Bộ Văn Hóa Thông Tin và Truyền Thông vừa ra quyết định đình chỉ việc lưu hành tập thơ mang tên Trần Dần Thơ mặc dù tập thơ này đã có giấy phép do Cục xuất bản cấp và hiện đang bày bán rộng rãi tại nhiều thành phố trong nước.
Hành động này đã bị các nhà Văn hóa cũng như tác giả văn học trong nước lên án và hôm nay 134 người đã ký tên vào bức thư ngỏ gửi đến Quốc Hội cùng văn phòng Thủ Tướng Chính Phủ đề nghị xem xét lại việc làm vừa nói.
Tải xuống để nghe
Những câu thơ gây hệ lụy một thời
“Tôi đi không thấy phố không thấy nhà,
chỉ thấy mưa sa trên hàng cờ đỏ…”
Hai câu thơ của tác giả Trần Dần hầu như nằm nguyên vẹn trong trí người đọc trong hơn 50 năm qua. Giá trị câu thơ là nêu lên một cách sống động thời kỳ mà nhà thơ bị cuốn vào dòng chảy của cuộc chiến tranh mà bạo lực cách mạng được nâng lên thành chân lý cho mục tiêu cuối cùng là chiến thắng.
Hai câu thơ này đã là mối hệ lụy đớn đau cho nhà thơ trong suốt quãng đời còn lại của ông bắt đầu từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm.
Nhà thơ Trần Dần mất năm 1997 và để kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông gia đình và những người có lòng với thơ ông đã tập trung nhiều bài thơ của ông trong tuyển tập mang tên Trần Dần Thơ và được cơ quan văn hóa Nhã Nam phối hợp với nhà xuất bản Đà Nẵng in và phát hành tập thơ này.
Tập thơ đã được đón nhận nồng nhiệt không những từ tiếng tăm vang dội của nhà thơ mà bởi trong tập thơ này nhiều bài thơ của ông chưa bao giờ công bố.
Câu chuyện không ngừng lại ở đây khi thông tin mới nhất từ nhà xuất bản Đà Nẵng và Nhã Nam cho biết Bộ Văn Hóa Thông Tin và Truyền Thông chính thức ra lệnh phong tỏa tất cả số sách còn lại nằm trong kho của hai cơ sở này với lý do là giấy phép của Cục Xuất Bản không hợp lệ.
Giới cầm bút lên tiếng
Sau khi nguồn tin được kiểm chứng lập tức một làn sóng bất bình nổi lên khắp nơi, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội nơi sinh trưởng của nhà thơ và cũng là nơi tập trung nhiều nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nước.
Bắt đầu là một bức thư ngỏ của 8 nhà văn, nhà thơ dự tính sẽ gửi cho các cơ quan cao nhất nước, đã nhanh chóng được sự ủng hộ nồng nhiệt của 134 người trong đó có rất nhiều nhà hoạt động văn hóa và bức thư ngỏ này sẽ được gửi trực tiếp đến Quốc Hội vào ngày mai và sau đó đến văn phòng Thủ Tướng.
Tại sao Bộ Thông Tin và Truyền Thông lại tỏ ra bất nhất đối với một nhà thơ đã chết và đã trả đủ nợ Nhân Văn Giai Phẩm với nhiều năm tù và chết trong cô đơn chỉ vì một bài thơ? Câu hỏi này chúng tôi mang ra thỉnh ý một nhà thơ cũng nổi tiếng không kém trong vụ Nhân Văn, và cũng là bạn thâm giao của Trần Dần là nhà thơ Lê Đạt, ông nói:
"Theo tôi, việc đó là việc không nên làm. Không cớ gì đối với anh Trần Dần, với bất cứ một người nào, người ta sáng tác mình không cho người ta in thì đã là không tốt rồi. Đây thì đã đồng ý cho in rồi mà phải gây khó khăn làm gì nữa. Đặc biệt về trường hợp của Trần Dần thì tôi thấy rằng trường hợp đấy rất bất nhân. Anh Trần Dần đã đau khổ cả một cuộc đời vì nền thơ ca Việt Nam, bây giờ anh đã nằm xuống đất rồi mà bây giờ xác anh cũng đã mục rã với cỏ cây rồi. Tinh thần anh ấy còn lại, thì chúng ta còn hành hạ tinh thần anh làm gì nữa!"
Nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, một trong những người tiên phong khởi xướng viết bức thư ngỏ cho biết thêm những chi tiết tạo ra bức thư ông nói:
"Ngày 26/2 có một đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thông Tin Truyền Thông dẫn đầu xuống làm việc với Công Ty Văn Hóa Nhã Nam vì họ tiếp được một cái đơn của Nhà Xuất Bản Đà Nẵng cho rằng giấy phép mà ông phó giám đốc ký là không có hiệu lực, mặc dầu giấy này là từ tháng 8/2007. Vì vậy công văn thu hồi quyển sách này được gởi lên Cục Xuất Bản với con dấu ngày 23/2/2008.
Đoàn kiểm tra liên ngành này xuống làm việc và kết luận, lập biên bản với công ty văn hóa Nhã Nam là đã vi phạm hành chính về công việc xuất bản, nghĩa là quy trình xuất bản không đúng.
Cái bức xúc thứ nhất thường là không nêu rõ lý do vì sao như vậy. Hoặc là lý do nó ẩn đàng sau đó nhưng lại quy về các vấn đề hành chính, chớ không chịu nói thẳng ra rằng là tác phẩn này là xấu, là vi phạm cái này cái khác. Tất cả những vụ việc thường chỉ được quy về lý do hành chính, lý do bên ngoài. Đó là một sự gây bức xúc.
Thế thì từ xuất phát tình hình đó thì nhóm nhà văn, nghệ sĩ trong đó có nhà thơ dịch giả Chân Tường, nhà văn nhà giáo dịch giả Phạm Toàn, Châu Diên, giáo sư Nguyễn Huệ Chi và tôi nghĩ rằng là ở đây dù có thể giải quyết về vụ vi phạm hành chính nhưng nó có thể không còn là tiền lệ nữa mà nó là lập lại một cái một vấn đề mà lâu nay ứng xử của các cơ quan nhà nước quản lý về tác phẩm văn học nghệ thuật như vậy thì nên có một tiếng nói của giới văn nghệ sĩ gởi đến những người có trách nhiệm để thứ nhất giải tỏa việc này. Dù bây giờ “Trần Dần: Thơ” vẫn được bày bán nhưng sợ rằng như vậy là nó vẫn đứng ở trong quy định ấy, là nó vẫn phải ngưng phát hành. Đó là cái thứ nhất như trong thư ngỏ chúng tôi viết.
Thứ hai là nhìn xem lại trong cả hệ thống về cách xử lý như vậy của những tác phẩm trước đó. Và thứ ba, kể từ nay không tiếp diễn, tái diễn lại những việc như vậy nữa".
Trách nhiệm kẻ sĩ?
Hệ quả của việc cấm đoán, cản trở hay theo dõi văn hóa phẩm là không nhỏ khi nhìn qua lăng kính của một đất nước đang được hướng dẫn bởi những cơ quan mang tên văn hóa nhưng khi hành xử thì phần văn hóa bị xem nhẹ một cách khó hiểu.
Chữ ký và con dấu của Cục Xuất Bản trong câu chuyện này trở thành số không khi quyền lực ở cấp cao hơn tỏ ra mạnh mẽ một cách tuyệt đối.
Dấu hiệu kiêu binh văn hóa đã xuất hiện từ lâu nhưng trong hoàn cảnh mới của đất nước đáng ra cách hành xử này phải bị đào thải thì lại vẫn xuất hiện một cách công khai tạo thành một dấu hỏi lớn đến nhức nhối trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi người giữ trọng trách biên tập và gửi bức thư ngỏ, cho chúng tôi biết về nhũng suy nghĩ của ông cũng như nguyên nhân dẫn đến quyết định này ông nói:
"Chúng tôi thấy việc làm như thế là tùy tiện và hoàn toàn không có cơ sở. Đặt vấn đề thu hồi một cuốn sách, mà một cuốn sách đó chỉ có thêm giá trị văn hóa cho đất nước này thôi. Cho nên chúng tôi làm việc ấy cũng chỉ với thiện chí làm muốn tránh cho nhà nước khỏi một dư luận, mà dư luận đấy theo tôi là sẽ không hay, sẽ rất không hay cho nhà nước này.
Một nhà nước đang có ý định mở cửa ra với thế giới và hiện đại hóa. Thế mà trên một việc làm rất văn hóa thì anh lại bộc lộ những ‘khiếm khuyết’ như thế, cho nên chúng tôi một số những nhà văn hóa, nhà văn, nhà khoa học quyết định là phải làm một thư ngỏ.
Bởi vì việc này từ trước không ai dám nói, đối với những cuốn sách trước nó cũng chẳng có chuyện gì cả thế mà cũng đùng đùng thu hồi. Và người ta vẫn cứ im lặng chịu đựng chuyện ấy. Bây giờ thì chúng tôi phải lên tiếng và lên tiếng một cách minh bạch và có phép tắc hẳn hoi. Chúng tôi sẽ đến gặp Quốc Hội để trình thư ngỏ này với 134 nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, văn nghệ sĩ".
Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại rằng rồi đây bức thư ngỏ này sẽ cùng chung số phận như những kiến nghị, những bức thư ngỏ khác trước đây vẫn nằm trong im lặng không một tiếng hồi âm, thì việc kế tiếp của những người ký tên trong bức thư phải làm là gì giáo sư Huệ Chi cho biết một cách dè dặt:
"Chúng tôi chưa lường tính được điều ấy. Nhưng thấy trách nhiệm của mình thì chúng tôi phải lên tiếng. Trước đây thì chúng tôi cũng chưa có một tiếng nói nào mà đông đảo như tiếng nói lần này. Mỗi một vụ việc thì nó khác nhau, mà lần này thì chúng tôi muốn từ đây mà khái quát thành một nguyên tắc sống, nguyên tắc làm việc nó hợp với tình thế hiện tại."
Dù sao thì trách nhiệm kẻ sĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn được xem trọng hàng đầu. 134 chữ ký không phải là nhiều nhưng ngược lại, sức mạnh trong tứng chữ ký này không phải là nhỏ. Phải chăng kẻ sĩ trong nước đã thoát ra được cái vòng kim cô mà nhiều chục năm qua đã trói chặt tâm tư của họ?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
06-03-2008
Gửi ý kiến của bạn