BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sự sợ hãi

22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1049)
Sự sợ hãi
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong lần giới thiệu tác phẩm mới xuất bản vừa qua, tôi xin cám ơn nhiều người bạn đã có lòng bước qua sự sợ hãi để đến với chúng tôi, nhưng cũng có nhiều bằng hữu chinh chiến một thời, những người đã nhảy vào An Lộc, vượt tuyến sang Hạ Lào, thường xem nhẹ cái chết, đạp lên đầu địch, lại chùn bước trước một vài tiếng hô đả đảo của những người cùng giới tuyến, dù chỉ nhắm vào địa điểm mà chúng tôi đã chọn để gặp gỡ các bạn.

 Chỉ vì địa điểm tổ chức giới thiệu sách, những người biểu tình đã thóa mạ nặng lời đối với tác giả cũng như những người tham dự một buổi sinh hoạt có tính cách văn học. Tôi nghĩ sự kiện này không đáng cho chúng ta phải sợ hãi. Không lẽ ngày nay chúng ta lại cảm thấy sợ hãi cả bạn lẫn thù.

Bao nhiêu năm qua, Cộng Sản phương Đông hay phương Tây cũng đều cai trị dân chúng bằng tạo ra sự sợ hãi. Chúng nói rằng tai mắt nhân dân (nói đúng là tai mắt công an và bọn mật báo viên rình mò), như những mắt trong mỗi trái thơm. Sự sợ hãi làm tê liệt ý chí và tinh thần đối kháng. Ra đường thì sợ người theo dõi, nói lớn thì sợ người nghe, nói thì thầm thì sợ người nghi có âm mưu, đến nỗi chồng sợ cả vợ, cha mẹ sợ cả con cái, sợ cả tiếng chó sủa, sợ cả tiếng lá xào xạc trong vườn. Não trạng sợ hãi của người dân khiến các chế độ độc tài càng ngày càng củng cố thêm sức mạnh. Tự do dân chủ như các quốc gia Pháp, Mỹ thì chính quyền lại sợ dân. Hiện nay trong nước người dân đã bắt đầu không biết sợ, như việc biểu tình, bao vây phủ chủ tịch, kéo nhau đi khiếu kiện, giăng biểu ngữ, viết báo, làm blog phê phán chính quyền... thì những người may mắn đã đến đất tự do như nước Mỹ vẫn con mang tâm trạng... sợ hãi.

Vài năm trước đây, trong khi thực hiện loạt bài về các tù nhân chính trị, tôi có tìm cách phỏng vấn một vị cựu đại tá đã ở trong nhà tù Cộng Sản nhiều năm. Sau khi tra hỏi nhiệm vụ và gốc gác tôi, ông vào đề:

- “Tôi sợ anh là người của Việt Cộng gài vô để hỏi tôi”.

Tôi thưa với ông, có lẽ cũng khá vô lễ:

- “Thưa anh, anh đã ở tù Cộng Sản 13 năm, anh đã làm ‘lý lịch trích ngang’, bản tự khai hằng trăm lần, xin lỗi anh, lý lịch anh đã rách teng beng, có gì để Việt Cộng khai thác thêm nữa mà phải giấu!”

Một cựu cán bộ XDNT có gởi cho tôi một cái CD có mấy bản nhạc thu trong buổi trình diễn ở trại huấn luyện Vũng Tàu giữa năm 1969. Vì không gặp mặt trực tiếp, người này gởi CD cho tôi ở “front desk” khách sạn và nhắn cho tôi qua điện thoại:

- “Anh đến lấy gấp, đừng để cái CD này vào tay Cộng Sản thì phiền lắm!”

Gần đây, tôi có buổi hẹn thu hình cho một cán bộ để nói về những hoạt động tại nông thôn để tranh thủ quần chúng trước năm 1975, nhưng cuối cùng buổi phỏng vấn phải dẹp bỏ, vì lý do cán bộ này thay đổi ý kiến vì sợ lên truyền hình, Việt Cộng thấy mặt. Còn sợ Việt Cộng trả thù, không cho visa về nước, hay làm khó dễ sao đó, vị này không nói rõ. Cũng đã nhiều lần, tôi có hẹn với một vài vị cựu tù nhân hay cựu quân nhân để thăm hỏi và đưa ra những trường hợp điển hình cũng như những gương hy sinh đặc biệt của người lính miền Nam, hy vọng để lại một tấm gương cho con em. Nhưng phút chót (khi nào cũng phút chót) tôi nhận được một vài lời nhắn gởi:

- “Thôi anh thông cảm, tôi còn hai đứa con gái ở Việt Nam, tôi không muốn chúng nó phải gặp phiền phức”, hay:

- “Tôi thì không về đâu, nhưng vợ tôi thường đi Việt Nam lắm, xin hẹn anh dịp khác!”

Tôi biết sẽ không bao giờ có dịp khác, vì mỗi năm ông bạn này càng già, càng gần với cái chết, đáng lý ra bớt sợ hơn, ông lại càng ngày càng sợ. Nhưng trước khi chết ông lại trăn trối muốn được phủ cờ!

Nhiều người không đi biểu tình chống Cộng vì sợ Cộng Sản quay phim chụp hình. Nhiều người không dám tham gia hội đoàn hải ngoại vì mỗi năm còn phải đi Việt Nam một lần. Thật tình tôi chưa nghe ai bị làm khó dễ vì đi biểu tình hay chỉ xuất hiện trên đài truyền hình để nói lại vài câu chuyện cũ. Hơn ba mươi năm qua, ngay cả những hồ sơ mật của CIA, Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã được giải mã, trong các trại tù “cải tạo” các bạn tù đã khai báo hằng trăm lần, còn các “tội” như “sĩ quan, nhân viên chế độ cũ”, “đảng viên phản động” thì chúng ta đã phải trả giá bằng nhiều năm trong nhà tù khổ sai của Cộng Sản rồi. Có lẽ vì sợ, cho nên hiện nay tại những vùng đất nhiều người Việt tỵ nạn Cộng Sản nhất, đã có báo, đài CS hiện diện lẫn lộn trong chúng ta và cả báo CS từ trong nước đã bày bán công khai trên các sạp báo hải ngoại. Nếu tiếp tục sợ, một ngày nọ cờ đỏ sao vàng sẽ hiện diện ngay tại đất Bolsa.

Ngay đối diện với kẻ thù, trong các trại tù tập trung, cũng có người cởi áo, phanh ngực nói với bọn cai tù:

- “Mày bắn tao đi!” hay phát biểu sau giờ “học tập”: “Tôi xác định không bao giờ tôi tin tưởng vào đường lối khoan hồng, nhân đạo gì của các ông!”

Bao nhiêu người đã bị nhốt vào cũi sắt, xà lim, bỏ đói hay bị đem ra bắn vẫn hiên ngang trước mặt kẻ thù, ngay trong cảnh “chim lồng cá chậu” và chắc chắn sẽ nhận lãnh việc trả thù tức khắc của Cộng Sản.

Thật ra người ở lại, nhất là anh em cựu chiến binh và thương binh, trong hoàn cảnh nghèo đói và áp bức, họ cũng hy vọng vào những người anh em chiến hữu đã có cơ hội may mắn ra đi làm được một điều gì, nói được một điều gì cho đồng bào trong nước. Nhưng cuối cùng họ chỉ thấy những “Việt kiều áo gấm về làng” vung vít, đãi đằng, khoe khoang, hợm hĩnh về những điều may mắn mà có của mình. Không những sợ hãi mà một số người còn tiếp tay tuyên truyền cho chính quyền Cộng Sản bằng những cái nhìn và nhận xét hời hợt về cảnh tượng nhà cao cửa rộng, nhà hàng khách sạn, “thú ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay”. Họ lên án những người đi biểu tình ở hải ngoại, họ không bằng lòng với những người còn chống Cộng, họ sợ sự bất an, không đi Việt Nam được, mất quyền lợi làm ăn hay lo chuyện con cái ở Việt Nam.

Nhiều nghệ sĩ, tiêu biểu là một số lớn ca sĩ, bỏ chế độ CS chạy sang đây, “trắng da, dài tóc”, “ăn ngon, mặc đẹp”, nhưng ngày nay không đám đứng dưới lá cờ Việt Nam, không dám dành một suất hát cho các thương phế binh VNCH đói khổ ở quê nhà, vì sợ bị làm khó dễ, không được về Việt Nam kiếm ăn.

Hiện nay tại hải ngoại, có nhiều hội đoàn, lại là những hội đoàn cựu quân nhân VNCH, với những người đã mang màu cờ, sắc áo năm xưa, tập họp lại với nhau mà lại tuyên bố chủ trương “không làm chính trị”, phải chăng vì sợ hãi, không muốn nói đến chuyện Quốc, Cộng. Lúc bỏ nước ra đi, nếu không vì lý do chính trị, không ai chấp nhận cho chúng ta vào đây. Chúng ta có thể không làm chính trị đảng phái, chủ trương giành quyền lực chính trị, nhưng chúng ta cần phải có thái độ chính trị, hiểu theo nghĩa tối thiểu là thái độ của một công dân đối với chính quyền hiện nay đang cai trị đất nước của chúng ta. Bỏ nước ra đi, mặc lại bộ quân phục, chào quốc kỳ, hát quốc ca mà tuyên bố là không làm chính trị!

Ngay đối với tôn giáo, mà chúng ta thường nghe câu nói “tôn giáo không làm chính trị” ngay Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ trong “Tổng huấn về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Người Giáo Dân Trong Giáo Hội và giữa Trần Thế” đã nói rằng: “...Các tín hữu giáo dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào ‘chính trị’, nghĩa là vào các hoạt động nhiều sắc thái, kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh văn hóa, có mục đích cổ võ công ích một cách có cơ chế”. Vậy mà một vài hội ái hữu cựu quân nhân trước 1975, bỏ nước ra đi vì chạy trốn chế độ chính trị trong nước, lẽ nào cho mình là “phi chính trị?”

Có những người không biết sợ hãi nên lịch sử mới có Budapest, mới có Cộng Sản Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, mới có việc dẹp bức tường Bá Linh. Có những người không biết sợ hãi nên mới có Thiên An Môn.

Chỉ nói những chuyện gần đây thôi, nếu sợ hãi thì đất nước không thể nào có những người trẻ tuổi như LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân hay nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Còn sợ hãi thì mãi chúng ta sẽ còn mãi đứng trước những tên công an xấc láo, lạnh lùng, kẹp tờ giấy 5 đô la vào passport, cười giả lả, “giả dại qua ải” cho xong một kiếp người.

Chúng ta có những người tranh đấu vì quê hương, đất nước, thì cũng có những người sợ hãi, cầu mong chút yên thân để có thể ra vào Việt Nam, hưởng chút lạc thú cuối đời, còn chuyện quê hương, đất nước thì “sống chết mặc bây”.

 Huy Phương

16-10-2010

Theo Người Việt
Ý kiến bạn đọc
24 Tháng Hai 20118:00 SA
Khách
Hoan nghenh bai tren cua tac gia Huy Phuong,toi nghi su so hai nay ke thu Viet cong da gieo thanh goc re cam sau vao tri oc cua nguoi Viet nam ti nan khap nam chau.-Xin gop y nhu vay
24 Tháng Hai 20118:00 SA
Khách
Huy Phuong nhan xat rat chinh xac,tu do tat ca nguoi Viet nam tam dng tai cac nuoc tu do,toi tin tat ca deu bi su so hai cua bon Viet cong nhoi nhet tu khi mat nuoc./-
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn