BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73338)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thèm (!)

05 Tháng Mười Một 200712:00 SA(Xem: 1092)
Thèm (!)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Kết thúc cuộc chiến, tôi có diễm phúc hơn mọi người sớm được xuống các thị xã, thành phố ở Miền Nam. Nơi chúng tôi được đặt chân tới thị xã, thành phố đầu tiên là Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Tôi ở bán đảo Sơn Trà 3 tháng, học để tiếp thu chuyên đề học thuyết Mác - Lê nin , được đi thăm Ngũ Hành Sơn.

 Thanh lịch, phồn vinh, tình người lúc đó sao mà xao xuyên đến thế. Quá trình đi thực tế, được chiêm ngưỡng đầy cảnh thú vị, tôi đem những chuyện tận mắt mình nhìn thấy, tay mình sờ thấy kể cho mọi người cùng nghe, đến tai chính uỷ chúng tôi bị phê bình là:

 Tai sao các đồng chí tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa đớp muôn năm, những tàn dư của chế độ TBCN đang ở thời kỳ dẫy chết nhanh như thế. Tất cả những thứ các đồng chí ca ngợi đều là phồn vinh giả tạo, chủ nghĩa thực dân mới nó rất thâm độc...(!). Đấy, các đồng chí xem: rổ rá hoa quả cái gì cũng bằng nhựa, ông cha ta ăn chuối nhựa, hoa quả nhựa... nó làm như vậy là muốn triệt tiêu các nghề thủ công truyền thông của dân tộc chúng ta vốn tồn tại từ ngàn đời nay... Chiến tranh cứ kéo dài có lẽ cây tre Việt Nam nay mai cũng trở thành vô nghĩa v.v và v.v.... Nghe Chính uỷ phê bình, chúng tôi sợ không giám ca ngợi những gì tốt đẹp mà chúng tôi mới tiệp cận, bây giờ ngẫm lại thấy thèm. Cái tôi thèm khát nhất là ngành giáo dục thời Việt Nam Cộng Hoà:

 Tôi vốn là người rất ham học nên hay đến các chỗ có trường học để ngắm nhìn và ao ước được quay lại ghế nhà trường như lớp trẻ. Vừa bước chân vào cửa lớp, tôi nghe tiếng hô nghiêm, cả lớp đứng dậy hô to: "Chúng cháu chào chú bộ đội". Tôi ngượng tái mặt, vội vàng trấn tĩnh, rồi chào lại các cháu. Cả lớp ngồi xuống, các cháu tập trung nhìn tôi. Thầy giáo tạm dừng, rời bục giảng bước ra nhẹ nhàng, thầy nối: "thưa quý chú, quý chú có việc gì ạ". Tôi trả lời: không, tôi không có việc gì cả, tôi chỉ đến thăm các cháu học thôi. Thấy vậy, thầy mời tôi vào lớp dự giờ, tôi khước từ. Thầy giáo lại nhẹ nhàng nói "thưa quý chú, tôi xin phép quý chú tiếp tục vào bài ạ !". Thấy mình đã làm phiền thầy giáo và các cháu học sinh, tôi cũng chào thầy giao và các cháu ra về. Sau lần ấy, tôi rất say mê ngắm nhìn các cháu mỗi khi tan lớp . Những cái mà các cháu thực hiện hàng ngày, ngoài sự tưởng tượng và là niềm mơ ước của tôi. Cả một thập kỷ, tôi ngồi dưới mái trường xã hội XHCN nhưng chưa bao giờ chúng tôi làm được, đó là:

 Với các cháu tiểu học, tất cả đều được mặc đồng phục nhìn rất đẹp. Mỗi khi tan học ra đường, các cháu đi thành hàng, thành lối rất tử tế. Khi qua các đường lớn tôi thấy hai cháu, mỗi cháu một biển chạy ra đặt biển giữa đường, lập tức các phương tiện tham gia giao thông kể cả người đi bộ đều dừng lại nhường đường cho các cháu. Khi các cháu qua đường an toàn, hai cháu chạy ra thu biển, lúc đó các phương tiện tham gia giao thông mới tiếp tục hoạt động. Tôi nghĩ: đó là nếp sống văn hoá, văn minh, thật tuyệt vời. Khi tôi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi chưa được đọc các khẩu hiệu: "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" hoặc "Chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em". Thật đau lòng, những nơi họ không đề ra được những khẩu hiệu hay như thế thì họ lại làm tốt vậy, còn những nơi đề ra nhiều khẩu hiệu hay như "rồng leo"nhưng không bao giờ có được những hình ảnh như tôi đã mô tả (!?)

 Với các cháu phổ thông cơ sở: Các cháu cũng ăn mặc đồng phục, con trai mặc quần soóc xanh - áo sơ my trắng, con gái mặc zíp xanh - áo sơ my trắng, trên ngực cháu nào cũng lấp lánh một tấm thẻ học sinh, khi tan học ra đường các cháu đi hàng đôi nhìn đội hình như một đoàn quân áo trắng. Hình như các cháu rất tự hào khi các cháu được đứng vào các hàng ngũ ấy. Gặp chúng tôi, các cháu khoanh tay chào rất lễ phép, tôi cho đó cũng là một nếp sống văn hoá rất đẹp. Một số đồng đội của tôi không đồng ý, họ cho đó là lễ giáo phong kiến của chế độ cũ để lại không thể chấp nhận được, thế mới biết ở đời khó quá !.

 Với các cháu Trung học phổ thông, cũng ăn mặc đồng phục, con trai com lê, con gái áo dài, ngực cũng đeo thẻ học sinh. Ôi! nhìn cứ như các diễn viên cả, làm tôi càng khao khát cảnh học trò. Cứ tường nơi đô thị như vậy ?. Không, tất cả các cháu ở nông thôn đi học cũng đều như vậy cả !.

 Sau ba thập kỷ, nhìn lại cảnh học trò hiện tại và chất lượng giáo dục hiện nay nó khác nhau một trời một vực. Từ tiểu học cho đến trung học phổ thông, mỗi khi tan học ra khỏi cổng trường cảnh lộn xộn còn hơn cả chợ. Chất lượng học tập hiện nay cả thế giới đã biết. Điều thật kỳ lạ là: học tới lớp 9 rồi mà chữ cái cắn làm đôi không biết (!). Hỏi ra mới biết, chỉ vì thành tích nên các thầy, cô giáo cứ phải đùn lên, cá biệt có những phụ huynh đến tận nhà thầy, cô giao lậy lục cho con mình lưu ban lại cũng không được. Nếu nghe phụ huynh, giải quyết theo ý của phụ huynh để các cháu lưu ban lại thì các thầy, cô mất tiên tiến mà đã mất tiên tiến là mất tiền lại còn bị phê bình, chì trích nữa chứ. Trong khi các thầy, cô đang phải sống bằng những đồng lương chết đói. Điều khó tin nữa là: Có những cán bộ tay cầm bằng "tiến sỹ" nhưng phép chia số nguyên không thạo, thậm chí không biết phép giao hoán là gì, số đo góc thì mù tịt v.v.và v.v... (!).

 Ôi ! hai chế độ, hai nền giáo dục khác nhau. Sống ở một chế độ bao năm dưới mái trường xã hội XHCN lại được "Đảng" lãnh đạo dìu dắt mà chưa bao giờ tôi được ngắm nhìn những cảnh tượng của các cháu học sinh các cấp như tôi và nhiều đồng đội của tôi đã từng được ngắm nhìn những cảnh tôi miêu tả trên. Nghĩ lại mà thèm!

 Tự do - Dân chủ - Nhân quyền Muôn năm !.
Dân tộc Việt Nam bất diệt !
Tổ Quốc Việt Nam Muôn năm !.


 Ngày 05 tháng 11 năm 2007

 Trần Anh Kim
Uỷ viên Trung Ương Đảng Dân Chủ Việt Nam


 Kiên quyết đấu tranh đòi quyền Tự do - Dân chủ - Nhân quyền
Cho Dân tộc Việt Nam.


 Địa chỉ liên lạc: SN: 502, tổ 10, phố Trần Hưng Đạo, phường Quang Trung
Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Việt Nam


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn