BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 65589)
(Xem: 59662)
(Xem: 36977)
(Xem: 29252)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lễ Phật Đản Trong Tù

13 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1597)
Lễ Phật Đản Trong Tù
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mặt trời vừa lặng sau đỉnh núi Thanh Phong, để sót lại những tia nắng vàng chập chờn trên các đọt cây như cùng thở với nhịp thở đứt khúc cuả các tù nhân đang đói rét bệnh tật. Tôi ngồi trên hè đất nhà hai, nơi đây tôi và các bạn tôi luôn luôn coi như là phòng hội họp riêng để bàn “quốc sự, tôn giáo sự, gia sự, đói rét sự….”

Những bếp lửa cải thiện đã bắt đầu hừng đỏ, cảnh náo nhiệt sau giờ lao động về vẫn là một “sinh hoạt có giấy phép” cho các “trại viên”, một từ ngữ hoa mỹ bao bên ngoài từ ngữ tù nhân vốn không thể kết án, không có quy chế; họ không chỉ lo cho cái bao tử trống không teo nhách thêm ít rau rừng mà tôi tin sự nhộn nhịp “cải thiện” này cũng có thể giúp họ quên được tâm sự trông ngóng ngày về vốn mờ mịt như người lạc giữa rừng hoang.

Tôi đang ngồi mơ màng hồi tưởng những ngày tháng 1978 ở K1 trại Trung Ương - Vĩnh Phú. Tôi nhớ lúc thay trâu kéo cày trăm bề khổ nhọc, vai chai chân lóet và nhớ khi người vợ hiền từ miền Nam ra thăm nuôi, nàng như nàng tiên trong truyện cổ tích, vai mang một gói quà đầy ắp bột, đường, thuốc men…đến cứu sống tôi đúng lúc. Ôi ! Ngoài mình ra ai có thể dùng tai phàm mắt thịt nghe thấy được “sự khắc cốt ghi tâm” như thế nào. Cái tình thâm “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” ấy, tôi đặt nó vào chỗ cao quý nhất trong con tim không đủ máu tuần hoàn của một người tù cân cả da xương chưa được 32 kg như tôi đây (dùng cân khoai mì). Bỗng từ trong nhà hai, Bác Tám, Ký, Cảnh cùng đi về phía tôi. Tôi biết rành họ cũng như tôi không phải không muốn nấu nướng vài ba nắm rau cải gì đó…để trấn an cái bao tử khắc khoải xót xa của một đêm dài ngàn năm (nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại ) luôn luôn nóng như lửa đốt bởi mấy khúc “khoai mì luộc tiêu chuẩn”, bất cứ thứ gì nấu ăn được đều khan hiếm, không “khéo léo một chút” ắt bị kết án “ăn cắp tài sản XHCN”. Từ ngàn xưa sự đói rét thường sai khiến một số người làm việc trái lương tâm : tàn nhẫn, phản bội….Nhưng thâm sâu của mỗi con tim mà danh từ duy thức học Phật giáo gọi là “Tạng Thức” vẫn dung chứa những hạt giống ấy, khi hội đủ nhân duyên tất sẽ kết thành quả.

Đúng như vậy “một sự kiện tốt” (thiện) mà các bạn cũng như tôi đã ấp ủ trong lòng trong 6 năm qua tại các nhà tù CS, nếu nói là “sự nói nghe không mâu thuẫn” thì lúc này đây chúng tôi đã nói, nghe một tương hợp. Khi tôi đưa ra câu hỏi : “Phật Đản lại về các anh nghĩ sao?”, các bạn Bác Tám, Ký, Cảnh chưa kịp trả lời, thì từ khu bếp “cải thiện”, Đăng xách lon guygoz rau luộc hơi bốc nghi ngút đi về hướng chúng tôi. Tôi biết rõ Đăng là một QNPT thuần hành QĐI + QKI Đà Nẵng. Đăng tiến đến gần bọn tôi nói nhỏ :

- Thứ Hai tới này là rằm tháng tư ÂL - Lễ Phật Đản, các anh có nhớ không?

Tôi thầm phấn khởi nghĩ mình đã có một đồng minh ra vế xướng, ấy là : “chúng ta có dám liều mạng tổ chức lễ kỷ niệm Phật Đản không nè ?” Cả bọn chúng tôi người xướng cũng như người họa không nói một lời, vì tất cả đều đồng tình bằng những cái gật đầu không biết mỏi. Tôi nghĩ đây là một câu Họa không vần điệu không điển tích nhưng mà là một câu Họa văn hay ý đẹp nhất, nó viết bằng ngôn ngữ con tim của đệ tử Phật bừng khởi biểu lộ qua những cái gật đầu ấy, phải không?

Bác Tám là người mau lẹ, bằng một câu nói khẳng định chắc nịch:

- Sợ quái gì mà không dám tổ chức chớ.

Câu nói đã chín mùi đúng lúc. Bác Tám tiếp tục:

- Bất quá bọn chúng nó….

Cảnh ôn tồn cắt lời :

- Xin Bác vặn nhỏ cái “volume” một chút đi chớ…

Cả đám cùng cười. Cảnh tiếp tục câu nói dang dở:

- Tai mắt bọn “ăngten” nghe ngửi thính lắm….

Ký tiếp lời :

- Tui hiểu ý Bác Tám rồi, tôi nghĩ Bác Tám nói đúng, “sợ cóc khô gì”, bất quá bọn mình cùng vào phòng biệt giam phải không ? Mang cùm ăn đói, đói nhiều, đói ít, đói nào chẳng là đói.

 ***

Hùng tâm của người Phật tử thật tự tại vô ngại là thế đó. Đăng để lon guigoz rau xuống đất chấp tay tuyên Phật hiệu “A Di Đà Phật”. Câu Phật hiệu này luôn luôn là biểu hiện tấm lòng son sắt của người con Phật sẵn sàng dấn thân : “dù bao nhiêu cay đắng, dù gặp nhiều gian khó lý tưởng con vẫn tôn thờ.” Mọi người nhìn Đăng rồi cùng nhau tuyên Phật hiệu một lần nữa. Thế là tất cả ý kiến đã kết thành một chuỗi hạt trong suốt. Mọi sắp đặt cho ngày Lễ Kỷ Niệm Phật Đản sẽ tiến hành. Lòng tôi hân hoan tự nhủ: “Màn vô minh do sự nghi kỵ, e dè sợ hãi….bởi chính sách lừa dối ngôn ngữ ly gián của kẻ thù bọc lấy niềm chánh tín 6 năm qua, giờ đây đã được hiện lộ trong mỗi con tim của người Phật tử chúng tôi. Chúng tôi không có tham vọng làm những người đánh trống dộng chuông, nhưng chắc chắn chúng tôi đang và sẽ chọc thủng một lỗ mọt vào thành bờ đê duy vật biện chứng phi luân lý truyền thống dân tộc đang ngăn cản sự phát triển trí tuệ tình cảm dân tộc Việt Nam bất hạnh, để thở vài hơi thở tự do tư tưởng.

Tôi đưa ra ý kiến:

- Nếu chúng ta đã có ý kiến giống nhau, chúng ta phải thực cho bằng được phải không? Nghĩa là kỷ niệm Lễ Phật Đản không thể lãng quên như bao năm qua. Và tôi nghĩ : chúng ta không còn ngày nào khác thích hợp thuận duyên hơn ngày Chủ Nhật 14-4 ÂL-1981 này vì ngày rằm lọt vào ngày thứ 2. Chúng ta sẽ lợi dụng thời gian cửa các cổng khu A - B - C, bệnh tật già yếu….. mở khóa cho giờ lãnh ăn trưa vào khoảng 11 - 1 giờ chiều. Tôi hy vọng giờ này anh em Phật tử ở các khu đó có thể “trốn đến” tham dự lễ dễ dàng hơn…Các anh nghĩ sao ?

Đăng nhanh miệng:

- Tôi rất đồng ý, và riêng tôi có ý kiến về địa điểm hành lễ. Tôi xin đề nghị lấy ba chỗ nằm liền nhau của Ký, Cảnh và tôi làm nơi thiết lập lễ đài.

Cảnh nói:

- Hợp lý quá đi chớ, tôi nghĩ thời gian cấp bách quá rồi chỉ còn có 4 ngày nữa, ngày 14 hay rằm đều nằm trong tuần lễ Phật Đản, chúng ta không nên câu nệ làm gì. Về địa điểm như Đăng đề nghị rất hợp lý, nếu bọn trực trại vào tới chỗ bọn tôi nằm ở nhà hai cũng mất thời gian tương đối đủ để chúng ta thu dọn “chiến trường”.

Bác Tám và Ký vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Những ý kiến phát biểu trong buổi hợp chớp nhóang khác nào người thiện xạ đứng gần tấm bia nên không một lời phản đối bởi lẽ nó là tiếng nói của con tim hướng thiện. Chúng tôi không đề cập đến bầu “Ban Tổ Chức” vì nó đã được mặc nhiên thành lập bằng những con sóng trách nhiệm nhẹ nhàng vỗ vào con tim từng người Phật tử chúng tôi. Hơn nữa nơi “Ổ rắn hang hùm” không phải là mãnh đất màu mỡ “hình thức danh tướng” tranh nhau đâm chồi.

***
 
Sáng 14 - 4 - ÂL.

Lễ đài tại 3 chỗ nằm Ký, Cảnh, Đăng nhà 2 Khu A như đã dự kiến hoàn tất viên mãn. Nhìn những vật dụng trần thiết và phát khí nghi lễ (chuông - mõ) đơn sơ., lòng tôi cảm thấy sự thách thức của niềm chánh tín người Phật tử đối diện với hoàn cảnh không phải là của cải vật chất dư thừa hay nghèo khó mà là sự đồng lòng quyết tâm của mỗi cá nhân hay tập thể để hoàn thành một “đại sự“.

Ảnh sơ sinh và biểu ngữ mừng Phật Đản 2525 (1981) là biểu tượng phải có. Anh Đính đã vẽ trên mấy tờ giấy học trò dán ghép lại. Niềm tôn kính và tay nghề hội họa của anh đã thể hiện qua ánh mắt long lanh của “chú bé sơ sinh Tất Đạt Đa” ở góc độ nào người nhìn cũng thấy Bé đang nhìn mình. Ngài cũng đứng trên hoa sen thứ bảy, tay chỉ lên trời tay chỉ xuống đất. Người Phật tử nào lại không thuộc lòng câu tuyên bố đầu tiên khi Ngài Đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni: “Thiên Thuợng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn”. Khi Đính trao ảnh sơ sinh và biểu ngữ cho tôi, đã nói:

- Hôm qua Thứ Bảy, tôi khai bệnh, trùm mền vẽ. Màu mè là của Lợi - diễn viên chuyên đóng vai nữ của đội văn nghệ biếu.

Tuy anh vẽ bằng ký ức nhưng không thiếu một yếu tố nào về 32 tướng tốt của Đức Phật, tay chỉ xuống đất cũng dài quá gối, trái tay cũng chấm đến vai…v.v…

Lư nhang bằng đất sét, có soi sẵn ba lỗ là “tài sản giàu có” của anh em đội gạch thực hiện. Bình hoa bông cải cắm trong lon guigoz, anh em đội rau xanh đánh cắp bông cải để giống (tài sản XNCN) để cúng dường. “Thiện tai - thiện tai”. Một anh em trong đội rau xanh cho biết : bình hoa đã tháp tùng qua ải thi đua ở cổng trại dễ dàng vì may mắn gặp ngày giao rau cho nhà bếp. Đĩa ngũ quả chỉ là một nải chuối rừng vừa “chín bói”, nếu bóc vỏ ăn thử vị chát ngầm, 99% hột, do anh em đội “tự giác” tặng. Rừng ở đây còn có một loại trái cây khác mà anh em không hái cúng dường, tục danh là “vải guốc”, lột vỏ ăn lớp cơm cũng có vị ngọt, hột rang ăn béo thơm như đậu phộng rang, hương vị “ngọt thơm không thua hương vị của Bác và Đảng”, tuy nhiên nếu ăn từ 5 đến 10 hạt thì bị giựt kinh phong, ăn nhiều hơn thì chết. Chúng tôi bảo nhau: “Trời già khéo trêu người”, hãy gấp gấp xa lánh.

Giờ hành lễ sắp bắt đầu. Đăng khệ nệ mang nồi chè vào đặt trên gác. Đăng múc ba chén đặt trước bàn Phật, và 1 chén để riêng. Đăng nói nhỏ với mọi người:

- Bát này để cúng dường cụ Long.

Cụ Long là ai mà chúng tôi lại dành cả một tấm lòng kính ngưỡng như thế ? Thưa, Ngài chính là thượng tọa Thích Thanh Long nguyên giám đốc Nha TUPG - QLVNCH, Ngài cũng đang “bị vây trong lưới ma XHCN” như chúng tôi….Đói khổ bệnh tật không phải thấy Ngài đạo cao đức trọng mà nể nang. Chúng tôi đã chứng kiến một việc, có lẽ chỉ có người mà có lòng từ bi vô biên như Ngài mới làm nổi, ấy là một dịp may đối với bất cứ người tù nào khi được thân nhân thăm nuôi bởi lẽ hoàn cảnh riêng tư của thân nhân từng người không ai giống nhau, nhưng tôi nghĩ đối với Ngài nên gọi là cơ hội trong 6 năm qua đã đến với Ngài . Một nam Phật tử từ miền Nam mang khoảng 40 kg quà đến thăm cúng dường Ngài. Khi Ngài mang về đến sạp ngủ, Ngài bày ra hết trên sạp như ông lão bán chợ trời. Ngài vui vẻ biếu cho tất cả anh em già yếu bệnh tật và những người không có thân nhân thăm nuôi. Tôi có thể đọc được trên ánh mắt của Ngài, chứ không thể nào quan sát để cảm nhận trên nụ cười của Ngài bởi các nếp nhăn như hàng trăm con giun đeo trên má, và mấy chiếc răng xếu xáo…rằng niềm hỷ lạc vô biên đang long lanh trong con ngươi.

Bỗng Cảnh khều vai tôi nói nhỏ:

- Đại tá Sang (đã qua đời ở SD) ở nhà I mới cho hay, thằng trưởng ban thi đua đang đi lui đi tới ngoài sân trại.

Tôi không trả lời câu nhắc nhở của Cảnh, bởi lẽ tôi tin Khiêm (Úc), vì Khiêm là bạn cùng quê anh ta rất chân tình, nhanh nhẹn hoạt bát, anh là một con chiên đạo dòng Thiên Chúa Giáo. Tôi nói cho anh biết :

- Hôm nay bọn tôi tổ chức Lễ Phật Đản…

Anh không đợi tôi nói thêm gì nữa, anh cắt ngang câu nói tôi bằng lời :

- Tôi sẵn sàng làm quan sát viên an ninh giúp các anh, tôi báo động tức thì khi có biến.

Con người ai cũng có chút tự hào “nghề nghiệp”, tôi đùa với Khiêm:

- Anh cũng cần ôn lại các khả năng nhạy bén quan sát trận địa địch bằng L19.

***
 
Khiêm cười thoải mái, trong nụ cười tôi có thể đoán được cái niềm hãnh diện của một sĩ quan trinh sát tài hoa ẩn sâu trong con tim anh đối với địa hình nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út. Khu A trại giam Thanh Phong này sao lại làm khó được Khiêm. Lúc bấy giờ tiếng bát nhôm thay chuông vang lên ba tiếng “keng, keng, keng” do Ký đứng “duy na” vừa chấm dứt. Tôi đưa mắt nhìn quanh từ trên gác dưới gác một lượt, nhìn thấy khoảng ¾ anh em bạn tù ngồi tại sạp nằm của mình tay chắp trước ngực, sự âm thầm hưởng ứng của mọi người trong giờ phút thiêng liêng hành lễ này khiến lòng tôi vô cùng xúc động. Tôi nghĩ tất cả những gì hữu hình đều bị hủy diệt theo thời gian, nhưng những tình cảm trí tuệ niềm tin của một con người đối với tôi giáo mình, ai có thể hủy diệt được, tuy nhiên có lẽ có thể có một ngoại lệ : nếu như lòng tư dục của người ấy “bẻ lái” định hướng niềm tin của họ.

Bác Tám “chủ sám” cầm ba cây nhang được chuốt bằng nứa châm vào bát than hồng, đầu nhang cháy đỏ rực. Bác thành khẩn quỳ trước bàn thờ Phật giọng trầm trầm lời kinh cúng hương : “….giới hương định hương giữ tuệ hưong, giải thoát giải thoát tri kiến hương…”. Khói “nhang” cuộn lấy lời kinh nhè nhẹ bay lên cao tiếp tục theo lời nguyện.

“Tư thời đệ tử chúng đẳng….nhân ngày khánh đản của Đấng Thế Tôn, nguyện cầu tất cả hương linh quân cán chính QLVNCH đã chết vì đói rét, bệnh tật, lũ lụt cuốn trôi, vì trúng độc nấm rừng trái rừng, vì tai nạn lao động, vì bị đánh đập tra tấn….trong hàng trăm trại giam hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Than ôi ! Quý vị là những chiến sĩ anh dũng không được chết ở chiến trường khi chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do. Quý vị là những cán bộ hành chánh tận tâm tài hoa không được chết lúc thi hành công vụ. Quý vị là những nhà lãnh đạo tinh thần đã từng cùng “con chiên - tín hữu tín đồ“ vào nơi trận địa hung hiểm để chu toàn công hạnh tinh thần để rồi bao năm âm thầm chết tức tưởi, uất hận chết trong các nhà giam kẻ thù. Kính xin Đức Phật từ bi tiếp độ hương hồn quý vị về nơi an nghĩ tốt đẹp nhất mà lúc sinh tiền quý vị đã ước nguyện. Chúng đệ tử cũng nguyện xin cho tất cả bạn bè thân hữu trong khắp các nhà tù….thân tâm thường an lạc vượt mọi chướng duyên thoát khỏi nạn nước tai dân. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng giám”.

Bác Tám bảo tôi đọc văn tế, thật ra tôi chẳng biết làm văn tế như thế nào, tôi đành lâm râm khấn nguyện rồi đọc mấy “vần thơ con cóc” tế bạn hữu như sau :

“Nước độc rừng hoang mây vướng máu
Đồng khô hồ cạn núi phơi xương
Nhớ linh xưa,
Cũng trong hàng ngũ anh hùng Quân Cán Chính
Dùng máu tươi tô đậm nét Tự Do
Từ không trung đến Núi, Biển, Sông, Hồ
Gót giày “poch” rêu khô không buồn rửa
Đêm rồi ngày tỉnh mê trong khói lửa
Đạn lên nòng lưng quay tựa hậu phương
Cán chính viên là bờ vách tình thuơng
Nơi an trú cho vợ hiền con trẻ
Chờ chiến thắng đợi thanh bình trên quê mẹ
Nhưng than ôi !
Bỗng do đâu đất ngả trời nghiêng
Bừng tai vì những tiếng thét cuồng điên
Nhòa nước mắt nhìn “hai miền thống nhất”
Đói rét từ đây nhồi một cục…
Được phân chia
Chót trên cao có “bộ óc đảng ta”
Phận con dâu “làm chủ quốc gia”
Mọi tài sản “nhà nước ta quản lý”
Rồi từ đó bạn ta mang tên “Ngụy”
Đời về rừng vui tiếng suối reo:
Đói ăn nước muối khoai rau
Rằng : “Ráng mà yên phận kiếp sau thanh nhàn”
Sáu năm xa vắng phố phường
Vải không gói kín bộ xương khô gầy
Than ôi !
Nhìn thần chết dọc ngang hối hả
Bọn “thừa sai vội vã hét hò”
Hồn kia một phút dật dờ
Thân kia vùi một nấm mồ qua loa
Mấy mùa Phật Đản trôi qua
Năm nay kỷ niệm xót xa tương phùng
Thượng Hưởng
Tháng 5 năm 1981


 ***
Cảnh đánh mõ bằng ống nứa. Ký đánh chuông bằng bát nhôm, nghi lễ kỷ niệm Phật Đản bắt đầu ! Âm thanh “cốc, cốc, cốc” đều đều thỉnh thoảng một tiếng “keng!” điểm xuyết hòa với giọng trầm bổng của Bác Tám, Ký, Cảnh, Đăng…Bài : Tán Ly Hương - Chú Đại Bi - rồi bài Kính Mừng Khánh Đản: “Đệ tử hôm nay gặp ngày Khánh Đản, một dạ vui mừng, cúi đầu đảnh lễ, thập phượng tam thế, điều ngự Như Lai…”. Chúng tôi tụng không sót bài kinh, câu thần chú nào dành cho nghi lễ: Khánh Đản, Cúng Ngọ, Cầu Siêu, Cầu An….một dịp chúng tôi được hả hơi.

Tôi nhớ lại khi còn ở đời tự do, tôi từng tham gia tổ chức nhiều lễ Phật ở những ngôi chùa hẻo lánh ở thôn quê hoẳc những đại lễ huy hoàng cờ lộng xe hoa, hằng trăm Tăng, Ni, hàng vạn Phật tử tham dự Có phải tôi đã tự phụ quá đáng không khi đem so sánh “cái âm thanh” mà tôi cho rằng that “thiền vị“ của mấy ông bạn trong lễ thật đơn giản của những tù nhân “dám phạm nội quy trại giam” của một chế độ mà chủ kiến của nó xem tôn giáo là thuốc phiện lung lạc, đầu độc tình cảm trí tuệ con người. Âm thanh “thiền vị“ ấy đã làm tôi ngây ngất, khiến tôi vui nhẹ bổng tâm hồn. Có lẽ tâm trạng lúc nầy của tôi là người đói nhặt được của khoai, người khát có kẻ cho ly nước lạnh, “buồn ngủ găp được chiếu manh” chăng ? Tôi tin rằng cái cảm giác an lạc nầy chỉ xuất phát từ lòng chánh tín của mỗi cá nhân do đối tượng, hoàn cảnh thích nghi mà thôi, ắt không thể so sánh kia nọ.

Tôi tiếp tục bốc từng nắm lá ổi khô giả “trầm” bỏ vào chén than hồng, khói tỏa khắp gian phòng, tôi tưởng tượng những sợi “khói trầm” như đang chuyên chở những lời kinh từ ái lướt đến xoa nhẹ từng lồng ngực đang căn phồng uất hận của mỗi tù nhân vốn vô tội với tổ quốc và dân tộc, họ đang bị hành hạ đọa đày trên quê hương được mệnh danh là “độc lập thống nhất”. Họ đều là những trí thức tài hoa cùng chung số phận với mọi tầng lớp trí thức dân tộc đang bị vùi dập. Tôi chấp nhận đại diện cho những tù nhân Phật tử đang dè dặt, tôi quỳ lại sau lưng vị chủ lễ như một “gia chủ“ và luôn luôn không dám lãng quên bổn phận “châm trầm”. Quả nhiên sự gợi ý kính mừng lễ Phật Đản bằng hành động này đã được nhiều anh em Phật tử hưởng ứng. Họ leo lên gác lễ Phật với lòng thành kính miệng lâm râm khấn nguyện. Cũng có người cẩn thận nhìn trước nhìn sau rồi mới xá vài ba xa. Tôi tin rằng mật ngữ trong lòng họ đều chung một mẫu số đó là lòng kính ngưỡng Tam Bảo dù cho hình thức biểu lộ có khác nhau bởi hoàn cảnh của con tim bị cột buộc không phải lúc nào cũng dễ tháo gỡ.

***

Bác Tám, Ký, Cảnh thay phiên nhau làm cái “bổn phận” của một chú tiểu: “thỉnh chuông cho tín đồ lễ Phật” gần hai tiếng đồng hồ vẫn chưa “vắng khách”. Nói về Đăng không phi tự nhiên có một “nồi chè” đầy ắp khệ nệ “xách” vào “cúng Phật” và mời anh em “xơi” mà cũng chính là một Phật sự quan trọng chúng tôi dự trù thực hiện cho ngày lễ. Trong buổi họp mặt ngày 10 - 4 ÂL, khi mọi người đồng ý cần có một nồi chè trước “cúng Phật cập Tăng” sau anh em chung vui, Đăng đã tự nguyện lo việc “trai soạn” này. Để thực hiện nồi chè dĩ nhiên chúng tôi chấp nhận đối diện với một hoàn cảnh kinh tế khó khăn của tù nhân, tất phải đòi hỏi chúng tôi nhiều gian khổ nhất là việc không thể “công khai quảng cáo rầm rộ“. Biện pháp căn bản là chúng tôi phải cúng dường những “thực phẩm thiết dụng” chúng tôi có. Sau đó mới nói đến “khất thực”, chúng tôi đã tự bảo nhau: không nên phân biệt người này người nọ kể cả mấy tay anh chị “đội trưởng đội phó ăn ten” khéo giọng khéo lời nhưng không vọng ngôn, đội công việc chung trên đầu mình, ấy là chúng ta tạo cơ hội cho nhiều anh em Phật tử đâm chồi lại niềm chánh tín với Phật pháp.

Sau ba ngày vận động đến chiều tối thứ bảy 13 - 4 ÂL, chúng tôi có được một số phẩm vật khả dĩ nào các loại đường: đường thốt nốt, đường cát, đường phèn, đường tán… và các loại: khoai lang sống, khoai mì rừng, khoai mì sống, khoai mì chín, đậu xanh sống, gạo, bột nếp….. Đăng mượn của Tài cái nồi gò bằng tole khoản 8 lít mang từ miền Nam ra. Đăng nói:

- Em làm theo ý chung của các anh, “cần lượng” một chút mới đủ chia cho mỗi người đến dự lễ một “chút lộc cúng Phật”

Ai cũng thừa hiểu nồi chè chỉ ngọt bùi tình Đạo, bởi lẽ nước lạnh nhiều như thế dĩ nhiên làm loãng hương vị ngọt bùi của đường khoai.

Một giai thoại khó quên: “công đức ắt phải chia hai” Xuân hớt tóc (Santa Ana) thuộc diện “mồ côi” nhận hớt tóc cho bạn tù đội nhà bếp nhằm tuần lễ Phật Đản, anh nói với tôi:

- Em đã cải thiện đầu đuôi khoai mì phần ăn của hai chú heo, em đã chọn những cái còn bột nhiều nhất, và một tán đường thẻ của anh đội trưởng biếu, em xin cúng dường cho nồi chè cúng Phật ngày lễ.

Tôi đùa với Xuân, tán đường phần của anh đúng rồi, nhưng tôi nghĩ phần “đuôi đầu khoai mì” là anh thay mặt hai chú heo cúng dường phải không?

Xuân cười, tôi nói tiếp:

- Công đức này ắt phải chia hai.

Tôi thấy Đăng sau khi múc chè cúng Phật và cụ Long, Đăng tiếp tục múc từng bát nhỏ cung kính mời những anh em vừa lễ Phật xong. Họ chỉ cần húp “một cái rột” rồi trả bát lại để múc chè tiếp tục cho người kế. Tục ngữ có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Ở vào hoàn cảnh đói rét trong tù, mặc dù tôi chưa làm kẻ “đạo tặc, nhưng ánh mắt láu ăn của tôi không thể tránh khỏi “pháp nhãn” người bạn tri kỷ của tôi bởi ý nghĩ: không biết Đăng có để dành lại muỗng chè nào không ? Hay cũng tặng sạch bách ’của cải” như cụ Long khởi dậy cùng lúc với cái liếc mắt về nồi chè. Cảnh mỉm cười, hình như anh đã nghe thấy được tiếng lòng của tôi, anh nói:

- Còn ba chén cúng Phật đủ để chia cho bọn mình kìa cha nội.

Rồi tất cả cùng cười vui vẻ

***
 
Cụ nhìn chúng tôi cười khà khà, lộ mấy chiếc răng đứng cô độc chắc chắn không phải là đối thủ của “mùa bo bo” sắp tới. Tôi đọc được trên ánh mắt và lời nói của cụ “các chú lại đem cái giả danh này đè tôi rồi.” Nếu đoán không sai, cụ muốn dạy cho chúng tôi: “cốt lõi Phật lý Kinh Kim Cang “ ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tân”. Không nên “bám vào bất cứvấn đề gì, tài - sắc - danh, lúc phát tâm bồ đề“. Khi mọi người ra về, tôi nói riêng với Cảnh:

- Cậu biết không, nồi chè có hai khúc mì chín của cụ đó.

Cảnh sững sờ:

- Vậy sao?

Tôi nói tiếp:

- Nét mặt cụ hôm nay trông rạng rỡ, khác xa mấy ngày qua, tôi thấy cụ cứ trông ra cửa sổ đầy vẻ ưu tư, cũng bởi tại tôi, nằm bên Cụ không chôn kín được “bí mật” trong lòng.

Cảnh nói :

- Thôi, mọi việc dù sao cũng thành công viên mãn.

Chúng tôi đã làm xong tất cả những việc cần làm cho một ngày đại lễ và giờ đây chúng tôi đang sẵn sàng chờ đợi “một sự cố“ nói theo ngôn ngữ của “loài người tiến bộ“, người Cộng Sản tự hào thuộc “loài người tiến bộ“, có phải họ đang nhận họ là con cháu của “loài vượn tiến lên làm người” theo lý thuyết gia Darwin người Úc chăng ? Hay họ đang và sẽ “kinh qua XHCN” để đưa “đảng ta” tiến về thời CSCN nguyên thủy Sự cố ấy tức “nội quy”. Than ôi ! Người tù chỉ muốn tìm lấy một chút xíu niềm an lạc cho nội tâm bằng con đường tôn giáo thì bảo là “phạm nội qui”.

Nhưng rồi cái gì đến sẽ phải đến. Sáng thứ hai tức rằm tháng tư âm lịch, ngày mà Phật tử khắp nơi trên thế giới đang đón mừng kỷ niệm Phật Đản, thì tại nhà tù K2 Thanh Phong - Thanh Hóa chỉ có một mình tù nhân biệt danh “Bác Tám” - chắc chắn trong con tim Bác cũng đang tận hưởng niềm vui chung nhưng ngoại thân Bác thì mang chiếc “cùm” riêng với tội danh “tuyên truyền tôn giáo” do tên công an quản giáo đội gạch đơn độc phán quyết. Đau đớn thay ! Tủi nhục thay ! Dẫu là chim đại bàng cũng phải nằm rạp mình trốn bão tố? Rồi chiều thứ hai ấy, chúng tôi được nghe Bác Tám thuật lại cuộc đối thoại lý của “phiên tòa” buổi sáng. Bác cao giọng tuyên bố như người đắc thắng:

- Tôi phản đối quyết liệt rằng tôi không xâm phạm “tài sản XHCN”, tôi không phá rối an ninh, tôi là một Phật tử, tôi tự tổ chức kỷ niệm ngày sinh đấng giáo chủ mình tại chỗ nằm, sao “cán bộ“ bảo tôi phạm tội tuyên truyền tôn giáo ? Không lẽ “cán bộ“ tổ chức “sinh nhật Bác Hồ“ trong hang Pắc Pó cũng phạm tội hay sao?

Bác cười:

- Nó cứng miệng.

Tôi cười thầm, suy nghĩ đừng cho rằng Bác Tám thật thà, Bác nói móc cũng sâu xa lắm. “Sinh nhật Bác Hồ trong hang Pắc Pó” cộng sản tổ chức sinh nhật HCM đâu chỉ có hang Pắc Pó? Nhưng hồ-chồn tất ở “hang” phải không?

Bác Tám đưa tay phải chỉ trời “Kính xin Phật tổ chứng giám, Long Thần Hộ Pháp phò trì, anh em “yên trí lớn” tui nhận tui làm “ráo trọi” (làm tất cả)

Buổi chiều và tối hôm ấy coi như “sóng yên gió lặng”.

***

Sáng thứ ba 16 - 4 ÂL, khi mọi người xếp hàng ra sân tập họp “đi lao động” tôi nhìn trong đội gạch không thấy Bác Tám. Tôi đi về phía Cảnh, Cảnh cũng đang tiến về phía tôi khẽ nói:

- Thằng trực trại đã vào thẳng đội gạch gọi đích danh Bác Tám hồi sáng này. “ Anh Tùng” - tục danh của Bác Tám, bởi lẽ giọng nói Tùng giống như giọng “vai Bác Tám” trong chương trình phát thanh quân đội trước 75, từ đó thành danh. Bác Tám nguyên là đại đức Thích Nguyên Lai - Trưởng Phòng TUPG T Đ41 QLVNCH, chúng tôi thường dùng biệt danh “Bác Tám” để gọi thầy cho trọn tình trọn nghĩa bạn tù - “Anh hôm nay không đi lao động, anh thu gom một số đồ dùng cần thiết và mền gối theo tôi”.

Cảnh nói tiếp:

- Ký, Đăng và một số anh em biết chuyện, cùng đưa mắt nhìn Bác Tám với một ngôn ngữ “bất thành văn tự“. Bác Tám “ra riêng” ít nhất cũng 10 ngày.

Lúc chúng tôi còn ngồi chờ điểm danh xuất trại, Bác Tám đã xuất hiện phía cửa cổng Khu A, đi trước Bác là tên trưởng ban thi đua tay cầm khóa, sau Bác, tên trung úy trực trại. Họ cùng đi về hướng buồn biệt giam. Nhìn nụ cười an nhiên tự tại, cánh tay mặt khẳng khiu của Bác vẫy chào chúng tôi, lòng xót xa cảm nghĩ” “hình phạt gông cùm đói rét làm sao trói buộc được niềm an lạc của con tim”.

Liên tiếp mấy ngày sau, bọn chúng tôi vẫn âm thầm chờ đợi “một con sóng nào đó ập tới” - nhưng không - cái không có gì này khiến tôi suy nghĩ: Bác Tám có phải là một quân cờ thí cho đại cuộc của bọn “quân khuyển” cho thượng cấp chúng ? Bởi lẽ Bác Tám luôn luôn cứng lời sỉ nhục “Tụi bây là bọn phản bội, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản,” phải chăng Bác đã nhận lấy cái hậu quả thù vặt ? Một điều nữa, bọn ăngten, làm sao có thể “ăn ngon ngủ yên” trước những cái nhìn của một tập thể Phật tử, bè bạn nếu đại cuộc trở thành một biến động phạm nội quy lớn xảy ra. Một điều may mắn cho chúng tôi có lẽ lúc này những “chiến sĩ quốc gia phản bạn” đã nản lòng trước những “hứa hẹn gì đó” của kẻ thù và chúng tôi vững tin hơn, bọn chúng cũng đã sáng mắt, ngay cả“Văn Vỹ Mù” còn thấy những gì bọn cộng sản làm kia mà. (thư này của một vị đại tá).

Tôi xin được bày tỏ một lời tán thán riêng: “Bác Tám đúng là đệ tử chân truyền của Cụ Long - Bác không có “tài vật” để bố thí, nhưng Bác có sẵn một kho tàng vô giá, Bác đã dùng để thực hành hạnh “vô úy thí ba la mật”. Đáng kính thay một bậc thầy, không phải chỉ dùng lời hay ý đẹp mà còn dùng cả hành động của bản thân trên bước đường giáo hóa chúng sinh. Lễ Phật Đản trong trại tù K2 Thanh Phong năm 1981 - PL 2525, Bác Tám đã gánh lấy khổ nhục cho anh em. Đây quả là hành động Chư Bồ Tát: “Vì chúng sanh mà quên lợi ích bản thân”.

Nguyễn Bá Hổ

Nguyên SQ CTCT - QĐ4 - QK4

Ghi chú:
-Bác Tám: tức Hòa Thuợng Thích Nguyên Lai hiện là thành viên hội đồng trưởng lão GHPGVNTN - HN tại Hoa Kỳ. Hiện cư ngụ tại San Jose

-Ký : tức nhà văn Lê Bảo Kỳ (San Diego)
-Cảnh (Garden Grove)
-Xuân (Santa Ana)
-Đăng (còn ở Việt Nam)
-Sáng (San Diego - đã qua đời)
-Khiêm (Úc Đại Lợi)
-Đính và Lợi (không gặp lại từ 1982)

Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 57 - 73 tập II/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn