BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trả lời phỏng vấn báo Công Lý

02 Tháng Hai 200212:00 SA(Xem: 974)
Trả lời phỏng vấn báo Công Lý
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
 Phóng viên tờ Báo Công Lý phát hành tại Việt Nam đã có dịp tiếp xúc và phỏng vấn:

Phóng viên : Chúng tôi được biết ngày 9-10-2001 ông nhận được lệnh quản chế 2 năm của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh nhưng ông đã phản đối không chấp hành lệnh này. Mong ông vui lòng cho biết lý do ?

Nhà nghiên cứu Trần Khuê : Tôi phản đối lệnh quản chế này vì nó được căn cứ vào nghị định 31/CP do ông Võ Văn Kiệt ký hồi còn làm thủ tướng. Nghị định này đã bị nhiều người phê phán, trong đó có những người đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước phản đối vì nó vi phạm Hiến pháp. Nó giao cho các Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố quyền tuỳ tiện khép tội công dân rồi hạ lệnh quản chế, không cần thông qua thủ tục xét xử là thủ tục pháp lý thông thường mà bộ máy tư pháp bắt buộc phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt bộ luật Tố tụng Hình sự. Nghị định 31/CP đã biến Ủy ban ND - một cơ quan hành pháp - thành một cơ quan tư pháp. Đó là một hiện tượng không cho phép xẩy ra trong một xã hội văn minh có nền pháp chế dân chủ. Điều 72 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã ghi rõ : "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hịnh phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh". Đã đến lúc cần thành lập Toà án Hiến pháp để xét xử những người ký văn bản pháp lệnh, nghị định ... trái với Hiến pháp. Ngoài ông Võ Văn Kiệt còn có một số trường hợp khác như trường hợp ông Phạm Thế Duyệt hồi còn làm ủy viên thường vụ bộ Chính trị ký văn bản qui định 19 điều cấm đã tước luôn quyền tự do ứng cử và một số quyền công dân khác của hơn 2 triệu đảng viên.

Tôi đã đề nghị với chính quyền thành phố: Nếu tôi vi phạm pháp luật, yêu cầu đưa đủ chứng cứ ra xét xử công khai tại một Toà án, nếu tôi không vi phạm pháp luật, hãy tôn trọng quyền tự do công dân của tôi. Là một công dân của một nước dân chủ tôi có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và Luật pháp và tất nhiên không có nghĩa vụ tuân theo những gì trái với Hiến pháp và Luật pháp. Không thể nói như một số anh chị em Công an: "Trong khi Nghị định này chưa bị huỷ bỏ, yêu cầu anh cứ chấp hành lệnh quản chế". Vì lòng tự trọng công dân và tinh thần "thượng tôn pháp luật" tôi không được quyền sống và làm việc trái với Hiến pháp và Luật pháp. Đã có gan tình nguyện đấu tranh cho Tự do của nhân dân thì đẫu phải hy sinh tự do của bản thân, điều đó có gì hệ trọng. Quốc hội ta có trách nhiệm chất vấn và buộc Chính phủ phải huỷ bỏ ngay NĐ 31/CP . Tôi tin rằng bà luật sư Ngô Bá Thành và những đại biểu QH khác sành sỏi về luật pháp cũng không mong để tồn tại lâu hơn nữa cái vết nhơ này của nhà nước pháp quyền VN. Nhà nước VN hiện nay là một nhà nước pháp quyền, không ai được phép biến nó thành một nhà nước cảnh sát

PV : Vậy ông có gặp khó khăn gì khi không chịu chấp hành lệnh quản chế ?

NNC Trần Khuê : Họ yêu cầu tôi hàng tháng phải lên trình diện Phường. Tôi không đồng ý trình diện. Họ yêu cầu tôi khi ra khỏi phường phải xin phép Quận, ra khỏi thành phố phải xin phép TP. Tôi hỏi họ: vậy muốn ra khỏi cái thế giới còn đầy bất công này thì phải xin phép ai ?. Họ cười và khuyến cáo tôi không nên "tiêu cực". Thật đúng là một bi hài kịch: đã giữ độc quyền tham nhũng, còn cố giành nốt cả độc quyền "tiêu cực" .

PV : Chính quyền cho rằng việc ông và ông Phạm Quế Dương xin thành lập Hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng là phạm pháp ?

NNC Trần Khuê : Câu hỏi của ông tương tự với thắc mắc của ông Kevin L. Olbrysh, Phó Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ hôm 7-9-2001 đến thăm tôi tại nhà riêng: "Vì sao ông và ông Phạm Quế Dương thành lập Hội chống tham nhũng mà chính phủ Việt nam lại không ủng hộ các ông ?". Tôi trả lời: Vì Chính phủ tôi muốn giữ độc quyền chống tham nhũng. Rất tiếc hơn chục năm qua càng chống thì tham nhũng càng sinh sôi nẩy nở nên chúng tôi thấy cần phải vận động nhân dân cùng chống thì hy vọng tham nhũng mới hạn chế được. Tối hôm 5-9-2001, ông Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng bộ Công An có gặp tôi và nói rằng: "Các anh chỉ mượn danh nghĩa chống tham nhũng để chống nhà nước". Tôi nói: "Chúng tôi chống tham nhũng nhằm bảo vệ nhân dân và nhà nước. Nếu các anh có chứng cứ chúng tôi mượn danh nghĩa để chống nhà nước thì cứ việc đưa ra mà khởi tố. Còn chúng tôi thì lại có đủ chứng cứ để chứng minh rằng các anh chỉ hô hào chống tham nhũng nhưng thực chất thì đang tham nhũng hoặc đang bao che cho tham nhũng". Ông Hưởng lại khuyên tôi không nên tham gia việc lập Hội chống tham nhũng. Tôi cảm ơn lời khuyên đó và đề nghị ông Hưởng nên khuyên bọn tham nhũng đừng tham nhũng nữa thì chẳng ai phải lập hội hè đấu tranh gì hết. Ông Hưởng tỏ ra không hài lòng : "Nếu anh không nghe lời khuyên của tôi thì anh phải về ngay thành phố Hồ Chí Minh, tôi không cho anh ở lại đây nữa". Tôi trả lời rằng tôi đã ở Hà Nội hơn một tháng rưỡi rồi và cũng sắp về. Tôi cũng định sau khi đưa đám cụ Phạm Thị Tề, phu nhân của nhà cách mạng Vũ Đình Huỳnh, thì tôi cũng sẽ tạm biệt Hà Nội. Không ngờ chỉ do lệnh miệng của ông Hưởng mà người ta đã áp giải tôi ra sân bay Nội Bài để trục xuất ngay đêm đó. Đáng lẽ trục xuất công dân khỏi nơi tạm trú hay cư trú thì phải có lệnh bằng văn bản và phải có ít nhất là 24 tiếng đồng hồ cho người ta chuẩn bị. Đằng này không, thích trục xuất lúc nào là trục xuất luôn lúc ấy, không đếm xỉa gì tới pháp luật. Trục xuất kiểu ấy thì có khác gì chơi trò bắt cóc. Xem như thế mới thấy xây dựng được một xã hội văn minh thật cực kỳ vất vả. Dẫu sao cũng không có quyền mệt mỏi và nản lòng trong cuộc đấu tranh cho luật người thắng luật rừng.

PV : Nge nói ông có bị chỉ trích về tội đã liên hệ với nước ngoài

NNC Trần Khuê : Không thể coi đó là tội. Vì liên hệ với nước ngoài mà coi là có tội thì họ đã khởi tố rồi. Mà nếu như thế thì phải lập bao nhiêu toà án để xét xử cho xuể hàng triệu người, hàng vạn đơn vị, cơ quan quốc doanh cũng như tư doanh đang có công việc phải liên hệ với nước ngoài. Anh chị em công an cũng có hỏi tôi: "Phó Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Kevin L. Olbrysh và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Grover Joseph Recs đến thăm anh nhằm mục đích gì ?". Tôi nói : "Tôi không có trách nhiệm trả lời những câu hỏi loại đó, các anh muốn biết thì đi mà hỏi các ông ấy". Tất nhiên có thể hiểu ngầm với nhau rằng họ gián tiếp báo cho ta biết họ quan tâm đến việc bắt bớ và hành hạ những người chống tham nhũng và đấu tranh cho dân chủ. Vậy ta cũng nên "hành" nhau vừa phải thôi, kẻo chính phủ của họ ra tay can thiệp thì lại gây khó khăn và thêm mang tiếng cho chính phủ ta. Rõ ràng vụ bắt bớ câu lưu hơn hai chục người ngày 5-9-2001 vừa qua chỉ làm náo loạn thủ đô, có phần biểu hiện một sự thiếu bình tĩnh và tự tin, vô tình nối dáo cho ngoại bang. Việc trong nhà, ta cứ bình tĩnh gặp nhau, ôn tồn đối thoại bảo ban lẫn nhau, thế có êm đẹp hơn không. Thiết nghĩ, những việc làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và tư tưởng, lại vi phạm pháp luật như đã xẩy ra vừa qua cần được rút kinh nghiệm một cách nghiêm chỉnh, không nên tái diễn. Trong thời kỳ nước ta mở cửa, hội nhập với quốc tế, làm việc gì cũng cần trông trước trông sau, không thể tuỳ tiện như thời tiền Đại hội VI hoặc thời Cải cách ruộng đất. Theo tôi, việc chính quyền đưa tôi cũng như nhiều anh em khác ra đấu tố ở Tổ nhân dân hay Khu phố là tái diễn trò đấu tố thời CCRĐ, rất lỗi thời, chẳng có hiệu quả gì, chỉ nát được những kẻ yếu bóng vía. Lại biểu hiện một não trạng cũ mèm, sai luật pháp, gây trò cười cho thiên hạ và hậu thế.

PV : Có dư luận nói rằng ông tàng trữ văn hoá phản động, đồi truỵ và nhận tiền của nước ngoài, ông nghĩ thế nào ?

NNC Trần Khuê : Tôi là một người nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu khoa học xã hội. Việc lưu trữ và nghiên cứu tất cả các loại tác phẩm chính thống và không chính thống, phản động hay không phản động, lành mạnh hay đồi truỵ là thuộc trách nhiệm và quyền hạn của người nghiên cứu. Chưa có điều luật nào quy định hoặc cấm người nghiên cứu khoa học chỉ được đọc loại này và không được đọc loại khác. Trong thời gian vừa qua, nhất là vào những dịp ra Hà Nội làm việc, tôi nhận được những khoản tài trợ của đồng bào ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Tiền của bà con Việt kiều sao lại có thể gọi là "tiền của nước ngoài" ? . Chẳng qua đây là một lối nói lập lờ nhằm gây nhiễu dư luận với hy vọng tạo ra sự hiểu nhầm rằng "ông Khuê đang làm gián điệp cho nước ngoài". Những người tinh ý thấy ngay đó là lối tung tin đồn nhảm, phạm tội vu khống. Có đủ chứng cứ hẳn phải truy tố rồi. Chưa đủ chứng cứ thì phải bí mật mà theo dõi, chứ bắt bớ ầm ĩ, tung tin thất thiệt loạn xạ, đâu phải thuộc trình độ nghiệp vụ cao cường. Vả lại, trong thời buổi này nhận tiền của nước ngoài đâu có bị coi là xấu xa, tội lỗi. Nhận ngay mấy chục nghìn đô rồi đua nhau uốn lưỡi, bẻ cong ngòi bút, trắng trợn xuyên tạc lịch sử như Hội thảo Gia Long, Hội thảo Việt-Nhật cũng được làm ngơ, nhận vài trăm ngàn đô rồi cất biến quốc huy, quốc kỳ và tượng cụ Hồ như Hội thảo quốc tế Việt Nam học (1998) cũng đâu có sao. Chưa kể đến cái vụ nhận quà biếu một triệu đô của ông Đỗ Mười. Đúng là nhiễu nhương, trâu lấm vẩy quanh !. Tất nhiên, cũng cần đổi mới nhận thức và thái độ đối với đồng tiền; không nên chê tiền của thế giới tư bản như xưa nữa. Vấn đề là dùng những cái thứ tiền cho hoặc tiền vay của các nước tư bản vào mục đích gì, phải có sự công khai, minh bạch, sòng phẳng. Những ai lợi dụng chức quyền đã chót ăn bớt, ăn xén vào tiền vay nợ ở các dự án, hoặc ăn cắp công quỹ thì nên sám hối tìm cách hoàn trả công quỹ; trót gửi ngân hàng nước ngoài thì bảo nhau rút về (theo một nguồn tin đáng tin cậy thì số tiền các vị tham nhũng mang gửi các ngân hàng nước ngoài đã lên tới 2.225.000.000 USD (hai tỷ hai trăm hai mươi lăm triệu đô-la Mỹ). Tóm lại, việc dùng những khoản tài trợ của nước ngoài cho mục đích xây dựng và phát triển đất nước không thể coi là "phản quốc", Ngược lại, tham nhũng hàng triệu đô hoặc hàng trăm triệu đô của quỹ công rồi đem gửi ngân hàng nước ngoài mưu lợi riêng thì có nên ghép vào tội phản quốc hay không ?. Về thực tế này, Quốc hội cũng nên thảo luận và ghi thành luật rõ ràng để tránh sự mơ hồ, lẫn lộn hoặc cố tình "buông lỏng lãnh đạo" cho cánh tham nhũng tha hồ hoành hành ngang ngược.

PV : Ông có dự định kiện những người làm sai pháp luật ?

NNC Trần Khuê : Dứt khoát tôi phải kiện những cá nhân và cơ quan đã làm sai pháp luật trong số đó có ông Mai Liêm Trực, tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và ông Lê Minh Hương bộ trưởng Bộ Công An. Dù việc thi hành sai pháp luật là đo các ông ấy ra lệnh hay do các nhân viên dưới quyền lộng hành tuỳ tiện thì các ông ấy vẫn phải chịu trách nhiệm. Tội quy vụ trưởng mà !. Những hành động tuỳ tiện bóc thư riêng, cắt điện thoại, ngăn cản việc truy cập internet, cũng như những hành động trục xuất, bắt giữ người, thu giữ trái phép tài sản nhân dân (máy vi tính và tài liệu nghiên cứu) vô thời hạn, đưa công dân vô tội ra trước tổ dân phố để vu cáo, lăng mạ, sỉ nhục danh dự ... Tất cả đều là vi phạm luật Hình sự. Luật Hình sự đã ghi rất rõ: "Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được đưa truyền bằng phương tiện viễn thông và máy vi tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm" (Điều 125). "Người nào bịa đặt loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm". (Điều 122). Với những người "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" để vi phạm, luật còn quy định nặng hơn: "Người phạm tội còn có thể bị phạt từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm". Bộ luật Hình sự cũng ghi rất rõ tội vi phạm quyền lập hội : "1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào ...thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm , 2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". (Điều 129).

Nhiều người nói: "Họ phạm pháp thật đấy nhưng ông kiện thì ai xử ?". Đúng !. Hiện nay, do nể nang hoặc sợ hãi hoặc do cố tình phớt lờ luật pháp để bao che cho nhau nên dẫu phạm pháp rành rành nhưng Toà án pháp lý chưa thể đem ra xét xử những người quyền cao chức trọng. Nhưng họ chỉ có thể chạy thoát được Toà án pháp lý trong hiện tại chứ sao thoát được Toà án dư luận, càng không thể thoát nổi Toà án lịch sử. Riêng tôi, tôi thông cảm với ông Lê Minh Hương, vì ông muốn chứng minh rằng việc chúng tôi thành lập Hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng là không phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân thì sẽ vấp phải muôn vàn khó khăn và hầu như không thể vượt qua nổi. Miệng hô chống tham nhũng mà lại ra tay khủng bố những người tình nguyện chống tham nhũng thì có khác gì tự nhận rằng mình là kẻ tham nhũng hoặc kẻ bao che cho bọn tham nhũng ?. Có tham nhũng tất nhiên phải có đấu tranh chống tham nhũng . Cần nhớ rằng khủng bố những người lập Hội chống tham nhũng không có nghĩa là thủ tiêu được lực lượng và phong trào chống tham nhũng của Nhân dân. Chỉ khi nào trừ khử hết tham nhũng thì mới hết người chống tham nhũng. Chân lý giản dị đó có gì khó hiểu ?. Ông bà xưa đã đậy; "Phải để lại âm đức cho con cháu". Nhiều kẻ cứ cố tình quên lãng lời dạy này nên đã để lại nỗi nhục cho con cháu và dòng họ bằng những việc làm thất đức, thất nhân tâm. Cũng chớ quên rằng ngoài luật rừng và luật người, còn có luật trời nữa. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, cái gì đã chết thì phải chôn. Không thể chấp nhận cái thứ luận điệu "chết nhưng không thể chôn được". Doanh nghiệp nhà nước nào thua lỗ triền miên thì giải thể ngay đi, đừng có luyến tiếc giữ lại với lý do nó cần có mặt để giữ vai trò chủ đạo, không thể lấy tiền thuế của nhân dân tiếp tục bù lỗ, nuôi béo bọn tham nhũng, đẩy nhân dân vào kiếp đói nghèo và có cơ chết theo. Kẻ nào cả gan chống lại luật trời - còn gọi là quy luật thì không thể tránh được sự đào thải. Hùng mạnh và vĩ đại như siêu cường Liên xô trước đây mà làm sai quy luật, chống lại quy luật còn không đứng vững nỗi, huống hồ ... Tỉnh ngộ càng sớm càng tốt.

PV : Xin cảm ơn ông

L. Mai Thanh (thực hiện)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn