Trước sự lên án mạnh mẽ từ quốc tế cũng như áp lực của giới hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước về bản án 4 và 5 năm tù dành cho luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài với tội danh "tuyên truyền, chống nhà nước", Việt Nam quyết định đưa hai nhà đấu tranh dân chủ này ra tái xét xử trong phiên phúc thẩm vào ngày 27 tới đây.
Để tìm hiểu những diễn tiến liên quan đến phiên toà phúc thẩm đang được công luận hết sức chú ý, Trà Mi có cuộc trao đổi với luật sư Trần Lâm, người từng tham gia bênh vực cho Lê Thị Công Nhân ngay từ toà sơ thẩm, và sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ cô tại toà phúc thẩm lần này:
Tải xuống để nghe
Trà Mi : Thưa Luật sư Trần Lâm, trong những cuộc trao đổi trước với chúng tôi thì ông có cho biết rằng với tư cách là người bênh vực cho Luật sư Lê Thị Công Nhân trong phiên toà sơ thẩm ông đã không được phép tham gia vào quá trình vụ án cũng như không được tiếp cận các văn kiện hồ sơ toà án cần thiết, nghĩa là quyền hạn, vai trò chính đáng của người luật sư được luật pháp bảo vệ đã không được tôn trọng và bị hạn chế rất nhiều. Xin được hỏi thăm ông trong quá trình tiến tới toà phúc thẩm lần này thì tình hình ra sao ạ?
Luật sư Trần Lâm : Cái việc xét xử sơ thẩm ấy thì người ta làm quá nhanh, nhanh đến một mức là vi phạm tố tụng. Một vụ án như thế mà tôi có 4 ngày thôi để tiếp xúc hồ sơ, gặp bị cáo, tức là làm tất cả các việc mà tôi chỉ có trong 4 ngày thì nó vi phạm rất nhiều. Thế nhưng đến phiên phúc thẩm này thì người ta làm bình tĩnh hơn, thảnh thơi hơn, cho nên thời gian rộng rãi hơn. Việc gặp bị cáo thì tôi đã gặp 2 lần rồi. Sau ngày 20 này tôi sẽ gặp một lần nữa.
Trà Mi : Thưa, ông cho biết là lần trước ông chỉ có 4 ngày để tham khảo hồ sơ, nhưng lần này thì ông có thời gian bao lâu?
Luật sư Trần Lâm : Tôi có thời gian tới mấy tháng trời. Vụ án ấy, cái tiếng của nó thì to, rầm rộ khắp nơi và cả ở nước ngoài nữa. Nhưng mà xét về góc độ nghiệp vụ thì nó là một vụ án bình thường. Nó rầm rộ ầm ỉ là vì nó dính tới Phong Trào Dân Chủ. Thế rồi trong cái tố tụng, trong cái việc làm của án sơ thẩm thì có nhiều khiếm khuyết thành ra dư luận trở nên rộng rãi, chứ vụ án bình thường thôi.
Có nhiều khiếm khuyết
Trà Mi : Ông nói là toà sơ thẩm có nhiều khiếm khuyết, đó là những điểm nào, thưa ông?
Luật sư Trần Lâm : Về xét xử hình sự thì ngưòi ta chia làm 2 phần: một phần là hình thức, và một phần là nội dung. Về hình thức là cách tiền hành tố tụng như thế nào, thì cái hình thức của án sơ thẩm có nhiều sai sót. Thí dụ như đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không có tranh luận, nhiều việc chỉ nêu ra cái tên thôi chứ không làm sao cho đầy đủ được là có tội hay không có tội, tội nặng hay tội nhẹ như thế nào.
Cái vi phạm thứ hai nữa là đứng về mặt nội dung, đáng lẽ người ta phải nêu ra từng hành vi một, từng nội dung một, từ cách tiến hành thẩm tra để xác định sự thật đối với hành vi đó. Xong rồi thì người ta tranh luận hành vi đó để xem mức độ nguy hiểm như thế nào, bản chất hình thức nó làm sao. Như thế thì người ta kết án mới được chính xác, mới được công bằng.
Chứ ở đây án sơ thẩm ổng (hội đồng xét xử) nói cái tên là có việc này thôi, nhưng mà cái việc đó như thế nào thì ổng không đề cập. Ổng làm chớp nhoáng chỉ trong gần một buổi sáng là đã xong rồi.
Mà một vụ án về mặt ý thức tư tưởng, cái tội phạm thuộc về lương tâm, thì cái việc đó phải tranh luận rất ghê, bởi vì nó là trừu tượng mà, là tội phạm thuộc về cái đầu, về tâm tư tình cảm, về quan điểm, thế thì phải tranh luận.
Không cho phép tranh luận
Trà Mi : Hồi nãy ông nói là trong toà sơ thẩm vừa qua không cho phép việc tranh luận?
Luật sư Trần Lâm : Không có việc ấy. Ào ào cho xong thôi.
Trà Mi : Tức là luật sư không được phép tranh luận trước toà phải không, thưa ông?
Luật sư Trần Lâm : Chả tranh luận gì cả. Mà vừa phát biểu tranh luận thì bị cắt, không được tranh luận. Khổ lắm cơ! Ngay chính người xử cũng rất cực khổ là đưa ra một vụ án trong có mấy ngày thôi (cái vụ án sơ thẩm ấy) thì từ bên công an đưa sang bên Viện Kiểm Sát để đưa sang toà, thì tối thiểu thời gian ở Viện Kiểm Sát cũng phải 20 ngày, một tháng đối với vụ án này.
Mà Viện Kiểm Sát chỉ có 4 ngày mà thôi, thì mất 2 ngày để nhận tài liệu và gửi đi. Thế thì làm sao mà vụ án chỉ 2 ngày vừa nghiên cứu hồ sơ viết rất là dày như thế này? Thế thì người ta đã trao đổi trứoc, đã bàn luận trước. Nguyên tắc của xét xử là người công an làm cứ làm, Viện Kiểm Sát cứ làm, mọi người cách biệt nhau, chứ không phải ngồi chung lại bàn với nhau mà xử thế thì còn nói gì là chuyện các ngành tư pháp giám sát lẫn nhau?
Thế còn luật sư chỉ được 4 ngày, nhưng mà 4 ngày của chúng tôi lại không đủ nữa, bởi vì tôi đến thì nhân viên họ đi muộn, tôi đọc (hồ sơ) chưa xong trong buổi đó thì họ nói có việc phải đi, họ đề nghị "Thôi bác ạ, cho cháu cất hồ sơ vì cháu phải đi họp bây giờ". Thế là tôi có được đọc hồ sơ cả 4 ngày đâu. Đấy, vụ án sơ thẩm nó ào ào như thế đấy.
Trà Mi : Dạ. Có nghĩa là quyền hạn, vai trò cũng như chức năng chính đáng của người luật sư đã không được tôn trọng và bị hạn chế rất nhiều?
Luật sư Trần Lâm : Không làm sao được! Ngay chính người xử, người ta cũng bị o ép như thế cơ mà. Người công tố cũng không có thì giờ để làm việc. Luật sư cũng không có thì giờ làm việc. Không hiểu sao họ lại cấp tốc như thế? Vì lý do gì? Cái đó chúng tôi không nói.
Trà Mi : Những cái ràng buộc phi pháp như vậy thì ngay trước phiên toà lần đó ông có nêu lên những bức xúc của ông hay không?
Luật sư Trần Lâm : Tôi cũng nói sơ sơ bên ngoài thôi, chứ thực ra tôi biết rõ cái tình trạng, cái kiểu làm ăn như thế rất là hỏng. Nhưng mà tôi cũng không nói vì thực ra họ cũng khốn khổ lắm chứ họ không sung sướng gì mà nói với họ. Không hiểu cái luật ở đâu, không hiểu cái lệnh ở đâu mà để làm một vụ án chớp nhoáng như thế? Từ xưa tới nay tôi chưa thấy một việc nào như vậy.
Trà Mi : Ông không nêu lên trước phiên toà sơ thẩm lần đó, nhưng trong phiên toà phúc thẩm lần này thì sao?
Luật sư Trần Lâm : Khổ lắm! Các vị ở ngoài (nước ngoài) cứ nghĩ theo cái tư duy ở ngoài, hễ cứ thấy vi phạm là hét ầm lên. Ở đây (Việt Nam) thì cái vi phạm là chuyện hàng ngày, cho nên chả có cài gì là ghê gớm cả.
Trà Mi : Nhưng mà phiên phúc thẩm lần này ông sẽ nêu lên những bức xúc chứ?
Luật sư Trần Lâm :Trong phiên toà phúc thẩm này tôi sẽ đề cập tới những khiếm khuyết đó. Tôi phải nêu lên tất cả những cái sai phạm của cái xét xử sơ thẩm để tôi nói với phúc thẩm rằng anh không được đi theo cái bước ấy nữa. Lần này tôi phải làm thế.
Những chứng cứ phản biện
Trà Mi : Xin được hỏi thăm ông là Luật sư Công Nhân bị tuyên án 4 năm với tội danh tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam. Trong phiên toà phúc thẩm tới đây ông dự định sẽ đưa ra những cơ sở nào, những chứng cớ phản biện nào để chứng minh bị cáo này vô tội?
Luật sư Trần Lâm : Trước toà phúc thẩm tôi sẽ bác bỏ tất cả các yếu tố kết tội, không chấp nhận một chứng cứ kết tội nào cả. Không phải bây giờ tôi mới suy nghĩ mà tôi suy nghĩ ngay từ hôm sơ thẩm. Nhưng lẽ dĩ nhiên là hôm sơ thẩm nó không được chặt chẽ như bây giờ. Qua ba bốn tháng rồi tôi lượt lai, tôi xem xét kỹ lại thì bây giờ tôi thấy rằng tôi đủ căn cứ, tôi đủ lý lẽ bác bỏ tất cả những lời kết tội của án sơ thẩm từ A đến Z.
Trà Mi : Thế ông không chấp nhận như vậy thì ông dựa trên những cơ sở nào, thưa ông? Tức là có cơ sở nào để ủng hộ cho những luận điểm của ông?
Luật sư Trần Lâm : Tôi không dựa trên các công ước quốc tế. Thêm nữa là tôi cũng chưa hiểu những cái đó đầy đủ. Tôi dựa theo luật của Việt Nam. Nhưng mà trong tội này của Công Nhân, ta phải nói như thế này này. Ngay ở các nước trên thế giới người ta không có điều luật này đâu.
Nhưng mà cái luật này là đã rập theo của Liên Xô nên vẫn còn tồn tại đến bây giờ (ở Việt Nam). Thế thì bây giờ tôi sẽ đưa cái đó ra để tôi chứng minh rằng nếu cứ xử như luật của Liên Xô cũ thôi, cách đây ba bốn chục năm, thì cũng có thể kết luận rằng Lê Thị Công Nhân không phạm tội.
Trà Mi : Nhưng mà trong số những luận điểm ông sẽ đưa ra thì ông nghĩ điểm nào có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất, không thể bị phủ nhận, thưa ông?
Luật sư Trần Lâm : Cái điều then chốt là như thế này. Người ta kết tội cô âý về 3 hành vi: một hành vi là nói, một hành vi là viết, và một hành vi là tàng trữ những cái "độc hại".
Tôi có thể bác bỏ “hành vi nói” là cô không hề nói cái gì cả mà cô chỉ tham gia vào một lớp học, mà lớp học ấy cũng chưa thực là một lớp học. Và cái tài liệu đó là một tài liệu có tính chất quốc tế, không có dính dáng gì tới Việt Nam cả. Đấy, cái mạnh nhất của hành vi nói (hành vi mà người ta kết tội nặng nhất đó, thì tôi có thể bác bỏ rằng hành vi đó cô ấy không phạm).
Trà Mi : Vừa rồi là luật sư Trần Lâm với những thông tin liên quan đến phiên toà phúc thẩm xét xử hai nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/11. Ông Trần Lâm nguyên là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, và cũng là một trong số rất ít các luật sư nhận lời tham gia các vụ án chính trị, trong đó có trừơng hợp của cô Lê Thị Công Nhân.
Với những dấu hiệu khả quan như luật sư Trần Lâm vừa nêu lên, phiên toà sắp tới hứa hẹn những chuyển biến như thế nào? Liệu công luận trong và ngoài nứơc có thể kỳ vọng luật sư Đài và Nhân được trả tự do tại toà phúc thẩm lần này hay không?
Mời quý vị đón theo dõi trong buổi phát thanh tiếp theo.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
21/11/2007
Gửi ý kiến của bạn