BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39393)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vinh Danh Các Chị - Người Vợ Tù Nhân Chính Trị VN Vẫn Ấm Nồng Tình Chiến Hữu

28 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1057)
Vinh Danh Các Chị - Người Vợ Tù Nhân Chính Trị VN Vẫn Ấm Nồng Tình Chiến Hữu
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Cơn bão tuyết và khí hậu mùa đông khắc nghiệt chưa từng có đã tràn vào Bắc Mỹ vào lúc mà mùa Xuân đang sắp trở về. Không chỉ ở các tiểu bang miền Bắc, mà ngay miền Trung, Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng trầm trọng. Những người dân Texas đã than rằng đây là cơn lạnh khủng khiếp nhất mà họ trải qua trong suốt gần thế kỷ.

Mới ngày hôm trước, các thành phố còn trải ngập nắng vàng, ấm áp. Thì đột ngột, nhiệt độ hạ xuống mức dưới độ đông đá. Tuyết rơi nhanh chỉ vài giờ là phủ kín các con đường. Lúc ra đi từ Austin trong ngày Chủ Nhật 9 tháng 1, đường sá đã thấy vắng vẻ thưa thớt. Chúng tôi đã nghe dự báo thời tiết không mấy lạc quan. Nhưng vì chương trình Ra Mắt Sách của tôi đã được Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Dallas và các tổ chức Cộng Đồng dự trù từ hai tháng trước. Thư mời đã gửi đi. Báo chí, đài phát thanh, truyền hình đã đăng tải, chúng tôi không thể hoãn lại được.

Nhưng thật bất ngờ đến cảm động. Các ghế ngồi trong Hội trường Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Dallas vẫn ken kín khách tham dự. Các vị đại diện các đoàn thể, các vị lãnh đạo ba cộng đồng, truyền thông không vắng ai. Có nhiều thân hữu từ các tiểu bang xa vẫn rán về như chiến hữu Hoàng Văn Minh (Oklahoma), Phạm Bá Vinh, Tạ Quang Trung (Virginia). Nhiều đồng môn Chiến Tranh Chính Trị từ các thành phố lân cận cũng liều mạng lái xe trên con đượng trơn trợt đầy tuyết để đến chia vui với bạn mình.

Do đó, tuy ngoài trời lạnh buốt xương mà trong căn phòng lại rất ấm cúng. Ấm cúng tình chiến hữu đồng môn. Càng ấm hơn khi qua sang thứ hai ngày 10 tháng 1, chiến hữu Phan Văn Phúc (Phụ tá Tổng Hội Trưởng THCTNCHVN) và chiến hữu Trần Văn Chính (Chủ Tịch Khu Hội Dallas) đã cùng ông Cung Nhật Thành (đại diện Cộng Đồng Dallas-Fort Worth) đã thức dậy từ 4 giờ sáng, lái xe trên đoạn đường hơn 200 dặm trong cơn bão tuyết để kịp tham dự phiên toà dự trù lúc 9 giờ sang thứ Hai tại Austin, yểm trợ cho bạn mình đang bị kiện vì đã lên tiếng tố cáo một nhân vật Cộng đồng làm ăn giao tiếp với kẻ địch. Lần ra toà trước, ngày 11 tháng 9, 2010, các vị Chủ Tịch và đại diện ba Cộng Đồng Dallas-Fort Worth, Tarrant County cũng đã về Austin để hỗ trợ cho bị đơn.

 Tôi đã thực sự vô cùng xúc động khi vào một buổi tối, sửa soạn lên giuờng, đã lần đầu tiên nhận cú điện thoại từ Chiến Hữu Nguyễn Trung Châu - Chủ Tịch Tổng Hội Cựu TNCTVN) là người tôi chưa hề có hân hạnh quen biết: “Anh Phúc ơi, chúng tôi quý mến anh vô cùng. Anh hãy vững tâm, anh em trong Tổng Hội sẽ đứng bên anh, làm bất cứ gì để hỗ trợ anh”. Trong hai đợt Quỹ Pháp Lý, các thành viên trong Tổng Hội, các Khu Hội – cũng như các bạn đồng môn Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị, các đồng nghiệp truyền thông - đã đóng góp rất rộng lòng để cứu giúp bạn mình; thực hiện châm ngôn “Không quên bạn tù, không quên đồng bào đau khổ”. Tôi biết có những anh đang lãnh tiền an sinh xã hội năm bảy trăm, nhưng đã đóng góp cho tôi 200, 300. Dù ít, dù nhiều, đó là sự thể hiện tình chiến hữu mà chúng ta từng chia sẻ cho nhau trong những năm tháng tù đày, từ củ khoai, chút muối, miếng đường đen…

Vì thế, khi nghe tin các Đại Hội Cựu Tù Nhân ở Oklahoma, Colorado, chính vợ tôi đã thúc: “Anh phải đi, để em ở lại thay anh quán xuyến công việc. Em làm được, có gì trục trắc, em sẽ gọi anh”

Lần đi Oklahoma thì tôi đi một mình. Cũng thời tiết mùa đông bất trắc, tuyết trên các con đường thành phố OKC còn chưa tan hẳn, lạnh thấu xương. Ngoài Chiến Hữu Chủ Tịch Nguyễn Trung Châu đến từ New York, còn có các chiến hữu Khu Hội Colorado, lái xe hàng 7, 8 giờ vượt qua 3 tiểu bang, lầm lủi trong đêm để đến tham dự. Tại đây, tôi đã cảm nhận được lòng ưu ái của các bạn dành cho mình ngoài sự mong muốn. Tôi đã phát biểu ngắn về tấm tình chiến hữu đáng trân trọng này như một lời biết ơn đối với những yêu thương mà quý anh trong Tổng Hội đã dành cho tôi trong gần hai năm qua. Đó là tấm tình mà chỉ những người cung chung lý tưởng mới có với nhau đậm đà đến thế. Qua hai lần tham dự Đại Hội Cựu Tù Nhân CT tại OKC và Denver, tôi đã gặp lại các bạn tù thân thiết nhất mà câu nói đầu tiên và lúc chia tay là “tôi thương bạn lắm, bạn ơi.” Đó là hai bạn Nguyễn Thi Ân và Phạm Trọng Nghĩa từ Utah, đã cùng tôi chi cay sẻ đắng tại trại tù Xuân Phước nhiều năm.

Nhưng lần gây nhiều ấn tượng nhất là buổi dạ tiệc do Khu Hội Colorado tổ chức, vừa mừng Tân Niên, vừa để vinh danh quý chị - những người vợ tù đảm đang, chung thủy và can đảm đã đứng vững trong cơn lốc nghiệt ngã nhất của thời đại để nuôi con, lo cho chồng dù biết ngày tái ngộ rất mong manh, vô vọng.

 Đúng thế, dù rằng những người trai phải ra sa trường chinh chiến, chịu nhiều, gian khổ, chấp nhận hy sinh thân mình cho đồng bào, tổ quốc; các chị cũng phải can đảm lắm mới chịu đựng được bao ngày dài trăn trở, âu lo, sẵn sàng trở thành goá bụa. Những hy sinh này còn cao lên gấp bội khi những người chồng bị lùa vào các trại tập trung của kẻ thù gian ác. Bên trong trại tù, các anh đói khổ, chịu cực hình, tra tấn, bị hành nhục, làm việc nặng nhọc như những kẻ lao nô; thì bên ngoài, các chị bị ngược đãi, xua đuổi, dè bỉu, vất vả buôn chui bán nhủi để kiếm chút tiền hiếm hoi nuôi con, dành dụm bới xách cho chồng. Thân gái dặm trường, các chị phải lặn lội dài ngày trên các con đường rừng sâu, núi thẳm, chấp nhận bao hiểm nguy từ mọi phía để chỉ được gặp chồng trong vài ba mươi phút ngắn ngủi mà không được cầm lấy tay nhau.

Mẹ tôi cũng là một người vợ tù thời Việt Minh chờ đợi chồng trong hơn sáu năm. Bọn gian ác côn đồn đã bắt mất chồng lúc bà mới ba mươi sáu tuổi xuân. Bà đã bươn chải sống cô đơn nuôi con chờ một người chồng đã không bao giờ trở về.

Có nhiều người vợ tù sau 1975 cũng cùng một nỗi đau mất mát đó. Than ôi, người đàn bà Việt Nam trong chiến tranh đã chịu đựng quá sức của một con người. Nhưng chưa có chữ nghĩa nào nói lên đủ nỗi đau thương cùng cực này.

Việc phát động phong trào vinh danh vợ tù của Tổng Hội là một nghĩa cử, tuy có muộn, nhưng vẫn còn thời giờ để những đàn ông có một dịp ôn lại trong quảng đời của mình, những năm tháng hạnh phúc ngắn ngủi, bất trắc khi còn chiến tranh, và những nhọc nhằn đày ải khi bị trong vòng tù ngục của Cộng quân.

Người ta nói rằng : “trong sự thành công của người chồng, luôn có bóng dáng của người vợ.”

Thật thế, dù trong thành, bại, thì người đàn bà vẫn là cái bóng để yểm trợ, chia sẻ, ủi an để chồng vững bước, an tâm. Những năm tháng tù đày có dài, nhưng niềm hy vọng, tin tưởng vào người vợ cũng làm cho chồng thêm sức chịu đựng. Tội nghiệp những anh đã chịu thiệt thòi, nghe tin buồn về gia cảnh. Họ phải can trường lắm mới vượt qua được đdể sống sót trở về mài nhà vắng lạnh. Chúng ta không quá trách các chị vì hoàn cảnh quá nghiệt ngã đối với một phụ nữ yếu đuối vừa về thể chất vừa về tinh thần và nhất là chưa từng trải qua những khó khăn quá sức mình như thế.

Còn bao năm nữa trên cõi thế gian này? Các anh chị còn bao mùa trăng để cùng nhau tựa đầu ôn lại tình cảm yêu thương gắn bó lúc thanh xuân? Đã đến lúc mà chúng ta sẽ mỗi ngày đền đáp cho vợ mình bằng đôi mắt trìu mến, chẳng cần phải những đoá hoa hồng tươi thắm, chẳng phải những món qua đắt giá, mà chỉ lời nói chân tình:”Anh biết ơn em, anh trân quý em vô cùng, hỡi một nửa cuộc đời của anh.”

 Đỗ Văn Phúc

Feb. 2011 


Quý Chiến Hữu trong Ban Chấp Hành Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam và các đại diện các Khu Hội



Hoạt cảnh Người Vợ thăm Chồng tại trại tù



Trao tặng hoa cho quý chị.



Chiến Hữu Nguyễn Trung Châu, Chủ Tich Tổng Hội CTNCTVN trao Tưởng Lệ cho Khu Hội CTNCTVN Colorado.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn