BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phản đối chiến dịch tổng công kích của báo chí Đảng

29 Tháng Ba 199812:00 SA(Xem: 905)
Phản đối chiến dịch tổng công kích của báo chí Đảng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ngày 29 tháng 3 năm 1998

Kính gửi các đồng chí trong Thường Vụ Bộ Chính Trị,

Tôi đã cân nhắc lâu ngày, không muốn viết thư cho các đồng chí. Tôi muốn các đồng chí dành được nhiều thời gian suy nghĩ và quan tâm tới những vấn đề chung của đất nước.

Bản thân tôi cũng tự thể nghiệm thấy: Từ ngày nghỉ việc đến giờ, điều kiện để nghĩ về đất nước có nhiều hơn, đặc biệt là về thời gian.

Nhưng những thông tin tôi cung cấp cho các đồng chí sau đây có liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo hàng ngày của các đồng chí, và khả năng kiểm soát tình hình của các đồng chí.

Nó là như thế này: Có thể nói hình như hiện nay tôi đang bị bao vây bởi một kế hoạch công kích nhiều mặt, tổn thương đến cuộc sống thanh thản hàng ngày của cả gia đình tôi và tổn thương đến danh dự của tôi.

1/ Trong tháng vừa qua, có một chiến dịch “Tổng Công Kích” của báo chí đối với những ý kiến của tôi. Tuy sự công kích không nói rõ tên tôi và những người đọc trung bình không hiểu rõ những điều mà các báo nói là “có người “, “có người có ý kiến là...” là lấy ở đâu ra, nó ở tài liệu nào, sự trích dẫn có trung thực không?

Tôi xin có những nhận xét của tôi trong Phụ Lục I gởi kèm theo đây.

Tôi theo dõi được gần 10 bài ở báo Nhân Dân, gần 10 bài ở báo Quân Đội Nhân Dân và một bài ở báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tôi biết được vài ba tên tác giả, còn nói chung tên những người viết làm cho người đọc đều phải tự hỏi: Không biết đó là những người có thật hay là những tên giả???

Có một số ít bài tác giả có lập luận, có lý luận, có thái độ tranh luận đúng đắn, khiêm tốn và như vậy tốt lắm, hay lắm.

Nhưng đáng tiếc phần lớn các bài không có lập luận mà chỉ có sự nhắc lại các khẩu hiệu đã quá cũ kỹ, chèn vào những lời vu cáo, xuyên tạc, quy chụp (xin xem Phụ Lục I).

Đây là một cuộc “đấu đá “ không có ý nghĩa lý luận và tư tưởng. Nó thực sự hạ thấp uy tín của Đảng đến mức thảm hại. Nó thật vô nghĩa!

2/ Trong tháng 3, con dâu út của tôi ở quận Tân Bình, bị gọi đến công an thẩm vấn hàng nhiều chục ngày, mất cả làm ăn, ảnh hưởng đến cuộc sống, mức sống và sự nuôi con cái.

Con trai lớn của tôi là Đại tá, làm việc ở công ty điện tử tin học thuộc Bộ Quốc Phòng trong thành phố Hồ Chí Minh. Cháu đang làm việc có kết quả về một sản phẩm thông tin cho quân đội thì lại bị trục trặc về đầu tư và khen thưởng!?

Nhà tôi ở Hà Nội thường xuyên có cán bộ an ninh mặc thường phục giám sát. Một số khách của tôi ra vào bị theo dõi và tra hỏi: Vào làm gì? Ra mang theo cái gì? Nhiều người trong nhà tôi sống trong tâm trạng sợ hãi: bị bao vây, bị đe dọa, khủng bố. Gia đình tôi mất yên ổn. Các con tôi ở thành phố Hồ Chí Minh buồn phiền và oán trách tôi.



3/ Các đài phương Tây đưa ra một tin: Trần Độ bị khai trừ. Và họ nói rõ: có tin Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã ký quyết định “trục xuất” Trần Độ. Và họ bình luận thêm: “Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố coi việc các vị lão thành và trí thức góp ý là chuyện rất bình thường. Thế mà lại có tin về ông Trần Độ thế này, thì là tin rất không bình thường. Tin này là tin bịa hay là KHÓI của một ngọn LỬA nào?”

Tôi được nhiều người thông báo cho biết ở nhiều phường có tổ chức nói chuyện thời sự, mời cán bộ ở một số cơ quan trung ương về nói và các cán bộ này đều có nói một tin trong mục tình hình địch như sau: “Đang có một nhóm chống Đảng. Nhóm này có các tên: Trần Độ, Trần Quỳnh, Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành”. Thật là một sự chắp ghép cực kỳ lạ lùng, lố bịch.

Đó là chưa kể trong các cuộc họp có sự nói chuyện, các diễn giả cũng tùy tiện vu cáo, xuyên tạc. Việc này đã xảy ra nhiều lần năm 1996, sau bản kiến nghị năm 1995 của tôi!?

Tôi tin là các đồng chí không biết những thông tin này. Tôi biết những thông tin này hoàn toàn không phải do tôi đi tìm nó ở đâu cả, mà có những việc tự nhiên tôi tiếp xúc: các bài báo, nhân viên an ninh đụng đến gia đình tôi, giám sát nhà ở của tôi.

Tôi hoàn toàn không oán trách và buồn phiền về những ý kiến bác bỏ ý kiến của tôi. Quan trọng là những ý kiến đó phải được phát biểu một cách trung thực, công bằng và tử tế, lễ phép. Còn tình hình như các bài báo vừa qua, đặc biệt là báo Nhân Dân thì không thể chấp nhận được. Tôi lấy làm xấu hổ và buồn phiền cho “Tiếng nói của Đảng và diễn đàn của nhân dân” của chúng ta.

Tôi tóm tắt thông báo cho các đồng chí những thông tin như trên. Những thông tin đó đang làm vẩn đục không khí chính trị của đất nước. Nó là tiền đề cho tình hình không ổn định. Mà điều đó không phải là do có ý kiến, kiến nghị của chúng tôi. Nếu các đồng chí quan tâm tới tình hình và kiểm soát được tình hình thì các đồng chí nên có một hình thức nào đó, thông báo chính thức bác bỏ những loại tin thất thiệt, để giữ sự trong sáng của Đảng và của xã hội.

Cảm ơn các đồng chí.

Kính chào,
Trần Độ

Phụ Lục I
Một Vài Nhận Xét về “Chiến Dịch Phê Phán” trên báo chí vừa qua


1. Đợt các báo trong tháng 3, chủ yếu ở báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, ai cũng thấy có “một chiến dịch “ tổng công kích vào một số quan điểm tư tưởng bị coi là sai trái, là một đợt “đánh “, “đấu đá “ rộng lớn, phối hợp nhịp nhàng, huy động lực lượng khá lớn. Đợt đánh này có mấy đặc điểm:

a/ Người bị đánh không được nhắc đến tên tuổi mà chỉ được chỉ ra một cách mơ hồ: “có người”, “người ta...”, “họ”.

b/ Những nội dung đem ra đánh không được nói rõ xuất xứ, của ai, ở văn bản nào. Đầu đuôi cái văn bản đó ra sao? Nếu ai không tiếp xúc được với văn bản thì không thể biết nhưng đều có thể tạo nên một dư luận cực xấu cho người bị công kích. Một phương pháp không được văn minh!

c/ Thế là đánh mà không cho cãi, bịt mồm đối phương mà đánh. Chỉ xác định một chân lý, một lẽ phải duy nhất đúng, không bàn, không cãi.

d/ Nếu gọi là tranh cãi thì tranh cãi này là tranh cãi “địch ta “, không phải là tranh cãi “tử tế “ để tìm chân lý.

Một tác giả ở báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định ngay từ đầu bài là “nói với các lực lượng chống XHCN “, nghĩa là ngay từ đầu tác giả đã khẳng định “nói chuyện với địch”, đã cố tình đẩy người bị tranh cãi về phía địch! Có phải ý của Đảng không? Và Đảng đây là ai?

2. Cuộc công kích đã gây nên một không khí đối nghịch mà không muốn đối thoại, do đó làm nổi bật hai thứ ngôn ngữ khác nhau, không thể dịch được thay nhau, tôi gọi nó là ngôn ngữ A và ngôn ngữ B.

a/ Khi ngôn ngữ A nói là “cùng Đảng bàn bạc về tình hình đất nước, tìm đường tốt hơn để tiến lên”, thì ngôn ngữ B dịch ra là “tìm cách phá vỡ cơ sở tư tưởng của Đảng, phủ nhận đường lối của Đảng, chống lại quan điểm của Đảng, mưu đồ phá vỡ cơ sở tổ chức của Đảng”.

b/ Khi ngôn ngữ A “nhìn thẳng vào sự thực”, phân tích “những mặt khuyết điểm, tiêu cực của tình hình” thì ngôn ngữ B cho là “thổi phồng khuyết điểm, phủ nhận thành tích cách mạng, mưu đồ phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận Đảng”, “vạch áo cho người xem lưng”. Thế là lưng có nhiều cái xấu, không dám cho ai xem à? Khẩu hiệu “nhìn thẳng vào sự thực” là của ai đưa ra? Ngôn ngữ B cứ tự mâu thuẫn không thoát ra được.

c/ Ngôn ngữ A nêu vấn đề “Đổi mới Đảng, để Đảng mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn” thì ngôn ngữ B lại dịch ra là “Họ muốn chính quyền tách khỏi sự lãnh đạo về nhân sự của Đảng để họ có thể thay bằng nhân sự của họ...” ???

d/ Ngôn ngữ B còn nêu lên “một thủ đoạn nhân danh dân tộc để đi ngược lại với lợi ích dân tộc, nhân danh tôn trọng quyền dân để đi ngược với lợi ích của dân”. Ngôn ngữ B nói điều này với ai? Ai là người có thể nhân danh dân tộc và nhân danh nhân dân?? thậm chí nhân danh cả Đảng???

e/ Ngôn ngữ A nêu vấn đề “phải thực hiện dân chủ theo Hiến pháp 92” thì ngôn ngữ B cho là: “Việt Nam đã dân chủ lắm rồi. Đảng đã có hàng loạt chủ trương để bảo đảm dân chủ cho dân rồi. Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối để bảo đảm tự do dân chủ. Ai đòi dân chủ là chống lại Đảng, chống lại nhân dân”.

Đối với ngôn ngữ B, những ý kiến sau đây cũng là đòi dân chủ có hại cho Đảng chăng?

“Trong nhiều năm qua, chúng ta đã nói nhiều đến khẩu hiệu: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tuy nhiên, nhìn chung, quyền dân chủ của nhân dân còn bị vi phạm, tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn còn phổ biến? Phương châm trên chưa được cụ thể hóa thành pháp luật, chậm đi vào cuộc sống”(1). Và câu sau này: “Tạo điều kiện cho mọi người dân ở mọi miền đất nước, trong mọi thành phần kinh tế chủ động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, quản lý xã hội “ (1).

Lại có thêm câu nữa thế này:

“Thực hiện đầy đủ, dứt khoát, không chút do dự phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, dân là bao gồm cả nhà báo, nhà khoa học, nhà chính trị, quân sự, là tất cả mọi công dân sống trên đất nước Việt Nam “ (2).

Những điều phê phán thiếu dân chủ và kêu gọi dân chủ như trên, đối với ngôn ngữ B, nó là cái gì?? cũng phủ nhận thành tích dân chủ của Đảng, cũng không phải là tư tưởng của Đảng hay sao??

g/ Ngôn ngữ B còn sợ rằng: “Họ cho tán phát rộng rãi, phải chăng để tạo thành một thế lực chính trị độc lập chống lại con đường đúng đắn mà dân ta đã chọn”.

Thật là mâu thuẫn: “Dân ta đã chọn một con đường”, vậy mà chỉ cần có ai đọc một tài liệu nào đó lại thành “thế lực chính trị đối lập” được??? Thế thì ai là dân ta và dân ta là ai???

Ngôn ngữ B còn cảnh báo rằng “Đang có một trò trong tung ngoài hứng khá nhịp nhàng”!?... Thế là dân ta đầy những thù trong giặc ngoài phối hợp nhịp nhàng!?

h/ Ngôn ngữ B còn tìm thấy ở đâu đó có ý kiến đòi rằng: “Tự do ngôn luận là phải có mỗi tỉnh một tờ báo tư nhân”. Buồn cười thật, không biết có kẻ nào ngu dốt đến mức đòi tự do ngôn luận lại có kế hoạch chỉ đạo một cách bao cấp đến thế?

i/ Tóm lại, đối với ngôn ngữ B thì bất cứ có ý kiến nào khác (chỉ khác thôi, bất kể giống hay không giống “ý kiến Đảng”) đều là “có ý xấu”, “tạo điều kiện cho địch lợi dụng”, đều là “phối hợp với địch để làm hại Đảng, hại dân”. Còn bất cứ nói bậy thế nào cũng là “đấu tranh chống địch” và “bảo vệ Đảng”.

Cần phải làm rõ loại ngôn ngữ đó không phải là tiếng nói chính thức của Đảng.

(1) Lê Khả Phiêu, báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 20.3.98.
(2) Lê Đức Anh, báo Nhân Dân, ngày 20.3.98.

Phụ Lục II
Những Vấn Đề Lý Luận và Thực Tiễn Nảy Sinh
Trong Tình Hình Đất Nước Hiện Nay


Qua đợt “tổng công kích “ của các báo mấy tuần qua, ta thấy có những vấn đề lý luận cần làm rõ một cách khách quan, trung thực.

Tôi thấy nên tổ chức thảo luận công khai trên các báo 7 vấn đề lớn sau đây. Phương châm là nên khuyến khích sự phát biểu chính kiến đúng đắn, trừ tiệt các hiện tượng giáo điều, truy chụp, vu cáo v.v...

1. Độc lập dân tộc nhất thiết phải đi đôi với định hướng xã hội chủ nghĩa?


a. Ta đã thực hiện “xây dựng xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc “ và thực hiện mười năm (1975-85) đã xảy ra như thế nào?

b. Không nên cho rằng đã yêu nước thì phải yêu XHCN. Các cụ Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu... đã biết có chủ nghĩa xã hội đâu mà yêu. Lẽ nào các cụ không phải là những nhà yêu nước?

c. Ở trên thế giới có mấy nước định hướng XHCN. Những nước không định hướng XHCN (có hàng trăm) thì không độc lập sao???

2. Nội dung của “định hướng xã hội chủ nghĩa “ là hướng về đâu? Có phải là:


a. Hướng về kinh tế quốc doanh là chủ đạo

b. Hướng về kinh tế kế hoạch tập trung từ trên và chỉ có “sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể “?

c. Hướng về chế độ bao cấp toàn diện?

d. Hướng về “điều tiết để bảo đảm công bằng xã hội “ và “quan tâm các chính sách xã hội để bênh vực nhân dân lao động “, “đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội “.

Nên phủ định điểm a,b,c. Nên khẳng định điểm d?

3. Những thành tựu to lớn về kinh tế trong mười năm qua là do:


- những yếu tố “đổi mới “: kinh tế nhiều thành phần và mở cửa...

- hay nhờ yếu tố: “định hướng xã hội chủ nghĩa “, “quốc doanh chủ đạo “?

4. Tinh thần các chính sách nên như thế nào?


- Về kinh tế:
Lấy mục tiêu phát triển đất nước mà then chốt là phát triển sức sản xuất, là mục tiêu cơ bản cao nhất, phát huy mạnh mẽ nội lực (bao gồm tiềm năng mọi mặt và trí tuệ) để bảo đảm độc lập về kinh tế.
Tiếp tục quan tâm đến các chính sách xã hội (đặc biệt giáo dục, y tế).

- Về đối ngoại:
Thực hiện tốt sự hòa nhập, “coi tất cả mọi người là bạn “, có tinh thần tự trọng và tự lập.
Cần điều chỉnh lại cách nhận định “thù địch”.

- Về văn hóa văn nghệ:
Đặc biệt coi trọng chính sách tự do sáng tạo, chú trọng văn học.
Khi có một tờ báo phỏng vấn các nhà văn “ấn tượng về văn học năm 1997 “, một nhà văn đã trả lời: ấn tượng của tôi là “không có ấn tượng nào cả”. Đó là câu trả lời thông minh để nói lên rất đúng tình trạng văn học của ta hiện nay. Muốn thế phải xét chính sách tự do báo chí và tự do xuất bản.
Cần thay đổi tư duy: chỉ coi toàn bộ văn hóa văn nghệ là công cụ tuyên truyền chính sách của Đảng. Cần thực hiện nghiêm túc tư duy văn hóa văn nghệ là nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Nó cần là tiếng nói, thể hiện tâm hồn và nguyện vọng của nhân dân. Hai tinh thần “coi là công cụ “ và “coi là nhu cầu thiết yếu “ về căn bản khác hẳn nhau.

5. Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng tám 1945 và hai cuộc kháng chiến thắng lợi.

Đó là 50 năm đấu tranh cách mạng và chiến tranh. Nay sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước, ta đã có một chính quyền, một bộ máy nhà nước hùng mạnh. Vậy Đảng ta có cần và nên đổi mới hay không? Về nếu cần đổi mới thì nên đổi mới như thế nào?

- Về vị trí và vai trò của Đảng trong xã hội và trong hệ thống chính trị.
- Về phương thức lãnh đạo.
- Về hệ thống lý luận và tư tưởng.
- Về nguyên tắc và hệ thống tổ chức. Phải trả lời hợp lý và đúng đắn câu hỏi: Đảng là ai?
- Về chức năng, nhiệm vụ các loại đảng viên.

6. Cần tìm nguồn gốc (nguyên nhân sâu) của bệnh quan liêu, tham nhũng.

Tại sao chống mãi, thực hiện mọi biện pháp mà không chống được? Nên đi sâu vào vụ Tamexco sẽ có nhiều câu trả lời chính xác. Dư luận cho rằng : xử Tamexco tức là xử Đảng.

7. Một vấn đề phụ:


Thảo luận công khai các vấn đề trên có ảnh hưởng xấu đến uy tín lãnh đạo của Đảng không? Hay ngược lại nó củng cố và nâng cao sự tín nhiệm vào Đảng?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn