BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một kiếp hải hồ

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 3171)
Một kiếp hải hồ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ông cha ta thường nói: “Không ai biết ta bằng ta,” văn thì dốt, võ thì nhác, nên không bao giờ tôi có tham vọng làm “văn sĩ” viết bài đăng báo hay đặc san, cho dù đó là đặc san của khóa. Thế nhưng vừa rồi qua điện thư, được “chủ bút” báo cho biết đặc san được in thành tập đầu tiên của khóa, nó chứa đựng biết bao tâm huyết của mỗi một thành viên trong gia đình Đệ Nhị Hổ Cáp nên rất quan trọng, có thể những tờ đặc san kế tiếp, nếu có cũng không thể sánh bằng, nên đã kêu gọi tất cả Hổ Cáp 2 và thê nhi nên hưởng ứng, tham gia, đóng góp bài vở để tờ đặc san đầu tiên, “đứa con so” của khóa chúng ta có một nội dung phong phú. Vì vậy khi “hiền nội” khuyến khích, tôi cố gắng viết nhằm mục đích góp mặt với khóa, lưu lại sau này cho con cháu và cũng qua bài viết này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với những người thân yêu trong gia đình, các bạn bè và những người thân quen, nhất là các bạn Hổ Cáp 2 đã giúp đỡ tôi cách này hay cách khác từ trước tới nay.

GIẤC MỘNG HẢI HỒ

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Tây của Nam Việt Nam, cuộc sống êm đềm với những đồng ruộng bao la và những vườn cây xanh thắm, nhưng sau ngày 1 tháng 11 năm 1963, Dương văn Minh cầm đầu một số tướng lãnh phản bội làm cuộc đảo chánh, giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu, thì quê hương tôi đã bất hạnh trở thành vùng “xôi đậu”, ban ngày Quốc gia làm chủ tình hình, ban đêm Việt Cộng xuất hiện khủng bố, phá rối. Kể từ khi tôi có trí khôn biết phân biệt được điều tốt điều xấu, nẻo chính đường tà thì tôi đã ít nhiều biết rằng Việt Cộng rất dã man, tàn ác. Trong nhóm bạn bè ở quê ra tỉnh học cùng với tôi, có một số bạn bè đã bị Việt Cộng lợi dụng, tuyên truyền đầu độc, thỉnh thoảng họ được mời vào họp tận trong “bưng”, khi trở lại trường đã rải truyền đơn cho Việt Cộng. Thế nhưng đến tuổi trưởng thành có bạn trong nhóm này lại trở thành nạn nhân của Việt Cộng, nhiều bạn đã tham gia vào hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đã hy sinh vì chính nghĩa. Bản thân tôi rất may mắn vì chưa hề bị Cộng Sản móc nối hay mời gọi, không biết là tôi may mắn vì đã không bị các bạn thân cộng móc nối hay các bạn thân cộng may mắn vì đã không móc nối tôi!

Dù đang lứa tuổi học trung học nhưng tâm tư tôi luôn luôn nghĩ rằng trong tương lai tôi sẽ tham gia vào quân đội, đem thân trai cống hiến cho Tổ quốc; tuy nhiên chưa biết sẽ chọn binh chủng nào vì lúc đó ở tỉnh, vào lứa tuổi chúng tôi chỉ biết về quân chủng lục quân Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Thời gian học lớp cuối bậc trung học, tôi và người bạn thân là Huỳnh Ngọc Ẩn (cựu sĩ quan hải quân và đang định cư ở Úc) có quen biết anh Trần Hữu Phước, là Biên tập viên ngành Cảnh sát quốc gia, anh Phước thường nói với chúng tôi là anh rất “mê” Quân Chủng Hải Quân nên đã định thi vào khóa 15 (hay 16?) sinh viên sĩ quan Hải Quân Nha Trang, nhưng vì anh nhỏ con lại ốm nên không đi được, phải đi Biên tập viên ngành cảnh sát quốc gia. Thời gian sau anh được cải ngạch và mang cấp bậc Thiếu Tá của ngành cảnh sát; sau tháng tư đen, anh bị giam ở Bến giá, tỉnh Trà Vinh, anh trốn trại bị Việt Cộng bắt lại; chúng đánh anh một cách tàn nhẫn khiến anh bị bệnh, bị tàn tật, rồi anh lại trốn trại và lần này được thoát. Anh định cư tại Mỹ khoảng đầu năm 1980, do hậu quả đòn thù dã man của Việt Cộng nên chỉ vài năm sau thì anh lìa đời, tôi không có cơ hội thăm anh để nói lời cám ơn vì nhờ anh mà sau này tôi đã trở thành HC2.

Sau khi đậu tú tài II ban B, tôi ghi danh học chứng chỉ năm thứ nhất toán, lý, hóa tại trường Đại học khoa học Sài Gòn. Do những ý tưởng về lòng ham muốn trở thành sĩ quan Hải Quân của anh Phước ăn sâu vào tiềm thức nên khi biết Quân chủng Hải quân đang tuyển mộ sinh viên sĩ quan, tôi vội bỏ học, cùng vài người bạn tình nguyện xin gia nhập, được chọn vào học khóa 20 SVSQ/HQ/NT, còn các bạn tôi thì phải chờ khóa sau hoặc qua Mỹ học khóa OCS. Vậy là tôi đã đạt thành ý nguyện. Khóa 20 được nhập trại vào tháng 3 năm 1969 và ra trường vào cuối tháng 7 năm 1970, có tên gọi là Đệ Nhị Hổ Cáp. Tôi chọn ngành chỉ huy, nơi phục vụ đầu tiên là Tuần duyên Hạm Kim Quy HQ605 thuộc BTL/HD (Hải đội tuần dương), sau gần 2 năm đi tàu với một thời gian ngắn làm hạm phó thì tôi được đổi lên đơn vị bờ trải qua các đơn vị như Căn cứ hải quân Vũng Tàu, Sở An ninh hải quân, Ty I an ninh hải quân. Năm 1975, tôi đang công tác ở Bộ chỉ huy liên đoàn đặc nhiệm 231.1 đóng tại bãi biển Thuận An, cách thành phố Huế chừng 14 cây số. Thời gian làm việc tại đây tôi quen với một cô sinh viên văn khoa nhân dịp gia đình cô về bãi biển Thuận An cắm trại cuối tuần để trốn cái nắng gay gắt của mùa hè ở Huế. Tình cảm nảy nở theo thời gian, chúng tôi yêu thương nhau và hai bên cha mẹ đã tổ chức đám cưới cho chúng tôi vào năm 1974, có nhiều bạn bè Hải quân tham dự để kết thúc một mối tình hoa mộng, đó là “hiền nội” của tôi bây giờ.

VẬN NƯỚC NỔI TRÔI

Chiều tối ngày 23 tháng 3 năm 1975, trung tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh tiền phương quân đoàn I ra lệnh cho toàn đơn vị đang đóng tại Thuận An - Huế di tản vào Sơn Chà – Đà Nẵng. Nhờ tôi đã đón vợ và gia đình vợ về căn cứ Thuận An từ lúc trưa nên gia đình vợ và vợ tôi đã theo tàu của đơn vị di tản vào Đà Nẵng luôn. Được bạn Tôn Thất Cường đưa xe ra đón gia đình tôi về nhà người chị họ ở Tam Tòa. Chỉ được ít ngày tôi lại tiễn gia đình gồm bà ngoại già trên 80 tuổi, bà mẹ yếu đuối, đàn em nhỏ dại và vợ đang mang thai ra bãi Tiên Sa để lên tàu xuôi Nam, còn ba vợ và tôi thì ở lại. Tôi di tản theo đơn vị vào Đà Nẵng, tình hình chiến sự càng ngày càng biến động, chúng tôi có hỏi BTL/HQ Vùng I Duyên Hải nhiều lần nhưng cấp trên vẫn không có quyết định gì, mặc dù biết cứ bám theo đơn vị như vậy, đến phút cuối chắc chắn chúng tôi sẽ bị bỏ lại, thế nhưng tôi và tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc ty I an ninh Hải quân, trong đó có bạn cùng khóa là Tôn Thất Cường, vẫn ở lại đơn vị chờ lệnh di tản. Quả đúng là chúng tôi bị bỏ lại, sang ngày 29, với đầy đủ vũ khí cá nhân mang theo, chúng tôi đã tự túc tìm phương tiện về Sài Gòn, suýt bỏ mạng tại bãi biển Thanh Bình bởi mấy tên du kích Việt Cộng, cuối cùng chúng tôi may mắn lên được một hải vận hạm để về Cam Ranh. Đến Cam Ranh, tôi và ba vợ tôi phải mất mấy ngày đi tìm gia đình trong rừng người trùng trùng điệp điệp ở mấy trại tạm cư, cuối cùng gặp lại nhau tại căn cứ Markettime, ngay đêm hôm đó gia đình chúng tôi lại lên tàu di tản vào Nam cùng với toàn bộ trại gia binh của căn cứ. Chiếc HQ802 đưa chúng tôi và đồng bào di tản đến đảo Phú Quốc, tại đây được bạn Hồ văn Xách cho xe ra đón gia đình tôi vào căn cứ hải quân, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau có tàu nhỏ đưa một nhóm vợ con hải quân, trong đó có gia đình tôi qua Rạch giá, có xe GMC chờ sẵn đón tất cả về Sài gòn, chúng tôi có mặt tại Sài gòn ngày 10 tháng 4 năm 1975.

Đơn vị chúng tôi được tái phối trí tại căn cứ Hải Quân Cát Lở - Vũng Tàu, mỗi cuối tuần chúng tôi chia phiên nhau đi phép. Ngày 26 tháng 4, tôi và Tôn Thất Cường, cùng phân đội, đi phép về Sài gòn thăm gia đình vì lúc đó vợ tôi, cùng gia đình tạm trú tại nhà người quen ở Cầu Sơn – Bà Chiểu. Sau mấy ngày thăm gia đình, tôi trở lại đơn vị nhưng đường Sài gòn – Vũng Tàu bị cắt, không lưu thông được vì có những trận chiến ác liệt giữa quân ta và quân địch, đoạn đường “Quán chim” ở Long Thành bị Việt Cộng chiếm nên tôi không thể ra lại Cát Lở được, lòng tôi nóng như lửa đốt nhưng không biết làm sao có phương tiện để đi. Ngày 28 tháng 4, tôi từ giã vợ và gia đình để đến Bộ tư lệnh Hải quân, trước khi ra đi tôi có nói cho vợ tôi biết rằng tôi không thể đưa vợ đi di tản theo tàu ra ngoại quốc được vì vợ tôi sắp sanh đứa con đầu lòng, theo tàu lênh đênh nhiều ngày ngoài đại dương sẽ rất nguy hiểm, vì trước khi rời Cát Lở, có một số tin đồn trong đơn vị là nếu Cộng Sản chiếm miền Nam thì tất cả tàu sẽ di tản ra ngoại quốc.

Tôi vào trình diện Sở An Ninh Hải Quân, chúng tôi được cấp sứ vụ lệnh muốn đi đâu tùy ý vì chúng tôi tạm trú mà khoảng thời gian này thì đang giới nghiêm và cấm trại. Tôi thả bộ ra bến Bạch Đằng, thấy chiếc khu trục hạm DER HQ1 đang đậu ở cầu tàu B, không gặp bạn nào cùng khóa mà chỉ gặp thiếu tá Khiết, khóa 15, có thời gian là chỉ huy phó của tôi khi tôi phục vụ ở CCHQ Vũng Tàu và Đại Úy Quảng, khóa 17, cũng quen với tôi trong thời gian tôi phục vụ ở Thuận An, Huế. Tôi hỏi hai niên trưởng Khiết và Quảng về phương tiện ra lại đơn vị ngoài Cát Lở thì cả hai cho tôi biết tàu sẽ không ghé Vũng Tàu mà đợi lệnh di tản luôn. Không bao giờ tôi quên lời thân tình mà Đại Úy Quãng đã nói với tôi lần gặp ấy là nếu muốn đi thì nên đem vợ vào khu gia binh Hải quân ở, chừng nào có lệnh di tản thì sẽ gọi chúng tôi vào cùng đi, nhưng tôi lo vợ sắp sanh con đầu lòng nên không quyết định dứt khoát, tôi trở về sở An Ninh Hải Quân. HQ1 tách bến khoảng 8 giờ đêm ngày 29 rạng 30 tháng 4 năm 1975 – di tản theo vận nước.

MIỀN NAM BỊ BỨC TỬ

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung tá Chân, phụ tá chánh sở An ninh hải quân cho chúng tôi biết theo lệnh Đại tá Nguyễn văn Tấn, chánh sở thì kể từ bây giờ ai muốn đi đâu thì đi hoặc muốn ở lại chiến đấu thì ở lại. Tôi và Trung sĩ I Hạ, thuộc ty I an ninh hải quân là diện tạm trú, đã tình nguyện ở lại, ra ụ chiến đấu với đơn vị. Khoảng nửa đêm thì mọi người biết được Đại tá Tấn, thuộc hàng cấp bậc lớn và thâm niên của quân chủng hải quân vẫn còn ở lại nên tạm thời Đại tá là tư lệnh hải quân. Chúng tôi ở lại cho đến khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 thì Dương văn Minh, Tổng thống 2 ngày và Nguyễn Hữu Hạnh, chuẩn tướng nội tuyến Việt Cộng ra lệnh toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng vô điều kiện, chờ bàn giao lại cho Cộng sản Việt Nam. Tôi cùng một số sĩ quan, nhân viên của sở và Trung sĩ I Hạ lên một chiếc xe Jeep, lái chạy về Bộ tư lệnh hải quân ở bến Bạch Đằng, thấy rải rác một số sĩ quan hải quân và sĩ quan thuộc Cục An Ninh Quân Đội, các cầu tàu trống trơn, không còn chiếc nào cả.

Mang tâm trạng đau buồn, thất vọng ê chề, tôi cùng trung sĩ I Hạ men theo đường Hai Bà Trưng, về cầu Thị Nghè (nơi Trung sĩ I Hạ ở), rồi tới Cầu Sơn đường Bạch Đằng – Bà Chiểu, nơi gia đình vợ đang tạm trú. Giả như chúng tôi đi ngả Cường Để thì hy vọng chúng tôi sẽ vào Hải quân công xưởng và có thể sẽ di tản luôn bởi vì sau này nghe nói lại đến 12 giờ trưa thì chiếc chiến hạm cuối cùng được sửa xong và rời bến. Âu đó cũng là phần số do ơn trên đã định. Tôi về đến nhà trong lúc vợ tôi đang ngồi khóc thảm thiết vì nghĩ rằng tôi đã ra đi, không biết có ngày gặp lại hay không. Khuya mồng 1 rạng ngày mồng 2 tháng 5 năm 1975 con gái đầu lòng của tôi chào đời bằng tiếng khóc oa … oa … buồn thảm theo vận nước nổi trôi!

THÂN TÙ “CẢI TẠO”

Mang theo nổi đau buồn, đen tối của dân tộc Việt Nam, tôi đi tù mà Việt Cộng gọi một cách gian trá là “học tập cải tạo,” mà thực chất là để đày đọa, trả thù một cách hèn hạ số viên chức và sĩ quan miền Nam chứ chẳng có “cải” với “tạo” gì cả. Tôi gặp Nguyễn văn Cấp trong tù, ở cùng đại đội với nhau. Ngoài ra tôi còn gặp người bạn lúc học trung học, Trương Thanh Trai, là hoa tiêu F5, được Việt Cộng cho làm đội trưởng, và Bùi Tiến, khóa 19 SVSQ Hải quân Nha Trang được làm A trưởng. Chúng tôi rất thân nhau, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi cay đắng với nhau, khi chuyển lên núi Bà Rá, trại Bùi Gia Mập, tỉnh Phước Long, tôi gặp Nguyễn Đình Hoàng ở tiểu đoàn sát bên.

Trong thời gian ở tù Việt Cộng, vì “đồng hội đồng thuyền” nên đa số anh em đối xử với nhau một cách thân tình, đáng nhớ. Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên là khoảng năm 1977, lúc đang ở trại Bù Gia Mập, bất ngờ vợ tôi lên thăm, thăm bất hợp lệ gọi là thăm “chui” vì không có giấy phép thăm nuôi của trại. Đường xá xa xôi, phải đi bộ hơn 20 cây số đường đất đỏ xuyên rừng trong đêm mưa gió nên đến trại đã quá nửa khuya, thật là may mắn vì dù đi thăm bất hợp lệ nhưng gặp quản giáo trại tôi tương đối dễ dãi nên cho phép vợ tôi cùng ba người đi chung gồm một chị trung niên, và hai ông bà già vào ngủ lại trong dãy nhà của Bộ chỉ huy vì đêm đó có một số cán bộ đi vắng nên có nhiều giường trống. Sáng hôm sau, vợ tôi được phép gặp mặt tôi hai tiếng, từ 7 giờ đến 9 giờ, còn 3 người kia chỉ được để đồ thăm nuôi lại sẽ chuyển đến cho chồng con họ chứ không được gặp mặt vì chồng con họ ở tiểu đoàn khác.

Theo lệnh quản giáo thì sau hai tiếng gặp mặt chồng, vợ tôi phải đến trình diện cán bộ trước khi đi về, hôm ấy là ngày cuối tuần không đi lao động nên tôi và Bùi Tiến hẹn vợ tôi đứng chờ ngoài bìa rừng, trên đoạn đường cách trại ít cây số, chúng tôi trốn lên rừng trò chuyện còn Bùi Tiến đứng dưới lộ canh chừng. Ai ngờ một mặt cán bộ vệ binh đi tìm chúng tôi, ngồi trên bìa rừng, chúng tôi nghe tiếng vệ binh hỏi mấy bạn “cải tạo viên” đi trên đường: “có thấy một cô mặc áo màu cam trở ra ngã ba Minh Hương không?” và ai cũng trả lời “có,” thỉnh thoảng tên vệ binh bắn chỉ thiên như để hù dọa chúng tôi, một mặt trại cho tập họp điểm danh bất thường vì lúc đó khoảng hơn 11 giờ sáng. Tiểu đội tôi từ A trưởng trở xuống đều lo cho tôi, lúc điểm danh có một bạn tù ở tiểu đội khác đã trà trộn vào tiểu đội tôi và lên tiếng thay tôi, kết cuộc điểm danh đầy đủ nên tôi đã thoát những hình phạt mà Việt Cộng đã đề ra để phạt những “cải tạo viên” phạm lỗi. Tôi thầm cám ơn người bạn tù quá tốt, đã bất chấp sự hiểm nguy đến với bản thân để che chở cho tôi, mặc dù chúng tôi không có sự thân thiết nào ngoài tình bạn cùng một đội. Cũng nhờ đầu óc Việt cộng hơi kém thông minh, chứ nếu họ thông minh chút xíu họ gọi tôi lên văn phòng trình diện thì sẽ biết ngay chứ cần gì mà phải họp mặt để điểm danh bất thường như vậy!

Trong tù Việt Cộng có nhiều đau buồn, tủi nhục nhưng đổi lại thì được tình bạn thật vô cùng cao đẹp, sẵn sàng giúp đỡ nhau, chia sẻ vui buồn với nhau, thể hiện một tinh thần tương thân tương ái sáng ngời. Sự hy sinh vô bờ bến của gia đình, nhất là “hiền nội,” đã dành dụm từng nhúm đường, nhúm bột ngọt trong phần nhu yếu phẩm được mua hàng tháng, đã chắt chiu từng đồng từng cắt của tiền lương ít ỏi, đã chen lấn, chờ đợi biết bao nhiêu tiếng đồng hồ để mua vé xe, đã giành giựt, xô đẩy để leo được lên xe dù chỉ đứng được một chân trong suốt quãng đường mấy trăm cây số, đã tay xách nách mang lội bộ đường rừng dài đằng đẵng, phải chịu nhiều vất vả, dằn vặt cả thể xác lẫn tinh thần để thăm nuôi tôi tận chốn rừng sâu, khiến lòng tôi luôn ngậm ngùi, cảm xúc!

BỊ QUẢN THÚC TẠI ĐỊA PHƯƠNG

S au mấy năm lao động khổ sai trong nhà tù “cải tạo” tận nơi thâm sơn cùng cốc, tôi được ra khỏi tù nhưng bị cưỡng bức về quê quán miền Tây, nơi tôi được sinh ra và sống trong thời niên thiếu để chịu sự quản chế của Việt Cộng địa phương, tức là bị “giam lỏng,” muốn đi đâu ra khỏi làng thì phải có giấy phép của ấp, xã, huyện. Trước năm 1963 quê tôi là một vùng nông thôn trù phú, dân cư đông đúc, người dân quê tánh tình hiền lành, chất phác, hầu hết sống bằng nghề nông, nhưng sau đệ nhất Cộng hòa bị sụp đổ bởi những tướng tá phản loạn ra lệnh dẹp bỏ quốc sách Ấp chiến lược, tôi là người ở nông thôn nên biết rõ ràng đó là 1 quốc sách rất hay - mặc dù lúc đó báo chí và thành phần phản chiến thân cộng cho là gom dân, bắt dân bỏ ruộng vườn để vào khu trù mật, ấp chiến lược để ở, mất tự do v.v.., nhưng nhờ vậy đã cô lập được VC với dân chúng, không còn được nông dân nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực hay thu lúa tiền của dân. Nhiều cán bộ VC phải ra chiêu hồi. Dân chúng nhờ được bảo vệ nên chúng không thể cưỡng bách đi đào đường, đắp mô vào ban đêm như trước và nhất là không thể dụ dỗ thanh niên bỏ gia đình theo chúng.

Vì vậy dù quân CSBV đã mở chiến dịch phát động xâm chiếm miền Nam từ cuối năm 1960, nhưng quê tôi vẫn yên bình. Cho nên sự dẹp bỏ này đã giúp cho Việt cộng dễ dàng lớn mạnh, nổi lên hoạt động dữ dội. Do đó trước 1975, do bị Việt Cộng tuyên truyền, nên với đầu óc thật thà dân chúng hiểu sai lạc về bản chất của Việt Cộng nên ngả theo Việt Cộng, hoặc phải bám ruộng vườn, vì không thể rời bỏ ruộng vườn đang có để ra vùng đô thị, đành “cố đấm ăn xôi,” theo Việt Cộng, để cho Việt Cộng lợi dụng, sai khiến, chịu nộp thuế cho Việt Cộng để được yên thân mà cày cấy; vì vậy số gia đình có bằng “liệt sĩ” trong ấp, xã khá nhiều. Ngược lại thành phần quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì không có bao nhiêu, mà hầu hết chỉ là hạ sĩ quan, binh sĩ hay cán bộ xây dựng nông thôn còn sĩ quan thì rất hiếm. Chúng tôi bị áp bức đủ điều, hết năm này qua năm khác, cưỡng bức chúng tôi tập trung nhiều lần, cơm đùm gạo bới để đi làm thủy lợi, vác lúa dân đóng thuế, có khi học tập đường lối “cách mạng” nhưng thực chất là để hù dọa chúng tôi mà thôi. Một năm gom lại không biết bao nhiêu lần, và mỗi lần như vậy ở ấp thì vài ba ngày, cấp xã thì một tuần, mười ngày, còn cấp huyện thì kéo dài trên dưới một tháng, vì vậy chúng tôi chẳng làm ăn gì được. Đang mùa gieo mạ, cấy lúa mà có lệnh gom thì chỉ đành để giống hư, mạ héo để cụ bị tiền, gạo mà đi làm không công cho nhà nước; cuộc sống quá bấp bênh, tương lai con cái thì mịt mù, vô vọng vì cái nhản hiệu “con ngụy” của Việt Cộng gán cho!

Dưới sự áp bức nghiệt ngã của Việt Cộng địa phương, tôi thấy không thể nào ở lại được dù đó là quê hương, tổ quốc của mình. Tôi tính đường vượt biên nhưng vì ở nông thôn, dưới những đôi mắt luôn dòm ngó của cán bộ ấp, xã Việt Cộng làm tôi không thể liên lạc được với bạn bè, một số các bạn học ngày xưa cũng muốn tìm tôi để nhờ tôi làm hoa tiêu cho chuyến đi bán chính thức do gia đình họ tổ chức cũng không được; vì vậy tôi bị mất nhiều dịp may đi vượt biên sớm. Vì không liên lạc được với bạn bè nên tôi có một sai lầm lớn, đó là đã tự đứng ra mua ghe với sự giúp vốn của gia đình vợ với ý định tổ chức cho gia đình vượt biên, trong khi với khả năng của một sĩ quan hải quân của mình và cũng đã từng đi tàu biển, thì nhiều tổ chức vượt biên rất cần, họ dành cho nhiều hậu đãi, dành chỗ cho vợ con hay thân nhân đi theo. Họ lại có tiền nên họ có thể hối lộ cho các trạm công an biên phòng hay Việt Cộng địa phương thì xác suất thành công cao hơn là tự tôi đơn thân độc mã tổ chức mà không có tiền hối lộ.

Trong thời gian này tôi phải đi buôn hai chuyến về Cà Mau để dò la đường đi nước bước, một chuyến ra tận xã Đất Mũi có thể nhìn ra tới biển ở mũi Cà Mau. Sau vài chuyến đi Cà Mau và Bình Dương bằng đường sông, tôi thấy cách này quả thật là quá khó khăn nên đành bỏ cuộc. Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, nhân dịp cậu em vợ nghỉ hè về chơi, tôi rủ thêm thằng bạn “nối khố” Huỳnh Ngọc Ẩn cùng đi buôn chung một chuyến, chúng tôi về tận Cà Mau mua lươn sống đem về bán sỉ cho các bạn hàng tại chợ quận quê tôi, tính ra thì thấy có lời trước mắt, ai ngờ cuối cùng bị lỗ nặng vì vợ tôi vốn rất sợ rắn, sợ lươn nên cứ để mặc cho các bà bạn hàng tự cân lấy, chỉ ngồi đàng xa ghi chép, kết quả bị mất gần cả trăm kí lô. Sau này bạn tôi tâm sự: “dù biết lỗ nhưng tao cũng nói vợ tao bán đi con heo để lấy vốn đi buôn với mày,” chỉ lời tâm sự đơn giản đó thôi cũng quá đủ để nói lên tình bạn thân thiết đến chừng nào. Thật sự tôi đi buôn là để dò đường và nhất là lỡ nhận tiền của ba mẹ vợ để mua ghe, nên “phóng lao phải theo lao” chứ chúng tôi đâu biết buôn bán gì! Một thời gian sau Huỳnh Ngọc Ẩn lái tàu cho một chuyến vượt biên thành công, hiện định cư tại Úc, gần nơi cư ngụ của HC2 Trần Ken, và vì có thời gian cùng đơn vị, nay lại ở gần nhau nên Ẩn và Ken cũng thường liên lạc với nhau.

TÌM ĐƯỜNG VƯỢT THOÁT

Đ ầu năm 1982, dự định lái thuê cho vài chuyến vượt biên ở tỉnh nhà bất thành, tôi để vợ con lại địa phương để lên Sài gòn, cũng may đúng lúc gia đình vợ từ Huế chuyển vào Sài gòn sinh sống nên tôi có chỗ tạm dung, sống bất hợp lệ vì không có hộ khẩu thường trú. Tôi bắt đầu tìm liên lạc lại với một số bạn bè cũ và rất vui mừng vì đã gặp lại nhiều Hổ Cáp 2 sau bao nhiêu năm dài xa cách. Nếu khi ra tù, được sống tại Sài gòn thì chắc chắn tôi sẽ có nhiều cơ hội vượt biên sớm hơn, tuy nhiên cũng được an ủi là nhờ có một thời gian dài sống tại quê hương sau tháng tư đen mới thấy rõ tội ác Cộng Sản đối với dân tộc và là tội đồ đối với tổ quốc Việt Nam. Khi cương quyết từ giã vợ con lên Sài gòn là tôi đã chọn cho mình quyết định dứt khoát, một là tìm mọi cách vượt biên để tương lai cho vợ con sáng sủa, hai là chết trên đường vượt thoát chứ nhất định không trở về lại quê hương cho Việt Cộng địa phương bắt vì lúc đó là thời gian tôi còn trong sự quản chế, đi đâu thì phải xin giấy phép và thời hạn cho phép không bao giờ quá một tháng bởi vì địa phương thường có lệnh gom lính quốc gia lại để bắt làm thủy lợi, đào sông, đắp đập, làm đường không lương, luôn luôn “cơm nhà việc nước.”

Trong giai đoạn đầu năm 1982, tình trạng các Hổ Cáp 2 sống ở Sài gòn đa số đều thê thảm, thiếu trước hụt sau, làm ăn chấp vá vì không tiền không thế, chỉ có một số nhỏ gặp thời hay có bà con là Việt Cộng nên gia cảnh khấm khá. Tôi rất cảm động và không bao giờ quên tình bạn mà tôi đã sống, đã đối xử với nhau có tình có nghĩa từ đầu năm 1982 cho đến giữa năm 1985 như Nguyễn Đình Hoàng (VN), Phạm Nghĩa Vụ (CT), Nguyễn Hoàng Liêm (VN), Nguyễn Hữu Bích (CA), Nguyễn văn Quý (NY), Hà Mạnh Hùng (Canada), Vương Thế Phiệt (VN), Nguyễn Trọng Thành (VN), Bùi Tá Hải (VN), Nguyễn văn Cấp (CT), Nguyễn Duy Hoà (VN), Nguyễn Cần (NJ), Đặng Công Thành (Canada), Nguyễn Chí Quốc (VN), Nghiêm Xuân Chương (MA), Nguyễn Hóa (NC), Vũ Đức Thiệu (CA) …những HC2 đối xử với nhau chí tình chí nghĩa, nhất là HC2 “socrat” Nguyễn Đình Hoàng, đã sống chan hòa, hết sức chí tình đối với các HC2 còn kẹt lại quê nhà.

Vì lạ người lạ chốn, tôi chưa quen biết với các tổ chức vượt biên chuyên nghiệp, nên sau khi gặp Nguyễn Cần, tôi được giới thiệu làm tài công cho một ghe đánh cá thuộc Sở hải sản Sài gòn mà Cần có phần hùn với giấy tờ chính thức lý lịch “bần cố nông.” Khoảng một năm lui tới, ghe chưa xuất bến thì có lệnh ngưng hoạt động bởi vì cũng giống như vượt biên bán chính thức vào những năm 1979-1890 vậy, tức là ai đi nhanh, dọt lẹ thì thoát, còn ai chậm chân thì coi như “dã tràng xe cát” vì mấy cán bộ Việt Cộng đã hốt một số lớn vàng, tiền xong thì họ ra lệnh ngưng!! Sở hải sản Sài gòn cũng một hình thức làm ăn như vậy. Ít lâu sau vài người cùng nhóm với nhau đã âm thầm lấy ghe ấy vượt biên và đã bị bắt.

Từ giã ông “chủ Cần”, tôi bắt đầu quen với một số tổ chức vượt biên chuyên nghiệp và gặp lại bạn bè cũ. Lúc này tôi mới thấy sự chọn lựa quân chủng hải quân, nhất là ngành chỉ huy của tôi thật là đúng, bởi vì với khả năng của một sĩ quan hải quân ngành chỉ huy có kinh nghiệm đi biển lúc này rất có giá; bản thân tôi và gia đình đâu có nhiều vàng để đi vượt biên, chỉ có làm hoa tiêu là dễ dàng ra đi nhất, lại được tổ chức đặc biệt ưu đãi, thường mời đi ăn nhà hàng, đến chuyến đi thì cho đưa vợ con đi theo luôn, bởi vì người hoa tiêu cũng có trách nhiệm về phương tiện hải hành, phải biết đường đi, cách tổ chức phần nào; đã có nhiều chuyến thất bại và đi nhiều ngày phải quay lại và bị bắt vì hoa tiêu thiếu khả năng hoặc hoa tiêu “dỏm”. Đổi lại khi rủi ro bị bắt thì hoa tiêu khó chối cãi và cũng bị tội nặng như chủ ghe, nhưng thường thì chủ ghe có tiền lo lót, hối lộ nên về sớm, còn hoa tiêu thì lãnh đủ, do đó ban tổ chức vượt biên ưu đãi hoa tiêu là đúng thôi vì “hai bên đều có lợi”.

Thời gian này tôi theo tổ chức vượt biên của anh Sáu Hoài, là đại úy công binh không ra trình diện Cộng sản nên không bị ở tù như chúng tôi. Anh Sáu là tay tổ chức chuyên nghiệp, đã tổ chức nhiều chuyến, thành công có, thất bại có; lúc tôi gặp anh vào năm 1983 thì vợ con anh đều ở Mỹ cả; trung bình cứ sau 3 tháng hay 6 tháng thì anh tổ chức một chuyến, chứa khoảng 100 đến 150 người. Anh Tư, phụ tá đắc lực của anh Sáu với tư cách giao dịch kinh tế thường lái xe hơi chở tôi đi đây đó khi cần. Anh Sáu Hoài thường liên lạc, móc nối, lo lót cho cán bộ Việt Cộng cấp Tỉnh ủy ở các tỉnh mà ghe sắp ra đi nên những chuyến anh tổ chức cũng đáng tin cậy. Bạn thân của tôi là Trương Thanh Trai, người đã giới thiệu tôi với anh Sáu đã biết điều này vì có một lần Trai có mặt trong một chuyến đi ra cửa biển Trà Vinh, trên ghe có khoảng 200 người, họ tổ chức như đi du lịch khá an toàn, nhưng lần đó tàu bị hư máy phải quay trở về, hầu hết khách đều thoát, chỉ có vài người bị bắt nhưng sau đó ít ngày cũng được thả ra. Tuy nói là hối lộ từ cấp Tỉnh ủy trở xuống nhưng nhiều khi cũng gặp những trở ngại bất thường như kỹ thuật máy móc, người đưa đón (gọi là người đờ lô taxi), vài trạm kiểm soát thành lập bất thường của công an hay thuế vụ địa phương v.v… thì cũng dễ bị thất bại. Tôi luôn nghĩ mà các tổ chức vượt biên cũng đồng ý là chỉ 50% chạy thoát thì tôi cũng chạy chứ không để cho Việt Cộng bắt, và lúc ra biển thì tránh đường qua Thái Lan để khỏi gặp bọn hải tặc. Thế nhưng tôi cũng ngại nguy hiểm nên không đưa vợ con theo, chỉ đi với các đứa em trai của chúng tôi mà thôi.

Tham gia tổ chức của anh Sáu Hoài hơn một năm, tôi đi nhiều lần nhưng không thành công, vài lần thất bại vào giờ chót, tức khi đã đưa xuống nơi “ém quân” rồi mới bị bể, phải tìm cách chạy thoát thân thật gian nan, nguy hiểm, đúng với câu “bỏ của chạy lấy người”; cụ thể hai lần xuống thị xã Cà Mau, nửa đêm bị bể phải chạy trốn, sáng hôm sau tìm xe về lại Sài gòn; ba lần thất bại khi “đổ quân” ở thị xã Cần Thơ; một lần vì nước cạn, ghe không ra sông lớn được. Có một lần tôi được chở bằng xe gắn máy, đi từ Cần Thơ xuống Trà Vinh, đến quận Trà Cú rồi được đưa ra nhà dân ở vùng biển tận cửa sông Hậu Giang, đêm đó ghe không ra bãi đỗ được vì bị mắc cạn, bị lộ nên tôi phải tìm cách trốn, lội giữa những đám ô rô, cóc kèn rậm rạp để tìm đường thoát thân, gai ô rô, cóc kèn quào xước cả mặt mày, tay chân; ba ngày sau tôi mới lên tới Sài gòn để về nhà. Thật một phen hú vía, nhưng may mắn, nếu không thì gia đình lại phải cụ bị đi “thăm nuôi” rồi!!

Có hai lần rất đáng nhớ: một lần tôi, hai thằng em tôi, một HC2 cơ khí và vợ con của anh ta cùng với vợ con (vợ bé) của anh Sáu Hoài là chị Thủy xuống chợ Cần Giuộc. Đây là một chợ quận nhỏ chỉ lèo tèo vài ba quán nước gần bến xe, chu vi chỉ đi 5 phút là giáp vòng. Nhóm chúng tôi là vợ con người tổ chức, là hoa tiêu, là cơ khí trưởng nên cứ ỷ y vì là nhóm quan trọng thì làm sao mà bị bỏ rơi được! Thế mà đã bị bỏ rơi, họ để cho chúng tôi chờ ở đó từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối; cổng cầu sắp đóng cửa mà vẫn không thấy ai đến đưa đi, chờ đợi thật sốt ruột như ngồi trên lửa. Chẳng lẽ cứ ngồi lì ở một quán mãi nên chúng tôi cứ tới quán này gọi thức ăn thức uống, ngồi được vài giờ lại mò qua quán khác gọi thức uống thức ăn; mà nào có ăn uống gì được vì bụng đã quá no. Chúng tôi cứ qua, về như vậy đến nỗi có một cô chủ quán nói: “Mấy người lo tìm xe mà về cho rồi chứ cứ lớ xớ ở đây coi chừng du kích bắt đó.” Đến giờ phút cuối chúng tôi rời chợ quận Cần Giuộc bằng xe ba gác về lại Sài gòn. Sau đó được biết ghe đã ra tới gần Vàm Láng chờ chúng tôi, thì phát hiện mấy người đờ lô taxi đã đánh tráo người của họ lên ghe thay chúng tôi vì nghĩ nhóm chúng tôi chỉ là khách thường nên đã bỏ chúng tôi. Rốt cuộc anh Xuân (sĩ quan sư đoàn 21, hiện định cư ở WA theo diện HO), người chỉ huy ghe thấy đã gần sáng mà vẫn không thấy nhóm chúng tôi nên đưa ghe vào bờ, “bỏ của chạy lấy người” thoát thân về Sài gòn. Sau lần này, HC2 cơ khí của chúng ta không còn thích “mộng hải hồ” nữa, ở lại chí thú làm ăn. Thật là may mắn vì chúng tôi có quyết định ra về đúng lúc chứ ở nán thêm vài chục phút nữa, hết cả xe về Sài gòn thì đêm đó thế nào cũng lọt vào “rọ” của Công An, du kích Việt Cộng địa phương Cần Giuộc rồi!!

Lần khác vào năm 1984, tôi và HC2 Phạm Ngọc Bích cùng lên một chiếc ghe ngay trên sông Sài gòn, dự tính chạy xuống sông Long An để ra cửa Gò Công; chúng tôi cứ chạy lui chạy tới trên khúc sông Sài gòn từ sáng tới chiều mà tin tức từ ban tổ chức chưa có lệnh di chuyển về Long An. Sau đó, được biết một số khách bị bại lộ ngay từ bến xe xa cảng miền Tây phải quay về, trong đó có hai thằng em tôi và chị vợ một HC2 của chúng ta, riêng một người em trai của một HC2 khác được người đờ lô đưa về tới Long An, bị công an địa phương bắt giam, hù dọa, sau đó trấn lột cái quần jean và áo thun rồi làm bộ lơ cho em trốn về với chỉ cái quần xà lỏn trên người! Cũng may tôi và Bích bỏ ghe, về được tới nhà, sau chuyến hụt này, Bích yên tâm ở lại làm ăn, chờ đi theo diện HO, hiện đang định cư tại San Jose, CA.

Trong lần hợp tác với anh Sáu Hoài chuyến đi ở Cần Giuộc thất bại, anh Sáu sắp xếp cho tôi và anh Tư phụ tá đi chung chuyến với chị Thủy, còn anh sẽ đi chuyến cuối cùng và giải nghệ luôn. Sau lần thất bại tại Cần Giuộc, ngoài tổ chức tự anh làm chủ, anh còn hợp tác với một tổ chức vượt biên khác, phần anh được gởi 10 người khách và đã thành công; vì vậy anh có đủ khả năng về tài chánh để làm chuyến khác, nhưng theo lời anh Tư kể thì đến giờ cuối, anh Sáu Hoài thay đổi ý, không muốn để vợ con đi riêng nên đã tìm một thiếu úy hải quân lái thay tôi và bàn với anh Tư là để anh Tư ở lại thu dọn rồi đi chuyến cuối cùng với tôi; còn anh thì đi chung chuyến với vợ con. Chẳng may kể từ ngày ra đi cho đến nay, nguyên cả chuyến đều bặt vô âm tín, không có một tin tức nào. Trong chuyến này ngoài vợ con anh Sáu, anh Sáu, còn có các em ruột, các em bà con của chị Thủy, vợ bé của anh Sáu, một số con cái của các gia đình quen thân với gia đình chị Thủy và người bạn gái thân với chị Thủy là cô Huỳnh Kim Yến, cũng là em gái của người bạn thân với gia đình chúng tôi. Ôi! Thật là một chuyến tàu định mệnh! Một chuyến tàu vĩnh biệt!!
Phần anh Tư thì sau đó không lâu bị sở Công an Sài gòn bắt giam, gia đình anh chịu chuộc với một số tiền rất lớn mà không được thả. Trong thời gian này và cả về sau, tôi được Hà Mạnh Hùng giới thiệu nhiều chuyến, vì quyết chí ra đi nên chuyến nào tôi cũng nhận, thế nhưng đã thất bại liên miên!

CHUYẾN VƯỢT BIÊN CUỐI CÙNG BẰNG GHE BUỒM

K hoảng thời gian hơn 3 năm ở Sài gòn (1982 – 1985) tôi thấy trong số bạn Hổ Cáp 2 ra đi tại Sài gòn lúc đó chỉ có Phạm Nghĩa Vụ là may mắn nhất, ra khơi vài ngày thì được tàu Anh vớt. Một số bạn không may mắn như Hổ Cáp 2 Liêm; Liêm bị bắt, đứa con bị Việt Cộng bắn bị thương; Hổ Cáp 2 Thiệu cũng bị bắt. Mỗi lần gặp nhau chúng tôi thường tỏ ra sự bi quan cho tương lai, niềm ao ước gặp sự may mắn như các bạn đã ra đi thành công, cũng như nỗi lo lắng trường hợp rủi ro bị bắt như một số bạn đã bị, nhất là trường hợp một vài bạn có đi mà không có đến như Hổ Cáp 2 Phùng Ngọc Dồi, Hổ Cáp 2 Nguyễn Anh. Đối với tôi Nguyễn Anh là người bạn rất tốt, chúng tôi có thời gian sống gần nhau lúc Nguyễn Anh phục vụ ở HĐ3, tôi ở CCHQ Vũng Tàu. Thời gian này, ngoài Nguyễn Anh ra, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm thân thương với các bạn Hổ Cáp 2 phục vụ ở HĐ3, CCHQ/VT, BTL/V3ZH, ZĐ33.

Mặc dù luôn mang tâm trạng ưu tư, lo lắng nhưng vì tương lai cho vợ con nên tôi quyết chí ra đi. Được nhiều người bạn giới thiệu với chủ ghe, trong đó có nhiều Hổ Cáp 2 vì lý do này hay lý do khác nên không muốn hay chưa muốn ra đi một cách mạo hiểm; tôi đã đi quá nhiều lần nhưng toàn thất bại. Hoàn cảnh của tôi thật vô cùng bế tắc; không có hộ khẩu thường trú ở Sài gòn, không nghề nghiệp nên bất cứ chỗ nào được giới thiệu mà đi trước thì tôi đi; hễ thất bại trở về thì đi tiếp chỗ khác không cần đắn đo suy nghĩ. Khoảng thời gian “lưu vong” ở Sài gòn để tìm cách ra đi tôi thường tìm gặp các bạn Hổ Cáp 2 để trò chuyện; và người bạn mà tôi thường tìm đến nhất là Hổ Cáp 2 Nguyễn văn Quý vì lúc đó Quý làm thủ kho cho một người bạn “tù cải tạo” cùng trại với Quý lúc trước, nhà kho ở Phú Nhuận, tương đối gần nơi tôi tạm trú nên hễ lúc nào rảnh là tôi đạp xe đạp đến kho gặp Quý, hai đứa thường qua quán đối diện kho để uống cà phê và hầu như lần nào Quý cũng dành “ghi sổ.” Chính vì có cơ hội gặp nhau thường xuyên như vậy nên Quý đã giới thiệu cho tôi vài chủ ghe mà Quý biết, đặc biệt là chủ ghe buồm ở Phú Mỹ - Bà Rịa; họ tổ chức cho gia đình, vài người quen thân, đồng thời lấy thêm một số khách để có thêm tài khoản mà chi phí cho chuyến đi, nhất là có vàng để hối lộ khi bị bắt, mua bãi đổ quân; vì vậy đa số khách phải đưa vàng trước cho chủ ghe.

Vùng Phú Mỹ - Bà Rịa có tổng cộng khoảng trên dưới 10 ghe đánh cá biển, loại chạy buồm, có sức chứa từ 100 đến 150 người; hầu hết các chủ ghe từ Phan Rang hay Cam Ranh vào. Tuy ghe tương đối lớn nhưng trang bị rất sơ sài, chỉ một máy F10, chân vịt nổi (tức đuôi tôm) để chạy trong sông và cập bến, còn khi ra biển thì động cơ chính là một cái buồm lớn, do đó tài công phải là người chuyên môn quen lái loại này, không phải như ghe thường, lợi điểm là không lo lắng về nhiên liệu, vì vậy tôi tham gia chỉ với tư cách là hoa tiêu (dẫn đường) mà thôi. Do sự tới lui sinh hoạt với những người có trách nhiệm trong chuyến đi này tôi quen với anh Đại, là thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa, có nhà ở Phú Mỹ, nơi ông Cải (chủ ghe) đậu ghe mỗi khi đi biển về. Theo sự sắp xếp thì anh Đại có nhiệm vụ liên lạc với tôi, nghiên cứu về đường đi vượt biên, đổi lại thì anh được đem theo hai đứa con, phần tôi thì họ cho đem theo hai thằng em hoặc vợ con, điều kiện thì tương đối giống như những tổ chức khác. Ông Cải dự định chở từ 100 đến 150 khách, kể cả vài chục khách đi hôi (nghĩa là những người địa phương biết có chuyến đi, họ chờ chực, canh me để chờ khi những người đờ lô đưa khách xuống tàu thì họ xuống theo, đi mà khỏi trả tiền). Những người có trách nhiệm chuyến đi này gồm có tôi là hoa tiêu, ông Cải và anh Phi là hai tài công điều khiển cánh buồm, cả hai đều là lính địa phương quân V.N.C.H., dù là tài công chính, anh Phi cũng phải đóng trước cho chủ ghe là ông Cải hai lượng vàng để được đem vợ con theo. Theo kế hoạch thì ông Cải sẽ hối lộ cho cán bộ Việt Cộng địa phương để mua bãi đỗ khách vì đã có vài chuyến đi theo cách này tại đây đã vượt thoát và thành công.

Kể từ ngày nhận lời hợp tác, tôi đã đi Phú Mỹ nhiều lần, và thường ở lại qua đêm; tôi tránh ngủ lại nhà chủ ghe mà ngủ lại tại nhà thân nhân của cán bộ Việt Cộng địa phương nên trong lòng hơi lo sợ vì nếu gia chủ có tâm phản thì tôi bị bắt bị tù dễ như trở bàn tay. Nhóm này là người địa phương đứng ra tổ chức, nên có phần kỹ lưỡng, dè dặt hơn, do đó phải mất một thời gian rất lâu, thường phải trên một năm; vì vậy trong khi chờ đợi họ, tôi cũng có nhận đi nhiều lần của nhiều tổ chức khác nhưng chỉ gặp toàn thất bại.

Đầu năm 1985, có một tin không vui là các chuyến vượt biên ở Phú Mỹ bị thất bại vì đường dây ăn hối lộ của Việt Cộng địa phương bị lộ và đang bị để ý. Lúc trước chủ ghe của các loại ghe này thường dấu trước lương khô, gạo, la bàn, hải bàn, bản đồ v.v… trong thành ghe, phải để vào từ từ, nhiều tháng trước khi vượt biên. Thời điểm mà các tổ chức vượt biên thường đi nhiều là sau Tết Nguyên Đán đến khoảng tháng 5, tháng 6 dương lịch là ngưng vì là thời kỳ biển động, rồi đến tháng 9, tháng 10 dương lịch có một khoảng thời gian dân biển gọi là “Đồng chung”; biển tạm êm chừng một tháng thì họ đi lại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp không tổ chức đánh kịp theo thời gian đã dự trù nên một số ghe đã gặp bão nhận chìm khi ra biển! Riêng đối với loại ghe buồm là phải đi vào tháng biển động, tuy nguy hiểm nhưng có gió lớn thổi mạnh thì buồm mới hoạt động thuận lợi, hơn nữa tháng này Việt Cộng ít canh chừng nên dễ thoát ra cửa biển hơn. Ngày trước, tôi từng đi tàu nhỏ tuần duyên nên cũng có phần nào kinh nghiệm về sóng, gió; và điều may mắn nhất là tôi ít say sóng nên tôi tin rằng nếu ghe ra tới được ngoài biển, người tài công có kinh nghiệm điều khiển cánh buồm nhờ gió, không lệ thuộc xăng dầu thì chắc chắn phải tới nơi. Tôi dự định sẽ đi hướng Phi Luật Tân mới thuận buồm xuôi gió, nhưng chắc chắn phải mất trên một tuần lễ; trong khi đó nếu đi về hướng Nam để đến các nước Nam Dương, Mã Lai thì mất 4 hay 5 ngày mà thôi. Đây là thời điểm hải tặc Thái Lan lộng hành nên chúng tôi chủ trương sẽ không đi qua vùng biển Thái Lan để tránh nạn hải tặc.

Tháng 7 năm 1985, biển bắt đầu động mạnh. Anh Đại từ Phú Mỹ - Bà Rịa vào Sài gòn gặp tôi nói cho tôi biết là ông Cải muốn tôi ra coi ghe và đi thử để điều nghiên đường từ Phú Mỹ ra cửa Vũng Tàu, ông ta lo hết giấy tờ cho tôi với tư cách làm công trên ghe; trong tình anh em, anh Đại nói cho tôi biết là bến đậu và đường sông ra biển ở vùng Phú Mỹ bắt đầu khó khăn nên có một số ghe đã bị bắt vì công an khám xét thấy có dự trữ lương khô và dụng cụ để vượt biển; anh cũng nói lên nỗi ưu tư của anh vì nghĩ rằng có thể ông Cải sẽ tìm cách để tôi chỉ đi một mình với gia đình ông ấy, còn khách thì bỏ lại hết, kể cả anh Đại, nếu vậy thì tôi cũng sẽ đi được một mình thôi! Tôi nghĩ khi ra gặp ông Cải rồi sẽ quyết định. Thật ra tôi quá chán nản cảnh đi rồi về, chưa bao giờ ra tới biển, khi từ giã vợ để ra Phú Mỹ, tôi có nói sơ qua sự lo lắng bị bỏ lại của anh Đại cho vợ tôi nghe.

Sáng ngày 2 tháng 7 năm 1985, cũng giống như bao nhiêu lần trước, tôi chở vợ tôi bằng xe đạp từ nhà ra bến xe Văn Thánh gần cầu Sài gòn để tôi đi Phú Mỹ, tôi dặn vợ tôi ra đón vào chiều Chúa Nhật, còn hẹn sẽ đưa vợ con lên Gò Vấp ăn cháo lòng vì trong túi còn một ít tiền. Ra đến Phú Mỹ tôi gặp ông Cải tại nhà của ông, có mặt anh Nguyễn Hùng Chiến, cựu quân nhân hải quân là khách quen của ông Cải, đã đóng trước 5 lượng vàng cho vợ, hai con và một người quen cùng đi; vì là chỗ tin tưởng nhau nên mới chịu đóng tiền trước như vậy chứ khoảng thời gian này, ít khách nào chịu trả tiền trước vì có những tổ chức vượt biên giả lường gạt rất nhiều; thường thì khi đến đảo, có điện tín về thì thân nhân mới chung vàng, hay cùng lắm thì chỉ đưa trước một nửa thôi! Chiến cũng có danh sách là công nhân trên ghe như tôi nên lần này cũng được ông Cải gọi ra để đi chuyến “điều nghiên” này.

Từ nhà ông Cải xuống ghe mang số DN 1132TS tại Phú Mỹ ngày 2 tháng 7 năm 1985 gồm có tôi, anh Chiến, ông Cải, vợ và 3 đứa con nhỏ của ông Cải (ông ta để lại đứa con lớn), anh Phi (tài công đã đóng trước 2 lượng vàng cho vợ con đi theo khi quyết định vượt biên), và Như, khoảng 17 tuổi, quen với gia đình ông bà Cải, theo ghe với danh nghĩa là thợ máy F10; tổng cộng là 9 người vừa lớn vừa nhỏ. Đây là lần đầu tiên xuất đầu lộ diện, đối mặt với Việt Cộng địa phương và nhân viên thủy sản Đồng Nai. Khi ghe xuất bến, họ khám xét ghe và thành phần “thủy thủ đoàn” rất kỹ. Tôi chẳng có giấy tờ nào khác ngoài tấm giấy “chứng minh nhân dân” (giống như giấy căn cước của ta trước 1975) do tỉnh Cửu Long cấp. Thời gian này, Việt Cộng địa phương quản lý người rất kỹ, muốn đi đâu ra khỏi xã đều phải có giấy phép địa phương cấp, nhưng tôi đã bỏ địa phương trốn lên Sài gòn từ đầu năm 1982 thì làm sao có giấy phép đi đường được. Qua lời anh Đại nói thì ông Cải sẽ lo giấy tờ tùy thân hợp lệ cho chúng tôi đầy đủ, nhưng khi lên ghe mới biết chỉ có giấy ghe xin đi đánh cá và kê khai số người đi theo thế thôi. Ông Cải chỉ hối lộ qua trung gian cán bộ Việt Cộng địa phương để chỉ được cấp giấy đăng ký ghe và giấy phép làm ăn thông thường như bao nhiêu ghe làm ăn khác chứ không có khả năng tổ chức một chuyến vượt biên qui mô như một số tổ chức vượt biên chuyên nghiệp nên có nhiều sai sót sau này.

Trước khi cho phép ghe rời bến, công an Việt Cộng và thủy sản địa phương xuống ghe kiểm soát rất kỹ, họ giở lưới, lục các khoang và dò danh sách những người xin đi đánh cá ngày hôm đó. Sự may mắn đầu tiên là họ không hỏi giấy tờ từng cá nhân, nếu không thì chắc có sự lôi thôi xảy ra vì tôi chẳng có giấy tờ gì hợp lệ để đi đánh cá cả; sự may mắn kế tiếp là họ cũng chẳng xét kỹ những gói hành lý mang theo, nếu họ xét kỷ thì sẽ phát hiện ngay là ngoài ba đứa con nhỏ, bà Cải còn mang theo đến ba xách đầy toàn quần áo đẹp đáng giá của bà và của gia đình; đó là chưa kể cái la bàn bộ binh và hải đồ hướng Nam Dương, Mã Lai, dấu trong khoang ghe. Tôi đã có nói với chủ ghe và tôi cũng nhờ anh Đại nói lại với ông ta là tối thiểu phải có hải bàn đi biển và bản đồ có Phi Luật Tân vì đường đi đến Phi Luật Tân dù xa nhưng thuận chiều gió thổi, ông Cải là chủ ghe đã hứa với tôi sẽ lo đầy đủ thế mà rốt cuộc chẳng có gì cả, ông ta đã không làm được.

Qua sự may mắn lúc rời bến, chúng tôi bắt đầu cho ghe chạy theo con rạch nhỏ để ra sông lớn, chạy được khoảng vài cây số lại gặp một trạm mới lập bất thường của công an, du kích địa phương để xét ghe; họ lục lưới rất kỹ, chúng tôi ai nấy rất hồi hộp, lo sợ vì nếu họ hỏi giấy tờ cá nhân thì tôi khó mà thoát, giả dụ như đi làm ăn bất hợp pháp, lỡ bị bắt ở tù thì tội còn nhẹ, đàng này trong ghe có đủ dụng cụ, bằng cớ cho họ buộc tội vượt biên, nếu họ cố xét kỷ thì chắc bị phát hiện ngay, vì trước ghe này, đã có vài ghe bị phát giác trong thành ghe có chứa gạo và dụng cụ hải hành. Thêm một sự may mắn đến với chúng tôi.

Khoảng một giờ sau, ghe đã ra đến sông lớn để chạy về cửa biển Vũng Tàu. Ông Cải cho neo ghe lại và báo cho biết tình hình “đổ quân” ở Phú Mỹ đã bị động, một số ghe đã bị phát hiện, chính ghe của ông cũng có dấu gạo, la bàn, hải đồ trong thành ghe từ lâu, nay vì sợ bị phát giác nên không dám lấy ra, cũng không dám bỏ lương thực khô thêm vào, do đó bây giờ ông dự định sẽ đi luôn chứ không trở về nữa. Ông ta hỏi ý kiến của tôi trước vì nếu tôi chấp nhận ra đi thì tất cả mới đi được; tôi lại hỏi ý của anh Phi, vì anh vừa là tài công vừa là khách, thì anh trả lời nếu tôi đồng ý đi thì anh cũng đi, phần Chiến và Như thì tùy theo quyết định của tôi. Đây là lần đầu tiên xuống được ghe lớn và đưa được ghe ra gần tới biển; nếu trở về lại thì cũng gian nan, nguy hiểm bởi những trạm kiểm soát bất thường, chưa nói là cứ cho ghe chạy lòng vòng trong sông rạch chẳng may gặp tàu tuần tiểu của Việt Cộng thì “may ít rủi nhiều.” Trên ghe lúc đó có khoảng 30 lít gạo, 1 phi nước, 1 la bàn bộ binh và 2 bản đồ đi hướng Nam Dương – Mã Lai; ngoài ra ông Cải chẳng mua thêm chút lương thực khô nào để dự trữ cả, thùng phi chứa khoảng 200 lít nước gắn trước mui ghe thì bị rỉ sét nên khi ghe gặp sóng, lắc lư qua lại, nước trở thành màu vàng khè như nước nghệ.

Khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi quyết định ra đi; ghe chạy đến 3 giờ chiều, sắp ra cửa Vũng Tàu thì gặp một chiếc tàu Kinh Tế 3 của Việt Cộng. Đây là loại tàu do công an kinh tế Việt Cộng sử dụng với mục đích chận kiểm soát ghe tàu qua lại cửa biển để bắt hàng lậu, và cũng bắt ghe tàu vượt biên nữa. Vì ghe chúng tôi vẫn còn trong sông lớn nên bị chận lại khám xét là điều đương nhiên, khó tránh, mà những công an kinh tế này lại có nhiều kinh nghiệm bắt ghe chở hàng lậu và ghe vượt biên, do đó tôi rất lo lắng và nghĩ lần này thật khó mà thoát. Khi ghe chúng tôi chạy gần tới tàu kiểm soát kinh tế 3 thì trời bắt đầu mưa lất phất chứ không nặng hột; tôi đề nghị vài ba người cứ đứng trên mui ghe giả bộ như đang làm nhiệm vụ của mình, đồng thời tôi cho ghe chạy qua phía mà tàu kinh tế 3 đang đậu; có lẽ vì vậy mà họ cho rằng chúng tôi là dân làm ăn ngay lành, vì “thật vàng không sợ lửa”, nên thấy mưa lất phất họ làm biếng ra kiểm soát chúng tôi; riêng tôi thì nghĩ đó là thêm một hồng ân Thiên Chúa dành cho chúng tôi.

Sau khi qua khỏi trạm tàu kinh tế 3 của Việt Cộng, tất cả mọi người trên ghe đều đồng ý là không thể nào trở về lại được. Thế nhưng khoảng 5 giờ chiều, khi ghe bắt đầu ra đến cửa biển Vũng Tàu thì bắt đầu sóng to, gió lớn, mặc dầu chúng tôi chạy lệch về hướng cửa Vàm Láng để tránh Vũng Tàu; nhưng trời còn sáng nên từ Vũng Tàu nhìn ra rất rõ, chỉ có độc nhất chiếc ghe của chúng tôi thôi chứ chẳng thấy có thêm chiếc ghe nào khác vì biển đang động mạnh; vì vậy chúng tôi đi gần như công khai. Tôi cố tránh mũi Vũng Tàu và nghĩ rằng cho dù tàu Việt Cộng có thấy cũng không thể đuổi bắt kịp vì sóng to gió lớn ghe đi lệch sóng thì có thể đến được Nam Dương vậy là tôi quyết định đi Nam Dương hay Mã Lai cho gần mà lại thuận sóng. Cũng nhờ sóng to gió lớn nên sau mấy ngày đêm, chúng tôi rất phấn khởi vì đã đi đúng đường hàng hải quốc tế và đã gặp nhiều tàu buôn của các nước đi qua cả đêm lẫn ngày; có chiếc rất gần chúng tôi nhưng có lẽ vì thấy ghe buồm rất lớn mà chở quá ít người nên họ không chịu tiếp cứu mặc dầu chúng tôi có đốt lửa kêu cứu.

Ba, bốn ngày đầu ông Cải, anh Phi và tôi không bị say sóng, còn lại 6 người kia đều bị say sóng cả; cũng nhờ vậy ba người chúng tôi mới được ăn hơi no vì số lương thực mang theo quá ít; đến ngày thứ 5 trở đi, vì đã quen với sóng biển nên tất cả hơi tỉnh lại, bớt say sóng hơn.

Đêm của ngày thứ tư kể từ ngày rời Vũng Tàu, chúng tôi đã thấy có vài chiếc ghe đánh cá của Nam Dương và theo như sự phỏng định thì chúng tôi chỉ cần chạy thêm chừng một ngày nữa là sẽ tới một đảo nào đó của Nam Dương. Thế nhưng gặp cơn bão quá dữ dội, không thể nào lái ghe chếch sóng để tiến lên được nên chúng tôi thử thả neo xuống để kềm sức bị đẩy lui của ghe; tuy nhiên theo kinh nghiệm của hai anh tài công rành nghề thì với sức gió ngược này, chắc chắn ghe không thể nào tiến được mà phải quay trở về. Tôi bắt đầu ân hận vì đã đi bằng ghe buồm chứ nếu là ghe máy tốt thì dễ xoay sở hơn.

Biết không thể nào đi Nam Dương – Mã Lai được mà đã mất hết 3 ngày 3 đêm rồi, kiểm soát lại thì chỉ còn 20 lít gạo và khoảng hơn 100 lít nước bị sét vàng như nghệ làm tôi rất ưu tư. Bà Cải đã bớt say sóng nên khi biết không thể nào đi tới nơi như đã định thì bà than vãn ai oán: “Xin về lại tới Việt Nam dù có trồng khoai trồng mì mà ăn cũng được”. Rồi vừa đọc kinh vừa cầu nguyện liên hồi, nghe giọng Bắc của bà đọc kinh cầu nguyện tỉ tê thật bi thương, não nuột vô cùng! Trong số 9 người có mặt trên ghe chỉ có Như là không có đạo (vài tháng sau Như cũng trở thành 1 tín hữu Công giáo nhiệt thành) còn lại 8 người đều là Công giáo nên khi nghe bà Cải đọc kinh như vậy làm ai nấy áo não vô cùng. Ông Cải cũng muốn về lại Việt Nam như ý của vợ ông; Như thì không có ý kiến; còn anh Phi và Chiến thì muốn đi tiếp như quyết định của tôi. Tôi suy nghĩ nếu về lại Việt Nam thì đời tàn rồi vì chắc chắn sẽ bị bắt, ông bà Cải thì có nhiều vàng để lại cho thằng con trai lớn ở nhà giữ, họ có thể lấy ra hối lộ cho Việt Cộng để được về sớm; còn tôi là hoa tiêu, tội nặng nhất sẽ bị ở tù lâu nhất. Tuy nhiên, “còn nước còn tát”; chưa có gì phải tuyệt vọng cả, vì dù không có hải đồ, hải bàn nhưng tôi biết gió, sóng đang thuận chiều thì chúng tôi có thể xuôi sóng, xuôi gió để đi theo đường hàng hải quốc tế về lại hải phận Việt Nam; và khi đến khoảng Cam Ranh, Nha Trang thì chúng tôi sẽ theo hướng Đông đi qua Phi Luật Tân vì Phi có hàng ngàn đảo lớn nhỏ nằm song song với Việt Nam, nhưng bắt buộc phải trở về ngang Cam Ranh hay Nha Trang rồi mới đi hướng Đông qua Phi để tránh dãy đảo Trường Sa thì rất nguy hiểm.

Dự trù ít nhất cũng phải đi thêm trên dưới 10 ngày đêm nữa. Vì gặp gió xuôi, sóng xuôi thì khoảng 3 hay 4 ngày về lại Cam Ranh, và theo đường hàng hải quốc tế ngang Cam Ranh để đi Phi Luật Tân cũng phải mất thêm 5 hay 6 ngày nữa. Dó đó, bắt đầu ngày thứ 4, khi quay ghe trở lại tôi đề nghị mỗi ngày chỉ lấy một chén lưng gạo nấu cháo cho buổi sáng và một chén lưng gạo nấu cháo cho buổi chiều, vì nấu bằng nước bị sét vàng nên thay vì cháo trắng thì cháo thành màu nghệ vàng khè, chia đều cho 9 người, như vậy mỗi người được 2 chén cho mỗi ngày. Tôi an ủi tất cả mọi người đừng lo lắng, chắc chắn phải tới nơi thôi; và bắt đầu phân công lại, tôi chỉ cho anh Chiến cách đi theo la bàn và nhìn sao, ban đêm thì sao Bắc Đẩu, ban ngày thì nhìn mặt trời để so sánh với la bàn để lúc nào tôi quá mệt thì Chiến thay tôi hướng dẫn ghe chạy theo. Điều mà tôi lo lắng nhất là cánh buồm bị rách, hoặc buồm bị đứt dây mà trong ghe không có cái nào dự trữ cả; tuy nhiên tôi không dám nói ra vì sợ mọi người thêm lo lắng. Lúc biển yên thì máy F10 có thể chạy được nhưng thỉnh thoảng máy cũng bị hư, hoặc có sóng hơi to một chút thì chân vịt không thể đụng nước nên không thể đẩy ghe đi được. Theo dự trù thì chuyến đi này sẽ có ít nhất là 100 người trên ghe, tạo thành một trọng lượng khá nặng làm thân ghe thấp xuống, thì chân vịt cũng có thể hoạt động và đẩy ghe vượt lên được dù với tốc độ chậm, nhưng bây giờ trên ghe chỉ có 9 người lớn nhỏ nên ghe nhẹ bổng, chân vịt khó mà đụng nước.

Khi quay ghe lại để đi hướng Phi Luật Tân thì mọi người trên ghe đã bớt say sóng, nên ban đêm chúng tôi quây quần lại đọc kinh cầu nguyện một cách sốt sắng và chúng tôi cũng đã thành khẩn đọc kinh “Ăn Năn Tội” để xin được chết lành trong tay Chúa!
Trong những ngày đầu ra đi gặp toàn may mắn; và khi thoát khỏi vòng kiểm soát của Việt Cộng, chúng tôi hết sức vui mừng, lòng đầy phấn khởi khi nghĩ đến bến bờ tự do đang gần kề, nhưng khi phải quay ghe trở lại để đi Phi, tôi quá nản lòng và vô cùng hối hận đã vượt biên bằng ghe buồm, bởi vì bắt buộc phải qua ngang hải phận Việt Nam, dù mình đi ngoài hải phận quốc tế, cũng có thể gặp rủi ro; ngoài buồm rách, gãy cột, đứt dây có khi còn gặp tàu tuần tiểu Việt Cộng hay ghe đánh cá quốc doanh cũng có thể bị bắt lại, thậm chí gặp tàu Nga Sô bắt lại giải giao cho Việt Cộng. Vì vậy, tôi quá ân hận vì đi bằng ghe buồm nên không theo được như ý mình; rồi nghĩ nếu chẳng may bị bắt lại, sau này có cơ hội đi trở lại thì không bao giờ tôi dám đi bằng tàu buồm nữa. Càng ân hận, ưu tư tôi càng nghĩ tới vợ con tôi; lúc ra đi không một lời giã biệt vì cứ nghĩ nếu có đi thì cũng phải thử ghe vài ba lần rồi mới đi chính thức; giờ này ở nhà vợ tôi lo lắng, trông tin mà không biết tìm ai để hỏi thăm tin tức vì vợ tôi không quen anh Đại và cũng không biết Phú Mỹ ở đâu!! Nhìn lại thấy trong túi áo còn một ít tiền Việt Cộng, lòng tôi hối tiếc vô cùng; nếu biết trước như vậy thì tôi đã đưa hết tiền cho vợ tôi để mấy mẹ con đi ăn phở chứ lần này chắc khó về lại để xài tiền này (khoảng 10 ngày sau thì Việt Cộng đổi tiền lần thứ 2).

Trong suốt thời gian vượt biển, lúc thấy biển yên thì chúng tôi buồn vì ghe chỉ thả trôi, còn những lúc có sóng to gió lớn thì chúng tôi rất vui mừng vì “thuận buồm xuôi gió”, ghe cứ tiến nhanh lên. Tiêu chuẩn mỗi người là một chén cháo lỏng vào buổi sáng và một chén cháo lỏng vào buổi chiều; vì từng ở tù Việt Cộng đã quen bụng đói và cũng vì lo lắng cho chuyến hải hành đầy gian nan nguy hiểm nên tôi không thấy đói lắm. Có một lần chúng tôi đang ở hải phận quốc tế, nhưng theo phỏng đoán của tôi thì ngang qua vùng Phan Rang – Phan Thiết của Việt Nam, lúc đó vào một buổi chiều biển yên, không có gió, ghe đang thả trôi, thì có một ghe lớn giống như ghe đánh cá quốc doanh Việt Cộng từ hướng Trường Sa về lại đất liền; khi ghe đến gần chúng tôi, với mắt thường có thể nhìn thấy dạng ghe kia được thì bỗng nhiên sóng to, gió lớn nổi lên; chúng tôi căng buồm cho ghe chạy chỉ khoảng 10 phút sau thì ghe ấy mất dạng. Lại thêm một sự may mắn đến với chúng tôi vì nếu đó là ghe đánh cá quốc doanh Việt Cộng thì chúng tôi sẽ gặp nhiều phiền phức .....

Cuộc hải hành vượt đại dương trong cơn bão tố đầy lo âu và cố gắng đã được đền bù, vào chiều ngày thứ 15 kể từ ngày rời Việt Nam, đó là ngày 17 tháng 7 năm 1985, chúng tôi cập ghe vào một đảo nhỏ, tên là Jalam Pulan, thuộc nước Phi Luật Tân; thật không có sự vui mừng nào to lớn hơn! Tuy nhiên khi lên đảo chúng tôi cũng dè dặt, dò chừng xem có dấu tích gì của Việt Cộng hay không; nếu như gặp những dấu hiệu gì như vỏ bao thuốc lá hiệu Hoa Mai do Việt Cộng sản xuất thì thật là khốn khổ, nhưng may mắn thay, chúng tôi đã gặp vỏ bao thuốc lá Marlboro của Mỹ. Vì đảo nhỏ chỉ có một ít nhà dân nên chúng tôi hỏi đường để đến đảo lớn hơn, ra trình diện với chính quyền của Phi, kiểm soát lại thì cánh buồm bắt đầu rách, nước còn rất ít và chỉ còn khoảng vài lít gạo!!

Ngày 23 tháng 7 năm 1985, 9 người chúng tôi được chuyển đến đảo Coron, nên được lấy tên là “group 9 Coron”, lòng vui mừng như chết đi sống lại; qua cuộc hải trình 15 ngày đêm vừa qua đã làm tôi ưu tư, lo lắng rất nhiều mà không dám nói ra, vì có nhiều vấn đề rất nghiêm trọng có thể xảy đến với chúng tôi, như cánh buồm với sức gió rất mạnh dễ bị rách, dây buồm có thể bị đứt, và với sức gió gần như bão thì cột buồm có thể bị gãy, nếu khởi hành từ Việt Nam, vấn đề phỏng định hướng đến Phi thì dễ, đàng này đã đi hết ba ngày đêm xuống phía Nam, rồi đi trở lại mà không có phương tiện hải hành thì khó khăn vô cùng. Điều quan trọng nữa là sức khỏe của hai tài công và tôi, là những người chịu trách nhiệm chính trong chuyến vượt biên đầy cam go này. Đi được hơn 10 ngày thì có một hôm tôi không thể tiểu tiện được, trong lòng lo sợ vô cùng, tôi thầm nghĩ không lẽ Chúa sắp gọi tôi rồi sao! Tuy vậy nhưng tôi vẫn cố gắng hướng dẫn ghe và âm thầm cầu nguyện; vài ngày sau thì sức khỏe trở lại bình thường! Tạ ơn Chúa!

Đảo Coron nằm rất xa thủ đô Manila của Phi, ở đây không có phương tiện gởi điện tín, có gởi thư nhưng đi rất chậm. Chúng tôi chờ gần một tháng mới có chuyến tàu từ Manila đến, dân Phi đa số theo đạo Công giáo nên tính tình hiền lành, thật thà, tuy rất nghèo nhưng họ đối xử rất tốt với người Việt tỵ nạn. Nhóm chúng tôi được tá túc trong văn phòng cảnh sát Coron, hàng ngày cùng nhau đi dự lễ tại một nhà thờ Công giáo gần đó. Vì chúng tôi hầu hết là Công giáo nên rất tin tưởng sự may mắn trong suốt chuyến đi đầy gian nan, nguy hiểm, chín phần chết một phần sống vừa qua là nhờ ơn Chúa, qua sự cầu bàu của Đức Mẹ Maria, thánh cả Giuse và các thánh mà chúng tôi không ngớt cầu xin. Dù có lòng tốt nhưng vì quá nghèo nên dân Phi tại địa phương đó cũng không giúp gì cho chúng tôi về mặt vật chất; vì vậy suốt thời gian ở lại đảo Coron chờ đợi đi Manila để đến trại Palawan, tôi chỉ có một bộ đồ dính da độc nhất gọi là tạm được. Sau cuộc hải trình 15 ngày đêm và gần 1 tháng ở đảo Coron, tôi bị sụt mất khoảng 7 kí lô, và Nguyễn Hùng Chiến thì sụt khoảng 10 kí lô!

Trong thời gian này, ở Sài gòn thì vợ con tôi như ngồi trên lửa; cũng bởi không có phương tiện gởi điện tín nên ở nhà vợ tôi đã phải trải qua hơn một tháng trời lo âu, đau khổ, hồi hộp, ăn không ngon ngủ không yên. Như tôi đã có nói ở trên là vì không biết trước lần đi này là đi luôn nên khi chia tay vợ ở bến xe Văn Thánh, tôi hẹn với vợ là chiều Chúa nhật ra bến xe đón tôi về; vì vậy đúng hẹn vợ tôi đã ra bến xe chờ đón tôi, và chờ từ xế chiều cho đến màn đêm bắt đầu phủ xuống; khi chuyến xe cuối cùng của tuyến đường Vũng Tàu – Bà Rịa – Sài gòn trống rỗng vì khách đã ra về hết, vợ tôi mới cam lòng trở về chờ đợi, chờ đợi … và chờ đợi! Một ngày rồi lại một ngày … chỉ âm thầm cầu nguyện. Vài ngày sau thì anh Đại từ Phú Mỹ vào Sài gòn, ghé nhà báo tin cho vợ tôi biết ghe của ông Cải đã ra đi, còn anh và khách đều bị bỏ lại, trong lòng vợ tôi vừa mừng vừa hồi hộp chờ tin. Ngày lại ngày qua, hết 3 tuần rồi mà vẫn bặt vô âm tín, làm vợ tôi nóng ruột quá.

Cứ vài ba ngày lại đến nhà cha mẹ vợ của anh Chiến dò tin; một hôm được cha vợ Chiến cho xem tờ điện tín do chị vợ của Chiến đánh từ Mỹ về chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Chiến đến bình an”. Dù trong điện tín ấy không có tên tôi, nhưng xem xong, vợ tôi vui mừng khôn tả; rồi ngày nào cũng ngóng trông điện tín của tôi, nhưng chờ hoài chờ mãi, đến tuần thứ tư thì bạn thân tôi, Trương Thanh Trai ghé nhà báo cho vợ tôi một tin động trời mà Trai vừa nghe lén từ đài BBC: “Một chiếc ghe đánh cá gồm 9 người Việt Nam bị bão nhận chìm ngoài khơi nước Phi, 8 người chết chỉ còn lại một người sống sót.” Nghe xong tin này làm Trai cũng lo lắng nên vội vàng đến báo cho vợ tôi hay. Khỏi phải nói là vợ tôi ngày đêm lo âu, lòng nóng như lửa đốt, ăn ngủ không yên, vài ngày lại đến nhà thờ Bình Triệu để cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima. Chờ cả tháng trời vẫn không thấy điện tín nên cả nhà hoảng hốt, cứ nghĩ rằng ghe đánh cá bị nạn kia chính là ghe của chúng tôi và người duy nhất còn sống sót là Chiến. Một ngày trời Sài gòn mưa tầm tã, nước thoát không kịp nên nước lênh láng khắp nơi, dân chúng đi lại phải lội lên tới đầu gối, vợ tôi đạp xe từ Thanh Đa lên nhà Bùi Tá Hải ở gần Chợ Lớn để hỏi lại tin mà Trai đã nói; Hải thấy vợ tôi mặt mày tái mét, người ướt như chuột lột nên an ủi vợ tôi rằng ghe bị nạn kia ra đi từ miền Trung mới thuận đường qua Phi. Thật vậy, đa số các ghe vượt biên phát xuất từ miền Nam, nếu đến được Phi Luật Tân thì đều do ghe bị hư máy rồi được các thương thuyền ngoại quốc cứu. Nếu không gặp các tàu ngoại quốc cứu, thì sẽ có nhiều cảnh bi thương xảy ra kể cả người cùng ghe ăn thịt người chết vì kiệt sức do thiếu thức ăn thức uống, bởi họ phải lênh đênh ngoài biển một thời gian quá lâu.

Ngày 21 tháng 8 năm 1985 chúng tôi rời đảo Coron đi Manila, chờ ở đó 10 ngày, rồi được đưa vào trại tỵ nạn VRC Palawan (Vietnamese Refugee Camp Palawan) ngày 31 tháng 8 năm 1985. Tôi được biết năm 1984, Phạm Nghĩa Vụ (CT) và Trần Kim Hoàng (Canada) cũng đã ở trại này. Khi đến Palawan tôi mới có thể đánh điện tín về cho vợ tôi, như vậy gia đình phải chờ đợi hơn một tháng trời mới có tin thì làm sao không lo lắng cho được!

Theo lời tôi dặn, vợ tôi liên lạc với Nguyễn Hữu Bích cùng trung đội với tôi khi học ở Nha Trang để xin một số hình ảnh rất quí và giá trị lúc chúng tôi còn là sinh viên sĩ quan, khi học sinh ngữ, có giáo sư người Mỹ, hình huấn nhục v.v..... Để chắc ăn, tôi nhờ địa chỉ của chị vợ anh Chiến ở Mỹ chuyển thì đều không đến tay tôi, trong khi một số giấy tờ, hình ảnh ít quan trọng hơn mà vợ tôi gởi thẳng qua đảo thì tôi đều nhận được, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn tiếc mấy tấm hình bị thất lạc ấy. Chuyến đi của tôi vì quá bất ngờ nên tôi không mang theo giấy tờ, hình ảnh gì có liên quan đến quân đội, kể cả giấy ra trại tù “cải tạo” của Việt Cộng tôi cũng không có vì khi tôi về trình diện Việt Cộng địa phương đã bị họ lấy mất không trả lại cho tôi như những địa phương khác. Khi còn ở Việt Nam tôi có nghe nói Nguyễn Xuân Dục (TX) là đại diện của khóa ở Hoa Kỳ nên vợ tôi đã liên lạc với Nguyễn Đình Hoàng và qua Hoàng, vợ tôi biết địa chỉ của Dục để viết thư cho tôi hay. Nhờ vậy Dục đã thông báo cho một số bạn HC2 ở Mỹ biết và các bạn đã giúp tôi một số tiền lớn so với cá nhân tôi lúc đó. Một thời gian sau, tôi biết thêm địa chỉ của bạn “nối khố” Huỳnh Ngọc Ẩn ở Úc để liên lạc; rồi qua Ẩn, Trần Ken biết tin cũng kêu gọi các bạn ở Úc gởi cho một chi phiếu mấy trăm đô Úc.

Cũng qua Nguyễn Đình Hoàng, tôi liên lạc với Phạm Nghĩa Vụ (CT), nên hàng tháng tôi đều nhận được thư của vợ chồng Vụ ở Mỹ và thư của Huỳnh Ngọc Ân ở Úc; trong thư của 2 bạn đều có kèm theo 20 đô la Mỹ - Úc tiền mặt. Nghĩa cử cao đẹp của các bạn tôi luôn ghi nhớ và thường kể cho các bạn cùng trại nghe cũng như sau này khi đã định cư; tôi cũng thường nhắc lại với bạn bè mỗi khi có dịp gặp mặt bằng cả tấm lòng xúc cảm và hãnh diện. Khi đang ở đảo, tôi biết một tin buồn, đó là một người bạn sĩ quan hải quân khóa khác nhưng quen thân với tôi trong những lần vượt biên; trong một chuyến vượt biên sau tôi vài tháng do anh làm hoa tiêu, đã bị công an biên phòng Việt Cộng bắn chết; số khách trên ghe cũng bị chết một số nhưng tôi không biết rõ là bao nhiêu. Tôi biết chắc rằng trước tôi nguyên chuyến ghe của anh Sáu Hoài đã bị mất tích và nay thêm chuyến ghe của bạn tôi bị Việt Cộng bắn chìm ở cửa biển thuộc tỉnh Mỹ Tho, thật là cái giá quá cao của sự vượt thoát để đi tìm cuộc sống tự do mà chúng ta phải trả!

Sau 6 tháng ở trại VRC Palawan, tôi được phái đoàn Mỹ nhận nhờ vợ tôi gởi qua một số giấy tờ, hình ảnh quân đội còn sót lại ở nhà. Rồi tôi chuyển lên trại Bataan học Anh văn và đời sống Mỹ để chuẩn bị đi Mỹ, vài tháng trước khi rời Bataan đi Mỹ, tôi có gặp Nguyễn Hóa và Nghiêm Xuân Chương, tôi đã chuyển giao địa chỉ của Dục và Ken nên hai bạn cũng đã nhận được sự giúp đỡ của các bạn trong gia đình HC2 ở Mỹ và Úc như tôi.

Ở Bataan 6 tháng, tôi đi Mỹ, đến định cư tại tiểu bang Connecticut ngày 4 tháng 9 năm 1986 do HC2 Phạm Nghĩa Vụ bảo lãnh. Phần vợ con tôi, sau mười mấy lần vượt biên lận đận, 2 lần ở tù vì tội “xuất cảnh trái phép,” ngày 14 tháng 10 năm 1988 đã đến được đảo Pulau Bidong – Mã Lai cùng với cậu em, sau một chuyến vượt biên trong cơn bão tố đầy hiểm nguy, và cũng nhờ sóng to gió lớn của bão tố mà thoát khỏi 2 tàu hải tặc Thái Lan cố đuổi theo nhưng không đuổi kịp. Sau bao năm dài xa cách, vợ con tôi đã qua Mỹ đoàn tụ với tôi ngày 28 tháng 8 năm 1989; những phong ba bão táp của cuộc đời, những hiểm nguy gian khổ của những lần vượt biên đã đi qua đều nhờ ơn trên chở che, cứu giúp. Là một tín hữu Công giáo, tôi luôn tin tưởng, tạ ơn và phó thác nơi Thiên Chúa; qua sự cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các thánh, Thiên Chúa đã ban nhiều hồng ân cho chúng tôi.

N hờ ơn trên, trải qua nhiều năm cố gắng xây dựng cuộc sống mới trên đất khách quê người từ hai bàn tay trắng của chúng tôi, cũng như sự cố gắng của các con trong học hành, đến ngày hôm nay đã đạt thành ý nguyện. Tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ của bạn bè, những cựu sinh viên sĩ quan Hải quân khóa 20 Nha Trang mà chúng tôi gọi một cách thân thương là Hổ Cáp 2; các bạn là niềm hãnh diện, là nguồn an ủi cho chúng tôi trong cuộc sống buồn vui đời tỵ nạn.
Tôi mang ơn chính phủ V.N.C.H. đã cho tôi hít thở không khí tự do suốt hơn 20 năm.

Tôi mang ơn quân lực V.N.C.H. đã tạo cơ hội cho tôi thực hiện hoài bão góp phần chống chủ nghĩa cộng sản vô thần để bảo vệ miền Nam tự do, dù thất bại nhưng không phải là vô ích.

Tôi mang ơn quân chủng Hải Quân, cho tôi được học hải nghiệp để thực hiện “kiếp hải hồ”, tạo cơ hội cho tôi đến được bến bờ tự do.

Tôi cám ơn các bạn HC2 đã chia sẻ nhiều kỷ niệm vui buồn, không bao giờ tôi quên các bạn.
Tôi rất nhớ các bạn còn ở lại Việt Nam, đã 20 năm chưa gặp lại. ..........

Connecticut, USA
Kỷ niệm 36 năm ra khơi (1970 – 2006)
Lê văn Tài
Ý kiến bạn đọc
03 Tháng Tư 20117:00 SA
Khách
cám ỏn bài viết cuả Chú Tài; mình có quen một nguòi tên Hoá, truóc ỏ Pulau Bi Dong 6/1986, lâu quá rồi mất liên lạc, tình cò đọc bài của Chú thấy tên Nguyễn Hoá , không biết có phải cùng một nguỏi ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn