BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc Thi Phẩm Của Hoàng Song Liêm, Một Người Anh Trong Làng Văn Nghệ

10 Tháng Mười Hai 200612:00 SA(Xem: 923)
Đọc Thi Phẩm Của Hoàng Song Liêm, Một Người Anh Trong Làng Văn Nghệ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Có những người văn nghệ đã thành danh từ vài thập niên trước, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời họ đã một thời gian im lặng, hay sinh hoạt văn hóa ở một nơi xa xôi nào mà người trong nước không biết, đó là trường hợp anh Hoàng Song Liêm. Anh vừa cho xuất bản thi phẩm Hoàng Song Liêm, nhà xuất bản Văn Nghệ, đồng thời có riêng một ấn phẩm đặc biệt kèm theo để bạn thơ thưởng thức phần thơ riêng của anh. Tôi vốn thích cái gì riêng biệt không muốn ai đó kiểm duyệt mình nên vội đọc phần này trước.

 Thoạt đầu khiến ta chưa dở vội trang thơ trong vì khổ thơ và mẫu bìa vẽ một nàng thơ tuyệt vời màu sắc tươi thắm đậm tình dân tộc. Tôi nghĩ đó là một nét họa của Đằng Giao. Quả nhiên, khi xem lại thì tranh của Đằng Giao thật nhưng tôi cứ lớ ngớ tìm hoài không thấy tên họa sĩ, ngoại trừ bức chân dung sắc nét của anh ký tên là Toại 6/29/01 thế thôi. Anh Hoàng Song Liêm tỏ ra rất trân trọng với thơ mình từ việc chọn khổ in thơ, tranh và những trang giấy hoa đẹp vẽ những viền mây bao phủ và làm nền cho thơ bay trên đó.
 
 Tôi xin diễn sơ ngoại cảnh một chút. Tôi từ chỗ cô Nguyễn thị Hàm Anh về, hiện trời mưa như trút, trời đỏ như gạch son, những ngày cuối năm đầy mưa gió lạnh lùng ở Saigon. Cũng chính Hàm Anh trao cho tôi hai bản thơ quý của anh mà từ lâu rồi, tôi chưa thấy ai in thơ đẹp như thế. Tôi ra đóng chặt cửa trên gác lại, mưa ào ạt và sấm động liên hồi. Tôi vốn rất sợ sấm, hồi nhỏ ở quê tôi bị sét đánh hụt một lần, bà ngoại tôi bay chiếc nón lá khi cùng tôi chạy qua cầu sắt Sa Đéc. Vì thế sau này tôi rất sợ sấm chớp. Đóng cửa lại, mặc cho mưa gào bên ngoài, trong căn gác vắng tôi ngồi đọc thơ Hoàng Song Liêm.

 Đọc bài “Hoài Vọng” tôi nghe như có một chút gì khắc khoải, u hờn mặc dầu dấu vết thời gian đã đẩy đưa rất nhiều hư ảnh về quá khứ. Ngôn từ Việt, những chữ: đó, nọ, kia, mà như âm vang của một tiếng đàn cổ reo lên trong thời đại này đem lại rất nhiều hoài cảm thiêng liêng

Lửa của lòng ta nay đã tắt
Thôi nhắc làm chi những lúc xưa
Những chiều mơ mộng rồi hoài vọng
Mà bóng thời gian đã xóa mờ


Anh nói đến ngọn lửa, dù anh cho là đã tắt nhưng ta cảm thấy nó đang giục nhiều nỗi đời nung nấu trong thâm tâm nhà thơ dễ gì đã tắt!

Bài “Hẹn” tiếp theo cho thấy một tay thơ đã chín, đã điêu luyện tự bao giờ với nghệ thuật thơ lục bát ngày xưa. Người ta thấy dòng thơ lục bát này đi từ Nguyễn Du, đến Huy Cận, đến Hoàng Trúc Ly, Hoài Khanh. Giòng lưu ly của thơ lục bát đã hòa với giòng sông lớn của thi ca Việt đem đến một tòa hoa gấm bền bỉ và bất tử. Sẽ có những người em tiếp theo đi trên những dòng lục bát sâu xa trường cửu đó mai sau. Bây giờ hãy đọc:

 

Mai này hẹn sẽ về thăm
Ô hay sao vẫn ruột tằm rối tơ?
Biển Đông vẫn cách đôi bờ
Chân mây đã khuất lối xưa mịt mù
Hạ buồn tóc điểm sương thu
Đầu non đá dựng bốn mùa miên đông
Mai này biết có về không
Đàn mê chợt rớt tiếng đồng lạnh tanh
Mộng thầm, gối mỏng chông chênh
Chân ai bước mỏi nẻo xanh, mai về


 Khí thơ êm đềm lạnh đến hư không và miên viễn như một dòng thời gian bất tận khiến ta nhớ đến bài thơ của Lưu Trọng Lư, bài Quay Tơ. Các bạn quý thơ hãy đọc và chia xẻ nỗi ngậm ngùi với Hoàng Song Liêm trong cảnh “tà huân” của cuộc đời! Tuy cảnh tà huân, nhưng anh đã lưu lại cho người đời điệu thơ vừa trữ tình sầu mộng vừa lẫn hương vị siêu hình của luật trời: Sự tuần hoàn của Tạo hóa mà không một ai thoát khỏi kiếp người như thế cả. Tôi cho đấy là một bài thơ tuyệt đẹp, một bài lục bát hiếm hoi trong vườn thơ hiện đại.

 Nhưng đâu phải chỉ một nỗi miên man đến chạnh lòng đó. Bài “Tổ quốc xa” đã mang lại một thứ tâm tình viết lịch sử như anh Nguyễn Mạnh Côn, anh Vũ Khắc Khoan độ nào. Nói đến Nguyễn Mạnh Côn tôi mạn phép mở ngoặc một chút về chuyện anh bị bỏ đói khát chết trong trại cải tạo, có người đồn là do Duyên Anh gây ra. Nhưng anh Nguyễn Quốc Định cũng là bạn văn chương ở chung với Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn xác định rõ với tôi là việc đó không phải do Duyên Anh tạo ra. Vậy xin ghi vài lời để anh em ngoài cuộc rõ và giải mối oan tình cho Duyên Anh từ lâu nay (?!)

Vẫn niềm hoài cổ, vẫn khắc khoải với nước non - dù tóc đã bạc, gối đã mòn, tâm hồn vẫn còn rất nhiều lửa để hong ấm nỗi niềm nhớ thương về một thời Quốc gia rực rỡ- Thời đại lịch sử đôi khi lúc vơi rồi lại đầy. Lịch sử chân chính bao giờ vẫn tồn tại trong lòng người - Nhà thơ ơi! Không mất đi đâu cả! Cũng như dòng lục bát của anh vẫn ngân nga trong thời gian đó vậy. Tôi nhớ tới thơ Vũ Hoàng Chuơng.
 

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh


Thời đại này, lịch sử trở mặt, lịch sử của bầy ngạ quỷ chỉ muốn ăn thịt đồng bào, nòi giống còn hơn gấp vạn lần thời của nhà thơ họ Vũ khi xưa.

Simon Veil bảo lịch sử có hai bề mặt. Bề mặt đen tối đang bủa vây khắp nơi khiến cho dù nhà thơ Hoàng Song Liêm đã mệt mỏi trên đường đời vẫn buông lời thơ như Bà Huyện Thanh Quan trong Thăng Long Thành Hoài Cổ. Người có ý thức tự do và yêu nước ai có thể thờ ơ được với nước non này. Vì thế mà trong thơ ông, chúng ta còn nghe rõ tiếng hờn uy linh của sông núi, của những chiến trường xưa và chiến binh anh hùng đã một thời trận mạc để bảo vệ đất nước, giang san trước bọn giặc thù. “Màu xanh” tưởng đâu thanh thoát, nhẹ nhàng, trẻ trung vui sướng. Ai ngờ lại ẩn rất nhiều tiếng vọng của non sông một thời.

Trời xanh xanh biển xanh xanh
Đỉnh núi che nghiêng bóng cờ thành
Phần phật cờ bay mùi khói tỏa
Nghe rền trống trận thuở đao binh


Thoáng nhìn một bài thơ, ai chớ vì cái tựa mà hiểu lầm. Đạo ẩn ư tiểu hành. Những ngụ ngôn và phản ngôn của thi ca chứa nhiều trong đó. Màu Xanh!
Dầu sao nhà thơ vẫn còn rất nhiều tình cảm mặn nồng của tuổi thanh xuân đầy những mộng tình tha thiết. “Em” của nhà thơ là ai đây? Là người bạn đời chăn gối, tình nhân hay nàng Thơ. Chúng ta không vội phân tích ý nghĩa và ngôn từ, chỉ nên thưởng thức vần thơ êm đềm, châu ngọc của thi nhân. Mời bạn đọc “Viết cho em” và tự thưởng thức lấy cái hương vị diễm tình của thơ.

Hoàng Song Liêm làm thơ cả một đời mà bắt đầu vào thời của Quách Tấn, của Vũ Hoàng Chương, Phạm Hầu. Đọc thơ ông phải nghĩ tới linh hồn thơ ấy đi qua rất nhiều chặng đường nghệ thuật từ lãng mạn, tượng trưng đến siêu thực, siêu hình bàng bạc khắp ý thơ - từng trải qua rất nhiều nẻo đường lịch sử văn học của dân tộc Việt. Cũng không khỏi nhớ đến những người anh cả là Hà Thượng Nhân, Cao Tiêu những người bạn như Tô Kiều Ngân còn ở lại VN.
Rồi thấm thoát bóng dương cũng mờ dần, buổi hoàng hôn lại đến và con người thi sĩ vốn hiện hữu giữa trần gian còn để lại gì? Nào những màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, nào những lớp lang lịch sử xô về đưa tất cả vào thái hư tịch mịch. Nhà thơ nói về thời gian vô thường, những hiện tượng của đời vẫn sinh động đẹp đẽ và thi nhân thay đổi với Vô Cùng nhưng còn mùa Xuân ấm nồng lại đến. Đông sẽ tàn và Xuân lại sang như Bùi Giáng viết:
 

Em bảo rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thấm lại với trời hồng


 Tuy nhiên khi đọc thơ ông ta cũng cảm thấy bồi hồi xao xuyến quá! Niềm xao xuyến làm linh hồn ta cũng cảm thấy khắc khoải như thơ ông. Tiếng thơ đẹp, mẫu đẹp của tiếng thời gian, của một đời người với bao nỗi thất bại của con người thiên thu đi về trong hố thẳm của lịch sử và cuộc đời (như Con Lũ Quanh Ta). Còn một điều quan trọng là sự chân tình trong thơ. Đọc thơ ông, người ta không thấy có sự làm dáng thi sĩ hay trí thức mà là những tiếng thơ từ tâm tình cao rộng, đầy sự cảm thông đối với con người, với lịch sử và cuộc đời.

Với “Hà Nội, đêm giã từ”, những câu thơ đạt tới một nghệ thuật thi ngữ mênh mông với mối tình xa xôi của kẻ giang hồ viễn xứ.

 

Phương Nam mù mịt trời phương Bắc
Mây trắng giang hồ mây viễn phương


Có hình ảnh dấn thân trong cõi cát bụi thời gian của một người chứa đựng nhiều lửa, nhiều nhiệt huyết lúc lên đường.
Lục bát Hoàng Song Liêm dàn ra một không gian rộng, tiếng thơ đạt đến sự tự nhiên như những thi tài xưa nay. Ông xử dụng thơ trơn tru, ngọt ngào và đậm tình thu bát ngát. Sự điêu luyện đó còn thể hiện trong rất nhiều vần lục bát trong thơ ông. Hoàng Song Liêm không chỉ có thơ bảy chữ, lục bát, ông còn làm nhiều bài thơ xuôi, thơ sáu chữ, thơ tự do với những kỳ tứ rất lạ.

Cuối cùng đến bài thơ “Rồi ngày tháng qua đi” do Đỗ Nguyên phổ nhạc. Thơ và nhạc giống như đội bạn tình thường hòa quyện với nhau - trong hai thứ nghệ thuật của cuộc đời.

Những dòng viết trên chỉ là viết cho thi bản riêng biệt của nhà thơ Hoàng Song Liêm. Riêng thi phẩm lớn của ông in rất nhiều thơ hay mà tôi chưa có thời gian đọc vì sức khỏe quá kém sút trong những ngày gần đây. Khi hồi phục lại được, tôi sẽ đọc cẩn thận hơn về một tác phẩm và một đời người làm thơ, sống với thơ thật đẹp của ông.

TRẦN TUẤN KIỆT
12/2006
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn