BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

“Bừng Con Mắt Dậy!”

07 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1092)
“Bừng Con Mắt Dậy!”
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cách nay đúng 6 năm, cũng vào dịp Tết Ất Dậu (2005), nhân chuyện phát bằng khen thưởng cho 19 trí thức khoa bảng Việt kiều về nước “xây dựng đảng”, nên đã có bài viết:

 Nỗi Nhục Tiền Nhân

Văn Miếu giờ đây để diễn tuồng
Theo thời khoa bảng cúi lòn trôn
Bằng khen cờ Đỏ tưng bừng lãnh
Giấy thưởng sao Vàng hí hửng khiêng


Ngày 18/2/2005 báo Vietnamnet phát bằng khen thưởng cho 19 trí thức khoa bảng Việt kiều đã có công đóng góp cho nhà nước CSVN, tổ chức ở Văn Miếu Hà Nội. Theo danh sách 19 đại trí thức khoa bảng trên gồm hầu hết là những người đã được đi du học trước 1975 từ miền Nam (VNCH) đã có nhiều bằng cấp, học vị cao, là những chuyên gia kinh tế, hay khoa học kỷ thuật, đã từng có địa vị và sự nghiệp cao ở những nước cư ngụ: 6 người ở Mỹ, 4 người ở Pháp, 2 người ở Nhật, lác đác mỗi nước một người như ở Bỉ, Canada, Thụy sĩ... một vài người đã về ở hẳn tại VN.Trong số này có nhiều người từng di cư vào Nam (có lẽ) trước 1954.

Đáng chú ý là một trong ba người gốc Quảng Nam được ban thưởng và đã có bài phát biểu mà theo Vietnamnet: đã “gây xúc động cho những người tham dự”, đó là bài phát biểu “THEO BƯỚC CHÂN CỦA TIỀN NHÂN...” của chuyên gia Bùi Kiến Thành sinh năm 1932 tại Quảng Nam, định cư ở Mỹ, từng giữ chức Trưởng phòng ngoại hối Ngân hàng QGVN (Việt Nam Cộng Hòa) và từng làm Đại diện Ngân hàng QGVN (Cộng Hòa) tại New York, ông Bùi Kiến Thành nói:

“Tôi rất vinh dự được bầu chọn danh hiệu “VINH DANH NƯỚC VIỆT” năm 2004. Tôi xin cảm ơn báo điện tử Vietnamnet đã tổ chức cuộc bình chọn và Mặt Trận Tổ Quốc đã ủng hộ cuộc bình chọn này. Từ nửa vòng trái đất trở về đây, tôi rất cảm động được đặt chân lên khu đất thiêng liêng Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Tôi cảm nhận thấy mình có ân sâu nghĩa nặng với tổ tiên, đồng bào; có trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Xin cho phép tôi được bày tỏ đôi lời để ghi tạc tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với cộng đồng dân tộc.”

Sau khi dẫn nguồn đào tạo nhân tài từ đời Lý đến đời hưng thịnh Lê Thánh Tông và trích một vài đoạn bài ký bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442):

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia (Nhân tài giã, quốc gia nguyên khí giã): Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.

Ông Thành nói tiếp:

 “Vì kẻ sĩ quan hệ với quốc gia như thế, cho nên đề cao bởi khoa danh, lại nêu tên ở Tháp Nhạn để ngợi khen. Lại thấy rằng lời khen tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền hậu thế. Vì thế lại cho khắc đá đề tên dựng ở nhà Thái Học để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái ra giúp nước.
 “Trong bài ký bia Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) Lê Quý Đôn viết: “còn như kẻ sĩ vì cảm ơn đãi ngộ trọng hậu, nghĩ trọng danh nghĩa mà cẩn trọng sữa mình, trau dồi đạo đức, giữ vững phẩm tiết để khỏi nhơ danh khoa bảng, không phụ ơn giáo dục, thì đó vẫn là phận sự của kẻ sĩ quân tử xưa nay”.
 “Đạo “trung, hiếu, tiết, nghĩa” xưa nay đã xây dựng nên hưng thịnh của nước nhà, bảo vệ, vung đắp cho non sông tươi đẹp.
 “Ôn cố tri tân, hôm nay chúng ta gặp nhau đây, bước theo vết chân của tiền nhân, ta có trách nhiệm thế nào với tổ tiên dân tộc ?
 “Đem chút tài hèn ra phụng sự cho quốc gia dân tộc, đó là bổn phận muôn đời của kẻ sĩ. Được tôn vinh, ghi tên vào bia đá sử xanh, đó là lưu truyền cho hậu thế làm gương. Còn người đương thời thì phải suy nghĩ và hành động ra sao ?
 “Tôi có diễm phúc được thầy chỉ giáo cho chút học của thánh hiền. Nhân đây tôi xin kính bái ân sư tiên tổ,và chia sẽ cùng với quí vị những lời vàng ngọc mà tôi ghi tâm cảm nhận”.

Cuối bài ông Bùi Kiến Thành trích dẫn những danh ngôn như:

 “Không nên hỏi đất nước có thể làm được gì cho bạn,
 Hãy tự hỏi bạn có thể làm được những gì cho đất nước
 “Suy ra thì Cổ kim, Đông Tây chơn lý chỉ có một, Câu nói trên của Tổng Thống Kennedy cũng không ngoài đạo lý của tổ tiên ta. và Đạo Đức Kinh chương 10 có câu:
 “Sinh nhi bất hữu/ Vu nhi bất thị.
 Trường nhi bất tể/Thị vị huyền đức.
 “Tạm dịch là: Tạo ra mà không chiếm đoạt/ Làm mà không cậy công/ Làm bật lớn mà không làm chủ/ Đó gọi là huyền đức vậy.
 “Do đó thánh nhân mới dạy:
 “Quán thiên chi đạo/ Chấp thiên chi hành/ Tận hỉ
 “tức là: Quán triệt thâm sâu tường tận chơn lý của Đạo trời, quy luật của thiên nhiên tạo hóa; Theo đó mà hành động, không cần phải nói gì thêm nữa”.
 “Lời này trích từ “Hoàng Đế Âm Phù Kinh” cách đây đã hơn bốn nghìn năm truyền lại.
 “Tôi xin cám ơn các cụ, các bác, và cầu chúc cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc”. (Xuân Ất Dậu. Bùi Kiến Thành.)

 Trích gần nguyên văn bài phát biểu của đại trí thức khoa bảng Bùi Kiến Thành , ngay cả chữ “làm bật lớn” có lẽ tờ báo đã in sai chữ “bậc”, không nhằm bàn về tư tưởng vô vi xuất thế của Lão Trang mà ông Thành đem ứng xử cho đạo hữu vi nhập thế, mà để nhìn nhận rằng dù là một chuyên gia tài chánh cao cấp ông Thành cũng thông hiểu đạo lý “thánh hiền”, trước hay sau khi được nhận bằng khen ông đã chịu khó đọc và ghi nhớ vài đoạn bi ký nơi Văn Miếu rồi mượn lời tiền nhân để đề cao những “kẻ sĩ quân tử” hậu thế như ông và 18 đồng nghiệp đang “nối gót tiền nhân”.

Gạt bỏ quan niệm xưa cũ “trung thần” không thờ hai triều đại khác nhau, thì việc ông Thành từng phục vụ cho chính phủ VNCH, nay trở về phục vụ cho nhà nước CSVN với mục đích riêng thì cũng không phải là chuyên đáng bàn, điều đáng nói ở đây là ông Thành đã nhân danh “kẻ sĩ”, nhân danh “tổ tiên dân tộc” “để minh danh cho sự nghiệp “giúp nước” của mình.

Đất nước bây giờ là đất nước “Xã hội chủ nghĩa” nghĩa là của riêng của những người Cộng Sản có thực quyền, những người không yêu XHCN là những người không yêu nước, là những kẻ ngoài lề thậm chí là kẻ thù.

Tổ tiên dân tộc thì đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chỉ mới nhìn nhận sau khi “Tổ Liên Xô XHCN” không còn nữa, thế nhưng Tổ bây giờ cũng phải hiểu là Tổ Hồ Chí Minh thôi, báo GIÁC NGỘ XUÂN Quí Mùi 2003 của Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh trong bài “Đóa sen vàng trên bầu trời xanh” của Trần Văn Thường khẳng định:

Hơn nữa, hoa sen gắn liền với thân thế, sự nghiệp của NGƯỜI CHA CỦA DÂN TỘC- Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Sen quê Bác)”.

Có nghĩa là trước thời huyền sử thì không kể, ngoài ra tất cả dân tộc từ khi có lịch sử đều là “con cháu của Hồ chủ tịch cả”.

Đảng CSVN đã “định hướng lịch sử” như vậy thì ông Bùi Kiến Thành còn nhân danh tổ tiên dân tộc nào để biện minh cho mục tiêu phục vụ của “19 kẻ sĩ Việt kiều” nói trên ? Khi người CS đồng hóa đảng với đất nước, nghĩa là không có đảng thì không có đất nước, vậy muốn mượn lời T.T. Kennedy ông Thành phải nói:

Không nên hỏi ĐẢNG có thể làm được những gì cho bạn, hãy tự hỏi bạn có thể làm được những gì cho ĐẢNG”.

Và lời thánh nhân mà ông Thành trích từ “Hoàng Đế Âm Phù Kinh” cũng phải viết lại:

Quán ĐẢNG chi đạo/Chấp ĐẢNG chi hành” mới hợp hoàn cảnh và vị trí của ông Thành.

Đây không phải là lần đầu ông Thành phát biểu ý kiến. Ngày 1/2/2005, trong buổi “trình diện Tổng bí Thư Nông Đức Mạnh của 59 Việt kiều” ở Hà nội, ông Bùi Kiến Thành cũng đã lên diễn đàn:

Hôm nay chúng ta gặp nhau đây để mừng đảng, mừng Xuân... Tôi rất cảm động được gặp Tổng Bí thư ngày hôm nay... Chúng ta là anh em, chúng ta không còn phải mang nặng những “nhãn hiệu” lỗi thời. Doanh nhân cả nước được tôn vinh cũng như các anh hùng lao động khác. Bất kỳ trong lĩnh vực nào, thành phần xã hội nào, nông dân hay trí thức, tất cả đều có chỗ đứng và vai trò trong sự nghiệp xây dựng tổ quốc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...

Ông Thành thuộc bài hơn cả Nông Đức Mạnh nữa!

Ông còn nhấn mạnh: “Vai trò của đảng lãnh đạo là quan trọng hơn bao giờ hết... Bình Ngô Đại Cáo có câu: Đất nước ta trải bốn nghìn năm văn hiến, dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có...

Khi xác định vai trò “minh quân” là đảng CSVN ông trí thức Bùi Kiến Thành tự phong mình là “kẻ sĩ” là “hào kiệt” thống thuộc XHCN cũng hợp lý thôi.

Nếu như ông Bùi Kiến Thành khách quan nhìn được toàn cảnh xã hội VN qua câu:

Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã; Bang vô đạo phú thả quý yên, sỉ dã.” (Luận Ngữ- thiên Thái Bá)

(Tạm hiểu: xã hội có đạo lý thì ra hợp tác, xã hội vô đạo thì tránh lui. Đất nước có nền chính trị đạo lý trong sáng mà bản thân nghèo là điều xấu hổ, đất nước ở thời kỳ chính trị vô đạo mà giàu có là điều sỉ nhục.)

Kẻ sĩ đang đấu tranh vì tự do dân chủ hiện nay ở trong nước không “ẩn” (theo nghĩa né tránh) cũng không “hiện” (theo nghĩa cộng tác đắc lực), mà họ “hiện” với ý chí “thay đổi nền chính trị vô đạo kia”. Sự giàu có “nứt đố đổ vách” của những Tư bản Đỏ hiện nay thuộc “Bang” nào? Hữu đạo hay vô đạo ?

Hoặc câu:

Ninh Vũ Tử, bang hữu đạo tắc tri, bang vô đạo tắc ngu. Kỳ tri khả cập dã, kỳ ngu bất khả cập dã!” (Luận Ngữ- thiên Công dã Tràng)

(Tạm hiểu:Người trí thức khoa bảng Ninh Vũ Tử kia, nếu ở xã hội có công bằng đạo lý thì ông là người thông minh tài giỏi, còn như ở xã hội mà nền chính trị đen tối không có đạo lý thì ông chỉ là kẻ hồ đồ ngu dốt. Kiến thức của ông, người khác có thể theo kịp; còn sự ngu dốt của ông thì không ai theo kịp được.)

Đó cũng là trường hợp đại trí thức khoa bảng Bùi Kiến Thành.

Thật tủi hổ cho vong linh các cụ Trần Cao Vân, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh và rất nhiều vĩ nhân yêu nước xứ Quảng đã có một hậu thế như Bùi Kiến Thành lại vỗ ngực “Theo bước chân của tiền nhân...”.

Khi nào thì nhà nước CSVN tạc “bia Tiến sĩ” cho ông Bùi Kiến Thành và 18 “đồng loại” của ông để dựng nơi Văn miếu ?

Lúc đó thì ông Thành và 18 ngôi SAO kia nên đề nghị nhà nước dựng nền “Văn miếu Xã Hội Chủ Nghĩa” nơi khác, nếu lại lồng vào chốn cũ sẽ là điều quá tủi nhục cho những bậc hiền thần danh sĩ ngày xưa vậy.

(20/2/2005, nguyễn duy ân)

 Cho đến nay, những gì diễn ra ở VN sau 6 năm mà đám đại trí thức Việt kiều về phục vụ đã có những thành quả không mấy sai lệch với nhận xét của bài viết nói trên: đảng càng giàu to lên, dân càng nghèo mạt xuống. Trí thức trong nước và trí thức Việt kiều đã trực tiếp giúp đảng giàu nhanh, giàu mạnh, giàu vững chắc.

 Khẩu hiệu mà Bùi Kiến Thành học thuộc và mạnh mẽ hô hào: “Bất kỳ trong lãnh vực nào, thành phần xã hội nào, nông dân hay trí thức, tất cả đều có chỗ đứng và vai trò trong sự nghiệp xây dựng tổ quốc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”

Có lẽ sau 6 năm ông Thành đã thấm thía! Ngay cả “chỗ đứng” của ông hình như chẳng còn được trọng vọng như thuở ban đầu, qua bài phóng sự (nửa thương hại, nửa coi thường đương sự) dưới đây đã thể hiện điều đó.

Còn chuyện “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.” Thì nằm mơ cũng không có, trái lại xã hội ngày càng bất công thối nát, phản dân chủ, tha hóa và man rợ hơn!

Mặc dù là chuyên gia về ngành tài chánh nhưng khi về phụng sự cho đảng, Bùi Kiến Thành có một giai đoạn giữ chức vụ “cố vấn về vấn đề biên giới” không biết ông đã góp phần gì trong việc cắt hàng trăm cây số vuông biên giới và hàng vạn hải lý biển để nhượng cho Bắc Kinh?

 “Kẻ sĩ” Bùi Kiến Thành đã thực hiện được bao nhiêu phần trong những lời phát biểu hùng hồn, khí phách và tiết tháo sáu năm về trước?


Gương mặt ông Bùi Kiến Thành như sáng lên khi nhắc tới ngày Tết ở quê.


Hay ông Thành cũng chỉ nhắm mắt ngụy tín rằng mình đi đúng lý tưởng “theo bước chân của tiền nhân?”

“Tết một mình của trưởng nam nhà tư sản Bùi Kiến Tín”
(02/02/2011)

- Qua giao thừa, ông bước ra từ một căn nhà thuê ở ngõ 27 phố Đặng Dung, Ba Đình, Hà Nội và hòa vào dòng người đi lễ chùa Trấn Quốc, rồi sang đền Quán Thánh.

Cái tết của ông ở Hà Nội khá lặng lẽ. Trong khi đó, ở Quảng Nam, người em trai ông chuẩn bị một cái Tết kỹ càng và chu đáo, theo đúng nếp nhà Bùi Kiến. Dưới đây là câu chuyện đón Tết của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, con trai của nhà tư sản dân tộc Bùi Kiến Tín.

1.Tết trong quê mổ cả chục heo bò.

Những năm 1938-1939, bố tôi đi học xa. Tôi đón Tết ở nhà ông nội. Nhà ông nội giàu có nhất làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Từ tháng Chạp, người làm trong nhà đã phải lo vỗ béo cho cả chục con heo. Những người làm nông chuẩn bị một hai con bò to đùng để ăn Tết.

(Ông Thành kể thời thơ ấu vàng son và cho hay ông đã ăn chay 40 năm nay)

 2. Tết Sài Gòn nhiều hoa quả lắm!

Vào Sài Gòn, mỗi lần Tết đến là bà má tôi lo. Ông cụ nhà tôi tuy là dân Tây học nhưng cũng rất kỹ chuyện cúng bái. Cụ cũng vận áo dài, khăn đóng, thực hiện các nghi lễ chu đáo.

Ở Sài Gòn thì không mổ heo bò như ở quê. Nhưng bà má tổ chức để các cô, các thím xuống làm bánh cúng ông bà. Cũng đủ thứ bánh: bánh tét, bánh ổ, bánh tổ… Vì ông cụ là trưởng nên các hội nhỏ cũng làm kỉnh, tức mang bánh trái, đồ Tết đến cúng tại nhà tôi.

Cúng xong, ông cụ cùng bà má tiếp khách. Sau khi đi học bên Pháp, bên Mỹ về năm 1954, tôi đã lập gia đình và ở riêng nhưng Tết vẫn về nhà cha mẹ.

3. Tết một mình của trưởng nam họ Bùi Kiến

Tôi giờ ở một mình nên không làm lễ cúng lớn. Việc cúng bái ông bà giao lại cho người em ở Hội An. Ở đó có nhiều phương tiện hơn để lo các nghi lễ như vậy.

Lễ chính là ở Quảng Nam, nhưng ở đây, tôi cũng làm lễ cúng rước ông bà, cúng ông Táo, cúng giao thừa. Trong nhà cũng giăng đèn kết hoa, có cành đào, cây quất, bánh chưng chay.

Cứ qua giao thừa, tôi xuất hành ra chùa Trấn Quốc, sau đó, qua đền Quán Thánh. Mồng Một Tết đi Văn Miếu, cầu chúc cho “Quốc thái, Dân an”, ngoài ra không đi đâu.

Khi kể về những ngày Tết ở nhà ông nội, khuôn mặt chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành tươi lên, ông cười rất nhiều, đôi lúc lại thốt lên “Trời ơi, vui lắm” như một đứa trẻ con mặc dù năm nay ông đã đến tuổi bát tuần. Về những cái Tết sau, ông trở lại điềm đạm và thường nói "Tết cũng bình thường thôi, không có gì đặc biệt..."

Xin nói thêm ở đây để bạn đọc cùng rõ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

(Bee.net.vn)

“Kẻ sĩ” Bùi Kiến Thành đã không dám nhận chân sự thật, ngày Tết ông đi Văn Miếu để mơ “giữ vững phẩm tiết để khỏi nhơ danh khoa bảng” chăng? “Quốc làm gì có thái? Dân làm sao được an?” ông phải đi cầu xin vì đã tiếp tay cho “bậc minh đế thánh vương” của ông đã gây ra những điều đó cho đất nước và nhân dân!

“Về những cái Tết sau” đối với Bùi Kiến Thành “cũng bình thường thôi, không có gì đặc biệt.” Không lẽ năm nào chúng nó cũng đưa ông lên sân khấu để vinh danh, nhận bằng khen, mà ngay từ lần đầu tiên đã là một trò hề trơ trẽn.

Đối với ông thì không có gì đặc biệt, nhưng đối với người dân những ngày Tết cũng đặc biệt lắm chứ: những người già phải đi bán vé số, đi nhặt rác, ông cụ 98 tuổi phải đạp xích lô để sống, trẻ thơ phải lao động giữa đêm khuya giá rét mới có cái ăn, nhóm xe ôm ở Huế ăn tất niên dưới gốc cây, ba cô công nhân Thanh Hóa ăn Tết ở Bình Dương với nồi rau muống luộc…và hàng chục, hàng trăm, hàng triệu thân phận nông dân, công nhân kể sao cho hết, trong khi “bão giá” leo thang từng ngày, mà ông là chuyên gia về kinh tế! Trong khi cán bộ đảng viên ăn tết với cây kiểng hàng triệu đô la? “Sau máy bay, du thuyền đại gia chơi hổ báo!” (VNnet 3/2/2011)

Chắc chắn không phải do ông Bùi Kiến Thành bất tài mà gây ra hậu quả cho nền kinh tế như vậy, nhưng như ông đã nói “vai trò của đảng lãnh đạo là quan trọng hơn bao giờ hết” ông nói đúng nhưng ông mù quáng cả tin vào “tài lãnh đạo anh minh của đảng” Cũng là lúc miếng vỏ chanh Bùi Kiến Thành gần đến hạn kỳ!

5/2/2011

nguyễn duy ân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn