhưng quốc gia đó vẫn được gọi là vương quốc, điển hình là nước Anh và hàng loạt các nước từ Âu sang Á khác. Như vậy người ta không thể gọi quốc gia có chế độ chính trị nghị viện đó là Cộng hòa được, nhưng thực tế vai trò của nhà vua chỉ mang tính tượng trưng, cho nên họ gọi những quốc gia loại này là “chế độ Quân chủ lập hiến”. Lịch sử đã chứng minh: Tại các nước Quân chủ lập hiến, tính dân chủ và nghĩa cộng hòa được thể hiện rất cao, thậm chí vượt trội các nước tự xưng mình là chế độ Cộng hòa.

 Như vậy chế độ Cộng hòa thực chất không nằm ở tên gọi Cộng hòa hay không Cộng hòa. Vấn đề là ở cách thiết lập nên thể chế cầm quyền và cách thực thi pháp luật của nhà cầm quyền đó có công minh hay không. Đơn cử như các nước Xã hội chủ nghĩa, họ đều ghép thêm hai chữ “Cộng hòa” vào trong tên gọi của quốc gia mà họ đang nắm quyền. Nhưng thực chất “tam quyền” của chế độ Cộng hòa đích thực đã được thay từ “phân lập”, tức là hoạt động độc lập với nhau, sang “phân công” công việc trong nội bộ đảng duy nhất cầm quyền, hoặc đảng chiếm tuyệt đại đa số trong cả ba cơ quan: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là chế độ Cộng hòa trá hình. Lẽ dĩ nhiên, tính dân chủ cũng chỉ là giả hiệu.

 Chủ nghĩa Cộng hòa sản sinh ra chế độ Cộng hòa (Republic). Nhưng định nghĩa như thế nào cho chính xác thì hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất. Bản thân triết gia Kant cũng cho rằng chế độ quân chủ lập hiến vẫn có thể chấp nhận là chế độ Cộng hòa. Nhưng một số khác lại cho rằng hai từ “quân chủ” bản thân nó đã không Cộng hòa rồi. Sự khác biệt về cách định nghĩa của chủ nghĩa Cộng hòa thậm chí đã phải trả bằng máu, vì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hai cuộc cách mạng: Cách mạng Mỹ năm 1775 – 1783 và Cách mạng Pháp thập niên 1789 - 1799.

 Đối với Việt Nam, chúng ta có quyền kế thừa những tinh hoa chính trị của thế giới. Nhưng để “Việt Nam” hóa, thiết nghĩ cũng nên hiểu chủ nghĩa Cộng hòa theo cách Việt Nam, tức là “Cộng hòa là một thể chế chính trị được xây dựng bằng trí tuệ toàn dân, xuất phát từ một cuộc tổng tuyển cử đa đảng, đa thành phần, lập nên một thể chế “tam quyền phân lập” rành mạch”. Đơn giản hơn, có thể nói: “Cộng hòa là một thể chế có nhà nước đa thành phần, hòa chung bởi quyền lợi chính đáng của mỗi công dân, song hành với quyền lợi đất nước”. Một cách ngắn gọn: “Cộng hòa là thể chế quyền lực Công dân, nó được cấu tạo đa nguyên hài hòa, bình đẳng giữa trách nhiệm, quyền và lợi ích các bên”.

 Về tư tưởng Công dân. Trước hết ta tìm hiểu xem thế nào là một công dân? Một cách hiểu giản dị, công dân là những người dân sống trong một quốc gia hay vùng, miền lãnh thổ. Vậy công dân chính là người dân, nhân dân, hay thần dân một nước? Không đúng! Khi nhà nước Phong kiến ra đời, người dân được đặt vào vị trí “thần dân”, vua bảo sao nghe vậy, họ chỉ là công cụ sai khiến thuộc về nhà vua như mọi thứ tài sản khác của người trị vì đất nước. “Nhân dân” là để chỉ thân phận, vị trí thấp nhất trong thang bậc xã hội nói chung. Còn “người dân” có nghĩa gần giống với “nhân dân”, người ta thường dùng thay hai từ “nhân dân”. Nhưng thực ra nói “người dân” là muốn ám chỉ đến cá nhân mỗi con người trong xã hội…

 Khái niệm Công dân (Citizen) ra đời khi thể chế Cộng hòa xuất hiện. Theo nghĩa tiếng Việt, ta có thể hiểu “Công dân” nghĩa là người dân được xã hội tôn trọng như người chủ đất nước. Điều này khác hoàn toàn về vị trí xã hội so với các khái niệm: Thần dân, thảo dân, hay nhân dân. Đây là một sự đột biến vĩ đại nhất trong việc thay đổi cách nhìn về vị trí xã hội giữa người với người. Trong xã hội Phong kiến nửa Tư bản cổ điển ở Châu Âu, hai chữ “quý tộc” để chỉ ra những dòng tộc cao quý, sống ở tầng thượng lưu xã hội. Thật bất công, khi có rất nhiều người trong những dòng tộc cao quý ấy, lại có nhân cách sống không cao quý chút nào. Còn nếu xét theo nghĩa “quý tộc” là những người giàu (vì thường là như vậy), thì nếu một khi người đó phá sản, sống trong nghèo túng, họ có còn được gọi là quý tộc nữa hay không?

 Như vậy khái niệm Công dân đã khá rõ ràng: Họ là người chủ đất nước, hay vùng lãnh thổ. Điều này lại cũng quá hiển nhiên. Nhưng đối với những thể chế Cộng hòa trá hình, người ta tuyên truyền rầm rộ vị trí người chủ đất nước của người dân, song lại ngấm ngầm tước đoạt mọi phương tiện để người dân có thể làm chủ đất nước. Thành ra, vị trí người chủ của họ chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà thôi. Vì có dân trí Công dân thấp hoặc vì quá cả tin vào những lời đường mật, mà người dân cứ mặc nhiên sống trong sự tự huyễn hão huyền. Và cũng vì thực chất người dân trong các nước có thể chế Cộng hòa trá hình chẳng có quyền hành gì, thậm chí chuyện làm chủ chính bản thân họ, họ cũng không làm nổi, cho nên họ đã bị biến thành một thứ thảo dân, thần dân hiện đại, mà về bản chất không khác gì thứ thần dân, thảo dân cổ điển.

 Có cách nào có thể hóa giải được những nghịch lý oái oăm trên hay không? Rất đơn giản! Vì bất kỳ một nhà nước cầm quyền nào cũng phải sống nhờ dân. Người dân nuôi sống guồng máy công quyền bằng thuế má và đủ mọi hình thức đóng góp khác. Trong thời chiến, người dân lại là người lính cầm vũ khí đi mở rộng bờ cõi hoặc bảo vệ tổ quốc (trong đó có thể chế cầm quyền). Nhưng thật bất công, trong các chế độ Cộng hòa trá hình phi dân chủ, người dân lại không được kẻ chịu ơn nuôi nấng và bảo vệ mình đáp lại cách hợp lý và công bằng. Điều gì sẽ xảy ra, nếu người dân chấm dứt nguồn cung cấp vật chất hoặc từ chối nghĩa vụ quân sự cho kẻ (hoặc giới) cầm quyền?

 Phải khẳng định lại vị trí người chủ đất nước. Nhưng một cách ôn hòa và khoa học nhất, đó là nhà nước cầm quyền phải thực sự có cơ chế trao quyền làm chủ cho nhân dân. Đồng thời người dân phải có trình độ dân trí đủ để ý thức được quyền hạn, nghĩa vụ của mình trong guồng máy xã hội. Người dân có trình độ dân trí Công dân đó, và sống trong sự lãnh đạo của nhà nước đó, chính là người Công dân đúng nghĩa và đích thực. 

 Vậy tư tưởng Công dân chính là việc nắm được nguyên tắc căn bản của chế độ Cộng hòa: Người dân làm chủ đất nước, nhà nước có cơ chế phân lập rành mạch để người dân có thể dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ Công dân của mình. Một người có tư tưởng Công dân là một người ý thức được không những quyền hạn của mình, mà còn biết được đâu là giới hạn của quyền lực ấy. Họ còn phải biết được là bằng cách nào, bằng con đường nào tốt nhất để họ thực hiện được nghĩa vụ Công dân của mình. Công dân làm nên chế độ Cộng hòa, và chế độ Cộng hòa không thể làm nên một công dân. Vậy dân (công dân) là gốc.

 Thuyết “Công dân Cộng hòa” ra đời nhằm khẳng định mối tương quan giữa người công dân và chế độ cầm quyền. Thật đơn giản nếu cụm từ “dân là gốc” được hiểu một cách hình tượng, giống như một cái cây. Nó không thể xanh tốt và vươn cành lá ra xa mà không có gốc rễ. Nếu được hiểu như một thể thống nhất và có từng bộ phận riêng, với chức năng riêng, thì bộ phận gốc rễ và phần thân cành của “cái cây” xã hội là một thể cộng sinh: Thiếu cái này thì cái kia không thể tồn tại. Vậy “Thuyết Công dân Cộng hòa” là một thuyết giống như thuyết Cộng sinh.

 Muốn có một chế độ Cộng hòa đúng nghĩa, để từ đó xây dựng nên một xã hội Dân chủ tuyệt vời, trước hết phải có một xã hội Công dân. Xã hội Công dân là một tập hợp những nhóm công dân khác nhau, có mục đích riêng, nhưng hướng đến một mục tiêu chung là xây dựng xã hội Dân chủ. Các nhóm đó do những công dân có trình độ dân trí Công dân làm nên. Họ tự chọn ra cho mình những cá nhân xuất sắc nhất làm đại diện để lập nên một nhà nước chính trị pháp quyền. Đồng thời nhà nước pháp quyền đó lại tự tạo ra một cơ chế phân lập, để mỗi người dân có thể kiểm soát hiệu quả mọi hoạt động của nhà nước ấy thông qua các đại diện của mình. Xã hội Công dân vừa kể phải thật sự do những công dân đích thực xây dựng. Trên thực tế tại các nước Cộng hòa trá hình, giới cầm quyền nhào nặn ra hàng loạt các tổ chức dân sự bù nhìn. Nhưng vì các tổ chức đó chưa có đủ trình độ dân trí Công dân, và không có thực quyền, cho nên họ không làm được gì khả dĩ có ích cho đất nước và cho xã hội. 

 Có vẻ như không có gì mới nếu nói tư tưởng của Thuyết Công dân Cộng hòa là tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Rất nhiều thể chế Cộng hòa trá hình đã sử dụng câu nói này để mị dân. Thực ra chữ “lấy” trong cụm từ vừa nêu là một hành động chủ động của kẻ bề trên, hoặc ít nhất là của kẻ chủ động, có thẩm quyền quyết định. Tư tưởng của Thuyết Công dân Cộng hòa lại hoàn toàn khác: “Công dân là gốc”. Câu này khẳng định cái gốc thực, cái mầm mống đầu tiên nảy sinh ra chế độ Cộng hòa. Vì nếu không có gốc rễ ắt không có ngọn, và “cái ngọn” rõ ràng là không có quyền “lấy” hay không lấy “cái gốc”.

 Thật dễ hiểu và rất khúc chiết: “Công dân là gốc”. Quyền lực của cái gốc đó chính là quyền lực nuôi dưỡng và bảo vệ. Nếu nhận thức được điều đó một cách đúng đắn thì cái ngọn kia, cái luôn được ví như một thượng tầng kiến trúc của xã hội, sẽ phải biết điều hơn, vì nó phải hiểu rằng nó sống được là nhờ vào cái gốc đã nuôi sống nó. Vậy Thuyết Công Dân Cộng Hòa hướng tới điều gì? Thuyết Công Dân Cộng Hòa đề cao vai trò Công dân trong xã hội. Chỉ có cách lấy trách nhiệm chăm sóc Công dân làm đường lối, lấy mục đích phục vụ con người làm kim chỉ nam, thì nhà nước Cộng hòa mới bền vững. Trong một thể chế, nếu dân chúng bị bỏ rơi, bị coi nhẹ, thì nhà nước đó không thể được gọi là Cộng hòa. Hoặc nếu có, nó chỉ tồn tại như một chiếc hộp rỗng vô giá trị, và ngày cáo chung của nó ắt phải đến. Không ai khác, chính những người dân có dân trí Công dân sẽ dẹp bỏ chiếc hộp rỗng ấy. Bằng cách nào? Đó chính là việc mọi Công dân biết cùng nhau từ chối: Từ chối nuôi dưỡng, từ chối bảo vệ, từ chối hợp tác với nhà cầm quyền. Khi hết nguồn sống, tự nhiên cái thể chế cũ nát xấu xí phi dân chủ kia sẽ tự nhiên sụp đổ mà không cần ai phải “cử động”, dù chỉ bằng một ngón tay của mình…

 Thuyết Công Dân Cộng Hòa khẳng định rằng: Nếu thực sự người dân có dân trí Công dân, trong trường hợp đất nước họ vừa mới trải qua “đêm trước” trong thể chế Độc tài, thì với năng lực Công dân, toàn dân trong đất nước ấy sẽ biết cách thiết lập nên một chế độ Cộng hòa đích thực với cơ chế “tam quyền phân lập”. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn để tránh tai họa tái diễn Độc tài, mà kẻ đến sau đôi khi còn nguy hiểm hơn cả những tên Độc tài trước nó. Quyền lực Công dân chắc chắn sẽ làm tốt điều ấy.

 Thuyết Công Dân Cộng Hòa bảo vệ cho các bên, tuy gọi là “các bên” nhưng vì một nhà nước pháp quyền được xây dựng bằng sức lực và trí tuệ Công dân, vậy cái chính quyền ấy nó chính là một phần của mỗi công dân nước đó, nó sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ mọi công dân. Vì vậy công tác chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh, chính là chăm lo cho mỗi công dân trong xã hội, người ta thường nói “dân giàu nước mạnh” là như vậy. Hiểu câu nói vừa dẫn không phải là làm cho “dân giàu” trước rồi mới đến “nước mạnh”, hoặc dân giàu thì nước tự nhiên mạnh. Thực tế dường như lại là ngược lại: Nước mạnh thì dân sẽ giàu, nước đã giàu mạnh rồi thì trước hết các dịch vụ công cộng sẽ có chất lượng tốt nhưng giá sẽ rẻ đi, chế độ an sinh xã hội được nâng lên, người dân thậm chí không phải lo cái ăn cái mặc theo lẽ thường vì có nhà nước chi trả, cung cấp. Con người sẽ hướng tới những tầm cao cống hiến và thú vui hưởng thụ ở đẳng cấp khác, văn minh hơn, hiện đại hơn.

 Một mặt khác, khi dân chúng tại các thể chế Công dân Cộng hòa thực sự giàu có, nghĩa là họ sẽ có thu nhập cao, vậy mức đóng góp theo định mức thuế các loại cho nhà nước sẽ cao hơn. Điều này lại càng làm cho đất nước thêm giàu mạnh. Nước đã giàu mạnh thì vấn đề tệ nạn xã hội sẽ có xu hướng giảm vì ít nhất các loại tệ nạn ăn cắp vặt tràn lan sẽ không còn xảy ra, bởi các loại hàng hóa thiết yếu và nhu cầu tiêu dùng đã bão hòa. Tệ nạn nghiện ngập các chất kích thích sẽ giảm, con người sẽ trở nên yêu đời hơn, vì theo điều tra thì phần lớn các thói quen xấu như nghiện thuốc lá, nghiện rượu, thậm chí cả nghiện Á phiện, đều có nguyên nhân ban đầu là người ta buồn chán bởi cuộc sống khó khăn không có tương lai, hoặc không lối thoát vì thất nghiệp. Các nguyên nhân khác cũng có nhưng không phải là phổ biến…

 Chuyện tăng dân số phi mã - Một nguy cơ có thể làm sụp đổ cả thế giới - Sẽ bị chặn đứng, vì người dân chú trọng đến sắc đẹp chứ không phải con cái, chú trọng đến hưởng thụ chứ không thích mệt nhọc vì chuyện sinh nở. Vấn đề nòi giống đối với đại đa số, hiện nay không phải là chuyện đặc biệt quan trọng. Còn nữa, ở những nước lạc hậu, trong đó có Việt Nam, người ta có tâm lý sinh con đẻ cái để sau này về già con cái sẽ nuôi nấng và bảo vệ lại mình. Nhưng nay người già đã chắc chắn được nhà nước Cộng hòa chăm sóc tốt, vậy người ta sẽ chọn cách sinh con ít hoặc thậm chí là không sinh con để dành thì giờ cho sự cống hiến và nghỉ ngơi. Điều này đã xảy ra đối với một vài nước Châu Âu đang có tỉ lệ tăng dân số âm.

 Một bằng chứng không thể chối cãi, nếu lấy mốc từ năm 1945 - Năm thế chiến II kết thúc - Đến nay, tất cả các nước có cơ cấu Cộng hòa đích thực đều phát triển vượt bậc, giàu có hơn hẳn những mô hình nhà nước Độc tài nguyên thủy, hoặc Cộng hòa trá hình. Vì giàu có nên nó giải quyết được quá nhiều vấn đề quan trọng mà các thể chế khác chưa làm được. Và sự giàu có đó lại được phân phối cách hợp lý cho mọi công dân, thì ta đã đạt được đến những bậc thang đầu tiên của chế độ Cộng hòa siêu đẳng, siêu cường. Nhích thêm một vài nấc thang về ý thức nữa, thì con người đã có thể được sống trong một thiên đường có thực ngay tại nơi trần thế. Thuyết Công Dân Cộng Hòa hoàn toàn có thể dắt ta đi đến được sự thật đáng mơ ước đó, thì tại sao chúng ta không có quyền hy vọng?

 Lê Nguyên Hồng

Theo http://nguyenhong8406.blogspot.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn