BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện Về Trại Davis Trong Phi Trường Tân Sơn Nhứt Thời Thi Hành Hiệp Định Paris Năm 1973

02 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 1625)
Chuyện Về Trại Davis Trong Phi Trường Tân Sơn Nhứt Thời Thi Hành Hiệp Định Paris Năm 1973
512Vote
42Vote
30Vote
20Vote
13Vote
4.217
Mỗi lần có ai nhắc về bản Hiệp Định Paris năm 1973 thì ít nhiều phải biết đến một địa danh nổi tiếng liên quan đến việc thi hành bản Hiệp Định, đó là trại Davis (người Việt đọc là Đê Vít hoặc Đa Vít). Nguyên là một trại lính Hoa Kỳ ở gần sát phía tây nam phi trường Tân Sơn Nhứt (Nhứt, không phải Nhất), phía tây giáp với phi cảng (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và nằm trong khu vực quân sự. Khởi thủy trại là nơi cư trú của Đơn vị 3 Viễn Thám (3rd Radio Research-RR) Lục Quân Hoa Kỳ. Công tác của đơn vị khi đó chỉ thuần cố vấn và trợ giúp chuyên môn cho Nha An Ninh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (chưa đổi danh xưng thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa-QLVNCH). Đơn vị 3 Viễn Thám cư trú ở đây cho đến năm 1966 thì được thay thế bởi đơn vị 509th Radio Research Group-RRG. Cuối năm 1972 đơn vị 509th RRG rút về nước, trại bị bỏ hoang. Khi Hiệp Định Paris ra đời (ký ngày 27 tháng 01 năm 1973), đại diện của bốn bên gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) và Việt Cộng (Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam) đã thỏa thuận (Khoản d trong Điều 16 Chương VI), chọn trại lính bỏ hoang kể trên là địa điểm làm việc. Lý do được chọn: Vì nằm trong phi trường Tân Sơn Nhứt (thuận tiện cho những chuyến bay chuyên chở phái đoàn đi công tác trong cự ly ngắn (bằng trực thăng) hoặc ra tận miền Bắc (bằng máy bay C130) và vì đơn giản: Đang có một trại bỏ hoang không dùng nhưng vẫn còn nhiều tiện nghi. Trại Davis là nơi làm việc của phái đoàn 4 bên và riêng 2 phái đoàn Cộng sản Bắc Việt-Việt Cộng được sắp xếp ở chung trong những dãy nhà trong khu vực của trại.

Tại sao trại này có cái tên là Davis? Báo chí trong nước thường nói đó là tên của người lính Mỹ đầu tiên bị chết tại Việt Nam. Người lính Mỹ tên Davis đó như thế nào, chết ở đâu, khi nào và trong trường hợp nào? Davis, tên đầy đủ là James Thomas Davis, người gốc Caucasian, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1936 tại Livingston tiểu bang Tennessee. Thụ huấn quân trường ở Fort Jackson, South Carolina, Davis chuyển sang học ở Fort Devens, Massachusetts nơi mà Davis hoàn tất các khóa học của trường An Ninh Lục Quân Hoa Kỳ. Tháng 5 năm 1961, Davis nhận lệnh phục vụ tại đơn vị 3 viễn thám tại miền Nam VNCH. Ngày 22 tháng 12 năm 1961, Davis lên chiếc xe nhà binh rời khỏi doanh trại đơn vị (nơi mà về sau sẽ mang tên ông) đi công tác. Davis ngồi ở cabin với tài xế, phía sau là 9 người lính miền Nam VNCH. Chuyến đi hôm đó là một công vụ viễn thám dò tìm các vị trí truyền tin liên lạc của Việt Cộng. Bằng những máy móc chuyên môn, Davis sẽ dò tìm các làn sóng truyền tin của đối phương trong vùng để từ đó lần tìm được chính xác các vị trí đóng quân của Việt Cộng. Tìm được, Davis sẽ báo cho Nha An Ninh Quân Đội biết. Nơi Davis thường đến là Đức Hòa thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. Đức Hòa trong thời gian Davis công tác là một vùng dân cư thưa thớt, nhiều chỗ còn những cánh rừng rậm. Đi và về đều đặn nên Việt Cộng tại địa phương đã biết rõ các chuyến công tác của Davis. Một cuộc phục kích đã được dàn dựng. Địa lôi được chôn giữa mặt lộ đất đỏ. Một nhóm du kích Việt Cộng (không rõ số lượng) đã phục kích dọc theo hai bên đường. Khi chiếc xe băng qua, quả mìn được kích hỏa nổ tung ở phần đuôi hất chiếc xe bay cách xa 30 bộ chỗ vừa nổ. Davis nhẩy ra khỏi cabin và tập trung các binh sĩ còn sống trong một nỗ lực đáp trả lại đối phương. Phía Việt Cộng đông hơn và, dù can đảm, sự kháng cự của Davis rất ngắn ngủi chỉ sau bốn hoặc năm loạt đạn trước khi bị một viên đạn găm vào người. Các binh sĩ miền Nam VNCH còn lại cũng chung một số phận ngắn ngủi sau đó. Nghe tiếng súng, một đơn vị Dân Vệ VNCH có mặt cách đó khoảng 1 dặm đã vội đến tiếp ứng nhưng du kích Việt Cộng đã biến mất vào các cánh rừng. Thi thể của Davis, nằm trên mặt lộ một giờ đồng hồ cho đến khi được trực thăng tải thương về lại trại.


Davis và một quân nhân miền Nam VNCH.



Davis và dụng cụ dò tìm sóng truyền tin tại một bờ ruộng.

Có phải Davis là binh sĩ Hoa Kỳ bỏ xác đầu tiên tại chiến trường Việt Nam như các nguồn tin trong nước đã loan tải? Thực ra người lính Hoa Kỳ đầu tiên chết tại Việt Nam không phải Davis mà là Richard B. Fitzgibbon Jr, một Trung Sĩ không quân. Richard B. Fitzgibbon Jr sinh ngày 21 tháng 6 năm 1920, bỏ mạng tại miền Nam Việt Nam ngày 6 tháng 8 năm 1956 trong một tai nạn. Trên bức tường đá đen khắc tên quân nhân Hoa Kỳ tử trận tại chiến trường Việt Nam (khu tưởng niệm Vietnam Veterans Memorial-thủ đô Washington Hoa Kỳ), du khách dễ dàng tìm thấy tên của James Thomas Davis (ở panel 01 E-line 4) và Richard B. Fitzgibbon Jr (ở panel 52 E-Line 21). Cho tới bây giờ, mới có 58.261 danh tính quân nhân Hoa Kỳ được nhận dạng và khắc trên bức tường đá đen.


Câu hỏi về cái tên trại Davis trên trang báo Kiến Thức Ngày Nay.



Cổng vào Davis Station (thời gian đơn vị 509th Radio Research Group đồn trú).


Ngày 10 tháng 01 năm 1962, đồng đội trong 3rd RR nhanh chóng lấy tên Davis đặt cho đơn vị và trở thành trại lính đầu tiên được đặt tên từ một chiến binh Hoa Kỳ vừa nằm xuống ở Việt Nam. Họ dựng một khu tưởng niệm Davis nho nhỏ trong trại. Nơi nầy, có cả một bảng đồng về Davis. Từ đây khu trại có tên Davis Station rồi sau đó được gọi là Davis Camp. Cuối năm 1972, Nha An Ninh Quân Đội đã bỏ trống trại Davis. Khi Hiệp Định Paris 1973 ra đời, trại Davis là nơi làm việc của phái đoàn 4 bên và là nơi cư trú của 2 phái đoàn CS Bắc Việt-Việt Cộng như đã kể trên.


Khu tưởng niệm Davis trong trại 3rd RR-Radio Research.


Tấm biển chân dung và ít dòng về Davis.


Về trại Davis, những năm gần đây ở trong nước, ta vẫn thấy thỉnh thoảng có những bài viết về những truyện liên quan. Gần đây nhất là quyển Trại Đa-Vít 823 Ngày Đêm của tập thể những sĩ quan, phóng viên thuộc 2 phái đoàn Bắc Việt và Việt Cộng kể lại những hồi ức của họ trong thời gian sống, làm việc tại trại. Phía bên miền Nam VNCH; Có lẽ, trại Davis đã gắn liền với bản Hiệp Định Paris 1973 (mà theo đó phần thua thiệt thấy rõ về phía chính quyền miền Nam VNCH trong các điều khoản và từ sự phủi tay đến buông xuôi của chính quyền Hoa Kỳ, đến sự vi phạm rõ rệt bản Hiệp Định của phía Bắc Việt-Việt Cộng cùng sự làm ngơ của cộng đồng quốc tế) là một cay đắng của chính quyền nước nhỏ miền Nam VNCH quá phụ thuộc, quá tin tưởng vào cam kết của đồng minh siêu cường quốc Hoa Kỳ... đến mất nước, phải tạm dung ở hải ngọai nên: Hầu như không thấy có một tác phẩm hay các bài viết liên quan tương tự.


Quyển Trại Đa-Vít 823 Ngày Đêm


Khởi đầu, ta hãy nghe một đoạn tả về trại Davis: " Một sự ngăn cách lớn giữa sĩ quan và binh lính của một quân đội đế quốc, cách bức nhau trong sinh hoạt và hưởng thụ. Màu sắc lính tẩy còn đây đó: Những bức tranh phụ nữ khỏa thân dán trên tủ sắt; vài bức họa sơn dầu thô kệch sặc mùi thực dân; hàng lô tập playboy tục tĩu, chuyện trinh thám giật gân, truyền đơn van xin lính Mỹ cai nghiện hê-rô-in bên những ống tiêm hê-rô-in bằng nhựa đã bóp hết thuốc vào mạch máu, và khủng khiếp hơn là những bông băng dính đầy máu và mủ ở các xó gầm tủ, thùng rác, hố rác... Một người lái xe nhắc chúng tôi: Các ông phải đốt cho kỹ, phải tẩy uế cho thật dữ các nơi rửa mặt, nhà tắm, nhà vệ sinh của bọn này kẻo lây bệnh đó. Anh em ta làm vệ sinh kịch liệt hơn một tuần lễ mới tạm sạch. Ở mỗi căn nhà đều có một biển gỗ lớn treo ở trên cửa ra vào, in những hàng chữ: Khi bị tấn công không được đứng, ngồi, đi hoảng hốt và phải bò ngay ra hầm, đội nậm lên đầu, nghe theo lệnh của trung đội trưởng. Hầm bao quanh các dãy nhà. Hầm của quan sâu hơn của lính, có kèo gỗ và vỉ sắt ở trên, đắp thêm bao cát, đất, xi măng pha cát. Hầm lính ở gần sân bóng rổ có khắc một loạt dấu hiệu phản chiến hình tròn có ba mũi súng chụm nhau. Phía trong hầm, những hàng chữ nguệch ngoạc: Đây là địa ngục, ngày thằng Đích chết ở đây: 16-5-1972 - Lạy chúa! Tôi sẽ lên thiên đàng vì tôi đã ở địa nguc này rồi!. Trại Đa-vít - nơi hai đoàn đại biểu quân sự của ta ở và làm việc trên 800 ngày đêm là như thế đó ", trích từ: Trại Đa-Vít Một Địa Danh Không thể Nào Quên của tác giả Đại Tá Cộng sản VN Tạ Hưng.

Đọc những trang hồi ức của quyển: Trại Đa-Vít 823 Ngày Đêm cũng như các trang viết trên các diễn đàn điện tử trong nước, ta thấy có những chuyện kể về " từ những đối thoại cục cằn-thô lỗ, những hành động tắt điện, cắt nước... " của chính quyền miền Nam VNCH dành cho hai phái đoàn CS Bắc Việt và Việt Cộng trong trại Đa-Vít. Ta cũng thấy cáo buộc âm mưu thảm sát trong những ngày cuối cuộc chiến khi viết: " Ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên bàn làm việc của Cao Văn Viên - Tổng Tham Mưu trưởng quân đội Ngụy, quyển lịch công tác nằm chỏng chơ trên bàn. Một trang giấy để ngỏ với những dòng viết vội bản " Chỉ thị cho cấp dưới ". Đại ý của " chỉ thị " này là được quyền sử dụng các biện pháp sau đây đối với trại Đa-vít không cần xin chỉ thị cấp trên, chỉ cần phát hiện có tiếng súng từ đó bắn sang sân bay: Dùng pháo và cối hủy diệt. Cho xe tăng và bộ binh tràn ngập. Ném bom. Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi về phía thành phố. Bản " chỉ thị " nguy hiểm này được Viên ra lệnh trước lúc trốn chạy. Lý do để hủy diệt trại Đa-vít rất mơ hồ. Kẻ thực hiện chỉ cần tạo cớ có tiếng súng sẽ thẳng tay đánh phá vào trụ sở của phái đoàn ta. Từ ngày 26 tháng 4 năm 1975, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thiếu gì tiếng súng nổ (!). Cao Văn Viên ra lệnh như vậy sẽ khuyến khích cấp dưới có thể dễ dàng thực hiện " mật lệnh " của y. Ban lãnh đạo của phái đoàn ta cũng dự kiến những tình huõng tương tự mà kẻ thù sẽ giở trò và đã có những phương án tác chiến phù hợp. Địch không kịp thực hiện bản " chỉ thị " cho cấp dưới vì bọn chúng quá hoang mang, tan rã quá nhanh chóng trước sức mạnh tiến công của các binh đoàn chủ lực ta như vũ bão vào hang ổ kẻ thù. Chúng chỉ lo trốn chạy, vơ vét của cải, cứu lấy bản thân, nên mưu đồ thâm độc kia đành bỏ dở ", trích từ bài viết: Chúng Tôi Sống Và Chiến Đấu Giữa Hang Ổ Kẻ Thù của tác giả Hà Thanh Minh.

Cho là: " Sắp xếp cho hai đoàn ta ở trại Trại Đa-vít Đa-vít, chính quyền Sài Gòn muốn cô lập, ngăn không cho ta có điều kiện tiếp xúc với người dân Sài Gòn, đồng thời dễ bề kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu điện của ta " hoặc: " Các cuộc họp của Ban Liên hợp quân sự thường diễn ra căng thẳng, thậm chí còn cãi vã nhau chẳng khác gì những " cuộc chiến " thực sự về ngoại giao. Tại đây, ta cực lực lên án các hành động vi phạm nghiêm trọng Hiệp định của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ dung túng, trước hết là vi phạm quy định ngừng bắn, như mở các cuộc hành quân bình định, lấn chiếm, ném bom vùng giải phóng sau ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực ", trích từ bài viết của tác giả thiếu tướng Cộng Sản VN Nguyễn Đôn Tự.


Cổng trại Davis thời Hiệp Định Paris năm 1973.


Phiên họp đầu tiên của phái đoàn 4 bên.
Một trong các điều khoản thi hành của bản Hiệp Định là nhận lại tù binh. Ta hãy nghe một đoạn viết: " Lại một đồng chí nữa đứng lên dõng dạc nói to: Tôi xin được nói thẳng với các vị phụ trách trại giam này rằng: Các vị đừng có gài những tên phản động trà trộn trong số trao trả về vùng giải phóng của chúng tôi. Các vị cố tình gài thì chúng tôi sẽ xử trí ngay trước khi xuống đất vùng giải phóng của cách mạng ", trích từ bài viết; Một Cuộc Đấu Tranh Ở Nhà Lao Tam Hiệp của tác giả Nguyễn Văn Khả tức Đại Tá Cộng Sản VN Vũ Nam Bình.


Một đoạn khác: " NHỮNG SĨ QUAN VÀ BINH LÍNH SÀI GÒN: Đi cùng hướng với những người Mỹ này là những sĩ quan và binh lính Sài Gòn bị bắt trong các trận chiến đấu. Nét mặt của họ kín đáo hơn những người Mỹ - Hai hàng quân cảnh Sài Gòn kèm họ lên máy bay. Họ mặc những bộ đồng phục màu xanh lá cây non của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời cấp cho. Họ đã được đối xử với tinh thần nhân đạo. Vị đại úy In-đô-nê-xi-a nọ lại có nhận xét: " Sao trông cái đám người này kém linh hoạt thế. Hình như họ chẳng hiểu biết chính trị gì cả ". - Họ đã phát biểu ý kiến trước khi rời trại giam rồi. Bây giờ là lúc họ phải giữ mồm, giữ miệng. Anh Sáu Văn, cán bộ ở một trại giam trả lời viên đại úy In-đô-nê-xi-a và kể lại câu nói của anh lính Sài Gòn Nguyễn Tấn trước khi ra sân bay. Tấn nói: " Chúng tôi vui được trở về với gia đình. Nhưng cái vui lớn của chúng tôi là đến giờ đây chúng tôi đã thấy rõ ràng đâu là lẽ phải, đâu là chính nghĩa, là nhân đạo. Chúng tôi ra về nhưng để cả tấm lòng lại đây với cách mạng". NHỮNG NGƯỜI CỦA CHÚNG TA: Giữa hai hàng quân cảnh Sài Gòn súng cầm tay lăm lăm, những người của ta bị chính quyền Sài Gòn tra tấn thành tàn phế, ốm yếu dìu nhau từ trên máy bay bước xuống " và " Các thủ tục trao trả làm xong, sau khi mặc bộ quần áo mới của cách mạng, anh em ta tự động tập hợp cạnh sân bay. Sĩ quan các nước kéo đến gần, vừa theo dõi, vừa tò mò. Anh em ta đứng nghiêm chào cờ. Rồi cúi đầu mặc niệm những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong các trại giam của nhà cầm quyền Sài Gòn. Trước cảnh này, các sĩ quan Sài Gòn lủi mất. Anh em nhà lao Phú Quốc cho biết, giữa ngày mùng 3 Tết vừa rồi, sau khi có hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam, bọn sĩ quan Sài Gòn ra lệnh xả súng vào trại giam, giết nhiều anh em ta. Ở Phú Quốc chúng nó đã cưa tay, cưa chân anh em tuỳ thích, chúng nó muốn lấy máu anh em cho vào bình đem bán và nộp lên cấp trên. Chúng nó còn kéo bọn Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên đến thử thuốc độc, thuốc thí nghiệm trên thân thể anh em ta ", trích từ bài viết: Một Đợt Trao Trả của tác giả Phạm Hồng.



Tù binh Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng xin " hồi chánh " tại chỗ. Họ yêu miền Nam VNCH hay sợ bị nhận dạng: " những tên phản động trà trộn "?
Đặc biệt: " Ngày 18 tháng 1 năm 1974, xảy ra vụ Hoàng Sa (lúc đó do quân Sài Gòn đóng giữ và bị đánh chiếm), thì sáng thứ bảy 19 tháng 1 có cuộc họp báo do trưởng đoàn ta chủ trì để kiểm điểm một năm thi hành Hiệp định. Hôm đó nhà báo đến dự rất đông, bọn tay sai đối phương đội lốt phóng viên cũng tăng lên nhiều. Họ không mấy chú ý đến vấn đề một năm Hiệp định mà đều đổ dồn vào chất vấn, moi móc thái độ ta về vụ Hoàng Sa này. Đây là một vấn đề rất tế nhị, phải chờ sự chỉ đạo của cấp trên, nên tạm thời ta chỉ nói chung: Đất đai Tổ quốc là thiêng liêng, Hoàng Sa đang do phía " chính quyền Sài Gòn " quản lý nên phải hỏi trách nhiệm của họ, còn về phần ta chưa nhận được tin tức, khi nắm được sự việc rồi sẽ bày tỏ thái độ sau. Vài hôm sau ta nhận được chỉ thị về tuyên bố ba điểm của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời: 1/. Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. 2/. Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại, có khi rất phức tạp cần được nghiên cứu và xem xét kỹ. 3/. Các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Trước thái độ này, các nhà bán không còn đặt thêm vấn đề gì nữa ", và : " Ngày 6 tháng 1 năm 1975, ta tấn công thị xã Phước Long (nay thuộc Sông Bé) và núi Bà Đen (thuộc tỉnh Tây Ninh). Đây là trận đánh lớn đầu tiên giải phóng một tỉnh ly cách Sài Gòn không xa. Trận này có tác dụng thử sức ta và sức quân Sài Gòn trong việc đánh các thị xã thành phố, thăm dò phản ứng của Mỹ và dư luận quốc tế. Cả ba mặt đều thuận lợi. Tiếp theo một loạt các trận đánh khác vào chi khu quận lỵ, ngày 10 tháng 3 năm 1975 ta đánh thị xã Buôn Ma Thuột, chính thức mở đầu chiến dịch Xuân-Hè 1975 ... Thời gian từ 10 tháng 3 đến 17 tháng 4 năm 1975 không dài, nhưng đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện phấn khởi liên tục: 17 tháng 3 dứt điểm thị xã Kon Tum; 18 tháng 3 giải phóng thị xã Plây Cu và tỉnh Gia Lai; 19 tháng 3 Cheo Reo và tỉnh Phú Bổn (nay thuộc Gia Lai); 20 tháng 3 An Lộc và tỉnh Bình Long (nay thuộc Sông Bé); 24 tháng 3 thị xã và tỉnh Quảng Ngãi, thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Quảng Đức (nay thuộc Đắc Lắc); 26 tháng 3 Huế và tỉnh Thừa Thiên; 27 tháng 3 Tam Kỳ và tỉnh Quảng Tín (nay thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng); 28 tháng 3 Hội An (Quảng Nam); 29 tháng 3 giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng; 1 tháng 4 thành phố cảng Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên; 3 tháng 4 Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức (nay thuộc Lâm Đồng), Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa; 17 tháng 4 Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận ", trích trong: " Ban Liên hợp quân sự và trại Đa-Vít những tháng ngày..., " NXB Quân Đội Nhân Dân. H. 1997.



Trang báo Chính Luận nói về quan điểm của 2 phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng tại bàn hội nghị (lâu đài La Celle Saint Cloud-nước Pháp).


Chính quyền miền Nam VNCH đã gây khó khăn cho 2 phái đoàn Bắc Việt và Việt Cộng tại trại Davis như cúp nước sinh hoạt... Điều đó có thật không? Cũng như hầu hết các doanh trại quân đội trong khu vực nội đô Sài Gòn trước ngày 30-4-1975, trại Davis cũng được công ty Thủy Cục cung cấp nước sạch truyền qua hệ thống cống và ngay trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt có hổ trợ thêm hệ thống nước ngầm (từ giếng khoan, bơm thẳng lên các bồn chứa lớn và truyền xuống từng khu nhà, từng phòng theo nguyên lý bình thông nhau). Ta hãy nghe một quân cảnh miền Nam VNCH, người có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài trại Davis nói: " Hệ thống cống nước cũ kỹ đã có từ thời thực dân Pháp nên không tránh khỏi chuyện có lúc nước rất yếu. Vào mùa Hè nước trong vòi chảy ra rất nóng. Chúng tôi đóng lính trong đó bị cảnh này hoài. Không có chuyện trại Davis bị cúp nước đến phải lén lút đào giếng. Thực ra, để có nước mát tắm rửa và trồng thêm hoa cùng các cây ăn trái như Chuối, Chanh... cộng với thói quen uống trà của các sĩ quan trong 2 phái đoàn Bắc Việt và Việt Cộng đã khiến họ phải đào giếng. Nước trong ống do công ty Thủy Cục cung cấp có chất thuốc tẩy Clor nên khi pha trà sẽ đổi màu và mất vị. Họ đã xin phép với Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp và được ông đồng ý. Tôi nhớ, khi giếng đào xong, đích thân tướng Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn đã hướng dẫn ông Hiệp đi xem ", lời kể của Trần Văn Tuấn, Hạ Sĩ thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh miền Nam VNCH. Cựu binh quân cảnh Trần Văn Tuấn cho biết thêm: " Thời họ (Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng) sống trong trại Davis, nhũn nhặn lắm. Mỗi lần gặp ông tướng Hiệp bên phía mình, một điều hai điều họ thưa chuẩn tướng... Chứ đâu có vụ tả nói đanh thép, khẩu khí... thẳng vào mặt bọn Ngụy như trong mấy bài viết của họ. Họ thắng trận rồi muốn nói gì thì nói... Trong nước, ai dám cãi lại ".

Khẩu khí của một đại úy Việt Cộng trong phái đoàn như sau: " Tôi xin trao đổi với ông hai vấn đề. Thứ nhất, ngay cả Tổng thống của các ông cũng không so sánh được với chiến sĩ của chúng tôi đâu. Tổng thống của các ông là kẻ bán nước, còn chiến sĩ chúng tôi là người bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, hiện giờ chỉ huy cấp sư đoàn của chúng tôi hầu hết là trung tá, thượng tá. Nhưng thưa ông Đại tá, qua thực tế chiến trường, nhiều sư đoàn tinh nhuệ do những sĩ quan chỉ huy cấp tướng của các ông cầm quân, lại có sự giúp sức của cố vấn Mỹ, song đều bị chúng tôi đánh cho tơi tả. Vì vậy, đại tá của các ông cũng không so với trung tá của chúng tôi được ", trích từ ...Đụng phải những bức tường thép của tác giả Trần Duy Hiển.

Khẩu khí! Phảng phất kiểu truyện ngụ ngôn: Con Nhái Phình Bụng Cho Là To Bằng Con Bò.



http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2009/6/69307.cand

Đường link bài viết của tác giả Trần Duy Hiển.



Lén lút đào giếng trong trại Davis, tướng Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn còn hướng dẫn viên tướng miền Nam VNCH vào xem?

Tại phi trường Lộc Ninh, có lẽ nghe được những lời tuyên bố (theo kiểu trong bài viết: Một Cuộc Đấu Tranh Ở Nhà Lao Tam Hiệp kể trên) nên đã có khá đông tù binh Việt Cộng đã chọn xin ở lại miền Nam VNCH. Những người tìm tự do muộn màng này, có thể họ cũng biết thế tất thắng của phe Cộng Sản Bắc Việt cũng như Việt Cộng nhưng họ vẫn chọn ra hồi chánh dù biết rằng thời gian hưởng không khí tự do không được lâu. Dẫu sao vẫn còn an toàn hơn là về với rừng núi âm u và nhất là phải sống với những sự nghi kỵ của đơn vị mà không khéo, có thể làm họ mất mạng như chơi.

Ta hãy điểm lại những ngày cuối cuộc chiến để xem tình hình trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt cũng như sự an toàn của 2 phái đoàn Cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng trong trại Davis. Chiều ngày 28 tháng 4, Nguyễn Thành Trung dẫn đầu phi đội gồm 5 chiếc A37 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) cất cánh thẳng hướng Sài Gòn, ném bom sân bay Tân Sơn Nhứt. Ngày kế tiếp (từ 4 giờ sáng) Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, phi trường Tân Sơn Nhứt và Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH bị phi pháo (gồm hỏa tiễn 122 ly, cối 82 ly và đại bác tầm xa 130 ly) dữ dội. Trong đó phi trường Tân Sơn Nhứt bị thiệt hại nặng. Pháo bắn suốt đêm hôm đó (Đại Tá Việt Cộng Võ Đông Giang đã giữ chân đoàn ba người là giáo sư Châu Tâm Luân, luật sư Trần Ngọc Liễng và linh mục Chân Tín (nói là do Dương Văn Minh, khi đó đã lên làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà, phái vào Tân Sơn Nhứt để gặp đại diện Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời) ở dưới hầm để tránh phi pháo cho an toàn đến sáng ngày 30 tháng 4. Ta hãy xem lại một đoạn viết của tướng Cộng Sản Bắc Việt Văn Tiến Dũng: " Sáng ngày 30 tháng 4, Sư Đoàn 10 bắt đầu tiến công sân bay TSN và một bộ phận lực lượng phối hợp với Quân Đoàn 1 đánh sang bộ Tổng Tham Mưu Ngụy. Từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút, pháo ta bắn cấp tập vào sân bay. Lửa khói bốc ngút trời. Tiếng pháo vừa dứt, bộ binh Trung Đoàn 24 ngồi trên xe tăng, xe bọc thép nhanh chóng xông lên đánh chiếm Ngã Tư Bẩy hiền, thừa thắng phát triển vào cổng số 5 của sân bay... Quân ta tăng thêm lực lượng đột kích liên tục, đến 9 giờ 30 phút thì chiếm được cổng sân bay. Cùng thời gian đó một cánh quân khác đánh chiếm Bộ Tư Lệnh Dù Ngụy, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự ta ở trại Đê-vít...", trích trong quyển Đại Thắng Mùa Xuân, trang 292.

Như vậy đã rõ, nếu nhân sự của 2 phái đoàn Cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng có bị tàn sát thì chính là từ những mảnh bom A 37, mảnh pháo của đại bác 130 ly (ở Nhơn Trạch rót về) và từ các hỏa tiễn 122 ly, cối 82 ly (do Việt Cộng từ các hướng bắn vào phi trường Tân Sơn Nhứt) và từ các tháp xa của xe tăng T54, PT 76 của Cộng Sản Bắc Việt khi tiến công. Có lẽ hình ảnh thảm sát dân lành Huế-Tết Mậu Thân năm 1968 (khi Việt Cộng rút bỏ chạy vào rừng sau gần 1 tháng chiếm đóng cố đô) đã khiến các sĩ quan-nhân viên của 2 phái đoàn Cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng lo sợ cho số phận của họ sẽ bị như vậy. Sự lo sợ của họ đã không xẩy ra. Quân đội miền Nam VNCH dù thất trận nhưng đã không làm các hành động tàn sát phi nhân (như hành động của Việt Cộng tại thành phố Huế-Tết Mậu Thân 1968) như cáo buộc trong bài viết của tác giả Hà Thanh Minh. Cho lệnh Nguyễn Thành Trung bỏ bom rồi sau đó lệnh nã phi pháo dữ dội vào sân bay Tân Sơn Nhứt, tất nhiên, các cán bộ cao cấp chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh năm đó phải biết sự an nguy của nhân viên (đoàn ngoại giao của mình) đang có mặt trong trại Davis. Nhưng họ vẫn làm bất chấp hậu quả. Câu: " Nhất Tướng Công Thành Vạn Cốt Khô " thật đúng với bản chất của người Cộng Sản, nhất là những viên tướng cầm quân.

Ngày nay, viết về trại Davis và những vụn vặt liên quan đến trại (hoạt động của phái đoàn 4 bên tham gia) để ngậm ngùi thấy rằng: " Tháng 4 năm 1975... Trong trận chiến đấu ở Phan Rang, tướng Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Vĩnh Nghi bị quân giải phóng bắt làm tù binh và được đưa cấp tốc về hậu phương để lấy cung, kịp thời phục vụ làm kế hoạch tác chiến giải phóng Sài Gòn. Tôi được giao nhiệm vụ cùng tham gia làm việc với tướng Nghi để tìm hiểu tình hình có liên quan đến mặt công tác an ninh khi quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nhân lúc nghỉ giải lao, tôi đọc báo " Quân đội nhân dân " để thông báo tin tức chiến sự cho tướng Nghi rõ. Lúc này đang có cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân giải phóng và quân đội Sài Gòn ở mặt trận Xuân Lộc. Khi nghe tin tức chiến sự, tướng Nghi bỗng nhiên thở dài thốt ra miệng: " Lúc này mọi sự kháng cự chỉ uổng công vô ích. Trong hàng ngũ tướng lĩnh chúng tôi đã cảm nhận được sự thất bại kể từ sau khi ký kết thỏa hiệp Pa-ri. Tháng 1 năm 1973 ". Nhân đó tôi hỏi tướng Nghi: Các anh đánh giá thế nào về Hiệp định Pa-ri? Tướng Nghi nói: " Trong thỏa hiệp Pa-ri tuy có nhiều điều khoản khác nhau, nhưng rút lại chỉ có một điều khoản quan trọng nhất là: Mỹ rút lui để đổi lấy tù binh Mỹ và quân đội miền Bắc được hợp pháp hóa ở lại miền Nam. Từ đó, làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường. Tuy biết vậy, nhưng ông Thiệu vẫn buộc lòng phải ký. Vì Mỹ đã quyết định rồi... thì ông Thiệu cưỡng sao nổi... Và suy đến cùng thì cả ông Ních-xơn cũng không còn con đường nào khác nữa. Vì chiến tranh đã đi vào nội tình nước Mỹ, nhân dân Mỹ không chấp nhận nữa rồi. Sau khi ký kết thoả hiệp Pa-ri, trong một cuộc họp giữa ông Thiệu và các tướng lĩnh. Ông Thiệu bị các tướng lĩnh chất vấn, có người nêu câu hỏi: Mỹ rút rồi... sau này Việt Cộng nó lại tổng tiến công nổi dậy nữa thì ông Tổng Thống tính sao? Ông Thiệu phân giải, nói: " Tôi đã được sự bảo đảm từ chính Tổng Thống Ních-xơn... Nếu xảy ra như vậy, thì quân Mỹ lại nhào dô liền à... Có gì mà các ông phải lo...". Nghe ông Thiệu giải thích, bề ngoài các tướng lĩnh không ai có ý kiến gì nhưng trong thâm tâm mọi người vẫn suy đoán ngược lại: Mỹ đã chọn con đường tháo lui rồi, làm sao mà dám quay trở lại nữa. ông Thiệu nói như vậy, cốt để làm yên lòng các tướng lĩnh chứ làm gì có chuyện quân Mỹ lại nhào dô liền... ông Thiệu đã tự dối mình và dối cả cấp dưới... Từ đó, tôi có cảm nghĩ rằng: Ý chí chiến đấu của quân đội chúng tôi (tức quân đội Sài Gòn) đã bắt đầu tan rã từ sau khi ký kết thỏa hiệp Pa-ri. Con đường dẫn đến thất bại hoàn toàn, nay đang diễn ra đúng như chúng tôi đã dự đoán ", trích trong bài viết của tác giả Tư Tiên.

Chính phủ Hoa Kỳ sau khi ký Hiệp Định Paris 1973 đã xem chiến tranh Việt Nam là chuyện quá khứ. Ngày 1 tháng 7 năm 1973, quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết đạo luật ngăn cấm các hoạt động quân sự của Mỹ trên cả hai miền Việt Nam kể từ ngày 15 tháng 8 năm 1973. Tháng 10 cùng năm đó, sắc luật về quyền tuyên chiến (War Powers Act) được biểu quyết. Theo đó, Tổng Thống Hoa Kỳ phải hỏi ý kiến của quốc hội trước khi cho quân đội tham chiến. Nói một cách khác, đây là một bảo đảm với Hà Nội rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp nếu Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng vi phạm hiệp định mà họ vừa ký. Quốc Hội Hoa Kỳ còn tiếp tục làm các quyết định " bỏ rơi " miền Nam VNCH khi cắt xén quân viện của tài khóa 1974 từ 1 tỷ 600 triệu xuống còn 1 tỷ 100 triệu. Hậu quả của việc cắt xén quân viện nầy được Cao Văn Viên, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH kể lại: " Không quân phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay. Giảm số giờ bay yểm trợ và huấn luyện khoảng 50%, số giờ bay thám thính khoảng 58%, các phi vụ trực thăng giảm 70%. Các hoạt động của hải quân cũng đã bị cắt giảm khoảng 50%. 600 tàu chiến các loại đã nằm ụ. Tệ hơn nữa, các chiến cụ cũng như quân dụng bị thất thoát hay hư hỏng lại không được thay thế (trên căn bản một đổi một chiếu theo Điều 7 của Hiệp Định Paris). Chỉ có khoảng 33% các chiến cụ được thay thế mà thôi. Tổng số đạn dược dự trữ chỉ đủ dùng cho đến tháng 6 năm 1975 ". Hoa Kỳ ký Hiệp Định Paris 1973 với mục đích rút ra khỏi vũng lầy Việt Nam và trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miền Nam VNCH không được họ chú trọng đến. Sir R. Thompson, một chuyên viên về du kích chiến, khi thảo luận về việc ký kết Hiệp Định Paris đã viết: " Sự sống còn của miền Nam VNCH bị đe dọa chỉ vì để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát. Một điều trái ngược ở đây là miền Bắc VN (Cộng Sản Bắc Việt) bắt buộc phải ngồi vào bàn hội nghị không phải để tự cứu họ mà là để cứu nươc Mỹ ". Nên, mặc dù có quá nhiều khuyết điểm, Hiệp Định Paris vẫn phải được phê chuẩn với bất cứ giá nào. Tổng Thống Nixon phải thú nhận: " Tôi đã nhìn thấy được những nan đề của Hiệp Định Paris. Đầu tiên, chắc chắn hai Ủy Hội Kiểm Soát và Giám Sát sẽ không làm được gì... Những nguyên tắc thiết lập các ủy hội nầy chỉ tốt trên văn bản nhưng đã sai trên cơ bản... Vấn đề thứ hai, Hiệp Định đã không bắt buộc miền Bắc VN (Cộng Sản Bắc Việt) rút các lực lượng vũ trang của họ ra khỏi miền Nam VNCH ". Sau khi thành phố Đà Nẵng rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, ông M. Gauvin, Đại Sứ CANADA tại Hy Lạp, nguyên là chủ tịch Ủy Hội Kiểm Soát và Giám Sát Quốc tế (ICCS) tại Việt Nam khi trước, đã tuyên bố (ngày 4 tháng 4 năm 1975) tại Athens rằng: " Có lẽ miền Nam VNCH thất bại do quyết tâm bỏ rơi đồng minh của Mỹ nhiều hơn do thiếu thốn đạn dược. Nguyên nhân thất bại bắt nguồn từ Hiệp Định Paris 1973 không phản ảnh được ý muốn và nguyện vọng của miền Nam VNCH ". Với những nguyên nhân như đã kể trên cùng âm mưu thôn tính phần đất tự do còn lại với bất cứ giá nào của Cộng sản Bắc Việt thì sự sống còn của miền Nam VNCH chỉ là vấn đề thời gian. Đúng như Trung Tướng (QLVNCH) Hoàng Xuân Lãm đã nói: " Cuối cùng rồi mình cũng thua CS ", hay như Thiếu Tướng (QLVNCH) Phạm Văn Phú đã trình bày với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại hội nghị Cam Ranh (ngày 14 tháng 3 năm 1975): " Tôi và các chiến hữu của tôi có chết ở cao nguyên bây giờ, cũng không khác gì chết ở Sài Gòn trong năm tới ", trích từ Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 811 của tác giả Nguyễn Đức Phương.


Phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng tại phi trường Tân Sơn Nhứt.


Thông thường, phe thắng trận sẽ viết những đoạn sử của lịch sử nhưng đôi khi, họ cũng cố tình viết sai lệch theo ý riêng. Nếu chính phủ Hoa Kỳ không bỏ rơi đồng minh miền Nam VNCH và nếu Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng không vi phạm Hiệp Định Paris năm 1973, sẽ không có cái ngày 30-4-1975.

Phạm thắng Vũ
Nov 02, 2009.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn