BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bàn về nội dung cuộc phỏng vấn của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt (do Việt Weekly thực hiện)

10 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 899)
Bàn về nội dung cuộc phỏng vấn của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt (do Việt Weekly thực hiện)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đọc phỏng vấn http://www.vietnamnet.vn/baylenvietnam/2007/01/649371 của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt do 3 nhà báo Lê Vũ, Etcetera Nguyễn và Vũ Hoàng Lân của tờ Việt Weekly ở hải ngoại nhân dịp tháp tùng tổng thống Bush đến Hà Nội tham dự hội nghị APEC trong tháng 11/2006 tôi công nhận tính thành thật của ông Kiệt. Tôi có cảm tưởng ông cựu thủ tướng muốn nước nhà vươn lên để cùng mở mày mở mặt với thiên hạ trên thế giới.

  Nhưng những điều ông Kiệt nói chứa đựng một số mâu thuẫn làm cho sự thành thật của ông trở thành không tưởng, vì cái cơ chế chính trị hiện nay tại Việt Nam mà ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt bênh vực làm cho những điều ông mong muốn không thể thực hiện được. Có một số điều tốt ông nói những người lãnh đạo hiện nay đang làm thì thực tế chẳng những họ không “đang” làm mà còn làm ngược lại. Một điều nữa là độc giả không khỏi thắc mắc: “Tại sao khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị và thủ tướng chính phủ ông Võ Văn Kiệt không thực hiện những điều ông nói mà chờ đến lúc nghỉ hưu với một gia tài kếch xù trong tay ông mới nói.”

Trước đại hội 10 (triệu tập trong tháng 4 năm 2006) ông Võ Văn Kiệt và ông đại tướng hồi hưu Võ Nguyên Giáp, hai người đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam còn có chút uy tín trong dân chúng đã nói với đảng những lời hình như chí tình, đảng cũng chẳng nghe. Giờ đây thỉnh thoảng hai ông lại nói những lời bênh vực đảng. Tôi không thắc mắc gì ở chỗ ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt bênh vực đảng của ông vì đảng viên đảng chính trị nào mà không bênh vực đảng mình. Nhưng sự bênh vực phải dựa trên hai điều kiện: thứ nhất là bênh vực hợp tình hợp lý và thứ hai là bênh vực đảng để bênh vực quyền lợi của đất nước. Cứu cánh của đảng là quốc gia dân tộc, chứ cứu cánh của đảng không phải là sự tồn tại và tích lũy tài sản cho đảng và đảng viên.

 Trên căn bản đó nội dung của cuộc phỏng vấn cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt chứa đựng những mâu thuẫn không thể không bàn tới như web Đối Thoại www.doi-thoai.com đã viết trong lời mở đầu khi (ngày 6/1/2007) cho đăng lại cuộc phỏng vấn phổ biến trên báo điện tử VietNamNet trước đó (ngày 1/1/2007).

 Nói về nguy cơ lớn nhất của Việt Nam hiện nay ông Võ Văn Kiệt xác nhận nguy cơ lớn nhất là đất nước “tụt hậu” và ông nghĩ rằng vào WTO sẽ giúp Việt Nam có cơ hội thu ngắn khoảng cách tụt hậu. Và ông đòi hỏi người lãnh đạo phải có bản lãnh trong cuộc chơi trí tuệ, trí tuệ của lãnh đạo và trí tuệ của dân tộc.

 Ở đây tôi có hai điểm muốn góp ý với ông Kiệt. Trước hết là bản lãnh của người lãnh đạo. Bản lãnh này ở đâu khi người lãnh đạo biết nguyên nhân của sự tụt hậu là do cơ chế chính trị gom mọi quyền hành trong tay đảng, nhưng cương quyết không sửa đổi. Người lãnh đạo có bản lãnh là người lãnh đạo có tầm nhìn để biết vấn nạn của mỗi vấn đề xuất phát từ đâu và có đủ can đảm để giải quyết. Đảng Cộng sản Việt Nam thừa biết rằng cái điều 4 Hiến pháp phi lý không có trong văn bản của bất cứ một nước văn minh nào là nguyên nhân của sự tụt hậu và của mọi vấn đề khác trong xã hội Việt Nam hôm nay nhưng đảng không thay đổi vì sợ mất quyền lợi của đảng. Người lãnh đạo Cộng sản như vậy là thiếu bản lãnh chính trị. Ông Võ Văn Kiệt hình như muốn nhắc mọi người nhớ ràng đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực trong cuộc tranh đấu để Việt Nam vào WTO và để cho Hoa Kỳ chấp nhận quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn giữa hai nước Mỹ-Việt (PNTR). Đồng ý đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực trong cuộc vận động này nhưng vận động vì đảng hay vì dân thì còn hạ hồi phân giải. Vì có được quy chế PNTR với Hoa Kỳ, có là thành viên của WTO mà không chịu cải sửa cái cơ chế chính trị trì trệ thì cuối cùng PNTR hay WTO chỉ là cơ hội cho đảng viên giàu thêm, sự cách biệt giàu nghèo giữa các tầng lớp quần chúng lớn hơn và Việt Nam trở thành cái khâu cung cấp nhân lực cho những nước khác làm giàu trong cái phong trào toàn cầu hóa (globalization) nghe rất là dịu ngọt nhưng là một viên thuốc đắng bọc đường.

 Điểm thứ hai là ông Võ Văn Kiệt nói đến trí tuệ của dân tộc. Ông Võ Văn Kiệt nói đúng vì không có sự đóng góp trí tuệ của dân thì không làm gì được. Nhưng thực tế ông Võ Văn Kiệt cũng biết đảng Cộng sản Việt Nam không khai thác trí tuệ dân tộc. Ai có ý kiến gì khác với đảng thì bị ghép vào tội phản động chống nhà nước và là thành phần nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

 Nói về quan hệ với người Việt hải ngoại ông Võ Văn Kiệt nói đảng Cộng sản Việt Nam cũng như người Việt hải ngoại cần phải có chính sách hòa hợp với nhau. Ông đem việc các tổng thống Hoa Kỳ như Bill Clinton, George W. Bush thăm viếng hữu nghị Việt Nam làm thí dụ hòa hợp giữa hai quốc gia từng là tử thù của nhau để kêu gọi sự hòa hợp giữa đảng Cộng sản Việt Nam với những người Việt hải ngoại. Đây là điểm mâu thuẫn nhất của ông Võ Văn Kiệt và đảng ông. Đảng Cộng sản Việt Nam có thể giảng hòa với Hoa Kỳ cũng như đã từng giảng hòa với Pháp, nhưng đảng lại không có thái độ thật tình muốn hòa hợp với dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu hòa hợp có nghĩa là toàn dân, trong cũng như ngoài nước răm rắp ủng hộ đảng. Ông Võ Văn Kiệt khuyên đừng nên cố chấp với nhau. Nhưng ai cố chấp? Ai đấu tranh cho một hệ thống chính trị đa đảng (trong đó đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng như bất cứ một đảng chính trị nào khác), ai đấu tranh cho nhân quyền, ai phê phán sự lãnh đạo độc tôn của đảng thì đều bị đảng liệt vào thành phần phản động và có hại cho an ninh quốc gia. Nếu dân ở trong nước thì đảng bỏ tù. Ai ở ngoài ngoài nước thì đảng cấm về nước. Vậy đảng Cộng sản Việt Nam cố chấp hay nhân dân và người Việt ở hải ngoại cố chấp?

 Trả lời một câu hỏi rằng đảng Cộng sản Việt Nam hay người Việt hải ngoại coi dân tộc là tối thượng ông Võ Văn Kiệt trả lời nguyên văn:

Họ (có nghĩa là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam) đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng.” 

Và sau cùng ông nói:

Có một điều rất tiếc là vừa rồi thậm chí có một số người Việt căm thù cộng sản đến mức trông đợi làm sao cho APEC thất bại, trông đợi tổng thống Mỹ sang Việt Nam phải bắt buộc Việt Nam chấp nhận điều kiện thế này thế khác, thậm chí họ mong rằng Việt Nam tiếp tục nghèo đói, chỉ vì họ ghét những người cộng sản. Họ cứ cho là họ yêu nước mà thật ra họ làm hại cho đất nước nhất.

 Trước hết không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đánh Pháp giành độc lập và cũng không ai bác bỏ chỗ đứng của 3 triệu đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại chỉ không chấp nhận vai trò độc tôn do chính đảng Cộng sản tự ban tự ban phát cho mình, ghi điều 4 vào bản Hiến pháp để một mình một chợ nắm hành pháp, lập pháp, tư pháp, biến quân đội và công an vốn là những lực lượng của nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ đất nước thành công cụ riêng của đảng. Kể công để biện minh sự cầm quyền không qua sự chấp thuận chính thức của nhân dân tiếng Việt gọi là tiếm quyền, một danh từ không mấy đẹp đẻ. Đáng lẽ đảng Cộng sản Việt Nam để cho một vài đảng chính trị có những triết lý chính trị khác với đảng mình xuất hiện, tổ chức bầu cử tự do để dân chọn đảng cầm quyền. Nếu đảng Cộng sản Việt Nam thắng đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, chắc chẳng ai thắc mắc về chỗ đứng của ba triệu đảng viên như ông Võ Văn Kiệt nói.

 Nói về APEC, không biết ông Võ Văn Kiệt căn cứ vào đâu để nói người Việt hải ngoại mong muốn APEC thất bại. APEC chỉ là một cuộc họp hằng năm của các nước ven Thái bình dương, năm này họp ở nước này, năm khác họp ở nước khác để bàn vấn đề hợp tác chung (trong đó sự hợp tác của Việt Nam chỉ là thứ yếu vì nền kinh tế còn thô sơ), cho nên không có vấn đề thất bại hay thành công. Vấn đề người Việt hải ngoại quan tâm là sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các nước dân chủ trên thế giới là một cơ hội thúc đẩy Việt Nam đi vào con đường cải tổ chính trị để Việt Nam có thể đóng góp xứng đáng vào chương trình phát triển chung của APEC. Nếu không có sự cải tổ đó thì những chương trình kinh tế do APEC đề ra chỉ làm cho cái túi của các đảng viên cao cấp đầy hơn trong khi đại đa số nhân dân đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn đủ mặt như tình cảnh rất thật miêu tả trong những chuyện ngắn của nhà văn nữ trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Tư lớn lên dưới chế độ cộng sản.

Trả lời một câu hỏi khác rằng: “ … nếu người cộng sản thật tâm muốn làm việc với họ, tại sao không chấp nhận một cơ cấu đa đảng hoặc cho phép họ tham gia bằng chính khả năng của họ mà được toàn dân đánh giá chứ không phải họ đòi vào để được ban phát, để có ghế có chỗ gì cả. Ý kiến của ông thế nào?” ông Võ Văn Kiệt đã đánh trống lảng rằng: “ Nếu chúng ta sòng phẳng ngồi nói chuyện với nhau vì đất nước, hoàn toàn có thể gặp nhau được. Cần đấu tranh xây dựng, đấu tranh vì lẽ phải, vì lợi ích dân tộc. Ví dụ đối với những sai trái có hại cho đất nước như tham nhũng, lãng phí, những hành vi làm tổn thương lợi ích dân tộc chúng ta có quyền phê phán để xây dựng ngôi nhà chung của mình.”

Thế nào là sòng phẳng nói chuyện với nhau? Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua chính ông Võ Văn Kiệt và tướng Võ Ngyên Giáp, hai công thần của đảng đã góp ý kiến vào bản báo cáo chính trị và một số người ở hải ngoại cũng đã đóng góp ý kiến. Cuối cùng tính sổ đảng đã chấp nhận bao nhiêu ý kiến? Hay đảng cho rằng các ý kiến khác với nội dung bản báo cáo chính trị dự thảo đều là những ý kiến phản động, có mưu toan diễn biến hòa bình và chống đảng, và bản báo cáo đọc trước đại hội đã chẳng có gì thay đổi so với bản báo cáo dự thảo? Còn chống tham nhũng thì ông Võ Văn Kiệt cũng biết nói cho có lệ, tham nhũng càng chống nó càng lan tràn, quốc gia càng bị xuất huyết như cái đầu Phạm Nhan chặt đầu này nó mọc đầu khác, có khi không những chỉ mọc thêm một đầu mà mọc thêm nhiều đầu một lúc.

Đối thoại với nhau là cần thiết. Nhưng đối thoại muốn có kết quả phải có trọng tài độc lập. Báo chí tư nhân không có thì ai làm trọng tài? Đối thoại trong cung cách ai nói cùng giọng điệu với đảng thì cho là có thiện chí đóng góp, ai nói khác ý kiến với đảng, ai phê bình đảng thì xem là gián điệp, bị mua chuộc và chống nhà nước có phải là đối thoại không?

Đối với hầu hết các quốc gia dân chủ trên thế giới nơi có thể nói chuyện sòng phẳng là quốc hội, tại đó có đại diện chính quyền, có đại diện đối lập. Quốc hội của nước Việt Nam hiện nay có 95% đại biểu là đảng viên đảng Cộng sản. Họ không làm một công việc gì khác hơn là đóng dấu cao su vào quyết định của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam để biến nó thành luật pháp. Vậy làm thế nào để có đối thoại. Chính ông Võ Văn Kiệt, một công thần mà nói nghịch ý đảng (như có một lần trước đại hội 10 của đảng, vì thời gian đó ông Võ Văn Kiệt có nhu cầu đấu tranh chỗ đứng cho đàn em) ông Nguyễn Khoa Điềm, cựu Ủy viên Bộ chính trị cũng không cho phổ biến. Lần này ý kiến của ông có ý bênh vực hành động của đảng với những lời lẽ có thể đánh động lương tâm một số người nhẹ dạ thì được đăng tải. Đối với ông Võ Văn Kiệt đảng còn như vậy làm sao dân có thể nói chuyện sòng phẳng với đảng. Danh từ “sòng phẳng” ông dùng thật không sòng phẳng chút nào.

Trả lời một câu hỏi khác của Việt Weekly ông cho rằng những người lãnh đạo bầu ra sau đại hội 10 đã nỗ lực làm việc. Nhưng theo nhận xét của nhân dân nỗ lực bằng lời thì có, nhưng không bằng hành động. Mọi sự hình như chỉ nhắm vào sự hào nhoáng bên ngoài để tuyên truyền cho sự tồn tại một chế độ chính trị mà ngày nào nó còn tồn tại ngày đó đất nước sẽ còn tụt hậu, luân lý và đạo đức càng suy đồi, đảng viên đảng Cộng sản càng giàu và nhân dân càng ngày càng cùng khổ.

Nói chung ông Võ Văn Kiệt tỏ ra rất trung thành với đảng của ông. Trung thành là một đức tính. Nhưng ông không thật tâm trung thành với nhân dân và đất nước. Ông có thể là người còn có tấm lòng, nhưng ông nói để cứu đảng chứ không phải để cứu nước.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, đã từng chống xâm lăng để giành độc lập và tồn tại như một thực thể riêng biệt. Vào cuối thế kỷ thứ 20, bước sang thế kỷ thứ 21, khi hòa bình đã trở lại hơn ba thập niên, khi thế giới đang trên đà phát huy dân chủ và kinh tế và cùng bước vào sự toàn cầu hóa là cơ hội tốt nhất để dân tộc Việt Nam vươn lên tranh đua với các nước khác trên thế giới, ít nhất là các nước trong vùng Đông Nam Á mà trước đây vài chục năm không hơn chúng ta bao nhiêu. Thế mà thực tế đất nước vẫn còn nghèo nàn tụt hậu thì lý do vì đâu, nếu không phải do lãnh đạo chính trị thiếu bản lãnh?

Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên lịch sử, nhưng lịch sử đang sang trang và đảng Cộng sản Việt Nam không có bản lãnh để làm cho trang sau đẹp hơn trang trước. Muốn duy trì những trang sử đẹp đảng Cộng sản Việt Nam đã viết, đảng cần sòng phẳng với nhân dân. Hãy cải tổ chế độ chính trị cổ hủ của nước nhà để cho đất nước có cơ hội vươn lên.

Ông Michael Gorbachev trong một bài diễn văn đọc cách đây mấy năm tại trường đại học Columbia, Hoa Kỳ nói rằng: “Đảng Cộng sản mà tôi phục vụ cả đời chỉ biết tuyên truyền”. Ông Võ Văn Kiệt cũng đang làm công tác tuyên truyền theo truyền thống của các đảng Cộng sản.

Người dân Việt Nam muốn thấy đảng Cộng sản Việt Nam, gồm những người đang cầm quyền cũng như các công thần đã hết quyền nhưng còn chút uy tín trong đảng trong dân hành động chứ không muốn nghe mãi những lời hô hào mang tính tuyên truyền trống rỗng.

Jan. 10, 2007

Trần Bình Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn