BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Diễn

24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 829)
Diễn
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mấy bữa trước, ghé khu Bolsa – khi chờ trả tiền chai rượu ở chợ ABC – tôi nghe người đứng sau càu nhàu:

“Đ… mẹ, xấu như ma mà cũng bầy đặt… chảnh!”

 Không biết em gái đồng hương nào đó xấu tới đâu, và chảnh cỡ nào mà bị cằn nhằn như vậy? Tôi chỉ cảm thấy vui thích khi chợt gặp một từ mới (chắc mới nhập từ Việt Nam) mà mình “lĩnh hội” được ngay, dù đang sống đời lưu lạc.
Chảnh, nghe thiệt ngộ và có duyên hết sức.

 Ngôn ngữ có đời sống và tuổi thọ riêng của nó. Phách lối, hách dịch, hợm hĩnh, kiêu kỳ… – phen này – chắc chết, chết chắc!

 Chiều hôm qua, vô mạng Hội luận Văn học Việt Nam, tôi lại gặp một từ lạ khác (“Cái cậu X. dạo này hay diễn quá!”) nhưng không hiểu được ngay, và cũng không chắc rằng mình hiểu đúng nên xin ghi lại (toàn ngữ cảnh) để rộng đường dư luận:

 “Ông là người nghiêm túc và chân thành với không chỉ đời sống thơ của cá nhân ông. Ông ghét thói diễn, khi có lần phê phán cả người bạn thân của ông và nói: ‘Cái cậu X. dạo này hay diễn quá!’ Năm nào, giới thiệu truyện Thất Huyền Cầm ở khách sạn Guomann, tôi mời ông. Lê Đạt nghiêm túc hỏi: ‘Thọ có diễn không?’ Tôi bảo, thưa anh, em là người bộc trực, nghĩ gì viết ấy, nói vậy… Nguyễn Văn Thọ không diễn.’; ‘Ừ, không diễn thì tớ tới!’ Lê Đạt bấy nay chân đau. Ông từ chối người rước, lọ mọ tới với tôi. Suốt buổi lắng nghe một cách cẩn trọng. Ông lim dim mắt nghe chăm chú nghệ sĩ ưu tú Hoàng Yến đọc truyện của tôi. Khi về, ông tới bên tôi, chỉ nói một câu: ‘Thọ ơi, anh dặn, giảm chất thơ ở vài truyện đi!’ (“Lê Đạt, Dăm điều muốn nói” – Nguyễn Văn Thọ).

 Ngay dưới bài viết, có phản hồi của ông Hà Minh: “Bài viết của ông Nguyễn Văn Thọ rất công phu tỷ mỷ, tuy nhiên theo tôi nó ra đời… không đúng lúc: trong bài viết có những đoạn đối thoại giữa ông và nhà thơ Lê Đạt; nhà thơ bây giờ đã khuất núi, nay ông công bố phần phỏng vấn/đối thoại quả là… bất tiện cho việc kiểm chứng tính khả tín của nó…”

 Tôi không bận tâm lắm về tính “khả tín” trong mẩu đối thoại (nếu có) giữa ông Lê Đạt và ông Nguyễn Văn Thọ. Tôi chỉ sợ là mình hiểu không chính xác nghĩa (chữ “diễn”) của đoạn văn thượng dẫn – dù đã đọc đi đọc lại đôi lần: “Cái cậu X. dạo này hay diễn quá!”

 Cậu X (nào đó) chắc thuộc loại thích nhi nhô, hay lăng xăng, làm những chuyện nhố nhăng, rất nặng phần trình diễn, và thỉnh thoảng lại nổ sảng, nói năng vung vít, phát ngôn bừa bãi… khiến cho nhiều người phải cau mày hay đỏ mặt. Nếu cái “thói diễn” có nghĩa là như thế thì tôi e rằng ông Nguyễn Văn Thọ đã không thật với ông Lê Đạt, hoặc tự dối lòng, khi nằng nặc cho là mình không hay diễn.

 “Hầu như cứ động đến Việt Kiều là có mặt Thọ” – theo lời Người Buôn Gió, trong bài “Xem truyền hình Việt Nam”:

 “Hôm qua xem thời sự của truyền hình Việt Nam, bật lên thấy có một bác Việt Kiều mặt dữ dằn như dân anh chị xã hội đen thao thao trả lời phóng viên truyền hình nào là nhà nước nào trên thế giới cũng có pháp luật, nào là dân chủ phải trong khuôn khổ, rồi không được tự do quá trớn. Chắc anh già này lần đầu được phỏng vấn trên truyền hình cho đồng bào cả nước xem nói hăng lắm.”

 “Sau đó đến tay nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả của cuốn tiểu thuyết Quyên mới ra. Tên thường gọi là Thọ Muối. Hầu như cứ động đến Việt Kiều là có mặt Thọ Muối. Nhà văn Thọ Muối trước là cựu chiến binh giải phong miền Nam, khi xuất ngũ về đói quá (tác phẩm Nhà Ba Hộ đoạt giải của Thọ Muối lột tả những tháng ngày đau khổ này) Thọ Muối đi xuất khẩu lao động sang Đông Đức. Thời thế nháo nhào Tây Đông hòa hợp, Thọ Muối thành Việt Kiều Đức nhưng lòng nhớ các em gái Việt Nam khôn nguôi. Và hơn nữa là sự đam mê văn chương. Vì những thứ ấy chỉ ở Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu của Thọ Muối. Nên Thọ năng đi về quan hệ với văn nghệ sĩ và các em út trong nước. Mà muốn đi về thì phải phát ngôn thế nào thì Thọ tất rõ. Thọ Muối từng giật míc đọc thơ đón tiếp Tổng Bí Thư Nông khi ngài có dịp sang Đức quá bộ thăm Kiều bào bên đó.”

 Vụ ông Thọ “đọc thơ đón tiếp Tổng Bí thư” xẩy ra đã lâu, nghe đâu từ hồi tháng 4 năm 2004 lận, nên chi tiết được trao (hay giật) micro để thực hiện kỳ tích này e không mấy ai còn nhớ rõ. Nhưng hình ảnh ông Nguyễn Văn Thọ đứng cúi đầu trước máy vi âm và phát biểu “linh tinh” (hồi đầu năm 2010) thì được rất nhiều cơ quan truyền thông phổ biến:

 “Thay mặt các đại biểu kiều bào ông Nguyễn Văn Thọ… ca ngợi những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được trong 80 năm lãnh đạo đất nước… Ông cũng cho biết: ‘Kiều bào Việt Nam tại hải ngoại chúng tôi bấy nay vẫn luôn hướng về tổ quốc, luôn là máu của máu, thịt của thịt Việt Nam. Bộ phận không bao giờ tách rời khỏi dân tộc như Đảng khẳng định…’ Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đảng, ông kính chúc Đảng cộng sản ngày càng vững mạnh, chúc Tổng Bí thư và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước dồi dào sức khoẻ” – theo như tường thuật của Người Việt.de, đọc được vào ngày 2 tháng 2 năm 2010.



Về sự kiện này, trên diễn đàn talawas, blogger Khánh Minh có ngôn rằng: “Thọ Muối là đồng chí đéo lào mà lịnh thế.”

Ở bình diện cá nhân, ông Nguyễn Văn Thọ diễn ra sao, lịnh cỡ nào (và kiểu nào) cũng được. Mọi người đều có quyền lựa chọn một thái độ ở đời, và tôi tuyệt đối tôn trọng sự chọn lựa này. Trong một hoàn cảnh xã hội mà “không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn” thì xu phụ – nghĩ cho cùng – cũng không có gì là trật (lắm). Sĩ thì ích lợi chi, và danh vọng gì (cơ) chứ?

 Tôi chỉ có hơi phiền lòng (chút đỉnh) khi nghe ông “thay mặt kiều bào Việt Nam tại hải ngoại chúng tôi… kính chúc Đảng Cộng sản ngày càng vững mạnh, chúc Tổng Bí thư và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước dồi dào sức khoẻ…”

 “Kiều bào Việt Nam tại hải ngoại” là tập thể gồm vài triệu người Việt tị nạn cộng sản, hiện đang sống rải rác khắp năm châu. Họ đã bỏ phiếu bằng chính mạng sống của mình, để trốn chạy khỏi một chế độ chuyên quyền và bạo ngược, với niềm xác tín (chung) rằng “Đảng tắt thở thì cuộc đời mới thở.” Vậy mà ông Thọ lại (lanh chanh) thay mặt người ta để “kích chúc Đảng, nhà nước dồi dào sức khoẻ.” Thiệt là hư bột, hư đường hết trơn hết trọi!

Đó là chuyện (hỏng) đối với đám Việt kiều, khúc ruột xa ngàn dặm. Còn đối với những người ở lại thì show diễn của ông Thọ trên TV, hôm đầu năm, cũng bị phàn nàn là đã góp phần làm tăng “nỗi ngán ngẩm thường ngày” của họ.

 “Ngán ngẩm vì trên gương mặt, trong dáng điệu, cử chỉ của ông, tôi nhận ra rất rõ hai điều: Một là sự mãn nguyện, hả hê trên gương mặt nhạt nhẽo, hời hợt mà đáng ra phải là sự chín chắn, sâu sắc, sự ưu tư, trăn trở. Hai là điệu bộ, dáng vẻ của ông bộc lộ rất rõ sự diễn xuất của một diễn viên tồi mà đáng ra ở con người ông chúng tôi phải nhận ra sự chân thành, tự nhiên!”

 “Người dân đang gặp chồng chất khó khăn trong cuộc sống, chồng chất nhức nhối trong xã hội. Từ việc chữa bệnh khi ốm đau, từ giải quyết bất kì việc gì ở cơ quan công quyền đều phải phong bao tiền đút lót, đến việc đồng tiền mất giá, vật giá leo thang, từ việc đất đai đang sở hữu nhưng bất kì lúc nào cũng có thể bị ngang nhiên thu hồi, đồng tiền bồi thường đất đã rẻ mạt lại bị nhiều cấp xâu xúm ăn chặn, đến kỉ cương phép nước bị chính quan chức nhà nước chà đạp! Kỉ cương không còn, cái xấu, cái ác ngang nhiên lộng hành, cuộc sống bất an, thân phận dân đen vô cùng mỏng manh, bị muôn vàn nỗi đe doạ!”
….
“Chẳng còn lo nghĩ được gì nên ông cứ vô tư cười khi tiếp xúc với công chúng và hồn nhiên diễn khi đứng trên diễn đàn! Ông uốn môi, tròn miệng khi đọc diễn văn, mắt lúng liếng đưa đẩy, tay huơ, tay khoát, giọng khi trầm khi bổng lúc nói chuyện, cố thể hiện một vai diễn sinh động, lôi cuốn! Nhưng ông càng cố diễn thì dân chúng càng ngán ngẩm!”


 Đó là nhận xét của nhà văn Phạm Đình Trọng về những show diễn của đồng chí Tổng Bí thư, chứ không phải về ông Thọ. Cần phải minh định như vậy để không bị lầm lộn giữa người này, với người kia vì hai ông (đôi lúc) cũng có diễn chung và cách diễn khá giống nhau: diễn dai, diễn dài, diễn hoài và (rất) dở!

Sau khi nghe ông Nguyễn Văn Thọ ba hoa về văn nghiệp và tác phẩm của mình trên TV, Người Buôn Gió đã có lời bình rằng “mấy phút quý báu truyền hình quy ra trị giá cả vài chục triệu chỉ để Thọ nói văn mình.”

 Nghe mà ớn chè đậu!

 Trong buổi ra mắt tập truyện Thất Huyền Cầm, hồi năm 2006, ông Nguyễn Văn Thọ kể lại rằng Lê Đạt “lim dim mắt nghe chăm chú nghệ sĩ ưu tú Hoàng Yến đọc truyện của tôi. Khi về, ông tới bên tôi, chỉ nói một câu: ‘Thọ ơi, anh dặn, giảm chất thơ ở vài truyện đi!”

 Tôi không phải là đồng nghiệp của Nguyễn Văn Thọ, và cũng không sính chuyện thơ văn, nên chả quan tâm gì ráo đến chất thơ – hơi quá lai láng – ở vài truyện của ông ta. Là người đồng cảnh, cảnh tha phương cầu thực, tôi chỉ xin được chân thành góp chút ý (nhỏ) như sau: Thọ ơi, anh dặn, bớt diễn đi chút xíu. Chứ mâm nào cũng có em (như thế) thì… mệt quá!”

 Tưởng Năng Tiến

 Theo Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn