BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người chột trong xứ mù

23 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1132)
Người chột trong xứ mù
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Sau 10 bài học tại Lam Sơn như đã kể. Chúng tôi, từng cặp dính chung một kìm số 8, được “cán bộ” chất như chất “hàng hóa” vào những chiếc xe tải, xe được che bạt bịt bùng. Chuyển từ Lam Sơn ra Cũng Sơn, huyện Ngân Điền, thuộc tỉnh Tuy Hòa.

 Kìm số 8 đính chặt từng cặp chúng tôi suốt thời gian di chuyển, dính nhau cả lúc phải làm những việc rất tư riêng. Cho nên có ai đó sáng tác câu ca dao được truyền tụng như sau :

Giận thằng "giặc M ỹ" rút đi.
Rút đi thì rút, mầy bỏ lại chi cái kìm.
Kìm không dùng, mầy đem mầy vất,
Kìm không dùng, mầy cất lại chi ?
 


 Giận thằng "giặc Mỹ" rút đi.
Rút đi thì rút, mầy bỏ lại chi cái kìm !?
 

 Đế Quốc Mỹ đúng chơi khăm, rút hết, nhưng để kìm kẹp lại cho “Đảng ta” xử dụng! Đảng tuy hô hào “xóa hết xích xiềng bọn Mỹ Ngụy”, nhưng lại hoan nghênh còng số 8 “made in USA”. 



 Tại Cũng Sơn, một “cán bộ” cho biết, Trại đã từng “tha về” một sĩ quan Ngụy, tên Đàm Khánh Hạ. Vì anh Hạ “cải tạo có tiến bộ”. Nên Trại giao anh về cho Địa Phương quản lý.

 Thế mà, không hiểu sao, mỗi lần nghĩ đến Đàm Khánh Hạ, tôi liên tưởng ngay đến một nhân vật trong truyện Tàu là Tôn Tẫn.

 Có thể vì Tôn Tẫn cũng què như Hạ, và từng nhẫn nhục làm vẻ ngu ngơ để thoát sự dòm ngó và ám hại của những kẻ do thời cơ, vừa ôm trọn quyền thế. Những quyền thế như từ trời rớt xuống, Hạ thu mình lại đúng lúc những kẻ đó say sưa và đang huyênh hoang trong men chiến thắng.

 Tôi đã có dịp nghe bạn Quyền kể chuyện về Nguyễn Thanh Nguyên, bạn Nguyên Đen chúng mình vượt ngục tỉnh queo, ngay trước mắt bọn cai tù. Nguyên thoát ra khỏi trại giam và đi từ Bắc vào Nam như một kẻ nhàn du, -một chuyện thiên nan, vạn nan trong thời gian đó -. Ai từng sống trong xã hội Công An Trị của Cọng Sản mới thấy rõ.

 Tôi còn vô cùng khâm phục bạn Phú Thọ trong cuộc đào tẩu hào hứng và đầy mưu trí để tránh sự theo dõi, rình mò của Công An đông như kiến, trong những ngày trốn thoát khỏi trại giam để tìm đường vượt biển.

 Với bạn Hạ, có nên xem hành động “để được trả về địa phương quản lý”, là đào thoát không? Hạ đã lợi dụng thiên thời và địa lợi, điều kiện mà bạn Nhường của chúng ta không có. Khéo léo sống như người què quặt vô hại, rồi từng bước vượt lên, qua mặt những Bàng Quyên gặp thời đang vênh váo.

Thọ vượt thoát thành công, xem như “cá vượt vũ môn”. Nguyên thất bại, phải 13 năm dài lê thê tù tội. Nay thì Thọ và Nguyên đều đã có đời sống ổn định nơi xứ người. Riêng Hạ, tuy còn trong nhà giam lớn là XHCN, nhưng qua những câu chuyện kể của bạn Bành Tổ, Văn Cung, Diên Hồ, Cao Yết và cả Lý Khâm, những bạn từng có lần tiếp xúc với Hạ. Thì Hạ tuy què, nhưng có “thế đứng” rất vững trong lòng dân Tuy Hòa. Bên cạnh cháu lớn Đàm Đinh Lâm Viên nổi tiếng là bác sĩ giỏi, có Bệnh Viện tư, Hạ còn con trai đang du học Kỹ sư ở Úc. Bản thân Hạ, vừa làm Giám Học Tỉnh, vừa Giám Đốc ngôi trường Mầm Non, vừa điều hành văn phòng cung cấp Vật Liệu Xây Dựng (Giám Đốc, Giám Học, chắc có cả giám xúi !). 

 Mục đích và kết quả việc đào thoát của các bạn đó. Kể luôn các bạn đi thoát từ 75 hay vượt biên sau nầy, hình như khác nhau, mà cũng hình như có điểm giống ... Mà thôi, chuyện giống mà khác, khác mà giống đó, tôi trở lại sau, giờ xin tiếp nối để cho câu chuyện có đầu có đuôi cái đã. 

 Tù “cải tạo” chúng tôi, như một thứ “hàng hóa” được quân đội cất giữ 3 năm. Hàng “cải tạo” được chuyển qua cho Công An “Trại A 30” cất giữ. Công An “nhận hàng”, nhập kho và “quản lý” tiếp.

 Có vẻ Quân Đội ít khe khắt hơn Công An. Sau nầy đọc “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn miền Bắc Bùi Ngọc Tấn, tôi mới biết, loại “tù không án”, tuy họ tuyên bố “tốt thì về” nhưng được ấn định thời gian bằng “lệnh” từ đâu Trung Ương, mỗi lệnh là 3 năm, chúng tôi đang chịu “lệnh” thứ hai. 

 Một buổi sáng, đang xếp hàng chuẩn bị đi lao động, một ngày như mọi ngày, thì một số anh em, trong đó có tôi, có tên ngồi lại, chờ nghe “cán bộ” tuyên bố lý do.



Sau khi đọc “Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà Nước” họ tuyên bố chúng tôi sẽ được lãnh Giấy Ra Trại đợt nầy. Và lập tức, cách ly chúng tôi với những người chưa có tên. Nhờ các đợt tù về trước cho tin, Hạ nhắn tôi, qua thân nhân đi thăm nuôi, là tìm nó ở Hợp Tác Xã Mây Tre “Nguyễn Thị Minh Khai”. Về phố, tôi đang lơ ngơ, thì Hạ đã chờ đón sẵn.

 Khỏi nói thì các bạn cũng biết chúng tôi vui mừng như thế nào. Hạ đem tôi về nhà đãi cơm. Tôi không nhớ đã nói với nhau chuyện gì, bữa ăn ra sao, đã ăn những gì. Cứ vui câu chuyện, tôi làm hết bát nầy đến bát khác. Đang say sưa, bỗng tôi thấy Hạ bối rối khi cầm cái bát tôi đưa cho Hạ xới thêm. Chợt tôi hiểu, vì nãy giờ Hạ ngưng ăn, chỉ chờ đơm cho tôi thôi. Nhìn lại nồi cơm, tôi thấy cái nồi đã trống rốc.

 Đó là bữa ăn tôi được ăn no sau sáu năm đói triền miên. -Hạ ơi! buồn cười quá phải không? Cái náo nức vui mừng, cọng với quãng đường dài cuốc bộ, mầy tuy biết tao đang thèm ăn, nhưng không nghĩ tao đã thành kẻ “đói cơm” và háu ăn như vậy. Đó là bữa ăn tao nhớ đời-.

 Hạ bảo tôi đưa Giấy Ra Trại, dẫn tôi đi mua vé. Nhưng đi đến đâu, nhà ga hay bến xe, họ đều bảo phải chờ xét duyệt. Có người cho biết, trước đây có kẻ phải nằm chờ cả tuần, ăn ngủ tại chỗ ngay trước phòng bán vé, mới may ra mua được. Hạ đành dẫn tôi ra quốc lộ, vẫy đón xe “Hàng” dọc đường, cứ chận lại rồi trèo lên, trả giá vé theo thỏa thuận với “lơ”. Hạ đưa tôi hai gói bột bình tinh, dặn đưa Diên Hồ một, cùng nhét vào ba-lô tôi lon “Guigoz” cơm, và đưa tôi $50, dặn cất cho kỹ.

 Quần áo rách bươm, tay xách Goz cơm, dĩ nhiên mọi người đều biết tôi là tù nhân vừa phóng thích. Anh lơ xe thông cảm, chỉ lấy tiền theo giá vé chính thức từ Tuy Hòa ra Nha Trang. Dĩ nhiên tôi phải bám vào sau đít xe chứ không có chỗ ngồi. Đến Nha trang vừa tối, tôi lại vất vưởng ở bến xe suốt đêm, nằm nghỉ trước quầy vé, để giữ chỗ đầu tiên. Thế mà lúc phòng vé mở cửa, họ giải quyết trước cho một số theo diện ưu tiên gì đó, nhưng may quá, rồi cũng tới lượt tôi. 

 Tại một chỗ nghỉ trước khi leo đèo Ngoạn Mục, tôi mới có dịp nhìn mặt đồng tiền mới. Trên đầu đồng bạc, ghi “Ngân Hàng Nhà Nước”, chứ không phải “Ngân Hàng Nhân Dân” như mọi thứ khác. Tôi quen nghe các thứ như Công An, Quân Đội, Viện Kiểm Sát, Tòa Án …cái nào cũng đều có kèm thêm cái đuôi “Nhân Dân” vào ráo trọi.

 Tôi tò mò, vì suốt 6 năm, tôi chưa hề thấy tiền. Nếu bà xã có đưa tí tiền, thì phải “ký thác” ngay vào Trại, thỉnh thoảng họ bán cho ly chè đậu, hay ít táng đường rồi trừ dần. Công “lao động” sáu năm của tôi, họ trả vừa đủ tiền vé cho lộ trình về nơi chịu quản chế. Nhìn mặt “Bác Hồ” chán rồi nhét vào túi, không dám tiêu, phần lạ lẫm giá cả, phần không rõ phải mua trả ra sao. Tôi chỉ ngồi nhìn thiên hạ ăn, chưa bao giờ, tô cháo lòng bốc khói hôm đó, nó quyến rũ, và cám dỗ tôi như vậy trong đời. May quá, hình ảnh mấy con tôi đã ùa đến, xua đuổi tô cháo ra khỏi đầu óc tôi. 

 Đến bến xe Đà Lạt, một tình cờ hi hữu, là có hai con gái tôi, Quỳnh Như và Quỳnh Dao, đúng hôm đó chúng ra bến xe đón anh nó là Nguyễn Cửu Long, Long xuống Cam Ranh để nhận “tái tiếp tế” nước mắm và cá khô. Tôi một mình “trơ ông cụ”, chẳng hành lý, nên xuống xe là đi ngay, vào chợ. Có tiền Hạ cho, tôi mua gói kẹo cho đứa con trai út. Đứa con mà, tháng 5/75 tôi vào tù, tháng 6/75 nó chào đời.

 Hai con gái tôi thấy xe từ Nha Trang lên, cũng chạy đến đứng nhìn, vì suốt thời gian vào tù, tôi chưa gặp chúng. Nên lúc đó chúng có thấy tôi, mặt mũi ngơ ngáo nên rất dễ nhớ, nhưng không hề biết đó là cha mình. Trong trí nhớ của chúng, cha mình đâu có xanh xao, xơ xác, rách rưới, bẩn thỉu và ốm đói như vậy.

 Mua được gói kẹo, tôi quay lại, leo dốc nhà Thờ “Con Gà” đến Tiểu Khu, quẹo trái lên dốc Pasteur, quẹo trái vào Nam Thiên, men theo đường mòn dốc đứng, tuột xuống ấp Sòng Sơn. Trụt đến lưng chừng đồi, ở đây, giữa một không gian rộng lớn, chênh vênh hai nóc lều, bà xã tôi có lần cho biết nhà tôi là cái lều bên trái.

 Nói căn lều, thì có vẻ khoe khoang, mà nói cái chòi, thì hơi khiêm nhường. Một cái mái xuôi xuôi chừng 15 đến 20 tấm tôn cũ, che quanh vách, là ván thông bìa. Một đứa bé còi cọc đang một mình thơ thẩn dưới gốc mấy cây bơ, quay quẩn với nó vài con gà nhỏ. Tôi biết chắc đó là con mình, nên lần lấy gói kẹo cầm tay, dấu xúc động, chậm rãi đi tới. Thằng bé thấy người lạ, giương mắt nhìn, rồi quay đầu gọi lớn : “Mạ ơi ! Ôn mô hỏi”. Giọng Huế chay. 

 Mỗi năm một lần, bà xã tôi đều cố gắng đi thăm nuôi, lần nào thấy bả cũng áo quần lành lặn, tóc tai chải gọn, hình dáng cô “Nữ Sinh Đồng Khánh ngày nào” vẫn thấp thoáng trên nét mặt xanh xao. Nhưng trước mắt tôi bây giờ, Trời ạ? Một bà “nhà quê”, quần bo, áo túm, sình đất lên tận gối, đang nhìn tôi, mắt trào lệ, chỉ thản thốt mỗi tiếng “Anh!”, rồi lặng im, chúng tôi như “chết đứng”. Gói quà đầu đời cho đứa con “xa lạ”, nhờ món tiền Hạ dúi cho, để mong cha con làm quen, rớt bịch xuống đất.

 Xin lỗi các bạn, hình như tôi đang đi lạc qua phần “tâm sự riêng” hơi xa. Tôi xin trở lại với bạn Hạ. 

 Tôi nhớ đọc một câu chuyện, có tựa đề là “In the country of the blind, the one-eyed man is king” Tôi không nhớ tác giả, nhưng Kọp Hiển cho biết là của Deciderius Erasmus . Kể về một anh chàng lạc vào xứ của người mù. Anh ta tưởng bở, vì “Trong xứ Mù, người Chột là Vua”, huống hồ anh đầy đủ cả hai mắt. Anh ta dự tính “làm xếp sòng” những người mù trong xứ. Không ngờ, sau một thời gian chung sống, người Mù họ lại thấy mọi hành động anh chàng nầy là “bất bình thường”. Họ đè anh ta ra khám nghiệm, theo họ nhận xét, anh có quá nhiều khuyết tật, như đi săn không biết đánh hơi, ban đêm không nghe được tiếng động …Và nhất là, mắt anh ta không im lìm như mọi người, mà nó cứ chao động. Do đó, họ quyết định chữa bịnh cho anh bằng cách mổ lấy cái vật “chao động” đó ra. Sợ quá, anh chỉ còn đường là phải tìm cách vượt thoát.

 Bạn Hạ của chúng ta hình như cũng hoàn cảnh như anh chàng “sáng mắt” đó, nhưng Hạ đã khéo léo “stoop to conquer”, nhất là biết “hòa đồng” với những “mù lòa” chung quanh. Sau sáu năm, ngày tôi ra Trại, Hạ vẫn như người bình thường, xã viên của Hợp Tác Xã, có hơi đặc biệt một chút, vì trong Hợp Tác Xã, chỉ mình Hạ biết cách chế biến cho sợi mây lúc nào cũng mềm mại, không khô cứng khi đan, biết giao dịch và “quảng cáo” sản phẩm đi các nơi, biết cách làm cho Hợp Tác Xã có “lợi nhuận” v..v. Nhưng tất cả thành quả đó, được báo cáo là do quyết định sáng suốt của “ Đỉnh cao trí tuệ” xã, và “Ý chí kiên trì khắc phục khó khăn của mọi Xã Viên”. Khi từ giã tôi, Hạ bảo: “Nhớ cẩn thận, tao vẫn đi chung đường với chúng mầy”. 

 Giờ đây, ngồi trong căn phòng đầy đủ tiện nghi xứ người. Vẫn có một cái gì đó vướng mắc trong tôi: -Thằng trai đầu về cưới vợ ở Việt Nam, một lần về cưới, thêm một lần để bảo lãnh cho mẹ vợ qua Mỹ, rồi hết có ý tái hồi cố quận. Thằng út chưa vợ, cô nó khuyên nên về một lần cho biết. Nghe lời, nó về, nhưng rồi trở qua và không có ý trở lại. Các cô gái lại càng không muốn “chùm khế ngọt” chua chát hiện nay chút nào.

 Trở lại vấn đề giống mà khác ở đầu câu chuyện. Một lần trước đây, tôi kể về sự thành công của hai cô Andrea Trang Trần và Bác sĩ Lâm Viên, con của Hiển và Hạ. Chúng ta chưa có dịp đề cập bao nhân tài khác, như con trai Trần như Tăng, con trai Bùi Quyền, con gái Võ Đăng Diệu, con trai Đinh Hữu Khan, con trai Đặng Thiên Thuần v.v. và v.v… Kẻ trong quân ngũ, người tham gia hành chánh. Hàng hàng lớp lớp thanh niên nam nữ đó, đang sẵn sàng phục vụ cho nhân quần, xã hội.

 Tất cả chúng ta, từ tháng 4 năm 75, kẻ trước người sau, đều đã “tìm cách vượt thoát”, kiểu vượt thoát có thiên hình vạn trạng, chẳng ai giống ai, nhưng cùng chung mục đích, là đi tiếp con đường đã hứa ở Vũ Đình Trường.

 Do đó, tôi nghĩ Hạ hay Thuần đều cũng là vượt thoát. Giá bây giờ, nhân dân mình đứng lên tiêu diệt bạo quyền, hay quân phương bắc tràn xuống lần nữa trên quê hương. Chắc chắn con Thuần hay Hạ, như anh em mình ngày nào, sẽ trực tiếp có mặt khi tổ quốc lâm nguy. Và con cái chúng ta bên nầy, không lẻ đứng nhìn? Không trực tiếp, thì chúng cũng sẽ hỗ trợ nhau bằng tấm lòng và mọi khả năng chúng có. Nhớ nghe Hạ, bên nầy, “tao vẫn đi chung đường với mầy”.

 Houston đầu thu 2007.
Nguyễn Cửu Nhồng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn