BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đơn kiện ông Bộ Trưởng Công An và Tổng Cục Trưởng Bưu Điện

10 Tháng Giêng 200212:00 SA(Xem: 1002)
Đơn kiện ông Bộ Trưởng Công An và Tổng Cục Trưởng Bưu Điện
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Độc lập -Tự do - Hạnh phúc

 TP Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng Giêng năm 2002


 Đơn kiện ông Bộ Trưởng Công An và Tổng Cục Trưởng Bưu Điện

 Kính gửi:

 - Ông Hà Mạnh Trí, Viện trưỏng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

 - Ông Trịnh Hồng Dương, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

 Thưa hai ông,

 Chắc hai ông ngạc nhiên khi đọc đơn kiện này. Và nhiều người chắc cũng ngạc nhiên chẳng kém gì hai ông. Đất nước mình từng trải qua hàng nghìn năm nô lệ phương Bắc, lại thêm hàng trăm năm nô lệ phương Tây nên di căn tâm lý nô lệ rất nặng nề, sâu sắc. Mấy ai dám nghĩ đến việc đâm đơn kiện các đại thần hoặc các quan chức thực dân cao cấp. Do đó, những người sớm có ý thức tự dođân chủ can đảm vạch tội vua, tội thực dân một cách công khai như các ông Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc... quả thật cực kỳ hiếm hoi và cao quý.


 Cũng chẳng cần nhiều thông minh mới hiểu rằng cả hai ông đều không đủ gan sử dụng quyền lực để xét xử những người như ông Lê Minh Hương, một ủy viên BCT lại đứng đầu một bộ máy chuyên môn bắt bớ giam cầm, cho dù ông ấy có vi phạm pháp luật. Biết thế nhưng tôi vẫn thảo lá đơn này nhằm chứng minh một cách hùng hồn rằng:


 1/ Chúng ta đang sống trong một nhà nước pháp quyền dân chủ.

 2/ Lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước có độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì, vẫn mang ý nghĩa bất hủ.

 3/ Nhắc nhở cho con cháu luôn luôn nhớ rằng mình là người công dân kiêm chủ nhân đất nước; trong quá khứ ông bà mình đã kiên quyết không chấp nhận thứ độc lập bánh vẽ, thì trong hiện tại và trong tương lai mình cũng chớ chấp nhận thứ tự do dân chủ bánh vẽ. Hơn trăm năm qua, cả một dân tộc hy sinh đấu tranh vì độc lập - tự do không phải để cuối cùng lại cam nhận một thứ tự do hình thức, chỉ nằm trên văn bản , trên giấy.

 Hiến pháp ghi rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ; (Điều 69).

 Bộ luật Hình sự ghi rõ: Người nào chiếm đoạt thư , điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đén năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. (Điều 125)

 Vậy thử hỏi việc ông Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ra lệnh hoặc làm ngơ, dung túng cho nhân viên bưu điện của mình bóc trộm bức thư bảo đảm của công dân Trần Khuê gửi cho công dân Hoàng Minh Chính rồi chuyển cho cơ quan Công an để cơ quan này hạch sách công dân Trần Khuê thì đã là hành vi trái Hiến pháp và luật pháp hay chưa?

 Vậy thử hỏi ông Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ra lệnh hoặc dung túng cho nhân viên bưu điện cắt điện thoại và ngăn cản việc vào mạng internet của công dân Trần Khuê và mấy chục công dân khác vô thời hạn đã phải là hành vi vi phạm Hiến pháp và luật pháp hay chưa? (Ấy là chưa kể tới việc ông Trực còn ra lệnh khóa điện thoại di động hai chiều, đồng thời không chịu trả lại tiền mà ông Khuê đã mua card của hai hãng quốc doanh Vinafone và Mobifone. Cửa quyền đến mức đó thì đúng là độc nhất vô nhị trong thế giới văn minh hiện đại!)

 Vậy thử hỏi việc ông Bộ trưởng công an Lê Minh Hương thông đồng với ông Tổng cục trưởng bưu điện Mai Liêm Trực rồi ra lệnh hoặc dung túng cho các nhân viên công an hạch hỏi công dân Trần Khuê về việc gửi cho công dân Hoàng Minh Chính bức Thư ngỏ gửi đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rồi tùy tiện gán cho tội tán phát tài liệu và phạt hai triệu đồng, như thế đã là có hành vi trái với Hiến pháp và luật pháp hay chưa?

 Tất nhiên, tôi không chấp nhận việc nộp phạt và phản đối hành vi phi pháp ngang ngược đó. Chính mình làm sai pháp luật lại ỷ thế đè ra phạt người làm đúng pháp luật. Thậm vô lý! Kêu gọi mọi người góp ý kiến, người ta nhiệt tình góp ý kiến xây dựng, đúng thì theo, không đúng thì góp ý lại, hà cớ gì mang nhau ra hành tội. Đã gọi là thư ngỏ thì ai đọc chẳng được. Làm gì có điều luật nào cấm viết thư ngỏ hay cấm đọc thư ngỏ. Cũng chẳng có điều luật nào ghi cái gọi là tội phát tán tài liệu.. Chúng tôi đã từng chất vấn ông Hữu Thọ và ban Tư tưỏng - Văn hóa trung ương trong một cuộc hội thảo: Thế những quan điểm sai hoặc ý kiến sai thì có quyền phát tán trên báo Nhân Dân, tạp chí Triết Học hay trong các hội thảo khoa học được không? Trong các tác phẩm Không được phép xuyên tạc lịch sử !, Đôi điều bàn về văn hóa, Đối thoại năm 2000, Đối thoại 2001... , chúng tôi đã thẳng thắn phê phán những quan điểm sai loại đó. Sao lại có thể kiêu ngạo đến mức cái gì cũng tự cho mình là đúng, rồi lại tự ban cho mình cái độc quyền phát tán. Suy nghĩ và hành xử như thế phải chăng là đã đi ngược với chủ nghĩa Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh mà các ông đang hô to là phải theo và phải bảo vệ?

 Sau hai tuần gửi bức Thư ngỏ đến Tổng bí thư, khi ra làm việc ở Hà Nội, tôi có gọi điện thoại trực tiếp để hỏi xem ý kiến của đồng chí Nông Đức Mạnh như thế nào. Tôi vô cùng kinh ngạc khi nghe đồng chí TBT trả lời rằng: Tôi chưa nhận được, để tôi hỏi văn phòng xem đã nhận được chưa. Thế là tôi chưa kịp hỏi lại xem tình hình thư từ ra sao thì đã bị ông Thứ trưởng công an trục xuất khỏi Hà Nội một cách trái pháp luật. Cho đến hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn không rõ số phận bức Thư ngỏ gửi đồng chí TBT Nông Đức Mạnh ra sao. Tôi gửi Thư ngỏ theo đường thư nhanh, biên lai còn ghi rõ ngày tháng ( 5-7-2001) với tiền cước là 20.000 đồng, cộng với 1000 đồng tiền phiếu báo lại khi đã có chữ ký của người nhận. Vậy Thư ngỏ đã tới tay TBT hay chưa? Nếu nó chưa được chuyển tới tay TBT thì lỗi đó tại cơ quan Bưu điện hay tại cơ quan Văn phòng TBT? Thế là tốn công nghĩ, tốn công viết, tốn công gửi, tốn công hỏi, giờ đây lại tốn công thắc mắc. Hẳn bà con ta, nhất là con cháu sau này, không khỏi phì cười về cái chuyện tốn công, tốn của này. Có bị chê là cực đoan, lãng mạn, cả tin,... quả thật cũng không oan.

 Hơn một lần, tôi đã thắc mắc không hiểu vì sao nhiều người đối với kẻ thù cũ có thể hồ hởi, thắm thiết, mà đối với anh chị em trong nhà lại cứ mặt lăng mặt vược; Nam quốc Nam nhân với nhau, đồng bào đồng chí với nhau mà cứ coi nhau như quân thù quân hằn. Lạ thật! Hay là do sống trong cơ chế thị trường người ta chỉ chú ý đến lời lãi, tiền bạc. Lợi nhuậân là cần lắm chứ! Nhưng liệu giữa lợi nhuận và tình nhân ái thì cái nào cần hơn?

 Thử hỏi việc ông Bộ trưởng Lê Minh Hương ra lệnh bắt bớ, hạch hỏi công dân Trần Khuê, công dân Phạm Quế Dương và hơn hai chục công dân khác có sáng kiến thành lập Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng có phải để thể hiện tình nhân ái không? Có phải là hành vi vi phạm Hiến pháp và luật pháp hay không? Hô hào chống tham nhũng, mấy chục năm liền chống không nổi, càng chống thì tham nhũng càng sinh sôi nảy nở, người ta xúm vào giúp thêm những cánh tay chống tham nhũng, chẳng ơn thì thôi chứ bắt bớ gây thêm oán thù thì ích lợi gì? Mạn phép hỏi: ông Lê Minh Hương và những ông đồng tình với việc bắt bớ hạch hỏi ầm ĩ ngày 5 tháng 9 năm 2001 vừa qua có phải thuộc thành phần tham nhũng hoặc bao che cho tham nhũng hay không mà động lòng nhanh thế? Giá đối với bọn tham nhũng mà cũng hành động khẩn trương , khẩn cấp như thế thì thật là đại hồng phúc cho Đất nước! Đúng là chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ và hậu thế!

 Tạm giữ đồ vật (máy vi tính, các tài liệu nghiên cứu, thư từ, sổ sách...) của công dân thời hạn luật cho phép không quá 15 ngày. Thế mà, đến nay tính ra đã hơn 4 tháng trời, nghĩa là đã hơn 8 lần cái hạn 15 ngày vẫn chưa thèm mang trả. Mình là cơ quan bảo vệ luật pháp thì phải gương mẫu trong việc thi hành luật pháp mới hy vọng mọi người tâm phục khẩu phục chứ sao!

 Luật ghi: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. (Điều 122-Tội vu khống) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống, xúc phạm danh dự ngưòi khác, nhất là lại vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì còn bị xử nặng hơn: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. (Vẫn điều luật trên). Thế mà vừa qua, ông Lê Minh Hương dám ra lệnh đưa công dân Trần Khuê và một số công dân khác ra tổ dân phố, bố trí cho một số người gọi là cốt cán đứng lên sỉ vả, nhiếc mắng và vu khống thẳng cho một cái tội tày trời là tội phản quốc. Ô hay! Nếu tôi hay bất cứ công dân nào mắc tội phản quốc thì phải lập tòa án công khai rồi đưa đủ chứng cứ ra mà xét xử, chứ nói năng hàm hồ kiểu đó sao ổn.

 Họ còn được mớm lời buộc cho tôi thêm hai tội tày trời khác: một là tội phản Đảng vì đã đòi xóa Điều 4 trong Hiến pháp ; theo họ, đó là ác ý muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Hai là tội phản Cụ Hồ vì đã đòi hủy lăng Cụ Hồ. Tôi muốn ôn tồn giải thích để bà con trong khu phố hiểu đúng những đề nghị của tôi viết trong Thư ngỏ gửi đồng chí TBT Nông Đức Mạnh.

 Tôi tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng. Sở dĩ tôi đề nghị bỏ Điều 4 trong Hiến pháp là để tránh sự lợi dụng của các đảng viên tiêu cực, mà tôi gọi là những đảng viên mỹ ký (nghĩa là những đảng viên cộng sản giả hiệu) tự đặt mình lên trên pháp luật rồi ra sức tham nhũng, ức hiếp quần chúng. Miệng thì nói vì dân nhưng tay thì bóp hầu bóp cổ nhân dân. Hai bản Hiến pháp soạn thảo lúc sinh thời Bác Hồ chẳng hề ghi quyền Đảng lãnh đạo nhưng nhân dân vẫn đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Cụ Hồ đã dạy: Đảng không được vỗ ngực tự nhận mình là người có quyền lãnh đạo, chỉ khi nào được nhân dân thừa nhận thì quyền lãnh đạo ấy mới có ý nghĩa và có giá trị.

 Tôi thấy ghi quyền lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp chỉ có hại cho cả Đảng và Nhân dân nên đề nghị bỏ Điều 4 đi. Còn bỏ đi hay để lại là quyền của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nhân dân bàn bạc thỏa thuận với nhau, chứ buộc cho nhau tội phản Đảng sao được.

 Lại còn nói rằng tôi đòi hủy lăng Bác thì đúng là một sự vu khống xuyên tạc đầy ác ý. Tôi chỉ đề nghị hỏa thiêu di hài của Bác theo đúng lời trối trong Di chúc của Người, còn lăng thì nên dùng làm Bảo tàng. Suốt hơn một phần tư thế kỷ, ngày nào ta cũng kéo Cụ lên rồi lại đặt Cụ xuống. Mỗi sáu tháng lại đưa ngâm Cụ vào bể hóa chất. Về mặt tâm linh, nhân dân ta vẫn tin rằng: người chết nằm không yên thì người sống cũng không yên và làm ăn sẽ bị lụn bại. Dân tộc ta có truyền thống coi trọng việc giữ yên mồ mả và rất kỵ sự động mồ động mả, vì thế mới có thành ngữ giữ như giữ mả Tổ. Do đó, nhiều người thành tâm tin rằng, ngày nào chưa để Cụ Hồ nằm yên thì ngày ấy Đất nước vẫn chưa thể yên ổn thực sự. Chớ có thấy người ngoại quốc khen đã vội phổng mũi. Họ đâu có nhìn thấy những con sóng ngầm đang cuồn cuộn trong đáy thẳm lòng Dân. Vả lại, yên ổn trong đói khổ và lạc hậu nhục nhã thì yên ổn như thế có nghĩa lý gì.

 Chưa kể, ngoài lý do tâm linh còn lý do kinh tế. Từng tiêu tốn hàng mấy nghìn tỷ, nay mỗi năm lại tốn thêm hàng trăm tỷ, thử hỏi như thế có hợp ý Cụ Hồ không? Có hợp với đời sống kinh tế của ta không? Với một con người suốt đời chỉ biết hy sinh cho Dân cho Nước, không muốn gây một chút phiền hà cho mọi người, thân danh làm đến Chủ tịch nước mà vẫn chỉ ở một căn nhà sàn nhỏ, bữa cơm cũng vẫn chỉ một bát canh rau, vài khúc cá kho với mấy quả cà; lúc lâm chung, tài sản còn lại chỉ là mấy bộ quần áo đã sờn, một đôi dép cao su và một cuốn sổ tiết kiệm vỏn vẹn 3500 đồng bạc (ba nghìn năm trăm đồng). Vậy một con người như thế lại cần đến mồ to mả đẹp chăng?

 (Sống, tôi chỉ cần một căn nhà nhỏ
 Chết, tôi lại cần cái nhà mồ to chừng đó
 Tôi đã dặn thiêu đi, các chú lại không nghe
 Thật không ngờ các chú quá ngu!
 Cũng mang tiếng luận bàn tập thể

 - Trích Trường ca Hồ Chí Minh phán xét)

 Theo tôi, cách đền ơn đáp nghĩa tốt nhất đối với Bác Hồ là hãy cố mà học lấy cái đức liêm khiết của Cụ và chăm lo cho Nhân dân sống một đời sống tự do, hạnh phúc. Nếu cho rằng tiếp tục giữ lại thi hài của Bác là đúng, là tốt thì cứ việc giữ lại. Còn theo ý riêng của tôi thì giữ lại là làm sai ý Cụ Hồ, chẳng tốt gì về các mặt tâm linh, kinh tế cũng như vệ sinh môi trường. Tôi suy nghĩ như thế và đề nghị như thế. Theo thì theo, không theo thì thôi, chứ gán cho nhau cái tội phản lại Cụ Hồ sao được! Tôi cho rằng chính những kẻ đang núp dưới bóng thi hài của Cụ để làm đủ những điều hại Nước, hại Dân mới thực sự phản lại Cụ Hồ. Họ cứ tự nhận là học trò, thậm chí còn nhận là học trò xuất sắc của Cụ, nhưng để cho đất nước sau 25 năm hòa bình rơi vào tình cảnh tụt hậu nhục nhã, dân tình cơ cực oán thán, tội lỗi ấy họ không gánh chịu thì còn đổ vấy được cho ai?

 Riêng cái tội phản quốc mà họ gán cho tôi, cũng như ông nhà báo Nguyễn Như Phong từng gán cho TS Hà Sĩ Phu, ai cũng đều thấy ngay đó là một sự vu khống trắng trợn. Một cái nhà nước tồn tại vững chãi hơn nửa thế kỷ, hết cưòng quốc này đến siêu cường khác còn chẳng thể xô đổ, họa có điên cuồng hoặc ngu xuẩn ngoại cỡ mới nghĩ đến việc chống nó hoặc tưởng tượng ra cái việc chống lại nó. Nhà nước này mà có suy yếu hay sụp đổ thì chính là do bọn tham nhũng và bọn bao che cho tham nhũng gây ra chứ chẳng ngoại bang nào làm nổi. Còn đổ lỗi cho anh chị em đang đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước thì chỉ là một sự vu khống và dối trá cực kỳ vô liêm sỉ!

 Tôi mới nói được ít câu, trong khi bà con dân phố chú ý nghe, thì ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường ngắt lời và tuyên bố giải tán cuộc đấu tố. Tôi không giận mà chỉ thấy buồn. Tôi không buồn bà con dân phố và ông chủ tịch MTTQ phường mà chỉ buồn thay cho cái não trạng của những người ngồi tận Thủ đô mà chỉ đạo những cuộc đấu tố kiểu xưa cũ từ thời Cải cách ruộng đất, cách nay đã già nửa thế kỷ. Nếu đấu tố như thời Cải cách ở ta và thời Văn cách ở Tàu mà có tác dụng tốt, thúc đẩy được xã hội phát triển thì phe ta đã tiến bộ lâu rồi, đâu có rơi vào tình trạng đau lòng như ngày nay. Đã bước sang thế kỷ mới mà còn cố giữ mãi cái não trạng cổ hủ, thật đáng ái ngại!

 Tuy nhiên, tôi chỉ buồn chứ không bi quan. Vì nghiên cứu toàn bộ lịch sử dân tộc tôi nghiệm ra rằng dân tộc Việt Nam mình, bên cạnh những nhược điểm, có một cái tố chất lạ lắm, một sức sống thật kỳ diệu và những mưu trí thật kỳ tài. Đen tối mấy, bế tắc mấy rồi vẫn tìm ra lối thoát. Làm kinh ngạc thiên hạ và làm kinh ngạc cả chính mình. Niềm tin của tôi không hề mơ hồ, ảo tưởng mà dựa chắc trên một cơ sở lịch sử và khoa học. Nhìn lại lịch sử, nhận thức rõ sức mạnh trí tuệ và sức mạnh văn hóa Việt Nam đang chảy trong huyết quản của hơn 70 triệu đồng bào sống trong nước và ngót 3 triệu đồng bào sống ở hải ngoại, tôi càng vững tin ở tiền đồ xán lạn của dân tộc. Cho nên , dù không mang tâm lý A.Q, trong những ngày đang bị quản chế một cách phi pháp này, tôi vẫn cảm thấy mình lạc quan và tự do. Tự do suy nghĩ và tự do tin tưởng.

 Chỉ có thể dùng cường quyền cấm tự do đi lại, chứ cấm sao được tự do tư tưởng và tin tưởng. Có điều chẳng nên mang tâm lý há miệng chờ sung. Mỗi người yêu nước, thương dân tộc phải góp vào một tay và động viên nhau rảo bước mới hy vọng đến nhanh được chân trời tự do và hạnh phúc. Chỉ có thể phát triển trong tự do và chỉ có thể hưởng hạnh phúc trong một xã hội giàu tình nhân ái. Tự do và hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của dân tộc, nhất định phải đạt được trong nỗ lực của đồng bào ta ở đầu thế kỷ XXI này. Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng kể, nhưng so với anh chị em trong khu vực, chúng ta vẫn còn tỏ ra chậm chạp, kém cỏi lắm. Mà Việt Nam mình thì không hề kém cỏi về trí tuệ và tài năng, càng không thiếu tiềm năng, tiềm lực.

 Vậy cái gì đang cản trở sự phát triển trí tuệ và sự khơi thác tiềm năng, tiềm lực của Việt Nam ta? Tôi nghĩ rằng nên có sự thảo luận rộng rãi , sôi nổi để tìm cho ra cái nguyên nhân gốc mà khắc phục. Hiện nay, hầu hết những sự khắc phục, sửa chữa đều mang giải pháp tình thế, thiếu hẳn những giải pháp căn cơ mang tầm vóc chiến lược. Việc tập hợp những con người tâm huyết nhất, hiểu biết nhất và tài năng nhất ở trong nước cũng như ở hải ngoại để cùng nhau bàn bạc, tìm cho ra một lối thoát và tạo ra một vận tốc mới cho đất nước không có gì là vượt quá khả năng của giới lãnh đạo và quản lý đất nước. Đây không phải là vấn đề thiếu khả năng hoặc quyết tâm, vẫn là vấn đề phải đổi mới nhận thức, đổi mới về tư duy chính trị và lý luận.

 Một thí dụ: tại sao cải cách hành chính hàng chục năm vẫn không đạt hiệu quả mong muốn? Tại sao cả một bộ máy nhà nước chậm chạp trong việc chấp hành và thực thi chủ trương giải phóng doanh nghiệp và sức sản xuất của Thủ tướng Phan Văn Khải? Một phần là do luyến tiếc đặc quyền, đặc lợi; nhưng phần chủ yếu làdo chưa thay đổi được nhận thức, nhiều người vẫn cố bám víu lấy những nhận thức, lý luận lỗi thời. Hiệp định thương mại Việt-Mỹ đã vào giai đoạn thực thi, AFTA hóa ngày càng nóng tới lưng rồi, thế mà vẫn cứ trói chân trói tay nhau, thử hỏi doanh nghiệp ta sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp người ra sao đây? Thật đáng buồn khi nghe Thủ tướng than phiền trước Quốc hội về tình trạng trên bảo dưới không nghe. Bảo bỏ những giấy phép con, những thủ tục hành chính rườm rà gây cản trở các doanh nghiệp và sức sản xuất phát triển thì nghe rất chậm chạp, nhưng bảo đến bắt bớ, khám nhà, hạch hỏi những người lương thiện, vô tội thì lại nghe rất nhanh. Phải nói cho đầy đủ: trên bảo làm điều đúng thì nghe rất chậm, còn bảo làm điều sai thì lại nghe rất nhanh. Vừa qua, Bộ công an ra tay dẹp bọn mafia Năm Cam rất gọn và rất nhanh, được nhân dân khen ngợi. Bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì vừa khen, vừa thắc mắc: Nhưng sao lại để lâu thế? Đúng là lâu thật. Để cho bọn bố già Năm Cam hoành hành gây bao nhiêu tội ác hàng chục năm ròng mới ra tay dẹp thì quả là sai lầm, chậm trễ. Nhưng cho đến hôm nay cũng chưa công bố được cái danh sách các vị bảo kê cho bè lũ Năm Cam. Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ TPHCM: Lãnh đạo ban chuyên án cho biết hiện một số nhân vật có thế lực từng bảo kê , dung dưỡng Năm Cam vẫn còn yên vị , thậm chí còn ở những chức vụ cao hơn. (Tuổi Trẻ ngày 27-12-2001). Dư luận cũng chờ đợi sự công bố danh tính những cán bộ trung cao nào đã tham gia việc mua dâm trong cái gọi là đường dây gọi gái cao cấp. Tú Bà trùm dây và các gái gọi cao cấp thì bị bắt rồi. Nhưng các vị mua dâm thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chẳng lẽ thế lại được gọi là công bằng?

 Báo Sài Gòn GP ngày 13-1-2002 đưa tin: Ông Huỳnh Giác, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã yêu cầu hạt kiểm lâm và lực lượng công an tiến hành trục xuất T.H. một trùm đầu nậu khai thác gỗ tại huyện Bắc Bình. Được biết trước đây, Huyện ủy huyện Bắc Bình đã yêu cầu lực lượng công an trục xuất đối tượng này ra khỏi huyện, nhưng yêu cầu này không được thực hiện nên đến nay y vẫn ở và tiếp tục khai thác gỗ lậu ở Bắc Bình. Vậy người đọc có thể đặt câu hỏi: Huyện ủy và UBHC huyện Bắc Bình đặt yêu cầu sai hay lực lượng công an bao che dung túng cho trùm đầu nậu T.H.? Và nếu đúng T.H. phạm tội khai thác gỗ lậu thì sao không yêu cầu bắt mà chỉ yêu cầu trục xuất? Ai đúng, ai sai cần phải làm cho rõ.

 Thưa hai ông,

 Chúng ta đang có những hiện tượng tùy tiện trong việc thực thi Hiến pháp và luật pháp. Có những văn bản chống lại Hiến pháp nhưng vẫn được coi là có giá trị pháp lý và được lưu hành một cách phi pháp. Điển hình là Nghị định 31/CP do ông Võ Văn Kiệt ký hồi ông làm Thủ tướng. Nghị định này giao quyền cho các Ủy Ban ND các tỉnh và thành phố quyền kết tội và quản chế công dân không thông qua thủ tục xét xử của tòa án; nghĩa là nó đã cho một cơ quan hành pháp kiêm thêm nhiệm vụ của một cơ quan tư pháp trái hẳn với Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự. Rõ ràng đây là một vết nhơ trong nền pháp chế dân chủ VN cần phải xóa bỏ càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ Viện KSND tối cao và Tòa án NDTC mà tất cả các Đoàn luật sư và giới nghiên cứu, giảng dạy luật pháp ở nước ta hiện nay nên tổ chức thảo luận và kiến nghị với Quốc hội bãi bỏ Nghị định này để chứng tỏ trình độ văn minh của xã hội ta về mặt pháp luật. Một văn bản khác cũng nên kiến nghị với Trung ương Đảng sửa đổi bãi bỏ những điều vi phạm quyền công dân của hơn hai triệu đảng viên là bản quy định 19 điều cấm đảng viên do ông Phạm Thế Duyệt ký hồi ông Duyệt còn làm Ủy viên thường vụ BCT. Một văn bản khác cũng cần sửa đổi và bổ sung ngay là Luật báo chí và xuất bản. Luật này chỉ công nhận quyền tự do ngôn luận của Đảng và tước hẳn quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Thêm một lần nữa, tôi xin nhắc lại một nhận định chí lý của đại văn hào Voltaire (Pháp): Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do Nghĩa là khi đã mất quyền tự do ngôn luận thì mọi quyền tự do khác đều trở thành vô nghĩa. Tôi nghĩ rằng sở dĩ tham nhũng có thể phát triển thành quốc nạn và nhiều tệ nạn khác như: quan liêu, cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền, hối lộ, lừa đảo, ức hiếp quần chúng... tồn tại dai dẳng, hầu như càng chống càng có cơ phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là do nhân dân không có quyền tự do ngôn luận. Phát hiện những việc làm sai trái, viết bài gửi đi mà báo chí quốc doanh không đăng, hoặc cơ quan hữu trách đút vào ngăn kéo, hoặc các cơ quan chuyển lòng vòng cho nhau thì còn biết kêu ai. Cho nên việc gửi đơn khiếu tố vượt cấp hoặc nhân dân các tỉnh kéo hàng trăm đoàn về tận Thủ đô kêu với Trung ương cũng là hậu quả tất nhiên của nạn mất quyền tự do ngôn luận. Do đó, trả lại quyền tự do ngôn luận mới thực sự trao quyền giám sát cho nhân dân. Tin chắc rằng nếu nhân dân đã thực thi quyền giám sát của mình thì mọi tệ nạn tham nhũng, lạm quyền, lừa đảo, ức hiếp sẽ lập tức bị đẩy lùi và dồn vào chân tường. Cũng do thiếu quyền tự do xuất bản mà các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... đều phát triển rất ì ạch. Nói khác đi, ngày nào còn chưa có tự do báo chí và tự do xuất bản thì ngày đó sức sản xuất vẫn chưa được giải phóng thực sự và đầy đủ, xã hội chưa thể thoát khỏi trì trệ.

 Những người làm lý luận nào chủ trương quốc doanh độc quyền về báo chí và xuất bản tưởng như thế là củng cố được Chế độ và Đảng; thực tế chỉ làm suy yếu Đảng và Chế độ. Mọi sự độc quyền, độc đoán chỉ làm mất khả năng đề kháng, khiến cho dân tộc và xã hội suy thoái. Nhờ biết ban hành Luật chống độc quyền mà chủ nghĩa tư bản thoát hiểm. Bài học kinh nghiệm này thiết tưởng cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và trung thực. Ông Mai Liêm Trực thấy giữ độc quyền về bưu điện viễn thông là tai hại, cản trở xã hội phát triển nhưng không có gan dám bỏ ngay mà chỉ từ bỏ dần dần, đến tận 2005 mới bỏ hẳn. Thu nhập tính theo đầu người của mình thấp hơn ngưòi ta hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần, thế mà cước vô mạng internet của mình cao vào loại vô địch thế giới, lại còn phấn đấu đến 2003 mới hạ thấp bằng giá cước trong khu vực. Cứ tư duy kiểu này thì thật là cười ra nước mắt!

 Thưa hai ông,

 Chắc hai ông cũng hiểu cho rằng tôi nộp đơn kiện ông Lê Minh Hương và ông Mai Liêm Trực chẳng qua là đề khẳng định cái quyền công dân của mình. Với câu nói chân thực của ông Trịnh Hồng Dương vừa qua trước Quốc hội luật của ta xử thế nào cũng được , tưỏng cũng nên thêm cho đầy đủ: luật của ta xử oan sai cũng được mà không xử cũng chẳng hề gì. Tuy nhiên, từ chỗ không có đến chỗ chúng ta đã có một nhà nước pháp quyền thì dẫu có nhiều quyền mới chỉ nằm trên giấy, cũng đã là điều đáng mừng. Phải tiếp tục cùng nhau phấn đấu tiến tới xây dựng được một nhà nước pháp quyền thực thụ để chứng minh cho thế giới thấy rằng một dân tộc đã có khả năng tạo ra một nền văn minh lúa nước trong quá khứ thì cũng có khả năng tạo dựng một nền văn minh trí tuệ trong hiện tại. Muốn tạo ra một xã hội dân chủ và văn minh như mọi xã hội dân chủ - văn minh khác, trước hết phải có những chế tài buộc mọi cán bộ và cơ quan nhà nước gương mẫu trong việc tuân thủ Hiến pháp và luật pháp. Tôn trọng Hiến pháp và luật pháp chính là biểu hiện đạo đức mới trong xã hội của chúng ta. Vi phạm Hiến pháp và luật pháp chính là phi đạo đức và phi đạo lý.

 Đơn đã khá dài, tôi xin tạm dừng. Mà có lẽ cũng không nên coi đây là một cái đơn kiện. Hai ông chỉ nên coi đây là những dòng tâm sự của một con người có ý thức về giá trị công dân và chủ nhân đất nước của mình. Hai ông cũng chẳng phải nhọc công xét xử gì cả. Vả lại, các cơ chế và thể chế hiện tại cũng không cho phép các ông hành động như lòng các ông mong muốn. Và kể cả ông Thượng tướng Bộ trưởng Lê Minh Hương và ông Tiến sĩ Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực, ta cũng nên thông cảm, các ông ấy vừa là tội nhân lại cũng vừa là nạn nhân của một thứ thể chế lỗi thời đáng phải thay đổi từ lâu. Chúng ta phải bàn nhau thay đổi thôi, để tỏ ra có hiểu biết và có tinh thần trách nhiệm. Nếu không, Cuộc Sống vẫn cứ tiến triển, biến động theo đúng quy luật của nó. Có nhã ý nhường lại cho đến đời con cháu ta mới thay đổi thì e rằng muộn quá. Liệu tất cả có vui lòng tiếp tục kéo dài thêm nỗi xấu hổ, đau buồn này chăng?

 Tôi vẫn tiếp tục hy vọng và chờ đợi mọi sự biến đổi. Chúc hai ông sang năm mới đủ sức khỏe để cùng với tôi và tất cả những công dân lương thiện có tâm huyết với Đất Nước và Cuộc Sống kiên trì hy vọng và khẩn trương chờ đợi.

 Kính

 Trần Khuê
 296 Nguyễn Trãi Q.5
 Thành phố Hồ Chí Minh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn