Vụ Trung quốc cưỡng chiếm Trường Sa bằng nghị quyết sáp nhập rơi vào quên lãng. Và chính quyền Việt Nam đã không có một hành động nào về mặt quốc tế để chuẩn bị một cái thế cho Việt Nam bảo vệ quần đảo Trường Sa và giành lại quần đảo Hoàng Sa đã mất. Ngoài những lời tuyên bố “bạc nhược” có tính hình thức, chính quyền Việt Nam đã không đưa nội vụ ra Liên hiệp quốc với những bằng chứng rằng Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, để nếu sau này khi Trung quốc dùng vũ lực lấn chiếm các cụm đảo Việt Nam đang trú đóng tại Trường Sa thì Việt Nam đã có sẵn một “hồ sơ” để yêu cầu quốc tế can thiệp.
Nột vụ rơi vài im lặng, một sự im lặng có lợi cho Trung quốc, vì đối với quốc tế Trung quốc có nghị quyết ngày 2/12/2007 thành lập huyện Tam Sa, trong khi Việt Nam không có một bằng chứng quốc tế nào trên giấy tờ.
Lập trường của Hà Nội được phổ biến bán chính thức qua một cuộc phỏng vấn của ông Sỹ Hoàng, một cựu đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam ở hải ngoại (không ai biết tên thật và ông ta đang làm gì tại Canada cho chính quyền Việt Nam) phỏng vấn nguyên ủy viên Bộ chính trị Phạm Thế Duyệt, cựu chủ tịch Mặt trận Tổ quốc qua một cuộc hội thoại Paltalk trong tháng 1, 2008 [1], người ta lờ mờ thấy rằng hình như trong vụ này có một sự thông đồng giữa Trung quốc và Việt Nam để Trung quốc ra nghị quyết chủ quyền về Hoàng Sa Trường Sa để chận đứng các dự tính của Hoa Kỳ về quần đảo Trường Sa [1].
Giả thuyết này có cơ sở nếu để ý rằng nghị quyết thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung quốc chưa bao giờ phổ biến chính thức [2] và chính Hà Nội đã tiết lộ sự hiện hữu của nghị quyết này để phản đối. Và trong khi phong trào sinh viên và nhân dân trong cũng như ngoài nước bùng lên phản đối Trung quốc thì chính quyền tỉnh Hải Nam thông cáo rằng họ không nhận được lệnh gì từ trung ương (Bắc Kinh) về việc thành lập thành phố mới [3]. Hà Nội cũng luôn luôn tuyên bố sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung quốc về mọi lãnh vực (kể cả lĩnh vực lãnh thổ?) đều được tính toán trên tầm chiến lược. Người ta tự hỏi tầm chiến lược này là tầm chiến lược nào để Trung quốc công khai bằng văn bản sát nhập đất đai của đất nước mình mà không mạnh mẽ phản kháng.
Nếu giả thuyết này đúng thì Việt Nam đã mắt mưu của Trung quốc, vì lộng giả thành chân Trung quốc đã nghiễm nhiên là chủ nhân của quần đảo Trường Sa. Di chúc căn dặn của vua Trần Nhân Tông 8 thế kỷ trước đang biến thành sự thật: "Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra nơi biên ải…”
Lịch sử cũng như sự việc trước mắt cho thấy cách hành xử của chính quyền Việt Nam trong vụ Hoàng Sa - Trường Sa rằng hoặc chính quyền Việt Nam quá ngây thơ hoặc đã bị những phần tử thân Trung quốc len lỏi vào làm nội ứng để bán nước. Nếu một ngày nào đó nhân một cơ hội lịch sử Trung quốc chiếm Việt Nam đặt một bộ máy cai trị giống như bộ máy họ đang đặt tại Tây Tạng trong 58 năm qua thì Trung quốc cũng lập luận rằng Việt Nam vốn thống thuộc Trung quốc như bộ máy tuyên truyền của Trung quốc hôm nay đang ra rã mỗi lần nhân dân Tây Tạng đứng lên đòi độc lập.
Thứ hai là việc lo cho dân. Chương trình xuất khẩu lao động nói là để xóa đói giảm nghèo đã đưa bao nhiêu thanh thiếu nữ Việt Nam ra nước ngoài hoặc theo chương trình xuất khẩu lao động hoặc làm cô dâu xứ người, nhiều nhất là Mã Lai Á, Đại Hàn và Đài Loan, và một số nước ở Trung đông.
Là công dân Việt Nam ở nước ngoài đáng lẽ các thanh thiếu niên này phải được các tòa đại sứ Việt Nam tại các nước liên hệ theo dõi, săn sóc và bảo vệ khi cần thiết. Và nếu có sự việc gì xẩy đến cho họ chính quyền Việt Nam phải là người đầu tiên quan tâm can thiệp và an ủi giúp đỡ. Nhưng hình như các tòa đại sứ Việt Nam không biết có sự hiện diện của họ. Khi đến nước người họ bị ức hiếp, bị bạc đãi như những “tân nô lệ”, chính quyền Việt Nam không hề ngó ngàng tới xem như không phải việc của mình. Cho đến khi các cơ sở truyền thông lên tiếng và các hội thiện nguyện của người Việt ở nước ngoài như Ủy ban Cứu Người Vượt Biển của ông tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng [4], Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Tại Á châu (Coalition to Abolish a Modern-day Slavery in Asia - CAMSA) [5] và các đài phát thanh Việt Ngữ như đài BBC, VOA, và nhất là RFA loan tin thì bộ Ngoại giao và bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam mới bắt đầu quan tâm.
Năm 2006 khi quân đội Do Thái dội bom Lebanon, chính quyền Việt Nam có giúp đỡ hồi hương những người Việt làm lao động ở đó, nhưng chỉ làm sau khi các đài Việt ngữ quốc tế lên tiếng thăm hỏi phỏng vấn. Mới đây, gần hai trăm phụ nữ làm việc tại Jordan cho một hãng may của người Đài Loan bị chủ ép lương và không tôn trọng khế ước đã đình công phản đối và bị chủ nhân gọi cảnh sát đến đàn áp đánh đập có thương tích, ông Nguyễn Đình Thắng với tư cách thành viên của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Tại Á châu lên tiếng kêu cứu, tòa đại sứ Việt Nam tại Ai Cập theo lệnh bộ Ngoại giao Việt Nam mới cử một nhân viên ngoại (ông Trần Việt Tú) đến Jordan can thiệp.
Tại Mã Lai Á, có ít nhất 120.000 công nhân nam nữ Việt Nam đang lao động. Tin tức ghi nhận trong những năm gần đây số người chết do tai nạn lao động và với những lý do không rõ ràng khác lên đến hằng trăm người, nhưng tòa đại sứ Việt Nam tại Mã Lai Á và Bộ ngoại giao Việt Nam hình như không biết có việc đó cho đến khi báo chí và các hãng thông tấn nước ngoài qua sự báo động của ông Nguyễn Đình Thắng lên tiếng mới bắt đầu mở cuộc điều tra.
Trường hợp đáng thương tâm nhất là những thiếu nữ lấy chồng người Đài Loan và Nam Hàn. Một số bị nhà chồng bạc đãi, có khi bị cả họ nhà chồng hiếp, đánh đập xem như họ được mua làm nô lệ tình dục, thậm chí có trường hợp bị giết chết. Tháng 7 năm 2006 một thiếu nữ Việt Nam 19 tuổi lấy một người chồng Đại Hàn 47 tuổi đã bị chồng đánh chết khi cô không chịu nổi sự hành hạ của chồng và đòi trở về nước. Trước một sự việc xúc động như vậy người ta vẫn không thấy tòa đại sứ Việt Nam ở Đại Hàn lên tiếng. Thậm chí trong phiên tòa xử người chồng giết vợ (12 năm tù ở) tòa đại sự Việt Nam cũng không cử đại diện đến tham dự. Khi một đài nước ngoài hỏi một vụ nghiêm trọng liên quan đến công dân nước mình như vậy sao tòa đại sứ Việt Nam lại tỏ ra lơ là như thế thì một đại diện của tòa đại sứ Việt Nam trả lời là tòa đại sứ “không được tòa án Đại Hàn thông báo”.
Các vụ việc trên cho thấy chính quyền Việt Nam do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo không quan tâm một cách thích đáng đến công dân nước mình ở nước ngoài. Sự vô cảm này là một thái độ vô trách nhiệm khó hiểu, vì ngay các chế độ độc tài trên thế giới dù rất tàn bạo trong nước cũng từng tỏ ra mạnh dạn can thiệp và bênh vực khi công dân của họ bị ức hiếp ở nước ngoài. Tại sao có trường hợp bất xứng như vậy? Chỉ có một cách giải thích là các giới chức Việt Nam đã cấu kết ăn chia với các công ty xuất khẩu lao động và các công ty làm trung gian giới thiệu thiếu nữ Việt Nam lập gia đình với người nước ngoài và nay bị bịt miệng để việc làm ăn được trót lọt.
Điều bất xứng khác là động thái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du mấy nước Âu châu đầu tháng 3/2008. Tại Anh, ngày 5 tháng 3, khi trả lời một cuộc phỏng vấn của phóng viên Humphrey Hawksley thuộc quốc tế vụ của đài BBC, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố báo chí Việt Nam được hoàn toàn tự do. Trả lời câu hỏi: “Việt Nam đã được ngân hàng thế giới đề cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cũng như là ổn định thì liệu có cần kiểm soát báo chí và giam giữ những người bất đồng chính kiến hay không?”, ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời: “Việt Nam chúng tôi có luật báo chí, chúng tôi chỉ yêu cầu báo chí thực hiện theo đúng như luật báo chí của Việt Nam. Có thể nói ở Việt Nam có một cái tự do báo chí rất tốt. Chúng tôi chỉ ‘yêu cầu’ tất cả báo chí làm theo đúng luật pháp mà đã hiện hành ở Việt Nam. Có lẽ ngài cũng biết là không phải là nhiều nước có luật báo chí. Luật báo chí của Việt Nam là một luật báo chí rất cởi mở. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi cũng đều nói với tôi rằng Việt Nam có luật báo chí có thể nói rất là thông thoáng mà ngay nước họ cũng không có”.
Nội dung trả lời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu lộ ông là một con người cộng sản chân chính, là nói dối mà không biết ngượng. Phóng viên Humphrey Hawksley biết và cả thế giới đều biết chính quyền Việt Nam là một trong những chính quyền chà đạp quyền tự do ngôn luận mạnh tay nhất trên thế giới. Hơn 600 tờ báo tại Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cộng sản Việt Nam và toàn đăng những tin tức dối gạt dư luận cho hợp đường lối của đảng. Tự do ngôn luận tại Việt Nam đã được nhà báo Đào Hiếu, một đảng viên cộng sản nay đang phục vụ tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, miêu tả trong cuốn tự truyện Lạc đường của ông như sau: “…nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam tông, đọc Trung bộ kinh, Bát chánh đạo, luyện Tứ niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. … Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền” . [6]
Sự nói dối trắng trợn của ông Dũng có lẽ là nguyên nhân tại sao báo chí các nước Âu châu (đặc biệt ở Anh và Đức) không viết bài tường thuật đầy đủ chuyến đi của ông như họ thường làm đối với các chuyến công du của một vị thủ tướng các nước khác. Chuyến đi của ông được báo Anh và Đức đăng như tin ngoài lề. Tài nói dối không biết ngượng của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm mất uy tín quốc gia.
Nhiệm vụ tối thiểu của bất cứ một chính quyền nào - kể cả những chính quyền độc tài - là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự an toàn cho công dân trong cũng như ngoài nước và sau cùng bảo vệ uy tín của quốc gia trước cộng đồng thế giới.
Chính quyền Việt Nam trong tay đảng cộng sản Việt Nam qua việc không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ; qua việc bỏ bê công dân đi lao động hoặc đi lấy chồng ở nước ngoài; và sau cùng làm mất uy tín quốc gia bằng những thủ đoạn dối trá dấu đầu lòi đuôi như những lời tuyên bố ngồi xổm trên sự thật của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Anh quốc về chính sách đối với báo chí chứng tỏ chính quyền Việt Nam hiện nay là một chính quyền bất xứng.
Một chính quyền bất xứng không có chỗ đứng trong lòng nhân dân và không đáng tồn tại. Nó chỉ còn tồn tại nhờ bạo lực của súng đạn và nhà tù.
Trần Bình Nam
20/03/2008
(1) Xem toàn bản văn của cuộc phỏng vấn trên mạng Đối Thoại ngày 21/1/2008).
Một đoạn hỏi đáp giữa ông Sỹ Hoàng và ông Phạm Thế Duyệt:
Sỹ Hoàng: Tôi hiểu ý của anh nhưng mà nếu mà mình cứ đàm phán với nó mà họ không chấp nhận cái nguyên tắc phân chia và tôn trọng chủ quyền thì mình sẽ có thái độ như thế nào anh? Tại vì tôi đang nghĩ tới việc phải trình với Liên Hiệp Quốc về việc này để cho các nước trong khu vực đang thượng nghị thì anh có đồng ý việc này hay không?
Phạm Thế Duyệt: Tôi cũng chưa dám nghĩ như thế đâu, vấn đề ở đây không phải đồng tình hay không đồng tình, mà vấn đề đó đối nội, đối ngoại phải đa dụng, mục tiêu phải đạt được điều kiện nhất định mà mình phải là chính chớ không phải ngoài giúp gì mình giải quyết cái đó một cách đơn giản đâu, tôi thì quan niệm như vậy. Liên hiệp quốc muốn can thiệp nọ kia cũng không dễ gì, không phải nó bênh vực mình cách đơn giản đâu. Liên hiệp quốc là ai thì bác biết rồi, cho nên là đừng có hy vọng ở ngoài mà thái độ của mình tỏ chính kiến kiên quyết.
[2] Theo « Whale and Spratlys », The Economist Dec. 13, 2007
[3] Theo tờ South China Morning Post số ngày 20/12/2007
[4] Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng vốn là chủ tịch Ủy ban Cứu Người Vượt Biển . Sau này làn sóng tị nạn chấm dứt, ông chuyển hoạt động sang lĩnh vực giúp đỡ người Việt không ai đoái hoài ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất là diện xuất khẩu lao động.
[5] Theo mạng Vietnam Review Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Tại Á châu (CAMSA) gồm 4 tổ chức: Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển ở Hoa Kỳ, Hội Nhân Quyền Quốc Tế ở Đức, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam ở Hoa Kỳ và Liên Hội Người Việt ở Canada và được thành lập do sự phối hợp của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển.
[6] Lạc đường của Đào Hiếu được phổ biến trên mạng http://www.talachu.org/truyen.php?bai=213#story.
Gửi ý kiến của bạn