BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73215)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kiểm Điểm Đảng Viên 1998

05 Tháng Hai 199912:00 SA(Xem: 973)
Kiểm Điểm Đảng Viên 1998
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Kính gửi: Chi bộ Vụ Văn hóa Giáo dục của Văn phòng Quốc Hội

Trong bản Hướng dẫn của Đảng uỷ Văn phòng Quốc Hội "liên hệ, tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp uỷ, tổ chức Đảng và cán bộ Đảng viên" có một đoạn: Mục 3 - đối với cán bộ Đảng viên, ghi như sau:

"a/ Về tư tưởng chính trị:

Nhận thức, những băn khoăn trăn trở về cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng, chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về cơ chế thị trường và chủ nghĩa xã hội, về nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, về quan điểm đối với các thành phần kinh tế quốc doanh, hợp tác xã tư doanh, liên doanh, cổ phần hoá, chính sách tiết kiệm, phát huy nội lực tranh thủ hợp tác quốc tế có hiệu quả bảo đảm công bằng xã hội củng cố an ninh quốc phòng (thể hiện qua lời nói và bài viết). v.v.v..."

Tôi rất hoan nghênh điểm này trong bản Hướng dẫn. Nó chứng tỏ tổ chức Đảng đã thừa nhận trong tư tưởng Đảng viên hiện nay đang có những "băn khoăn, trăn trở" về cương lĩnh, đường lối v.v... Và đó là tự nhiên, là trách nhiệm và quyền hạn bình thường của mỗi Đảng viên và tuyệt nhiên không phải có gì sai trái, xấu xa.

Vì vậy, tôi sẽ kiểm điểm theo điểm hướng dẫn đó.

*

Tôi làm bản tự kiểm điểm Đảng viên 1998 như sau:

1 - Từ 1992, khi tôi đã nghỉ tất cả mọi chức vụ công tác về Đảng cũng như về Quốc Hội, tôi sống một cuộc sống hoàn toàn nghỉ ngơi. Tuy vậy, tôi không thể dứt ra khỏi tâm thế một cán bộ Đảng viên đã hoạt động lâu năm và cũng từ lâu năm luôn có những lo nghĩ về tình hình đất nước và tình hình Đảng. Từ cuối năm 1993, bệnh tiểu đường của tôi biến chứng, tôi phải nằm bệnh viện giải phẫu chân và chữa mắt gần hết năm 1994. Sau đó, tôi sống cuộc sống một bệnh nhân, phải điều trị thường xuyên ở nhà, đi lại khó khăn sinh hoạt của tôi chỉ còn rút gọn ở đọc sách báo (chủ yếu là sách) xem ti vi và nghe nhạc, tiếp đãi một số ít bạn bè thăm hỏi.

2 - Trong hoàn cảnh đó, tôi cũng vẫn nhận được những văn thư yêu cầu góp ý kiến vào vấn đề này vấn đề khác của sự lãnh đạo của Đảng. Tôi cũng đã có ý kiến góp về một số vấn đề của các Hội nghị Trung ương. Những ý kiến này, có ý kiến phát biểu trong chi bộ, có ý kiến gửi thẳng cho văn phòng Trung ương Đảng. Tôi còn nhớ tôi có những ý kiến góp về các vấn đề:

- Vấn đề xây dựng Đảng.

- Vấn đề Nhà nước.

- Vấn đề Giáo dục v.v.v...

Một lĩnh vực mà tôi có thể có nhiều ý kiến là văn hóa văn nghệ. Nhưng những hiểu biết và suy nghĩ của tôi, tôi đã dốc hết vào việc chuẩn bị và hình thành Nghị quyết Bộ Chính trị số 05 năm 1987. Cho đến bây giờ, tôi thấy hầu như nhiều người đã quên Nghị quyết ấy và thực tiễn tình hình đang diễn ra ngược lại với Nghị quyết đó. Tôi không thể có ý kiến nào khác hơn, nên tôi đã im lặng về vấn đề này.

Tất cả những ý kiến tôi góp và gửi đi đều rơi vào tình trạng im lặng kéo dài, tôi không biết nó có tới được nơi gửi không? và nó có được ai ngó ngàng đến không?

Vì vậy đến cuối năm 1997, đầu năm 1998 tôi phải viết một tài liệu tên là "Tình hình đất nước và vai trò của Đảng Cộng sản" gửi cho Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và các bạn quan tâm. Và tôi sẽ nói kỹ về việc này ở những phần sau.

3 - Từ khi tôi nghỉ việc (1992), tôi vẫn giữ vững tinh thần trung thành với Nghị quyết Đại hội 6 về đổi mới. Tôi trung thành với những tinh thần sau đây:

- Đổi mới là sự nghiệp sống còn của Đảng và Đất nước. Đổi mới là một công cuộc cách mạng. Đổi mới thì quan trọng nhất là đổi mới tư duy.

- Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành được thắng lợi to lớn và vẻ vang, nhưng cũng đã phạm những khuyết điểm nghiêm trọng về các vấn đề đường lối. Đảng đã tự phê bình về những khuyết điểm lớn là:

+ Quan liêu bao cấp.

+ Tập trung quan liêu, mất dân chủ.

+ Duy ý chí, chủ quan rất nặng.

+ Chính vì Đảng đã tự phê bình như vậy, mới tạo được một chuyển động lớn, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ sa vào vực thẳm.

4 - Những tinh thần của Đại Hội 6 hầu như dần dần bị quên lãng, tinh thần tự phê bình của Đảng hầu như bị phai nhạt.

Tình hình thực tiễn của xã hội, tình hình tư tưởng và công tác tư tưởng có nhiều mặt diễn ra xa rời tinh thần của Đại Hội 6, nhiều mặt lại được diễn ra tệ hại hơn cả khi trước Đại Hội 6, lại rơi vào đúng những điểm mà Đại Hội 6 đã tự phê bình.

5 - Những cái gọi là "những băn khoăn trăn trở" mà bản hướng dẫn nêu lên chính là những băn khoăn trăn trở của nhiều người trong Đảng, trong đó có tôi. Tôi bộc lộ những băn khoăn trăn trở vào bản kiến nghị của tôi. Những vấn đề tôi nêu lên chỉ có tính chất là những nghi vấn. Những nghi vấn đó cần được giải đáp. Những giải đáp đúng sẽ là tiền đề cho đường lối cần có của ta. Những giải đáp có được không phải do một người hoặc một nhóm người nêu ra được. Nó phải là trí tuệ của toàn dân tộc được huy động một cách trung thực và rộng rãi, mới có được.

Những sự giải đáp đó không thể cầu viện vào 1 hay 2 học thuyết nào kể cả học thuyết Mác - Lênin đã ra đời cách đây hơn 100 năm.

Mọi giải đáp đúng đắn cho con đường đi của nước ta không thể có được bằng cách cứ ép buộc, khuôn khổ tình hình đất nước vào trong những nguyên lý mà "thực tiễn loài người đã bác bỏ và đang bác bỏ". Các giải đáp đúng đắn phải xuất phát từ cách nhìn nhận sự biến chuyển thế giới và nhìn nhận đúng thực trạng đất nước. Mọi giải đáp đúng đắn phải trên cơ sở coi sự phát triển hiện đại hóa của đất nước là mục đích cao nhất chứ không phải coi việc bảo vệ một học thuyết là mục đích cao nhất. Ta có thể tôn trọng, cảm ơn và sử dụng học thuyết đó, chứ không để bị cầm tù và nô lệ cho học thuyết đó.

Đó là cơ sở tư duy của tôi, khi tôi viết bản kiến nghị đó. Cho nên sau bản kiến nghị, tôi có một đề nghị tổ chức một cuộc thảo luận chính trị rộng rãi toàn quốc để thu thập nhiều ý kiến tìm ra lời giải đáp, giải đáp những băn khoăn và trăn trở của nhiều người. Nhưng cả kiến nghị và đề nghị của tôi đều không được chấp nhận. Và khi đã không được chấp nhận thì tôi chỉ còn có cách im lặng và tiếp tục ngẫm nghĩ về những băn khoăn và trăn trở của mình.

6 - Một trong những băn khoăn, trăn trở lớn của tôi là Đảng phải làm thế nào tự đổi mới về mọi mặt để Đảng có thể và xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình trong tình hình mới. Đảng đã có nhiều ưu điểm và thành tích trong lãnh đạo cách mạng và chiến tranh. Nhưng ngày nay, tình hình và nhiệm vụ đã khác rồi. Thế là "ưu điểm kéo dài sẽ trở thành khuyết điểm" như Lênin đã nói.

Vậy là tôi muốn cái tốt và cái hay cho Đảng.

......

7 - Tôi tự nhận là tôi vẫn trung thành với các lý tưởng của Đảng, thiết tha với sự nghiệp và vận mệnh của Đảng, mong muốn Đảng có vai trò tốt hơn trong tình hình và nhiệm vụ mới.

Tôi có các phát biểu của tôi, là tôi thực hiện quyền của Đảng viên như trong Điều lệ Đảng mà Đại hội 8 của Đảng đã thông qua ngày 1-7-1996. Đó là "Điều 3:

— Đảng viên có quyền: "Được thông tin và thảo luận các vấn đề về cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, biểu quyết công việc của Đảng".

Rộng hơn nữa, tôi thực hiện quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp của ta đã ghi trong Điều 69: Quyền tự do thông tin và tự do tư tưởng.

Rộng hơn nữa là tôi thực hiện quyền con người của tôi đã được ghi trong Điều 18 và 19 của Bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 10-12-1948. Bản Tuyên ngôn này có 30 điều mà Nhà nước ta đã ký kết công nhận. Trong đó, Điều 19 ghi rằng: "Mỗi người đều có quyền tự do có ý kiến và phát biểu. Quyền này cho phép bất cứ ai không phải lo ngại về những ý kiến của mình và bao gồm cả quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền bá các thông tin và ý tưởng, bất chấp biên giới, bằng bất cứ phương tiện nào".

8 - Với nhưng điểm trình bày ở trên, tôi tự kiểm điểm thấy tôi hoàn toàn không có khuyết điểm gì về tinh thần và tư cách người Đảng viên. Tôi vẫn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng là đưa nước ta phát triển lên No ấm, Tự do, Hạnh phúc. Tôi vẫn trung thành với những tinh thần mà Đảng đã đưa ra, nhất là tinh thần của Đại Hội 6. Thảo luận các vấn đề về cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng là quyền và trách nhiệm của Đảng viên chứ không phải là chống lại đường lối chủ trương.

Đã là thảo luận phải có ý kiến khác, ý kiến thì không thể là chống lại. Đảng muốn cho mỗi Đảng viên là một người có ý thức và trách nhiệm, chứ Đảng không mong muốn tất cả Đảng viên chỉ là một đàn cừu ngoan ngoãn. Tôi đã suy nghĩ và xử sự theo tinh thần đó của Đảng. Ai bảo đó là chống lại Đảng thì thử hỏi Đảng của họ là cái Đảng gì và tinh thần của Đảng đó ra sao? Tôi chống là chống cái độc tôn, cái chuyên chế! Chẳng lẽ Đảng lại bênh vực cho cái độc tôn và chuyên chế à?

Vì vậy, tôi vẫn tin vào suy nghĩ và ứng xử của tôi với tư cách một đảng viên có trách nhiệm với Đảng. Và tôi lên án lại những ý kiến vô trách nhiệm mà tôi cho là nó không phải của Đảng chân chính. Thực ra quyền Đảng viên đã ghi vào Điều lệ ở nhiều khoá. Nhưng như tôi, thì khi còn đang làm việc quá bận bịu về thời gian cũng như tâm trí vào những việc sự vụ, thù tiếp long trọng, mất quá nhiều công sức vào việc nói đi nói lại những điều đã được nói nhiều lần, nên sự thực hiện quyền thảo luận bị hạn chế nhiều.

Sau khi nghỉ việc có nhiều thì giờ hơn, có nhiều thông tin các chiều khác nhau, có nhiều điều kiện hiểu đời sống của nhân dân hơn, lại rảnh rang suy nghĩ, nên có nhiều điều kiện thực hiện quyền thảo luận một cách khách quan hơn.

Thực ra, các đồng chí lão thành đều có điều kiện như vậy và cần khuyến khích khai thác vốn này. Không nên có bất cứ lời nói và cử chỉ nào ngăn cấm và suy diễn đối với những ý kiến ấy và không được coi thường khinh miệt những ý kiến đó.

..... Tôi lo lắng rất nhiều cho những hiện tượng xa rời lý tưởng và nguyên tắc của Đảng. Những sự xa rời như thế cứ diễn ra ở khắp nơi, ở mọi cấp. Nghị quyết sau phủ nhận Nghị quyết trước, quyết định của Hội nghị sau ngược lại 180 độ với quyết định của Hội nghị trước (như Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và thứ 10 khóa 7. Tuy giữ rất bí mật, nhưng rất nhiều người biết rõ). Tình trạng nói hay mà làm dở, nói không đi đôi với làm, nói theo khuôn sáo, không xuất phát từ thực trạng tình hình. Tôi tin là cũng có rất nhiều người có lo lắng như tôi và đều mang một tâm trạng chán nản. "Nói làm gì? Nói có ai nghe đâu mà nói?". Sự lo lắng như tôi vừa kể có phải xuất phát từ trách nhiệm của Đảng viên hay không? Tôi khẳng định còn có nỗi lo như thế của nhiều người, là còn có nhiều yếu tố cho Đảng ta vượt qua khó khăn mà hoàn thành sứ mạng của mình. Những ai không thấy lo gì cả mới thật sự là những người vô trách nhiệm và làm hại cho Đảng.

Tôi đã từng vượt qua những lời khuyên tiêu cực như "nói làm gì, nói có ai nghe mà nói, thôi thì cứ "mũ ni che tai" mà an hưởng tuổi già".

Tôi cũng đã từng vượt qua những lời tâng bốc, kích động, tôi để ngoài tai.... Tôi không có gì để mong muốn nữa, và tôi cũng không có gì để sợ hãi nữa.

Tôi cứ nghĩ và đã nghĩ thì phải nói ra, mà nói ra thì phải có người nghe. Người này không nghe thì đã có người khác nghe. Đó là đạo lý cổ kim đông tây là như vậy. Đạo lý đó cao hơn mọi nguyên tắc do người đời đặt ra.

9 - Bản kiến nghị của tôi gây cho tôi nhiều hậu quả, những hậu quả đe dọa xúc phạm đến danh dự chính trị của tôi.

a/ Trước hết là đợt công kích rầm rộ hồi tháng 3, tháng 4 đối với cái gọi là những quan điểm sai lầm. Tôi hoan nghênh sự tranh luận công khai. Nhưng sự tranh luận cần phải dân chủ và công bằng. Phải tạo điều kiện cho những người có ý kiến ít hoặc nhiều giống tôi, được quyền phát biểu ý kiến. Cái lối "tranh luận" đầy sự truy chụp, đầy sự nói lấy được và đầy sự bịt miệng người khác không thể coi là tử tế, chứ chưa nói đến dân chủ đàng hoàng. Nó chỉ chứng tỏ sự đuối lý và dốt nát thảm hại của những người nói lấy được. Đó không phải là dấu hiệu tốt đẹp của công tác tư tưởng của Đảng. Là một Đảng viên lâu năm và chân chính, tôi không thể chấp nhận việc làm đáng xấu hổ đó.

b/ Tôi bị các cơ quan "chuyên chính" đối xử với tôi như đối với một tội phạm, cơ quan công an bao vây nhà tôi, theo dõi tôi đi lại, uy hiếp những người thăm hỏi tôi, trấn áp các con tôi. Cơ quan bưu điện tịch thu thư tôi gửi đi và thư gửi đến cho tôi, theo dõi điện thoại nhà tôi, phá rối mọi cuộc nói chuyện, đặc biệt là những cuộc từ nước ngoài gọi về cho tôi. Cơ quan công tác tư tưởng triển khai một kế hoạch có hệ thống để rêu rao, vu cáo tôi là chống Đảng và chống chủ nghĩa xã hội.

Các việc trên có hệ quả là có một số người quen biết tôi sợ tôi, và lảng tránh, xa lánh tôi. Tuy nhiên, tôi biết rõ tôi có nhiều bạn bè, nhiều người vô tư và tử tế, tỏ ra hiểu rõ và vẫn đánh giá đúng tôi. Có nhiều người tán thành tôi và vì lý do này khác mà không bộc lộ ra. Và tôi có niềm an ủi lớn lao và tự hào về điều đó.

c/ Tôi biết, có người trách tôi tại sao lại "để nước ngoài lợi dụng" và "trả lời các Hãng thông tấn nước ngoài vô nguyên tắc". Tôi xin trả lời: với điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, tôi không chịu trách nhiệm chút nào với việc các Hãng và các đài nước ngoài họ biết ý kiến của tôi. Có người báo cho tôi biết họ đã có bài của tôi. Tôi hỏi ở đâu ra, họ cười và trả lời tôi: ông không cần biết điều đó.

Các hãng thông tấn và phóng viên nước ngoài gặp tôi hoặc gọi dây nói cho tôi, phép lịch sự tối thiểu là tôi phải trả lời. Tôi không biết có nguyên tắc nào về việc trả lời phỏng vấn. Hiện nay, các hãng thông tấn họ phỏng vấn lúc thì trẻ con, sinh viên, lúc thì bà già. Có nguyên tắc nào "cấm trả lời phỏng vấn". Chẳng lẽ có quyền chức thì có quyền trả lời phỏng vấn, còn không có quyền chức thì không được phép à? luật nào? ở đâu?

Có người trách tôi là tán phát tài liệu. Tôi chẳng bao giờ tán phát tài liệu. Hồi còn trẻ tôi có đi rải truyền đơn cho Đảng. Bây giờ già yếu, tôi viết được cái gì thích thú, tôi gửi cho bạn bè. Bạn bè tôi có người thích thú thì tôi gửi, còn ai e ngại hoặc không thích, tôi cũng không gửi. Tôi thực hiện quyền của tôi trong phạm vi thư tín mà Hiến pháp công nhận. Chẳng lẽ tôi cũng bị tước luôn cả quyền viết thư và gửi thư nữa sao?

Tôi xin không chấp nhận những lời trách cứ đó, dù tôi biết những người có lời trách cứ đó cũng là những người đầy thiện tâm và rất tốt.

10 - Lẽ ra tôi có thể kiện cơ quan công an và bưu điện là đã xâm phạm quyền công dân của tôi, có thể kiện các cơ quan tư tưởng về tội vu cáo, vu khống, bôi nhọ danh dự của tôi.

Nhưng tôi biết rất rõ, không có bất cứ một nơi nào nhận xử những việc như vậy. Và vì vậy, tôi đành im lặng. Ta không có cái dân chủ tối thiểu công khai và sòng phẳng thì tôi đành chịu vậy. Tình trạng như thế này nó nói lên tính chất của thực trạng xã hội ta là như thế nào. Đất nước ta có yên được không, dân ta có yên được không? Cứ như thế này ta có thể thoát khỏi khó khăn và đưa đất nước tiến lên không? Bộ máy cai trị của ta quá cồng kềnh và quá bất lực, nhiều trục trặc, nhiều gian dối. Bộ máy đó có bảo đảm có sự lãnh đạo của Đảng hay không? Có một trào lưu cơ hội chủ nghĩa thao túng bộ máy của Đảng và Nhà nước! Những thế lực đen tối nào khống chế và sử dụng bộ máy của Đảng và Nhà nước ta ??? Đảng ta có một hay là nhiều Đảng khác nhau của nhiều người khác nhau? Xem ra, trong sinh hoạt của Đảng ta hiện nay lại có xen vào những "thói đời đen bạc" làm nhiều người phải "buồn phiền".

Những người lo lắng, băn khoăn, trăn trở cho tình hình đất nước phải làm gì lúc này? Tình thế sẽ đi đến đâu?

Tôi vẫn giữ quyền "băn khoăn và trăn trở" của tôi.... Tương lai của Đảng tuỳ thuộc vào nơi khác, chứ không phải ở tôi.

Trần Độ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn