BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73323)
(Xem: 62234)
(Xem: 39423)
(Xem: 31169)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiên Hạ Sự

14 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 2620)
Thiên Hạ Sự
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
 

I. Chỗ hội "Văn Bút" không phải là chỗ "Giặt Đồ Dơ"

Ngày 30-4-1988, nhà văn chống cộng Duyên Anh bị một tên cồn đồ hạ thủ ngay trong ngày Quốc Hận. Tin trên đã làm phẫn nộ đa số người Việt ở hải ngoại.

Thiên hạ chờ đợi và ngạc nhiên không hiểu tại sao đến giờ nầy, đã hơn một tháng mà Trung Tâm Văn Bút Nam Cali vẫn chưa thấy lên tiếng dù rằng Duyên Anh là hội viên của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Thiên hạ vẫn còn nhớ trước đây khi nhà văn Hoài Điệp Tử bị đốt chết thì tức khắc các nhà văn, các nhà báo ồn ào lên tiếng, kết án nặng nề kẻ sát nhân dù thiên hạ đã nghi ngờ Hoài Điệp Tử chết vì đăng quảng cáo chuyển tiền về Việt Nam, làm lợi cho kẻ thù. Báo chí thi đua viết về Hoài Điệp Tử: "Hoài Điệp Tử, 28 Năm Trút Xong Nghiệp Dĩ" của Lâm Tường Dũ, "Văn tế Hoài Điệp Tử" của Nguyễn Tất Nhiên. Và trong mục Tạp Ghi của báo Người Việt thì Mấy Tình Cờ Tầm Lặng của Phạm Quốc Bảo. Bài Tạp Ghi viết rất hay. Chỉ cần một bài Tạp Ghi này Phạm Quốc Bảo dư sức qua cầu để tiến tới một vị trí trang trọng trong văn đàn hải ngoại. Trong bài Tạp Ghi có một câu rất kêu: "Tuần báo Mai sẽ vĩnh viễn chết trong vinh quang"? Nghe hay lắm. "rằng hay thì thật là hay. Nghe ra chua xót, mỉa mai thế nào". Chúng tôi không muốn đào lại một mồ ma, nói về một người đã nằm yên dưới lòng đất lạnh, nhưng thật tình thiên hạ không hiểu tờ báo Mai vinh quang ở cái khổ nào? Khi sống tờ báo Mai cũng chẳng có gì là vinh quang vì nó trông gần giống tập giấy quảng cáo. Trong đó có khoảng 10% bài vở mà hầu hết chỉ viết về cuộc đời ái tình và sự nghiệp của các tài tử tuồng Tây, tuồng Tàu. Còn lại 90% là quảng cáo mà trong đó lại có quảng cáo chuyển tiền về Việt Nam, tiếp thêm công lực cho kẻ thù. Vinh quang ở cái khổ nào? Than ôi! Thiên hạ loạn cả rồi hay sao?

Và cho đến bây giờ, Duyên Anh, một nhà văn chống cộng, bị hành hung. Bạo lực đã giáng xuống người cầm bút chống cộng này thì giới cầm bút lại im hơi lặng tiếng và Trung Tâm Văn Bút Nam Cali cũng phớt lờ. Thiên hạ thắc mắc nhìn nhau mà tự hỏi: "Răng mà họa rứa?"

Cũng nên nhắc sơ lược sự hình thành của Trung Tâm Văn Bút Nam Cali. Phiên họp được tổ chức vào ngày 6-3-1988. Mở đầu buổi họp không khí có vẻ rất cởi mở cho đến lúc nữ ký giả Diễm Chi đặt câu hỏi: " Tại sao đã có một hội Văn Bút Việt Nam tại Hoa Kỳ nay lại lập thêm Văn Bút Nam Cali nữa?".

Chỉ có thế mà nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh kên xì-po, phun châu nhả ngọc:"Đây không phải là chỗ cô giặt đồ dơ". Nhất trí thôi! Chỗ hội "Văn Bút" làm sao có thể là chỗ "giặt đồ dơ" được! Thế xin hỏi nhỏ chị Diễm Chi là chị có đem theo đồ dơ khi đi họp không mà để cho chị Minh Đức Hoài Trinh phải treo bảng "Not allowed to wash dirty cloth here!"? Nữ sĩ Minh Đức bào chữa: "Chỗ giặt đồ dơ cũng chẳng có gì là dơ vì ông tây bà đầm nói giặt đồ dơ là "la vê lơ lanh sa-lờ". Xe tú! Chỉ có thế! Có gì đâu dơ?

Chữ "le linge sale" của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã khiến thiên hạ nghĩ đến câu tục ngữ Pháp: "Il fault laver son linge sale en famille" Có nghĩa là việc trong nhà đóng cửa bao nhau hoặc "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại". Chuyện xấu xa mà lại cho nổ tùm lum trên mặt báo khiến bàn dân thiên hạ có nhiều thằng xấu miệng lại cứ khơi khơi gọi cái trung tâm này là Trung Tâm Giặt Đồ Dơ. Đứa nào mà gọi như thế nó không sợ mú mồm à!

II. Một con ngựa đau.

Trở lại chuyện nhà văn chống cộng Duyên Anh bị hành hung ngay ngày Quốc Hận thì Trung Tâm Văn Bút nam Cali lại áp dụng câu: "Im lặng là vàng". Ông chủ nhiệm Ngày Nay gọi điện thoại yêu cầu ông Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút lên tiếng về việc bạo hành đối với người cầm bút thì ông Chủ tịch trả lời là: "Ban Chấp Hành Trung Tâm không chịu lên tiếng vì chưa biết rõ nguyên nhân nào nhà văn chống cộng Duyên Anh bị hành hung". Úi mẹ ơi! Nghe mà muốn nổ lỗ tai. Tại sao lại cần phải rõ nguyên nhân mới lên tiếng. Tại sao lại không thể lên tiếng phản đối hành động côn đồ, dã man, thú vật, đê hèn nhắm vào người cầm bút. Lúc nhà văn Hoài Điệp Tử chết, "các ông nhà văn, nhà báo chống cộng" đã lên tiếng ngay. Có phải các ông nhà văn nhà báo nầy đã rõ cái nguyên nhân cao quý là "đăng quảng cáo chuyển tiền về Việt Nam của Hoài Điệp Tử nên quý vị lên tiếng ngay chăng?" Than ôi! Cuộc đời lắm sự lạ lùng. Nghe ra lại muốn nổi khùng như chơi.

Sự việc không lên tiếng của Trung Tâm Văn Bút Nam Cali, nghe qua thì lạ tai đối với những người chưa biết chuyện nhưng lại không lạ chút nào đối với những người biết chuyện. Lý do rất giản dị là Duyên Anh có quá nhiều ân oán giang hồ với giới cầm bút. Trong hồi ký Nhà Tù, Duyên Anh đã mó dế nhiều vị. Tác giả Ngọn Hải Đăng Mù bị Duyên Anh cho mù luôn. Người Đi Trên Mây cũng bị Duyên Anh kéo xuống bắt phải đi trên bùn. Ộng nhà văn kiêm thợ vẽ cũng bị hỏi thăm sức khỏe. Dám chọc giận những vị tên tuổi thì sức mấy mà quý vị ấy lên tiếng cho. Thiên hạ bé cái lầm ở chỗ Trung Tâm Văn Bút lập ra đâu phải để bênh vực cho tất cả những người cầm bút mà chỉ lên tiếng bênh vực các cây viết bồ bịch với mình thôi. Ông chủ nhiệm Ngày Nay và các thân hữu Duyên Anh đừng tưởng bở. Trung Tâm Văn Bút đâu có nghĩa vụ lên án bạo lực ở những nơi gần trụ sở, ngu sao, lỡ bạo lực nó điếc không sợ súng thì bỏ bu. Người ta lên tiếng để đấu tranh chống bạo lực ở mãi tận bên Nga, bên Tầu, bên Công-Gô, hay ít ra là đít-tăng cũng nửa vòng trái đất, lên tiếng như thế là ăn chắc!

Nhiều người trách Duyên Anh, tại sao trong Hồi Ký Nhà Tù, một tác phẩm văn chương lại kể chi cái xấu của người khác trong đó như một hình thức trả đũa. Người khác thì lại bảo: "Nhờ có Duyên Anh, thiên hạ mới rõ mặt những tên lộn sòng".

Trong mục Phiếm Dị của Sài Gòn Nhỏ, Đào Nương viết rất dí dỏm, rất dễ thương về phiên họp của Trung Tâm Văn Bút Nam Cali. Đoạn chót có câu: "... vì tinh thần kém hiểu biết về văn hóa, nhà báo nhỏ Đào Nương không dám đi phó hội. Chỉ tại nỗi lo sợ viễn vông, sợ mình lại bầu lộn một ông... nằm vùng vào chức Chủ Tịch thì vỡ nợ". Đọc câu này ta chịu lắm và đâm ra ái mộ Đào Nương. Đào cô nương ơi! Ta với nàng tuy chưa từng gặp mặt nhưng ta rất ái mộ nàng và đồng ý với nàng "chăm phần chăm" về bài phiếm dị đó. Muốn tưởng tượnt ra vóc dáng của nàng, ta nhìn tấm hình vẽ ở mục phiếm dị thì thấy nàng to như voi và miệng cười rộng đến mang tai, ta cũng phát ớn. Nhưng người đẹp là ở tâm hồn. Có phải vậy không Đào Nương? Ta cũng có cái lo sợ y chang như nàng. Nếu chức Chủ Tịch lọt vào tay nhà văn từng nằm vùng ở báo Tin Sáng hoặc ông nhà văn ngôn rằng: 'Lính Việt Nam Cộng Hòa cắt tai người làm dây chuyền đeo cổ hoặc Tiểu Khu của Việt Nam Cộng Hòa là chỗ chuyên bàn chuyện giết người" thì vỡ nợ thiệt chứ chẳng chơi.

Người Việt tỵ nạn có thói quen là khi trong cộng đồng Việt có việc xấu xa xảy ra thì trút mọi tội lỗi lên đầu Việt Cộng khiến những thằng hèn hạ ném đá giấu tay khoái tỉ.

Chuyện Duyên Anh làm ăng-ten thực ra chỉ là một tin đồn mà tin đồn này càng ngày càng lớn ra đều do tay những kẻ thù của chính Duyên Anh cố ý làm ra để trả thù.

Chính ta, ta cũng không biết Duyên Anh có làm ăng-ten không. Nhưng trong một đôi lần có dịp uống rượu với một cựu Đại Tá, Tham Mưu Trưởng sư đoàn 23, L.V.P., ông nầy nói: "Trong tù không nghe nói Duyên Anh làm ăng-ten nhưng T.T. (nhà văn kiêm thợ vẽ) làm ăng-ten thì rất nhiều người biết". Ta đưa tay chỉ trời, chỉ đất mà thề rằng ta không hề bịa nhưng xin nhấn mạnh: "Đó cũng chỉ là một tin đồn".

Duyên Anh là một nhà văn chống cộng, chống cộng một cách kiên cường và mãnh liệt. Đối với cộng sản, Duyên Anh là một kẻ thù nguy hiểm. Muốn cho Duyên Anh mang tiếng làm ăng-ten, thật là một chuyện dễ dàng đối với chúng. Tại sao chúng ta không nghĩ là kẻ thù muốn mượn tay người quốc gia để loại Duyên Anh, kẻ thù muốn hủy diệt óc sáng tạo của Duyên Anh. Nếu đúng như vậy thì thật là một thiệt hại lớn lao chi hàng ngũ chống cộng chân chính.

Bây giờ Duyên Anh đang nằm trong bịnh viện. May mà anh không chết. Ta hiểu rằng những vết thương trên cơ thể không làm Duyên Anh đau đớn bằng vết thương trong tâm hồn anh. Vì vết thương nầy do chính những thằng bẩn thỉu lộn sòng trong hàng ngũ quốc gia gây ra cho anh để những người cùng chiến tuyến với anh phải ngộ nhận anh.

Bạo lực vừa giáng xuống cho một người cầm bút chống cộng. Thế mà hơn một tháng nay Trung Tâm Văn Bút Nam Cali vẫn chưa lên tiếng. Cũng rất có thể nhiều người trong giới cầm bút có ân oán giang hồ với Duyên Anhđang hả hê toét miệng ra cười. Tinh thần cầm bút trong giới cầm bút khiến ta chợt nghĩ đến câu: "Một con ngựa đau, cả tàu... ăn cỏ như điên".

Công Tử Bạc Liêu
Tạp chí Ngày Nay - tháng 6&7/1988
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn