BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gởi đồng chí tổng bí thư Nông Đức Mạnh

07 Tháng Năm 200112:00 SA(Xem: 938)
Thư gởi đồng chí tổng bí thư Nông Đức Mạnh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
TP Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 5 năm 2001

Thưa đồng chí kính mến!



Chúng tôi gửi lời trân trọng chúc mừng nhân dịp đ/c được Đại hội IX của Đảng ta giao phó một trọng trách mới. Đó là một niềm vinh dự nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm quá nặng và quá lớn đối với đ/c trong giai đoạn cách mạng đầu thế kỷ này của đất nước.

Thế là ngọn cờ Dân Chủ Hóa Đất Nước từ tay đ/c Lê Khả Phiêu được chuyền sang tay đ/c. Chúng tôi hy vọng đ/c sẽ phất cao hơn nữa, mạnh hơn nữa ngọn cờ thiêng liêng này.

Sau vụ 165 xã ở Thái Bình nổi dậy chống cường hào tham nhũng, Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu đã nhận thấy cần phải khẩn trương dân chủ hóa đất nước nên đã ban hành Qui chế dân chủ hóa cơ sở. Qui chế này đã thực hiện trong hơn 2 năm qua và đạt được một số kết quả, nhưng nhiều cơ sở còn thực hiện một cách hời hợt, hình thức nên nhiều vấn đề mâu thuẫn trong đời sống xã hội chưa giải quyết được.

Một dẫn chứng cụ thể : khi nhân dân phường 15 quận 10 - TPCHM - phát hiện chủ đầu tư xây dựng cống hộp là Sở giao thông công chính TP có dấu hiệu tham nhũng liền tổ chức nhau kiểm tra với sự chỉ đạo của một đ/c đảng viên cán bộ hưu trí. Việc “dân kiểm tra” phát hiện sự tham nhũng bạc tỉ là có thật, đáng lẽ phải được biểu dương nhưng Chi ủy của Phường lại bắt đ/c đảng viên hưu trí phải kiểm điểm về việc đã “cầm đầu” nhân dân đấu tranh, làm hại uy tín của cơ quan nhà nước. Như thế là khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” kể từ sau Đại hội VI vẫn được hô đều trên các diễn đàn và trên báo chí, truyền hình; Qui chế dân chủ hóa cơ sở cứ việc ban hành, nhưng với danh nghĩa bảo vệ uy tín, thể diện cho cơ quan nhà nước - với danh nghĩa giữ vững an ninh chính trị, “ổn định” xã hội, người ta vẫn ngang nhiên bao che và chạy tội cho bọn tham nhũng. Tình hình chiếm đoạt đất đai, đền bù giải tỏa không thích đáng làm thiệt hại cho dân mà dân không thể kêu hoặc kêu mà không có nơi xét hết sức phổ biến ở các địa phương. Năm đoàn kiểm tra liên ngành của chính phủ rầm rộ kéo về những địa phương nóng nhất để giải quyết tình hình nhưng khi các đoàn đã rút về, giao các vụ việc khiếu kiện lại cho địa phương giải quyết thì hầu như đâu lại hoàn đấy. Chẳng có “thượng phương bảo kiếm” nào được vung lên cả. Tham nhũng vẫn hoành hành, dân vẫn bị ức hiếp. Vì thế, chúng ta lại kinh hoàng trước vụ nổi dậy của đồng bào Thượng ba tỉnh Tây Nguyên và những vụ việc lẻ tẻ ở vùng núi phía Bắc. Đành rằng có kẻ xấu kích động, nhưng chúng ta cũng phải nghiêm khắc tự kiểm điểm xem trong 25 năm qua mình đã giải quyết đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ra sao. Dân bị mất đất, mình không nghiêm khắc kịp thời xử lý giải quyết; giá cà phê rớt, mình không lo đầu ra, hàng chục tỉ tiền xóa đói giảm nghèo và xây dựng hạ tầng cơ sở của miền núi mình lại giao cho một lũ ăn cắp, một lũ cướp ngày, thử hỏi làm gì mà không loạn. Dân đã được an cư lạc nghiệp, sống trong tự do hạnh phúc, thử hỏi liệu kẻ nào xúi giục kích động nổi?

Vừa rồi, do có một số vụ việc về an ninh quốc phòng, Trung ương ta đã kỷ luật khiển trách đ/c Bộ trưởng Quốc phòng và đ/c Tổng tham mưu trưởng; nhưng Trung ương lại chưa thi hành kỷ luật đối với đ/c Bộ trưởng Công an và một vài bộ trưởng khác có liên đới đến các vụ việc về an ninh chính trị. Như thế cũng là chưa công bằng. Và kỷ luật đối với đ/c Phạm Văn Trà, đ/c Lê Văn Dũng chỉ mới ở mức khiển trách cũng là quá nhẹ. Nếu như rơi trên đầu nhân dân TP Hồ Chí Minh không phải là truyền đơn mà là bom thì các đ/c tính sao? Nếu nhân dân không phải chỉ nổi dậy bằng tay không mà lại bằng vũ khí thì các đ/c tính sao? Mất cảnh giác một cách thật đáng sợ!

Chúng ta làm hỏng, làm sai rất nhiều việc nhưng khi kiểm điểm lại chỉ nhận là do “buông lỏng lãnh đạo”, “buông lỏng quản lý”. Nhân dân giao cho các đ/c quyền lãnh đạo, quyền quản lý đất nước mà lại “buông lỏng” thế thì lãnh đạo quản lý cái gì? Tất cả mọi tổn thất, thiệt hại, cuối cùng đều trút lên đầu nhân dân. Thế mà có những đ/c đã không biết lỗi, biết tội của mình lại còn nói với nhân dân bằng một cái giọng rất ngạo mạn, vô lễ. Sao các đ/c kiêu ngạo này lại không biết nhìn ra các nước xem lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm của họ khi được giao quyền lực là như thế nào. Ở bên Nga, chỉ hai cái tàu biển xô vào nhau, bộ trưởng bộ hải quân đã vội vàng đứng ra nhận lỗi và nộp đơn xin từ chức; chỉ một thanh niên Mỹ cưĐi máy bay thể thao đáp được xuống Hồng trường mà bộ trưởng quốc phòng cũng xin từ chức ngay. Nói ngay như ấn Độ, chỉ 2 đoàn xe lửa xô vào nhau, thế là bộ trưởng bộ đường sắt cũng nộp đơn xin từ chức. Thế mới biết chúng ta còn nhu nhơ thật!



Ăn cơm mới nói chuyện cũ, đ/c thống đốc ngân hàng Cao Sĩ Kiêm để thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng lại được nhẹ nhàng chuyển sang làm phó ban kinh tế TW. Dư luận xôn xao mãi mới đem ra “khiển trách” rồi lại đợi đến tận Đại hội IX mới cho hạ cánh an toàn. Ngay giữa Thủ đô, hết vụ chợ Đồng Xuân cháy, đến vụ Khánh Trắng, Phúc Bồ lại đến vụ đất đai ở đê Yên Phụ, vụ thủy cung Thăng Long và bao nhiêu vụ tày trời khác, đ/c Bí thư thành ủy Phạm Thế Duyệt không những đã không bị kỷ luật lại còn được thăng lên làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, ngang nhiên ký quyết định khai trừ hết người nọ đến người kia, kể cả những người khiếu nại tố cáo tội lỗi của mình, ngang nhiên ký 19 điều cấm, tước hẳn quyền công dân của hơn 2 triệu đảng viên. Những người này không biết tự trọng đã đành, nguy nhất là kỷ cương phép nước không còn ra sao. Khi hiến pháp, luật pháp đã bị chà đạp một cách trắng trợn đến mức đó thử hỏi làm sao xã hội lại không loạn?

Thưa đồng chí,

Chúng tôi trân trọng kiến nghị : với cương vị cao cả và quyền lực mạnh mẽ nhất của mình, đ/c hãy kiên quyết đổi mới thể chế chính trị của ta. Chỉ có đổi mới thể chế chính trị mới có thể giữ vững được chế độ chính trị.

Hiện nay, chế độ chính trị của chúng ta không phải là XHCN, điều đó đã rõ như ban ngày. Nhưng nó cũng chẳng phải là phong kiến, cũng chẳng phải là tư bản, nó là một thứ pha tạp không biết gọi tên là gì cho đúng. Đây chính là chỗ yếu của chúng ta khiến cho những người làm lý luận quốc doanh cứ ẩn núp để ngụy biện. Ai cũng ra rả tụng những câu được gọi là kinh điển của Lênin “có lý luận cách mạng mới có phong trào cách mạng” mà có bao giờ chịu lý luận cho nghiêm chỉnh. Mà lý luận nghiêm chỉnh sao được khi người ta không nghiên cứu thực tiễn một cách nghiêm chỉnh. Có thứ lý luận áp dụng cho phương Tây thì được chứ áp dụng cho phương Đông và nhất là Việt Nam mình sao được. Vừa qua, thủ tướng Chu Dung Cơ, một cây lý luận, một cây cải cách có bản lĩnh lớn của Trung Quốc cũng phải thú nhận rằng nếu bảo tôi phải chứng minh sự ưu việt của CNXH thì tôi không làm nổi. Còn ủy viên thường vụ bộ chính trị Lý Thụy Hoàn, chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc (tương đương như chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) trong một buổi nói chuyện với Đảng bộ Thượng Hải đã phải nói trắng ra rằng : “Thử hỏi các đ/c ngồi đây ai đã đọc chủ nghĩa Mác và những ai đã hiểu chủ nghĩa Mác. Phải nói thẳng rằng chúng ta chẳng ai hiểu chủ nghĩa Mác, chúng ta chỉ lừa dối nhau thôi”. Những điều đó không chỉ đúng với Trung Quốc mà cũng đúng với Việt Nam chúng ta - chỉ có điều cùng một gầu một duộc như nhau nhưng họ thì dám nói thật với nhau, còn ta thì không dám. Một thời người ta dám nói “bất kể mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột” thì giới lý luận, giới tuyên huấn của mình không biết nếp tẻ ra sao chỉ một mực lên tiếng phỉ báng, báo chí cũng hùa theo phỉ báng.

Chúng tôi cũng thông cảm với Bộ Chính trị và Trung ương mỗi người phụ trách một ban, một ngành, một địa phương, thì giờ đâu mà nghiên cứu. Những điều mà các đ/c học được ở trường Đảng trong nước hay các trường Đảng cao cấp ở nước ngoài cách vài ba chục năm đều đã bị đời sống thực tế vượt qua. Trông cậy vào giới nghiên cứu lý luận thì phần đông đều giáo điều, bảo thủ, một số ít dám đổi mới lý luận thì bị chụp cho cái mũ “chống quan điểm của Đảng” nên thường bị loại hoặc đành im miệng. Cái nguy của chúng ta là nhiều nghị quyết mang nặng tính giáo điều bảo thủ của một nhóm người làm lý luận soạn thảo sau đó lại biến thành nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương, thế thì ai còn dám cãi với Trung ương với Bộ Chính trị? Cứ ra sức bảo nhau “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, thực hiện liền dăm năm mới thấy là sai, thậm chí có những nghị quyết đến vài chục năm mới phát hiện ra là sai. Họ có biết đâu rằng phải đưa cuộc sống vào nghị quyết thì nghị quyết mới có giá trị thực tiễn và khi trả lại đời sống mới có tác dụng tốt. Mà ngay khi đã có một nghị quyết đúng và tốt rồi thì với thể chế chính trị hiện tại và với một bộ máy cồng kềnh chồng chéo, chúng ta cũng không tài nào thực hiện được để đạt hiệu quả mong muốn. Mệnh lệnh cao nhất của Thủ tướng, người đứng đầu ngành hành pháp mà còn không thực thi được thì nghị quyết nào có thể trông chờ ở sự tự giác tuân theo?

Chuyện gần đây nhất ai cũng thấy là chính phủ Phan Văn Khải quyết tâm thực thi Luật doanh nghiệp mà Quốc hội ta đã thông qua. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển là một việc làm vừa phù hợp với qui luật, vừa thích hợp với thực trạng kinh tế của đất nước và thế giới. Thế mà riêng một việc thực hiện bỏ các “giấy phép con” cũng trầy trật hàng năm không xong. Ban thanh tra của tỉnh, ban kiểm tra của huyện, đội quản lý thị trường của phường xã, chưa kể các tổ công an kinh tế lúc nào cũng có thể “thăm hỏi sức khỏe” các doanh nghiệp. Không “lót tay” thì rất rầy rà mà “lót tay” cho đủ thì còn gì là lời lãi để tiếp tục kinh doanh. Một hiện tượng kỳ quái là hàng giả thì tràn ngập thị trường, còn hàng thật thì bị gây khó dễ có khi bị ách lại. Phân hóa học của doanh nghiệp 19-8 ở Hải Phòng đã được Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an giám định là phân thật, đúng như mẫu đã đăng ký, bộ phận kiểm định của Sở Công nghệ Hải Phòng cũng xác nhận như thế. Nhưng công an quận Kiến An, một cấp thấp hơn cả Tỉnh và Bộ dứt khoát không cho hàng xuất khỏi doanh nghiệp. Thế nghĩa là thế nào? Chúng ta trải qua bao nhiêu đấu tranh mới giành được chính quyền và xây dựng bộ máy nhà nước của chúng ta. Thế mà Trên bảo, Dưới không nghe. Đúng như nhân dân đã từng nhận xét và đúc kết : dưới lộng quyền, trên bất lực.

Chúng tôi đã nhiều lần quan sát đ/c điều khiển các buổi họp của Quốc hội. Nhìn nét mặt đầy ưu tư của đ/c, chúng tôi cảm thông được nỗi băn khoăn và khổ tâm của đ/c. Lãnh đạo và quản lý bộ máy quyền lực cao nhất của đất nước (theo văn bản Hiến pháp qui định) thế mà đ/c không thể thực thi đúng quyền lực của mình. Đ/c hiểu rõ chỉ thị 31/CP do đ/c Võ Văn Kiệt ký là vi phạm Hiến pháp; 19 điều cấm đảng viên do đ/c Phạm Thế Duyệt ký là vi phạm Hiến pháp, và nhiều thứ văn bản trái Luật, trái Hiến pháp khác, đ/c vẫn phải làm ngơ. Vì tiền lệ thế nào thì hậu lệ vẫn cứ phải thế thôi. Đ/c Lê Quang Đạo chỉ sau khi rời chức vụ Chủ tịch Quốc hội mới dám nói lên một sự thật : Quốc hội chỉ là bộ máy giơ tay. Đ/c Trần Độ sau khi rời chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội cũng mới dám nói lên mộ.t sự thật : chúng ta đang thực hiện chế độ Đảng trị, quyền lực của Đảng trên cả Quốc hội, trên cả Hiến pháp và Pháp luật. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ rằng trong thâm tâm những người cộng sản Việt Nam chân chính, chẳng ai muốn thực hiện chế độ Đảng trị, độc tài, chuyên chế. Các đ/c đều thương yêu nhân dân, chẳng ai muốn đè đầu cưĐi cổ nhân dân. Nhưng cũng phải khách quan mà nhận định rằng các đ/c Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã rất sai lầm, phần nào hoa mắt lên vì chiến thắng, phần khác chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Stalinít, Maoít một cách không tự giác, nên nhiều lúc sai lầm một cách cũng rất không tự giác. Tư tưởng của các đ/c ấy cũng pha tạp tư tưởng phong kiến Tống nho của triều Nguyễn rất nặng. Cùng là đ/c với nhau, có điều gì không nên không phải thì đóng cửa lại bảo ban nhau. Cớ gì lại loại trừ người này, khai trừ người khác, ký giấy bắt giam, bỏ tù, quản thúc quản chế đồng chí của mình một cách phi pháp, phi đạo lý thậm chí có những trường hợp lại còn gài bẫy, hạ bệ nhau hoặc thủ tiêu nhau. Đừng tưởng cứ giấu kín là nhân dân không biết. Giấu thế nào được hàng triệu con mắt, hàng triệu lỗ tai. Những việc làm sai trái như thế, tất cả những người có lương tri không chấp nhận và lịch sử chắc chắn sẽ không bao giờ tha thứ.

Kêu gọi người ta góp ý kiến xây dựng, ý kiến nào đồng tình với mình thì hồ hởi bảo nhau đăng lên đủ các thứ báo quốc doanh, ý kiến nào khác với mình thì cho ngay công an đến hạch hỏi khám xét nhà cửa (trường hợp đ/c Lê Hồng Hà) hoặc triệu lên Sở Công an để chất vấn (trường hợp đ/c Hoàng Minh Chính). Thử hỏi đến Đại hội X thì còn ai muốn góp ý kiến nữa. Cũng có người bực bội nói : cứ làm ăn lãnh đạo kiểu này thì làm gì có Đại hội X.

Hãy cứ nhớ lại chuyện vua chúa ngày xưa, độc quyền độc đoán đến như thế mà vẫn còn phải căng tai ra mà nghe ý kiến của các gián quan, ngự sử để giữ cho mình được tỉnh táo mà biết cách cai trị muôn dân. Nếu chỉ vì có ý kiến đối lập, đối nghịch mà đã sụp đổ, thiết tưởng chế độ phong kiến và cả chế độ tư bản đã sụp đổ từ lâu rồi, làm gì có chuyện tồn tại hàng mấy ngàn năm (phong kiến) hoặc mấy trăm năm liền (tư bản).

Từ thực tế lịch sử và hiện tại mà suy ra càng bịt mồm bịt miệng nhau thì sụp đổ càng nhanh. Các cụ nhà mình đã nói : đã yêu thì chín chỗ lệch cũng kê cho bằng. Thế mà đối với những ai có thiện ý muốn “kê cho bằng” thì lại tìm cách khóa tay hoặc bịt miệng người ta lại thì liệu còn ăn ở được với ai? Nhiều đ/c đảng viên ta được giao một ít chức quyền đã vội quên mất rằng “quan nhất thời, dân vạn đại”. Ở đất Việt này, khi nhân dân đã nổi giận thì vua và thực dân đế quốc còn không tồn tại nổi, không hiểu các đ/c ấy định tồn tại đến bao giờ? Chắc các đ/c ấy còn chưa tỉnh ngộ vì quá tin vào một đặc điểm tâm lý của nhân dân ta : cứ bao giờ sắp chết mới nổi giận. Xưa thì thế chứ nay chắc không phải thế. Chớ quên rằng ta đang sống ở đầu thiên niên kỷ mới, ở thời đại của computer và internet.

Thưa đồng chí,

Lời người đã khuất mà sai thì không nên theo, nhưng nếu đúng thì phải bàn nhau thực hiện. Theo chúng tôi, để thực hiện những lời dạy đúng của tổ tiên ông bà xưa, gần nhất là những lời dạy đúng của Cụ Hồ, và cũng là để đáp ứng đúng nguyện vọng của các thế hệ anh hùng liệt sĩ đấu tranh liên tục trong 117 năm trường (1858-1975), và nguyện vọng của Nhân Dân ta hiện nay, chúng ta nên thảo luận rộng rãi và nếu cần nên tổ chức Trưng cầu ý Dân về mấy vấn đề lớn sau đây :

1. Xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện nay. Đây không phải là điều mới lạ, sáng tạo gì của Đảng ta. Chẳng qua là sao chép từ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô từ năm 1980, nghĩa là 11 năm sau khi Bác Hồ qua đời. Điều 4 đã đặt ĐCS vào vị thế siêu quyền lực, siêu pháp luật, không chịu bất cứ sự giám sát nào kể cả cơ quan quyền lực cao nhất của Đất nước là Quốc hội. Nói khác đi, Đảng không chịu sự kiểm soát của Nhân Dân mà đang ngồi trên đầu trên cổ Nhân Dân (các viện sĩ Liên bang Nga nói Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ vì đã xa rời nhân dân là không đúng, nó đổ vì đã dính quá chặt vào đầu vào cổ Nhân Dân nên khi Nhân Dân không chịu nổi nữa thì hất nó ra khỏi đầu khỏi cổ mình, thế thôi). Chính Điều 6 ở Hiến pháp Liên Xô và Điều 4 ở Hiến pháp Việt Nam đã tạo điều kiện pháp lý cho những đảng viên tồi tệ có thể lộng hành, lộng quyền một cách không giới hạn. Không thể chống được bọn cửa quyền, tham nhũng cũng chính là do Điều 4 này.

Nhiều đảng viên (trong đó có cả những đảng viên chân chính và thông minh) cứ lo bỏ Điều 4 sẽ mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ nhầm. Họ quên rằng hồi 45-46 dù không có Điều 4 mấy chục triệu nhân dân vẫn đi theo sự lãnh đạo của Cụ Hồ và 5000 đảng viên. Họ cũng quên lời Cụ Hồ khi thấy có những đảng viên muốn làm “quan cách mạng”, lên mặt lãnh đạo, đã nhắc nhở : đảng cộng sản không thể tự vỗ ngực tự xưng mình là người lãnh đạo và bắt nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của mình. Bỏ điều 4 thì mất bọn cửa quyền tham nhũng chứ không thể mất Đảng. Tóm lại : bỏ thì còn, để thì mất. Liên Xô và Đông Âu đã là cái gương tày liếp, tùy Đảng và Nhân Dân lựa chọn.

2. Thiêu di hài của Bác Hồ. Giữ lại di hài của Bác Hồ, ta đã phạm hai sai lầm :

a. Sai với truyền thống đúng của dân tộc. Ta có truyền thống hỏa táng (thời Lý, Trần), địa táng tức là đào sâu chôn chặt (thời Lê, Nguyễn), không có truyền thống chôn nổi. Người đã khuất nằm không yên hoặc do động mồ động mả thì người sống không thể sống yên ổn, đó là đời sống tâm linh Việt Nam. Nhiều người thành tâm tin rằng do Cụ Hồ nằm không yên nên Đất Nước không yên, xã hội không “ổn định”.

b. Sai với Di chúc của Bác. Bác chọn truyền thống Lý Trần, ta nhập đài điện táng Hoàn Vũ cũng là theo truyền thống đó, lại rất hợp với khoa học hiện đại. Mặt khác không nghiêm chỉnh tuân theo lời Di chúc đúng của người đã khuất thì gia đình, dòng họ và với ta là Đất Nước luôn luôn bị “sái”, không ngóc đầu ngóc cổ lên được.

Nếu các đ/c không tin thế giới tâm linh thì cũng vui lòng tin vào cái thực tế này :

- Giữ lại di hài của Bác để mỗi năm tiêu tốn khoảng 100 tỷ đồng là điều đời sống kinh tế Việt Nam không chấp nhận. Không những thế còn sai với ý nguyện tột bậc của Bác Hồ : “Tôi chỉ có một mong muốn, mong muốn tột bực là : Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng đủ cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đồng thời cũng sai với chủ trương “xóa đói giảm nghèo” của Đảng hiện nay. Bình quân mỗi hộ nông dân bây giờ chỉ cần được vay 5 triệu là hết đói nghèo. Một tỷ là 1000 triệu. Một trăm tỷ là một trăm nghìn triệu. Thử chia ra thì biết ngay mỗi năm ta xóa được đói nghèo cho bao nhiêu hộ nông dân và 5 năm liền thì xóa được đói nghèo cho bao nhiêu hộ? No ấm thì sống yên ổn, đói nghèo sinh loạn lạc, đó là lẽ thường tình trong đời. Các đ/c thử hỏi ý kiến Nhân Dân xem, mọi người thích no ấm hay đói nghèo. Nếu quả thật Nhân Dân cam phận, chịu đựng được đói nghèo, tất nhiên không có chuyện gì đáng bàn nữa.

Ngược lại, nếu các đ/c cứ làm trái ý Cụ Hồ, trái nguyện vọng của Nhân Dân thì, như chúng tôi đã tuyên bố hôm tọa đàm với Hội đồng lý luận TW và Ban Tư tưởng - Văn hóa TW : đại biểu nào của Đại hội IX, đại biểu nào của Quốc hội khóa mới biểu quyết giữ lại di hài của Bác thì đề nghị bỏ tiền túi của mình ra mà đài thọ kinh phí, không được lấy tiền thuế của Dân hoặc tiền vay nợ nước ngoài để chi phí vào một việc hoàn toàn không có lợi gì cho Cụ Hồ và Nhân Dân. Nhân Dân đói nghèo chỉ càng thêm oán ghét chủ nghĩa xã hội, con cháu phải kéo cày trả nợ thì cũng oán ghét Đảng và ông bà cha mẹ nó không biết góp ý kịp thời với Đảng.

Chúng tôi nhắc lại một thực tế : tất cả các vị anh hùng cứu nước hoặc danh nhân văn hóa của Đất Nước luôn luôn sống trong tâm khảm của Nhân Dân, không nhất thiết phải có mồ mả hoặc di hài. Không nên so sánh di hài Hồ Chí Minh với di hài Lênin. Lênin không có di chúc hỏa thiêu và tình hình kinh tế chính trị nước Nga cũng khác Việt Nam. Bên Nga có sự chủ trương thiêu hủy di hài Lênin nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Lênin. Còn bên ta chủ trương hỏa thiêu di hài Hồ Chí Minh chính là giữ vững tư tưởng Hồ Chí Minh trong tâm tưởng Nhân Dân. Giống nhau và khác nhau là thế đó, miễn mọi sự biện luận mê muội hoặc ngụy biện lợi dụng.

3. Tự do ngôn luận thật sự. Theo Hiến pháp 46 thì Nhân Dân phải được hưởng mọi quyền tự do dân chủ. Và Nhân Dân có những thời kỳ đã thực sự được hưởng quyền Tự Do Dân Chủ ấy nên đã có đủ sức mạnh tinh thần và văn hóa để thắng những đế quốc lớn ở thế kỷ XX. Nếu Nhân Dân không cầm vũ khí để bảo vệ Độc Lập Tự Do của mình mà chỉ là một lũ người đánh thuê thì cũng thua lâu rồi. Chẳng có lực lượng nào có thể ép Nhân Dân mình cầm súng để đi vào chỗ chết. Nhưng chết vì độc lập tự do, người ta sẵn sàng chấp nhận. Phải nói trắng ra rằng ngay vào những giai đoạn quyết liệt nhất mà có những đảng viên cấp cơ sở cũng như cao cấp đã chạy chọt cho con mình khỏi phải đi chiến đấu thì họ đã phản bội lý tưởng Độc Lập Tự Do rồi. Gọi cho đúng tên, đó là bọn phản bội dân tộc. Thực tế lịch sử cũng như hiện tại đã chứng minh rằng cứ có tự do dân chủ thực sự là chúng ta phát triển và có sức mạnh. Nhiều đ/c cứ lý luận chê bai dân chủ tư sản và đề cao dân chủ xã hội chủ nghĩa. Họ cho dân chủ tư sản là thứ dân chủ vờ vịt, giả hiệu. Vâng, chúng ta cứ thử vờ vịt giả hiệu như thế để cố mà phát triển cho bằng anh chị em trong khu vực. Còn “thực sự” như dân chủ xã hội chủ nghĩa ta trong vài ba chục năm vừa qua thì không thể chấp nhận được. “Dân chủ” mà trì trệ thì dân chủ làm gì? Qua bài học Liên Xô và Đông Âu mới thấy rằng “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, chỉ là một thứ dân chủ ảo. Trên đời này chưa hề có cái gọi là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Chẳng lẽ có một thứ dân chủ tốt đẹp đến như thế mà chỉ có mấy trăm vị lý luận gia “tinh đời” mới “quán triệt” nổi còn thì hàng trăm triệu nhân dân ở Liên Xô và hàng ngàn triệu ở châu Á trong đó có Việt Nam ta đều ngu cả chăng? Chúng tôi cảm phục sự thẳng thắn của đ/c Lý Thận Chi - cựu trợ lý của đ/c Đặng Tiểu Bình - đã viết trong dịp kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc năm 1999 : trong 50 năm qua Trung Quốc chưa hề có dân chủ. Đã đến lúc chúng ta cũng nên học tập đ/c Trường Chinh, hô to : “Tự do hay là chết! “. Trong tình cảnh hội nhập quốc tế mà ta cứ trói chân trói tay nhau, khâu mồm khóa miệng nhau lại thì quả là sẽ “chết” thực sự, chỉ có điều: ai là kẻ cam tâm chịu chết? Đó là vấn đề. Nhân dân ư? Không, Nhân dân Việt Nam sẽ đời đời bất tử!

Tóm lại, trả lại Tự Do Dân Chủ thực sự cho Nhân Dân thì còn. Ngược lại thì mất. Không phải bàn nhiều. Chắc chắn dân tộc Việt mình không bao giờ chấp nhận dân chủ vờ để rồi nô lệ thật.

Thưa đồng chí,

Tình nghĩa giữa Dân mình với Đảng mình mấy chục năm qua đi với nhau thật là sâu nặng không phải phút chốc mà bỏ nhau được. Nhưng tình hình cứ diễn ra như hiện nay thì nói thẳng ra là cũng không chịu được. Chắc đ/c và tất cả những đảng viên tâm huyết trung thực cũng cảm thấy không chịu được.

Như trên đã nói : cứ nhận định rằng Đảng đang xa rời Nhân Dân là không đúng đâu. Chỉ có đ/c và những người trung thực làm ngơ mặc cho lũ đảng viên cơ hội, cửa quyền, tham nhũng hoành hành mới là xa rời Nhân Dân. Còn lũ cơ hội, tham nhũng thì đang bám chặt lên đầu lên cổ Nhân Dân để hút máu Nhân Dân từng ngày từng giờ, chúng đâu có xa rời ai!

Một lần nữa, chúng tôi xin thanh minh rằng chúng tôi không làm lý luận, chúng tôi chỉ muốn tổ chức một cuộc đối thoại thân ái và bình đẳng.

Tư tưởng nông dân thì có nhiều hạn chế, nhưng tác phong của bà con nông dân ta “sờ đầu gối nói chân thật” và cứ “nói toạc móng heo” thì chúng tôi xin vĩnh viễn học tập.

Rõ ràng chế độ mình hiện nay đâu có phải là chế độ XHCN. Nó là chế độ tư bản chăng? Càng không phải! Vậy thì nó là cái gì? Chẳng lẽ toàn là những người hiểu biết mà ta lại vui lòng chấp nhận một thứ “dở dơi dở chuột” này mãi hay sao?

Chúng ta vốn ghét chế độ tư bản nhưng lại chơi toàn những trò tư bản chủ nghĩa. Mà ai được chơi? Không phải Nhân Dân mà là toàn con cháu các cụ cả. Chắc đ/c cũng biết người ta ngán cái 5C này như thế nào rồi. Thà rằng chúng ta quay lại chế độ phong kiến theo truyền thống có lẽ lại hay hơn chăng?

Hàng ngàn năm nay, nhân dân ta vốn sống trong chế độ phong kiến đã quen rồi. Chỉ cần có một ông vua sáng và những tôi hiền, có lòng thương dân và biết cách cai trị. Dân được no ấm, an cư lạc nghiệp, thế là xã hội bình ổn. Xem như các đời Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông... :

Đời vua Thái tổ, Thái tông Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn

Chẳng thấy sử sách nào ghi những thời này có khởi nghĩa nông dân. No ấm rồi, an cư lạc nghiệp rồi, ai mà “kích động” nổi họ đi làm loạn, làm giặc. Vua quan triều Nguyễn mà cai trị tử tế liệu Cao Bá Quát lại kích động nổi nhân dân Mỹ Lương (Hưng Yên) “nổi loạn”? Mấy triều Minh Mệnh, Tự Đức đúng là giữ kỷ lục về số cuộc khởi nghĩa nông dân : hơn 400 cuộc (nguồn : Đại Nam thực lục chính biên). Các Đảng Cộng sản ta vốn sở trường về “kích động”, thôi không kể các nước G7, hãy thử kích động nhân dân mấy nước Singapore, Thái Lan, Malaixia,... xem kết quả thế nào?

Nghĩa là các đ/c đã tự nhận có sứ mệnh phải độc quyền lãnh đạo, độc quyền cai trị. Các đ/c được lịch sử giao phó sứ mệnh chẳng khác gì vua chúa ngày xưa tự xưng mình là Con Trời (thiên tử) phải lĩnh mệnh trời để cai trị dân. Cứ coi là thế đi, thì cũng phải biết cai trị một cách tử tế chứ. Nói thẳng ra nếu vua quan nhà Nguyễn, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà cai trị tử tế thì đâu đến lượt các đồng chí.

Tóm lại, muốn giữ vững sự “cầm quyền”, không có cách nào khác ngoài cái cách làm cho nhân dân no ấm “ai cũng có đủ cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Dân đã mất tự do, phải sống trong đói nghèo, áp bức sẽ chẳng có con đường nào khác ngoài con đường khởi nghĩa (mà gọi một cách khinh miệt là “bạo loạn”).

Theo chúng tôi, chúng ta phải nghĩ mọi cách để làm cho nhân dân no ấm, an cư lạc nghiệp. Chứ cứ vừa mới lập một doanh nghiệp mà đã có tới 6 ông thanh tra, kiểm tra, công an kinh tế, quản lý thị trường, phường xã,... xông tới “hỏi thăm sức khỏe” thì còn làm ăn gì nổi.

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói : “quan nhiều thì dân khổ”. Vậy, muốn cho dân khỏi khổ thì hãy bớt quan đi. Chẳng hiểu các đ/c thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ra sao mà 25 năm qua, cứ mỗi lần hô hào tinh giản biên chế thì biên chế lại càng phình ra, “quan” lớn, “quan” nhỏ lại đông thêm (chữ “quan” này chính do báo chí ta dùng chứ không phải chúng tôi. Lâu nay, từ “cán bộ” dễ thương như thế bỗng nhiên biến hết thành “quan chức”).

Thôi thì các đ/c đảng viên cộng sản đã thích làm “quan” thì đ/c cũng làm “vua” đi cho đồng bộ. Một đồng chí cùng với 150 đại thần và với một số tiểu thần hết sức hạn chế về số lượng có phải giản dị hơn không? Cần gì phải có Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc với đủ các thứ đảng ủy, đảng đoàn, chi bộ, đoàn thể linh tinh cho thêm tốn kém. Mỗi kỳ họp Quốc hội với hơn 400 vị “quan” chỉ làm cái việc vỗ tay và giơ tay biểu quyết (Lê Quang Đạo) mà tốn kém hàng chục tỷ đồng. Thật là một sự lãng phí kinh khủng. Mỗi một đợt họp Đại hội Đảng từ cơ sở phường - xã, quận - huyện, tỉnh - thành phố lên đến Đại hội toàn quốc tốn kém hàng ngàn tỷ. Cũng là một sự lãng phí khủng khiếp. Chính Bác Hồ đã nói : lãng phí còn đáng sợ hơn cả tham ô. Giá mà mang số tiền bạc chi tiêu lãng phí ấy ra mà xóa đói giảm nghèo có phải hiệu quả biết bao.

Xưa kia, đầu tỉnh chỉ có một tổng đốc, đầu huyện chỉ có một tri huyện, đầu xã chỉ có một lý trưởng mà thuế dân đã nuôi không xuể. Thế mà bây giờ chỗ nào cũng mấy chục ông “lý trưởng”, mấy chục ông “tri huyện”, mấy chục ông “tổng đốc” hỏi dân nào cung phụng nổi. Cái nguy là không ông nào bảo được ông nào, cùng ăn chia và không ai chịu trách nhiệm. Khi tội đã quá nặng, thụt két đã quá lớn lại yếu thế nên phải ra hầu tòa thì ông nào cũng một mực kêu oan, chỉ nhận khuyết điểm sơ sơ là “buông lỏng” và “thiếu đồng bộ”. Từ chỗ “nhà nước và nhân dân cùng làm” đến chỗ thiệt hại hàng ngàn tỉ thì nhà nước và nhân dân không cùng chịu, chỉ có nhân dân là è cổ ra gánh chịu mọi tai họa trên đời do chính các đ/c cán bộ lãnh đạo (tức là các “quan chức”) trong bộ máy nhà nước gây ra; mà các đ/c cán bộ lãnh đạo này đều do bộ máy Đảng lựa chọn bổ nhiệm sang.

Ngày xưa, cả triều đình ngót trăm đại thần chỉ có Lục bộ với 6 quan thượng thư có trách nhiệm rõ ràng trước nhà vua. Nay ta có tới mấy chục bộ. Vừa bộ của Đảng, vừa bộ của Nhà nước, “lục bộ” nọ chồng lên “lục bộ” kia mà chẳng vị nào chịu trách nhiệm. Việc cải cách giáo dục thất bại, Bộ trưởng Giáo dục vô can, Trưởng ban Khoa giáo của Trung ương Đảng cũng chẳng hề hấn gì. Kết quả là đổ lên đầu dân, mọi chuyện sai lầm thất bại là do “dân trí” thấp mà ra. Vậy, thử hỏi “dân trí” thấp hay “đảng trí” thấp?

Đường xá không kịp sửa, xe gắn máy, xe ô tô nhập vô tội vạ, kẹt đường, chết người (bình quân 6000 người chết một năm vì tai nạn giao thông). Thế mà bộ trưởng Giao thông, bộ trưởng Thương mại vô can, trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng cũng không hề hấn gì. Chỉ có dân bị chê không chịu học luật đi đường, chết ráng chịu (! ?)

Chúng tôi cho rằng chỉ một “vua” cộng với 150 đại thần (nếu thấy quá đông thì rút bớt) với một “tổng đốc”, một “tri huyện”, một “lý trưởng” là mọi việc xong hết. Nhân dân tình nguyện đóng góp thêm, đánh cho đồng chí 10 thanh kiếm thượng phương để đ/c thực sự giao quyền “tiền trảm hậu tấu” cho các quan thanh tra. Quan thanh tra không làm tròn nhiệm vụ thì cũng cứ thẳng tay trảm luôn. Đ/c cứ thực hiện “sứ mệnh lịch sử” một cách nghiêm minh, xóa đói giảm nghèo một cách thực sự, luật pháp thi hành không trừ ai. Quan lại không dám tham nhũng, Nhân Dân khắp thôn cùng xóm vắng đều no ấm, không còn tiếng hờn giận oán sầu. Xã hội tốt như thế mà vẫn còn động loạn thì như bà con nông dân thường nói, xin cứ mang đầu chúng tôi đi mà chặt, nửa lời không thèm kêu oan.

Các đ/c cứ việc độc quyền độc đoán, không sao cả, miễn là nhân dân no ấm. Tất nhiên các đ/c có cái khó hơn các vua chúa xưa là không được để cho đất nước tụt hậu. Mình vẫn tự hào là một đất nước văn hiến, cứ thua mãi anh chị em trong khu vực là nhục. Ở tư thế kẻ chiến thắng ra khỏi chiến tranh 25 năm mà tình hình đất nước lại như thế này thì lỗi tại ai? Các nhà nghiên cứu của ta cũng nên đặt câu hỏi : vì sao cũng là ra khỏi chiến tranh - mà là kẻ bại trận, Nhật Bản lại tiến nhanh như thế? Bây giờ Đại hội IX của ta lại bàn phải phấn đấu để đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp và đến năm 2010 thì phải có bình quân đầu người 800USD (hiện nay ta đạt 323 USD thì Thái Lan là 12.000 USD, nghĩa là hơn ta khoảng 34 lần). Nhưng Đại hội lại lảng tránh không thảo luận vấn đề vì sao Đại hội VII đặt mức phấn đấu trong 10 năm (1991-2000) là phải tăng bình quân thu nhập gấp đôi, từ 200 USD lên 400 USD mà ta lại không đạt (trong khi cũng đặt kế hoạch 10 năm phấn đấu, Hàn Quốc từ 100 USD đạt tới 800 USD). Tất nhiên hoàn cảnh mỗi nước một khác và ta có cái khó riêng của ta, nhưng nếu không thảo luận vì sao không đạt 400 USD (cũng như tìm hiểu vì sao mà người ta đạt vượt trội như thế) thì làm sao khắc phục được những nguyên nhân để đạt 800 USD. Mà thật ra 800 USD cũng vẫn là một nỗi nhục. Trung Quốc với 1,2 tỉ dân mà hiện nay cũng đã đạt 1.000 USD. Thế nghĩa là thế nào?

Chúng tôi cũng không thể chấp nhận lập luận của các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu văn hóa : đói nghèo không quan trọng bằng mất bản sắc dân tộc. Thế hóa ra những nước giàu họ mất hết bản sắc dân tộc chăng? Rồi chính họ lại viết bài ca ngợi Nhật Bản, Thái Lan và nhiều nước giàu khác giữ bản sắc dân tộc tốt lắm, ta nên “tăng cường” và “đẩy mạnh việc học tập”. Thật là lập luận luẩn quẩn và ngụy biện. Thế mà nhà nước ta vẫn kiên trì chi hàng trăm tỉ cho báo chí quốc doanh cổ động cho những lập luận như thế liên tục trong vài chục năm nay. Phim ảnh mấy năm gần đây hầu như phim nào cũng cố đưa vào cái cảnh rước sách linh đình và sì sụp lễ lạy (vừa rồi lại có cả một cảnh thắp hương và lễ lạy trên máy bay lúc máy bay đang bay, còn cảnh lập bàn thờ ông địa và thần tài thì hầu hết mọi công sở đều tuần tiết sóc vọng rất cung kính nghiêm chỉnh). Thờ cúng tổ tiên thần thánh thì đúng quá rồi, nhưng vì sao lại phải làm ầm ĩ đến như thế? Cho nên không có gì ngạc nhiên khi thấy các cụ cựu chiến binh, lão thành cách mạng lắc đầu thở dài trước cảnh rầm rộ lễ hội, hoa hậu, thời trang, hội chợ : toàn những trò Du Couroy tái sinh.

Tóm lại, đ/c và “triều đình” của đ/c cứ lãnh đạo thế nào cho nhân dân no ấm, đất nước phát triển bằng chị bằng em trong khu vực thì chẳng xảy ra chuyện gì hết. Còn nếu để cho Nhân Dân nghèo đói, Đất Nước tụt hậu nhục nhã thì tất nhiên Nhân Dân lại phải khởi nghĩa “đuổi” các đ/c đi như đã từng làm đối với các triều đình suy thoái thời mạt Lý, mạt Trần, mạt Lê. Hẳn có nhiều người sẽ kêu lên : làm gì đến nỗi thế! Vâng! Nếu cứ để “triều đình” và bộ máy nhà nước tràn ngập bọn “quan lại” cơ hội cửa quyền, tham nhũng thì xin vui lòng... hãy đợi đấy!

Thưa đồng chí,

Phe XHCN chúng ta vốn có truyền thống “đi từ nghiêm túc đến buồn cười”, nay lại phải “đi từ buồn cười đến nghiêm túc”. Có thể đ/c và nhiều người cho rằng chúng tôi đang bàn việc Đảng việc Dân một cách thiếu nghiêm túc. Không! Chuyện độc đoán hay dân chủ là chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Phải nghiêm túc chỉ ra rằng Đảng ta đang hết sức độc đoán và thực hiện một thể chế chính trị không thích hợp với thời đại. Đại hội từ cơ sở đến toàn quốc, các đ/c dự kiến bầu cử nhau, nhân dân tham gia vào chỗ nào. Mai kia các đ/c lại dự kiến cử người sang Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và đủ các thứ người vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước, đại đa số là đảng viên, nhân dân có quyền gì vào đó. Chúng ta tiếp tục dân chủ một cách hình thức, chúng ta sẽ sụp đổ. Đó là điều chắc chắn.

Nghị quyết Đại hội IX vừa rồi đưa lại hai chữ dân chủ vào mục tiêu nhưng đưa không đúng vị trí, cũng vẫn là đối phó một cách hình thức. Hầu hết các đại biểu, trong đó có các nhà lý luận hết sức né tránh không dám bàn về vấn đề dân chủ một cách thực sự, thực lòng. Nếu đ/c thực lòng muốn dân chủ hóa đất nước, hẳn đ/c phải thấy tình hình hiện nay là đáng lo ngại và đ/c phải nghĩ n việc thay đổi thể chế chính trị. Chúng ta phải có một Quốc hội tử tế, Nhân Dân phải được hưởng thực sự mọi quyền tự do đã ghi trong hiến pháp. Tất cả những nhân viên công quyền phải được Nhân Dân cắt cử và kiểm soát (vừa qua mỗi đ/c bí thư Đảng lại kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân là không đúng) và đ/c cũng nên có kế hoạch giáo dục và chỉ thị cho đảng viên các cấp của mình thôi đi cái trò vỗ ngực tự nhận mình đang được lĩnh “sứ mệnh lịch sử” để lãnh đạo nhân dân này. Người đảng viên cộng sản sao lại có thể coi mình mang sứ mệnh lãnh đạo như vua chúa ngày xưa lĩnh mệnh trời để cai trị dân. Đó là một kiểu suy nghĩ lỗi thời, không thể chấp nhận được.

Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với những khó khăn của đ/c. Đ/c đang phải thực hiện đồng thời ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới ánh sáng của một thứ lý luận hết sức giáo điều đang chế ngự hội đồng lý luận, mọi học viện nghiên cứu và các nghị quyết Đảng. Sắp tới đ/c nào được cử thay đ/c làm chủ tịch Quốc hội chắc cũng lúng túng như đ/c trước kia mà thôi. Còn đ/c Phan Văn Khải tiếp tục làm Thủ tướng mà không giao trọn quyền hành cho đ/c ấy “hành pháp” thì đ/c ấy cũng đành bó tay thôi (chưa kể theo đ/c Nguyễn Đức Tâm cho biết thì đ/c Đỗ Mười còn nói : cho Khải làm thủ tướng thêm 2 năm nữa). Đ/c Phan Văn Khải làm Thủ tướng 5 năm, 2 năm hay 2 tháng đó là quyền quyết định của Quốc hội chứ không phải quyền của bất cứ cá nhân hay phe nhóm nào. Các đ/c nắm những chức vụ quan trọ.ng như thế mà còn không có thực quyền thì thử hỏi Nhân Dân có quyền gì? Chúng ta phải thảo luận cho ra vấn đề này.

Trên một đất nước có kỷ cương luật pháp như nước ta mà chẳng ai có thực quyền rồi bất cứ ai cũng lại có quyền vi phạm luật pháp, vi phạm hiến pháp mà không thể xét xử. Để tỏ ra có luật pháp nghiêm minh, chúng ta lại mang ra xét xử những người vô tội. Còn kẻ có tội thực sự luôn luôn có thể “chạy tội” một cách dễ dàng. Công an bắt người, Viện kiểm sát khởi tố, Tòa án xét xử nhiều khi lại không căn cứ vào luật pháp, làm sai luật pháp cũng không bị trừng phạt. Thế nghĩa là thế nào? Chẳng lẽ chúng ta lại nhẫn tâm biến Đảng mình thành một thứ Đội cải cách ruộng đất mới hay sao? Cái thời “nhất đội nhì giời” đã làm khốn khổ chúng ta, chúng ta lại chưa thấm thía hay sao!

Chúng tôi biết đ/c Lê Khả Phiêu muốn làm nhiều việc tốt, muốn làm mạnh tay hơn nữa để chuyển biến tình hình mà không thể làm được. Rất mong đ/c không phải lâm vào một tình cảnh như thế.

Nếu quả thật đ/c thấy lập một triều đình phong kiến trong thời đại hiện nay là hoàn toàn lỗi thời, lố bịch thì không còn đường nào khác là con đường dân chủ hóa đất nước. Chúng tôi thấy không nhất thiết phải “độc nguyên” hoặc “đa nguyên”. Cứ “đồng nguyên” như ông bà ta thời Lý Trần là hay hơn cả. Với truyền thống “đồng nguyên” và tinh thần “đồng thuận”, đ/c có trách nhiệm tập hợp tất cả những người có tâm huyết và có trí tuệ ưu tú thực sự để bàn bạc việc phát triển Đất Nước. Không nên dựa vào những người lý luận giáo điều hoặc đang ngoan cố bảo vệ những tín điều lạc lõng với cuộc sống.

Cách đây khoảng 6000 năm, người cầm đầu đất nước đã có ý thức rất rõ ràng trách nhiệm của mình nên đã nói :

”Các ngươi có điều tốt, ta không dám che lấp, bản thân ta có tội, ta không dám tự tha... Các ngươi ở muôn phương có tội, đó là tội của ta, bản thân ta có tội, ta không thể đổ cho các ngươi.” (Nhĩ hữu thiện, dư phất cảm tế, dư nhất nhân hữu tội, bất cảm tự xá... Nhĩ vạn phương hữu tội, tội tại dư nhất nhân, dư nhất nhân hữu tội, vô dĩ nhĩ vạn phương). ( Thang cáo - Thượng Thư)

Nếu tất cả những người đứng đầu đất nước hoặc đứng đầu từng cơ quan nhà nước đều ý thức được như vậy thì làm thế nào đất nước lại không phát triển; bọn cơ hội cửa quyền, tham nhũng lại không tiêu vong? Nếu tất cả đều không nghĩ được như vậy thì làm thế nào mà đất nước lại không nghèo nàn, loạn lạc, tụt hậu; làm thế nào bè lũ cơ hội, cửa quyền, tham nhũng không sinh sôi nẩy nở?

Chắc đọc những điều chân thành và tâm huyết này, có nhiều người sẽ cho là “phạm thượng”. Đúng là “phạm thượng”, nếu cứ nghĩ đ/c là một thứ vua mới chứ không phải “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đúng là “phạm thượng”, nếu cứ nghĩ chúng tôi cũng chỉ là một thứ thần dân mới chứ không phải vừa là công dân, vừa là chủ nhân đất nước. Chúng tôi tin rằng chúng ta đều đang sống và làm việc theo gương sáng và những lời dạy đúng đắn của Bác Hồ. Vậy thì chúng ta có thể tiếp tục đối thoại với nhau.

Chúng tôi tạm dừng ở đây và xin kính chúc đồng chí thành công trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước.

Kính chào thân ái và quyết thắng

Trần Khuê - Nguyễn Thị Thanh Xuân

Địa chỉ : Trần Khuê
296 Nguyễn Trãi Q5 TPHCM
Điện thoại: 8.363.825
E-mail: trankhue@hcm.fpt.vn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn