BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngẫm về khát vọng canh tân nước Việt

11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1242)
Ngẫm về khát vọng canh tân nước Việt
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mới đây, từ cảm xúc sâu sắc về câu "Quốc dân không có chí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm" của Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) được trích đăng trên một tờ báo, tôi đã đọc lại cuốn Khuyến học do ông viết trong khoảng thời gian 1872 - 1876 và từng được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành.

Theo tôi, sẽ rất thú vị và đầy bổ ích nếu chúng ta có dịp mổ xẻ, phân tích các tư tưởng của Fukuzawa Yukichi (Phúc trạch dụ cát) - bậc khai quốc công thần của nước Nhật Bản hiện đại mà hình ảnh của ông được in trên tờ bạc có mệnh giá cao nhất 10.000 yên, dù ông không phải là một đấng quân vương hay danh tướng lỗi lạc của đất nước Mặt Trời mọc.









Chân dung ông Fukuzawa Yukichi trên giấy bạc 10.000 yen

Tuy nhiên, bài viết này tôi chỉ xin nêu lên một thông tin: "Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỉ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người ....Và kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liện tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng Nhà Xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến 76 lần" (*) để chúng ta cùng suy ngẫm về mối liên quan của con số này với việc nâng cao dân trí, chấn dân khí ở Nhật Bản và một số cuộc vân động xã hội - văn hóa từng được tiến hành tại nước ta.

Nhìn lại lịch sử cải cách Minh Trị Duy Tân, tôi cho rằng Nhật Bản là một dân tộc khát khao đến cháy bỏng trong việc nâng cao dân trí, chấn dân khí - vì đây mới là nền tảng thật sự vững chắc cho một nước Nhật hiện đại, văn minh. Mọi người vô cùng tha thiết muốn tìm động lực tinh thần mạnh mẽ trong công cuộc canh tân đất nước, quyết lòng tìm chỗ đứng xứng đáng cho quốc gia mình trên trường quốc tế. Có lẽ, sẽ có người nói: dân tộc nào mà chẳng thế !

Đúng, dân tộc nào cũng mong hướng đến các giá trị tốt đẹp vì đó là nhu cầu của con người, nhưng mỗi dân tộc đều có khác nhau về mức độ khát vọng. Với dân số 35 triệu người mà Khuyến học - cuốn sách về khai sáng tinh thần quốc dân - được in lần đầu tới 3,4 triệu bản, trong điều kiện thế giới cách đây gần 150 năm (và cho cả hiện nay nữa) là một tỷ lệ đầy huyền thoại: chiếm gần 10% dân số!

Điều này chỉ có thể giải thích rằng đó là một dân tộc vô cùng khát khao "nâng dân trí, chấn dân khí", và nỗi khao khát này đã lên đến tột độ! Tôi cho rằng đó chính là sức mạnh vô địch đủ sức quét sạch những kềm tỏa của các tập quán, suy nghĩ lỗi thời mà thực chất là xóa bỏ triệt để sự nô lệ tư tưởng, tinh thần để vươn lên làm người tự do, độc lập, và thực tế đã làm nên nước Nhật Bản hiện đại đầy kỳ tích sau này mà mọi người đã biết. Một dân tộc khát khao "nâng dân trí, chấn dân khí" đến tột bực như thế, tất yếu tự thân dân tộc đó đòi hỏi sự xuất hiện của các bậc khai sáng đúng tầm để tụ hội và dẫn dắt tinh thần quốc dân.

Khuyến học của Fukuzawa Yukichi ra đời thực sự kết tinh biết bao tình tự, khát vọng từ trong sâu thẳm của mọi trái tim Nhật Bản nên mới tạo được sức lan tỏa phi thường như vậy. Sự thống nhất "cầu - cung" này đã tạo thành sức mạnh cộng hưởng to lớn, phát huy hiệu quả nhanh chóng, làm nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp canh tân đất nước.

Lịch sử các nước cho thấy không ít trường hợp, nhà tư tưởng tiên phong của dân tộc xuất hiện, họ khởi xướng được con đường tiến lên của đất nước, đưa ra được giải pháp cho những vấn đề mang hơi thở của thời đại họ sống nhưng một bộ phận không nhỏ của dân tộc đó thì thờ ơ, có khi lại đang chìm đắm trong vòng mê muội nên không cùng làm nên sức mạnh đủ sức tạo ra các sự thay đổi cần thiết. Vì thế, hiệu quả và tác động xã hội bị rất nhiều hạn chế. Phải chăng các cuộc vân động xã hội như Phong trào Duy Tân, Phong trào Đông Du của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục... vào đầu thế kỷ 20 chưa thành công như các cụ mong muốn cũng vì lý do này? Và sẽ là bi kịch cho các bậc tiên phong, các nhà khởi xướng tư tưởng nếu bên cạnh một bộ phận dân tộc u mê mà họ phải lo thức tỉnh, họ lại còn bị cản trở bởi giới cầm quyền thủ cựu, ươn hèn, xa lại với những đòi hỏi mới của cuộc sống! Nguyễn Trường Tộ là một minh chứng cho việc sinh nhầm thời đại!

Viết đến đây, tôi xem lại số lượng xuất bản trong tủ sách mà người ta hay gọi là "tinh hoa tri thức", là "khai trí" của mình trong ba chục năm qua thì thấy thường là 2000 - 3000 bản, cao lắm là 5000 bản, kể cả mấy cuốn được xem là best seller hay gối đầu giường đã được báo chí rùm beng về ảnh hưởng, tác động xã hội! Ngay với tiểu thuyết, tính đến năm ngoái, Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã in 24 lần với 108.000 bản và nhiều người trong giới làm xuất bản đã cho rằng đây là cuốn sách được xem là kỷ lục xuất bản ở Việt Nam! Phải chăng Việt Nam ít có tác phẩm thật sự có giá trị như Khuyến Học?

Hoặc mấy năm gần đây, một số cuộc vân động văn hóa - xã hội được tiến hành như ký tên bình chọn để Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, thu thập chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, vận động đổi tên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thành biển Đông Nam Á... đã cho thấy số lượng chữ ký hưởng ứng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Chưa có cuộc vận động nào chiếm được tỷ lệ 0,1% so với dân số 86 triệu người, dù rằng chúng ta đang sống trong thời đại Internet. Và phải chăng, do dân tộc ta chưa thật sự có khát vọng tột bực, khao khát tột độ, thậm chí còn một bộ phận không nhỏ trong chúng ta theo chủ nghĩa "mackeno" (mặc kệ nó) nên rất nhiều cuộc vận động khác như: xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng con người văn minh - thanh lịch, trật tự an toàn giao thông, chống quan liêu tham nhũng... đều chuyển biến chậm?

Vậy, có mối liên quan nào giữa mức độ khát khao canh tân đất nước trong quá trình phát triển với một nước Nhật Bản đã hiện đại từ hơn nữa thế kỷ trước và một Việt Nam đang vừa mới thoát khỏi danh sách nước nghèo dù việc canh tân nước Việt đã được đặt ra từ hơn một thế kỷ trước? Thiết nghĩ, đây là điều mà chúng ta nên nhìn lại để đánh giá đúng mức về ưu nhược điểm của dân tộc mình, qua đó để tìm ra phương thức nuôi dưỡng, nâng tầm khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam! Mọi ý kiến thảo luận xin mời nhập vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về: vef@vietnamnet.vn.(*) Fukuzawa Yukichi, Khuyến Học, NXB Trẻ ấn hành năm 2004, trang 12.

Nguyễn Thiện
Theo: VEF.VN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn