BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31166)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đi lính

25 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 2405)
Đi lính
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Dân gian miền Nam thường nói:

“Dưa leo chấm với cá kèo
Con nhà nghèo mới học Normale *
(trường Sư Phạm) …”

Ấy vậy mà tình cảnh chẳng thương người, đã nghèo lại mắc cái eo!… Tốt nghiệp rồi, chờ ngày bổ nhiệm làm Thầy, làm Bà với thiên hạ, để có chút lương tháng khấm khá thì lại nhận được trát đòi đi nhập ngũ tòng quân!… Tiếp nhận lệnh động viên mà lòng buồn vô hạn vì nhiều nỗi, nỗi nhà, nỗi lòng và nỗi yêu niềm nhớ.

Nhà nghèo, mái xép trong xóm lao động, cha anh làm thư ký hãng buôn, lương tháng đủ nối hai đầu, với một bà mẹ sớm khuya tần tảo, cùng một cô em đang đi học, nhưng chẳng biết còn học được bao lâu?… Những tưởng chớp được mảnh bằng Sư Phạm là nhất thiên hạ, sống đời “agodautre ” (1), sáng chiều hai buổi vui với trẻ thơ, ít ra cũng được như Cao Bá Quát:

Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng.
Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng…

Ấy vậy mà không, trót ẵm lệnh động viên, thôi là hết cảnh:

“Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi ”.

Còn nhớ ngày cuối khoá Sư Phạm, trên chuyến xe buýt về nhà, trước khi đến trạm cuối, cô bạn thân bỗng nhiên chìa tay ra bắt như Tây Đầm mà nhắn nhủ:” Không đi thì tốt hơn”. Một cử chỉ lạ, một lời gợi ý ngắn ngủn mà kỳ khôi, lòng hỏi lòng mà suy nghĩ mãi không thôi. Gì thì gì, trót đã vào danh sách công nhân viên chức nhà nước thì làm sao mà trốn lệnh đây?…

Còn cô em gái Sư Phạm kia nữa, nghĩ đến cảnh chia tay, người đi kẻ ởem sẽ khóc như mưa ngâu, xót tim héo ruột, nhưng phải làm răng chừ?… Vì:

Anh đi rồi vầng trăng tròn tan vỡ,
Rụng xuống đời từng mảnh vụn liêu trai (2)

Dùng dằng nửa ở nửa đi, Ở thì phải trốn chui trốn nhũi, đi thì chỉ còn con đường “ra bưng”, đằng nào cũng không dễ gì gặp em, mà đi thì xa cách nhớ thương!… Tại sao lại có đợt động viên gì mà quái ác?…

*****

Số là vào năm 1951, chiến trường Việt Nam bỗng dưng sôi động hẳn lên, nặng nề nhất là miền Bắc. Tướng De Lattre de Tassigny– Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Viễn Chinh Pháp ở Viễn Đông, kiêm Cao Uỷ Phủ Pháp tại Đông Dương, tới Việt Nam được khoảng 6, 7 tháng gì đó, đã chủ trương thành lập một Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thật hùng mạnh để sát cánh chiến đấu bên cạnh lực lượng viễn chinh Pháp, và sớm thay thế Pháp trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Nhân lễ phát phần thưởng ngày 11 tháng 7 năm 1951 cho trường Tây Chasseloup Laubat ở Sàigòn, ông đọc một bài diễn văn kêu gọi tinh thần trách nhiệm của trí thức Việt Nam. Ở đoạn gây chấn động nhiều nhất cho giới trẻ Việt Namlúc bấy giờ, ông dứt khoát: “Hãy xử sự cho xứng danh con người, nghĩa là nếu theo cộng sản thì các bạn nên đứng vào hàng ngũ Việt Minh, vì bên đó có những con người chiến đấu tài giỏi cho một lý tưởng sai lầm. Nhưng, nếu yêu nước thì các bạn hãy chiến đấu cho Tổ Quốc mình, vì đây là cuộc chiến của các bạn … Dù muốn, dù không thì cuộc hiến tranh này là cuộc chiến của Việt Nam, cho đất nước Việt Nam…”(3)

Phải chọn một trong hai hướng đi, dĩ nhiên là hướng đi của người yêu nước, không cộng sản. Vậy là len lén khăn gói quả mướp lên đường nhập ngũ tòng quân, không dám đến từ giã người em yêu Sư Phạm, vì sợ cảnh nước mắt ngập phố phường.

Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm (4)

Ấy thế mà em vẫn theo dõi, biết được ngày giờ lên xe nhập trại nên đã lái xe nhà chạy theo đưa tiễn một đoạn đường. Chẳng còn cảnh nào nát lòng hơn, một chiếc xe con rượt đuổi theo, để rồi phai lần, phai lần đàng sau đám mây khói bụi của một chiếc xe GMC to tướng. Thế là biền biệt một cõi đời dân sự, càng lúc càng lùi xa khi chiếc xe tải, tiến lần vào những đoạn đường đồng quê, thôn dã, lên đồi xuống trũng của miệt Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức).

Cuối con đường quanh co, bụi mù đất đỏ, chiếc xe đổ đoàn người ngơ ngáo xuống một vùng đồi như hoang vắng, mù trời mây bụi của mấy chiếc xe ủi đất, ban nền. Xa xa, một vài ngôi nhà gạch có lầu, tường vôi mái đỏ, năm ba dãy nhà lá mới cất, trong một vòng rào kẽm gai. Một cứ điểm nhà binh giữa một miền đất mênh mông, thơ mộng mà thù địch. Dư luận cho rằng nơi đây trước kia là một trạm viễn thông, dấu vết còn lại là một vài cột phát tuyến cao nghều nghệu bị bỏ quên.

Sau thủ tục hành chánh và tiếp liệu, những con người, mới đó còn là bạch diện thư sinh, giờ đã là những chàng “lính tẩy” tay mơ, đi chưa đều bước, hàng lối lang bang. Càng nản hơn nữa là khi chui vào những dãy nhà lá, vách phên nền đất, ghế bố tủ cây, được gọi là trại quân của trường Sĩ Quan Trừ Bị. Cơm dọn chưa ăn, sâu bọ trên mái lá (chưa khô cứ lợp bừa), thi nhau nhảy dù xuống thức ăn, dẫu là đồ chay cũng thành đồ mặn. Ngủ đêm, sáng dậy sâu bọ đầy nó mùng, sâu bọ chèn lách vào tận bên trong, lăm le lên làm người. Thế nhưng, làm người chắc gì đã sướng bằng làm sâu bọ, vì làm người thì ăn phải có nơi, ngồi cho đúng chỗ, mà ngồi để thải chất dư thừa của bộ máy tiêu hoá lại càng phải có chỗ nhất định. Vậy mà, đã mang tiếng là Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị, lại không có được một nơi chốn đàng hoàng để làm chuyện chẳng tốt đẹp gì, nhưng không làm không được. Nơi ăn chốn ở đã dã chiến thì hố xí cầu tiêu làm sao mà hơn được. Cho nên xa xa, cách khu nhà ở, người ta dựng nên một dãy nhà nho nhỏ để cho hàng trăm con người “giải toả bầu tâm sự thối tha”, mùi xú uế bị trấn áp bằng một thứ bột khử trùng. Thế nhưng, những hôm có gió nghịch chiều thì khu nhà ở lãnh đủ, nào mùi hôi thối thoang thoảng, nào bột khử trùng bay bám tứ tung. Để tạm thời giải quyết vấn đề, khoá sinh đồng lòng quyết định chỉ sử dụng nơi chốn ấn định kia trong trường hợp khẩn cấp và bất khả kháng, hay trong đêm đen, tôí trời. Những khi thuận tiện thì những người Sinh Viên Sĩ Quan hào hoa phong nhã, những kẻ điều binh khiển tướng tương lai, đành chịu khó chui rào sang bãi đất trống ven bũi rậm để làm “phó cho quận công” (5)

Đèn đóm lôi thôi, nước nôi hạn chế, trong khi khoá sinh thì cứ nhận vào ào ạt vì sợ bỏ sót thì nó trốn mất Thao trường đổ mồ hôi, thân người nhớp nháp mà nước tắm thì nhỏ giọt, tiếp tế bằng xe bồn lấy từ quận lỵ Thủ Đức xa xôi để thoả mãn cho hàng trăm người trong một thời hạn nhất định thì làm sao cho kịp và đầy đủ?…

Túng thì phải tính, thiếu thì phải xoay, nhân một chuyến nhàn du lang thang đây đó quanh trường, anh em khoá sinh tìm ra được một nguồn nước thiên nhiên, Trời cho, Phật tặng, ở một cái giếng của chùa Phước Tường, cách vòng rào quân trường khoảng 300 thước. Vậy là một đồn mười, mười đồn trăm, Sinh Viên Sĩ Quan ùn ùn kéo nhau qua giếng tắm giặt. Cho đến một hôm, một loạt súng nổ, đe dọa sinh mạng của những người đang tận hưởng khoái lạc của nguồn nước thiên nhiên, làm cho việc sử dụng nước giếng bị trường cho lệnh cấm. Cấm thì cấm nhưng cũng châm chế vì trường không giải quyết được trọn vẹn, nên cứ phiên phiến, ai làm người nấy chịu nếu có chuyện gì xảy ra.

Tiện nghi tạm bợ, điều kiện sinh sống chẳng giống ai cho nên, để gọi là bù đắp lại, trường cũng nới tay về mặt quân phong quân kỷ. Những ngày cuối tuần được nghỉ ngơi, nhưng chưa được quyền xuất trại, vì chưa có tác phong của con nhà lính, noí là gì đến tính nhà quan, nên quan Tây không thể cho đi phép về thăm nhà. Thương con, nhớ chồng, vả lại tin đồn sao đó, nên gia đình nườm nượp, thuê mướn đủ mọi thứ phương tiện, kéo lên ngọn đồi, trước kia chẳng ai biết đến, giờ đâm ra nổ danh.

Sáng Chủ Nhựt, một vùng đồi hoang dã bỗng dưng đông đúc người dân thường. Nam, Phụ, Lão, Ấu đủ cả, áo quần đa diện, màu sắc tươi mát so với những bộ quần áo nhà binh xám xịt, nặng mùi ka ki. Rồi thì, từng nhóm, từng nhóm, các gia đình trải chiếu, trải tấm bố, làm những cuộc vui chơi dã ngoại, sum họp và ăn uống giữa đồng. Những cặp vợ chồng son, những đôi trai gái đang thuở yêu thương, dìu nhau đi dạo lùm cây, đi ngắm luỹ tre để rồi biệt tích ngắn hạn vì những nhu cầu thầm kín dễ thương. Những ai không có người thăm thì thay thường phục, nhảy xe thổ mộ đi Thủ Đức ăn bún, ăn nem, bù lại những ngày cơm nhà binh khó nuốt. Chiều Chủ Nhựt, đoạn đường Tăng Nhơn Phú Thủ Đức trắng ngợp khách bộ hành, kẻ lên quân trường, người xuống thị xã, “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm ”. Quan Tư Tây, Chỉ Huy Trưởng quân trường, hai tay chống nạnh, đứng trên mỏm đất cao ở cổng trại, nhìn đoạn đường dốc đổ xuống mà lắc đầu mỉm cười, chẳng biết nói sao. Nói gì bây giờ, khi mà chính sách muốn nhà trường phải nương tay với đám Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị đầu tiên, và hơn nữa, nhà trường không đủ phương tiện để áp dụng kỷ luật và trật tự. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài ba tuần gì đó thôi, vì có một chiều Chủ Nhựt nọ, trạm gác cổng vào mở một cuộc chận xét những chàng trai “nhảy dù” đi phố về. Thế là ghi tên, cảnh cáo, răn đe, nhưng may mắn chưa đến giai đoạn trừng trị. Tuy nhiên, là những con người có trình độ và ý thức trách nhiệm, nên sau đó phong trào xuất trại tự do kia đã ngưng và quân trường cũng bắt đầu cấp phép cuối tuần, vì khoá sinh đã qua được giai đoạn huấn luyện căn bản quân sự. Có dáng đi kiểu đứng nhà binh, quân phục chỉnh tề, biết chào kính, thuộc lòng quân phong, quân kỷ.

Mỗi sáng thứ Bảy là một đợt kiểm soát trật tự nội vụ, quân phục đàng hoàng, giày đinh ba đá bóng láng, chăn giường ngay ngắn, súng ống lau chùi, con tim đập pập phồng chờ Huấn luyện viên khám xét. Phải qua được cơn thử thách đó mới mong có được tấm giấy phép về thăm gia đình, gặp người “em bé nhỏ xinh xinh”, hay dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi chơi. Có phép thì khoá sinh được xe tải của trường đưa về Sàigòn, thả xuống đường Tự Do (trước trụ sở Quốc Hội) và chiều Chủ Nhựt rước trở về. Chuyến đi phép vui nhộn bao nhiêu thì bận trở về buồn thảm bấy nhiêu vì nhớ thương vương vấn, tình cảm mông lung.

Cho nên sáng Thứ Hai nào, quân trường như không muốn thức giấc, nhưng không cưỡng nổi với tiếng kèn dựng dậy của “Trường Kèn”. Cũng là khoá sinh nhưng anh Trường chịu chơi đem theo một cây kèn đồng và sáng nào anh cũng lưng trần, quần lót, đầu đội mũ rừng (chapeau de brousse) đứng trên mỏm đất cao mà thổi điệu kèn báo thức của nhà binh Tây, có âm thanh nghe tựa hồ :”Đứa nào thức chưa, đứa nào chưa thức, đứa nào thức rồi, đứa nào ngồi đây ”. Cho nên ngái ngủ mấy, anh em cũng phì cười mà trỗi dậy để bước vào một ngày “Thao trường đổ mồ hôi cho chiến trường không đổ máu ”.

Chương trình Quân huấn rất đa dạng, Trung đội này tập cơ bản thao diễn, ắc ê đều bước, quẹo phải, rẽ trái, đàng sau bước trong đội hình. Đại đội kia, súng ống đầy người nhưng không có đạn, súng nhỏ, súng lớn, kéo quân ra khỏi vòng rào, vào chốn bụi rậm, nghiên cứu địa hình, xem xét cảnh vật, băng cây lướt cỏ, học cung cách tác chiến. Học ngoài trời có mà học trong lớp cũng có, qua những giờ lý thuyết về chiến thuật, chiến lược, về súng ống, lựu đạn và mìn, về kỹ thuật ô tô, về quân phong quân kỷ, về hành chính quân sự, … Trong ngày học thì vùng đất trong vòng rào và ngoài vòng rào rộn rịp hẳn lên, người đi dọc kẻ đi ngang, nơi bụi mù bay, nơi cây cành bị quấy nhiễu. Nghe qua thì chẳng thấy gì nhưng vào thực tế mới thấy đổ mồ hôi, mờ con mắt. Cho nên sau một ngày quân huấn, đêm về ngả lưng là đôi mắt cứ híp lại, không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện nhớ thương, đến nỗi tương tư. Những đêm cuối tuần, tinh thần sảng khoái vì thoát được mấy ngày nhọc xác và với viễn ảnh của những ngày phép cuối tuần, tuổi trẻ rộn ràng, lòng Xuân phơi phới. Thậm chí những anh có tuổi hơn, nhưng bị lính bắt bừa, cũng tạm xếp niên kỷ lại qua một bên mà vui đùa cùng tập thể. Thế là từng nhóm, từng nhóm, tùy theo sở thích, đàn hát, đánh cờ, đánh bài, chuyện trò tán gẫu, đọc sách xem báo … Với phương tiện hạn hẹp, nhiều tay đàn, nhiều miệng hát hợp lại thành một ban nhạc với những nhạc cụ cá nhân từ nhà đem đến. Riêng tay trống, thiếu nhạc cụ, thì lấy thùng mà đập cũng giữ được nhịp điệu cho bạn bè. Thế là mua vui cũng được một vài trống canh.

Thao trường mồ hôi nhễ nhại, phung phí ca lô, tuổi trẻ thì cần ăn, vậy mà ăn uống chỉ gọi là. Sáng ra, một khúc bánh mì, một hộp cá mòi dầu chia hai, hoặc một miếng phô mai “con bò cười”, kết thúc bằng ca nước trà đen. Cơm trưa, cơm chiều, nhân viên phục dịch nhà bếp, quần đùi lưng trần bóng lưỡng mồ hôi, gánh tới phân phối cho từng nhà ở. Ở đâu ăn đó, một đầu nhà nơi ngủ, đầu kia “phòng ăn”, bàn dài, ngồi băng. Cơm thúng, canh thùng, thức ăn nay này, mai nọ, đói no gì cũng phải nuốt, không thì chịu đói Chất uống là một thứ coi như trà, chẳng biết là trà gì mà cứ nâu nâu?… khi đục, lúc trong, binh sĩ thường vụ khi mang lại thường khôi hài la to:” Nước đục lại!…”. Một hôm, thức ăn quá tệ, khoá sinh đồng lòng bỏ ăn, mang thùng thiếc, lon nhôm ra đập rùm beng để báo động với Ban Chỉ Huy. Một hành động không thể chấp nhận được trong nhà binh, nhưng vì điều kiện vật chất chưa hoàn chỉnh nên nhà trường cũng phiên phiến, kêu đại diện khoá sinh lên nói chuyện với Ban Ẩm Thực mà đặt điều kiện lại với nhà thầu cung cấp thức ăn. Cuộc tuyệt thực và phản đối rùm beng vì ăn uống có lẽ chỉ xảy ra độc nhứt ớ khoá 1 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Vào những ngày cuối khóa, Sinh Viên Sĩ Quan phải áp dụng thực tế đời sống chiến binh, nhưng cũng phần nào phiên phiến bằng cách đi tập bắn đạn thật và đêm đêm nằm hố cá nhân canh phòng vòng đai quân trường. Một thân, một mình, cây súng có đạn thật trong tay, nằm lỗ đất đêm đen vừa sợ ma, vừa ngán việt cộng, cho nên, đôi khi có tiếng súng lẻ tẻ đêm trường, như để hâm nóng lòng can đảm, hâm nóng nỗi bạo gan, dù không đúng luật. Sĩ quan trực có hỏi thì đáp bừa vì có bóng người, gọi không thưa mà cũng không đứng lại. Thế là cười trừ. Sĩ quan cán bộ cũng nghĩ tình thông cảm. Đi bắn thì phát trúng bia, phát đi đâu mất, gọi là “gởi đạn về làng” . Ngắm bắn thì mắt nhắm, mắt mở nhưng vì sợ tiếng súng inh tai nhức óc nên nhắm cả hai, nên đạn cứ bay đi biền biệt.

Thế nhưng không phải mấy ông “quan thầy” đều như nhau, đều yêu thương khóa sinh trong tinh thần sư phụ. Sĩ quan cán bộ trường Thủ Đức có cả Tây lẫn Ta, có ông vầy, ông khác. Ong thì nghiêm khắc, ông thì nghiêm mặt lấy gân - nhất là người Việt, ông thì dễ tính qua loa. Có ông quan ba Tây, thấp người lại béo tròn trông như bao gạo, xuất thân từ hàng binh sĩ nên rất dễ thương. Một hôm trên đường đi rỏn đêm, bắt gặp một sòng bài đang hăng say sát phạt bằng tiền mặt. Thế là vi phạm kỷ luật nhà trường, “lãnh củ” là cái chắc. Nhưng không, quan lại xin nhảy vào một tay và gom gần hết vốn liếng của các dân chơi. Sòng bài đương nhiên rã đám, trong cảnh buồn lòng của những kẻ mất tiền, vì cạn phương tiện, may mắn thay, quan Tây vui cười trả tiền lại và còn biểu diễn tài tráo bài, đánh lận, ăn gian cho thiên hạ lé mắt chơi. Với thí dụ cụ thể đó, ông khuyên các Sinh Viên Sĩ Quan không nên chơi bài ăn tiền, trước mắt là bị kỷ luật và sau này có thể tán gia bại sản.

Quan Tây thì xề xòa xí xóa, trái lại quan Ta thì hách xì xằng, thích “giựt le”, như chừng có mặc cảm, phải ra oai, phải đánh phủ đầu, “cần cho tụi mày biết tay”. Ông là Trung Uý, quan hai. Thời đó mà làm quan hai không phải là nhỏ mà lại chức vụ Chỉ Huy phó quân trường, dưới quyền quan tư Tây. Đêm về, ông hay đi đến nơi này nơi nọ để truy lùng vi phạm một cách chi ly, bươi móc, làm như không phạt là ăn ngủ không yên. Cá nhân không ưa thì không nói gì, đàng này tập thể ghét nữa thì có ngày gậy ông đập lưng ông. Có dự mưu nên một phòng đặt người canh chừng, thấy ông hướng về phía mình là ra hiệu. Khi ông bước vào phòng có tiếng hô to “Phắc”, cả buồng ở tư thế đứng nghiêm nhưng ông vội vàng quay gót trở ra ngay, vì toàn thể đều trần truồng như nhộng. Từ đó về sau, ông nhẹ phần gay gắt và chỉ đi phớt qua, không buồn vào bất cứ một nơi nào. Không những Sinh Viên Sĩ Quan khổ vì ông, mà vợ con lính, thường lén lút đưa chè cháo, nước giải khát đến trại khóa sinh bán. Chẳng may bị quan hai phụ tá bắt được là sẽ bị rượt đuổi làm chè cháo tung tóe. Cho nên quan phụ tá được gắn cho bí danh “hai chè”, một tước hiệu gắn bó với ông mãi không thôi.

Với những bận rộn đời lính, tám tháng quân trường qua nhanh như gió thổi mây bay. Cứ như mới hôm nào, ấy thế mà ngày tháng đã qua đi. Chuyện tập tành đời lính có ảnh hưởng đến cái chết vậy mà cứ tưởng như bông đùa, vừa học vừa chơi, cứ như thuở tiểu học hay trung họcvì trường dễ dãi chủ trương nới tay đối với những người bị bắt buộc ở thế trừ bị. Thế nhưng, đến thăm quân trường vào khoảng giữa khóa, Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, dứt khoát đánh tan ảo tưởng :” Những ai định trở về mái ấm sau mười tám tháng phục vụ sẽ hoàn toàn thất vọng”. Như vậy có nghĩa là không còn hy vọng trừ bị nữa, cũng hiện dịch như Sĩ Quan tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt. Thật ra thì đạn thù đâu có phân biệt đối tượng, ai cũng như ai, một viên đạn đúng chỗ nhược thì hiện dịch hay trừ bị gì cũng phải mặc sơ - mi gỗ như nhau!

Ngày thi tốt nghiệp, cũng chẳng thấy có gì khác, không phập phồng lo âu đậu hay rớt, cứ tự nhiên vào lớp, tự nhiên làm bài vì chuyện học hành gần như đương nhiên, ngày nào cũng ôn tập, cán bộ nhắc đi nhắc lại, ngày một ngày hai thứ gì rồi cũng vào đầu, gần như phản xạ tự nhiên, điều mà sinh hoạt quân sự cần nhiều nhất. Điểm của môn tác chiến có hệ số cao nhất, nhưng cũng chưa bằng điểm tình cảm (code d’amour) mà Sĩ Quan cán bộ ban bố cho khóa sinh. Cùng một số điểm ở bài học mà số điểm tình cảm cao hơn là người tiếp nhận đứng trên là cái chắc. Cho nên, trong khóa học mà được Sĩ Quan cán bộ thương là cầm chắc đậu cao. Có kết quả xong, điều hấp dẫn mà cũng hồi hộp hơn hết là phiên họp chọn nhiệm sở. Chọn theo đẳng cấp ưu tiên của thứ hạng thi mãn khóa. Những ai đậu cao thì chọn được những chỗ không phải đương đầu với đường tên mũi đạn, được ngồi bàn giấy Tham Mưu, được ở Văn Phòng. Những người thứ hạng xa vời thì chọn Bộ Binh phía Nam, miền Trung hay đất Bắc, đi địa đầu giới tuyến hay đồn luỹ xa xôi. Những ngày học tập vui bao nhiêu thì khi lựa chọn đơn vị rôì, mới bắt đầu thấm thía, lo âu.

Ngày mãn khóa (31- 05 - 1952) được đánh dấu bằng một lễ quân sự trọng thể, dưới quyền chủ tọa của Thủ Tướng Chánh Phủ Trần Văn Hữu. Anh Phạm Kim Quy, người đậu thủ khoa, giương cung bắn tên đi bốn phương trời, như nói lên tinh thần:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả trả vay,
Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

(“Chí làm Trai” Nguyễn Công Trứ)

Sau cùng là một lễ liên hoan dạ vũ tại phòng Khánh Tiết của Tòa Đô Chính Sàigòn cùng với gia đình và thân thuộc để rồi hết phép lại khăn gói lên đường đi khắp miền đất nước.

Ruộng, rừng Cà Mâu, muỗi bay như sáo thổi,
Đêm lẫn ngày hí hửng vây quanh.


Một vùng nước mặn quanh năm, đêm đen khấy nước là đầy ánh huỳnh quang, muỗi bay rần rộ, cứ quơ tay là bắt được, trâu nhà giàu ngủ cũng có mùng!… Ngày lên đường, mẹ già nhang đèn đỏ rực các bàn thờ, khẩn cầu Trời Phật, nguyện xin tổ tiên gia hộ độ trì cho con trẻ trên đường binh nghiệp, tai qua nạn khỏi, tên đạn tránh người. Cha già trầm ngâm, chẳng nói, chẳng rằng, tâm tư như chết nghẹn. Nói gì đây cho người con đi lính ?… Trước mặt là một vùng không gian vô tận đầy dẫy biến số và những điều vô định không tên.

KQ PHAN NGUYỄN MINH MINH
(trích”Niềm Vui Cuối Đường”)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn