BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người ở lại Định Quán

23 Tháng Giêng 200512:00 SA(Xem: 1738)
Người ở lại Định Quán
51Vote
40Vote
32Vote
20Vote
10Vote
3.73

Bảo Định Nguyễn Hữu Chế
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/43, SĐ18BB




 Định Quán là một trong 4 quận của tỉnh Long Khánh, nằm trãi dài dọc theo QL 20, đường đi Đàlạt. Dân chúng chuyên sống về nghề làm rẩy và làm rừng. Vào những ngày cuối trung tuần tháng 3 năm 1975, nơi đây đã xãy ra một trận chiến khốc liệt và hai bên tham chiến đều bị thiệt hại nặng nề. Sau ba ngày giao tranh đẩm máu: 18, 19, và 20, Quận Định Quán đã lọt vào tay quân Cộng sãn Bắc Việt, mỡ đầu cho những trận huyết chiến về sau tại Ngã ba Dầu Giây, và trận chiến quyết định Xuân Lộc.

Bảo Định

 

 


Núi rừng Định Quán sau một ngày mịt mờ khói súng, giờ đây im lặng đến rợn người. Thời gian như ngừng lại, không gian bao phủ một màu tang tóc thê lương. Dưới ánh sáng nhợt nhạt và lạnh lẻo của vầng trăng khuyết, núi rừng sau trận chiến lại càng thê lương, tang tóc hơn.

 Chỉ mớí vài giờ trước đây, dãi đất trải dài hai bên QL 20 của quận Định Quán, từ Phương Lâm đến cầu Sông La Ngà, chìm ngập trong biển lữa. Cộng quân với đủ loại pháo tầm xa, tầm gần; quân bạn trả đủa bằng các loại pháo 105 ly, 155 ly, 175 ly và các loại bom hạng nặng từ các chiến đấu cơ phản lực, bán phản lực F-5E, A-37 đã làm rung chuyển đất trời vùng đất hiền hòa của người dân quanh năm sống nghề ruộng rẩy. Cuộc chiến đấu cho sống còn đã xảy ra thật ác liệt, kéo dài từ sáng tinh mơ đến chiều tối; bom đạn thay nhau trút lên thị trấn nhỏ bé xa xôi này.

Ngày 5 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 4 Cộng sãn Bắc Việt dưới quyền chỉ huy của Tướng Hoàng Cầm đã cho lệnh Sư đoàn 7 khai thông QL 20 từ Túc Trưng đến Định Quán, và bằng mọi giá phải chiếm lĩnh cho được Định Quán để ngăn chặn lực lượng của Chính phủ rút về từ Đàlạt, Lâm Đồng. Một khi chiếm được Định Quán, thì tiến về phiá Nam chiếm cầu Sông La Ngà, cắt đứt QL 20, cô lập Đàlạt, Lâm Đồng với Sàigòn.

Cha xứ coi họ đạo cầu Sông La Ngà khi đến thăm tôi lúc Tiểu đoàn rút chạy khỏi Định Quán vừa về đến, nói:

“Ngày hôm qua khi thấy Tiểu đoàn con di chuyển lên Định Quán là Cha cảm thấy không xong rồi. Vài ngày trước đây, Cộng sãn đưa Cha vào rừng để coi chúng phô trương lực lượng. Cha thấy chúng có cả xe tăng, xe bọc thép, súng phòng không 37 ly, đại bác tầm xa, tầm gần đủ loại. Chúng đang chuẩn bị tấn công mình. Lực lượng Chi khu Định Quán cùng với Tiểu đoàn con làm sao có thể đương đầu với một lực lượng áp đảo về quân số và vũ khí. Cũng giống như trứng chọi với đá.” (Cha tự giới thiệu là cựu Trung úy tham dự trận Điện Biên Phủ năm 1954 tại Bắc Việt.)

Sáng sớm ngày 18 tháng 3 năm 1975, quân cộng sãn Bắc Việt với chiến thuật cố hữu: “tiền pháo, hậu xung”, đã mở màng trận đánh bằng những loạt mưa pháo vào BCH/Chi khu, Đại đội 377 ĐPQ, và các cứ điểm quân sự khác chung quoanh quận. Sau đó, Trung đoàn 141 được tăng cường xe tăng, đã rầm rộ tiến đánh Dinh Quận trưởng và BCH/Chi khu. Mặt dầu quân trú phòng đã kháng cự dũng mãnh, với sự tiếp tay đắc lực của Trung đội Biệt kích thiện chiến của Tiểu đoàn 2/43, nhưng cuối cùng, lúc gần trưa, Quận đường và BCH/Chi khu đã thất thủ. Thiếu Tá Quận trưởng bị bắt sống. Trung đội Biệt kích đã thoát chạy về đến Tiểu đoàn, mang theo được cả những đồng đội bị thương vong, bảo toàn được lực lượng. Trước đó, Đại đội 377 ĐPQ trấn đóng trên điểm cao cũng đã bị tràn ngập. Và những đồn bót lẻ tẻ đều bị Cộng quân chiếm cứ từ những giờ phút đầu tiên của trận chiến. Quận Định Quán đã lọt vào tay giặc. Kế hoạch cắt đứt QL 20 của Cộng quân sắp thành công. Nhưng Tiểu đoàn 2/43, SĐ18BB là một bất ngờ đối với chúng, ngoài dự liệu của kế hoạch.

Ngày N-1, từ hậu cứ Tiểu đoàn tại Núi Thị, Xuân Lộc, Long Khánh, Tiểu đoàn được tăng phái một Trung đội Pháo binh 105 ly và toán Công binh chiến đấu, di chuyển đến Định Quán với nhiệm vụ mở những cuộc hành quân tiểu trừ Cộng phỉ, và giử gìn an ninh quận. Tiểu đoàn vào vị trí, hoàn tất lúc hơn 5 giờ chiều Đại đội 1 của Trung úy Nguyễn văn Hào được phối trí hoạt động khu rừng hướng Đông, Đại đội 4 của Trung úy Hà Văn Dương khu vực hướng Bắc, Đại đội 3 của Trung úy Nguyễn Văn Hùng khu vực hướng Tây, BCH/TĐ và Trung đội pháo binh đóng quân trên một ngọn đồi phía Tây Bắc quận, gần sát bên căn cứ pháo binh diện địa, được bảo vệ bởi Đại đội Chi huy (-Trung đội Biệt kích), và Đại đội 2. Trước khi trời tối, tôi và Đại úy Tiểu đoàn phó Phạm Đình Huệ, khóa 23 B Trường Võ Bị Đàlạt, đến quận viếng xã giao Thiếu tá Quận trưởng, đồng thời thông báo những hoạt động của Tiểu đoàn. Cũng vừa lúc Đại tá Hoàng Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Quân đoàn đến thăm bằng trực thăng. Chúng tôi cùng đi gặp Đại tá Thọ. Buổi tối trôi qua thật yên tĩnh. Đêm đó có gánh hát Cải lương vừa từ Đàlạt về lưu diễn. Không khí có vẻ thanh bình! Nhưng các đại đội hoạt động bên ngoài đã ghi nhận được sự xuất hiện khác thường của quân Cộng sãn Bắc Việt. Toán tiền đồn phục kích của Đại đội 4 chạm địch, diệt gọn đơn vị tiền sát của địch. Tất cả đều mặc quân phục chính qui, có đeo phù hiệu cấp bực. Đại đội 1 cũng báo cáo tiêu diệt được một tiểu đội VC, mà tên chỉ huy có lẻ là một cán bộ cao cấp, tịch thu được một súng ngắn, nhưng khi dương ra thì trở thành cây tiểu liên. Đây là loại vũ khí mới, lần đầu tiên chúng tôi bắt được trên chiến trường.

Vì là một bất ngờ ngoài dự liệu của kế hoạch, nên những giờ phút đầu tiên của trận chiến, Cộng quân đã không có một hoạt động đáng kể nào đối với Tiểu đoàn, ngoài những đợt pháo kích. Tôi đã kịp kéo Đại đội 3 về phòng thủ chung với Tiểu đoàn. Và hai khẩu pháo 105 ly đã có cơ hội yểm trợ đắc lực cho quân bạn. Nhưng khi các lực lượng Chi khu bị đè bẹp, Quận đường bị chiếm, Tiểu đoàn 2/43 là mục tiêu cuối cùng mà địch phải thanh toán.

 Vào lúc quá giữa trưa, địch từ hai hướng Đông Bắc và Đông Nam, theo triền dốc tấn công vào Tiểu đoàn. Khu vực này do Đại đội Chỉ huy đảm trách, cũng là nơi đặt hai khẩu pháo. Nhưng mỗi đợt tấn công đều bị đẩy lui. Cộng quân như những con thiêu thân, lớp trước ngả, lớp sau lại tiến lên. Lực lượng trú phòng đã đốn ngả nhiều tên Cộng phỉ. Có lúc chúng tiến sát tuyến phòng thủ, mặt đối mặt, nhưng vẫn không chọc thủng được tuyến để tràn ngập vị trí.

Lối 2 giờ chiều, tôi mất liên lạc vô tuyến với căn cứ pháo binh diện địa, một căn cứ nằm sát cạnh Tiểu đoàn. Có lẻ căn cứ đã bị địch chiếm giử, hoặc cũng có thể bị bỏ ngỏ Giờ đây chỉ còn lại Tiểu đoàn 2/43 đơn độc đương đầu với bầy quỷ dữ. Vị trí của Tiểu đoàn liên tục bị tấn công. Cộng sãn vốn xem rẽ sinh mạng của con người, chúng lại thuộc nằm lòng câu phương châm: “cứu cánh biện minh phương tiện”, nên luôn luôn chúng dùng chiến thuật biển người trong tất cả các cuộc tấn công. Đây là chiến thuật mà đàn anh vĩ đại của chúng là Trung Cộng đã áp dụng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, và chính chúng đã thực hành tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 để thắng Pháp. Để sống còn, có lúc tôi đã yêu cầu máy bay đánh bom ngay trên đầu. Thật ra thì tôi chưa thất vọng đến nỗi phải cho đánh bom lên đầu mình để tự sát, nhưng tôi nghĩ rằng với những chiến đấu cơ phản lực hay bán phản lực F-5E, A-37, bay ở một độ cao để tránh phòng không 37 ly dày đặc của địch, thì lời yêu cầu đánh lên đầu tôi, nhưng bay từ Tây sang Đông, thì những trái bom chỉ có thể rơi ngay sườn Đông, nơi tập trung quân đông đảo của địch. Nhưng người bạn chiến đấu không quân, quan sát viên bay trên chiếc L19 bao vùng đã vội an ủi:

- “Thẩm quyền đừng tuyệt vọng, để tôi cố điều chỉnh chính xác cho Thẩm quyền.”

Và những trái bom tới tấp rơi trên đầu địch đã phá tan đội hình tấn công của chúng. Nhưng trong chiến đấu ta phải chấp nhận tổn thất! Hai trái bom sau cùng đã rơi ngay tuyến phòng thủ. Địch chết, ta cũng tổn thất. Vì ta với địch đang ở thế mặt đối mặt. Một đoạn phòng tuyến bị vở, nhưng địch cũng đang “tang gia bối rối”, chúng chưa có thể mỡ đợt tấn công ngay. Và Tiểu đoàn có đủ thì giờ để điều binh nối lại phòng tuyến. Tôi giao cho Huệ, Tiểu đoàn phó, điều binh phòng thủ.

Trong lúc đó tôi vẫn liên lạc tốt với máy bay bao vùng và điều chỉnh những đợt đánh bom kế tiếp. Nhưng không lâu sau đó, Cộng quân lại mở đợt tấn công. Lực lượng phòng thủ đã phải chống trả quyết liệt và rất gay go mới giữ vững được phòng tuyến. Tôi thấy tình hình càng lúc càng nguy ngập. Tiểu đoàn đã phải chiến đấu liên tục với địch có quân số áp đảo, đã chịu một số tổn thất, cấp số đạn dược mang theo cũng gần cạn, tinh thần căng thẳng, thể xác mệt mỏi, … Tình trạng không thể kéo dài lâu hơn được nữa. Tôi cho mời vị Trung đội trưởng Pháo binh tăng phái:

- Anh có bao nhiêu trái đạn chống biển người?

- Hai trái, thưa Thiếu tá.

- Vậy hãy xữ dụng khi thấy địch dùng chiến thuật biển người. Nhớ là phải bắn chính xác vào đội hình tấn công của chúng.

- Nhận hiểu, Thiếu tá.

 Rồi tôi gọi thẳng Sư đoàn, xin gặp Thiếu tướng Tư lệnh, báo cáo tình trạng của Tiểu đoàn và tình hình địch, đồng thời xin lệnh rút ra khỏi trận địa. Tướng Tư lệnh chấp thuận, cũng là lúc địch mỡ đợt tấn công dữ dội. Nhưng chúng đã bị chận lại tức khắc bởi hai trái đạn chống biển người. Theo tôi được biết, mỗi trái đạn chứa lối 3 ngàn mũi tên. Hàng ngàn mũi tên đã lao vút đâm thẳng vào quân thù. Lớp trước gục ngã như rạ, lớp sau nao núng, chùn chân, và tìm cách tháo lui. Trận địa trở lại yên tĩnh. Lợi dụng lúc địch còn đang hoang mang hoãng sợ, chưa kịp thời chỉnh đốn đội ngũ, tôi cho lệnh Tiểu đoàn rời vị trí, di chuyển về hướng tây. Và hai đại đội 1 và 4 nằm bên ngoài cũng đi về điểm hẹn. Đó là một cụm đồi không cao lắm ở hướng tây, cách thị trấn lối vài cây số. Tôi dự định về đây nghỉ ngơi một lúc, rồi đến nửa đêm, sẽ rút xuống cầu Sông La Ngà, nơi có một Tiểu đoàn ĐPQ đang trấn giữ.

 Trời lúc đó sắp tối. Tiểu đoàn đang ở trong vòng vây địch. Địa thế là vùng núi non trùng điệp. Tiểu đoàn lại phải mang theo lối 80 thương vong đồng đội của mình. Đây là một việc làm không phải dễ dàng gì. Nhưng nhờ những trái bom đánh gần, hay là bom lạc cũng thế, nhất là hai trái đạn pháo chống biển người, địch quân đang hoãng sợ, đang trong cảnh “tang gia bối rối”, Tiểu đoàn đã rút ra khỏi trận địa một cách bình yên. Nhưng chúng vẫn theo đuôi, bám sát Tiểu đoàn. Cuối cùng chúng tôi đã đến được điểm hẹn.

 Đêm hôm đó, một đêm sao đầy trời. Mãnh trăng khuyết chênh chếch trời tây, tõa chiếu xuống trần gian một thứ ánh sáng nhợt nhạt, thê lương và lạnh lẻo. Gió núi từng cơn rạt rào qua kẻ lá:

 “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
 Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
 Chinh phu, tử sĩ mấy người,
 Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”.


 Tôi và Huệ ngồi bên nhau, trên miệng của một cái hố đào vội, tạm dùng làm hầm chỉ huy. Lối 9 giờ, Tướng Tư lệnh gọi tôi và cho biết là chiều hôm nay đài BBC loan tin quận Định quán đã thất thủ, nhưng Phát ngôn viên chính phủ cải chính là quận Định Quán vẫn còn – vì Tiểu đoàn 2/43 còn (ngày hôm trước khi Tiểu đoàn di chuyển đến Định Quán, tôi được lệnh chỉ huy tổng quát toàn lực lượng tại Định Quán, gồm Tiểu đoàn tôi và lực lượng Chi khu). Đó là lý do người phát ngôn Chính phủ cải chính, và còn nói thêm là hiện quân chính phủ đang tổ chức tái chiếm. Trung tướng Tư lệnh QĐ 3 quyết định Tiểu đoàn 2/43 phải ở lại trận địa, sẽ có quân tiếp viện để tái chiếm.

 Thật là một cái lệnh “chết người”. Nhưng lệnh là lệnh. Là quân nhân, tôi buộc phải thi hành.

Lối 1 giờ sáng, tôi cho lệnh Huệ dẫn hai đại đội và đưa hết số thương vong qua ngọn đồi xa hơn về hướng tây. Chúng tôi định sáng hôm sau sẽ gọi trực thăng đến tản thương và tiếp tế đạn dược. Khi Huệ cùng đoàn quân ra đi, tôi bảo Huệ hãy cẩn thận, hẹn gặp lại vào sáng ngày mai. Nhưng “sáng ngày mai” đó đã không bao giờ đến. Huệ và hơn 80 thương vong đã ra đi vĩnh viễn, hay nói một cách khác, họ đã ở lại Định Quán an giấc ngàn thu giữa những tiếng bom đạn xé trời trước khi bình minh ló dạng, khi ngọn đồi của Huệ và ngọn đồi của tôi bị quân Cộng sãn Bắc Việt tràn ngập. Huệ và hơn 80 chiến sĩ anh dũng của Tiểu đoàn 2/43 đã nằm lại. Khi một Đại đội trưởng thúc dục Huệ rời vị trí, vì địch sắp tràn ngập, Huệ nói:

 “Không, tôi phải đợi Bảo Định, tôi phải ở lại. Tôi không thể…”

câu nói chưa dứt thì một trái đạn 37 ly của giặc thù đã nhắm trúng đầu Huệ, Huệ gục ngay trên miệng hố.
 
(Những lời cuối này của Huệ do Trung úy Hà Văn Dương, Đại đội trưởng Đại đội 4 thuật lại. Huệ và hơn 80 chiến sĩ anh dũng của Tiểu đoàn 2/43 đã hy sinh, đền xong nợ nước vào buổi sáng ngày 19/3/1975 tại Mặt trận Định Quán).

Michigan, ngày 23 tháng 1 năm 2005.
Giữa mùa bão tuyết.
Bảo Định Nguyễn Hữu Chế
Tiểu đoàn trưởng TĐ2/43 SĐ18BB.
Ý kiến bạn đọc
16 Tháng Ba 20127:00 SA
Khách
Thành kính tri ân! lời ghi trong nước mắt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn