Trong nước nhiều phong trào dân chủ nở rộ trong những năm qua với sự xuất hiện của nhiều nhà dân chủ, nhiều đảng phái không Cộng sản. Ngoài nước các đoàn thể đấu tranh, các cộng đồng với lập trường kiên quyết chống Cộng xuất hiện đông đảo làm chúng ta có cảm tưởng như cuộc tranh đấu sắp đến hồi kết thúc và tập đoàn Cộng sản Việt Nam sắp sụp đổ .
Nhưng nếu nhìn dưới một nhãn quan thực tế, chúng ta thấy năm 2006 bước qua năm 2007, sau 32 năm tranh đấu chúng ta chưa gặt hái được gì cụ thể và đảng Cộng sản Việt Nam hình như vẫn củng cố thế lực và được sự chấp nhận trên thế giới .
Sau khi Hoa Kỳ bị tấn công ngày 11/9/2001, ông tổng thống Bush đánh đông dẹp bắc và ngày 20/1/2005 long trọng tuyên bố trong buổi lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ II rằng “bất cứ ai sống trong tuyệt vọng và dưới sự áp bức nên biết rằng: Hoa Kỳ không quên quý vị đang bị áp bức và chúng tôi cũng không tha thứ những ai đang áp bức quý vị. Khi nào quý vị đứng dậy vì tự do, có chúng tôi bên cạnh quý vị.”, những nhà đấu tranh dễ tính tưởng rằng Hoa Kỳ đã nhập cuộc vào cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của chúng ta nhưng để thất vọng thấy rằng vào tháng 11/2006 khi đến Hà Nội tham dự hội nghị OPEC, các nhà dân chủ Việt Nam bị bao vây và đàn áp ông đã không một lời phê phán.
Sau khi Việt Nam vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), các nước dân chủ tư bản trên thế giới thấy cơ hội làm ăn với Việt Nam đã đổi giọng ngợi khen sự tiến bộ kinh tế (bề ngoài) của Việt Nam, giả vờ quên đi cái chế độ độc tài đảng trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Điển hình là những lời tuyên bố làm mát lòng Hà Nội của thủ tướng Tony Blair, và bài báo Plenty to smile about đăng trên tờ The Economist, một tạp chí vốn có uy tín trên thế giới của Anh số cuối tháng 3 năm 2007, nhìn sự tiến bộ của Việt Nam một cách hời hợt bề ngoài .
Đảng Cộng sản Việt Nam đang đem quyền lợi kinh tế đánh đổi lấy sự dễ dãi của quốc tế . Hình như Hoa Kỳ đồng ý với Hà Nội rằng những nhà tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, ai muốn đi ra nước ngoài Hà Nội sẽ thuận cho đi và Hoa Kỳ sẵn sàng cho nhập cảnh.
Cùng lúc đảng Cộng sản Việt Nam cho áp dụng chính sách xâm nhập các tổ chức đấu tranh trong nước và hải ngoại với nhiều hình thức tinh vi . Điều đáng ngạc nhiên là những nhà đấu tranh tại hải ngoại hình như không thấy những sự xâm nhập này . Một vài lời tuyên bố, một vài bài viết của một nhân vật nào trong nước có tính chống Cộng là đủ để các đoàn thể hải ngoại vỗ tay tán thưởng và nhận vào hàng ngũ những nhà dân chủ .
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang tung ra một chương trình mua chuộc giới trí thức tại hải ngoại . Nhiều chương trình mời mọc các nhà khoa bảng và giáo sư Việt Nam trẻ tuổi ở hải ngoại trở về thăm các trường đại học Việt Nam, và từ lúc đặt chân đến Việt Nam cho đến lúc lên máy bay trở về họ đã được tiếp đãi một cách nồng hậu, và được trưng bày cho thấy cái hay cái đẹp của Việt Nam. Đa số những giáo sư này trở về đều khen Việt Nam tiến bộ, thậm chí khen báo chí tại Việt Nam đã được tự do vì dám chỉ trích các chính quyền địa phương kể cả công an làm sai trái . Một số đông không thấy bộ máy lớn bên trên đang gặm nhấm và làm đất nước rỉ máu chỉ chờ ngày kiệt quệ .
Ngoài ra đảng Cộng sản Việt Nam đang mở một chiến dịch tuyên truyền quy mô trên hai mặt tôn giáo và chính trị. Về tôn giáo là vụ thầy Nhất Hạnh dẫn một đoàn người đông đảo về Việt Nam làm lễ giải oan. Đối với người hiểu đạo Phật không có cái gì gọi là giải oan cả . Sự việc gì xẩy đến cho mỗi người đều do nghiệp của cá nhân đó sinh ra, và không có một phép nhiệm mầu nào hay một đấng thiêng liêng nào có khả năng giải oan cho bất cứ ai . Thầy Nhất Hạnh biết rằng Phật không có khả năng giải oan cho ai. Và cũng chẳng có linh hồn nào được giải oan nhờ các trai đàn được tổ chức ầm ỉ với sự trợ lực của đảng Cộng sản. Nhưng thầy biết chuyến đi của thầy có thể giúp Hà Nội rao bán nhãn hiệu tự do tôn giáo trong khi đảng Cộng sản đang ra sức triệt hạ những nhóm tôn giáo nào không chịu tùng phục đảng. Là một nhà tu có tài tổ chức và nhiều tham vọng, thầy Nhất Hạnh biết việc ông đang làm sẽ nâng cao tiếng tăm của ông trước một thế giới vô cảm. Nhưng thầy đã nghĩ quá ngắn, quên rằng ‘trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Cách “giải oan” tốt nhất cho những chiến sĩ ở hai bên chiến tuyến đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh dai dẵng từ 1945 đến 1975 là góp phần đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam có tự do dân chủ, nhân phẩm con người và nhân quyền được tôn trọng, chứ không phải tiếp tay với kẻ độc tài .
Măt trận tuyên truyền chính trị do ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt phụ trách qua cuộc phỏng vấn của đài BBC phát thanh ba lần mỗi lần 22 phút (đã phát hai lần, lần thứ nhất vào sáng ngày 1/5/2007 giờ Việt Nam). Nội dung buổi phát thanh thứ nhất chứa đựng ý của lãnh đạo Việt Nam là hòa giải với mọi từng lớp nhân dân, và buổi phát thanh thứ hai tập trung vào cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 5 này . Phần thứ ba sẽ được ông Kiệt nói về chuyện ông cứu cọp beo (có lẽ để mua chuộc giới chủ trương bảo vệ loại súc vật đang bị đe dọa diệt chủng?). Ông Kiệt dùng lời lẽ ôn tồn với dụng ý lừa những kẻ nhẹ dạ hoặc không hiểu biết thấu đáo về chính sách của người Cộng sản Việt Nam. Ông đã làm công tác của đảng giao phó một cách đúng đường lối. Phóng viên Xuân Hồng đến Sàigòn để thực hiện cuộc phỏng vấn, nhưng phép tắc nhiêu khê tưởng chừng như không phỏng vấn được. Mãi một giờ đồng hồ trước khi ông lên máy bay trở về Anh ông mới thực hiện được cuộc phỏng vấn, và tại một văn phòng của chính phủ tại Sài gòn chứ không phải ở nhà ông Kiệt. Thật ra nếu ông Kiệt muốn đóng góp ý kiến một phóng viên của đài BBC có thể phỏng vấn ông từ Luân Đôn qua điện thoại. Cung cách cuộc phỏng vấn cho thấy sự chuẩn bị của đảng Cộng sản Việt Nam hết sức kỹ lưỡng và ông Kiệt đóng vai ông thiện đang làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng để ru ngủ dư luận. Ông Kiệt tiếp tục làm những gì đảng Cộng sảnViệt Nam đã làm từ năm 1945 trước thế khó khăn và đòi hỏi của tình hình quốc tế để vừa duy trì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, vừa khống chế các tổ chức đòi hỏi đa nguyên đa đảng.
Nếu năm 1945 đảng Cộng sản Việt Nam thẳng tay giết những người quốc gia không Cộng sản thì lúc này trước thời đại tin học và toàn cầu hóa họ không giết người như vậy được thì họ lại dùng phương pháp cài người, phá hoại các phong trào đấu tranh, và ru ngủ tầng lớp thanh niên (vì nếu thành phần này nhận chân được sự thật đứng lên tranh đấu là một mối nguy lớn cho đảng Cộng sản Việt Nam). Người Cộng sản, qua cái loa của ông Võ Văn Kiệt (đã được đảng chuẩn bị như một người Cộng sản ôn hòa) biết rằng họ không lừa gạt được lớp người có kinh nghiệm nhưng lừa gạt được lớp thanh niên trong tuổi 20 đến 30, rường cột và sức mạnh của nước nhà . Lớp thanh niên này nếu sinh ra trong nước không có cơ hội hiểu thế nào là dân chủ để biết những thủ đoạn của người Cộng sản . Đảng Cộng sản ban cho dân trong nước một số tự do ăn nói và phát biểu những điều vô hại cho đảng, nhưng thẳng tay trừng trị những ai có dụng tâm truyền đạt tư tưởng dân chủ chân chính để có căn bản thắc mắc về sự lãnh đạo độc tôn của đảng qua Điều 4 Hiến Pháp. Không ai quên đảng đã bỏ tù bác sĩ Pham Hồng Sơn vì ông đã dịch tài liệu “Thế nào là dân chủ” trên trang Web của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Và đảng Cộng sản Việt Nam đã truy tố ra tòa hai luật sư trẻ tuổi Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân chỉ vì hai luật sư này mớ lớp huấn luyện để truyền bá tư tưởng dân chủ và nhân quyền. Thanh niên ở nước ngoài, một phần bận tâm lo cho tương lai bản thân , một phần sống trong không khí dân chủ họ không cảm thấy thiếu dân chủ và có nhu cầu tìm hiểu dân chủ là gì. Nếu có dịp về nước họ chỉ thấy được cái bề ngoài phát triển giả tạo mà không thấy được sự ruỗng nát bên trong. Đối với hai tầng lớp thanh niên này những lời lẽ ôn hòa, khiêm nhường của ông Kiệt nghe cũng thấy êm tai, và cũng có tính thuyết phục.
Trong khi đảng Cộng sản Việt Nam dùng ông Kiệt để tuyên truyền và lừa gạt dân chúng trong ngoài nước và dư luận quốc tế (mà họ đã áp dụng từ năm 1945) họ vẫn thản nhiên đi theo con đường củng cố đảng trị, trước mắt là xây dựng một quốc hội màu mè chỉ biết một việc duy nhất là vâng lời đảng.
Ông Kiệt nói nhiều đến hòa giải . Ông lý luận rằng Việt Nam từng đánh Tây, đánh Mỹ, đánh Tàu mà bây giờ còn hòa với nhau được, cớ sao người Việt lại không hòa giải được với nhau. Câu hỏi thật hay nếu không muốn nói là tạo xúc động. Nhưng Việt Nam chơi ngang hàng với Tây, thấp tay hơn với Mỹ một chút, và quỵ lụy với Trung quốc nên chơi được với nhau còn với người Việt thì đảng chơi theo lối kẻ cả . Điều 4 bản HP đặt đảng Cộng sản Việt Nam lên đầu lên cổ của nhân dân, và ai trái ý đảng thì đảng bỏ tù vậy làm sao có hòa giải? Hòa giải với đảng Cộng sản theo kiểu ông Kiệt là hãy im lặng, đảng bảo gì làm nấy, như sự im lặng của một bãi tha ma, trong đó thỉnh thoảng chỉ có tiếng động của cuốc xẻng khi đảng đang đào mồ chôn những ai chống đối .
Trong khi đó không phải trong nước cũng như ngoài nước thiếu người tài và người có lòng, vậy tại sao đảng Cộng sản vẫn có thể làm mưa làm gió?
Chúng ta không thể trách người trong nước vì họ sống dưới sự kềm kẹp của một đội ngủ công an tinh thục trong công tác phục vụ đảng (như ở bất cứ nước độc tài nào) với phương tiện vô giới hạn trong tay, nên họ không thể triển khai để trở thành một thế đối lập có khả năng chuyển hóa tình hình.
Nhưng người ngoài nước đáng trách hơn. Gần 3 triệu người ngoài nước, tuyệt đại đa số không thích chế độ độc tài, được sống tự do, có một ít phương tiện và không bị giới hạn bởi một bộ máy đàn áp nào, thế mà sau 32 năm vẫn chưa thành một thế lực làm cho đảng Cộng sản Việt Nam phải nể sợ .
Lý do thì nhiều nhưng chính yếu có thể kể vài lý do dễ thấy nhất. Thứ nhất là tinh thần vọng ngoại . Hồi năm 1976 ông tổng thống Jimmy Carter chủ trương nhân quyền, các tổ chức nhân quyền Việt Nam mọc lên khắp nơi . Từ năm 1980 tổng thống Reagan chuyển qua chính sách chạy đua vũ trang và ít chú trọng đến nhân quyền các tổ chức nhân quyền trong cộng đồng vắng dần, cho mãi đến giữa thập niên 90’s mới thấy Mạng Lưới Nhân Quyền xuất hiện do một số anh em đấu tranh có căn bản thành lập. Lý do thứ hai là các tổ chức ở hải ngoại không đặt căn bản đấu tranh trên một sách lược dài hạn mà chỉ đấu tranh với những vấn đề trước mắt. Nói cách khác các tổ chức hải ngoại dồn hết năng lực vào những diện đấu tranh gây tiếng vang, làm cho đảng Cộng sản Việt Nam có chút nhức nhối nhưng không làm suy yếu căn bản quyền lực của họ .
Biết rằng cuộc bầu cử quốc hội (5 năm một lần) ngày 20/5 sắp tới chỉ là một trò hề của đảng nên các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại đã ra Thông cáo kêu gọi tẩy chay . Lời kêu gọi hợp lý, nhưng không thực tế, vì người dân trong nước dù ghét chế độ đến bao nhiêu và muốn đáp ứng lời kêu gọi đó cũng phải đi bầu. Tuy tại Việt Nam không có luật buộc dân phải đi bầu, nhưng người dân biết phiếu bầu cử là tờ giấy cần thiết trong mọi dịch vụ buôn bán, làm ăn xin việc ... và ai không đi bầu sẽ bị liệt vào thành phần chống chế độ và không thể sống yên ổn được. Vì vậy, không cần phải là thầy bói gỉỏi, chúng ta cũng đoán được rằng đảng Cộng sản Việt Nam sẽ công bố tỉ số đi bầu trên 95% để chứng tỏ các đoàn thể hải ngoại không có một sức nặng nào cả. Cho nên lời kêu gọi “tẩy chay bầu cử ” là một ván bài trước khi đánh chúng ta đã thua .
Về người, như đã nói, ở hải ngoại Việt Nam không thiếu người tài và kiên trì. Cựu đại tá Võ Đại Tôn là một. Và ông Lý Tống là nhân vật điển hình nhất. Dù ai đồng ý hay không đồng ý với ông Lý Tống về những gì ông đã làm cũng phải cúi đầu thán phục sự can đảm của ông. Trong lịch sử Việt Nam không có bao nhiêu người như Lý Tống. Nhưng sau 7 năm trong nhà tù Thái Lan vừa trở về Hoa Kỳ, chưa có thì giờ nắm vững tình hình ông đã vội đưa ra kế hoạch “đua xe” mà ông nghĩ có thể sẽ làm cho công an Hà Nôi bó tay và chính quyền sụp đổ. Việc các thanh niên trẻ tuổi đua xe gắn máy trên một số tuyến đường của Hà Nội đã một thời làm cho công an Hà Nội nhức đầu thật, nhưng đó là chuyện của các “con ông cháu cha”, công an có bắt về cũng phải thả ra thôi . Kế hoạch của ông Lý Tống dân thường không làm được. Dân thường mang xe rủ nhau ra đường chạy để bày tỏ thái độ chống đảng Cộng sản thì chỉ có đi tù . Ông Lý Tống là một tích sản (asset) lớn cho cuộc đấu tranh lâu dài, ông cần một Ban Tham Mưu và bản thân ông cũng cần nghỉ ngơi và suy nghĩ để tránh khỏi những hành động hay kế hoạch hấp tấp tuy ngoạn mục nhưng không thể đưa đến thành công (như cuộc thả truyền đơn từ máy bay kêu dân chúng nổi dậy rồi đích thân mình nhảy dù xuống lãnh đạo cuộc nổi dậy có một không hai trong lịch sử Việt Nam ông thực hiện năm 1992.)
Tháng 6 năm nay nhóm Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) họp tại Ba Lan. Nhóm HMDC ra đời năm 2002 là một tập hợp gồm mọi thành phần tả, hữu, không phân biệt quá khứ, mỗi năm họp một lần để hoạch định đường lối đấu tranh. Nhóm HMDC đã tạo được sự chú ý của thế giới và có nhiều khả năng để nghiên cứu sách lược đấu tranh dài hạn, nhưng rất tiếc qua năm lần họp trong năm năm qua nhóm HMDC cũng vẫn loanh hoay chung quanh những diện mà chưa tìm ra một điểm để làm cho đảng cộng sản lung lay.
Trước tình hình mới, nghĩa là bất chấp dư luận quốc tế đảng Cộng sản Việt Nam đang ra tay đàn áp đối lập (hình như với sự thỏa thuận nào đó của chính phủ Hoa Kỳ qua những trao đổi quyền lợi chiến lược?), đã đến lúc các nhóm đấu tranh đã tạo ra được một sự chú ý trên thế giới như mạng Lưới Nhân Quyền và nhóm HMDC nên nhìn lại vấn đề để tìm ra và dồn nỗ lực đánh vào cái nhược điểm chính của đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách đây mấy năm ông Hà Sĩ Phu có nói đến cái phòng tuyến sau cùng của đảng Cộng sản Việt Nam là Điều 4 HP, nhưng ít ai để ý . Và 6 năm trước đây Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (TC/PHVN) do ông Trần Quốc Bảo lãnh đạo đã phát động cuộc đấu tranh “Bỏ 4” đòi hỏi đảng Cộng sản Việt Nam qua quốc hội do đảng kiểm soát hãy hủy bỏ Điều 4 HP, tạo điều kiện cho một số đảng phái chính trị khác xuất hiện ngang hàng với đảng Cộng sản, và để cho dân, qua bầu cử tự do dưới sự kiểm soát của quốc tế, bầu ra một quốc hội thật sự đại diện cho dân. Ông Lê Hồng Hà, một cựu đảng viên đảng Cộng sản ly khai đã viết rằng Điều 4 trong bản HP là một sĩ nhục quốc gia . Và đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu xử dụng Điều 4 như luật căn bản để cấm các đảng chính trị không phải là ngoại vi của đảng xuất hiện. Đảng Cộng sản Việt Nam đang bám vào phòng tuyến cuối cùng như ông Hà Sĩ Phu tiên đoán, và cái điểm chúng ta cần tập trung sức mạnh để đánh vào cũng bắt đầu lộ diện.
Đã đến lúc các đoàn thể đấu tranh, các nhân vật đã tạo được thế đứng quốc tế nhìn thẳng vào thực tế, nhận chân rằng trong cuộc đấu tranh với đảng Cộng sảnViệt Nam chúng ta đang ở thế yếu vì thiếu sách lược đúng để cùng nhau tìm ra một “điểm” đấu tranh để cùng dồn sức vào đánh và đánh mãi, cho đến khi động lương tâm giới trẻ trong ngoài nước và động lương tâm thế giới.
Cuộc HMDC tháng 6 sắp tới tại Ba Lan không biết có phải là một dịp tốt để chúng ta bước ra khỏi “con đường mòn” đã đi trong 32 năm qua không? Để cùng nhau nhận định lại và chuyển đổi sách lược đấu tranh.
Trần Bình Nam
May 7, 2007
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com