BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dăm ba mẩu chuyện… không đâu! (Kỳ 2)

01 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 1017)
Dăm ba mẩu chuyện… không đâu! (Kỳ 2)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
6/. Sư cũng chửi nhau bố à!

Hôm nay người viết lại xin được giới thiệu cùng Quý bạn đọc một bức ảnh/hình kèm theo đây như thể lý cớ cho mẩu chuyện này của mình. Tấm hình được một vị đại tá già (86 tuổi) mang tới cuộc họp… Hội những người cao tuổi (HNNCT) ngoài quốc doanh của chúng tôi. Nhóm chúng tôi gồm cả những vị “quốc doanh” (tức có sinh hoạt HNNCT phường) và những vị không sinh hoạt tổ chức đó. Mấy “ông quốc doanh” có ông còn nói: ngồi với các ông nó thú vị làm sao, họp ở phường thì nó cứng nhắc quá, nhiều buổi mấy tay nhãi ranh (ý cụ nói đám cán bộ trẻ ở phường) cứ toàn giọng ông cụ non chúng ta phải thế này phải thế kia cho đất nước ổn định, tiến lên vân vân. Mà mả mẹ nó chứ, lúc mình đi làm cách mạng vào sống ra chết thì nó chưa đẻ hoặc dái còn bằng hạt kê mà nay cứ toàn nói chuyện ông Bành tổ, thật ngược đời… Và cứ thế, sinh hoạt của “Hội” chúng tôi bắt đầu, không biết nó được bắt đầu thế nào và kết thúc ra sao; có khi kết thúc đột ngột chỉ là do một cụ nào đó nhìn đồng hồ, thấy muộn giờ rồi thì nói một câu ta giải tán thôi muộn rồi mai lại tiếp tục thế là ào ào xô ghế đứng dậy, người nói tiếp những câu cuối cùng, người im lặng ra về không một chút bận lòng… Nhưng, xin được trở lại tấm hình trên.

Khi đưa tấm ảnh ra ông đại tá nói: Đâu là sư thật đâu là sư giả trong tấm hình này, các ông nhìn xem?

Sau khi lặng lẽ nhìn tấm hình, không cụ nào trả lời được ông đại tá. Cuối cùng chính ông lại là người lên tiếng tiếp:

- Nhìn tấm hình tôi buồn cười thì ít mà, xin quý vị thứ lỗi, tôi buồn… nôn thì nhiều. Sau năm 1945, người ta phá chùa chiền nhà thờ đình miếu v.v… không biết bao nhiêu mà kể. Mà mình lúc đó thì quá trẻ để hiểu điều phải điều trái. Làng tôi có ngôi chùa Muống nổi tiếng, đếm đủ trăm gian, phá không còn gì, những năm gần đây người ta phát hiện được ở dưới giếng chùa một số bức tượng và đồ thờ quý. Thì ra, vị sư trụ trì đương thời chỉ còn cách đó để bảo tồn được một số ít ỏi đồ thờ tự trước bàn tay của lũ ác quỷ… chúng tôi. Rõ ràng chúng tôi đã góp phần phá hoại dù là vô thức. Vậy việc ông Triết đi lễ chùa, ông Dũng vào nhà thờ gặp linh mục Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam (theo bản tin ghi dưới tấm hình) là thế nào? Chỉ có 2 khả năng: Một là các ổng đã nhận ra việc làm tội lỗi của các bậc tiền bối của các ông, nay đến những nơi đó để tỏ lòng sám hối. Hai là lừa mị – lại tiếp tục đóng kịch như nhiều vị tiền bối của các ổng đã từng có lúc rút khăn tay lau nước mắt trước thảm kịch mất mát của nhân dân mà do chính họ, hoặc đồng lõa gây ra. Tôi chưa tin khả năng thứ nhất, vì các ông ấy vẫn chưa hề tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê – coi tôn giáo là kẻ thù (thuốc phiện), là cái tồi tệ nhất trong những cái tồi tệ cần phải dẹp bỏ. Đó không chỉ là suy luận mà nó đã, đang diễn ra hàng ngày mà gần đây nhất kể từ vụ Tòa Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà (Hà Nội), nay là vụ Tam Tòa (Đồng Hới), vụ chùa Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và nhiều nơi khác nữa. Các ổng đi lễ chùa, lễ nhà thờ mà cứ để bọn sai nha phá cơ sở tôn giáo thì là thế nào? Quả là một vở kịch quá ư là vụng về và vô liêm sỉ! Có người bênh các ông ấy bảo các ông ấy chẳng thường nói các ông ấy bất lực vì trên bảo dưới không nghe đó sao? Tôi không tin, ngàn lần, vạn lần không tin. Tôi ở trong tổ chức tôi biết, không ít cụ ở đây cũng thế, quyền lực nhà nước này không phân quyền, mà tập quyền vào một nhúm người, quyền sinh sát nằm trong tay một số người đếm trên đầu ngón tay. Tôi thay chữ ‘bác’ bằng chữ ‘các ông ấy’ thì có câu: các ông ấy bảo đi là đi, các ông ấy bảo đánh là đánh, các ông ấy bảo dừng là dừng, các ông ấy bảo thế này thì thế này, các ông ấy bảo thế kia là thế kia… Chỉ cần nhìn vào các việc làm của ngành công an, tòa án, báo chí là bạch tất cả.

Tôi hơi bị bất ngờ về ông đại tá “của tôi” hôm nay. Trước đó, đến với nhóm “ngoài quốc doanh”, ông rất khiêm nhường, dễ mến nhưng ít nói đến… dễ sợ. Có lúc, có người còn cảnh giác với ông vì ông thuộc loại “lão thành cách mạng”, huân huy chương các loại đeo kín ngực tới rún/rốn, lương hưu cao… ngất ngưởng, kiểu… đặc công thần của chế độ thế mà hôm nay… Thì ra, ông đến “Hội” là để quan sát, rồi suy ngẫm và nay thì “ngộ” ra lẽ phải…

Tôi đang triền miên trong suy nghĩ về không ít người như ông đại tá nọ thì chợt một cụ lên tiếng: - Nhân chuyện sư thật, sư giả mà ông Minh đại tá nêu lên. Tôi xin góp một chuyện: Dịp vị thiền sư có tiếng nọ về VN thuyết giảng năm trước hấp dẫn tôi lắm. Ông đi từ Nam, qua Trung ra Bắc, nhằm thiết lập Trai đàn Giải oan. Sự cho phép của nhà nước làm tôi vô cùng ngạc nhiên. “Cộng sản chúng ta” chiến đấu hy sinh là vì chính nghĩa, là vẻ vang, là cần thiết, là hữu ích, là… là … chứ oan uổng cái nỗi gì mà cần “giải”?! Tất nhiên đó là cách nghĩ chính thống thôi. Còn tôi, “mê” vị thiền sư này bởi lần trước về, ông có thuyết giảng nhiều buổi ở nhiều nơi; một người bạn cho tôi một đĩa VCD, nghe ông giáo huấn đã thích, nhưng thích hơn nữa là chừng 20 phút trong đó khi tăng ni đoàn đọc kinh xen tiếng chuông điểm của vị thiền sư cùng thanh âm của dàn nhạc đệm rất hiện đại, mấy đứa trẻ nhà tôi nghe cũng phải say! Những lúc làm việc quá căng thẳng, tôi lại mở đoạn băng này, đu đưa bồng bềnh trên chiếc ghế lười, tâm hồn tôi… “siêu thoát” tức khắc! Khi tiếng kinh cùng nhạc đệm và chuông thỉnh chấm dứt, mở mắt ra, ngồi dậy là tôi lại cảm thấy sinh lực tràn trề, lao vào làm việc, tâm hồn tôi lại thư thái như buổi sáng ban mai. Ấy thế nên, tôi cùng người anh đã 84 tuổi và người bạn cũng ngoài thất thập như mình… phóng ngay xe máy đến chùa nọ.

Đến nơi, một biểu ngữ lớn giăng trên quả đồi nho nhỏ có dòng chữ: Đại trai đàn mùa xuân… Quả thực, không thấy hai chữ “giải oan”, tôi thất vọng! Chả lẽ nhà chùa cũng treo đầu dê bán thịt… mèo chăng? Nhưng đến nơi rồi, không lên núi thì cũng phí công đi, nhất là bạn tôi đã được người vợ rất mực hiền thục chuẩn bị cho một mâm lễ vật rất chu đáo để dâng lên Phật tổ. Trong Lời khấn nguyện của vị thiền sư có câu:

“… Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ lại hình hài của quý vị mà đi.”

“… Có biết bao nhiêu quý vị đã ngã quỵ, mà nắm xương tàn không biết đang được chôn vùi ở đâu.”

“… Hôm nay Đại trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan1 được thành lập, mọi nhà đều có thiết bàn thờ cầu nguyện, chúng con ngưỡng nguyện ơn trên Tam Bảo độ thoát cho tất cả mọi hương linh, để tất cả được nương vào pháp lực vô song mà được chuyển hóa siêu thoát!”…

Hóa ra trên banderole 2 trước cửa chùa, các vị sư quốc doanh đã được chỉ đạo bỏ hai chữ Giải oan đầy “nhạy cảm” này đi, nhưng trong Lời Khấn nguyện của mình, vị thiền sư vẫn cố nói cho được chữ đó, vì nó là một trong những mục đích chính của Tăng ni đoàn của ông về VN lần này. Không biết sau đó thiền sư có bị rày rà gì không? Và không hiểu sao gần đây lại xẩy ra vụ Tu viện Bát Nhã 3 gây khốn khó cho tăng thân và tín đồ của ông. Đỉnh điểm là ngày Chủ nhật 27/09 mới đây, khoảng gần 400 giáo thọ và tăng sinh tại Tu viện Bát Nhã (trong đó có hơn 200 sư cô) bị hàng trăm kẻ lạ mặt thuộc “xã hội đen” (!?) (và không loại trừ cả “xã hội đỏ” nữa) đến dùng bạo lực dồn đuổi ra khỏi Tu viện. Bạo hành xảy ra đến nỗi thượng tọa Thích Tâm Vị, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng khi trả lời phóng viên Gia Minh của đài RFA cũng phải thốt lên: “Chúng tôi nghe những thông tin trên mạng như vậy thì rất là xót xa, rất là buồn;…”; “… Chính tôi cũng không thể tưởng tượng được dù chính mình là người từng chịu trận lúc bị tấn công bằng phân, gậy gộc… Chuyện đó trong lịch sử chưa từng có.”.4

Còn tại sao lại vậy? Thì Thượng Toạ Thích Thanh Tân, Phó ban Trị sự Thường Trực - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nói với phóng viên Đỗ Hiếu cũng của RFA rằng: “… cái sự đàn áp không biết chỉ đạo ở đâu trên, thì tôi không được nắm rõ lắm, nhưng mà đương nhiên có cái sự chỉ đạo làm sao người ta mới dám làm mạnh đó, chớ không có sự đó thì không ai dám làm mạnh mà đuổi cả tăng ni sinh ra mưa gió ướt thì thấy cũng tội đó.” 5

Nhưng điều chính yếu hôm nay tôi muốn thưa cùng các cụ các ông lại là chuyện khác kia. Đó là: Ba chúng tôi phải nói là phải nhích từng bước trên đường lên chùa. Tiết trời lạnh mà áo ai cũng sũng mồ hôi. Đang dừng nghỉ giây lát thì chợt có tiếng chào bác ạ. Tôi và ông anh đang ngơ ngác thì ông bạn tôi cất tiếng:

- Cháu đấy à, cháu cũng đi lễ Phật à?

- Dạ. Cháu đang làm nhiệm vụ ở đây. Đông quá, các bác không vào trong nổi đâu.

- Vậy làm sao bây giờ, các bác còn lễ vật mang theo nữa.

- Bác đưa làn cháu xách rồi cố đi theo cháu.

Ba chúng tôi phái cố lách trong rừng người, theo gót chàng thanh niên nọ. Trên đường đi tôi và ông bạn có mấy lời trao đổi: – Cháu này tôi biết nó đang học trường Phật giáo đấy! – Học gì, nó là công an đó. – Công an gì đâu, cháu nó là con một người bạn tôi mà, – Nó trai tráng, khỏe mạnh, lanh lợi thế kia chả có lẽ lại đi tu à? Ông bạn tôi không trả lời có lẽ còn quá tập trung nhìn… lưng kẻ hướng đạo đi trước.

Đến chỗ sắp đặt đồ lễ, chàng thanh niên quay lại, chúng tôi cũng vừa tới nơi nhưng nhìn lại thì… “mất” ông anh già!

Sắp lễ xong, chàng thanh niên đội mâm trên đầu, và cố lách tiếp để đi vào phía trong. Cách cửa điện chừng 3m cậu ta bảo chúng tôi dừng lại vì người ngồi đã kín chật cả cửa rồi. Có lẽ vì có mâm lễ nên mọi người hơi xê dịch để cậu ta đi. Cậu ta nói gì với vị sư đứng sẵn ở đó thì thấy vị sư gọi to vào phía trong: Thầy ơi, chuyển hộ mâm lễ này, của ông công an đó! Lập tức bạn tôi trợn mắt nói nhỏ với tôi:

- Sao ông biết nó là công an?

- Tôi biết gì nó đâu. Bố mẹ nó tôi cũng không quen nốt. Nhưng tôi biết. Chốc ra kia tôi nói ông nghe.

Trên đường về, trong quán ăn trưa, tôi kể rất nhiều chuyện “sư quốc doanh”, “linh mục quốc doanh” mà tôi đã được gặp, được biết cho bạn tôi nghe; và quả thực tôi không ngờ tôi có một ông bạn “ngây thơ”, “trong trắng” đến mức... khốn khổ như vậy, đến tận bây giờ mà bạn tôi vẫn cứ tưởng chân lý 2 với 2 phải là 4, mà không biết thời nay “họ” nhờ “đỉnh cao” mà hô biến 2 với 2 thành 10, thành trăm, ... thành vạn rồi!

Để kết thúc câu chuyện, tôi “củng cố” cho bạn tôi một câu chuyện nhỏ. Chuyện là:

Cách đây có tới ngót ba chục năm, một buổi chiều, khi đi đón thằng con học vẽ từ phố Thuyền Quang về, qua chùa Quán Sứ, con đòi vào chơi và nhặt hoa đại rơi. Chiều con, và cũng là mình được ghé nơi cửa Phật, với không gian yên tĩnh trong đó có thể tâm hồn mình sẽ thanh thản hơn sau một ngày quá vất vả. Trong sân chùa chỉ có cha con tôi và dăm ba chú tiểu hoặc sư trẻ đi đi lại lại.

Trên đường dắt tay nhau về, thằng con tôi đột nhiên nói:

- Sư cũng chửi nhau bố à!

Tôi còn biết nói sao với thằng nhóc tỳ mới bảy tám tuổi đây? Có giảng giải thì nó cũng chẳng thể hiểu nổi “sư quốc doanh” là ất giáp gì. Tôi đành đánh bài lờ như... tao điếc. Trẻ con cũng mau quên, “ông lỏi” nhà tôi huyên thuyên chuyển đủ loại... đề tài trên đoạn đường còn lại. Nói đến những cái giả ở xã hội Việt Nam hiện tại thì lại... “hết ngày dài lại đêm thâu” chưa hết. Đề cập đến những cái thật/giả nhân ngày sinh nhật giả/thật (?) sắp tới của ông Hồ, một người đã viết: “Sống trong một xã hội mà mọi người đã quen với giả nhiều hơn thật: Độc lập giả, tự do giả, hạnh phúc giả, dân chủ giả, bầu cử giả, bằng giả, hàng giả, thành tích giả, đạo đức giả, sư giả, linh mục giả, v.v... Nên nếu cả nước có mừng một ngày sinh nhật giả, cũng chẳng sao!” 6

7/. Lại Tư tưởng Hồ Chí Minh!

Một hôm tôi về quê chơi. Tôi đến thăm một người chú họ. Ông này nguyên là thiếu tá quân đội được “ưu tiên” về hưu non – tức là về hưu trước khi đến tuổi về hưu! Cái này thì tôi cũng không dám đi sâu hỏi han chú mình cho ra nhẽ vì nó cũng… hơi bị 7 tế nhị! Nhưng cứ xem cung cách sống: ông luôn được lòng họ tộc và xóm giềng thì có thể ông bị… đá về hưu thì đúng hơn! Cái cảnh này thì ở xã hội Việt Nam nói chung và xã hội miền Bắc nói riêng, tôi đã từng gặp cũng… hơi bị nhiều! Cứ cơ quan, đơn vị nào có một anh một chị nào đó tỏ ra có năng lực thực sự một chút là y như rằng ngài thủ trưởng sở tại (có năng lực thấp, trình độ mù mờ) đố kỵ, tìm cách… đá bằng đủ kiểu, chẳng hạn như: tìm lý do thuyên chuyển đi đơn vị khác; hoặc cho đi học để… “bồi dưỡng” – tức là nâng cao trình độ để… “cho đồng chí có điều kiện tiến thủ” (nhưng tất nhiên đi học về thì bao giờ “đồng chí thân mến” cũng đi nơi khác, khuất mắt tôi là xong!); hoặc nếu tính ra thâm niên công tác đã khá khá, lại có tuổi đời cũng cưng cứng rồi thì dở bài… “đồng chí về hưu đi, non ít năm thôi, suốt đời phấn đấu rồi, cuối đời về chăm sóc gia đình sơm sớm một tý cho chị và các cháu đỡ thiệt thòi”(!)… Tình củ chưa?!

Tôi đang đứng nói chuyện cùng người thím và mấy cô em thì thím tôi chỉ tay ra cổng:

- “Ông lão” về kìa.

Thím tôi nói từ “ông lão” là có tính chất bông đùa, vì chú tôi còn… khá xa tuổi hồi hưu chính thức. Tôi cũng liền tếu táo theo (vì… “cậy” mình hơn chú đến đúng 1 con giáp)

- Cháu chào… cụ ạ! Chú vác gầu sòng thế kia là đi tát nước thật hay là đi… “giễu” đảng ta đó? Cháu thấy trên Tivi người ta cứ luôn nói “điện khí hóa nông thôn” rồi kia mà!

Chú tôi dựng cái gầu ở đầu hồi, mặt thì đỏ lựng, và nói:

- Điện khí hóa cái… mả mẹ nó chứ. Hỏi thôn quê ngoài vài cái máy sát gạo của tư nhân và ngọn đèn điện buổi tối khi có khi không thì còn cái gì là “điện khí hóa nữa”? Mà giá điện thì là… giá trên trời! Cái trạm bơm thì luôn giở chứng hay kẻ chạy trạm bơm giở chứng để vòi vĩnh không biết? Nước lúc có lúc không. Vợ chồng con cái trong nhà không gầu dai gầu sòng thì để ruộng đồng khô nẻ à? Công vứt cho chó nó ăn à?

Thấy ông chú… nổi sung, tôi tiếp tục… “gãi”:

- Chú còn sinh hoạt đảng không?

- Thôi sao được lúc này. Cứ như anh lại hay. Bỏ quách đi là… nhẹ đít. Mấy em nhỏ của anh còn đi học, các em trên cũng mới bước vào đời. Tôi xa nhà biền biệt nên toàn… con đỏ. Cứ nay phải xin giấy này, mai phải xin giấy nọ cho các em. Tôi mà bỏ thì bọn em anh sẽ bị “chúng nó” gây phiền hà lắm.

- Thế đảng viên ở quê có phải học Tư tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh không chú?

- Tránh sao được. Mà Tư tưởng Đạo đức của ổng mới cao siêu làm sao? Ối dào ôi, chả Cần với Kiệm, Liêm với Chính v.v… Hỏi người ta không Cần thì lấy gì mà nhét vào mồm? Ổng cho người ta sất? Cần còn chưa đủ ăn lại phá gia chi tử nữa hay sao mà ổng phải dậy người ta Kiệm? … Thật đúng là toàn những lời “dạy”… vớ vẩn!

Cứ như thế người chú của tôi nói liền một hơi rất dài, tưởng như không dứt được làm thím tôi phải nói “Ông tát nước về mệt rồi, đừng nói nữa, vào nhà cho anh Văn cùng uống nước. Anh ấy vừa dựng xe thì ông về đó”. Thế mà người chú tôi cũng vẫn chưa chịu dừng. Ông nói cho đến khi vào đến nhà, ngồi vào bàn, trước khi nhoẻn miệng cười với thằng cháu ông còn nói một câu cuối cùng:

- Chả tư tưởng với đạo đức. Láo khoét hết. Rỗng tuếch hết. Vô bổ. Thật đại vô bổ! Các điều ấy các cụ nhà ta dạy con cháu từ khuya rồi, đâu cần phải ông ấy nói!

Nguyễn Văn – Hà Nội
01/10/2009





1 Tác giả in đậm để nhấn mạnh – NV

2 Tiếng Pháp: Biểu ngữ

3 http://www.take2tango.com/?display=7477

4 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/first-reaction-about-the-violent-eviction-at-prajna-monastery-GMinh-09282009103040.html

5 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/blood-and-tears-mixing-with-rain-drops-at-the-Prajna-monastery-in-LamDong-DHieu-09282009153813.html

6 Từ sinh nhật giả tới di chúc giả và đạo đức giả, Đinh Từ Thức http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9992&rb=0401

7 Bạn đọc nào cảm thấy… “hơi bị” khó hiểu về từ này, xin mời đọc bài Sức nén của ngồn từ (Kính tặng hương hồn cố thi sĩ Phùng Cung), Hà Sỹ Phu, http://www.troinam.net/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn