BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gởi Đỗ Mười, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam

03 Tháng Giêng 199512:00 SA(Xem: 1139)
Thư gởi Đỗ Mười, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Hà Nội ngày 3 tháng 1 năm 1995

Kính gửi

Anh Đỗ Mười, Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSVN,
Các đồng chí trong Bộ Chính Trị,
Các đồng chí Trung Ương Ủy Viên



Tôi có được đọc một bản văn kiện chuẩn bị cho Hội Nghị Trung Ương lần thứ 8 về vấn đề “Xây dựng và hoàn thiện Nhà Nước...”. Đây thật là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Lâu nay ta đã quan tâm khá nhiều đến sinh hoạt dân chủ trong Đảng và trong xã hội, các cơ quan đã xử lý một số việc thể hiện xu thế “dân chủ hóa “ của Đảng và Nhà Nước ta. Đó là điều đáng mừng. Nhưng khi tôi đọc văn kiện thì tôi thấy sự kiểm điểm và nhận định tình hình tỏ ra rất tản mạn và vụn vặt, nhiều mâu thuẫn nhau. Và xét ra tinh thần của người soạn thảo không quan tâm gì đến Hiến Pháp, nhất là đoạn 2 điều 4 của Hiến Pháp: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến Pháp và Luật Pháp “, Bộ Chính Trị cũng là một tổ chức của Đảng.

Đây là một vấn đề rộng lớn, phức tạp có quan hệ đến nhiều vấn đề lý luận, nguyên tắc và tâm tư tình cảm của nhân dân.

Ở đây với trách nhiệm một đảng viên, tôi chỉ xin gấp rút phát biểu ý kiến về hai vấn đề căn cốt và cơ bản để góp ý với Ban Chấp Hành Trung Ương.

Đó là:

A. Vấn đề thứ nhất : Nhà Nước ta là Nhà Nước gì?

Cần phân biệt khái niệm “Đảng lãnh đạo “ và “Đảng cầm quyền “.

“Đảng cầm quyền “ đồng nhất với “Đảng trị “, “Đảng cầm quyền “ thì cơ quan Đảng là cơ quan Nhà Nước và cao hơn cơ quan Nhà Nước, điều khiển sai bảo cơ quan Nhà Nước, quyết định và chọn lựa cán bộ và tổ chức Nhà Nước. Các cơ quan Nhà Nước giải quyết việc đều phải xin ý kiến Đảng. Như thế là Đảng toàn trị.

“Đảng lãnh đạo “ thì phải có bộ máy Nhà Nước tương đối độc lập. “Đảng lãnh đạo “ phải bảo đảm cho bộ máy Nhà Nước có hiệu lực, dân chủ, và thực hiện được dân làm chủ. Như vậy phải có một Nhà Nước dân chủ pháp quyền.

Đó mới thật là Nhà Nước do dân, vì dân và của dân. Không thể để trở thành Nhà Nước của Đảng, do Đảng và vì Đảng. Văn kiện có nói: “Đại Hội giữa nhiệm kỳ đề ra: Một trong những nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà Nước pháp quyền Việt Nam.” Câu ấy và những câu về tính chất Nhà Nước trong Hiến Pháp 92 (điều 112, đoạn 8) còn có giá trị không?

Nhưng tiếp sau đó văn kiện lại viết: “Một Nhà Nước... như vậy về thực chất là Nhà Nước chuyên chính vô sản. Trong nội bộ Đảng cần được khẳng định rõ ràng.” Vậy là ta làm chuyên chính vô sản và chỉ biết với nhau trong Đảng, còn không cho dân biết. Một Nhà Nước thế nào mà dân không biết, không làm, không công nhận, không kiểm tra được thì có còn là của dân, vì dân, do dân nữa không?

Nếu ta quyết định thực hiện vô sản chuyên chính thì phải sửa Hiến Pháp, để dân thảo luận và dân đồng ý thì ghi vào Hiến Pháp, như thế mới có cơ sở pháp lý đàng hoàng. Đây là một vấn đề nguyên tắc quan trọng cơ bản quan hệ đến toàn dân, không thể tùy tiện.

B. Vấn đề thứ hai là vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà Nước.

Trong văn kiện dự thảo có ý quy định chính thức cách lãnh đạo cụ thể trong mối quan hệ giữa Bộ Chính Trị của Đảng và các cơ quan cao nhất của Nhà Nước. Nếu theo những quy định như vậy thì lại vi phạm Hiến Pháp một điểm to nữa. Vì như thế thì các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cao nhất không còn cao nhất nữa, không có khả năng giám sát lẫn nhau nữa, và các cơ quan này cũng mất khả năng quan hệ với dân, và dân không giám sát được nữa. Nhà Nước không thể là Nhà Nước pháp quyền được nữa. Vì bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và bộ máy của Đảng trở thành một siêu Nhà Nước và thực hiện thống nhất cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cao nhất không có bất cứ một sự giám sát nào. Và như thế là Đảng thực hiện chuyên chính vô sản một cách thực sự và nhân danh giai cấp vô sản (như Lê Nin nói).

Phải trở lại bàn quan niệm “Đảng lãnh đạo” Nhà Nước hay Chính Quyền lãnh đạo những gì và lãnh đạo thế nào? Làm thế nào để Nhà Nước là của dân, do dân, vì dân một cách thực sự và trong thực tế. Muốn thế Đảng phải trở thành nơi tập hợp và thu hút toàn bộ trí tuệ trong xã hội, bàn và quyết định những vấn đề phương hướng đường lối, chính sách cơ bản và được toàn dân biết rõ và ủng hộ. Rồi các cơ quan nhà nước (cả ba mặt) đều dùng quyền hạn và quyền lực của mình thực hiện một cách độc lập và có giám sát.

Phải có một sự cải cách cơ bản chế độ bầu cử và ứng cử, bảo đảm chọn được các nhân tài thực sự, không chỉ là kêu gọi tăng thêm thành phần không Đảng trong các cơ quan dân cử, và hô hào khuyến khích tự do ứng cử.

Cần phải dứt khoát lựa chọn một trong hai tư tưởng chỉ đạo sau đây:

a) Hoặc thực hiện chuyên chính vô sản, mà Đảng là đại diện và nhân danh.

b) Hoặc thực hiện một Nhà Nước dân chủ pháp quyền, một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Không thể cứ nói nửa nọ nửa kia, nhập nhằng và không thể chỉ ghi trong Nghị Quyết của Đảng mà phải thể hiện rành mạch trong Hiến Pháp được toàn dân công nhận.

Tôi thấy đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng có liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đất nước, nếu không có sự lựa chọn rõ ràng dứt khoát thì chưa nên bàn và chưa có Nghị Quyết.

Đây là tâm huyết của một đảng viên lâu năm đã gần trọn đời đấu tranh cho Đảng, nghĩ về Đảng và Đất Nước. Mong các đồng chí lưu ý.

Trần Độ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn