BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quốc hội 2007 : Cuộc du nhập đầy khó khăn

14 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 788)
Quốc hội 2007 : Cuộc du nhập đầy khó khăn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
1. Nguồn gốc của một thể chế chính trị:

Ở phương tây, nền sản xuất công nghiệp ra đời cùng lúc với sự hình thành giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Giai cấp phong kiến kìm hãm sự phát triển. Giai cấp tư sản lôi kéo các giai cấp khác, làm cuộc cách mạng dân chủ tư sản, tiêu diệt giai cấp phong kiến.

Các giai cấp chiến thắng cử đại diện thành lập Quốc hội lập hiến, Quốc hội lập hiến làm ra hiến pháp. Người ta gọi hiến pháp là “khế ước xã hội”. Ở đó các giai tầng cam kết cùng nhau xây dựng chế độ mới, với các thể chế chính trị, các nguyên tắc quản lý xã hội cùng quyền lợi và nghĩa vụ công dân…Đã gọi là khế ước thì bản thân nó đã là “đa nguyên”.

Trên cơ sở hiến pháp, các giai tầng, đại diện là các đảng phái, cử ra các đại biểu, tiến hành tranh cử để lập ra Nghị viện. Nghị viện là tượng trưng cho quyền lực. Quyền lực chia sẻ và đấu tranh giành giật giữa các đảng phái, có đảng thuộc phe đa số cầm quyền và phe thiểu số đối lập, phản biện…Nghị viện với nhiệm vụ chủ yếu là chống sự lạm quyền của phe đa số cầm quyền. Đấu tranh, hợp tác, giám sát, ngăn chặn…thế thì nó tất yếu là “đa nguyên”.

Chế độ tư bản với nền chính trị đa nguyên đã làm thay đổi thế giới- Nghị viện, đảng phái, sinh hoạt dân chủ thành cái nếp ở Âu, Mỹ, phần rộng lớn và văn minh, giàu có nhất thế giới. Sau hơn 200 năm, chủ nghĩa xã hội ra đời, lại từ các nước thuộc địa và phong kiến. Các nước xã hội chủ nghĩa không thể không chấp nhận các hình thức chính trị như hiến pháp, quốc hội, nghị viện, mà ở các nước Âu, Mỹ đã tỏ ra thành công rực rỡ không thể chối cãi. Cuộc du nhập khởi đầu là như vậy.

2. Hệ luỵ của một cuộc du nhập:

Không xét rộng ngoài Việt Nam và ta hãy tạm đưa ra kết luận trước khi phân tách.
Ta đã chấp nhận một hình thức chính trị: Hiến pháp và Quốc hội đa nguyên trong khi thực chất chế độ của ta là toàn trị. Ta cứ cố gắng gán ghép hình thức đa nguyên cho cái cốt lõi toàn trị. Thành ra: “đầu Ngô, mình Sở”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Càng tuyên truyền cho Quốc hội bao nhiêu thì mọi người lại gán cho ta cái sai phạm “lộng giả thành chân”.

Dẫn chứng là: Hiến pháp thì đầy mầu sắc Âu, Mỹ, công dân được tôn vinh ngất trời, nhưng điều 4 coi như xoá sạch. Quốc hội thì đề cao là có quyền lực cao nhất, lá phiếu cử
tri như lá bùa của dân chủ nhưng “xoẹt một cái” bầu chính phủ chỉ được bầu cho một ứng cử viên duy nhất do Bộ chính trị giới thiệu, thật còn nặng nề hơn nhiều so với cái mà mọi người ca cẩm “đảng cử, dân bầu”.

Cái nguyên nhân của sự nhọc nhằn là trộn nước với lửa, trộn cái “đa nguyên, đa đảng” với cái “toàn trị, độc đảng”.

Thực tiễn đã chứng minh rõ ràng:

Trong việc bầu cử Quốc hội năm 2007, rộ lên bao nhiêu đòi hỏi, có lúc đến mức thẳng thừng: phản đối gay gắt vì không có chỗ cho ứng cử viên tự do; đòi hỏi số lượng này không hạn chế, đòi số lượng đảng viên trong Quốc hội chỉ nên trên 50%, đòi với đại biểu Quốc hội phải chuyên nghiệp, thậm chí phải có điều kiện của chính khách… Không thừa nhận việc hiệp thương là phù hợp luật…

Mặt trận tổ quốc, cánh tay phải của cuộc bầu cử thì lúng túng về việc kê khai tài sản của các ứng viên, loay hoay về cơ cấu… Mà xét cho cùng thì Mặt trận đang dàn dựng một Quốc hội với cái hình hài của bản thân mình: Khối đoàn kết toàn dân trong khi Quốc hội là đấu trường chính trị, nơi các đảng phái tranh quyền…

Hình như Đảng ta chưa thấy được nguy cơ: muốn Quốc hội thật đẹp thì phải thu hút mọi tinh hoa dân tộc… những người có tài, có trí thường là người có lòng tự trọng cao, không khi nào họ bó gối chịu làm “nghị gật”. Bao nhiêu năm qua, tình thế o ép, nay đã đổi khác, dân trí nâng cao, hoà nhập Quốc tế rộng rãi… Nếu họ không có thực quyền thì ai bảo họ không phản ứng gay gắt. Năm 2006, có người đã cho là có “nổi loạn” trong Đảng, trong Quốc hội… Ta cứ muốn làm nhanh, làm cho xong, làm đúng luật, hiểu là đúng theo ý của lãnh đạo chủ chốt. Nêu lên nguy cơ này, không phải là một suy nghĩ xốc nổi, hay là có ác ý mà chỉ nhằm muốn nói lên một sự thật.

Xét về tính chất các đòi hỏi, những lúng túng và bất cập nói trên phản ánh một xu thế chung: muốn mở rộng dân chủ, muốn nhân dân có vai trò thực sự, muốn có một Quốc hội “đích thực”.

Tất cả các ý kiến trên toát lên một hướng đấu tranh. Xin hỏi: Khẩu hiệu của đấu tranh là gì? Phải chăng muốn cải tiến lãnh đạo, cải tiến hệ thống chính trị? Đã có khẩu hiệu đấu tranh phải có đối tượng của đấu tranh, phải chăng đối tượng rõ ràng, đích thực là sự lãnh đạo của Đảng?

Nói rằng đòi cải tiến chế độ chính trị là không ngoa, nhân dân đang đòi xét lại điều 4, đòi luật hoá điều 4, đòi có quy chế về sự lãnh đạo của Đảng, đòi tách Đảng khỏi bộ máy Nhà nước đấy thôi!

Những điều trên thấy rằng: cứ ép, cứ lướt đi, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy là một suy nghĩ sai lầm, thiếu một cái nhìn xa, nhìn rộng.

3. Những đề nghị cần được xem xét:

Nhân dân chán ngán việc “đảng cử, dân bầu”. Nếu ta cứ ép, làm nhanh, làm cho xong, hậu quả sẽ ra sao? Đảng lại một lần nữa mất điểm. Ta có đọc một cuốn tiểu thuyết về các đảng phái: đảng cầm quyền khi làm việc gì, họ đều bàn rất kỹ và cái chốt của việc bàn cãi là: dân họ có thuận không, đảng đối lập họ có chống đối không?

Việc lúng túng, tranh cãi hiện nay xuất phát từ cái gốc: ta du nhập một thể chế của đa đảng lại muốn biến hoá phù hợp với nền chính trị độc đảng. Hiện nay, cách giải quyết tốt nhất là giao cho Quốc hội một phần thực quyền, tạo ra một đối trọng.

Tại sao đảng ta lại không thể ban bố: Đảng đề xuất các việc lớn, Quốc hội bàn thảo, Quốc hội nhất trí thì thành hiện thực, Quốc hội không nhất trí thì tổ chức trưng cầu dân ý để có kết luận cuối cùng. Tại sao không thể giao cho Quốc hội công nhận và phế truất các chức danh trong bộ máy Nhà nước căn cứ đề xuất của Đảng với một danh sách nhiều ứng cử viên để Quốc hội chọn lựa… Tại sao không giao Quốc hội chủ động xây dựng các luật… Chúng ta hãy so sánh: các vị đại biểu Quốc hội được chọn lựa qua sàng lọc của Đảng, qua xem xét của nhân dân, qua tranh cãi công khai; Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội lại phải kê khai tài sản. Quốc hội là tổ chức có quyền lực tối cao mà lại không có bổng lộc, không có cái gọi là “cánh hẩu”, không có “ô dù”, không có “chia chác”… Vậy ai dám bảo là chất lượng Quốc hội XII thua kém chất lượng Ban chấp hành TW X ? Có chăng, các đại biểu Quốc hội thiếu cái gọi là “nhà mặt phố, bố làm to”.

Nhân dân theo dõi các cuộc tranh biện ở Quốc hội rất sôi nổi. Quốc hội hiện nay chưa “chính danh”, chưa có “thực quyền” nhưng có lúc đã làm chao đao các vị trong khối hành pháp.

Chia sẻ quyền lực cho Quốc hội làm sống động phong trào trong nhân dân, là cái“ phanh” hãm cái đà “bất trị” của nhiều người cầm quyền, thế có phải là cái “hích” để tăng tốc sự phát triển của đất nước không, một biện pháp củng cố Đảng, củng cố bộ máy Nhà nước, một động lực chống tham nhũng.

Tôi đã nghĩ đến sự ra đời của thể chế: quân chủ lập hiến mà nay còn tàn dư ở Anh, Hà Lan, Nhật Bản…

Tôi muốn mọi việc phải rõ ràng: Nếu Quốc hội là “trang trí” thì xin mời thêm các vị lão thành, các vị tướng lĩnh coi như khai nguồn truyền thống, khai thác kho tàng kinh nghiệm với nguyên tắc chính khách cũng như nhà thơ là không có tuổi; xin mời thêm những người có tiếng “to mồm” nhưng lòng thì “vô tư”; mời thêm các vị gọi là “không đồng chính kiến”, nhưng khi có “cái chân” trong Quốc hội thì “mềm” luôn. .. Thế có phải bó hoa thêm mầu sắc, thêm hoành tráng.

Nếu Quốc hội là con tầu đất nước vượt đại dương thì bộ máy điều hành ra sao, từng con người trong bộ máy phải như thế nào? Cho nên chọn người phù hợp với việc mới là sự lựa chọn đúng đắn.

Nếu Quốc hội có quyền lực dứt khoát đến đâu thì bao nhiêu vấn đề tốn giấy, tốn mực tự nó đã được “khai thông”. Cơ cấu là một bộ phận của cái máy chứ không phải là sự cân đối về hình khối, về mầu sắc của một bức tranh, đại biểu Quốc hội là nhà chính trị chuyên nghiệp, chính khách hay chỉ là người có kiến thức tổng hợp, hay là người có bằng cấp cao nhất… Quốc hội làm những việc gì, thành viên nó phải đáp ứng ra sao; ngoài đảng bao nhiêu %, đảng viên bao nhiêu %, người ứng cử tự do phải như thế nào, việc kê khai tài sản ra sao, vv. Chỉ cần xác định quyền lực đích thực của Quốc hội như thế nào thì các vấn đề trên tự nó được giải quyết một cách rõ ràng.

4. Hàng bao nhiêu lần bầu cử Quốc hội, người dân đi bỏ phiếu như “vô tri”, “vô giác”. Năm nay, khác hẳn: nhân dân có ý kiến sôi nổi, báo chí rầm rộ. Biết bao nhiêu đòi hỏi, bao nhiêu đề xuất, suy cho cùng toát lên một mong mỏi nhất quán: Quốc hội phải có thực quyền, Quốc hội cần là đối trọng với sự lãnh đạo của Đảng, là trợ thủ của Đảng để đồng tâm, góp sức đưa đất nước tiến lên trước vận hội mới.

Bầu cử Quốc hội như thế nào, là mối quan tâm của mọi người, nhưng Quốc hội có quyền gì, đến đâu, mới là cốt lõi của sự quan tâm.

Lòng dân như vậy, việc đặt lên bàn nghị sự của lãnh đạo tối cao câu hỏi: có thể không mở rộng dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hội này được không? Mở rộng dân chủ, mở rộng mức nào, làm như thế nào?

Đã đến lúc không thể làm ngơ trước vấn đề bao trùm đang nóng bỏng này. Liệu kéo dài thời gian chuẩn bị, đẩy lùi ngày bầu cử có phải là việc làm khôn ngoan không?

Đổi mới chính trị phù hợp với đổi mới kinh tế, không phải hô khẩu hiệu mà thực hiện khẩu hiệu: chớp lấy thời cơ, tăng tốc sự phát triển. Phải chăng là mục tiêu số 1 của toàn Đảng, toàn dân.

Luật sư Trần Lâm
14/3/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn