BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73343)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày Xuân hát Quan Họ

07 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1428)
Ngày Xuân hát Quan Họ
518Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
518
Những ngày Lập Xuân, công việc đồng áng đã xong, người nông dân Việt Nam có rất nhiều lễ hội qua những tập tục địa phương, niềm tin tưởng nơi Thần Thánh hoặc do những điều kiện thiên nhiên thời tiết thuận lợi. Hội quan họ làng Lim là một lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm vào ngày mười ba tháng Giêng âm lịch trên một ngọn đồi thơ mộng. Trai gái trong vùng tụ tập trao đổi những câu hát quan họ là một trong những thể hát dân ca của dân chúng địa phương được truyền tụng từ nhiều thế hệ hoặc là những câu hát “tức cảnh sinh tình” đối đáp giữa những cô thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo tứ thân mầu sác rực rỡ e lệ giấu mặt sau chiếc nón quai thao và những chàng thanh niên đa tình tạm xa con trâu cái cầy cùng với hoa lá cây cỏ mùa xuân vui hưởng những ngày nông nhàn trong câu hò tiếng hát tình tứ thân thương. Hiện nay còn có trên bốn trăm bài hát quan họ được truyền tụng từ nhiều đời. Một số rất nhiều bài đã tuyệt tích và một số bài cũng bị tam sao thất bổn không còn giữ nguyên vẹn được những tình tiết nguyên thủy. Quan họ là một thể hát dân ca cổ truyền mang nhiều từ ngữ cũng như phong thái tình cảm và các tương truyền lịch sử. Những bài hát này không chỉ là những câu hát đối đáp đưa duyên của những nhóm các cô thôn nữ và đám trai làng nhưng được phân chia ra nhiều thể loại khác nhau và gồm có:

1- Giao duyên

2- Thờ cúng tổ tiên

3- Cầu mưa

4- Cầu may mắn và thịnh vượng

5- Cầu ân phúc của tổ tiên

 Những câu quan họ giao duyên được được biết và nói đến nhiều nhất vì vì tính chất lãng mạn và tình tứ của lời ca tiếng hát giữa những thanh niên thiếu nữ trong làng hoặc những nhóm quan họ từ các làng lân cận hay từ các vùng xa. Những nhóm thanh niên thiếu nữ này được gọi là những “Bọn quan họ.” Chữ “Bọn” ở đây là một danh xưng cổ truyền và không có gì tỏ ý coi thường hoặc khinh miệt cả. Ngay từ những ngày còn bận rộn lo sắm Tết, các bọn quan họ đã tất bật sửa soạn quần áo và nhất là những bài hát để ra tài đối đáp với không những các bọn quan họ khác mà ngay cả những bọn bị coi như tình địch. Nghệ nhân hát quan họ phải thuộc nhiều bài bản để có thể hát đối và hát đáp mà giọng hát cũng như phong cách diễn tả phải tập luyện cho thành thục để mang lại tiếng tăm cũng như đẳng cấp cho bọn. Hát đối thông thường là những bài hát đã được truyền tụng nhưng hát đối đòi hỏi người hát quan họ phải có phản ứng mau lẹ để kịp thời đối ứng lại các trạng huống tình cảm xẩy ra do sự tác động của những câu hát giữa đôi bên.

 Các lễ hội vùng Kinh Bắc được khởi sự từ ngày mùng bốn Tết kéo dài cho đến ngày mười chín tháng Hai âm lịch. Tất cả có bốn mươi chín làng quan họ thay nhau tổ chức hội hè, cũng có nhiều làng tổ chức cùng một ngày. Tuy nhiên lễ hội làng Lim được coi như nổi đình đám nhất vì thời gian tổ chức rất thuận tiện ngay sau ngày mười hai tháng Giêng là ngày hội đình của tất cả sáu làng chung quanh vùng Lim. Địa điểm tổ chức hữu tình trên một ngọn đồi có những cây lim thẳng tắp cành lá xum xuê che bóng một ngôi chùa cổ kính với nhiều truyền thuyết. Trong khu vực lễ hội cũng có những cuộc vui đua tài như đánh đu,đánh vật, chọi chim, chọi gà… và tất nhiên không thể thiếu những trò cờ bạc may rủi trong những ngày đầu năm.

 Làng Lim có bốn xóm, mỗi xóm có hai bọn quan họ, một bọn nam và một bọn nữ. Trước ngày hội đến cả hai tháng các bọn quan họ trong làng đã bắt đầu tập luyện đối đáp. Khi chưa đến hội Lim thì những bọn quan họ này cũng được giao phó nhiệm vụ mang chuông đi đánh xứ người trong các lễ hội khác để vừa đua tài và cũng nhân tiện học hỏi rút tỉa kinh nghiệm cho những cuộc tỉ thí sôi động ở lễ hội làng Lim. Về hình thức thì lễ hội làng Lim có hai loại: hát trong nhà và hát ngoài đồi.

 1-Hát trong nhà: Gia đình được chỉ định tổ chức hát trong nhà được các liền anh liền chị quan họ đến giúp chuẩn bị và sửa soạn trầu cau trà nước và nhất là bữa cơm quan họ để đãi khách. Khi mọi việc đã tươm tất thì gia chủ cho các em bé ra ngoài chùa Lim chờ khách. Lúc được các em bé chạy về báo tin khách đã tới thì đích thân gia chủ và các liền anh liền chị quan họ lên chùa đón khách. Một người hát quan họ lâu năm có nhà cửa rộng rãi khang trang được chọn làm nhà chứa. Chủ nhà được gọi là “Ông chứa” hay “Bà chứa,” một danh xưng rất được trọng vọng nể vì. Ngưòi dân làng Lim luôn tin tưởng nếu mời được nhiều khách về nhà thì đó chính là điềm may mắn mang lại an vui thịnh vượng cho toàn gia trong năm mới. Những người khách này có thể là những người quen biết đến từ các làng lân cận và cũng có thể là những người hoàn toàn xa lạ đến từ những vùng xa xôi chưa hề quen mặt biết tên. Quan họ bạn vào đến cổng nhà thì dừng lại, cất tiếng hát mừng làng, mừng nhà, mừng bạn. Quan họ chủ đứng ngoài sân hát đón nhời chúc lại làng bạn và chào bạn. Sau đó quan họ chủ đỡ ô nón của quan họ bạn và đón vào ngồi trên một giường trong nhà. Quan họ chủ ngồi trên một giường khác phía bên. Nếu ngồi trên ghế tràng kỷ thì chủ và bạn ngồi hai bên bàn. Quan họ chủ cất tiếng hát mời bạn uống nước ăn trầu. Quan họ bạn hát cảm ơn thịnh tình của gia chủ. Hai bên đối đáp cho đến trưa thì quan họ chủ mời quan họ bạn ăn cơm. Quan họ chủ hát mời bạn ăn và tiếp bạn cho đến khi gần xong bữa thì lúc đó quan họ chủ tạm ngưng hát và ngồi vào mâm của mình. Buổi chiều mọi người lên đồi Lim xem hội. Đến tối cuộc hát lại tiếp tục cho đến sáng ngày hôm sau mới giải tán.

2- Hát ngoài đồi: Trên đồi Lim, các liền chị với những tấm áo tứ thân mớ bẩy mớ ba mầu mè sặc sỡ tay cầm nón quai thao bao giờ cũng đi thành từng bọn. Các liền anh trang trọng với chiếc áo dài the đen, đầu đội khăn đống, tay cầm ô đen cũng có bọn với nhau. Bọn nam tìm trong đám hội một bọn nữ chưa có bạn và mời họ ăn trầu. Nếu bọn nữ nhận trầu tức là nhận lời hát. Nhiều khi bọn nữ chủ động mời bọn nam. Trong khi hát nếu hai bên hợp nhau về cách đối xử và lời ca giọng hát thì bọn nam sẽ hẹn một ngày nào đó để mang lễ vật sang làng bọn nữ xin kết nghĩa. Tục này gọi là “Quan họ nghĩa.” Đứng ngày hẹn, bọn nam mang lễ vật sang làng bọn nữ để xin kết bạn. Bọn nữ đưa bọn nam đến trình tiên chỉ trong làng rồi làm lễ kết nghĩa trước đình, sau đó đưa bạn về nhà ăn uống và ca hát. Những cuộc hát đối đáp có thể giữa từng bọn nhưng nhiều khi lại chỉ giữa một liền anh và một liền chị ở trên bất cứ một địa điểm nào trong khu vực lễ hội. Nếu hai bên thích nhau thì cứ tiếp tục hát, không thì lại chào nhau rồi đi tìm một bọn khác. Đến khi nào tình cảm đã quyến luyến bịn rịn như không rời được nhau thì lại cất lên tiếng hát xao xuyến tấm lòng “người ơi, người ở đừng về.” Như vậy hội Lim có những buổi hát của những liền anh liền chị kết nghĩa trong nhà và những bọn đến xem hội dể tìm bạn ngoài đồi.

 3- Hát trên thuyền: Một hình thức hát quan họ khác lôi kéo nhiều người tham dự đó là hát trên thuyền được tổ chức ở làng Bùi vào ngày hai mươi ba tháng Giêng. Lễ hôi này chính là lễ tắm Phật chùa làng Bùi. Một chiếc thuyền rồng được chèo bởi mười cô gái trinh trắng chở đôi chum ra lấy nước từ một cái giếng ở đền Mẫu trên một cồn đất ngoài sông Ngũ Huyện. Thuyền rồng được bao bọc san sát bởi những thuyền con của các bọn quan họ. Khi thuyền rồng ra đến bãi, người ta khiêng chum đặt bên bờ giếng. Trai gái quan họ đứng hai bên. Người đứng đầu dùng gáo đồng múc nước rồi lần lượt chuyền tay cho đến người đứng cạnh chum thì đổ vào chum. Khi chum đầy nước thì phủ một tấm vải đỏ lên miệng chum trong tiếng hát của trai gái quan họ. Chum nước được mang về chùa tắm Phật để cầu mong mưa thuận gió hoà, công việc đồng áng được thuận lợi. Sau đó trai gái trên những chiếc thuyền con bơi quanh đám cây cối rậm rạp hát quan họ cho đến khuya.

 Hát quan họ còn có nhiều hình thức khác nhau như lối “Hát trùm đầu” ở làng Viêm Xá, “Hát hiếu” ở Lũng Giang… Hầu như mỗi làng đều có những thêm bớt đặc thù của từng địa phương nhưng tựu chung thì vẫn cùng mục đích vui chơi hội hè đình đám trong những ngày nông nhàn và cầu mong phúc lợi cho một cuộc sống thanh bình thịnh vượng. Vùng Kinh Bắc có đến bốn mươi chín làng quan họ, mỗi làng tổ chức lễ hội vào một thời điểm khác nhau với phong thái và hình thức thay đổi cho phù hợp với thời tiết và các ưu điểm thiên nhiên. Đi tìm nguồn gốc của nghệ thuật hát quan họ, các học giả đều đi đến một kết luận chung ngay từ khởi thủy hát quan họ là một hình thức tương trợ không có văn bản giữa những làng xóm trong xã hội Việt Nam cổ xưa. Làng này có việc hay lễ hội đình đám thì những làng lân cận sang giúp đỡ hoặc góp vui bằng những lễ vật hay câu ca tiếng hát. Thâm tình giữa những làng quan họ đi ra ngoài những tình cảm thông thường bằng cách nghiêm cấm con trai con gái của những làng quan họ không được kết hôn với nhau để giữ tình kết nghĩa lâu bền. Nhưng dù cho luật lệ nghiêm cấm cũng không lấn át được tình cảm trai gái tự nhiên của những liền anh liền chị:

Nghĩa người tôi để lên cân

Bên tình nặng chín, bên ân nặng mười

Nghĩa người tôi để trong cơi

Nắp vàng đậy lại để nơi mình nằm

Đêm ngày tôi giở ra thăm

Đêm ngày ba bẩy lần thăm nghĩa người

 Trước khi chia tay, các liền anh liền chị vẫn không quên dặn nhau: “Đến hẹn lại lên.” 

Trương Phú Thứ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn