BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Câu chuyện về lính giải ngũ của Trung quốc

19 Tháng Mười Một 200712:00 SA(Xem: 991)
Câu chuyện về lính giải ngũ của Trung quốc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Mới đây trên tờ tuần báo The Economist số ngày 10 -16/11/2007 có một câu chuyện (China: Beware of demob) về những người lính giải ngũ của Trung quốc.

Chuyện kể rằng mỗi năm lính quân dịch giải ngũ lên đến 700.000 người và mặc dù đảng Cộng sản Trung quốc cố gắng kiếm công việc làm cho họ nhưng không sao giải quyết được một cách ổn thỏa. Đa số thất nghiệp, nhất là ở thôn quê. Và lính thất nghiệp đã xuống đường biểu tình đòi công ăn việc làm.

Đặc biệt trong hai năm vừa qua, việc lính giải ngũ xuống đường làm đảng Cộng sản Trung quốc rất lúng túng, vì quân đội là nòng cốt của chế độ. Nếu quân đội Trung quốc không ủng hộ đảng thì chế độ Trung quốc đã sụp đổ trong cuộc nổi dậy đòi dân chủ của sinh viên năm 1989 tại Thiên An Môn.

Quân nhân giải ngũ gốc thành thị, đa số là sĩ quan, được xếp việc trong các công ty quốc doanh. Nhưng công ty quốc doanh càng ngày càng được giải tư để cạnh tranh với thị trường quốc tế nên càng lúc càng ít chỗ cho các cựu sĩ quan giải ngũ. Trong khi đó các công ty quốc doanh chưa giải tư cũng không muốn nhận các cựu quân nhân giải ngũ vì các cựu quân nhân này làm việc với năng xuất kém. Họ nghĩ họ phải được đền bù sau một thời gian dài trong quân ngũ. Quân nhân gốc thôn quê đa số là lính trở về quê thường không có việc làm.

Tại cảng Yan Tai trong tỉnh Sơn Đông, tháng 7 vừa qua 2000 lính giải ngũ đã biểu tình trước trụ sở Hội đồng Nhân dân Yan Tai yêu cầu Hội đồng can thiệp tăng trợ cấp, nhưng Hội đồng hoàn toàn bất lực. Trong khi đó công an theo dõi và làm khó dễ những cựu quân nhân được xem là lãnh đạo của phong trào.

Thái độ khó dễ của đảng Cộng sản Trung quốc không làm chùn lòng những quân nhân cương quyết đòi công lý xã hội. Tháng 9 vừa qua hàng trăm cựu quân nhân trong tỉnh Sơn Đông đã tụ tập biểu tình trước Ủy ban Nhân dân tại tỉnh lỵ Jinan. Trong khi 300 cựu quân nhân khác biểu tình tại Taian cũng trong tỉnh Sơn Đông. Có tin trong tháng 9/2007 cựu quân nhân cũng đã biểu tình ít nhất tại 3 tỉnh khác. Tại Bắc Kinh cựu quân nhân cũng đã đột nhập Bộ Hỏa Xa để phản đối chương trình huấn luyện hình thức tại đây.

Chuyện kể tiếp rằng tháng Tư năm 2005, các cựu quân nhân trong đó có nhiều người mặc quân phục cũ đã đến trụ sở của Quân ủy Trung Ương, cơ quan quyền lực cao nhất của quân đội Trung quốc để đòi công ăn việc làm. Công an đã cô lập từng nhóm và đưa họ về quê (một công thức công an Việt Nam đã bắt chước để giải tán đoàn dân oan khiếu kiện đòi bồi thường đất đai tại Sài gòn ngày 18/7/2007 *). Tuy nhiên các cựu quân nhân thỉnh thoảng vẫn xuất hiện từng toán biểu tình trước trụ sở Quân ủy.

Biểu tình đòi hỏi quyền lợi và phản đối bất công xã hội là chuyện thường thấy tại Trung quốc cũng như tại Việt Nam ngày nay. Trong cái đất nước Trung quốc bao la có hơn 1 tỉ dân, hằng năm có hàng ngàn cuộc biểu tình với nhiều lý do: dân đen bị cán bộ địa phương lợi dụng quyền hành chiếm đất với lý do công ích và bồi thường không thỏa đáng, dân thành thị bị đuổi nhà để phát triển đô thị một cách bất công, dân quê ra thành phố kiếm việc không được trả thù lao xứng đáng, lính giải ngũ thất nghiệp vì các công ty quốc doanh giải tư. Nhưng các vụ biểu tình này đều ở mức độ địa phương và công an ngăn chận sự phát triển của phong trào bằng cách kiểm soát thông tin và theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của những người cầm đầu.

Thỉnh thoảng báo chí cũng cho loan tải một vài tin tức biểu tình cho có lệ và để chứng tỏ đảng có quan tâm giải quyết, nhưng tuyệt nhiên đảng không đả động đến các vụ cựu quân nhân biểu tình. Mới đây tờ China Security, một tam nguyệt san của một Trung tâm chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến Khoa học Xã hội Trung quốc (Chinese Academy of Social Sciences) tại Hoa Thịnh Đốn, tác giả Yu Jianrong có viết một bài với nhiều chi tiết về hoàn cảnh của các cựu quân nhân tại Trung quốc. Ông Yu nói tổng số lính giải ngũ ở vùng quê toàn quốc lên đến 20 triệu người và có quan hệ chặt chẽ với nhau để cùng đòi hỏi quyền lợi, và họ có thể là cái gạch nối của phong trào đòi hỏi quyền lợi của thợ thuyền và dân quê khiếu kiện. Tác giả Yu tiết lộ rằng tại tỉnh Hồ Nam, các cựu quân nhân là nòng cốt của một đội chống tham nhũng gồm cựu quân nhân, thợ thuyền thất nghiệp, nông dân, trí thức lên đến 100.000 người. Tờ The Economist nói các tin này không thể được kiểm chứng vì tính cách tế nhị của nó.

Đảng Cộng sản Trung quốc đặc biệt quan tâm đến đòi hỏi của lính giải ngũ và ra lệnh cho các đảng bộ địa phương tìm mọi cách để giải quyết. Nhưng khả năng giải quyết của địa phương có giới hạn trong khi số lính giải ngũ càng ngày càng đông. Trong thời gian từ 1994 đến năm 2004 tổng số lính quân dịch trở về lên đến 7 triệu người. Cũng trong thời gian đó, quân số lính chuyên nghiệp cũng được giảm từ 2.5 triệu xuống 2.3 triệu. Số sĩ quan (động viên hoặc chính quy) giải ngũ chừng 600.000 người thường có được công ăn việc làm trong lĩnh vực dân sự.

Các cựu sĩ quan thường được nhét vào các cơ sở quốc doanh. Nhưng từ năm 2001, vì cần giải tư một số cơ sở quốc doanh để chạy đua với thị trường quốc tế nên các cơ sở quốc doanh còn lại không đủ chỗ cho các cựu sĩ quan. Các đảng bộ địa phương giải quyết bằng cách trợ cấp tiền mặt để các sĩ quan này tự kiếm việc làm. Phương pháp này cũng không hữu hiệu lắm vì địa phương không đủ tiền để trả mãi cho người ngồi ăn không. Đa số các cựu sĩ quan muốn chờ việc trong các cơ sở quốc doanh (vừa nhàn hạ vừa có cơ hội tham nhũng *) hơn đi kiếm việc làm trong lĩnh vực tư. Theo tin của Tân Hoa Xã trong tháng Chín vừa qua, các đảng bộ đã kiếm việc cho 256.000 cựu sĩ quan, trong khi chỉ có 49.000 người tự kiếm việc cho mình. Các cố gắng của đảng Cộng sản Trung quốc chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu của quân nhân giải ngũ. Đa số còn thất nghiệp và lâm vào hoàn cảnh túng thiếu bi đát.

Ông Hu Xindou thuộc Viện Kỹ thuật Trung quốc ở Bắc Kinh (Beijing Institute of Technology) nói cựu quân nhân là vấn đề nhức đầu nhất của đảng. Thực tế kinh tế là một, thực tế xã hội là hai. Ở trong quân đội lính được dạy dỗ toàn những điều lý tưởng (như cần kiệm liêm chính, trung với đảng hiếu với dân *), và những điều tốt đẹp của xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nhưng trở về họ thấy họ bị thiệt thòi trăm bề trong một xã hội đầy dẫy tham nhũng. Ông Hu Xindou kết luận: cho nên nếu trong tương lai lính giải ngũ trở thành lực lượng cầm đầu cuộc tranh đấu cho công bình xã hội thì không phải là một điều đáng ngạc nhiên.

Đọc bài báo của The Economist chúng ta không thể không tự hỏi: Tình cảnh của lính giải ngũ của quân đội cộng sản Việt Nam như thế nào? Chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam đối với họ ra sao? Họ có những bất mãn không?

Trần Bình Nam
Nov. 19, 2007
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

(*) ghi chú của người thuật
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn