BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31171)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vài bức "chân dung tự họa"!

02 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 1155)
Vài bức "chân dung tự họa"!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Một hôm, tiết trời Hà Nội tự nhiên đột ngột thay đổi: đang cực kỳ oi nồng khó chịu trời trở nên dâm mát như báo hiệu Thu về. Tôi thu xếp công việc ra phố đặng tìm mua vài cuốn sách mới xuất bản mà bạn bè giới thiệu là “xem được”. Người đời đi tìm mua sách hay là lẽ thông thường, nhưng mấy lão “cổ lai hy” chúng tôi lại chuyên tìm loại sách… “xem được”! Cứ ai nói đến sách “xem được” là lại háo hức, chờ đón, tìm kiếm thì quý bạn đọc có thấy lạ, có cảm thông với chúng tôi không? Có lẽ cảm thấy cái quỹ thời gian của mình không còn là bao; cái thời mà những bộ sách như Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Ba chàng Ngự lâm pháo thủ v.v… thuê từ hiệu cho thuê sách về, rồi dăm ba thằng truyền tay nhau đọc ngấu đọc nghiến trong hai ngày liền cho xong không còn nữa nên bọn tôi chỉ “tầm” loại sách trên; vì qua đó, những suy tư, ấm ức lâu nay chưa được giải tỏa may ra được thỏa mãn đôi phần do tài “lách” của người viết, tài thu xếp để được… “trên cho phép” của những người đứng ra xuất bản có lẽ cũng có những tâm sự giống mình?! Xã hội này biết bao điều cấm kỵ, rồi lại những điều “nhạy cảm” nữa chứ, là… cấm được nói đến, nói đến là… hình sự như chơi. (Mà lạ chưa, chỉ có nói trái/khác ý cũng… hình sự thì thế gian này có lẽ chỉ có một! Đúng là:
. . . Việt Nam ta, hình chữ Ét-xì (S)
So với thế giới cái gì cũng hơn!).

Những truyện Thâm cung bí sử của mọi thời thì muôn đời vẫn hấp dẫn độc giả! Càng cấm càng có sức hút kinh người.

Đang lững thững trên hè phố thì chợt tôi thấy một người đàn ông từ từ tiến lại trước tôi, in hệt như tôi cũng đang chủ động từ từ tiến lại trước ổng. Khi diện đối diện, bốn mắt nhìn nhau không chớp, đột nhiên, tay người nọ chỉ vào mặt người kia cùng một lúc rồi tức thời cùng bật ra: Văn-Thành (đó là chúng tôi gọi tên nhau), rồi ôm chầm lấy nhau. Đúng 50 năm đã trôi qua (1958-2008), chúng tôi đều nói với nhau rằng: nét mặt đã bắt đầu nhàu nát rồi, lại còn râu ria nữa nhưng những nét xưa kia vẫn còn rất đậm trên khuôn mặt từng người. Có lẽ đây là điều vô cùng may mắn giúp chúng tôi nhận được nhau.

Kéo nhau vào quán Bò-Dê-Gà (chúng tôi quen gọi cái quán có tên hiệu phát âm gần như thế vẫn tồn tại ở cái phố sang trọng nhất Hà thành này không biết từ bao giờ, không biết vì từ lúc biết đọc chữ chúng tôi đã thấy có nó rồi!). Gọi nước uống cũng chỉ là tạo cái cớ (chả lẽ vào quán lại không gọi gì thì kỳ quá!) để hàn huyên chuyện bấy lâu xa cách. Mà thật khó hiểu, cũng có thời gian ngắn đi đây đi đó, nhưng nói chung chúng tôi vẫn cùng ở cái thành phố này mà không hiểu sao đến giờ mới gặp lại? Thành phố mà cái thời ấy ra đường, trông ai ai cũng cảm thấy như quen quen hay đã gặp ở đâu đó? Hồi đó chúng tôi lý giải chuyện này bằng một câu cực kỳ đơn giản: Hà Nội nó bé như cái lòng bàn tay ấy mà, đi từ Đông sang Tây, từ Nam lên mạn Bắc thành phố thì thể nào chả trông thấy người đi ngược lại, vài lần thì quen mặt chớ sao! Nhưng rồi cải cảm giác ấy cũng mất dần do một thời vất vả quá (mà bạn tôi bảo nó khốn nạn quá!), lam lũ quá trong cái cảnh kiếm ăn bon chen (mà bạn tôi bảo đó là cái kiếp… duy vật!). Mặt khác 2 gia đình chúng tôi lại cùng chuyển ra sống tại ngoại ô trong cái chiến dịch “tùy nghi di tản” của một số dân thành phố, để tránh sự chen chúc quá mức do không biết người ở đâu ra mà lắm thế; một căn nhà trước chỉ một chủ (hồi đó có mấy căn nhà nội thành 2 chủ?), mà sau đó thì năm bảy gia đình, đến nỗi việc giải quyết… “tâm sự” mỗi sáng cũng như một cực hình! Chúng tôi đều nói quả thực cũng có lúc chợt nhớ đến nhau (mà không nhớ sao được khi 2 thằng có nhiều năm ngồi cùng bàn học?), rồi có lúc lại còn nghĩ là thằng bạn mình có lẽ chết rồi cũng nên. Cái thời mà:
“người ta tiêu máu của nhân dân
như tiêu bạc giả”

(theo ý thơ Phùng Quán) thì nghĩ đến thằng bạn quá lâu không gặp, tưởng nó chết rồi cũng là lẽ thường.

Rời Bò-Dê-Gà, tôi đưa anh Thành đến anh Thịnh. Anh Thành thì biết trước còn Thịnh thì nhận ra bạn cũng gần giống như cuộc gặp gỡ giữa 2 chúng tôi trước đó. Thành - Thịnh hồi đi học rất hay “hục hặc” những chuyện không đâu, nhiều lúc đó là những đề tài đùa vui bất tận cho bạn bè trong lớp. Nay vẫn như xưa, hai anh vẫn chuyện nổ như pháo rang; và thỉnh thoảng lại châm chọc nhau gây ra những trận cười thật tươi trẻ. Lâu lắm chúng tôi mới lại có những giây phút vô tư trẻ trung như thế này. Thịnh (một họa sĩ tự do thứ thiệt) tôi đã biết, còn Thành qua chuyện trò chúng tôi mới biết anh nay là một văn sĩ, một nhà báo cũng… tự do nốt. Anh nói: Mình là “nhà tự do” thứ thiệt, bài thi thoảng báo này báo nọ cũng in, nhưng tớ chưa bao giờ bước chân vào một cái hội nào mà người đời lâu nay gọi là “Hội quốc doanh” cả. Mà này, hai bạn có hay thả hồn về quá vãng tuổi trẻ không?
“Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ!”
(Huy Cận)

Đọc thơ xong anh nói: Hai bạn có tiếc không cái tuổi yêu? Các ông còn nhớ Tiểu thơ áo trắng của tôi chứ? (ý anh nhắc đến Yến, người bạn gái cùng lớp ngày nào mà anh từng xao xuyến).

- Thơ thì hay - anh Thịnh lên tiếng. Nhưng nếu không có những “hậu đoạn”, ông ấy cùng mấy ông như Xuân Diệu… chỉ chuyên chú vào thi phú thì hình ảnh các ổng đẹp biết bao? Và biết đâu dân tộc ta đã có thi hào Huy Cận, thi hào Xuân Diệu cũng nên!

- Tay này khá - anh Thành nói. Ông đúng là họa sĩ vĩ đại mà không được “các anh ở trên” dụng tài. Ông đã “nhìn ra” chân dung nhà thơ qua thơ rồi đó. Những người như các ông ấy lẽ ra sẽ là những hình ảnh tuyệt đẹp hoàn mỹ trong các trang lịch sử văn nghệ nước nhà. Mà tôi chỉ nói đến các vần Thơ Yêu của các ổng thôi đó. Nhưng tiếc thay! Rồi mai đây, tôi không hiểu khi viết về Lịch sử Văn học VN, người ta sẽ viết về các vị này ra sao? Mà đã là lịch sử thì làm sao lại không trung thực cho được? Ai mà có khả năng phi phàm để bóp méo được Lịch sử? Hai ông bạn “chạm nọc” tôi rồi đó, nhất là họa sĩ Thịnh thân mến của tôi! Thì đây, xin kính mời hai thân hữu – hai cố nhân của tôi chiêm ngưỡng thêm Vài bức “chân dung tự họa”! của mấy vị đáng kính nhé!

(Đến đây Nguyễn Văn tôi xin kính thưa quý bạn đọc thế này: Kể từ đây đến cuối bài viết, tôi xin cố hết sức ghi lại cho trung thực những điều bạn tôi – anh Thành đã nói. Rất có thể xen vào đó là vài lời của người viết hoặc anh Thịnh, nhưng rất chi là hạn hữu thôi):

1. Xuân Diệu “tự họa”:
“Mỗi lần đấu tranh gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm,
Nghe lời Bác dạy khuyên răn,
Chúng con ước muốn theo chân của Người...
Chúng con thề nguyện một lời:
Quyết tâm thành khẩn... lột người từ đây”
. (thơ xun xoe nịnh)
Hay:
“Anh em ơi! Quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro,
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đoạ đày chết thôi...”
(thơ nạt nộ dân thời giai cấp đấu tranh)

2. Chế Lan Viên “tự họa”:
“Bác Mao không ở đâu xa,
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!”

Để các bạn “ngắm” bức chân dung đẹp đẽ này một cách kỹ lưỡng hơn, tôi xin trích một đoạn văn trong một cuốn sách để hầu bạn đọc:

Nói đi cũng phải nói lại. Sau khi họ Chế đi xa, Chế phu nhân đã cho ra đời ít bài thơ gọi là Di cảo của phu quân mình. Không rõ có sự ủy thác hay trăn trối gì của nhà thơ hay không nhưng người đời đều hiểu rằng một số vần thơ trong di cảo như là sự thanh minh, chuộc lỗi; có người bảo là sám hối… Bây giờ người ta ngắm bức chân dung này với thiện hay ác cảm, đó lại tùy người; mà dù đứng ở góc độ nào, người ta cũng có lý phải của người ta chứ! Đúng không? Và đây, chân dung ổng lúc này được nhìn qua vài câu trong bài Bánh vẽ:
“Chưa cần cầm lên nếm,
 anh đã biết là bánh vẽ,
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn,
 cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối,
chúng sẽ bảo anh phá rối
 đêm vui…
Chúng là những ai?
Là ông trùm và những kẻ a tòng!”

3. Tố Hữu - “văn hào” của chế độ) “tự họa”:
“Chúng ta có Bác Hồ
Thế giới: Sít-ta-lin
Đảng ta phải mạnh to
Thế giới phải đỏ mình.”

Hoặc:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin... bất diệt.”
(thi sĩ hô giết đồng bào)
Hoặc:
“Sta-lin, Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!”
(trích Đời đời nhớ ông).

“Chiêm ngưỡng” bức chân dung này, tự nhiên tôi nhớ đến chuyện vui sau: Một hôm tôi rẽ thăm một người bạn mà lâu không gặp. Vào đến sân tôi thấy cả nhà đang xúm quanh một phụ nữ trẻ tay bồng một đứa bé chừng tuổi rưỡi hai tuổi. Thấy tôi vào, biết tôi rất quý trẻ và luôn có những ngôn từ đẹp đẽ nhất dành cho trẻ con, bà chủ nhà vội nói: Chao ôi ông đến chơi. Cháu nội trai của tôi đó, nói mãi mẹ cháu đây (bà chỉ người phụ nữ trẻ bế con) mới cho tôi đứa cháu nối dõi. Mời ông vào với thiên thần của ông đi!

Nghe lời bà, tôi đến gần, chưa kịp nói mở lời thì bà lại nói “liên chi hồ điệp”: Cháu của bà nói ba…a, ba…a đi nào! Ba… a, ba… a, ba…a. Đấy cháu nói ba, ba đó ông thấy không?

Gương mặt người bà và nhất là người mẹ trẻ rạng ngời hạnh phúc! Tôi biết họ đang vui sướng, thỏa mãn tột độ.

Kéo tay tôi bước lên thềm vào nhà trong, ông bạn ghé tai tôi nói nhỏ: Ông tủm tỉm cười gì vậy?

Tôi trả lời: Bà nhà ông dạy cục cưng của ông bà sai rồi!

- Cái gì?

- Ông bà quên rồi sao?

- Quên quên nhớ nhớ gì gì?

- Nghe này… “Tiếng đầu lòng… con… gọi… Sít-ta-lin” chớ! Sít-ta-lin, Sịt-ta-lin không nói lại cứ đi dạy nó nói Ba, ba, ba là cái quái gì?

Chúng tôi cùng phá lên cười, rồi đi vào nhà, mặc sự ngỡ ngàng của hai người đàn bà bên đứa trẻ!

4. Nguyễn Công Hoan “tự họa”:
“Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai.
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài,
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó,
Nhân văn, nay lại hít gì voi,
Sống dai thêm tuổi, cho thêm nhục,
Thêm nhục cơm trời, chẳng thấy gai”.

Bài thơ trên là của nhà văn nổi tiếng một thời Nguyễn Công Hoan họa lại 2 câu thơ tự chúc thọ của học giả Phan Khôi (1887-1959).

Số là năm 1957, nhân dịp thượng thọ 70 của mình, lúc đó Cụ đang bị mắc “trong cái công ty phản động Nhân Văn Giai Phẩm” (chữ của Tố Hữu), bị đảng bao vây, loại bỏ; do vậy không một ai dám đến chúc thọ vì sợ bị khép tội “liên quan”, Phan Khôi liền làm một bài thơ để kỷ niệm ngày sinh trong đó có 2 câu, và 2 câu thơ này không đưa/được in trên bất cứ tờ báo nào thời đó, chỉ đọc trước một số bạn bè rất hạn chế. Hai câu thơ là:
“Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi!
Thọ ta, ta chúc lọ phiền ai”.

Chân dung tác giả Kép Tư Bền nổi tiếng một thời… đẹp không các quý bạn?

5. “Tự họa” của Phan Thị Thanh Nhàn (một nhà thơ trẻ so với lớp lão làng, cây đa cây đề trên):

“…
Cả làng đau mắt xưa nay
Bác về, như có bàn tay diệu kỳ
Tình thương lòng Bác chở che
Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên.

Bác cho con gái mắt huyền
Cụ già mắt sáng trẻ em mắt tròn
Tin đâu sét đánh làng con
Bác không còn? Bác không còn! Bác ơi!
…”.
(Giếng nước Bác Hồ - Quảng An, 9-1969)

 

 


Tác giả làm như bác của mình là Hoa Đà tái thế. Ca tụng rõ lố!

6. "Chân dung" một ông Tây:

“Chúng ta đoàn kết
Chúng ta xây dựng
Đề cao cảnh giác và tiêu diệt
Bẻ gãy cổ bọn cuồng điên phiến loạn.

Hỡi các anh em Đoàn Thanh niên Cộng sản
Ta nghĩ hàng ngày, ta nghĩ hàng tuần
Ta nhìn vào hàng ngũ ta
Ta phân biệt những anh em đích đáng
Những quân chỉ mượn danh Đoàn Cộng sản Thanh niên.

Kẻ nào không cất tiếng ca với ta hôm nay
Là đã chống ta rồi!” 2

 


Chân dung ai các bạn biết không? Nhà thơ vĩ đại Xô-viết đó, tiền thân của Tố Hữu đó, Mayakovsky đó! (Một dạo người ta chả nói Tố Hữu là Maya của VN đó sao!).

Đến đây thì bạn tôi tỏ ra ngán ngẩm, không còn có vẻ hào hứng nữa, như không muốn “rút” thêm ra tấm chân dung nào nữa để làm phiền mọi người.

Rồi anh như lạc vào phiêu lãng, một vẻ chán chường thì đúng hơn, rồi chậm rãi cố đọc thêm mấy câu thơ, thơ dứt thì ngồi thừ ra đó…
“Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi,
Con tôi chết đuối bởi lời người ru,
Con tôi chết ở ao tù,
Mà người vẫn cứ hát ru ngọt ngào!”

(Đồng Đức Bốn)
Và:
“Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn
 vẫn còn lênh đênh!”
(Bèo – Phùng Cung)

Nguyễn Văn – Hà Nội
Ngày 02/09/2008


1 Dè sẻn từng đồng (Đông Dương) tiền ăn quà của bố mẹ cho mỗi khi đi học buổi sáng để thuê truyện, vì vậy, cuốn sách nào chúng tôi thuê thì nó lần lượt nằm trên tay chúng tôi một ngày có lẽ không dưới 15 tiếng đồng hồ (trừ giờ ngồi ở lớp học và khoảng thời gian từ 1-2h đến 5-6h sáng). Cứ thế chúng tôi truyền tay nhau đọc để sao chỉ phải trả hiệu sách một số tiền ít nhất, mà nhiểu người cùng được đọc nhiều sách nhất! Cảnh học trò nghèo mà! Vả lại, cái thời xa xưa ấy, sách vở quý hiếm biết bao!

2 Xem Quần đảo ngục tù của Aleksandr I. Solzhenitsyn – NST

“Một hôm tôi hỏi Chế Lan Viên:

- Này, anh Chế, theo anh, thơ và từ của Mao Trạch Đông có hay lắm không mà thiên hạ tán tụng om sòm đến thế?

Chế Lan Viên cười hức hức:

- Thơ phú gì cái thằng cha ấy?! Vũ Thư Hiên thấy hay à?

- Anh bao giờ cũng gọi tôi đủ tên họ. Thơ phú là chuyện tôi mù tịt, mới phải hỏi anh.

Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn:

- Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen tuốt.

Tôi ngẩn người. Chẳng lẽ đó là tác giả của hai câu thơ ca ngợi hai lãnh tụ vĩ đại:
"Bác Mao không ở đâu xa,
"Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!"?

(Vũ Thư Hiên - Đêm giữa ban ngày, trang 325)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn