BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73309)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mỗi độ tháng Tư về!

18 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 833)
Mỗi độ tháng Tư về!
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Chữ ký trên bản Hiệp định Paris chưa ráo mực, Cộng Sản Quốc tế vẫn ồ ạt tuồn luơng thực, bom mìn súng đạn cho Hà Nội để ráo riết tấn công quyết chiếm Miền Nam Việt Nam, giữa lúc Hoa Kỳ chấm dứt mọi nguồn hỗ trợ tối thiểu cho cuộc chiến đấu của Quân Dân VNCH đang nỗ lực bảo vệ phần đất Tự do trong vô vọng! Ngày 30 tháng Tư-1975 giặc Cộng đã đạt được mục đích, những nguyên nhân đưa đến thành công của chúng đã ngày càng được phơi bày, sáng tỏ qua tài liệu được giải mật từ Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Paris… Còn hậu quả là Miền Nam Tự Do hứng chịu một cuộc cướp bóc, trả thù ghê rợn vừa tinh vi vừa trắng trợn!

 Những ngày đầu với lời rêu rao: “Cách mạng không tơ hào một cây kim, sợi chỉ, cho đến một cọng rác của nhân dân Miền Nam!” Nhưng chỉ vài hôm sau, từng đoàn xe lũ lượt chất đầy mọi thứ từ thượng vàng hạ cám ùn ùn chở ra Bắc. Tiếp theo là những đợt hành quân lùng sục vàng bạc, châu báu trong chiến dịch “đánh tư sản mại bản!” Khi đó người dân mới ngộ ra rằng: “Cọng rác hay cây kim, sợi chỉ… thì lấy làm gì?”

 Đài BBC ngây thơ báo động: “Sẽ có tắm máu sau khi Cộng quân chiếm được Sài Gòn!” Đã làm cho Hà Nội cười thầm!

 Đối với CSVN thì lò thiêu của Hitler, hay lò sát sinh của Pôn Pốt là hạ sách. Kinh nghiệm Tết Mậu Thân mà chúng đã chôn sống hàng ngàn người đã gây dư luận căm phẫn và ghê tởm trên hầu khắp Thế giới. Những trại tập trung “học tập” trá hình được dựng lên từ Nam chí Bắc với vỏ bọc nhân đạo đã giết dần mòn “đối phương” bằng đói khát và lao động khổ sai, một hình thức đổ máu ngầm. Chưa kể là những hành hạ tinh thần: nhục mạ qua phê bình kiểm điểm, cưỡng ép “kẻ thù” tự đấu tố nhau, thi đua nhau, thúc đẩy nhau lao động dưới mức súc vật!

 Nếu không có những biến chuyển thời cuộc, thì chắc chắn sẽ không còn người tù “cải tạo” nào sống sót để trở về nhà!

 Bị Tầu Cộng trừng trị về cái tội phản phúc, rồi kinh tế kiệt quệ, buộc chúng phải thả tù để nhân viện trợ như hình thức mua bán, đổi chác!

 Ra khỏi nhà tù lại thấy đời sống người dân cơ cực, khốn cùng không hơn gì kiếp tù! Nhiều người đã nung nấu ý chí kháng cự. Công cuộc “Phục Quốc” đã có ngay từ sau tháng Tư-1975, hết đợt nầy đến đợt khác. Nhiều người đã vượt biên ra ngoại quốc rồi tổ chức lực lượng để xâm nhập trở về.

 Những cuộc ra đi bất đắc dĩ sau nầy mang đầy tâm sự buồn chán phải “lìa quê” đành gởi tâm sự cho người ở lại, như nỗi lòng của nhà thơ Tam Kỳ Quảng Nam Phạm Cây Trâm:

 Gửi Cố Nhân

 Chống Cộng lìa quê xa cố nhân 

Trời mây dằng dặc nhớ trăm phần

Đâu ngày tha thiết đường công vụ

Rồi lúc tâm tình chuyện nước dân

Gió lộng Trường Sơn phơi chí cả

Sóng gào Đông Hải rõ tình thân

Giả từ cạn chén hồn say tỉnh

Cỏ nội ngàn mây nhẹ gót trần

 *

Cỏ nội ngàn mây nhẹ gót trần

Đường đời xuất xử cốt “thành nhân”

Tề gia mong ở người hiền đức

Trị nước cần xa bọn nịnh thần

Bè bạn bể dâu ai dũng khí

Nước non hưng phế cảnh phù vân

Dư đồ nhìn lại chiều mưa gió

Tâm sự lìa quê bước tủi thân

 *

Tâm sự lìa quê bước tủi thân

Tội công rõ rệt sá chi cân

Đường cùng chẳng ngại lòng yêu nước

Cảnh khốn đâu sờn chí đạt nhân

Hướng nghĩa vì dân lo diệt Cộng

Đồng tâm báo quốc giữ tinh thần

Xuân về văng vẳng câu đồng vọng

Đêm tối mây tan nguyệt tỏ dần

 *

Đêm tối mây tan nguyệt tỏ dần

Lời nào thề ước diệt Vương Tần

Thành công ví được hưng nhân nghĩa

Quyết chiến dù thua giữ nghĩa nhân

Bốn biển keo sơn tình chiến hữu

Một đời son sắt chữ thân dân

Tâm tư đốt nến soi chân lý

Rằng sử công bằng việc giả chân

 *

Rằng sử công bằng việc giả chân

Nào đâu hùng khí thuở canh tân

Bụi mờ quá khứ buồn kinh sử

Lời sáo ngày nay tủi bản thân

Áo vải cờ lau nên nghiệp cả

Thanh gươm ngọn bút có khi cần

Những ai vị quốc còn tâm huyết

Đây tấc lòng son gửi cố nhân.

 Sài Gòn

Cuối Xuân Tân Mùi 1991

Phạm Cây Trâm

 Người ở lại, nhà thơ Thái Tâm với những lời cổ vũ tha thiết:

 Bài họa 1

Gửi Cố Nhân

 Bôn ba thương bạn gót hành nhân

Dằng dặc mây che dặm tử phần

Đất khách ngỡ ngàng sầu ngoại tộc

Tình quê khắc khoải xót lương dân

Tương tàn xương cốt Trường Sơn hận

Ân nghĩa tình giao tứ hải thân (1)

Đã nguyện đem thân lo nạn nước

Đường xa chi ngại bước phong trần

 *

Đường xa chi ngại bước phong trần

Thiên nhất phương hề, vọng cố nhân

Gió xé biên cương gào phục quốc

Trăng soi cổ độ xót cô thần

Lạnh lùng tuyết giá cành xuân thụ

Man mác sương mờ bóng mộ vân (2)

Đòi đoạn tâm tư cơn quốc biến

Chẳng đâu là chỗ để an thân

 *

Chẳng đâu là chỗ để an thân

Một bước sầu vương, nặng một cân

Tóc dựng người đi thề báo quốc

Gan sôi kẻ ở giận phi nhân

Giang sơn hoài vọng trang anh tuấn

Dân tộc điêu linh loạn tặc thần

Gió trót dật dờ buồn quá khứ

Tâm tư se sắt mỗi canh Dần.( 3)

 *

Tâm tư se sắt mỗi canh Dần

Hừng hực quê hương lửa bạo Tần

Rải trắng thâm sơn xương chiến hữu

Loang hồng Đông hải máu thuyền nhân

Lệ tuôn theo nến nhòa bi sử

Máu chảy thành thơ gởi Quốc Dân

Đã quyết chung tay xoay vận nước

Dù cho mỏi gối chẳng chùn chân.

 *

Dù cho mỏi gối chẳng chùn chân

“Nhựt nhựt tân rồi hựu nhựt tân”

Bốn bể dâng cao triều tự quyết

Năm châu siết chặt mối tình thân

Mài gươm Sát Đát, lòng dân ứng

Tung bút Bình Ngô, thế nước cần

Nhờ gió tha phương, trăng viễn xứ

Đem tâm sự gửi bạn hiền nhân.

 

(1) Mượn ý câu:”Ân nghĩa quảng thi, nhân sanh hà xứ bất tương phùng”

(2) Khi Lý Bạch về Vị Bắc, Đổ Phủ làm thơ gởi có hai câu: “Vị Bắc Xuân thiên thụ. Giang Nam nhật mộ vân”

(3) “Nhất nhật chi kế tại ư Dần” 

 Sài Gòn tàn Đông Tân Mùi 1992

 Thái Tâm

 Cảm xúc từ hai bài thơ đầy khí phách và nhiệt huyết mà kẻ ở lại, người ra đi nói trên:

 Bài họa 2

 Gởi Đồng Nhân

 Tan nhà mất nước vắng hiền nhân

Ruột sục gan sôi tợ lửa phần

Lực yếu, lòng mong xoay vận nước

Tài hèn, chí muốn chuyển đời dân

Quê cha ví chẳng nơi dung địa

Đất khách thôi đành chốn náu thân

Nếm mật nằm gai bao kẻ ở

Người đi chi sá khổ, phong trần.

 *

Người đi chi sá khổ, phong trần

Tụ nghĩa tìm đâu đấng chí nhân

Gươm báu chưa mài chờ dũng sĩ

Hịch thư đã thảo đợi minh thần

Nhất hô lời thánh thành phong vũ

Vạn ứng lòng người tạo bão vân

Ác quỷ dù nanh voi vuốt cọp

Người người hợp lực chúng tan thân

 *

Người người hợp lực chúng tan thân

Vị ngã, vì dân thử đếm, cân?

Thuyền đổ dòng xuôi hiềm nghịch tử!

Xe lên dốc đứng hiểm gian nhân!

Non sông lác đác trang hào kiệt

Đất nước lô nhô bọn loạn thần

Giáo huấn ông cha nay lạc hướng

Nhân sinh xa gốc - “khởi ư Dần” (*)

 *

Nhân sinh xa gốc – “khởi ư Dần”

Bởi thế hồi sinh lũ bạo Tần

Quyết diệt gian tà, hưng đạo nghĩa

Thề trừ ác bá, phục luân nhân

Kề vai dựng đắp cho cường Nước

Sát cánh vun bồi để thịnh Dân

“Cương, kiện, chính, trung, tinh, túy” giữ

Không đem dối trá lộng làm chân

 *

Không đem dối trá lộng làm chân

Cải quá, phương châm “nhật nhật tân”

Khổ nhục truân chiên tôi khí, chí 

Gian lao khốn khó luyện tâm, thân

Súng bom buổi ấy đành vô dụng

Bút mực hôm nay cũng thiết cần

Trăm vạn lời thơ gom một ý

Một lời tâm huyết gởi Đồng Nhân.

( Texas, Mùa Thu Ất Hợi 1994)

Nguyễn Duy Ân

 (*) “ Hỗn mang chi sơ

Vị phân Thiên Địa

Bàn Cổ thủ xuất

Thủy phán Âm Dương

Thiên khai ư Tý

Địa tịch ư Sửu

Nhân khởi ư Dần.”

 *

 Đã gần bốn thập niên, biết bao vật đổi sao dời, hy vọng và ước mơ của thế hệ thứ nhất chưa nên hình dáng, dù “gối chưa mỏi, chân chưa chùn” mà sức thì gần cùng lực đã gần kiệt theo thời gian, đất nước vẫn ngày càng suy vi, dân tình ngày càng khốn đốn. Bản chất độc ác gian tham, ngu hèn bán nước của giặc Cộng ngày càng lì lợm, trơ tráo. Tham vọng và mưu đồ xâm lăng, diệt chủng của Tầu Cộng ngày càng gấp rút, công khai, lộ liễu! Thế lực đối kháng mưu giữ nước có tăng lên nhưng còn ô hợp, còn phân hoá, nhân tài chưa đủ tầm vóc, thiên tài càng vắng bóng! Lớp lớp tuổi trẻ đang dấn thân tiến bước, kỳ vọng gởi một niềm tin, ngoài ra chỉ còn trông chờ cục diện Quốc Tế chuyển xoay có cơ thuận lợi! “Không lẽ quê hương mãi thế nầy!”

 18/4/2011

nguyễn duy ân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn