BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72635)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tin về Hội nghị Trung ương 13

20 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 1203)
Tin về Hội nghị Trung ương 13
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Hội nghị Trung ương 13 đã kết thúc sau tám ngày làm việc. Báo Nhân dân đưa tin là thành công tốt đẹp. Đọc bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư và thông báo của Hội nghị không thấy được sự sâu sắc đổi mới gì, mà phải nói là "nguyễn y vân". Báo chí ở Việt Nam dưới sự quản lý chỉ đạo của Đảng : Từ Hội nghị to đến hội nghị nhỏ, tất tật các loại từ phường xã đến Trung ương đều một giọng điệu: "thành công tốt đẹp". Vài năm sau cũng lại vẫn các báo ấy đăng các bài lý luận phê bình rút kinh nghiệm hoặc những sai lầm giáo điều duy ý chí của các hội nghị hay đại hội trước đó. Như đại hội Đảng IV, V, VI, VIII, hội nghi Trung ương 10, 11,12A, 12B khoá VIII -là những đại hội, hội nghị đấu đá, tranh giành quyền lực, hạ sát nhau. Đường lối chủ quan duy ý chí, sai lầm, dẫn đến hậu quả là nhân dân lãnh đủ.

Hội nghị TW 13 này cũng vậy. Theo chương trình sẽ để ra 3 ngày thảo luận báo cáo chính trị và đường lối chủ trương đại hội X để đưa đất nước ta, dân tộc ta sánh vai cùng thế giới, thoát khỏi quốc nhục đói nghèo lạc hậu, quốc nạn tham nhũng -là vấn đề quan trọng nhất. Đất nước, vận mệnh dân tộc trông chờ các vị ! Vậy mà thảo luận báo cáo chỉ có một buổi sáng là xong, một trăm năm mươi hai vị chỉ có 12 người phát biểu, thì 6 vị không thảo luận góp ý báo cáo, chỉ nói ra tâm tư nuối tiếc trước khi về nghỉ hưu! Tại sao như vậy? Vì các vị đang lo chạy chức, chạy quyền được vào Trung ương "có quyền - quyền đẻ ra tiền". Phát biểu thảo luận góp ý không khéo, hớ hênh câu chữ là "đi tong", không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương, vì quan điểm lập trường không kiên định Mác Lê.

Bầu không khí buổi thảo luận vô cùng buồn tẻ, những tiếng ngáp dài liên tục phát ra...

Phần nhận xét giới thiệu nhân sự đại hội X khiến cho bầu không khí hội trường nóng lên. Thật sự là một cuộc đấu sôi động. Chương trình hai ngày phải kéo dài tới 3 ngày, vẫn chưa có sự nhất trí cao. Hội nghị phải giao lại cho Bộ Chính trị xem xét kỹ càng báo cáo Ban chấp hành Trung ưng vào kỳ họp TW 14, dự kiến tháng 4/2006 quyết định.

Tại Hội nghị TW 13 đã giải quyết được một số việc về nhân sự như sau:

  • Số giới thiệu để tái ứng cử khoá X là 100/152.

  • Số uỷ viên Bộ chính trị ở lại tái ứng cử 7/14. Ban đầu chỉ có 6 là đồng chí Mạnh - Dũng - Sang - Anh - Triết - Trọng. Hội nghị giới thiệu thêm đồng chí Hoan với số phiếu áp đảo. Số này phải giới thiệu và bỏ phiếu cho Hoan vì chịu nhiều ân huệ. Có được chức vụ sau đại hội Đảng bộ ở tỉnh thành vừa qua, đều phải qua chỉ đạo sắp xếp của Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng (Như quan lại triều đình phong kiến, muốn qua cửa để vào cung vua đều phải quỵ luỵ quan thái giám). Một chế độ như thế mà luôn ca ngợi hơn triệu lần tư bản ?

  • Số lượng Uỷ viên TW Đảng đại hội X sẽ là 165. Hội nghị 13 đã giới thiệu đề cử gần 200 (mới gần 100 cũ 100).


Nhân dân cả nước đang kỳ vọng đại hội X một bước ngoặt đổi mới mạnh mẽ, một Ban chấp hành TW có đủ Tài Đức làm nên những kỳ tích rồng bay như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan ... Hội nghị TW 13 với diễn biến nêu trên, lòng kỳ vọng đã giảm.



Vụ án chính trị T4 gây dư luận xấu cả nước, nhiều lão thành cách mạng, tướng lĩnh, CCB, nhân dân có thư yêu cầu xét xử trước đại hội X. Đại hội Đảng uỷ quân sự Trung ưng hoàn toàn lờ đi. Hội nghị TW 13 cũng lờ nốt. Nguyễn Chí Vịnh vẫn được bầu đại biểu đi dự đại hội X, đứng thứ 3 với số phiếu bầu 333/395. Một nguồn tin khá chính xác và tin cậy là Vịnh và phe cánh đã gian lận kết quả bầu cử bằng sử dụng "kỹ thuật tình báo". Trên thế giới thường diễn ra gian lận kết quả bầu cử. Ở Việt Nam, đây là tin đầu tiên được nói ra, đề nghị TW tổ chức bỏ phiếu lại riêng đối với đồng chí Vịnh (phiếu phải do TW đóng dấu, tổ kiểm phiếu cũng là TW tổ chức từ đầu đến cuối), vì đây không phải là vấn đề gian lận mà là vẫn đề chính trị. Nếu công nhận kết quả bầu cử Vịnh tức là vụ án T4 hoàn toàn không có, là sự vu khống; bước tiếp sau đó sẽ là kỷ luật người tố cáo.

Vừa qua tôi được biết anh Phan Diễn đến gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo đã gặp đồng chí Lê Đức Anh về việc lý lịch Đảng và bản thân, đồng chí Lê Đức Anh thừa nhận đã khai không đúng về tháng năm vào Đảng, đồng thời đề nghị tổ chức Đảng xem xét đến công trạng đã cống hiến cho Đảng, cho đất nước. Nay tuổi đã già, bệnh tật, xin đừng làm rùm beng. Mặc dù đồng chí Anh nhận hay không nhận chỉ cần căn cứ 2 lý lịch do đồng chí tự khai tháng 11/1976 (ở đại hội 4) và tháng 8/1985 (ở đại hội 6) cũng đủ cơ sở kết luận. Sở dĩ không giải quyết vụ việc này là khi anh Mười làm Tổng bí thư, sau làm cố vấn, các tổ công tác họp xin ý kiến, anh đều có ý bảo vệ. Anh nói rằng "đồng chí Anh hoạt động cách mạng từ sớm, vào sinh ra tử, công lao rất lớn. Ta có thể coi như một Đảng viên có sao đâu! Nhiều đồng chí được rèn luyện thử thách được kết nạp Đảng, khi bị địch bắt tra tấn, khai ra hết để địch bắt bớ phá vỡ hết; tổn thất không sao kể hết. Vậy Đảng viên đó có xứng không ?" Có lần anh Mười còn nói : "ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh có chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam nào kết nạp đâu, đồng chí vào Đảng cộng sản Pháp về nước lãnh đạo, Đảng coi như đồng chí đã là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, ai bảo đồng chí Hồ Chí Minh chưa là Đảng viên?" Tôi cho rằng anh Mười nói có lý có tình.

Về việc của anh Đoàn Duy Thành với cuốn hồi ký Làm người là khó, Trung ương định kỷ luật anh, nhưng Chi bộ đã họp phân tích đúng đắn không bỏ phiếu kỷ luật. Nhiều cán bộ đảng viên và lão thành cách mạng viết thư và không viết thư đều cho rằng TW kỷ luật anh Thành là sai, là do ý kiến của anh Mười: nhân chứng chính là anh Mười còn sống, TW cần tổ chức họp dưới sự chủ trì của Bộ Chính trị mời 2 anh để giải quyết ổn thoả. Ngoài anh Mười còn rất nhiều nhân chứng khác còn sống tại sao không gặp gỡ xác minh ?

Tôi thấy nội dung cuốn hồi ký rất đúng mực. Có phần nói chưa rõ, chưa hết đâu. Đảng đừng dồn anh ấy đến đường cùng, khi đó hậu quả xảy ra khó lường, xấu mặt nhiều đồng chí trong Đảng đấy. Anh Trần Quỳnh, nguyên Phó thủ tướng, người viết cuốn hồi ký Những kỷ niệm về đồng chí Lê Duẩn, nói xấu một cách trắng trợn, vu cáo một cách trắng trợn đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và nhiều đồng chí khác; sao không kỷ luật Trần Quỳnh ? Vì sợ bài viết quá dài tôi không trích dẫn nhật ký của anh Quỳnh để chứng minh.

Ý định kỷ luật không thành. Tưởng là TW đã nghe theo đơn thư và dư luận, thôi không xem xét kỷ luật anh Thành nữa. Mới đây tôi được anh em đến cho biết uỷ ban kiểm tra TW Đảng bàn giao về Thành uỷ Hà Nội tiếp tục làm việc để kỷ luật anh Thành. Tôi mong rằng Trung ương nên tiếp thu ý kiến các đơn thư và dư luận, dừng ngay việc này để tập trung vào việc lớn cho nhân dân cho đất nước, tập trung quyết sách cho đại hội X, tập trung củng cố xây dựng Đảng chống tham nhũng đang là quốc nạn phá hoại Đảng, phá hoại đất nước. Nhân dân đã giảm rất nhiều lòng tin vào Đảng, Đảng có nguy cơ mất vai trò lãnh đạo hơn là việc kỷ luật một đảng viên tự viết hồi ký, mà cuốn hồi ký đó nó không dẫn đến nguy cơ Đảng mất vai trò lãnh đạo của Đảng.

Liên quan dẫn đến Đảng mất vai trò lãnh đạo là quốc nạn tham nhũng. Theo dõi dư luận gần đây thấy ngành Công an đã lập được rất nhiều chiến công. Ngành đã cương quyết thanh lọc nội bộ, công khai những cán bộ chiến sỹ Công an tha hoá biến chất, được nhân dân ca ngợi tin tưởng yêu mến. Các ngành khác như Hải quan, Toà án, Địa chính - Nhà đất, Xây dựng, cần học tập ngành Công an để Đảng lấy lại niềm tin với dân. Phá vụ án Trung tá CSGT Bùi Quốc Hưng bộ Công an đã bóc gỡ phanh phui vụ cá độ bóng đá ngành TDTT - các cá nhân ngành GTVT. Đây là vụ án hiệu quả nhất, hơn cả vụ Năm Cam và Dầu khí, hiệu quả vô cùng lớn. Từ vụ án này ra nhiều vụ án khác.Nhiều báo chí đưa tin nhưng không bình luận gì.

Ngược lại, trước đây vài tháng, vụ ông Hoàng Minh Chính một mình sang Mỹ chữa bệnh, "không nhân danh ai" đọc bài "chủ nghĩa Mác và hệ của nó". Đồng loạt 6 tờ báo với hơn 30 bài lên án ông Chính, xúm vào mạt sát, đe doạ: "ông không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời" là "kẻ phản bội bán rẻ tổ quốc". Không biết ông phản bội bán rẻ tổ quốc, nhân dân cái gì ? Đoàn Thể thao Việt Nam đi dự SEA GAMES 23, nhân danh tổ quốc, vác cờ tổ quốc long trọng kéo lên lễ đài cùng quốc ca Việt Nam, truyền hình khắp thế giới. Vì tiền chúng bán độ để thua, bán rẻ tổ quốc, bán rẻ dân tộc, vứt đi niềm tin sự yêu mến của khán gi hâm mộ thể thao, để cờ tổ quốc Việt Nam nền đỏ rực ngôi sao vàng 5 cánh phải hạ xuống. Thật là một "quốc nhục".Không thấy báo bình luận viết các từ trên như viết về ông Chính ?

Một vụ án cá độ nữa còn nghiêm trọng hơn, hoạt động giỏi hơn Năm Cam. Chúng móc nối điều hành cơ quan quyền lực cao nhất nước, đến nỗi không một ai có thể tin được. Vì lẽ đó nên báo chí không đưa tin gì cả, dù chỉ vài dòng. Đó là vụ :"đường dây cá độ kết quả đại hội Đng X" do Talawas đưa trên mạng Internet. Vụ án do Công an Phường Quan Thánh - Ba Đình phá án. Chủ cái cá độ Phạm Thị Lài. Như cá độ bóng đá, chủ cá độ phải móc nối mua độ với cầu thủ 2 bên để dàn xếp tỉ số thắng hay thua hay hoà. Vậy đại hội kết quả thế nào ? Chủ cá phải móc nối với ai để bán độ ?...

Hội nghị lần thứ 3 Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra nghị quyết tham gia thực hiện Luật phòng chống tham nhũng; luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một chủ trương rất hợp lòng dân. Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức đoàn kết rộng rãi rất hợp lòng dân. Chống quốc nạn tham nhũng này chỉ có nhân dân là người làm được. Họ là lớp người bị áp bức bóc lột của những kẻ có quyền hành đã tha hoá, đang tồn tại trong Đảng (địa chủ cường hào mới) là nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Đoàn chủ tịch có ý kiến đề nghị bỏ từ "quốc nạn", khỏi cụm từ “quốc nạn tham nhũng”. Vậy thì Trung ương Mặt trận Tổ quốc có thật lòng đứng về phía nhân dân hay chỉ giả vờ chống tham nhũng ?

Một nghịch cảnh đang hàng ngày xảy ra trong dân. Khi các vị tổ trưởng dân phố đến quyên góp "quỹ xoá đói giảm nghèo", đều được nghe câu nói mỉa mai : "ông Phạm Thế Duyệt chủ trương lập quỹ xoá đói giảm nghèo, vận động dân ủng hộ quỹ từng đồng bạc. Vài năm nay quỹ được vài chục tỷ đồng. Lũ cán bộ Đảng viên của các ông tham ô, ăn cắp một năm vài ngàn tỉ đồng, sao không lấy tiền đó mà giúp đỡ người nghèo? Số tiền đó đủ xây nhà cho toàn bộ gia đình nghèo cả nước..." Các vị tổ trưởng cứ phải "muối mặt" ngồi nghe, cố sao vận động cho đủ số tiền chỉ tiêu cấp trên giao.

Người dân bây giờ còn khổ hơn thời đế quốc phong kiến: thuế, má, đóng góp rất nặng nề, hàng năm người dân ở Thành phố phải đóng góp tới 8 khoản tiền:

  1. Tiền lao động công ích (phong kiến đế quốc gọi là thuế định) (1)

  2. Quỹ phòng chống thiên tai lụt bão (2 kg thóc/1 người)

  3. Quỹ bảo trợ an ninh (2)

  4. Quỹ bảo trợ trẻ em chất độc điôxin.

  5. Quỹ tình nghĩa giúp gia đình Thương binh, liệt sĩ.

  6. Quỹ giúp đỡ gia đình nghèo.

  7. Quỹ khuyến học

  8. Quỹ hoạt động hè cho các cháu.


Ngoài ra còn các đợt quyền góp ủng hộ đột xuất khác. Một số quỹ tuy nói là ủng hộ quyên góp, thực tế là bắt buộc, vì nếu không đạt chỉ tiêu thì tổ trưởng, tổ phó dân phố, bí thư chi bộ được nhắc nhở trong các cuộc họp. Thật là vừa thương vừa ghét ông Duyệt.

Ba chức danh tổ trưởng, tổ phó, Bí thư chi bộ cơ sở có ai muốn làm đâu, ngoại trừ vận động, chỉ định làm. Ấy thế mà vừa rồi ông Duyệt ra thông tri số 06-TTr/MTTW hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp phường, xã phải bỏ phiếu tín nhiệm, gây một dư luận phản đối gay gắt. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo ngừng lại. Ông Duyệt có ý kiến lại phải làm (Quyền lực không còn nhưng quyền uy vẫn lấn át quyền lực). Ông còn cướp luôn cả quyền dân chủ và quyền công dân của cử tri : Bỏ phiếu tín nhiệm tổ trưởng dân phố, chỉ các vị trong Ban công tác Mặt trận Tổ quốc được bỏ phiếu; bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch Uỷ ban nhân dân, chủ tịch Hội đồng nhân dân chỉ các vị trong Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc Phường, xã được bỏ phiếu. Nhân dân là người viết lá phiếu bầu ra thì lại không được quyền bỏ phiếu tín nhiệm và bãi miễn.

Các vị Mặt trận Tổ quốc ở cụm dân cư, ở phường xã không do dân bầu ra các vị (mà do Đảng cử ra, rồi các vị họp bầu với nhau chức danh trưởng, phó). Vậy Mặt trận Tổ quốc bỏ phiếu tín nhiệm tổ trưởng, chủ tịch UBND, HĐN là đại diện cho ai ? Báo Kinh tế và đô thị thứ sáu 13/1/2006 trang 2 có bài "Hà Nội thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở" nêu những việc đã làm và số liệu cụ thể những vẫn đề đã viết ở trên đây hoàn toàn trái ngược nhau. Bài báo đó chẳng có ý nghĩa gì ! ông Đỗ Duy Thường phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn đúng khi nói rằng : "kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là không thực chất".

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2006
Trần Đình Hỷ
Chuyên viên ban VHTT đã về hưu


(1) Lao động công ích theo pháp lệnh thì chính quyền phi tổ chức để dân đi làm. Thực tế họ không theo pháp lệnh, bắt dân phi nộp tiền 60.000 đ/người/năm để dễ bề tham nhũng.
(2) Quỹ bảo trợ an ninh mỗi gia đình 24.000 đ/năm, gia đình kinh doanh buôn bán 200.000 đ - 350.000 đ/năm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn