BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hai “cụ” dở sống, dở chết

17 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1419)
Hai “cụ” dở sống, dở chết
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Hà Nội có hai “cụ” dở sống dở chết, đó là “cụ Hồ” ở Ba Đình và… “cụ Rùa” ở Hồ Gươm











“cụ Hồ” ở Ba Đình“cụ Rùa” ở Hồ Gươm

“Cụ Hồ” thì đã vô quan tài từ năm 1969 nhưng vẫn chưa được an giấc, vẫn trong tình trạng “liệm tươi” với mục đích triển lãm chính trị. Không rõ có phải là gây nghiệp và bị “quả báo” không mà chết rồi “cụ” vẫn chưa yên thân: người bị bơm đầy hoá chất, da thịt khô quắc lại phải “mượn màu son phấn đánh lừa con đen” cho có vẻ bên ngoài bình thường. Tệ hơn, cụ còn bị buộc phải nằm trong hòm kiếng lạnh thấu xương, thỉnh thoảng còn phải đưa qua Nga để đục xương hút tủy theo chu kỳ “đại tu”.

Cái xác ướp này được tôn lên hạng “cụ” vào năm 1945. Lúc mới có 55 tuổi mà “tiền thân” của cái xác ấy đã buộc cả nước phải gọi mình là “cụ” hay “bác” thì phải nói là một sự hỗn xược, xấc láo. Còn “cụ Rùa” thì không biết đã được tôn lên thành… cụ từ bao giờ. Đầu tiên thấy báo chí rụt rè ghi “cụ Rùa” trong ngoặc kép, dần dà thành quen và chính danh cụ Rùa một cách bình thường trên hầu như toàn bộ các phương tiện truyền thông. Hiện “cụ Rùa” cũng đang lâm cảnh dở sống dở chết với thân thể đầy thương tích trong khi nước Hồ Gươm ngày càng ô nhiễm.

Tin tức trên báo chí Việt Nam mấy ngày qua đưa tin hàng trăm, hàng ngàn người nườm nượp kéo đến Hồ Gươm để mục kích cảnh “cứu Cụ Rùa”, nhiều người đau đớn, xót xa xuýt xoa lo lắng cho sức khỏe của “cụ”, không ít kẻ rớt nước mắt. Bản tin “Cụ Rùa liên tục nổi, hàng nghìn người tụ tập quanh hồ Gươm” đăng trên báo Dân Trí ngày 06/03/2011 cho biết:
“Cụ Rùa vẫn chưa được đưa về "bệnh viện" và trong những ngày qua cụ liên tục nổi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Hay tin các cơ quan chức năng chuẩn bị đưa cụ Rùa về tháp Rùa, hàng nghìn người đã tụ tập quanh khu vực bờ hồ suốt cả ngày. Hàng trăm người chen lấn để có thể tận mắt chứng kiến những vết thương của cụ Rùa. Không ít những tiếng xuýt xoa lo lắng cho sức khỏe của cụ Rùa…”

Tỏ lòng đau xót khi chứng kiến một sinh linh bị thương là chuyện bình thường. Nhưng khi cả thủ đô, nếu không nói là cả quốc gia tập trung vào vết thương lở loét trên thân của một con rùa mà quên béng những vết thương lở lét trên thân thể đất nước, trong trí não của dân tộc trên 80 triệu người thì có lẽ đây là chuyện bất bình thường.

Người ta giải thích rùa nổi là do nước Hồ Gươm bị ô nhiễm, thiếu dưỡng khí, rùa phải nổi lên hít thở khí trời. Rùa còn bị thương, nước Hồ bị nhiễm acid, muối, Rùa phải nổi lên để may ra bớt rát v.v. và đó là những giả thuyết khoa học.

Quả thật Hồ Gươm hiện đang đối phó với nguy cơ suy thoái, trở thành sình lầy trong một thời gian không xa. Lớp trầm tích tồn đọng hàng trăm năm làm tôn cao đáy hồ, chỗ sâu nhất trong hồ chỉ 1 m, còn trung bình 0,60 – 0,70 mét.

Nhìn rộng hơn, tình trạng đất nước chẳng khác nào tình trạng của Hồ Gươm.

Hồ bị ô nhiễm, thiếu dưỡng khí, đối phó với nguy cơ suy thoái và biến thành đầm lầy trong một thời gian không xa. Đất nước đang bị ô nhiễm trầm trọng, thiếu dưỡng khí, đối phó với nguy cơ suy thoái và biến thành thuộc quốc của Trung Quốc trong một thời gian không xa.

Rùa mang đầy thương tích trong thân thể, phải liên tục nổi lên hít thở khí trời. Tình trạng của người Việt Nam cũng vậy và còn mộng ước lớn nhất của họ là thôi làm người Việt, trở thành một công dân nước người để hít thở một “khí trời” của nước người.

Do đó việc rùa nổi thì thể hiện có một ý nghĩa khác, dẫn đến thái độ bất an của nhà cầm quyền.

Thái độ bất an

Vì tình trạng ô nhiễm nói trên của Hồ Gươm nên từ lâu đã có đề nghị nạo vét do Đức viện trợ. Dự án mang tên “Phục hồi và ổn định bền vững hồ Hoàn Kiếm Hà Nội - Nghiên cứu khả thi (VNM05.A07)”, với mục tiêu: nạo vét nhưng giữ cho được hai đặc tính căn bản:
1/ giữ màu xanh của hồ, nghĩa là bảo tồn hệ vi tảo mà trong đó có các chủng tảo tạo nên màu xanh đó;
2/ bảo đảm an toàn môi sinh của rùa, linh hồn của hồ.

Theo kế hoạch thì dự án này phải hoàn tất đúng “Đại lễ kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long - Hà Nội”, diễn ra vào ngày 10/10/2010. Tuy nhiên việc này đã không thực hiện được, dẫn đến tình trạng thê thảm của con rùa nói trên.

Lý do là lối làm việc tuỳ hứng, ra lệnh miệng, bất kể cam kết ngoại giao từ các quan chức cao cấp nhưng cực kỳ mê tín.

Báo Tiền Phong ngày 10/01/2010, đăng bài “Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm”, dẫn lời PGS.TS Hà Đình Đức – nhà “Hồ Gươm học” về “những gập ghềnh trong quá trình thực hiện dự án khoa học mang đậm yếu tố tâm linh” này.

Đầu tiên, hệ thống thiết bị nạo vét Hồ Gươm của Đức đã được thử nghiệm cẩn thận ở ao cá trong phủ chủ tịch. Thế nhưng khi chuẩn bị tiến hành ở Hồ Gươm thì có lệnh miệng phải chuyển khỏi khu vực hồ thiêng “ngay trong đêm 11/11/2009”. Ông Đức cho biết:
“Khu vực hút thử nghiệm đã được xác định. Máy móc đã được tập kết bên bờ hồ Hoàn Kiếm và quây rào bằng lưới B 40 để chuẩn bị tiến hành nạo hút. Bỗng nhiên, trưa 11/11/2009, tôi nhận được cú điện thoại từ ông Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) (Lê Xuân Rao): ‘Bác ơi, nội nhật đêm nay, phải đưa máy móc khỏi hồ Hoàn Kiếm’ mà không một lời giải thích. Hôm sau, chiều 12/11/2009, Sở KH&CN triệu tập cuộc họp bàn ‘Kế hoạch triển khai công nghệ hút bùn CHLB Đức để nạo vét thí điểm hồ Trúc Bạch’. Điều đó có nghĩa là, tạm dừng triển khai ở Hồ Gươm và phải chuyển máy móc về Trúc Bạch”.

Theo Phó giáo sư Đức thì có thể người ra lệnh là người “trên quyền ông Rao” và đây là một kẻ mê tín: “Có thể vì tính nhạy cảm và linh thiêng của hồ Hoàn Kiếm nên họ sợ”.

Kẻ run sợ nhưng đầy quyền lực này là ai?

Trong khi đó thì từ trên báo chí chúng ta lại bắt gặp thái độ bất an, rụt rè của một người đầy quyền lực là Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trang web của Đài truyền hình VTC News thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông ngày 13/01/2010 đăng bài “Nạo vét Hồ Gươm là một quyết định rất khó khăn”, dẫn lời ông Phạm Quang Nghị:
“Ở góc độ nào đó, việc nạo vét Hồ Gươm so với những việc khác của thành phố không hẳn là lớn, nhưng lại rất nhạy cảm, rất khó khăn để đi tới một quyết định”.

Theo ông Phạm Quang Nghị, sở dĩ có chuyện phân vân như vậy vì Hồ Gươm không chỉ được nhìn nhận như là cảnh quan du lịch, sinh thái bình thường mà là “gắn liền với truyền thuyết, lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh”. Chính vì vậy nên có chuyện cân nhắc nên làm hay không làm đều nhiều ý kiến và đều hết sức đắn đo.

Theo ông thì sau đợt “thí điểm hút bùn cải tạo hồ Gươm theo công nghệ Đức”, chính quyền Hà Nội đã kết luận là “đã cho tín hiệu tốt”. Ông phát biểu:
“Việc hút bùn cũng không làm xáo động đời sống của các loài động vật thủy sinh sống ở tầng đáy và do đó ông đồng ý tiếp tục triển khai nạo vét toàn bộ Hồ Gươm”.

Thế nhưng ông lại phát biểu thêm:
“Thành phố không thể đành lòng để Hồ Gươm mỗi ngày một khô cạn, mỗi ngày một suy thoái về môi trường, nhưng bắt tay vào làm là đầy lo lắng… Cụ Rùa nổi lên hay không nổi lên, nổi lên ít hay nổi lên nhiều cũng rất nhiều ý kiến bình luận. Nói như thế để thấy chúng ta đã đứng trước một quyết định không hề đơn giản. Ở góc độ nào đó, việc nạo vét này so với việc khác của thành phố không hẳn là lớn, nhưng lại rất nhạy cảm, rất khó khăn để đi tới một quyết định”.

Qua mấy chữ như thế chúng ta có thể thấy được sự lo lắng và bất của ông Ủy viên Bộ Chính Trị Phạm Quang Nghị và có thể là cả Bộ Chính Trị.

Thứ nhất, theo ông thì bắt tay vào làm thì “đầy lo lắng”, cho dù đã có kết quả rất khả quan.

Thứ hai, ông xác nhận rằng việc “Rùa nổi lên hay không nổi lên, nổi lên ít hay nhiều cũng rất nhiều ý kiến bình luận”.

Miệng lưỡi giới sĩ phu Bắc Hà thì khá cay độc và những sự kiện như vậy nhất định phải được họ liên hệ đến truyền thuyết trả gươm. Thập niên 80, quan văn nghệ Nguyễn Đình Thi soạn vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, chỉ nói việc Nguyễn Trãi từ quan mà cả bộ máy cai trị đã nhảy xổm lên. Huống hồ bây giờ dân chúng nhân chuyện con rùa mà bảo đảng phải “trả gươm”!

Chính vì vậy nên Phạm Quang Nghị mới phân vân: máy móc thiết bị đã chuẩn bị sẵn tại bờ Hồ Gươm thì ra lệnh rút. Ra lệnh rút xong thì ra lệnh rút lại lệnh rút, như thể là chuyện trẻ con chuyện của các bà già buôn vặt!

Bởi thế họ loay hoay như gà nuốt giây thun: chỉ có việc nạo vét Hồ Gươm mà bàn cãi từ năm 1993 tới năm 2009, nghĩa là 16 năm. Đến cuối năm 2009 vừa bắt tay vào làm thì run sợ rụt rè, thay đổi xoành xoạch, đến bây giờ vẫn không xong.

“Ý kiến bình luận”

Rùa Hồ Gươm gắn với truyền thuyến Lê Lợi được cho mượn gươm thần đánh đuổi giặc Minh. Sau khi đánh thắng giặc, vua Lê đi dạo thuyền trên Hồ bị Rùa Thần nổi lên đòi lại gươm và hồ có tên là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

Nếu Rùa Hồ Gươm liên tục nổi lên, hiện tượng này có làm sống lại lại truyền thuyết “đòi gươm”, đánh vào cái tâm lý mê tin giới lãnh đạo bất an: họ đã ôm gươm làm đất nước bầy hầy như thế đủ rồi, hãy mau mau trả gươm, nghĩa là từ chức, giao quyền điều hành đất nước cho những người xứng đáng hơn!









PGS TS Hà Đình Đức
đã bỏ công quan sát hiện tượng
nổi lên Rùa Hồ Gươm từ năm 1991
(Hình: báo Dân Trí)

Trước đây, Phó giáo sư Tiến sĩ Hà Đình Đức, giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, được xem là nhà “Hồ Gươm học” kiêm nhà rùa học, đã bỏ công quan sát hiện tượng nổi lên Rùa Hồ Gươm từ năm 1991. Toàn bộ những lần “cụ Rùa” nổi đều được ông ta ghi chép cẩn thận và nhận thấy rằng lần nào Rùa nổi cũng trùng hợp với một “sự kiện đầy ý nghĩa” của đất nước:

Ngày 26/12/1991, PGS.TS Hà Đình Đức được Đài Truyền hình Hà Nội mời nói chuyện về bảo vệ rùa Hồ Gươm. Đúng 10h sáng hôm đó, “Rùa” nổi lên và bài nói chuyện tối hôm đó được minh họa cảnh quay phim “cụ” nổi ngay buổi sáng.

Ngày 10/03/1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn phê duyệt Phương án nạo vét Hồ Gươm. Đúng sáng sớm hôm đó, Rùa nổi.

Đúng một năm sau, trong ngày họp phê duyệt “Phương án nạo vét Hồ Gươm” ngày 10/03/1993, Rùa lại nổi.

Trong tuần Hội thảo Quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần I (14/11/1993 ~ 20/11/1993), đúng ngày 19/11/1993 Rùa bò lên nằm trên gò Tháp Rùa. Đầu ngẩng cao hướng về phía đặt tượng vua Lê. Cảnh này đã được nhiều người chụp.

Ngày 26/08/1999, Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức bàn giao mặt bằng Khu di tích tưởng niệm vua Lê cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Rùa nổi lên từ 10h30 đến 12h30.

Đúng 0 giờ 0 phút ngày 01/01/2000, hàng vạn người Hà Nội tụ tập quanh Hồ Gươm để đón chào Thiên niên kỷ mới, khi vừa bắn pháo hoa thì Rùa liên tục nổi lên mặt nước.

9 giờ sáng 27/09/2000, chính quyền Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm vua Lê bên Hồ Gươm, Rùa bò lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân đảo Ngọc. Rùa nằm vậy từ 8h20 đến 10h20 trước sự chứng kiến của nhiều quan chức.

Năm 2002, khi Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, họp từ ngày 18-2 đến ngày 2-3-2002, Rùa liên tục nổi lên.

Tháng 11/2002 Quốc Hội họp kỳ thứ 2, ngày 25/11/2002 xảy ra cảnh “đại biểu chất vấn bộ trưởng” và Tạp chí Thế Giới Mới đăng bài: “Đã tìm được “lý lịch” rùa Hồ Gươm”. Rùa nổi lên nhô đầu gần cây phượng góc đường Lê Thái Tổ - Hàng Khay, đầu buổi chiều bơi dần về phía Gò Rùa rồi lặn mất.

Ngày 18/04/2006, đúng ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc, Rùa nổi lên. Đến ngày bế mạc 26/04/2006 Rùa cũng nổi lên.

Những sự kiên trên được diễn tả là “sự kiện trọng đại của đất nước” và hình ảnh cụ Rùa trong lời diễn tả trên bao hàm một ý nghĩa thiêng liêng.

Thế nhưng nếu nhìn lại ý nghĩa của truyền thuyết đòi gươm, những hình tượng như vậy cần giải thích khác đi. “Rùa thần” bây giờ liên tục nổi lên và chờ đợi như là người đòi nợ.

Nếu Rùa Hồ Gươm thực sự là một “linh vật” của thủ đô, chắc chắn linh vật ấy xuất hiện để nhắc nhở giới lãnh đạo bất tài và yếu hèn cộng sản phải trả gươm.

Bây giờ, sau khi đã tổ chức đại hội đảng xong và chuẩn bị cho bầu cử quốc hội, Rùa lại nỗi lên với thân hình tơi tả. Không có hình ảnh “đòi gươm” nào hợp hơn. Tình hình đất nước đã ở thế cực kỳ tuyệt vọng và Rùa đã nổi lên đòi gươm trong tình thế cực kỳ tuyệt vọng.

Tình thế tuyệt vọng

Hình ảnh “cụ Rùa” với thân thể lở loét liên tục nổi lên đòi gươm giữa một Hồ Gươm đã bị xuống cấp trầm trọng và ô nhiễm cũng chẳng khác hình ảnh người Việt với những số phận “lở loét” lên tiếng đòi lại quyền làm chủ vận mạng của mình giữa một tình thế đã bị tụt hậu trầm trọng.

Tình thế của cụ Rùa được xem là tuyệt vọng và tình thế của người Việt cũng không có gì khá hơn.

Những quan chức có trách nhiệm tại Hà Nội phân vân do dự, không biết phải làm gì với một Hồ Gưom đang có nguy cơ trở thành một đầm lầy. Cả hệ thống cầm quyền tại Việt Nam cũng vậy, họ phân vân không biết phải làm gì trong khi đất nước đang có nguy cơ biến thành cái đầm lầy của chủ nghĩa cộng sản.

Cái tương lai “đầm lầy” ấy của đất nước có thể thấy rõ trong “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình Đại hội XI”.

Trong “cương lĩnh” này giới cấm quyền khẳng định chủ nghĩa tư bản vẫn “về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công” và “theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” .

Cả trong “Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng”, hệ thống ấy vẫn khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” .

Bước vào thế kỷ 21 này, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở khắp nơi đã sụp đổ và ngàn vạn tài liệu vạch trần những sai lầm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mà vẫn chủ trương xây dựng đất nước như vậy thì có khác gì biến đất nước thành một đầm lầy.

Ngày 18/02/2011 Thông Tấn Xã Việt Nam đăng bản tin “Đưa quan hệ hợp tác Việt-Trung lên tầm cao mới”:
“Chiều 18/2, tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào đã tiếp thân mật ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sang thông báo về kết quả Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. […] Ông Hoàng Bình Quân trân trọng chuyển tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và các vị lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc thông điệp, thư cảm ơn, lời thăm hỏi thân thiết, và lời chúc mừng năm mới nồng nhiệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Giữa lúc “tàu lạ” và “thuyền lạ” liên tiếp xâm phạm hải phận Việt Nam, hệ thống cầm quyền lại cử sứ thần sang bẩm báo như thế, tình thế tuyệt vọng của đất nước đã cô đọng lại ở hình ảnh con rùa tơi tả vết thương liên tục nổi lên “đòi lại gươm” giữa cái hồ nặc mùi ô nhiễm.

Theo Trung Quốc mất nước, theo Mỹ mất đảng; thà mất nước còn hơn mất đảng. Tương lai nước Việt không chỉ là một cái đầm lầy nhầy nhụa mà còn tệ hơn vậy vì sẽ là một đầm lầy không còn là của mình, như một thứ thuộc địa hạng hai của Tàu.

Lê Trọng Hiệp

Theo Thông Luận
Ý kiến bạn đọc
18 Tháng Ba 20117:00 SA
Khách
Phản động quá,chắc đây là bài viết của một kẻ lưu vong ngu dốt về chính trị và lịch sử,sặc mùi bất mãn hận thù cay cú.Hoặc là một kẻ bất tài khốn nạn chửi rủa đât nước để kiếm sống,thật đáng khinh!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn