BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sài Gòn, ngày thảm nhất

03 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 1865)
Sài Gòn, ngày thảm nhất
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Time goes, you say? Ah no!

Alas, Times stays, we go.

Thời gian qua? Nàng ơi..Không phải,

Chúng ta qua, Thời gian ở lại.

Thơ Henry Austin Dobson, bài "The Paradox of Time".

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi Em? Tháng Tư, ngày 20, năm 2004. Ngày này 29 năm trước, quân đội Bắc Việt Cộng với xe tăng, đại pháo, vào đến Phan Rang. Quân ta, dân ta từ khắp miền đất nước kéo nhau về Sàigòn.

Thời gian xóa mòn tất cả, thời gian làm dịu những đau thương, hờn giận, làm mòn những oán thù, làm đầy những tiếc nuối sâu nặng nhất. Đã hai mươi chín năm kể từ ngày ấy…Năm năm cứ đến ngày oan trái, ta thắp hương lòng để nhớ thương, nhưng tiếc thương rồi cũng nhạt đi..Hôm nay Ngày 30 Tháng Tư đang trở lại, tôi thấy quanh tôi và tất cả dường như chẳng còn mấy người tưởng nhớ Ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Đã viết khá nhiều về Ngày 30 Tháng Tư ngay từ những năm tôi sống ở Saigòn, bánh xe lãng tử sang Hoa Kỳ năm nào Tháng Tư trở lại tôi cũng viết về Ngày 30 Tháng Tư. Năm nay tôi đọc lại mấy trang viết về Ngày 30 Tháng Tư của Duyên Anh, trong “SÀIGÒN Ngày Dài Nhất”.

Duyên Anh viết “SÀIGÒN Ngày Dài Nhất” năm 1988. Mới hơn mười năm sau ngày oan trái những hình ảnh Sàigòn ngày 30 Tháng Tư 75 còn đậm nét trong trí nhớ Duyên Anh, những cảm nghĩ còn rướm máu, những đau thương còn buốt nhức trong óc, trong tim Duyên Anh. Bánh xe lãng tử muộn màng đưa tôi đến Mỹ cuối mùa thu vàng năm 1994, mãi đến năm 2003 tôi mới có quyển “SÀIGÒN ngày dài nhất” của Duyên Anh. Đêm buồn..Trời Mỹ không chớp bể cũng chẳng mưa nguồn, nhưng đêm nảo, đêm nao tôi cũng buồn, tôi đọc “SÀIGÒN Ngày Dài Nhất” và tôi thầy tôi sống lại trong thành phố Sàigon ngày ấy hai mươi chín năm về trước..

4 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, Duyên Anh kể:

SÀIGÒN Ngày Dài Nhất. Hồi ký của Duyên Anh, Nhà Xuất Bản Xuân Thu ấn hành năm 1988. Trích:

…Tôi có cảm giác thời gian ngừng lại. Khi tôi mong trời vỡ sáng thì trời không vỡ sáng. Mới 4 giờ. Tiếng súng từ phi trường Tân Sơn Nhất vọng vào đã thưa thớt nhưng tiếng phi cơ trực thăng vẫn ầm ĩ một góc trời thành phố. Tôi bật TiVi. Màn ảnh nhỏ trắng xóa. Không có cái bất ngờ như tôi tưởng tượng. Tôi đâm ra tương tư người lính sửa xe tăng trước cửa nhà tôi tối hôm qua và ông Tướng Vĩnh Lộc. Tôi mở radio. Giới nghiêm 24 trên 24 kể từ 0 giờ ngày 30-4-1975. Lệnh giới nghiêm không thay đổi. Tôi tắt ngay radio để khỏi bị nghe Nối vòng tay lớn và giọng nói tanh tưởi của Lý Quý Chung luận về tình nghĩa Trung Nam Bắc. Có vẻ như thằng ở giữa đần độn này muốn mở đường chào đón "anh em Việt Cộng" của nó. (…)

…Thành tích 7 năm chấp chính của Nguyễn văn Thiệu nằm trong tháng 4-1975. Sự nghiệp vẻ vang của Thiệu nổi bật ở bài diễn văn từ chức và bài diễn văn từ chức rạng rỡ có một câu: "Bảo chúng tôi chống cộng sản mà không viện trợ thì làm sao chúng tôi chống cộng được?"

Rõ là khẩu khí của tên vô lại, của thằng đánh mướn đê tiện. Nhân sinh quan của Nguyễn văn Thiệu in nổi trên xú ngôn quốc sỉ này. Chính vì xú ngôn quốc sỉ này mà Việt Cộng dám thóa mạ quân đội Việt Nam Cộng Hòa anh dũng của chúng ta là bọn lính Ngụy, bọn đánh muớn (…).

…Chúng tôi đến đón Mai Thảo. Nhà văn lừng khừng nhất nước của tôi đã biến. Về sau, do Mai Thảo kể, tôi mới biết anh ta "tìm đường cứu nước" qua ngả Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ đóng vai Mạnh Thường Quân di tản. Tân khách của ông hầu hết là văn nghệ sĩ. Mặc dầu đã tuyên bố nẩy lửa tại Tân Sa Châu rằng nhất định không đi nhưng ông ta vẫn âm mưu đi..(…) Bà Kỳ đi trước. Đài phát thanh ngoại quốc loan tin. Họ bình luận thêm: Tới Guam lần này không có thảm trải, và bà Kỳ bị sịt thuốc sát trùng như mọi người tị nạn! Bà Kỳ đi, để lại mấy cái tủ lạnh đầy nhóc thực phẩm. Tân khách vừa tiêu thụ cạn láng thì ông Kỳ lặng lẽ ra đi. Tân khách ở lại chịu pháo kích tơi bời. May mà ống nước không trúng đạn cộng sản nên tân khách uống đỡ cầm hơi trên đường về nhà mình, vừa lê bước vừa chửi rủa…(…)

...Lúc ấy đã 7 giờ, đường phố không còn hoang vắng như cách đây một tiếng đồng hồ. Xe cộ xuôi ngược, bớt cảnh nườm nượp hàng ngày. Đèn lưu thông chớp nháy tự động ở các ngã tư. Lệnh giới nghiêm của Dương văn Minh vô hiệu quả. Luật pháp quốc gia đã bị coi thường. Người ta có thể tự do thanh toán nhau vì thù hận riêng tư hôm nay. Người ta có thể cướp bóc, hãm hiếp hôm nay. Cảnh sát vắng bóng. Quân cảnh vắng bóng. Nhưng cao quý thay là ngày Sàigòn thả nổi, ngày Sàigòn có chính phủ mà như vô chính phủ, tất cả bình yên nhờ "chân lý mất gì không mất tình người Việt Nam". Tôi muốn vinh tôn dân tộc tôi bằng vàng son chói lọi. Tôi muốn vinh tôn Sàigòn bằng gấm vóc kiêu sa. Thành phố thân yêu của tôi có trái tim của mấy triệu trái tim. Thành phố ấy không hề khích lệ, đốc xúi trả thù, tuyết hận trong cơ hội tha hồ trả thù, tuyết hận và tha hồ nhân danh đủ thứ chính nghĩa. Sàigòn, thành phố nhân bản, thành phố biểu tượng của tình nghĩa Việt Nam, của tình người Việt Nam…(…)

Chiến dịch Hôi Đồ đồng khởi ngoạn mục. Các trụ sở của cơ quan thiện nguyện Mỹ, của Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế, của các nhà cho Mỹ mướn, nhà của những gia đình đã di tản không còn ai trông giữ bị tấn công ào ạt. Người người, lớp lớp, dân Xóm Lách phóng lên đường Công Lý. Thọat đầu, nhân dân "giải phóng" sữa đặc, sữa bột, đồ hộp. Rồi mùng mền, ri-đô. Rồi tủ, giường, bàn ghế. Rồi máy lạnh, tủ lạnh, bếp ga. Rồi cửa sổ, cửa kính. Trẻ già, trai gái, bô lão, nhi đồng tham dự chiến dịch một cách quyết liệt. Rất may không xẩy ra giết nhau vì thù hận cá nhân. Tôi chứng kiến "nhân dân anh hùng" làm thịt gọn một chiếc buýt chuyên chở lính Mỹ. Chiến Dịch Hôi Đồ và sự lưu thông bất chấp đèn đường chiều 29-4 là dấu hiệu rõ nét nhất của sự sụp đổ miền Nam. Kể từ 16 giờ ngày 29-4-75 Sàigòn sống trong tình trạng vô chính phủ. Có một điều để tôi suy nghĩ, để tôi còn yêu mến dân Sàigòn và thành phố Sàigòn là dân nghèo Sàigòn chỉ hôi đồ của Mỹ và những vi-la cho Mỹ mướn bỏ trống. Ý thức đấu tranh giai cấp chưa thấm vào lương tri dân nghèo Sàigòn và không bao giờ thấm nổi. Tất cả những gia đình quyền quý, giầu sang đều bình yên. Ngay cả những gia đình tướng tá, bộ trưởng, cảnh sát hống hách cũng bình yên. Tinh thần dân tộc cao quý thể hiện rõ rệt ở Sàigòn chiều 29-4. Con người, nhất là con người nghèo khổ triền miên bị áp bức, bóc lột được quyền phẫn nộ lúc này, lúc mà luật pháp quốc gia rơi nằm dưới chân họ. Người ta tự do trả thù, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, sát nhân; tự do đối với những đối tượng thù nghịch. Nhưng không một ai thèm hưởng cái tự do đó. Người ta vẫn ăm ắp lương tri và nhân tính. Ngưng trích.

Đây là cảnh trước Tòa đại Sứ Hoa Kỳ lúc 8 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư 75. Trích SÀIGÒN Ngày Dài Nhất:

Chúng tôi đậu xe sát lề đại lộ Thống Nhất, ngay cửa tư thất của ông Đại sứ Pháp tại Sàigòn, thả bộ lên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Trực thăng lên xuống đều đặn. Trên nóc tòa nhà biểu tượng cho quyền uy Hiệp Chủng Quốc ở Việt Nam, vẫn đông nghẹt người di tản. Chung quanh tường Tòa Đại Sứù, Thủy quân lục chiến Mỹ mặc áo giáp, cánh tay trần, kè kè M-16 gắn lưỡi lê sẵn sàng đàn áp những người Việt Nam sợ biển máu. Thủy quân lục chiến Mỹ, binh chủng vẻ vang của quân lực Hoa Kỳ, được thần thánh hóa trong phim ảnh do Hồ-ly-vọng sản xuất, đã và đang diễn nghĩa cái nắm tay thân hữu của Mỹ với các nước đồng minh.(…)

8 giờ 17 phút, bất thần, Thủy quân lục chiến Mỹ rút hết một lượt vào bên trong Tòa Đại Sứ. Dân di tản nhất loạt đứng dậy. Cụ già tỉnh táo. Con nít thức giấc. Mọi người chờ đợi một "biến cố" như một quyết định ban ân huệ vào phút chót. 8 giờ 25 phút, không thể chờ đợi lâu hơn nữa, dân di tản leo tường vào, xô cổng vào. Chiếc trực thăng cuối cùng bay lên lúc đúng 8 giờ 30 phút. Dân di tản đã ùa vô đầy sân Tòa Đại Sứ. Không còn chiếc trục thăng nào xuống nữa. Chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Sàigòn lúc 8 giờ 30 phút ngày 30-4-75. Có thể chuyến đó mang ông Đại sứ Martin ra khơi. Dĩ nhiên ông Đại sứ đã không quên gấp lá cờ sao sọc bê theo…Ngưng trích.

Khoảng 2, 3 giờ trưa ngày dài nhất ấy Duyên Anh đến Công viên Lam Sơn trước Trụ Sở Quốc Hội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa và thấy:

 Trích: Dưới chân tượng đài Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, xác một sĩ quan cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá, mặt đồng phục mầu xanh, bảng tên ở nắp túi áo ngực in chữ Long. Trung tá Cảnh sát Long đã tự sát ở đây. Cộng sản để mặc ông nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm TrungLong, mước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe. Tất cả im lặng.



Trung tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết. Những anh Tướng giữ thành Sàigòn đã đào ngũ. Không có Hoàng Diệu ở những trang lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhận sống hùng trong mọi hoàn cảnh, không thấy một dòng nào về cái chết tuyệt vời của Trung tá Cảnh sát tên Long..(…)

Tôi muốn biểu dương Trung tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sàigòn. Ông đang nằm kia, dưới chân tượng đài Lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam anh dũng. Máu Trung tá Long đã thấm xuống lòng đất me, Trung tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc, ông chết cho danh dựï của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

Cùng lúc ấy đây là cảnh trước cửa tòa nhà Hạ Viện:

Ở đây, chỉ có bộ đội của Mặt Trận Giải Phóng Miền nam mà người ta quen gọi là quân giải phóng. Quân giải phóng mặc quần áo bà ba, quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo, chân mang giép râu. Nhiều người mặc quần xà-lỏn. Bộ đội miền Bắc mặc đồng phục, đội nón cối, mang giép râu luôn. Quân giải phóng treo cờ Mặt trận, thay thế cờ vàng ba sọc đỏ. Khi lá cờ của Việt Nam Cộng hòa bị vứt xuống, bọn cỏ đuôi chó bầy tỏ lòng căm hờn Mỹ Ngụy, xúm nhau giành giật, xé nát. Có đứa dẵm dí dưới chân mình. Có đứa quấn quanh hạ bộ. Bây giờ, tôi đã nhận diện bọn cỏ đuôi chó. Chúng nó là bọn sinh viên xuống đường tranh đấu ồn ào năm xưa. Chúng nó là mấy thằng ký giả thân cộng sản. Chúng nó cách mạng hơn cách mạng. Chúng nó giải phóng hơn giải phóng. Truyền hình Tây Đức thu hết cảnh tượng này. Cỏ đuôi chó ôm quân giải phóng hôn hít thắm thiết, đưa thuốc lá mời mọc, vồn vã, chuyện trò thân mật.

Trên thềm Hạ Viện, một gã giải phóng quân béo tròn trùng trục. Anh ta để ria. Mặt mày nở nang, phấn khởi. Mặc quần xà-lỏn, chân đất, anh ta đeo hai giây đạn tréo trước ngực như Django. Chưa đủ, anh lính giải phóng máng hai khẩu Colt trễ xuống gần đầu gối. Trông anh hề như Fernando Sanchoz. Đó là hình ảnh người lính giải phóng không đội mũ tai bèo. Rõ ràng một thứ thảo khấu. Giải phóng quân vào thành phố còn đeo lá cây ngụy trang. Tôi nhìn những quả đạn B 40, B 41, những quả đạn này đã thụt sập nhiều nhà cửa, đã sát hại vô số lương dân hồi Tết Mậu Thân. Người Sàigòn chưa quên một đám tang tập thể. Những chiếc quan tài khiêng qua khắp đường phố. Lúc này, người Sàigon đứng đây, ngẩn ngơ nhìn cỏ đuôi chó "ôm hôn thắm thiết" những kẻ đã âm mưu giết mình.(…)

…Một nhánh cỏ đuôi chó, tên lính sư đoàn 304, leo lên tượng đài Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Nó buộc hai sợi dây cáp vào cổ hai pho tượng. Nó xiết chặt, kỹ lưỡng. Nó dùng cái búa bổ mạnh trên đầu pho tượng cao nhất. Cỏ đuôi chó hồ hởi phấn khởi reo hò. Ống kính điện ảnh của cộng sản thu kỹ cảnh này, cảnh mà họ đã dàn cảnh. Phóng viên truyền hình Pháp, Mỹ, Đức, Nhật..quay không tiếc phim. Phía dưới, cỏ đuôi chó búa dài, búa ngắn, chuẩn bị đập phá tượng đài…(…)

Nhìn sang Caravelle, tôi thấy vài anh ký giả ngoại quốc đeo súng! Phóng viên nhiếp ảnh, quay phim, thông tín viên, ký giả ngoại quốc ví như lũ đỉa đói đã hút máu cuộc chiến của chúng ta bằng những tin bẩn, phim bẩn, bình luận bẩn của họ. Chính họ đã tiếp tay cộng sản tạo ra hôm nay. Sự hiểu biết thiển cận của họ, sự làm dáng tiến bộ của họ, sự phản chiến một chiều của họ. Sự xuyên tạc, bêu nhục cuộc chiến đấu của chúng ta đầy ác ý đã giúp cộng sản thắng lợi ở ngoài nước trước khi thắng lợi ở trong nước. Phóng viên, ký giả ngoại quốc, đỉa đói và kên kên gớm ghiếc, nhiều kẻ lãnh lương của Việt cộng, nhiều kẻ đần độn, nhiều kẻ tự cho lương tâm mình là lương tâm nhân loại để phán xét chiến tranh Việt Nam. Họ còn ở lại Sàigòn. Họ chưa muốn ..di tản. Họ cần có những thước phim, những tấm ảnh, những bài báo ngưỡng mộ cộng sản. Họ chờ đợi cộng sản tiến vào Sàìgòn. Họ đeo súng. Không phải để đối phó với cộng sản mà để bắn chết bất cứ một người lính vô kỷ luật, một người Việt Nam nào đe dọa mạng sống của họ.(…)

Bẩn mắt vì cảnh mấy thằng phóng viên ngoại quốc đeo súng, tôi lại nhìn về Hạ Viện. Hạ Viện đã giống như chùa Quán Sứ của bà Hồ Xuân Hương:

Hạ viện sao mà cảnh vắng teo

Hỏi thăm dân biểu đáo nơi neo…

Nghị sĩ chạy cả rồi. Dân biểu chạy cả rồi. Chiến hay hòa không còn tiếng vang rung chuyển nơi đây. Cho nên những trang lịch sử chó đẻ nhất của dân tộc phải tính từ ngày 12-3-1975.. ngày ta mất Ban mê Thuột…Ngưng trích.

Hai mươi chín năm nhớ lại chỉ thấy ngậm ngùi, thương đồng bào, thương chiến sĩ, thương thân. Nhưng cũng thấy một chuyện làm tôi ấm lòng. Đó là chuyện không phải chỉ riêng ở Sàigòn mà là ở khắp nơi trên lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, khi quân đội QGVNCH tan rã, khi chính quyền QGVNCH sụp đổ, không có qua một vụ nhân dân QGVNCH trả thù những người họ thù hận trong chính quyền. Hai mươi năm chung sống kể từ 1954, làm sao giữa những người dân nước không có những hiềm thù, những cay cú, những cục đá do những kẻ có quyền ném vào đầu những người kém thế. Phải có chứ. Nhưng chắc không có gì sâu nặng đến tầm mức coi nhau như tử thù. Không cả những lời sỉ nhục, bêu riếu, bới móc. Tất cả nhân dân Quốc Gia VNCH trong những ngày quốc gia tiêu vong ấy đều thấy mình có một kẻ thù chung là những người Việt cộng sản; tất cả mọi người đều thấy quốc gia mất, Việt Cộng vào, tất cả đều khổ, tất cả đều chết, chẳng phải chỉ Việt Cộng chỉ khổ riêng, chỉ làm chết riêng một số người.

Tháng Tám 1975, ở Hà Nội, Tổng bí Thư Đảng Cộng Sản Lê Duẩn nói với những đảng viên:

-- Nếu những người lính Ngụy mỗi người chỉ bắn chúng ta một viên đạn, nếu những người dân Sàigòn mỗi người chỉ ném chúng ta một cục đá, chúng ta đã không vào được Sàigòn..!

Than ôi! Chúng ta đã không bắn viên đạn ấy, chúng ta đã không ném cục đá ấy..Hai mươi chín năm chúng ta than tiếc, chúng ta khóc thương suông ở xứ người..

Năm năm Tháng Tư trở lại, năm năm những người đau khổ vì Tháng Tư theo nhau ra đi. Chẳng bao lâu nữa trên cõi đời này sẽ không còn người Việt tha hương nào nhớ thương nước cũ, nhưng mãi mãi Tháng Tư cứ trở về…

Time goes, you say? Ah no

Alas, Time stays, we go!

Thời gian qua? Nàng ơi..Không phải.

Chúng ta qua, Thời gian ở lại

Than ôi..! Việt Cộng vào Sài Gòn, tôi gầy ốm đến là chừng nào. Da bụng xếp pli như hộp đàn accordéon. Trong căn nhà tối, một sáng ở trần đứng ôm vợ tôi soi gương, tôi kinh hãi thấy tôi gầy ốm xương sẩu như con trâu già. Chỉ sống dưới ách cộng sản mới nửa năm vợ tôi già đi tới mười năm, nàng ốm tong teo, mái tóc không còn mượt nữa, mặt nàng xanh leo, xanh lét. Lâu lắm không làm thơ, hình ảnh vợ chồng tôi trong gương buổi sáng hai mươi chín năm xưa ấy làm cho những lời thơ tìm đến với tôi:

Anh gầy Em lại gầy hơn

Thương ôi..da thịt chỉ còn xương da

Trước gương lặng ngắm đôi ta

Ai hay thân xác ta ra thế này

Một ngày hai bữa cơm chay

Lấy gì Em mượt, Em dầy, hỡi Em!

 

Dìu nhau vượt suối ưu phiền

Anh non tay lái cho thuyền Em chao.

Thương suốt đời, xót sa nhau

Yêu Anh trọn kiếp, kiếp sau Anh đền!

Những năm 1981, 1982 ở Sài Gòn tôi viết một số bài kiểu Tạp Ghi gửi ra nước ngoài, nhiều bài của tôi được đăng trên các báo Việt ngữ ở Mỹ, Úc, Pháp, tôi ký những tên rởm dưới những bài viết ấy: Nguỵ Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu – cắt hai chữ i, y trong Hải Thuỷ thành chữ Hạ Thu – rất tiếc, không ai giữ dùm tôi những bài viết ấy, hai mươi năm sau mới đến được đất Mỹ, tôi không sao có thể tìm lại được những bài tôi viết năm xưa

Những năm 1981, 1982 tôi đặït tên những bài viết của tôi là “Viết cho người yêu”, tôi viết cho những người tôi yêu, cho những người yêu nhau. Bánh xe lãng tử dừng ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, tôi đặït tên những bài viết của tôi là “Viết ở Rừng Phong”. Tôi muốn tất cả những bài viết ở Rừng Phong của tôi chỉ có một đề tài là Tình Yêu – TÌNH YÊU viết hoa cả bẩy chữ, hoa luôn dấu huyền, dấu mũ – tuy muốn thế nhưng đôi khi, chẳng đặng đừng, tôi cũng phải viết một số bài về bọn Chồn Lùi, bọn Cỏ Đuôi Chó. Thực tâm tôi không muốn viết về những bọn đó một tí ti ông cụ nào.

Đến Mỹ đã chín năm, năm nay tôi mới đến với những độc giả tuần báo Sàigòn Nhỏ. Ông Hát Ô tuổi đới tám bó lẻ năm que, ông anh kết nghĩa của tôi, hỏi tôi và bảo tôi:

_ Người ta đi hết biển thì người ta trở về nơi người ra bắt đầu ra đi, còn ông, ông đi hết biển thì ông đến toà soạn báo Sàigòn Nhỏ!

Đến đâu cũng được, miễn là không đến dưới đít bọn cộng sản. Hỡi ơi..bạn tác ngoài trôi giạt..Tôi sẽ viết về Tình Yêu dài dài để bạn đọc trong thời gian tôi còn sống ở Rừng Phong.

 CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn