BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73161)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31126)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đấu tranh cho tự do, dân chủ hay hận thù truyền kiếp ?

15 Tháng Tám 200312:00 SA(Xem: 955)
Đấu tranh cho tự do, dân chủ hay hận thù truyền kiếp ?
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43

(Tặng Nguyễn cao Kỳ và BBC Việt ngữ)





Sáng chủ nhật ( Ngày 10 tháng 8 năm 2003), trong chương trình " Tư Duy thế kỷ" của Đài BBC Việt ngữ, phóng viên Quốc Vinh có phỏng vấn cựu tư lệnh không quân, cựu Phó tổng thống, thủ tướng của VNCH là Nguyễn cao Kỳ. Đại khái ông Kỳ khuyên những chiến binh cùng thời với ông là không nên " mài kiếm dưới trăng " để chống chế độ Cộng sản, không nên có thái độ hận thù truyền kiếp với Cộng sản. Nói theo ngôn ngữ thơ của Cao Tần thì ý ông Kỳ muốn xem cuộc chiến cũ chỉ còn là tiền kiếp. Ông Kỳ còn nói thêm là giới trẻ nên nắm tay nhau để xây dựng đất nước và bỏ qua mọi oán thù cũ mà cha ông đã gây ra. Liệu lời phát biểu xóa bỏ hận thù có biểu hiện được một tâm hồn cao thượng, cao cả của một ông cựu lãnh đạo miền Nam có nhiều tâm huyết với quê hương hay chỉ là một nhận thức sai lầm đối với vấn đề tranh đấu cho tự do và dân chủ đang ngày càng sôi sục ở quê nhà ? Bài viết này chỉ muốn làm sáng tỏ vấn đề oán thù và vấn đề đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam hiện nay. Có phải chuyện đấu tranh chống lại với nhà cầm quyền hiện nay chỉ là vấn đề oán thù truyền kiếp trên căn bản ân, oán giang hồ hay là một cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ để đưa đất nước Việt Nam đi lên?

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền Cộng sản đã có một cơ hội hiếm có trong chuyện hòa hợp và hòa giải đất nước. Với tư thế của phe thắng trận, chỉ cần có một chính sách nhân ái và không trả thù phe chiến bại ngã ngựa, chế độ Cộng sản chắc chắn sẽ thành công không những trong chuyện thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ mà còn thống nhất về mặt nhân tâm. Tiếc rằng với bản chất độc ác và lệ thuộc ý thức hệ Mác- Lê một cách đui mù, nhà cầm quyền Cộng sản đã có một chính sách trả thù cực kỳ độc ác áp dụng cho những người bại trận trong quân đội và chính quyền miền Nam. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã tái lập nhưng máu vẫn đổ ra, mạng người vẫn đổ xuống trong những trại cải tạo khắc nghiệt và tàn ác của phe chiến thắng miền Bắc. Cộng sản Việt Nam đã trả thù , đày ải độc ác với những người Miền Nam có cùng máu đỏ da vàng. Chúng đối xử với đồng bào ruột thịt tàn bạo và tàn nhẫn như bọn Phát xít Đức quốc xã đối xử với dân Do Thái. Nước mắt của bao gia đình miền Nam lại đổ ra vì có thân nhân gục ngã trong những trại cải tạo giết người trong khi đám lãnh tụ Cộng sản gào thét chuyện xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa, nghĩa là xây dựng một chế độ không có chuyện người bóc lột người, một chế độ mà người dân làm theo năng lực, hưởng theo lao động ( chế độ xã hội chủ nghĩa ) ), để rồi sau đó làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu ( chế dộ Cộng sản chủ nghĩa ). Những công ty quốc doanh được tuần tự mọc lên để rồi theo với tháng năm từ từ phá sản vì cách làm việc " cha chung không ai khóc ". Hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi vì không sống nổi dưới chính sách cai trị hà khắc của Cộng sản và hàng trăm ngàn người phải bỏ thây trên biển cả. Câu nói của Khổng tử " Hà chính mãnh ư hổ giả " ( chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền cũng độc hại như cọp dữ )lại chứng tỏ sự đúng đắn chính xác của nó hơn bao giờ hết. Người Việt kinh tởm và sợ hãi một chính quyền Việt Nam và tìm cách chạy trốn nó bằng mọi giá, kể cả giá có thể phải trả là sự chết.

Không có con đường nào khác hơn để chạy trốn sự phá sản kinh tế, và nguy cơ sự phá sản kinh tế sẽ đưa đến sự sụp đổ của chính quyền nên nhà nước Cộng sản mới đề ra khẩu hiệu " kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ", thực chất chỉ là trở lại sinh hoạt theo kinh tế tư bản nhưng muốn giữ thể diện nên nhà nước Cộng sản còn móc theo câu " theo định hướng xã hội chủ nghĩa ". Sau khi thay đổi chính sách, kinh tế có vùng lên phát triển mạnh mẽ nhưng rồi lại đứng sững và đi xuống ngày càng thảm hại vì chế độ tham nhũng, cửa quyền đã là trở ngại chính cho sự phát triển. Sự trì trệ về phát triển kinh tế lại tái xuất hiện, tệ nạn tham nhũng trở thành quốc nạn mà nhà nước Cộng sản không bài trừ nổi vì chính sách bưng bít thông tin và thiếu dân chủ.

Nguyễn cao Kỳ chỉ suy nghĩ theo cảm tính: có nghĩa ông nghĩ những người miền Nam bị Cộng sản đầy đọa, tù ải nên oán thù và tìm cách chống lại Cộng sản để rửa thù, rửa hận !Không hiểu ông Nguyễn cao Kỳ nghĩ sao về chuyện có những đảng viên Cộng sản có ba bốn chục tuổi đảng ở miền Bắc như cựu Trung tướng Trần Độ, cựu Đại tá Phạm quế Dương, cựu viện trưởng viện Mác- Lê Hoàng minh Chính quyết định đứng lên phê phán chống lại chính sách ngu xuẩn, hại nước, hại dân của Đảng Cộng sản. Những người như Trần Độ, Phạm quế Dương là những công thần của chế độ, họ được hưởng những bổng lộc do chế độ ban cho, họ không có gì để mà oán thù chế độ Cộng sản. Nhưng họ phải đứng dậy chống đối Đảng vì họ là những người có lương tâm, không thể ngồi nhìn Đảng đưa quê hương, dân tộc vào chỗ chết. Cái giá Trần Độ và Phạm quế Dương phải trả là Trần Độ bị đuổi ra khỏi Đảng và Phạm quế Dương đã bị cầm tù gần một năm nay. Cho nên lý luận thiếu chiều sâu của Nguyễn cao Kỳ cho rằng những người miền Nam bại trận nên mới chống đối lại chế độ Cộng sản miền Bắc là một lối lý luận thiển cận, nông cạn. Sự đứng dậy của những công thần chế độ ngoài miền Bắc cho thấy cuộc chiến đấu chống chế độ Cộng sản hiện nay ở Việt Nam là một cuộc chiến đấu cho tự do, dân chủ chứ không phải đơn thuần là chuyện thanh toán oán thù truyền kiếp như Nguyễn cao Kỳ đã hời hợt nhận định. Không những những công thần cũ như Trần Độ, Phạm quế Dương, Hoàng minh Chính, Nguyễn khắc Toàn đứng lên chống lại chế độ, mà những người trẻ lớn lên từ miền Bắc như Nguyễn vũ Bình, Phạm hồng Sơn, Lê chí Quang cũng thức thời mạnh dạn đứng lên đòi dân chủ. Những người trẻ này cũng không có gì phải oán thù chế độ Cộng sản hiện tại, họ đứng lên tranh đấu vì nhận thấy rõ đây là một chế độ hại nước, hại dân, cản bước dòng tiến hóa đến dân chủ của cộng đồng nhân loại. Nói lên sự đứng lên tranh đấu của hai thế hệ già và trẻ ở miền Bắc để vạch rõ sự sai lầm của Nguyễn cao Kỳ khi chỉ nhận định một cách sai lầm rằng chuyện chống đối chế độ của những người miền Nam bại trận là chuyện " ân đền, oán trả ". Nguyễn cao Kỳ là một thứ chính trị gia tồi, không có đủ tầm nhìn để nhìn thấy bước đi dân chủ, tự do của thời đại, mà chỉ quanh quẩn với những suy nghĩ đầy cảm tính oán thù, báo thù như những truyện kiếm hiệp rẻ tiền. 

Trong thời gian cầm quyền ở miền Nam, Nguyễn cao Kỳ đã chứng tỏ ông ta là một chính trị gia tầm thường, không làm nên nổi một chuyện gì ích quốc lợi dân. Nay ở vào lứa tuổi già 73, ông cũng không có gì cao kiến về con đường đi của quê hương đất nước. Nói chung ông vẫn nhai đi nhai lại như thứ trâu bò nhai lại cỏ với bài ca lỗi thời " hãy quên đi oán thù để bắt tay nhau xây dựng quê hương " trong khi nhà cầm quyền Cộng sản vẫn là một trở ngại chính trên con đường phát triển, xây dựng. Làm sao nói chuyện xây dựng trong một mô hình chính trị cứng ngắt và thiếu dân chủ như hiện nay ? Vụ án Nam Cam đã chứng tỏ cho thấy nhà cầm quyền hiện nay là một bọn Mafia đỏ không hơn không kém, sinh hoạt làm ăn theo lề lối xã hội đen, bất chấp luật pháp do chính chúng đặt ra. Phải nhớ rằng có hàng trăm ngàn Năm Cam khác sống ký sinh trong chế độ thiếu dân chủ này để rồi đêm ngày hút cạn mọi sinh lực của đất nước. Chế độ Cộng sản Việt Nam đã bất lực trong chuyện bài trừ tham những, một phần vì chính guồng máy cai trị của chúng là guồng máy tham nhũng, phần khác vì cơ cấu chính quyền thiếu dân chủ nên không tẩy rửa những chuyện sai trái được. 

Muốn nhận định về giá trị nội dung phát biểu của một người, không nên đơn giản chỉ nhận định về nội dung phát biểu mà phải nhìn tổng quát lý lịch và hành vi con người ấy. Về cuộc đời Nguyễn cao Kỳ, sau khi thấp cơ thua trí và bị ông Tổng thống " mặt trơ trán bóng " Nguyễn văn Thiệu đẩy ra Khánh Dương" làm ruộng", Nguyễn cao Kỳ đã thực sự là " tướng không quân ‘ theo đúng nghĩa đen của nó . ( Có nghĩa là tướng mà không có quân !). Vào những ngày điên đảo rối loạn trước 30 tháng 4, 1975, Kỳ về lại Sài gòn, gây băng lập đảng tính chuyện đảo chính để mong nắm lại quyền lực. Kỳ đi khắp mọi nơi hô hào dân quân tử thủ chống Cộng sản. Tuy nhiên mộng trở lại quyền lực của Kỳ không thành vì người Mỹ không muốn Kỳ cản trở chuyện giật sập miền Nam của họ ( Xin đọc bài " Bí ẩn trong chuyện bức tử miền Nam 1975" của Trần viết Đại Hưng trong cuốn sách " Ải Nam Quan đã thành Mục Nam Quan). Giờ phút chót, Kỳ bỏ anh em, đồng bào leo lên trực thăng bay ra Đệ thất hạm đội vì cách sống " tham sinh úy tử " của mình. Nói lên chuyện này để thấy cái cung cách xử sự không một chút liêm sỉ và danh dự của một người lãnh đạo như Nguyễn cao Kỳ. Tin lời Nguyễn cao Kỳ chỉ có nước bán lúa giống mà ăn ! Về cái tài tuyên bố nhảm nhí , lếu láo của Kỳ thì không những người Việt biết rõ mà giới báo chí Tây phương cũng rành. Họ gọi ông là một thứ " unguided missle" ( có nghĩa là một thứ phi đạn không định hướng). Lời nói của ông thường nổ tung tóe như pháo tết, nghe sướng tai nhưng lại không có thực chất hay giá trị gì cả. 

Sau 30 tháng 4, 1975, Miền Nam rơi vào một hỏa ngục đỏ. Ngay cả những người suốt đời chỉ biết có tu hành làm lành như Hòa thượng Quảng Độ cũng lâm vào cảnh đày ải, tù tội. Trong một bài thơ nhan đề " Trời đã sáng ", Hòa Thượng bày tỏ cảm nghĩ về thân phận mình như sau:

Miền Nam ôi

Tôi thầm gọi

Tên miền Nam trong căn phòng giam hẹp âm u

Ngoài kia là miền Nam trong một nhà tù rộng lớn

Còn có nơi nào yên ổn

Xin chỉ cho tôi chạy trốn

Hỡi miền Nam thương mến của tôi ơi

Nhận xét của Hòa thượng Quảng Độ cho rằng sau 30/4/75 miền Nam trở thành một nhà tù rộng lớn là một nhận xét chính xác, chân thật của một nhà tu từ bi không bao giờ biết đến thù hận. Nguyễn cao Kỳ không ở lại Việt Nam sau 1975, không biết đến điều này nên vẫn cứ cổ võ cho những chính sách thất nhân tâm của Cộng sản. Ông tưởng những lời phát biểu của ông mang vẻ kẻ cả, rộng lượng, bao dung nhưng thực chất là những lời nói thiếu suy nghĩ, ngu si , đần độn của một người không ở trong cuộc, chưa từng đau cái đau, cái khổ của nhân dân.

Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Tiếc rằng Nguyễn cao Kỳ không có " cơ hội" đi học tập cải tạo vài năm để phát ra những lời " chứng ngộ " như người người nhạc sĩ tù cải tạo Vũ thành An:

Có một lần mất mát

Mới thương người đơn độc

Có oằn mình đớn đau

Mới hiểu được tình sâu

( Trích từ bài hát " Đời đá vàng " của Vũ thành An)

Nguyễn cao Kỳ chưa " oằn mình đớn đau " thì làm sao " hiểu được tình sâu". Phải nói thẳng chuyện người miền Nam thù hận Cộng sản đến xương tủy là chuyện thường tình và có thật vì Cộng sản đã giết chóc bạn bè, đầy ải họ và gia đình. Cái lỗi không phải ở phe thù hận mà chính là ở phe gây ra thù hận. Nhưng dân tộc Việt Nam có 80% là Phật tử, có bốn ngàn năm văn hiến, sống trong nền văn hóa Tam giáo đồng nguyên cả ngàn năm, nên nhất định không phải là giống người mọi rợ, hành xử theo tinh thần, " mắt trả mắt, răng trả răng ", vì vậy những lời khuyên bảo xóa bỏ hận thù của Nguyễn cao Kỳ là những lời nói nhạt như nước ốc. Tổ tiên người Việt Nam sau khi đánh bại quân Tàu xâm lăng cũng tử tế chu cấp lương thực, áo quần cho tù binh Tàu trước khi trả về bản xứ. Điều đó nói lên dân tộc Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là dân tộc nuôi dưỡng sự thù hận. Chỉ có điều đáng buồn là những người Cộng sản Việt theo tà thuyết Mác-Lê, hành hạ đày ải đồng bào máu đỏ da vàng của mình như hành hạ kẻ thù. Chúng gieo rắc hận thù thì chúng gặt hái sự thù hận, đó là theo định luật nhân quả. Người đấu tranh hôm nay chống Cộng sản là để chống lại cái ác, một ngày nào Cộng sản sụp đổ thì những người lãnh đạo cùng toàn dân nỗ lực ra mà xây dựng đất nước và hàn gắn đau thương, và nhất định sẽ không bao giờ có chuyện trả thù hèn hạ, độc ác phe bại trận như Cộng sản đã từng làm. Đấu tranh chống lại cái ác không bao giờ nên coi là một chuyện trả thù thường tình như Nguyễn cao Kỳ đã nhận xét nông nổi trong lời phát biểu với Đài BBC Việt ngữ nói trên. 

Cần phải nói rõ ở đây sự thù hận không phải là yếu tố chính trong cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ hôm nay. Sau 30/4/75 Bác sĩ Nguyễn đan Quế không bị bắt đi tù cải tạo, ông không có gì để " oán thù truyền kiếp "với Cộng sản như Nguyễn cao Kỳ nhận xét chung cho những người miền Nam đấu tranh nhưng sau vài năm sống trong chế độ Cộng sản và nhận ra rằng đây là một chế độ phản quốc, hại dân, ông quyết định đứng lên lập ra " Cao trào nhân bản " để tranh đấu cho dân chủ, tự do. Nói đến trường hợp Bác sĩ Quế để chứng tỏ cho thấy rằng không phải chỉ có những người miền Nam bị tù đày, đày đọa mới đứng lên chống lại Cộng sản vì thù hận mà ai là người dân Việt có lương tâm, lương tri đều tìm cách này hay cách khác để chống lại chính quyền phản dân tộc và dân chủ này. Gần đây chuyện bán đất, bán biển cho Trung Cộng của bọn Bắc bộ phủ lòi ra càng làm cho người dân thấy chúng là một chính quyền phi dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang. Chống lại chính quyền bán nước, hại dân này là một chuyện làm tỉnh thức, sáng suốt, có chính nghĩa, được sự ủng hộ của toàn dân chứ không phải là chuyện " trả thù " như Nguyễn cao Kỳ đã sai lầm nhận định và được Đài BBC Việt ngữ a dua hậu thuẫn một cách kín đáo. BBC Việt ngữ đã biến thành một đài Hà Nội thứ hai, suốt ngày ra rả cái luận điệu lỗi thời , " Chống cộng là chống quê hương’, " Phải xóa bỏ hận thù để bắt tay xây dựng đất nước, quê hương". Phải thấy rõ những lời lẽ ngọt ngào, cao ca,û êm ái này có tác dụng làm trì trệ và phá hoại công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ hiện nay ở Việt Nam. Một chính quyền bán nước cho Trung Cộng, một chính quyền kêu án Phạm hồng Sơn 13 năm tù chỉ vì dịch một bài về dân chủ, bỏ tù Lê chí Quang 4 năm vì một bài viết cảnh giác Trung Cộng về âm mưu chiếm đất Việt Nam, thử hỏi đó có phải là loại chính quyền mà người dân trong và ngoài nước nên cộng tác ủng hộ để dựng xây đất nước hay không? Đất đai của tiền nhân chúng đem đi bán tháo, bán đổ cho ngoại bang không chút thương tiếc như Hòa Thượng Huyền Quang đã nghiêm khắc lên án. Chắc chắn người Việt hôm nay, sau khi kinh qua bao nhiêu kinh nghiệm xương máu, sẽ thẳng tay bài bác chuyện ủng hộ đui mù, ngu xuẩn này. Con đường duy nhất hiện nay của người Việt hải ngoại cần làm là tích cực tiếp tay, tiếp máu cho những người đấu tranh trong nước để duy trì lực lượng đấu tranh, nuôi dưỡng tiềm lực đấu tranh ngày càng mạnh và sẽ có một ngày điều động toàn dân đứng lên đòi quyền tự do, dân chủ cho mình và chủ quyền thực sự cho đất nước.

Trước đây Nguyễn cao Kỳ khi lên tiếng ủng hộ chuyện tiếp tay làm ăn với chính quyền trong nước, đã đưa ra một bức tranh đẹp đẽ là khi người dân có cơm no ấm áo thì dân chủ tự khắc đến. Đừng đấu tranh chống cộng làm gì vô ích. Đây là một nhận xét ấu trĩ ngu đần của ông cựu thủ tướng VNCH, vì thực tế cho thấy rằng ở những quốc gia tương đối có dân chủ như Thái Lan, Phi luật Tân, Nam Dương mà người dân và sinh viên phải xuống đường đổ máu mới có dân chủ thì mới thấy dân chủ không phải là món quà tự dưng trên trời rớt xuống ban tặng cho dân. Ngay như trường hợp Trung Cộng, Đặng tiểu Bình cho cởi mở kinh tế để đời sống dân chúng được thoải mái, sung túc hơn nhưng khi anh em sinh viên Trung Quốc xuống đường tụ tập ở Thiên an môn đòi dân chủ thì chính nhà cải cách dân sinh Đặng tiểu Bình đã là tên đồ tể ra lệnh cho xe tăng đàn áp thẳng tay yêu cầu dân chủ của sinh viên. Xem ra cái lý luận " kinh tế sung túc sẽ đem đến dân chủ " của Nguyễn cao Kỳ là một nhận định u mê, đần độn. Nguyễn cao Kỳ chỉ là thứ lãnh đạo có tài nghệ nhảy đầm, tán gái tài giỏi hơn là tài kinh bang tế thế, an quốc lợi dân nên lời phát biểu nào của ông cũng nhảm nhí, ngu đần, cho dù là lúc ông đang cầm quyền hay là khi mất nước lưu vong.

Trong bài phỏng vấn với đài BBC nói trên, Kỳ cứ nhấn mạnh rằng ông ta đã vào tuổi nghỉ hưu, không còn muốn làm vương làm tướng gì nữa, nên những nhận định và đóng góp ý kiến của ông ta là những tiếng nói từ trái tim chứ hoàn toàn không mang một mưu đồ gì hết. Đây cũng là một sự gian trá thiếu thành thật của Kỳ. Ai cũng biết Kỳ giờ đây đang có những sự cộng tác với những công ty ngoại quốc làm ăn với chính quyền Việt cộng ở Việt Nam với vai trò cố vấn. Vì muốn cho công việc làm ăn được trôi chảy nên Kỳ mới có thái độ quay ngược 180 độ để bênh vực cho bạo quyền Cộng sản dù bạo quyền đã và đang gây những tội ác đối với nhân dân và đất nước Việt Nam. Thật đáng buồn cho miền Nam có thứ lãnh đạo vô liêm sỉ như Nguyễn cao Kỳ !

Nguyễn cao Kỳ giờ đã 73 tuổi, nghĩa là đang vào lứa tuổi xế chiều. Ngày còn quyền lực trong tay ông chẳng làm nên trò trống gì ngoài nghề tuyên bố nhảm nhí, lếu láo. Nay thì sang tuổi nghỉ hưu rồi, người ta chỉ mong ông an hưởng tuổi già chứ đừng nên tuyên bố loạn xạ, ngu xuẩn. Bởi vì làm như thế chỉ khiến người Việt trong và ngoài nước khinh bỉ ông thêm. Đời ông bất tài nên suốt đời không tạo nên sự nghiệp gì, ngoài tài nói dóc. Ông cũng nên nhận biết cái tài hèn, trí đoản của mình mà câm miệng cho bà con nhờ. Đời tư của ông cũng không nên nhắc tới làm gì vì chỉ bao gồm những chuyện nhơ nhớp, xấu xa, lừa thầy phản bạn. Thật ra, cái khuôn mặt đểu giả, điếm đàng với bộ râu kẽm du côn, kèm thêm cặp mắt một mí gian xảo của Nguyễn cao Kỳ khiến người ta nghĩ đến chân dung của một tướng cướp hơn là một tướng lãnh, một người uy nghi lãnh đạo quốc gia. Ca dao Việt Nam cũng đã từng đánh giá loại người " ti hí mắt lươn " như Nguyễn cao Kỳ là loại người " trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người ". Miền Nam bất hạnh nên mới có thứ lãnh đạo tồi bại, nhảm nhí như Nguyễn cao Kỳ, thứ chỉ huy vô liêm sỉ như Nguyễn văn Thiệu nên mới thua miền Bắc một cách chua cay và nhục nhã. Trong những năm lưu vong, ông đã không làm chuyện gì tích cực trong cuộc cách mạng giải cứu quê hương, thì mong ông đừng " bôi tro trát trấu " vào công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ có chính nghĩa sáng ngời hiện nay đang diễn ra ở Việt Nam.

Lời khuyên chân thành là Nguyễn cao Kỳ và anh chị em trong Đài BBC Việt Ngữ nên lấy mấy câu thơ vàng ngọc sau đây của Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện mà dán ở đầu giường để hiểu tại sao các lực lượng tranh đấu cần phải đấu tranh dẹp bỏ Đảng trên con đường mang lại tự do, dân chủ cho Việt Nam. Chuyện đấu tranh dẹp bỏ Đảng là một cuộc đấu tranh cao đẹp có lý tưởng để cứu nước cứu dân, chứ chắc chắn không phải chuyện trả oán, trả thù tầm thường, vụn vặt như Nguyễn cao Kỳ và BBC Việt ngữ đã đầu độc dư luận bấy lâu nay

Đảng như hòn đá tảng

Đè lên vận mạng quê hương

Muốn sống trong hòa hợp yêu thương

Việc trước nhất phải tìm phương hất xuống.

Lawndale, một chiều nắng nhạt đìu hiu cuối hạ đầu tháng 8 năm 2003
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn