BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tác giả "Ừ thôi em về..." đòi bản quyền cho thi sĩ

18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1434)
Tác giả "Ừ thôi em về..." đòi bản quyền cho thi sĩ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Vào dịp Noel 2010, lần đầu tiên theo lời rủ rê của mấy người bạn Văn Nghệ tôi “lò dò” đặt chân lên mảnh đất Đà Lạt.


Đêm trời trở lạnh, gió thổi trên những đường phố vắng, chúng tôi ngồi dưới tầng hầm của một bar rượu trên đường Trần Hưng Đạo. Quán vắng, suốt đêm đó chỉ có mấy chúng tôi với ban nhạc của quán bar, dù vắng khách ban nhạc vẫn chơi rất nhiệt tình. Vô tình, chúng tôi “độc chiếm” quán và thưởng thức một chương trình ca nhạc phòng trà gồm toàn nhạc tiền chiến và nhạc miền Nam trước 1975. 

Đêm đó, cô ca sĩ của phòng trà Đà Lạt hát lại bài: “Cuối cùng cho một tình yêu,” nhạc Trịnh Công Sơn lời thơ Trịnh Cung. Họa sĩ Trịnh Cung cảm động cùng cậu con trai nhỏ, cậu bé Cà-Ri, bước lên sân khấu tặng hoa cho cô ca sĩ. 

Sau đêm đó trở về, tôi được nghe họa sĩ Trịnh Cung kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu,” cuộc đời truân chuyên của anh cùng những bức xúc của anh cho tác quyền của bài thơ trên.









Họa sĩ Trịnh Cung tại nhà riêng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Theo lời của người họa sĩ đã bước vào tuổi 70 của cuộc đời, vào năm 1958 chàng trai trẻ Trịnh Cung ra Huế học trường Mỹ Thuật, anh ở trọ tại một căn nhà nhỏ ngoài cánh đồng vắng vùng ven ngoại thành của cố đô Huế. Hàng ngày anh đi bộ tới trường, đi theo những tà áo dài của mấy cô nữ sinh Huế, với vành nón lá nghiêng che của mấy cô, chàng sinh viên Mỹ Thuật chỉ thấy lòng bồi hồi, bâng khuâng xao xuyến mà không mấy khi được nhìn rõ mặt mấy cô nàng nữ sinh Huế, làm quen thì cũng không được, hay đúng hơn là không dám, vì anh cho rằng chưa tìm thấy “chìa” để mở “khóa” ngôn ngữ của mấy cô...

Cuối cùng, một lần tức mình khi đêm về chàng sinh viên Mỹ Thuật “chong đèn” làm bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu,” với câu mở đầu đầy giận hờn: “Ừ, thôi em về!”... Theo lời họa sĩ thì lúc đó làm cho “oai” cho “sang” vậy thôi chứ sự thật thì đâu có em nào mà dám bảo :”Ừ, thôi em về!”... 

Bài thơ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc cũng trong năm đó (1958), cho tới nay đã hơn nửa thế kỷ (53 năm), khi âm nhạc trỗi lên lời bài thơ như có cánh lại chấp chới bay lên như một thời tình yêu tuổi trẻ và khát vọng vẫn mãi chưa phai. 

Trở lại vấn đề bản quyền cho bài thơ: “Cuối cùng cho một tình yêu” của họa sĩ Trịnh Cung. Lâu nay, nhiều người chỉ biết Trịnh Cung là một họa sĩ, không nhiều người biết trước khi trở thành họa sĩ anh đã là một nhà thơ, ngoài bài thơ trên được phổ nhạc anh còn can đảm đốt bỏ một tập thơ thời tuổi trẻ của mình để “nguyện” dâng trọn trái tim mình cho hội họa.

Sau này, mấy lần trở qua Mỹ (khoảng trước năm 2000) họa sĩ Trịnh Cung có làm một tứ thơ nhỏ (khoảng 4 câu) cho hai lần gặp gỡ, bài này cũng được Trịnh Công Sơn phổ nhạc trước khi nhạc sĩ mất với nhan đề “Thiên sứ bâng khuâng” nhưng chưa được phổ biến rộng, mới chỉ được ca sĩ Trần Thu Hà hát tại Sài Gòn và ca sĩ Tuấn Ngọc hát tại Hoa Kỳ, chưa thâu băng, dĩa.









Họa sĩ Trịnh Cung và con trai tặng hoa cho cô ca sĩ hát bài “Cuối cùng cho một tình yêu” thơ Trịnh Cung do Trịnh Công Sơn phổ nhạc, tại một bar rượu ở Đà Lạt. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Khi Trần Anh Hùng vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn của bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” đã đưa ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” vào bộ phim, người xem nhận thấy ca khúc này trong phim quả là “đắc địa.”

Trong phim mô tả ba tình yêu của ba chị em ở Hà Nội, lần đầu họ cùng nhau hát “bè” bài hát này, hai lần sau ca khúc vang lên cho một cuộc tình là một trong ba cô gái - nhân vật chính trong phim. Nếu nói rằng ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” là ca khúc chủ đề chính trong phim thì hơi quá, nhưng nếu nói rằng ca khúc chiếm hết 1/3 chủ đề của bộ phim thì hoàn toàn không có gì sai.

Khi Trịnh Cung được nhiều người xem mách bảo thì anh có đi mua phim (DVD) về coi, không thấy tên mình trên generic, anh liền liên lạc với đạo diễn Trần Anh Hùng qua email về quyền tác giả của anh, nhưng không được trả lời. Theo anh Cung thì lâu nay mấy ca sĩ trong nước hát ca khúc này cũng chẳng ai xin phép anh hay trả tiền bản quyền cho anh, anh không lên tiếng vì anh thường nghĩ “vốn dĩ cái nước mình nó vậy rồi,” nhưng với người đạo diễn có “Tây học” là Trần Anh Hùng thì anh lên tiếng, và chúng tôi cũng xin nói thêm là anh Trịnh Cung lâu nay vốn có tính “mê Tây,” mê cái văn hóa ứng xử của người phương Tây (nhất là người Pháp).

Nhưng trả lời email cho anh Cung thì chỉ có bà mẹ vợ của Trần Anh Hùng cho anh Cung biết là Trần Anh Hùng bận đi Nhật Bản. Lúc đó bộ phim của Nhật Bản “Rừng Na-Uy” do Trần Anh Hùng đạo diễn đã được công chiếu, do vậy không thể nói là Trần Anh Hùng đang bận lo hậu kỳ hay hậu sự gì đó cho bộ phim đến nỗi không có thời gian trả lời. Nói tóm lại thì sau gần hai tháng gởi email cho đạo diễn Trần Anh Hùng lẫn hãng phim sản xuất (bằng cả tiếng Ta lẫn tiếng Tây) thì câu trả lời vẫn biệt tăm. Chỉ có người em của Trần Anh Hùng cho biết là hãng phim đã ký hợp đồng bản quyền ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vậy vai trò đồng tác giả của nhà thơ là họa sĩ Trịnh Cung bỏ đi đâu? Trịnh Công Sơn đâu phải viết bài nhạc này từ “hư không” mà từng câu, từng ý, từng lời đều là của Trịnh Cung. Vậy khi loại bỏ quyền tác giả của nhà thơ trong ca khúc được phổ nhạc thì cũng giống như nói một đứa bé được sinh ra hoàn toàn là sản phẩm của ông bố hoặc của bà mẹ.

Hơn nữa, trong một ca khúc phổ thơ thì tên nhà thơ phải đứng trên tên của nhạc sĩ vì bài thơ có trước, âm nhạc chỉ là phần “ăn theo,” phụ họa. Trừ trường hợp nhạc sĩ làm hỏng tứ thơ, còn nếu ca khúc thành công thì vai trò của nhà thơ chỉ có thể từ ngang bằng với nhạc sĩ trở lên chứ không thể dưới được. Trong mối tương quan giữa cái có trước và cái có sau, cái này nảy sinh ra cái kia thì nhạc sĩ là người biết ơn nhà thơ chứ không có chuyện ngược lại.

Trở lại vấn đề bản quyền của nhà thơ đồng tác giả Trịnh Cung trong ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” trong khi tác giả phần nhạc của ca khúc này là Trịnh Công Sơn đã ra người “muôn năm cũ” thì nếu Trịnh Cung không đòi “độc quyền” ca khúc này thì ít ra người ta cũng phải trả cho anh 1/2 tác quyền chứ?

Trịnh Cung không đòi tiền đòi bạc gì mà chỉ đòi có tên mình trên generic là một điều rất chính đáng. Trong khi chúng tôi đã xem rất cẩn thận trên generic thấy cả tên người đánh đàn ghi-ta trong ban nhạc cũng được ghi rõ rành rành nhưng tên một nhà thơ góp phần làm ra một ca khúc cho đời hay như thế lại không hề có tên?

Văn Lang/Người Việt

17-02-2011

Theo Người Việt
Ý kiến bạn đọc
21 Tháng Hai 20118:00 SA
Khách
Tôi không thích nhà vẽ trinh cung lem` bèm cũng như chả khoái anh chàng thợ nhạc trịnh công sơn lừng khừng ăn cơm rồi dá bát , nhưng cũng phải đồng ý là nên giữ cái tên của người đã làm nên bài thơ để từ đó mới có bài nhạc hay ngược lại ; trường hợp ngược lại thì hình như chưa xảy ra nhưng biết đâu đấy . Lại nhưng ở đây ! Nhưng cái vụ đề tên này là do " ban tổ chức " hay hội nào đó đã hành động chư' có phải là người " thợ nhạc " muốn thế không ? Dù rằng các ông thợ nhạc trước giờ vẫn hay quên cho tên các ông thợ ... thơ vào , nhất là trịnh công sơn và đại thụ thợ nhạc phạm duy , còn nhiều nhiều các trường hợp khác . Thậm chí có ngài còn quên béng là bài hát hay bài nhạc hay bài văn là từ ngoại quốc , các ngài cứ mập mờ lững lờ mà đề tên các ngài vào mà chả thèm nhớ cái gốc cái nguồn đó ở đâu . Chỉ xin các vị làm .... " văn hoá nghệ thuật " ( !! ) xin giữ một chút tự trong là đề tên cái nguồn , dù rằng không còn nhớ nổi tên cái cái người đẻ ra thì cũng nên thêm vào vài chữ " Tác giả ..... không biết " để cho thiên hạ biết rằng mình thuổng nhưng đôi lúc vì lú lẫn một tí nên quên cái tên , chả sao cả , người Việt mình vốn dễ tha thứ . Mong lắm thay . Gã cù cưa .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn