Cuộc tấn công Hà Nội đêm 19/12/1946
Lời người dịch:: Cuộc tấn công Hà Nội tối 19/12/1946 mở đầu chiến tranh 1946–1954, đã được viết đến nhiều. Ở đây, người dịch muốn đưa ra lời thuật của một nhân vật trong cuộc. Chắc chắn lời thuật có nhiều điểm chủ quan, không phải của người dịch. Tựa đề bài viết ngắn nầy do người dịch đặt, trích từ sách S.O.S. TONKIN – SOLDATS DE LA BOUE, của ký giả chiến trường Roger Delpey, Nxb. André Martin, Paru, 1954
Tháng ba 1950, Roger Delpey gặp Fernand Petit tại Paris, viên cảnh sát lai Âu Á nầy là người đã báo trước cho vị tư lệnh Pháp biết tin Võ Nguyên Giáp quyết định tấn công Hà Nội.
Người ta có thể nói rằng nhờ sự can thiệp của Fernand Petit mà thành phố Hà Nội và đạo quân viễn chinh lúc bấy giờ được cứu thoát. Muốn biết câu chuyện xảy ra như thế nào, xin đọc những lời do người giúp việc trung thành của xứ nầy kể lại sau đây:
Lúc đó, tôi là nhân viên ngành cảnh sát Hà Nội. Đã từ lâu, tôi nghe rằng nhiều biến cố rất trầm trọng sẽ xảy ra. Tôi báo cáo lên thượng cấp, và với ý muốn dò nhiều tin tức chắc chắn, tôi đề nghị xin tình nguyện gia nhập bộ đội Việt Minh. Hành động nầy không phải là không nguy hiểm, nhưng tình hình đương thời phải để tôi tiến hành nhiệm vụ. Thượng cấp chấp thuận, và tôi liền được phép thực hành kế họach. Tôi được gia nhập vào đoàn quân cảm tử “Tự vệ”. Đoàn quân nầy có nhiệm vụ “hành động” nổi dậy tại Hà Nội. Không bao lâu tôi được biết đến giờ “H”, ba toán quân võ trang Việt Minh, mỗi toán 10,000 người, sẽ tập trung, toán đầu tại Hà Đông, toán thứ hai sát trường đua và toán thứ ba bên cạnh Nhị Hà và Tây Hồ. Ba toán trên phải đồng thời đứng lên và tiếp hoàn công cuộc của “Tự vệ”. Theo nguyên tắc, quân “Tự vệ” không tác chiến vì công tác nầy giành riêng cho quân chính quy. Họ được lệnh như sau:
1. Dưới sự hướng dẫn các viên chỉ huy Nhật (200 đã đến trại khố xanh từ vài ngày rồi), vào nhà người Pháp (mỗi người tấn công một nhà được chỉ định trước) cướp võ khí đạn dược càng nhiều càng hay.
2. Bắt cóc đừng hành hung tất cả cơ quan trưởng người Pháp.
3. Bắt cầm tù tất cả người Âu và đưa họ đến một địa điểm nhất định ở phía tây thành phố.
4. Giết tại chỗ tất cả tây lai, đàn ông, đàn bà, con nít.
5. Mổ bụng những đàn bà Việt lấy chồng Pháp hay sống chung với họ.
Về phần thường dân Pháp rải rác trong thành phố, Tự vệ phải lo liệu.
Chính huấn lệnh trên đã khuyến khích bọn sát nhân và bọn khủng bố. Tôi theo dõi từng ngày công việc chuẩn bị nổi dậy và tôi báo cáo với các vị chỉ huy Pháp. Cuối cùng tôi khám phá được ngày “J”, ấn định vào ngày 24–12. Nhưng hôm 19–12, vào khoảng từ 17 đến 18 giờ, một người bạn tin cho tôi biết trong đêm ấy cuộc tấn công sẽ khai diễn chứ không phải ngày 24. Lát sau, tôi gặp thượng cấp Tự vệ trực tiếp tại đồn chỉ huy.
Ông ta bảo tôi: “Hãy chuẩn bị, tối nay lúc 20 giờ, đến ngay nơi chiến đấu.” Lập tức, tôi tìm cách vắng mặt để đi báo cáo với bộ chỉ huy Pháp. Tôi xin về thăm vợ con mươi phút. Tên chỉ huy Tự vệ cho phép, nhưng nói thêm: “Nếu anh không trở lại, vợ và con anh sẽ chịu trách nhiệm.”
Tôi còn hai giờ để hành động. Tôi cũng biết lệnh cấm trại mấy hôm nay đã được bãi bỏ từ buổi sáng nay theo lời yêu cầu của Võ Nguyên Giáp vì Giáp cho rằng lệnh cắm trại là một cử chỉ thiếu tình hữu nghị. Tướng Morlière (1) đã bằng lòng thay đổi ý kiến, nhưng sau khi nghe những sự việc mới xảy ra do tôi báo cáo với các cộng tác viên của ông, ông liền lập tức hạ lệnh cấm trại lại.”
Bút tự của Fernand Petit (2) Nguồn/Ảnh: Trần Gia Phụng/Nguyễn Hữu Thứ |
Phản lệnh nầy, đưa ra vào phút chót, đã cứu người Pháp và làm cho việc tấn công của Việt Minh thất bại. Nhận thấy quân đội Pháp được báo động trở lại, Giáp đoán rằng cơ mưu bại lộ, bèn cho thông báo với thủ hạ bãi bỏ cuộc tấn công. Nhưng lệnh nầy không đủ thời giờ thông báo đến mọi nơi và nhất là các đơn vị “Tự vệ” rải rác khắp thành phố; cho nên lúc 20 giờ, súng nổ và chóng trở nên khốc liệt. Nhà máy điện bị phá hủy làm cho thành phố chìm trong bóng tối. Chắc chắn quân đội Pháp được biết trước nên kịp hành động và phản ứng. Nếu quân trấn Hà Nội không được báo động trước, người ta có thể tưởng tượng hậu quả biến cố xảy ra như thế nào.
Thực vậy, binh sĩ thình lình được hết lịnh cấm trại, sau 15 ngày tù túng sẽ phóng ra đi giải trí. Lúc 6 giờ, độ 1,000 quân nhân không võ khí tại hai rạp chiếu bóng Eden và Majestic. Còn bao nhiêu thì vào tiệm cà–phê. Đồn trại bỏ trống. Nếu cú bất ngờ của Giáp thành công, quân trấn Pháp bị tiêu diệt. Chính trước đó vài hôm, Giáp đã xác nhận tại Hội đồng nội các:
“Thưa quý vị, tôi cam đoan rằng người Pháp sẽ bị càn quét trong một đêm.”
Đêm nầy trở nên đêm quan trọng và kéo dài mãi đến 1954. Vì từ bình minh ngày 20/12, người ta thấy bộ mặt thật của chiến tranh Đông Dương sẽ ra sao. Suốt đêm quân nổi dậy lao mình vào các trụ sở và tư thất của dân Pháp và người Tây lai. Những cảnh rùng rợn của trú khu Hérault (3) lại tái diễn. Tra tấn rồi giết chóc và những việc nầy được thi hành một cách tàn bạo hiếm có. Từ 20 giờ, nhiều đơn vị trong quân trấn Pháp tìm cách giải nguy những khu bị vây. Họ chiến đấu để chiếm từng đường phố, từng ngôi nhà, từng căn lầu. Nhiều đám cháy sáng rực trời và những tiến hò hét của quân nổi dậy xen lẫn với tiếng kêu vang của nạn nhân. Tại tất cả các thành phố quan trọng khác ở Đông Dương, trận bão tố như thế bùng nổ. Tuy nhiên, hai ngày sau, trận bão tố nầy mới lan đến Nam Kỳ. Hàng ngàn quân Việt bao vây Nam Định, Vinh, Huế. Hồ Chí Minh liền rời bỏ Hà Nội và để lại thành phố viên phụ tá thân cận: Nguyễn Mạnh Hà, con rể thượng nghị sĩ cộng sản Pháp Marrane. Về sau Nguyễn Mạnh Hà bị chính quyền quân sự Pháp bắt. Giáp tuyên bố lệnh giới nghiêm. Việc đàm phán chánh trị gián đọan; lời nói chuyển qua võ khí.
Huế, 1965
Trần Gia Phụng chuyển ngữ
Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn