BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm sự giữa hai anh em đã cùng già

15 Tháng Sáu 200812:00 SA(Xem: 959)
Tâm sự giữa hai anh em đã cùng già
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thư đi: Anh Văn,

Tôi mới nhớ ra một chuyện. Đã 2 lần tôi tiếp xúc với người Tàu lục địa và được nghe họ hỏi rằng tại sao người Việt Nam không gia nhập vào nước Tàu? Như vậy là bên Tàu họ đã chuẩn bị, đã giáo dục dân họ như thế nào đó nên dân họ mới hỏi như vậy.

Tôi cũng vừa nhận một email của một người ở Hà Nội. Anh ta nói rằng “cụ Hồ nói: ta sợ Tàu hơn sợ Mỹ” và “hy vọng rằng dầu hoả sẽ được chia đều để dân không bị chiến tranh”. Tay này là một tay to CS, lời nói của ông ta chắc chắn đã được chuẩn bị theo một chiều hướng rõ ràng. Như vậy nhà nước VN chắc hẳn không xem 2 đảo kia là của VN?

Riêng đối với tôi, trước kia những người bạn lính của tôi đã phải thay phiên nhau đi Hoàng Sa và Trường Sa đóng quân, mỗi lần đi hình như 3 tháng. Ở ngoài đó chả có gì ngoài chim hải âu và phân chim, tuy vậy vẫn phải đi vì đó là đất nước mình.

Vài hàng theo cảm nghĩ của tôi, tôi xin chuyển đến anh những điều đã nghe và thấy. Xin anh cho biết ý kiến một cách trung thực. Lúc này đã già, lại theo Phật giáo, sắc sắc không không, chả còn có gì là quan trọng nữa, tuy nhiên vẫn muốn tìm tòi học hỏi. Biết chỉ để mà biết.

Chúc anh luôn khoẻ.

Tân

Thư lại: Chú Tân ơi,

Thư rồi của chú đặt ra vấn đề thật là hay. Tôi cũng thích nói nhiều về chủ đề này, nhất là những điều liên quan đến ông Hồ, và cả vấn đề Trung Hoa nữa vì đây là thời sự nóng hầm hập trong những ngày qua. Tôi nghĩ, nếu một nhà Sử học có khả năng Văn học, với họ, đây có thể là một gợi ý để cho ra đời ít nhất một tiểu luận lý thú! Với tôi, người ngoại đạo, lại giới hạn trong một bức điện thư, chỉ xin nói một vài ý vắn như sau:

Nói về tự hào dân tộc, tôi nghĩ, người nước nào cũng có cái tự hào riêng của mình, không cứ nước đó là cường quốc hay nhược tiểu. Tôi có một Thầy giáo, trong một buổi thầy trò ngồi trao đổi về mọi chuyện một cách bình đẳng, tự nhiên, Ông đưa ra một vài câu hỏi, trong đó có câu: Đố các anh chị cái gì là bền vững nhất trong con người? Bọn tôi đã đưa ra rất nhiều ý khác nhau, có những ý kiến rất ngộ, và cũng có những ý kiến tưởng như là chân lý. Cuối cùng Thầy cười, và bảo: Nhiều ý kiến hay và đúng, nhưng cái bền vững nhất trong con người là tính dân tộc. Lúc đó còn tương đối trẻ, bọn tôi cũng dễ dàng cho qua, không suy nghĩ gì nhiều. Nhưng sau này, bọn tôi mới hiểu Thầy thật dũng cảm nói lên sự thật 2 và đó cũng là nỗi day dứt của chính Thầy. Đó là lúc chủ nghĩa cộng sản quốc tế còn… tương đối hoành tráng, còn là bóng ma đáng sợ của thế giới này; chủ nghĩa quốc tế vô sản nó chỉ muốn nuốt chửng những người theo chủ nghĩa quốc gia mà Thầy tôi… không coi nó ra gì, lại đi đề cao tính dân tộc giữa thanh thiên bạch nhật ngay trong một ngôi trường xã hội chủ nghĩa!

Chú Tân ạ, phương Bắc họ luôn luôn coi cả gầm trời này là của họ, rồi tự xưng là Đại Hán, Đại Tống, Đại Thanh, … thì dân An Nam bé nhỏ của ta cũng đã từng tự xưng Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam chứ có kém chi! Đến như Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần rồi đổi quốc hiệu là Đại Ngu (niềm vui lớn), cũng Đại chứ có chịu lép vế đâu! Ấy đấy là chưa nói đến nền văn hoá, những trang dài lịch sử…, những cái đó nó ngấm dần vào huyết quản từng con người, đời này qua đời khác, cho ta một cái mà ta gọi là niềm tự hào dân tộc.

Tôi thì tôi cho rằng cái câu người Tàu nọ hỏi chú có khi cũng chỉ là một sự buột miệng chăng? Chưa hẳn họ đã có ý thức chauvin 3 (như tầng lớp lãnh đạo Trung Hoa mọi thời) – ca ngợi quê hương của mình một cách quá đáng. Cũng có thể tôi nghĩ chưa đúng lắm?! Nhưng tôi nói vậy vì tôi chợt nghĩ đến một câu nói nổi tiếng của ông Diệm: Cái to lớn nhất của người dân là cái ăn cái mặc (chỉ tiếc rằng các thành viên trong gia đình ông và hạn chế thời đại không cho ông làm được việc lớn ấy cho dân Việt). Đại đa số người Tàu ở Việt Nam lại là dân tỵ nạn (theo đúng nghĩa) đấy chú Tân ạ. Phần lớn họ là hậu duệ của những người đã từng chạy quân Mông Cổ, quân Mãn Châu khi quân đội hùng mạnh của 2 nước “man di” này, mà người Tàu vẫn gọi một cách khinh bỉ là Rợ Hung Nô, thôn tính. Người Việt nhân ái, đã dung nạp những người này vào đất nước mình và họ đã trở thành cộng đồng Hoa kiều đông đúc. Nếu người kia không hiểu được lịch sử này, mà lại có tư tưởng nước lớn thì quả thật là đáng trách. Và họ cũng cần biết thêm rằng: Người Mông Cổ (cỏn con) đã nuốt chửng nước Trung Hoa (vĩ đại) và đã thiết lập nên một triều đại nhà Nguyên hùng mạnh, rồi làm chủ cả một vùng đất bát ngát từ Á sang Âu châu, (đến mức ở một nước nọ, người lớn muốn đe nẹt trẻ con cho chúng sợ, thì không bảo ma đấy hay ông ba mươi đấy như dân Việt mình mà nói: Thành Cát Tự Hãn đấy, thế là trẻ sợ xanh mặt, im thin thít và nín bặt!). Cũng như vậy, người Mãn Châu (mọi rợ) đã tạo nên một triều đại Đại Thanh giữa Trung nguyên, người Tàu bị đồng hoá đến nỗi, con trai Tàu lấy hình ảnh được cạo trắng hếu cái phần trước đầu và để tóc đuôi sam như người Mãn Châu là niềm… kiêu hãnh! Thật là khốn khổ cho người Tàu! Nước Tàu to lớn làm vậy, mà bị thôn tính bởi 2 tiểu quốc phương bắc có tới 6 - 700 năm thì vinh hạnh nỗi gì kia chứ? Họ sợ dân tiểu di đến nỗi phải đắp Vạn lý Trường thành to dài đến mức nếu chú và tôi mà bay được lên, để rồi ngồi trên Cung Quảng nhìn xuống cũng nhìn thấy nó, để ngăn chặn mà cũng không xong (nên nhớ Trường thành được xây trước ngày vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn dầy xéo nước Tàu hàng ngàn năm nhé!). Vậy Vạn lý Trường thành là niềm vinh dự, tự hào hay là nỗi nhục của nước Tàu đây? Cũng trong thời gian quân Mông Cổ làm chủ nước Tàu, làm điên đảo biết bao quốc gia khác ở Á và Âu châu thì đã 3 lần quân nhà Nguyên bị quan quân Đại Việt của nhà Trần đánh cho tan tác, chạy không còn mảnh giáp. Chiến tranh là tang tóc, là buồn, là bất đắc dĩ, nhưng cuộc chiến của nhà Trần chống quân Nguyên là tự hào lắm chứ, và chính nó nung nấu trong dân Việt, trong chú, trong tôi nên anh em mình mới có những trao đổi thú vị như vừa qua nhân vụ Trường Sa – Hoàng Sa. Chưa hết. Người Trung Hoa đã quên được sao nỗi nhục và gót giầy của người Tây phương chà đạp họ trong thế kỷ gần đây? Lại còn chuyện anh bạn láng giềng tí hon (so với họ lúc đó) lùn tịt Nhật Bổn cũng mũi tẹt da vàng như họ tung hoành trên đất nước bao la của họ như chỗ không người! Họ quên được sao tấm biển “Interdit aux chiens et aux Chinois” 4 dựng ngay trên đất nước họ trong những công viên thuộc khu tô giới - nhượng địa của người Anh, người Đức, người Pháp… Chúng ta không vui vẻ, khoái chí gì khi dân tộc Trung Hoa có những nỗi bất hạnh như vậy, vì chúng ta không phải kẻ tiểu nhân. Nhưng đáng lẽ ra, với lịch sử đau thương của mình, người Trung Hoa phải biết điều hơn, phải biết thương kẻ khác cũng khổ hạnh như truyền thống “trượng phu”, “quân tử” mà văn hoá Trung Hoa vẫn đề cao và tự hào mới đúng chứ?! Đằng này thì… biết nói gì nữa đây chú Tân ơi?

Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến một câu chuyện thế này: Xa rồi, có lẽ tới vài bốn thập kỷ, cán bộ tuyên huấn của đảng CS có nói với bọn chúng tôi rằng “Trung Quốc rất tốt với ta, bác Mao khi nói chuyện với chuyên gia trước khi sang giúp Việt Nam có nói đại ý rằng ông cha ta đô hộ Việt Nam hàng nghìn năm và đã có nhiều tội ác với bạn, vậy chúng ta có tội với bạn, chúng ta phải tích cực giúp bạn để bù đáp lại tội lỗi của ông cha ta”. Có ông tuyên giáo còn hứng khởi lên tuyên bố (… có lẽ bừa, hộ người Trung Hoa) giữa hội trường đông người rằng: các bạn Trung Quốc thừa nhận 2 vùng Quảng Đông và Quảng Tây nguyên thuộc Việt Nam, các bạn muốn trả lại cho Việt Nam nhưng bác Hồ nói với bác Mao rằng của Trung Quốc hay của Việt Nam thì cũng thế thôi, chúng ta sẽ xây dựng thế giới đại đồng mà! Chú Tân nghe có thấy lạ và lâm ly thống thiết cảm động đáng rỏ lệ không? Cứ y như các chú hồi ngồi tù cải tạo được các ông cán bộ quản giáo dạy chính trị rằng đến năm 2000 phe XHCN sẽ giải phóng… nước Mỹ vậy! Toàn là những cái láo toét hão huyền!

Trở lại câu hỏi tại sao Việt Nam không sát nhập vào Tàu của người Tàu nọ làm tôi liên tưởng thêm đến chuyện sau: Trong một cuốn sách tôi mới đọc thì được biết sau khi trao quyền cho Tưởng Giới Thạch, ông Tôn Trung Sơn có du hành sang Nhật. Trong một buổi tiếp kiến, một chính khách Nhật có ướm hỏi Tôn suy nghĩ gì về Việt Nam, Tôn chỉ cười mỉm và trả lời ngụ ý (và có lẽ cả đắc chí nữa!) coi như Việt Nam là một nước man di. Vị chính khách nọ cũng mỉm cười và nói với Tôn đại ý rằng trong Bách Việt nay chỉ còn duy nhất có Việt Nam. Tôn tím mặt, vì chính gốc gác Tôn Trung Sơn thuộc một trong các bộ tộc Bách Việt, mà nay đã bị đồng hoá vào với người Đại Hán. (Mà Tôn là một nhà cách mạng thứ thiệt nhé, một người rất khả kính đấy nhé!). Cũng may mà Việt Nam ta là “cái đuôi” của con voi khổng lồ, “cắt” ra khỏi cái thân tròn trĩnh của con voi cũng dễ dàng; mặt khác, dãy núi phía bắc VN như một bức “Vạn lý Trường thành” tự nhiên để ngăn chặn “quân xâm lược vĩ đại” chứ không phải “quân xâm lược man di” như người Trung Hoa đã từng bị chịu dựng. Còn ông Hồ, (giống như tuổi teen ở VN ngày nay nói rằng) chỉ là chuyện nhỏ… như con thỏ trong bài viết ngắn này. Ngày nay, nhờ thông tin bùng nổ, không ai (kể cả thế hệ trẻ) còn có thể nghi ngờ gì tính quốc tế ngự trị một cách cực kỳ mạnh mẽ trong con người ông. Nếu ông yêu nước Việt thực sự, nếu ông yêu người Việt thực sự thì với cương vị độc tôn một thời của ông, ông đã ra sức thực hiện câu tổ tiên ta đã dạy: "Người trong một nước phải thương nhau cùng"; đằng này ông yêu anh cả, anh hai và các anh em trong khối xã hội chủ nghĩa của ông là chính, đến lúc chết ông cũng đi gặp cụ Marx của ông, cụ Lénine và các cụ cách mạng đàn anh khác của ông chứ ông có đi gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc là cha ông, cụ Hoàng Thị Loan là mẹ ông, cụ Hồ Sĩ Tạo là cha thật của cha ông, và cả cụ Nguyễn Sinh Nhậm là cha hờ của cha ông đâu? Cứ cho rằng có những người kém, xấu xa (như cách nghĩ của ông) đi, thì lại với cương vị của ông, ông càng phải thương yêu họ hơn, làm cho họ được sống một cách tốt đẹp hơn mới đúng tinh thần Việt chứ; đằng này, ông đẩy họ, và cả các cháu của "bác vô vàn kính yêu" vào cảnh nồi da xáo thịt như vừa qua; và hệ luỵ hận thù chia rẽ không biết đến bao giờ mới chấm dứt đây? Rồi cứ chia rẽ kiểu này, người anh hai của ông Hồ (anh cả Liên Xô của ông… ngoẻo rồi!) sẽ liệu định từng thời cơ thuận lợi, sẽ lấn bước dần, gậm nhấm dần đất đai của Vua Hùng mà đã có lần ông hứa và “rủ” (đúng ra là lừa) quân sĩ dưới quyền ông là ra sức gìn giữ (thật là hão!). 5

Qua mấy dòng ngắn ngủi trên, ta cũng đủ tự hào là dân Việt; nhưng quả thật ta cũng thật chua xót vì dân tộc Việt thật bất hạnh. Tuy nhiên, khí chất quật cường của dân Việt thì vẫn thế, muôn ngàn đời vẫn thế, nó vẫn được nuôi dưỡng trong mỗi con ngưòi Việt một cách tự nhiên như nước và khí trời vậy. Cuộc xuống đường và những lời nói của mọi người, nhất là thế hệ trẻ trong những ngày qua ta được mục kích và đọc trên mạng, cả ở quốc nội lẫn quốc ngoại đã trưng ra rất rõ điều đó.

Mẹ Việt Nam ơi! Cầu Trời dẫn dắt Mẹ Con ta ra khỏi vòng tăm tối này! 6

Thân mến
Nguyễn Văn – Hà Nội


1 người đồng tộc, từng một thời sống, học tập, và lớn lên ở 2 bờ sông Bến Hải, nay thì cách nhau hơn nửa vòng trái đất!

2 Tôi nói “dũng cảm nói lên sự thật” là vì trong số học sinh ngồi đó, có thể không thiếu những tên chỉ điểm. Vì đây là một lớp học chuyên tu, còn ít tuổi nhưng cũng có nhiều đảng viên cộng sản.

3 Ái quốc cực đoan.

4 “Cấm chó và người Trung Quốc”

5 Câu nói của ông Hồ với bộ đội của ông năm nào tại sân đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

6 Tôi “nhại vui” theo tên cuốn sách Mẹ VN ơi! Dân ta có tội tình gì? (Vietnam, Qu’as tu fait de tes fils) của nhà báo Pháp Pierre Darcourt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn