BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dăm ba mẩu chuyện… không đâu! (Kỳ 1)

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 977)
Dăm ba mẩu chuyện… không đâu! (Kỳ 1)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1/. Vào đảng

Một hôm tôi đến nhà vợ chồng cô em họ ở làng Ngũ Xã chơi, vừa là để thăm hỏi nhau do quá lâu không gặp mặt, vừa để hàn huyên, giãi bày đôi điều bức xúc trước những “bất thường” của cuộc đời mà mình vẫn nhận biết được hàng ngày ở quanh đâu đó.

Câu chuyện không hiểu sao xoay đến vấn đề phấn đấu vào đảng của bọn chúng tôi hồi còn trẻ.

- Anh vào đảng khi nào? – Cô em tôi hỏi.

- Năm 1968 – tôi trả lời.

- Chắc hẳn lúc đó anh tin đảng lắm nhỉ? – Chú em rể tôi (cũng là đảng viên) hỏi.

- Ồ, chuyện hơi vui vui đấy. Sau ngày tiếp quản Hà Nội năm 1954 (mà ngày nay người ta cứ xơi xơi nói là giải phóng). Cháu, (tôi nói với vào trong nhà vì thấy thằng cháu con em đang loay hoay gì đó) cháu có thấy 2 từ giải phóng và tiếp quản nó giống nhau không? – Thằng cháu còn đang ngơ ngác, rồi cu cậu… tủm tỉm cười với tôi ra chừng hiểu vấn đề, tôi chẳng cần nó trả lời, nói tiếp chuyện đang bỏ dở). Cô chú biết không, tôi hăng hái thực, hăng hái đến mức bây giờ bọn cùng lớp gặp nhau hàng năm cứ ôm nhau mà cười vì cái… NGU của mình; thậm chí còn bảo ngày ấy nếu cho khai tôn giáo là Mác-Lênin cũng khai ngay! Khiếp chưa? Tôi được vào đoàn khá sớm, làm công tác hiệu đoàn học sinh, làm bí thư đoàn, rồi tham gia ban chấp hành liên chi đoàn nhiều khóa. Đến năm 1962 thì do một biến cố cá nhân (mà nếu có dịp khác tôi sẽ nói để cô chú nghe, mà cũng thú vị đấy) thì tôi TỈNH, và biết là mình và cả dân tộc bị lừa. 8 năm “trong cõi u mê” (như lời một bài ca nào đó) kể cũng dài, mà kể cũng ngắn tùy người nghĩ.

- Thế sao năm 1968 họ lại kết nạp anh vào đảng? – Chú em rể lại hỏi.

- Ấy mới khôi hài. Sau khi tỉnh ngộ thì tôi sống khép mình, phải dùng “MẸO” 1 mà sống, mà “mẹo” lại phải “KÍN VÕ” 2 nữa, sống một cuộc sống giả tạo để bảo vệ mình và gia đình, chỉ luôn luôn cười và gật đầu, vỗ tay tán thưởng những cái mà trong lòng mình cho là tồi bại và vớ vẩn (mà gần đây nhạc sĩ Tô Hải gọi thái độ đó là HÈN – mà đúng là hèn thật phải không?). Chính lúc ấy “đảng… tối anh minh” lại cho là tôi… “đã chín” và “cho”… tuyên thệ dưới đảng kỳ!

- Vui thật – cô em tôi lên tiếng. Thằng cháu bác cơ quan họ cũng đang bảo làm đơn xin vào đảng đó bác ạ. Vợ chồng em bảo nó vào mà làm gì.

- Cháu không vào thì cháu làm sao mà làm giàu được bác? – Thằng cháu bây giờ mới nói thành lời. Tôi không coi cháu xen vào là vô lễ vì cháu nó đã trưởng thành, bác cháu tôi thỉnh thoảng lại vẫn gặp nhau ở đâu đó tâm sự vì có lẽ tôi và cháu ngoài tình bác cháu lại còn… có duyên với nhau nữa, mặc dầu tuổi tôi gấp hơn hai lần tuổi cháu.

- Cô chú bảo nó vào mà làm gì à? Sợ mai kia… cách mạng nổ ra, con cô chú không thoát sao? An tâm đi. Cuộc cách mạng tới – nếu nó nổ ra, tôi tin nó không thể vô nhân đạo như cuộc cướp chính quyền vừa qua đâu mà sợ. Cháu nó nói đúng đấy. Cô chú cứ để nó vào. Một cuộc… chơi thôi mà! Cô chú không nhìn trên màn ảnh Tivi, những buổi giao lưu gì đó của thanh niên, trên bục thì diễn giả dù già dù trẻ bao giờ cũng thao thao bất tuyệt, ống kính truyền hình thường lia đi lia lại khắp khán phòng, tôi thấy khá nhiều cái bĩu môi hay nhấm nháy mắt với nhau của bọn trẻ. Bọn trẻ bây giờ hay thế đấy! Cái đảng này nay đâu còn cái lý tưởng lý tương gì nữa?! Ấy là tôi chưa bàn cái lý tưởng của họ (à, mà của chú và của tôi chứ phải không? – cả nhà cùng cười), cái lý tưởng đó có thật sự cao cả hay không? Vì cơ chế độc đảng lãnh đạo nên không có sự cạnh tranh, tức không có cơ chế hãm/thắng; không có sự tu dưỡng, không có tinh thần vì dân, vì nước của từng cá nhân đảng viên. Mục đích vào đảng CSVN hiện nay là mục đích tư lợi 100 % như cháu nó vừa nói, chứ không hề có mục đích làm nô bộc, làm đầy tớ trung thành của nhân dân như các lãnh đạo và các văn kiện đảng vẫn lừa mị. Và để vào đảng thì như nhà văn Đào Hiếu nói: “Ngày nay, có người vào Đảng bằng hai đầu gối, bằng “cửa sau” hoặc bằng cái “vốn tự có” của mình”.3 Chúng ta hãy cùng chờ xem cái đảng này nó sẽ đi đến đâu. Một thời chúng ta chẳng đã từng nói: “Liên xô ngày nay là Việt nam ngày mai” là gì? và Liên xô ngày nay… ra sao rồi? Nhưng cháu chú ý đây (tôi quay ra nói với cháu): Trước tiên cháu hãy phải là người tử tế đã, còn cái nhãn đảng viên chỉ là vỏ bọc để cho ta đỡ bị… gạt ra rìa cuộc đời mà thôi. Nếu cháu là người tử tế thực sự thì bác tin rằng cháu sẽ không trở thành những kẻ vô liêm sỉ như những kẻ khác. Mà biết đâu, cháu còn có cơ hội góp ích cho đời? (Tôi… bốc lên, khích lệ thằng cháu mình một chút).

- Cháu chưa dám nghĩ đến ý cuối cùng của bác, nhưng cháu xin ghi lời dạy của bác – thằng cháu tôi trả lời tôi – cũng là nói cho bố mẹ nó an tâm.

2/. Nó khinh mình mà mình khoái quá ông à!

Theo lời nhắn qua Cell phone của ông bạn già, tôi đến quán bia X. quen thuộc. Tôi chưa ngồi yên chỗ bạn tôi đã nói:

- Ông có biết tôi sẽ nói chuyện gì với ông hôm nay không?

- Thế có khác gì ông hỏi tôi: Tổ con chuồn chuồn nó ở nơi nao?

Thế rồi không chờ tôi nói thêm câu nào nữa bạn tôi tiếp:

- Sáng nay tôi vừa bị một tay thanh niên nó tỏ ra khinh ra mặt, về đến nhà, mình càng nghĩ càng thấy khoái chí!

- Chuyện đến thế thì có lẽ còn khó hơn cả đi tìm tổ con chuồn chuốn đấy ông ạ. Có cái chi mà bí hiểm vậy?

- Hôm nay tôi đi tập thể dục sáng cùng bà xã. Có lẽ đêm qua oi quá, không ngủ được nên đi một lúc mình thấy thấm mệt. Nói bà xã cứ đi một vòng tiếp theo còn tôi ngồi nghỉ tại quán nước bên hồ. Gọi là quán chứ thực ra chỉ có một bà lão ngồi bên cái làn xách tay, trong có ấm trà, cùng dăm ba cái ghế nhựa con xếp quanh một cài bàn gỗ thô thấp lè tè. Chủ khách chào nhau xong tôi gọi một chén trà. Tôi chưa kịp nói thêm câu nào thì bà cụ hàng nói:

- Đêm qua nóng quá ông nhỉ. Tôi phải ra đây hứng gió mát từ 4 giờ rưỡi sáng đấy.

- Cụ ở gần hồ thế này mà cũng nóng à? Mà cũng sướng thật. Bây giờ nhờ “ơn đảng ơn bác” bờ hồ chỗ lát gạch, chỗ đổ xi-măng phẳng lỳ trải chiếu ngủ được chứ chơi à!

Vừa nói dứt câu, tình cờ tôi quay sang bên cạnh thì thấy một tay thanh niên nó nhìn trừng trừng mình! Tôi chưa kịp hiểu ra điều gì thì thấy nó đứng thẳng dậy, hỏi tiền nước trả cho bà cụ và ra đường, nổ máy xe phóng đi liền. Không nói một câu nào! Thấy lạ. Tôi liền hỏi:

- Cháu thanh niên vừa rồi ngồi đây lâu chưa cụ? Sao nó đi vội thế mà chén nước như vẫn còn nguyên?

- Tôi hiểu sao được! Chú ấy cũng vừa ngồi trước ông dăm ba phút, chờ chè ngấm nên tôi cũng chỉ vừa rót được chén nước ấy đấy!

Tôi ngồi nhâm nhi chén trà đặc buổi sáng thật thú vị. Khuôn mặt chàng thanh niên cứ ám ảnh tôi: mắt nhìn trừng trừng, cau cau, lại có vẻ như khinh bỉ mình mới lạ mới tức chứ? Mà mình có quen biết hay gây phiền hà gì hắn đâu? Nghĩ một chút – tôi hay chậm hiểu mà – thì ra câu nói của tôi với bà hàng nước về cái hè bờ hồ làm hắn… khinh mình! Chắc hắn cảm thấy ngồi bên một lão khốt lẩm cẩm chỉ thêm … khó chịu; nên đi.

Nó khinh mình mà mình khoái quá ông à!

3/. Ơn Đảng ơn Bác… sướng quá!

Sau vụ Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, và do sự tuyên truyền phải nói là rất bài bản, khéo léo của họ, nông dân miền Bắc Việt Nam có thói quen mỗi khi nói về một sự kiện, thậm chí chỉ về một việc gì đó thôi thường kèm theo mấy chữ “Ơn cụ Hồ, ơn Chính phủ”. Một ví dụ:

- Chào cụ sang chơi. Thế lúa bên làng ta năm nay có được khá không?

- Đa tạ cụ hỏi thăm. Ơn cụ Hồ, ơn Chính phủ xem ra năm nay có cơ được mùa cụ ạ.

Thế rồi theo thời gian. Khi sự lãnh đạo của đảng Cộng sản được xác lập, người ta bỏ béng 2 chữ chính phủ và thay vào đó chữ đảng. Mới đầu là “Ơn Bác, ơn Đảng”, thời gian sau thì lộn ngược thành “Ơn Đảng, ơn Bác” – như là một sự xác quyết rằng Đảng là thống soái! Sau đây là mẩu đối thoại ngắn giữa chàng thanh niên sinh sống tại thành phố với người bác nơi thôn dã khi chàng về thăm quê hương:

- Cháu kính chào bác ạ. Lâu quá không về làng, cháu thấy xem ra bà con xã ta làm ăn bây giờ có vẻ nhàn nhã quá bác nhỉ?

- Thằng Lộc mới về đấy hử? Ấy đấy, ơn Bác ơn Đảng, nông phu bây giờ không phải thức khua và dậy sớm từ gà gáy như xưa nữa. Cứ mặt trời lên ngang con sào, hợp tác xã gõ kẻng mới phải ra đồng. Rồi thì thanh niên nam nữ trên ruộng đồng làm một tý lại chống cuốc, nghỉ cày hò hát đối đáp hò lơ hó lơ suốt buổi để động viên sản xuất nữa chứ. Vui đáo để. Mặt trời chưa đứng bóng, nghe kẻng hợp tác lại lũ lượt ra về… Anh thấy làm ăn như vậy có vui sướng không?

(Không biết ông nông phu này ơn Bác ơn Đảng thật hay … Đảng … Bác đây? Các lão nông Việt Nam tắm sương gội nắng bao đời mới có cái ăn cái mặc là thâm thúy lắm lắm!)

Hồi đó bọn tôi còn trẻ, ngoài những lúc họp Hội họp Đoàn thì thằng nào thằng nấy mặt cứ nghệt ra như… ngỗng ỉa vậy. Mặt còn búng ra sữa mà cứ lên gân lên cốt cho có vẻ… ta đây! Trông đứa nào cũng như ông cụ non bà cụ non – nom rất thảm hại. Nhưng ra ngoài cuộc họp thì lại trở về sự hồn nhiên của tuổi trẻ, tếu táo đủ chuyện. Chuyện thế nào lại đến chỗ... ơn nọ ơn kia! Một anh nói:

- Hôm rồi tớ vừa đọc một đoạn văn của ông Tô Hoài hay Hoài Thanh gì đó, tên nhớ không chính xác lắm. Ông ấy viết về một nông dân so sánh đời sống xưa và nay. Mình nhớ nhất đoạn người nông dân nọ nói: “Ở Đảng ơn Bác bây giờ nông dân chúng tôi mới được rửa mặt bằng khăn, đêm rét được đắp chăn bông…”

Một anh tiếp lời:

- Tớ thì may mắn được rửa mặt bằng khăn, được đắp chăn bông từ thủa lọt lòng vì xuất thân tạch tạch sè [tiểu tư sản] nên không cảm được đoạn văn trên của văn sĩ. Nhưng quả thực tớ lại có cái ơn Đảng ơn Bác khác kia. Tớ được đi… ị bằng hố xí 2 ngăn! 4 Ơn … ơn … sướng quá!

Tôi thoáng nghe tiếng một bạn nữ nào đó nói: “Thằng này thật quá tệ” xen lẫn những tiếng cười ồ kéo dài của cả bọn.

Lời bàn… xiên của hậu duệ Mao Tôn tiên sinh: Nhân nói đến ơn này ơn nọ, lại nhớ lời của Ông Già Bến Ngự năm xưa: “…tối năm đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì “cơm vua áo chúa"; đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở mang, nhưng mà “chân đạp đất vua", lại giữ chặt một hoạt kê vô lý.” Chữ “hoạt kê vô lý” được người soạn chú rằng: “đại ý: Tự mình làm ra mà lại bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện buồn cười!”. (Thói hư tật xấu của người Việt, Vương Trí Nhàn, Báo Thể thao & Văn hóa)

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh; hay “Tý ty giôn (jeaune), tý ty noa (noir)”!

Câu chuyện sau đây tôi được nghe kể trong một cuộc “nhậu” (nói cho oai!) của nhóm bạn hưu trí, hàng tuần thường tụ hội tại nhà một ai đó hàn huyên đủ chuyện trên trời dưới biển – cũng là một hình thức xả stress trước hiện tình đất nước mà mỗi người đều biết là mình bất lực, không làm được chi nữa. Nhiều khi bức xúc quá, có cụ còn vung tay, mặt đỏ lự rồi… “hùng hồn” (cũng nói cho oai!): phải chi ta còn sức khỏe? tuổi còn trẻ? (không biết cụ… trẻ sẽ làm cái chi chi đây?!).

Câu chuyện hôm nay khởi đầu là vụ Bauxite Tây nguyên, nào là “chúng nó đểu”, “chúng nó chà đạp lên cả công luận, mà chà đạp lên cả ông bố nó (chỉ tướng Giáp) – là người đã góp phần làm nên cái chế độ này cho chúng nó hưởng như ngày nay”, rồi “dù sao cái Kiến nghị của nhóm trí thức cũng góp phần rất lớn khởi động trách nhiệm dân sự của dân con đất nước này” v.v… Chuyện của các cụ thì quả là quá… “lan man”, nhưng tôi nhớ nhất chuyện sau đây. Chuyện rằng:

Hôm rồi tôi có cái Laptop bị… xì-tốp! Xịt cũng phải thôi vì tôi dùng cái cũ, cái mới phải dành cho thằng cháu đích tôn ra trường đã hai ba năm mà nay mới xin được việc làm. Phải cho nó mang cái “xịn” đến nơi làm việc để cho thằng anh họ nó (người xin việc cho nó) được đẹp mặt với vị giám đốc của thằng em. Thấy mình già mà còn cặm cụi với Computer, tay giám đốc nơi xưởng máy có lẽ thấy… hay hay nên mang nước ra mời rồi ngồi nói chuyện.

Ban đầu thì trò chuyện cũng rời rạc lắm, có vẻ như dò… tần số radio vậy! Ấy đấy, đất nước “dân chủ gấp triệu lần tư bản” của chúng ta nó khốn nạn thế đấy; cứ thấy xung quanh như toàn là… địch! phải cảnh giác! Cái nếp sống, nếp nghĩ ấy mình rất căm nhưng không hiểu sao nó cứ… như nhiên trong mỗi một con người, mà mình cũng không ngoại lệ. Nghĩ đến đấy tôi liền… phá rào luôn:

- Anh hẳn trình độ không xoàng, ít nhất cũng là kỹ sư tin học; tôi hỏi thật, anh có vào được tất cả các mạng trên thế giới này không – ý tôi muốn nói các mạng mà đảng ta lập firewall ấy?

Có lẽ thấy mình bộc trực, chơi… direct! Chàng giám đốc trẻ nho nhã cũng… chẳng vừa:

- Cháu làm xong luận án tiến sĩ tin học ở Đức, thì bố cháu ở nhà bệnh nặng mất. Về chịu tang xong thì đi không đặng vì cháu thương mẹ cháu quá. Anh chị em cháu mỗi người đi một phương rồi, cháu đi nốt thì mẹ cháu cô quạnh quá! Cháu ở lại và mở Cty này để mấy anh chị em chú cháu trong nhà có chỗ làm việc. Còn các trang cấm… chuyện nhỏ như con thỏ bác à! Không đọc những trang này, và không được bố mẹ cho đi ra ngoài học hỏi một thời gian thì có lẽ cháu cũng lại chỉ biết đi lề bên phải như báo Nhân dân, báo An ninh và sáu bảy trăm tờ báo của “đảng ta” mà thôi!

- A tay này khá. Bác cảm thấy mến cháu rồi đó (tôi chuyển sang xưng hô thân mật). Bác già thật nhưng bác không nhìn tuổi trẻ Việt Nam qua báo An ninh đâu – ý bác muốn nói đến các vụ án được báo Công an đăng… hết ngày dài lại đêm thâu! Bác nhìn vào cách nghĩ của cháu chẳng hạn, hay các bài viết, những việc làm của Đỗ Nam Hải, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Tiến Trung, v.v… rồi gần đây nhất là Lê Công Định.

Rồi tôi kéo dài giọng như đọc hịch: “Như nước Nam ta, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có” ! Hai bác cháu cùng cả phòng xưởng máy cười rộ. Tôi tiếp tục:

- Cũng có người cho bác cái Proxy này nọ nhưng chỉ dùng được một thời gian là lại…tịt! Sao vậy cháu? Làm thế nào?

- Cháu thưa rồi: Chuyện nhỏ như con thỏ mà bác! Trước khi bác về cháu xin… kính biếu bác một công cụ. Với công cụ này có thể nói là bác sẽ… xả láng bơi trên xa lộ thông tin! Mà tại sao người ta lại cứ phải cấm phát biểu này nọ? Người ta không cho ra báo tư nhân, không cho lập đảng phái, không cho tự do ngôn luận, không dám tranh luận với những người khác quan điểm, v.v… Hơi một tý là dùng công an và nhà tù. Khi ra Tòa cũng không được tự do mời luật sư; thậm chí còn trắng trợn bịt miệng “bị can” không cho nói trước phiên tòa công khai nữa chứ (như vụ linh mục Nguyễn Văn Lý năm trước). Vậy thì họ là mạnh hay yếu? chính nghĩa hay phản động? Sức mạnh của “đỉnh cao trí tuệ” là vậy sao? Nhớ lại phiên Tòa xử Dimitrov – Bí thư Quốc tế cộng sản năm xưa thì quả chế độ Hitler còn… dân chủ hơn vạn lần “đảng ta”. Chế độ Hitler đã bị cả loài người nguyền rủa, vậy thì thử hỏi “chế độ vô cùng tốt đẹp do nhân dân ta chọn” này nên được đối xử như thế nào? Cháu mạo muội nói vậy bác có thấy đúng không? Và thưa bác, bác vừa nói bác tin vào thế hệ trẻ Việt Nam. Cám ơn bác nhiều vì tất cả chú cháu anh chị em chúng cháu ở đây đều ở vào tuổi đó. Nhưng cháu cũng kính phục bác, tuổi U70, U80 như bác mà cháu thấy không ít cụ vẫn… nét, nhét là động viên chúng cháu nhiều lắm. Nhưng xin lỗi bác, như cháu nói trên đây, vậy thì tư tưởng Hồ Chí Minh là cái gì kia thưa bác? Tôi giật mình đến thót một cái trước bài… diễn thuyết dài và không kém phần hùng biện của tay giám đốc nọ, nhất là đối với câu hỏi bộc trực mà “hắn” đặt ra cho tôi. Từ chỗ chủ động, tôi trở nên bị động mất rồi! Và tôi nhớ tôi đã rút mùi-xoa (mouchoir) ra lau mặt. Trán tôi lấm tấm mồ hôi thật. Tuy nhiên tôi không cảm thấy mình bị xúc phạm đâu, xin mấy cụ ở đây tha lỗi (vì tôi biết trong nhóm tôi vẫn còn đôi ba người bảo thủ và cực kỳ bảo thủ. Tuy thế chúng tôi vẫn đến được với nhau vì biết tôn trọng nhau vì có nhiều cái chung mà chỉ tuổi già mới hiểu). Tôi thật sự ngưỡng mộ “tay” doanh nghiệp trẻ này. Không chờ tôi trả lời, “hắn” nói luôn:

- Hôm qua vợ cháu đi làm về, cháu thấy cô ấy không như mọi ngày, ném túi xách xuống giường rồi ngồi thừ ra. Cháu hỏi hôm nay có việc gì căng thẳng mệt mỏi mà mặt bạc ra thế kia. Vợ cháu đáp:

- Mệt gì đâu. Có phải làm gì mà mệt. Cả ngày chỉ ngồi nghe người ta nói thì mệt cái nỗi gì!

- Lạ. Chỉ ngồi nghe người ta nói mà thờ thẫn thế kia thì lạ quá!

- Anh chả hiểu gì cả. Họ cứ lải nhải nhồi vào tai mình toàn những cái không đâu, lại ngồi gần cái loa thùng nữa chứ, mà mình có phải con bò đâu cơ chứ nên những lời nói cứ tự nhiên lọt vào tai làm đau hết cả đầu.

- Thế chuyện gì mà ghê thế?

- Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh!

- Thế hôm nay em học được gì ở tư tưởng đạo đức của bác kính yêu? – cháu trêu nhà cháu.

- Khỉ gió cái anh này. Đã bảo đau cả đầu lại còn hỏi học được gì.

- Này anh nói em nghe nhé: Bác có một chút từ bi của đức Phật, có một tý chút bác ái của chúa Giê-su, rồi một chút tư tưởng của Khổng Tử, của Lão tử, của Trang tử, của Marx-Lenine-Staline-Mao, rồi lại lơ mơ thêm một chút theo “lời bất hủ” 5 của bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp… nghĩa là cái này một tý, cái kia một xíu tạo thành tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại! Em cứ “nắm vững” như anh nói bảo đảm hết đợt học này, em làm… thu hoạch thì cứ gọi là… hoành tráng hết sẩy!

- Khỉ gió cái anh này. Đã bảo đau hết đầu mà cứ nói mãi. Có yên em nghỉ để còn đi chợ làm cơm tối không thì bảo?

Cháu thấy nhà cháu nói đến cơm tối thì cháu xin thua liền, rút êm vì nếu không thì… gay quá!

Tôi góp thêm:

- Anh có biết tuổi bọn tôi, những năm của thập kỷ 50 thế kỷ vừa rồi đó, để nói lên cái gì là lởm khởm, tạp nham, không đâu vào đâu bọn tôi nói thế nào không?

- Dạ thưa bác, cháu không biết!

- Bọn tôi bảo “tý ty giôn (jeaune), tý ty noa (noir)”!

- Thời các bác hay quá: Vậy thì (quay lại đám nhân viên, viên giám đốc nói): mọi người nghe này: tý ty vàng, tý ty đen – Tư tưởng Hồ Chí Minh là “tý ty giôn, tý ty noa” – chắp chắp vá vá chẳng đâu ra đâu!

5. Ối ông [mũi] Mác, ông [lưỡi] Lê ôi! Các ông đâu rồi?

 Thưa Quý độc giả kính mến!

Quý vị có biết tấm hình bên “chộp” được ở đâu không? Hai hàng chữ nhỏ quá… hơi bị khó nhìn phải không thưa Quý vị? Kẻ viết xin hầu đọc (theo kiểu đọc câu đối): “Hội nghị lần thứ mười khóa X” (bên phải) và đọc tiếp bên trái: “Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt nam”, và xin thưa thêm… cho rõ: tại Hà nội từ ngày 29/06 đến chiều ngày 04/07/2009.

“Ý tưởng” tôi viết mẩu chuyện này xuất phát từ lời kể của một ông già hàng xóm; ông nói:

- Khi tấm hình này được đảng ta… cho đưa lên mặt báo, một “lão thành cách mạng” ở gần nhà tôi “hốt hoảng” chạy sang tôi nói trong hơi thở gấp: này ông Ba, chúng nó (sic)… hô biến hai ông râu xồm (K.Marx) và ông râu nhọn (V.I. Lenine) đi đâu mất rồi?

- Ông lão vậy mà còn khá đấy! Còn biết có cái hội nghị 10 diễn ra để mà… “phẫn nộ” với những kẻ hậu sinh! Chứ tôi hỏi đến 3 ông già đảng viên, có ông phải dùng đến cả 2 nạng từ gần chục năm nay, vẫn “gương mẫu”, cố lết cái chân què đi sinh hoạt chi bộ, mà chả ông nào theo dõi cái hội nghị này nói chi đến việc biết cách bài trí khánh tiết nọ. Khi được nhìn tấm hình, ông nào cũng… lịm đi và không ai bảo ai đều nói một câu “in” như nhau: Ông thế mà là người đi trước thời thế, có lẽ tôi cũng phải theo ông bỏ mẹ nó đi cho rồi! Và, xin… “Răng cụ thừa” [Thưa cụ rằng]: Cụ hãy nhìn kỹ lại tấm hình xem có chi lạ nữa không ngoài cái việc biến mất như thông lệ lẽ ra phải hiện diện… trên tường của hai ông trùm “mũi Mác” và “lưỡi Lê”? (Chờ cho ông… lơ ngơ tý chút, tôi nói tiếp:) Lần đầu tiên sau hơn 3 phần 4 thế kỷ, họ buộc phải cho quốc kỳ (tất nhiên cũng của họ nặn ra thôi)… “phấp phới” bay cùng cờ đảng trong một hội nghị rất cao cấp, nhưng cũng chỉ là bay… theo đuôi, và ở đàng sau thôi! Ông nhìn 2 lá cờ và có mường tượng rõ không? Nghĩa là: như ta đây vẫn là… thống soái! (như lời rao của anh múa võ bán thuốc dạo Võ Quý ở bờ hồ thủa nào!)...

Còn hai ổng? Kể cũng khổ cho hai ổng thật. Khi cần thì họ trương hai ông lên để… nạt thiên hạ, hơi một tý thì ông này nói rằng… ông kia dạy rằng…; ý như rằng: tôi đây là làm theo các ông ấy thôi, đúng thì thôi, có sai quấy chi thì cứ hai ổng mà… chởi, chứ đừng chởi chúng tôi kẻo mà… tội nghiệp! Láu cá đấy chứ phải không ông? Nay thấy… thối quá rồi, vì cả loài người đã ném cái chủ nghĩa vớ vẩn của hai ổng vào sót rác của lịch sử rồi, thì rồi đến lúc họ cũng phải để hai ông “lặn đi” chứ sao?! “Phe ta” tự nhiên… lăn đùng ra như thằng trúng gió, đổ đánh rụp một cái cũng tới hai mươi năm rồi, mà “phe nó” lại chả mất một viên đạn… súng sáu nào mới kỳ lạ chứ?! Đứa trẻ ra đời ngày ấy bây giờ đã trưởng thành, đã có thể làm chủ cuộc đời nó và xã hội. Chả lẽ cứ mặt trơ trán bóng mãi sao? Mà quả thật họ cũng lỳ lợm kinh người – quả là họ “không biết xấu hổ” như ông Trần Độ nói, hay đã “đứt dây thần kinh xấu hổ” như ông Sỹ Phu họ Hà (Nguyễn) nói.

Sau cái chậc lưỡi, ông bạn tôi góp chuyện:

- Cái “nhóm” này là cố chấp lắm. Mà cái trò này không phải đùa đâu! Chế độ này họ “sống” bằng khẩu thiệu, các hình thức tuyên truyền mà gọi tắt là “cờ-đèn-kèn-trống” được trưng ra hết cỡ không kể ngày đêm, tốn kém tiền bạc bao nhiêu cũng không từ, như để nói cho mọi người thấy sự ổn định (thực ra là rất bất ổn); sự đoàn kết nhất trí nội bộ (thực ra thì đấu đá nhau, tố cáo nhau ngay từ sau ngày tụ đảng) của họ. Họ chú ý đến từng “tiểu tiết” ông à. Tôi sực nhớ đến ông Đình Vũ bạn tôi, từ lâu ổng có nhận xét rằng: Cứ chỗ nào có… “sân khấu chính trị” – tức là nơi cần trang hoàng cờ quạt để làm cái chi chi đó thì y như rằng ta thấy cái búa liềm (tượng trưng cho đảng cộng sản) hình như bao giờ cũng to hơn ngôi sao (trong quốc kỳ) như để nói lên sự trên hết là đảng! Theo lời ông bạn, tôi để ý thì thấy hầu hết là như vậy thật. Nó như góp phần vào sự khảng định với thiên hạ rằng: “Ta” là đúng, là mạnh, là trên hét nhé! Chiếu này chỉ có “ta” thôi, không có ai đâu nhá; hãy liệu hồn, ta là thống soái đây, lôi thôi thì đã có… Vậy chuyện dẹp 2 ổng là ghê gớm lắm đây… cái gì sẽ xảy ra tiếp theo nữa?…

Cách đây có tới trên hai thập kỷ, cái thời còn cực kỳ khốn khổ từ miếng ăn đến cái mặc, sách vở in trên giấy đen nhèm đọc đến toét cả mắt thì lấy đâu giấy trắng to cho các lớp hội họa? Cái thời cứ tưởng như chủ nghĩa cộng sản nó vững như bàn thạch, các thần tượng Mác-Ăng-Lê-Sít-Mao-Hồ v.v. và v.v… mãi mãi ngự trị trên trái đất này mà họ đã mang hình của các quý ông này đi… bán cân (tức là bán đồng nát) đó ông có biết không?

Tôi ngớ ra về chuyện lạ, ông bạn tiếp:

- Có người giấy thiệu tôi vào Xunhasaba 6, và phải vào cửa sau để mua ảnh cỡ đại (lại “đại”, hô vĩ đại suốt năm tháng vẫn chưa thỏa, hình/ảnh cũng phải… đại) của các “tôn ông” vừa kể trên được in trên giấy cực kỳ đẹp và dày dặn. Người ta nói những tấm hình này được in từ Cộng hòa Dân chủ Đức – một nước được coi là có khoa học kỹ thuật phát triển nhất nhì “phe ta”. Tôi vào mua khá nhiều lần, mua bao nhiêu cũng có; có lần cô bán hàng còn hỏi anh mua ít thế thôi à? Mà nào tôi có mua ít đâu, lần nào cũng phải chở về bằng xích-lô đó. Nhưng có một điều mà không lần nào nàng bán hàng trẻ, lại cực sinh đẹp không ghé sát tai mình… thỏ thẻ oanh vàng: Vấn đề này… hơi bị tế nhị anh à, anh dùng mặt sau thì cố làm sao đừng để lộ mặt trước (tức chân dung các quý ngài!) ra nhé!

Tôi chợt nghĩ ra: Từ lâu hình bóng mấy ông này đã mất dạng trên các bức tường trong các gia đình Việt nam (đặc biệt là ở miền Bắc). Không ai treo thì bán đồng nát cho rồi, cho… đỡ phí của giời, cũng là một kiểu “khai tử” cho các ổng như hội nghị 10 vừa qua thôi! Họ “kín võ” thế đấy, bề ngoài họ cứ… tụng các ông, cứ “tung” các ông lên đến tít chín tầng mây, nhưng trong thì họ “hê” các ông tự bao giở bao giờ! Chỉ có điều, đến nay họ mới “dẹp” các ông trên Hội nghị tối cao cho bàn dân thiên hạ thấy!

Nhưng mà (bạn tôi tiếp): “Dẹp” thật hay lại là trò ma giáo, lừa mỵ, ú tim đây?

Khổ thế đấy: Sống trong một xã hội đầy rẫy sự giả dối, lừa gạt nên không còn biết đâu là thật đâu là giả nữa! Và mọi việc ở đất nước này nó cứ tít mù như cái đèn cù, không biết đâu mà lần nữa! Chẳng hạn như ông Hồ dạy quân đội nhân dân phải “Trung với nước, Hiếu với dân” (mà nay lá cờ này vẫn treo trong Bảo tàng quân đội tại phố Điện Biên Phủ – HN). Khi còn tại ngũ, Nguyễn Tiến Trung chỉ chấp nhận đọc lời thề này mà không được, họ bắt trung đọc lời thề đã… xuyên tạc lời của ông Hồ là “trung với đảng”, Trung không chịu đọc lời “xuyên tạc” này, rồi bị an ninh quân đội “làm việc” liên tục, rồi bị loại ngũ, rồi bị bắt!? Vậy mà người ta cứ ra rả nói, và chi vô tội vạ tiền thuế của dân trong “chiến dịch” học tập “tư tưởng đạo đức tác phong Hồ Chí Minh” là làm sao? Vậy đâu là thật? Đâu là giả?

Nguyễn Văn – Hà Nội
23/07/2009


1chữ của Hai Tổ (Tô Hải) trong Tô Hải’s Blog: Bài Tớ đã tồn tại như thế nào? (Bài 3)

2như trên. Bài: Viết tiếp cái thời "Hậu Hoàng Kim"

3Lạc đường, Đào Hiếu, http://www.talachu.org/truyen.php?bai=213#story

4Ở Hà Nội và một số thành phố miền Bắc lúc đó hố xí/nhà cầu là hố xí thùng: Người ta để một cái thùng ở dưới một cái bệ ngồi có lỗ đại tiện. Khi thùng đầy thì lao công nhà vệ sinh thành phố đến lấy đi và thay vào đó một cái thùng khác. Sau đó, nhờ có “đỉnh cao trí tuệ”, một cán bộ cỡ nào đó “phát minh” ra cách chia nhà cầu làm 2 ngăn. Cứ ngăn này đầy thì lấp lên đó ít tro hoặc đất bột gọi là để ủ; gia chủ dùng ngăn còn lại. Khi ngăn kia đầy thì lại làm như thế và dùng ngăn trước (đã được lao công nhà vệ sinh lấy đi theo định kỳ). Nay nghĩ lại, cùng với nạn “lạm phát” bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay; nhà chức trách đương thời nên cố truy tìm tác giả của phát minh trên trao bằng có lẽ còn… xứng đáng hơn tấm bằng thạc sĩ (nhờ viết hộ) của bà bộ trưởng nọ (mà khi diễn thuyết trên hội trường dịp nào đó, đến chữ Kô-sô-vô thì bà dừng lại, xướng lên mấy chữ ô… lô… xô… bô… rồi bảo nó khó lắm không đọc được làm cả hội trường cười ồ!). Riêng cái “phát mình” này, Nhạc sĩ Tô Hải còn tiết lộ: Cty Vệ sinh thành phố “com-măng” một ca khúc (hẳn với tiêu đề “Vệ sinh ca!”, để cử lên trong những ngày đại lễ cùng với “Quốc tế ca”, “Lãnh tụ ca” cho nó hoành tráng mà vẫn có “mùi” sắc… vệ sinh chăng?); và ông viết: “riêng cái đề tài này thì tớ… chào thua!” (Xem Những năm xưa ấy năm gì, Saturday November 17, 2007 – Nhạc sĩ Tô Hải’s Blog, http://langdu126.multiply.com/ or http://langdu126.multiply.com/journal) v.v…)

5Chữ Hồ Chí Minh đã dùng trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

6Tổng công ty Xuất nhập khẩu sách báo của Hà Nội.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn