BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 83057)
(Xem: 64796)
(Xem: 42334)
(Xem: 33859)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư Ngỏ gửi các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, tạp chí Cộng sản và các báo khác

18 Tháng Năm 199812:00 SA(Xem: 1172)
Thư Ngỏ gửi các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, tạp chí Cộng sản và các báo khác
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
Vài lời mở đầu: Trong tháng 3, tháng 4-1998, trên một số tờ báo xuất hiện rầm rộ một loạt bài "bảo vệ đường lối của Đảng". Tất cả có khoảng 30 bài. Báo Nhân Dân có nhiều bài nhất, đến 15 bài. Sau đó là báo Quân Đội Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Sài Gòn Giải Phóng và cả báo Văn Nghệ Quân Đội, v.v... Các báo biểu diễn một đợt "đấu tranh tư tưởng" rất qui mô, nhắm vào phê phán một số quan điểm lệch lạc, trái với đường lối của Đảng. Đợt đấu tranh tư tưởng được diễn ra như một sự chỉ đạo hiệp đồng rất rõ rệt. Nhưng một đồng chí trong Bộ Chính trị nói với tôi là các báo thực hiện chức năng của mình là "bảo vệ đường lối của Đảng" chứ không có ai chỉ huy và chỉ đạo cả. Thế lại càng rõ, Báo chỉ có chức năng "bảo vệ đường lối", cho nên ai có ý kiến muốn có tự do ngôn luận, để nhân dân thực sự có tiếng nói có diễn đàn, thì liền bị coi là "chống chủ nghĩa xã hội," "xa rời sự lãnh đạo của Đảng". Lô gích lắm thay!!!

Bằng đợt công kích phê phán trên các báo đó đã mô tả đầy đủ và sắc nét "nền dân chủ" của ta. Tôi chỉ muốn nhân dịp này có một số nhận xét về các bài bình luận của công tác tư tưởng của Đảng, và nêu lên những nhận xét để bảo vệ danh dự và sức mạnh của Đảng (sẽ nói sau) để chư "quân tử" khách quan nhận xét xem ai làm hại Đảng, ai bảo vệ Đảng?

Trong bài viết này tôi thực hiện các quyền của tôi, theo luật báo chí, theo Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Điều 19), theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Hiến pháp 52 của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Các ông Tổng Biên tập đã vi phạm điều 10 khoản 4 của Luật Báo chí 12-1998; còn tôi, tôi làm theo điều 8 luật đó. Tôi cũng làm theo điều 9 Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc 12-1948. Chắc bây giờ không thể có người Việt Nam nào cổ lỗ và thô thiển đến mức coi Liên Hiệp Quốc là đồ tư sản, là kẻ thù. Vì chính phủ ta thường cũng lấy làm tự hào và vinh dự khi ký tên vào các văn bản công ước của thế giới. Nhưng, những người "mắc bệnh" thường hay cứ ước được ký mà còn chửi rủa "kẻ thù."

Tôi còn làm theo điều 69 của Hiến pháp Việt Nam 1992 và điều 3 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 1996 tại khoản 1 và khoản 8. Tôi cho rằng tất cả những ai đã đọc báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản, Sài Gòn Giải Phóng đều cần phải và được quyền đọc bài viết này. Tôi có quyền đòi các ông phải đăng bài của tôi. Nhưng tôi biết, các ông không khi nào dám đăng. Tôi có quyền kiện các ông ra tòa. Nhưng sẽ không có ai dám xử các ông. Có chăng thì cũng xử nội bộ. Chế độ dân chủ của ta nó thế và các ông vẫn đàng hoàng bảo là nó dân chủ gấp triệu lần tư sản. Thế đấy, những sự thật hiển nhiên là như vậy, song nhiều người không muốn biết đến.

Sau đây tôi lần lượt nêu một số ý kiến cụ thể:

1. Tranh luận, phê phán và quy chụp.

Trước hết tôi hết sức hoan nghênh việc tổ chức tranh luận và phê phán trên báo chí về những vấn đề đang có ý kiến khác nhau. Lẽ ra báo chí của ta phải nêu cao gương việc làm tử tế này một cách đứng đắn. Vừa qua có vài ý kiến của một số ít bài mang tính chất tử tế ấy. Nhưng phần lớn các bài, lại là bài của báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, đã nêu gương rất xấu về một việc làm không tử tế.

Phần lớn người viết đều đã xác định lập trường, cho những ý kiến cần phê phán là của kẻ địch rồi, của kẻ thù của Chủ nghĩa Xã hội và của Đảng Cộng sản Việt Nam rồi. Tác giả bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng thể hiện thật xuất sắc điều này.

Tất cả các loại ý kiến "nói ít đến thắng lợi," "phân tích kỹ hơn nhưng khuyết điểm" đều bị quy chụp thành "phủ nhận thành tích", mà "phủ nhận thành tích" tức là "phủ nhận cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa xã hội", "phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng", là đòi "thay thế sự lãnh đạo của Đảng", và như thế là chống Đảng Cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội. Và điều đó không chỉ được nói trên các báo mà còn ở nhiều chỗ khác. Vậy mà người nói vẫn cho là nói "có tổ chức", là làm tốt công tác tư tưởng.

Tôi, một người làm công tác chính trị trong quân đội suốt 30 năm, từ Chính ủy liên khu Hà Nội đến Phó Chính ủy Quân giải phóng Miền Nam và có lúc là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tôi đã có 10 năm ở chiến trường chống Mỹ. Tôi phải thực hiện và chỉ đạo cho công tác cổ động ở chiến trường. Tôi đã phải biết đối phó với chiến tranh tâm lý của đối phương. Bản thân tôi thì bị đối phương tạo ra cái "chết" cho chiến tranh cục bộ, năm 1968. Tôi có đủ điều kiện dò biết được các âm mưu chiến tranh tâm lý của địch, ít ra cũng hơn một số khá ít người. Và, hiện nay tôi lại đang thấy có một cuộc chiến tranh tâm lý hòng giết chết sinh mạng chính trị của tôi. Nhưng đối phương bịa ra cái chết của tôi để làm chiến tranh tâm lý. Còn ngày nay các việc làm giống như chiến tranh tâm lý kia là nhằm giết tôi thật!

Trong thực tế, mưu đồ và thực hiện mưu đồ giết một người thì dễ. Nhưng người đó có chết thật không lại là chuyện khác!

Có lẽ tôi là người có đủ điều kiện hơn nhiều người về khả năng nhận rõ đâu là kẻ thù của Tổ quốc, của nhân dân và của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đã qua. Còn ngày nay, kẻ thù đó là ai? Nó đang ở đâu? Nếu thảo luận công khai chắc sẽ giúp ích cho Đảng. Nhiều khi sự quy chụp bừa bãi chỉ làm hại Đảng, làm mất danh dự của Đảng.

Trong chiến tranh giải phóng, ta phải bồi dưỡng tình cảm căm thù địch, bồi dưỡng nhận thức về kẻ địch cho rõ ràng. Tinh thần chủ yếu lúc đó phải là căm thù và dũng cảm. Tôi đã làm những việc này. Ngày nay, phải đoàn kết để xây dựng đất nước thì yêu cầu phải là khoan dung và nhân ái, kể cả đối với những người từng là kẻ thù. Trái lại, có những người cứ nhất định phải tìm cho được kẻ địch ngay cả trong nội bộ ta. Căn bệnh quy chụp là căn bệnh rất nặng và là căn bệnh thứ nhất của công tác tư tưởng. Ngay trong cả việc phê bình văn học nghệ thuật, những kẻ càng tỏ ra "vững lập trường" và quy chụp bừa bãi bao nhiêu thì lại càng bộc lộ sự dốt nát và làm hại văn hóa bấy nhiêu.

2. Hoài Việt là ai?

Trong dịp tháng 1, tháng 4 này có xuất hiện một nhân vật, một tên thì đúng hơn, rất mơ hồ, trừu tượng khó hiểu. Ngày 4 tháng 3, anh Hoàng Hữu Nhân điện cho tôi, hỏi: "Anh có một bức thư ngỏ, đã nhận được chưa?". Tôi trả lời chưa, và tôi cũng không biết là thư nào, của ai. Sau đó, anh Hoàng Hữu Nhân gửi cho tôi một văn kiện dài hơn 10 trang có đầu đề là: Kính gửi ông Trần Độ, trung tướng hồi hưu. Ngày gởi 25 tháng 2. Nơi gửi Colombia

Anh Nhân cho biết anh đã nhận được thư ấy từ Văn phòng Trung ương. Sau đó, trên các số báo công kích, có ông tác giả ở báo Sài Gòn Giải Phóng trích dẫn những câu của Hoài Việt một cách trang trọng như trích dẫn một bậc thầy. Và một ông tác giả khác cũng trích dẫn y như vậy. Có lẽ là Hoài Việt đáng là bậc thầy của ông ấy thật.

Nội dung thư ngỏ còn được chế biến thành một bài báo đăng trên tờ Nhân Dân ngày 10 hay 11 tháng 3 gì đó.

Gần đây, tạp chí nội bộ tên là Thông tin Công tác Tư tưởng số tháng Tư lại đăng nguyên văn bức thư ngỏ đó, mà sửa đầu đề là "Kính gửi T.Đ". Như vậy chứng tỏ Hoài Việt là người có thế lực thế nào trong Ban Tư Tưởng - Văn Hóa mới có thể dùng Văn Phòng Trung ương để lưu hành tài liệu, mà là tài liệu xấu. Lại nhằm đúng chỗ của Ban Tư tưởng Văn hóa để công bố tài liệu đó. Lại được vài tác giả rất trân trọng. Vậy nhân vật đó là ai? Sự việc này có ý nghĩa gì? Như thế là lợi cho Đảng hay hại cho Đảng? Xin để mọi người suy ngẫm.

Được biết, sau đó chiến binh đại tá - nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã viết một bức thư. Đồng chí Trần Dũng Tiến - cựu chiến binh, quyết tử quân Hà Nội cũng nêu câu hỏi là: Ban Tư tưởng - Văn hóa hết người rồi hay sao mà phải dùng cả một tên lưu manh hỗn xược như vậy làm tướng xung kích của mình. Một cựu chiến binh khác ký tên là "một người lính già" đã lên tiếng phản đối quyết liệt. Có một cháu nữ thanh niên ở Sài Gòn mà tôi không quen biết có gọi điện thoại cho tôi khoe rằng cháu đã được đọc bức thư ngỏ của Hoài Việt. Cháu hỏi tôi: "Bác thấy thế nào về bức thư đó?" Tôi chưa kịp trả lời thì cháu nói ngay: "Cháu thấy tội nghiệp cho họ quá!". Tôi bảo tôi đồng ý với cháu. Họ, những người sản sinh ra Hoài Việt thật đáng tội nghiệp! Vậy cháu nói tội nghiệp cho họ là tội nghiệp cho ai? Xin để mọi người cùng luận bàn.

3. Khen và chống.

Đại diện Bộ Chính trị đã gặp tôi ngày 25 tháng 5, cho tôi biết là Bộ Chính trị nhận thấy những ý kiến của tôi không đúng với đường lối của Đảng thể hiện ở các cương lĩnh và nghị quyết Đại hội nên không chấp nhận được. Tôi hoan nghênh thái độ của Bộ Chính trị là đã chính thức gặp tôi và nêu rõ ý kiến. Thái độ đó tốt hơn là thái độ "im lặng dài dài". Tôi ghi nhận ý kiến của Bộ Chính trị. Nhưng vì vấn đề nêu ra không phải là cách hành xử với một công tác cụ thể mà có liên quan đến các vấn đề đường lối, tôi sẽ nói tiếp sau. Tôi cũng đã báo trước với Bộ Chính trị là tôi sẽ có ý kiến gửi các báo.

Trong các bài công kích tôi, có tác giả đã trách tôi là đã nói không đúng với các nghị quyết của Đảng, tôi không chịu đọc các Nghị quyết của Đảng. Từ đấy quy kết tôi "chống lại Đảng". Đó là lập luận rất buồn cười!!!

Tôi không đọc các nghị quyết thì làm sao tôi thấyđược chỗ nào không thích hợp cần bổ xung hoặc cần thay đổi. Quả là khi đọc các nghị quyết, tôi không thuộc lòng được như các vị. Và đọc thuộc lòng rồi nói theo mà không suy nghĩ gì thêm chưa chắc đã là thái độ nghiêm túc. Đã góp ý với Nghị quyết, nhất là nghị quyết của Đảng Cộng Sản, mà không góp được gì khác với Nghị quyết thì góp làm gì? Ngồi chơi còn hơn!

Tình hình đất nước ta quả đang gặp nhiều thử thách phức tạp, gay go, và đang có nhiều khó khăn, nhiều mâu thuẫn phải giải quyết. Chúng ta phải có nhiều lời giải sáng suốt và có hiệu quả cho tình hình, nhằm đưa đất nước phát triển!

Những lời giải đã có trong lý luận và nghị quyết là chưa được, chưa giải quyết được tình hình để đưa đất nước tiến lên. Tôi muốn nêu lên vấn đề để tìm lời giải tốt hơn chứ không phải tôi đã đưa ra được lời giải. Sự thực, có hàng nghìn vấn đề cần lời giải. Việc đó đã có các chuyên gia từng lãnh vực tìm ra lời giải. Đảng chỉ nên có lời giải chung cho đường lối phát triển mà không nên làm thay các chuyên gia ở các lãnh vực. Trong khi tìm lời giải đó, có hai vấn đề cần phải giải quyết trên thực tiễn đất nước chứ không phải chỉ lý luận xuông.

Có tác giả đã lý luận một cách rườm rà để chứng minh rằng "Độc lập dân tộc phải thống nhất với chủ nghĩa xã hội" để biện luận rằng chỉ có yêu chủ nghĩa xã hội mới thực là yêu nước. Yêu nước mà không chủ nghĩa xã hội cũng hỏng. Lạ thật! Thế thì...

a/ Các cụ Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu... sinh vào thời chưa có chủ nghĩa xã hội, thì các cụ đó có chủ nghĩa xã hội đâu mà yêu. Vậy các cụ đó có là người yêu nước không? Hay là các cụ đó cũng phạm tội chống chủ nghĩa xã hội!

b/ Các nước Nga và Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa xã hội vậy các nước ấy có còn độc lập không và nhân dân các nước ấy có còn yêu nước không? Hay là mấy trăm triệu người ở đó đều thành tay sai đế quốc hết???

c/ Thế giới hiện nay có mấy nước độc lập là phải có chủ nghĩa xã hội. Và bao nhiêu nước không có chủ nghĩa xã hội vẫn cứ độc lập như thường?

Vấn đề khác là "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà nội dung chủ yếu của nó là vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh khi nêu lên vấn đề kinh tế nhiều thành phần. Ta đã không nhấn mạnh chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, mà lại nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, trong khi ai cũng biết đó là khu vực kinh tế kém hiệu quả nhất, thua lỗ nhiều nhất.

Vậy ta cố gắng cho đất nước phát triển hay cố gắng cho có kinh tế quốc doanh chủ đạo, còn đất nước phát triển hay không không cần biết.

Thực tế rõ ràng là từ 1975 đến 1985 ta đã tiến hành xây dựng chủ nghĩa trên cả nước thống nhất. Và kết quả là những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước ngoắc ngoải. Bây giờ nhân dân ta tươi tỉnh được một chút, lại cứ nhất định phải định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy định hướng vào cái "xác chết" đó mà làm gì?

Thực ra Đảng và Nhà nước ta đang phải điều chỉnh chính sách và cũng đang lúng túng. Vậy Đảng và Nhà nước làm khác trước đi một ít có phải là chống lại mình không?

Ta cứ hay nói lấy được. Ta nói: "Nhân dân ta đã chọn chủ nghĩa xã hộỉ" Có thật thế không? Năm 1975, khi ta giải phóng đất nước, nửa nước miền Nam mấy chục triệu người, ta có hỏi một người dân miền Nam nào một câu hỏi là: "Anh có thích chủ nghĩa xã hội không?". Ta không hề hỏi mà cứ ra nghị quyết, cứ ra lệnh và chỉ thị hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp vân vân và vân vân, phá tán biết bao nhiêu là của cải, làm tổn hại bao nhiêu đến đời sống nhân dân, làm bao nhiêu là người giàu bị nghèo đi! Thế mà lại bảo là "nhân dân đã chọn!" Khổ thật! Ta cứ hay chọn thay cho dân, bắt nhân dân nhận, xong lại bảo là dân đã chọn và ta tôn trọng sự chọn lựa của dân!

Rõ là nói lấy được!

Còn Bác Hồ có chọn chủ nghĩa xã hội không? Bác thỉnh thoảng có nói đến. Nhưng Bác nói đến chủ nghĩa xã hội ít thôi. Bác nói nhiều là nói "nhân dân có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành..." hoặc "cơm no, áo ấm, tự do hạnh phúc." Thực sự Bác chọn và nhân dân cùng Bác chọn là "Độc lập, tự do, hạnh phúc". Ta đã có được hai chữ độc lập, còn hai chữ tự do hạnh phúc thì bây giờ đây ta đang phải nỗ lực lớn lao, mặc dù không có cái "định hướng xã hội chủ nghĩa". Hay là ta cần một đất nước có xã hội chủ nghĩa nghèo đói như cuối những năm 70 và đầu những năm 80 cũng được?

Phải chọn đi chứ!

Tôi thì tôi đã chọn nước Việt Nam "nhân dân được ấm no tự do hạnh phúc" có xã hội chủ nghĩa cũng được mà không có cũng được.

Và như thế sao gọi là từ bỏ và chống chủ nghĩa xã hội! Có chăng ta cần từ bỏ cái thứ chủ nghĩa xã hội nghèo đói khốn khổ. Và Đảng ta chắc chắn là không bao giờ muốn nhân dân ta khốn khổ. Nhiều người cứ nói lấy được là bây giờ nhân dân ta đã giàu có thực sự. Trong khi đó nhân dân ta đã trải qua những năm cực khổ từ 1975-1985, trừ những người đặc quyền đặc lợi không hề biết đến những cực khổ đó của dân. Chính những người muốn củng cố cái chủ nghĩa xã hội để tiếp tục có đầy đủ quyền lực và quyền lợi thì mới hoảng loạn, quýnh quáng, và chỗ nào và lúc nào cũng thấy có người chống chủ nghĩa xã hội.

Trần Độ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn