BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhiều nhà bất đống chính kiến bị bắt giam không được xét xử

29 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 879)
Nhiều nhà bất đống chính kiến bị bắt giam không được xét xử
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Nghị định 31/CP cho phép cơ quan điều tra được giam ngừơi tới 2 năm mà không cần đưa ra toà xét xử đã chính thức được bãi bỏ từ tháng 3 năm nay.

Thế nhưng, dư luận trong và ngoài nước hiện rất bức xúc về các trường hợp bị tạm giam vô thời hạn của các nhà bất đồng chính kíên, điển hình như trường hợp của Trương Quốc Huy, Phạm Bá Hải, hay Nguyễn Ngọc Quang…

Tính tới nay, những ngừơi này đã bị bắt giữ hơn 1 năm và nhận lệnh gia hạn tạm giam nhiều lần, dù không có một án lệnh chính thức nào.

Vậy chúng ta nên hiểu thế nào về việc bãi bỏ nghị định 31 và những gì đang diễn ra trong thực tế tại Việt Nam? Pháp luật Việt Nam quy định thời hạn tạm giam để điều tra tối đa là bao lâu?

Trà Mi liên lạc với luật sư Trần Lâm, ngừơi nhiều năm công tác trong ngành pháp lý tại Việt Nam. Ông từng là Thẩm phán Tòa Án Nhân dân Tối cao và cũng là người tham gia bào chữa nhiều vụ án chính trị trong nước.

Nghị định 31/CP vẫn còn hiệu lực?

Về quy định đối với thời gian tạm giam, luật sư Lâm cho biết:

Tải xuống để nghe


LS Trần Lâm: Về vấn đề tạm giam, có thí dụ như thế này. Thí dụ bây giờ quy định là 4 tháng, nhưng nếu 4 tháng mà chưa làm xong thì anh công an điều tra lại đề nghị Viện Kiểm Sát cho phép tạm giam thêm 4 tháng nữa, tuỳ theo tội nặng hay nhẹ.

Trà Mi: Trong quá trình điều tra thôi thì làm sao biết tội nặng hay nhẹ, thưa luật sư?

LS Trần Lâm: Có biết chứ. Với dữ liệu người ta có thì người ta nắm được, người tá ước lượng có những vụ đúng là có tội đấy, bắt như thế là đúng đấy, nhưng điều tra ra thì lâu lắm. Ở đây có mấy mức cơ.

Trà Mi: Luật sư nói là có thể kéo dài để phục vụ quá trình điều tra, nhưng thời hạn kéo dài cũng phải có mức độ tối đa là bao nhiêu chứ, không lẽ không có đầy đủ luận cứ để ghép tội người ta mà cứ giam hoài từ năm này sang năm khác?

LS Trần Lâm: Vâng, cô hỏi như thế là rất đúng đấy. Vì tư pháp phải theo luật chứ không phải thích làm như thế nào thì làm đâu.

Đúng như cô nói, việc đó là vi phạm pháp luật thật. Ở các nước phải nhận như thế này là trình độ họ cao, phương tiện của họ nhiều hơn, trách nhiệm của họ, nghiệp vụ của họ, kỹ năng của họ, kỹ thuật của họ, nghề nghiệp của họ thì thành thạo hơn. Chứ còn ở mình thì phải nhìn nhận rằng trình độ cơ quan điều tra của mình thấp hơn cho nên có kéo dài.

Bắt tạm giam vô thời hạn?


Trà Mi: Ý luật sư muốn nói là pháp luật Việt Nam không có quy định rõ ràng về mức thời hạn tối đa đựơc phép áp dụng để tạm giam phục vụ quá trình điều tra hay sao?

LS Trần Lâm: Cô hỏi như thế nghe thì nó đúng luật đấy, không thể kéo dài vô hạn được. Một mặt là cơ quan tố tụng không trong sáng, nó không công bằng, nó không liêm khiết, cho nên nó kéo dài ra. Đấy là tình hình có thật.

Tình hình thứ hai nữa là có lắm người can thiệp vào vụ án làm cho nó nhão nhoét ra, rất là mất thì giờ. Cái đó có. Tôi thấy mặt trái là có cô ạ. Anh nào làm điều tra nếu mà cái việc đó giản đơn mà anh ta kéo dài là anh có khuyết điểm đấy.

Trà Mi: Thế những khuyết điểm đó có biện pháp xử lý nào để tránh trường hợp gây oan sai cho nạn nhân không ạ?

LS Trần Lâm: Cái đó có chứ, nhưng mà bây giờ tôi cũng thừa nhận với cô là mình thi hành không chặt chẽ lắm. Nhưng mà nguyên tắc là có cô ạ. Có vụ án rất giản dị mà rồi không làm nổi bởi vì thiếu chứng cứ.

Trà Mi: Nếu như không tìm ra chứng cứ trong quá trình điều tra thì phải trả tự do cho người ta chứ?

LS Trần Lâm: Vâng, phải trả tự do. Bình thường việc đó kéo dài 3 kỳ thôi chứ không thể kéo dài vô hạn. Bây giờ có nhiều cái bí lắm, không làm nổi, nhưng mà thấy rằng có dấu hiệu phạm tội cho nên không thể bỏ được, cái đó là có.

Pháp luật có được tôn trọng?


Trà Mi: Nhưng mà pháp luật Việt Nam phải có cái gì để bảo vệ quyền lợi của người mà nếu như không phạm tội thì người ta cũng không bị sự oan ức quá đáng.

LS Trần Lâm: Nếu bây giờ họ cho rằng từ nay trong điều tra, người luật sư được tham gia, thì việc này sẽ được ngăn chận ngay. Theo luật của các nước thì sau khi bị bắt bao nhiêu tiếng đồng hồ thì luật sư có thể gặp người bị cáo và ông công an làm việc gì với người bị bắt thì luật sư cũng được ngồi đấy, nghĩa là làm cái gì cũng có luật sư, thì cái việc đó được ngăn cô ạ. Không thể kéo dài, bởi kéo dài thì luật sư can thiệp thì anh điều tra phải thôi.

Tôi đồng ý với cô là ta vẫn còn kém chỗ đó. Vì thế cho nên người lười biếng có thể kéo dài; người tiêu cực -tức là muốn tiền nong đó- thì kéo dài, hoặc người quá kém cỏi thì nó cũng kéo dài. Vừa rồi ông thượng tướng công an bảo rằng cứ đi điều tra chỗ nào thì cái ông to ở đấy lại ngăn lại. Tôi đồng ý là các tiêu cực ấy là có.

Trà Mi: Xin được hỏi thăm ý kiến của ông -là một người chuyên môn đã hành nghề lâu năm- theo ông thì vì sao Việt Nam lại có một sự khác biệt với quốc tế như vậy? Vì sao ở Việt Nam lại không cho phép luật sư tham gia trong quá trình điều tra?

LS Trần Lâm: Nói thật là chúng ta lạc hậu hơn cũng có. Cơ quan công quyền vi phạm pháp luật, tức là thi hành pháp luật không đầy đủ.

Trà Mi: Như ông nói ngay chính cơ quan công quyền cũng vi phạm pháp luật.

LS Trần Lâm: Cái đó là vi phạm nhiều chứ. Mình không dám nói ra đó thôi chứ vi phạm nhiều lắm, như đánh người ta, ép người ta phải nói theo ý mình.

Nhốt người chỉ vì yếu kém của cơ quan điều tra?


Trà Mi: Thưa ông, trước thực tế pháp luật Việt Nam chưa mấy bảo vệ quyền lợi của công dân mà chỉ có vẻ bảo vệ cơ quan hành pháp, thì những nạn nhân đang bị tạm giam đó hoàn toàn vô tội vậy họ làm sao để tự bảo vệ mình, tránh tình trạng bị tạm giam oan ức một cách quá lâu như vậy?

LS Trần Lâm: Ta có câu “con khóc mẹ mới cho bú”, thế thì người dân nếu dân trí cao trong một xã hội văn minh hơn thì tự nhiên là nó tốt đẹp. Chứ bây giờ anh bị tội cũng dân trí thấp, anh cầm quyền cũng dân trí thấp, trình độ thấp, thế thì làm sao tìm ra chân lý được.

Chúng tôi cũng đã xử nhiều rồi, nhiều khi khổ vô cùng. Cô thông cảm cho mặt bằng dân trí của xã hội mà đã thấp thì có nhiều cái phiền hà lắm, giới cầm quyền dễ vi phạm cô ạ.

Trà Mi: Điều đó có thể thông cảm được, nhưng các nạn nhân bị oan sai thì không biết ai thông cảm cho những nỗi thống khổ của họ, phải không thưa ông?

LS Trần Lâm: Cái oan của xã hội thì nó vẫn có, phải thông cảm. Theo ý tôi, bây giờ ngưòi ta đang cố gắng thay đổi đấy. Thí dụ như Chủ Tịch Nước hôm kia họp với Toà Án Tối Cao thì ông đã nói rằng từ nay không ai được can thiệp vào toà án cơ mà. Như thế tức là từ trước người ta can thiệp vào toà án ghê lắm.

Thực chất của việc hủy bỏ Nghị định 31/CP


Trà Mi: Xin được hỏi thăm ông là Nghị Định 31/CP về vấn đề cho phép giam giữ trong quá trình điều tra lên tới 2 năm thì Việt Nam đã bỏ nghị định này rồi, nhưng mà thực tế cho thấy là những nhà bất đồng chính kiến họ đã bị tạm giam để điều tra tới lui đã hơn một năm, thế thì việc bỏ Nghị Định 31/CP với thực tế đang diễn ra như vậy có gì gọi là thay dổi không, thưa ông?

LS Trần Lâm: Bây giờ người ta cũng đang tranh luận cái điểm đó. Chúng tôi cho rằng có tiến bộ nhưng chưa triệt để, tức là bỏ Nghị Định 31/CP nhưng mà vấn đề này lại được đưa vào một luật khác, tức là cũng tương tự như thế thôi. Xin cô thông cảm cho chuyện ấy. Chuyện ấy mình phải chấp nhận thôi.

Trà Mi: Với những trường hợp như vậy, ông có ý kiến gì hay lời khuyên gì đối với các nạn nhân không, thưa ông?

LS Trần Lâm: Trong tình hình hiện nay ở Việt Nam thì bây giờ có thể làm việc này. Bây giờ phải đi mời luật sư can thiệp. Nếu người luật sư thấy cơ quan điều tra kéo dài một cách vô lý thì người ta phải kêu ầm ỉ lên để cơ quan điều tra phải tiến hành. Nhưng mà khổ lắm cô ơi, ở Việt Nam thì cô phải thông cảm cho.

Nhiều khi người ta cũng cản trở cả luật sư cơ. Tôi phải thừa nhận với cô là nhiều người bây giờ khổ như thê này là họ mời luật sư rồi đó, rồi họ bỏ tiền ra đưa vấn đề ra cho báo chí để tờ báo lên tiếng, rồi nhờ hiệp hội can thiệp.

Trà Mi: Nhưng đối với những trường hợp người bị bắt là các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những người bất đồng chính kiến đó thưa ông thì không biết họ đưa ra những hiệp hội như thế nào? Chính các luật sư là những người am hiểu luật pháp khi được mời can thiệp những vụ việc như vậy thì họ cũng còn ngần ngại huống chi các hiệp hội hay nguồn ủng hộ động viên bên ngoài, thưa ông?

LS Trần Lâm: Khi kéo dài như thế họ phải dùng đủ thứ áp lực để làm cho việc ấy phải rõ ràng. Các vụ chính trị không phải phức tạp về chứng cứ, nhưng các vụ chính trị lại đặt ra tình huống chính trị của đất nước.

Thí dụ như thế này nhé. Ông Dũng đi sang bên Mỹ, bây giờ có vụ án này thì người ta ngồi lại nguời ta bàn là xử trước hay xử sau, xử bây giờ có đúng với thời điểm chính trị không.

Nếu cô hỏi về các vụ chính trị thì vụ chính trị đó lại đẻ ra cái việc lòng vòng nhất là vào thời điểm ấy đưa cái việc ấy ra thì có lợi hay không có lợi, rất là lôi thôi cô ạ. Tôi là người cũng đã làm khá nhiều vụ chính trị, tôi thấy nó bị ràng buộc bởỉ thời điểm.

Trà Mi: Nếu như ông nói bị ràng buộc về thời điểm thì những người đang bị tạm giam hơn một năm rồi không lẽ bị ràng buộc từ năm này sang năm khác, như vậy chẳng khác nào một bản án vô thời hạn đối với họ, thưa ông?

LS Trần Lâm: Họ còn giam giữ như thế thì họ cũng phải ước lượng, chẳng hạn có bắt mà đã 2 năm thì người ta cũng ước lượng cái tội mà người ta sẽ xử phải đến 4 năm.

Trà Mi: Trong thực tế cũng có nhiều trường hợp mà qua trình bị tạm giam dài hơn bản án cuối cùng, theo kinh nghiệm làm việc của ông thì những người đó phải được đền bù như thế nào?

LS Trần Lâm: Chuyện đền bù thì bây giờ tôi lại không có luật đầy đủ lắm, cãi nhau lôi thôi lắm cô ạ.

Điều 88 Bộ Luật Hình Sự


Trà Mi: Những người đang bị tạm giam -tức là những người bất đồng chính kiến mà tôi đang dề cập ở đây- phần lớn họ bị cáo buộc vào tội vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự mà chính Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam hiện nay cũng vừa lên tiếng là sẽ vận động nhà cầm quyền Việt Nam bỏ điều 88 đó. Là một người trong nghề luật pháp lâu năm thì ý kiến của ông, quan điểm của ông ra sao?

LS Trần Lâm: Trước kia tôi cũng có làm nhiều vụ đó và hiện nay tôi có hai vụ về cái vụ 88 đó cô. Bây giờ người ta đang đòi bỏ điều 88 ấy đi. Quốc tế nói như thế nhưng tôi tin là trong nước khó có thể bỏ được. Nhưng sự can thiệp đó cũng làm cho những người xử cảm thấy phải gượng nhẹ với cái tội này. Chứ cái tội này mà làm mạnh quá thì không được, bởi trên thế giới nguời ta nói rằng cái đó là chính kiến của người ta, người ta chỉ trình bày mà thôi, người ta có thể ủng hộ cái này, ủng hộ cái kia.

Ở các nước không có chuyện đó mà chỉ ở mình có cái tội đó. Đúng là người ta cũng đang bàn cái chuyện đấy đấy. Nhưng mà tôi thấy ở Việt Nam họ chưa bỏ đâu, và cũng không hy vọng gì họ bỏ cả đâu. Nhưng một hai điểm có thể bỏ được, tức là trong một tội có 4-5 điểm cấu thành cái tội đó thì có thể bỏ được. Chẳng hạn trong tội 88 ấy có cái tội tàng trữ. Bây giờ trên computer của mình lưu trữ tài liệu mà bảo cái đó là tội thì không được đâu.

Trà Mi: Thưa ông, Việt Nam đang muốn thu hẹp khoảng cách với thế giới về nhiều mặt nhưng về mặt luật pháp thì…

LS Trần Lâm: Về kinh tế, bây giờ Việt Nam mở rộng theo thế giới. Nhưng về chính trị, về pháp lý là chưa mở rộng. Cô nói câu dấy là rất đúng. Bây giờ người ta không dám công khai nói rằng chúng ta cương quyết thực hiện tam quyền phân lập, người ta còn lập lờ cái chỗ đó.

Ở các nước, các đảng phái không có quyền can thiệp vào các vụ án, nhưng ở Việt Nam nguời ta nói chỉ có một đảng lãnh đạo thôi nên cái gì đảng cũng can thiệp vào. Cái chỗ đó Việt Nam hiện nay đang tranh cãi đấy cô ạ. Như thế kinh tế của anh hoà nhập, nhưng chính trị và đặc biệt là pháp lý thì anh chưa hoà nhập.

Cô nói như thế thì ai cũng phải chịu cô chứ không thể cãi được. Trình độ dân trí, trình độ pháp lý của mình, trình độ dân chủ của mình đã là như thế thì cũng đành như thế thôi chứ không thể nào khác được. Nhà nước mình nó như thế thì mình phải chịu như thế thôi. Nếu bây giờ mình đòi cũng giống như các nước, cũng bằng như các nước thì mình đòi hơi quá. Đứng về thực tiễn, đứng về cuộc sống mình cũng phải hiểu, tức là Việt Nam và thế giới không như là nguyên tắc trên giấy tờ đâu.

Phải sống chung với những nghịch lý


Trà Mi: Ý ông có nghĩa là phải chấp nhận, phải sống chung với những điều bất cập, với những cái tiêu cực, không có cách nào thay đổi?

LS Trần Lâm: Ối giời ơi! Người ta đang đòi thay đổi đấy chứ. Thế giới người ta cũng đang ép Việt Nam mình phải thay đổi về chính trị, phải thay đổi về pháp lý, thế rồi trong nước cũng có người đòi thay đổi. Chính những người trong ngành pháp lý người ta cũng đòi thay đổi.

Trà Mi: Thưa ông, ông nói là rất nhiều yếu tố, nhiều áp lực trong sự đòi hỏi phải thay đổi mà cho tới nay vẫn đâu lại hoàn đó, vậy nguyên nhân vì sao?

LS Trần Lâm: Nếu mà nói một cách rõ ràng thì nguyên nhân là tình trạng đảng lãnh đạo. Trên thế giới người ta nói đấy là chế độ toàn trị. Toàn trị thì nó là như vậy. Tức là dân chủ bị hạn chế. Phải nói thẳng như thế thì đúng.

Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Luật Sư Trần Lâm đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Trà Mi, phóng viên đài RFA
29/09/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn