BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77668)
(Xem: 63369)
(Xem: 40815)
(Xem: 32451)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lam Sơn 719 : Vùng Hạ Lào tháng 2 năm 1971

22 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 2659)
Lam Sơn 719 : Vùng Hạ Lào tháng 2 năm 1971
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cuối năm 1970, tôi tốt nghiệp từ Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang ngành Cơ khí viên Phi hành trực thăng (gọi tắt là Cơ Phi) chỉ số 43.150PH và được cha mẹ "chạy piston" một phát ra ngay phi đoàn trực thăng mới thành lập là PĐ 233 phi trường Đà Nẵng -Xa xôi diệu vợi-



Từ giã Sài Gòn mà lòng muốn khóc.

 Khi ra trình diện đơn vị thì mới biết Phi Đoàn của mình chưa có cơ sở hay văn phòng gì cả, nên tạm thời anh em Cơ phi chúng tôi được đặc phái cho một trong những phi đoàn trực thăng kỳ cựu của KQ là PĐ 213 Song Chuỳ. Mấy tháng đầu, chúng tôi được cắt đi bay vùng nam Đà Nẵng, quận Đại Lộc và tham dự các trận đổ quân chung quanh đồi 55 (Hill 55) của Trung Đoàn 51 Biệt Lập.

Hai tháng đi bay này là kinh nghiệm rất quí báu đối với chúng tôi để học hỏi trong khi mặt trận chưa có gì sôi động. Vùng I chiến thuật vẫn còn yên tĩnh một phần cũng nhờ các căn cứ hoả lực của BB và TQLC Hoa Kỳ giữ gìn an ninh, Sư Đoàn Americal trấn thủ vùng Chu Lai, Quảng Ngãi cùng với SĐ2BB. Chung quanh Đà Nẵng thì TQLC Hoa Kỳ (USMC). Vùng Huế, Thừa Thiên là SĐ 101 Airborne và SĐ1BB của VN.

Khoảng đầu tháng hai năm 1971, sau khi ăn một cái Tết đầu tiên ở miền Trung thì thời tiết Đà Nẵng bắt đầu lạnh giá đối với những người trong Nam mới ra, chúng tôi được tin từ phi đoàn là sẽ có một cuộc hành quân rất lớn gần vùng phi quân sự (DMZ) hay là Khe Sanh gì đó và PĐ213 sẽ được biệt phái ra Đồng Hà để yểm trợ cho quân bạn. Chiều ngày 10 tháng 2, tôi nghe được tin từ PĐ là cơ phi Nguyễn Hoàng Ánh (cùng khoá với tôi) và Đệ (nhân viên của PĐ213) đã mất tích và coi như là tử trận, vì hai chiếc trực thăng đó đã bị phòng không bắn nổ trên vùng trời Hạ Lào, trong một phi vụ chở bộ tham mưu QĐI và bốn phóng viên ngoại quốc đi căn cứ hoả lực BĐQ Bắc (Rangers North) và BĐQ Nam (Rangers South). Nếu quí vị muốn biết thêm chi tiết về phi vụ đinh mệnh này xin tìm đọc cuốn “Lost Over Laos”, của tác giả Richard Pyle (cựu phóng viên AP ở Sài Gòn). Cơ phi Ánh và Đệ cùng cư ngụ chung cư xá với tôi, cả hai còn rất trẻ và dễ thương như những cậu học trò, thường kể chuyện tiếu lâm và cười đùa với anh em. Anh Đệ người hơi nhỏ con và hay mặc bộ đồ bay Nomex của US Army, vì đã ra trường lâu hơn và có nhiều kinh nghiệm nên thường chỉ bảo những gì anh biết.

Hai tuần sau thì tới phiên tôi được biệt phái ra Đông Hà để tham dự Lam Sơn 719 bên Hạ Lào. Vì mới ra trường nên tôi chưa biết lạnh cẳng là gì, đã không lấy làm sợ mà còn thấy kích thích, còn muốn đi hành quân nguy hiểm. Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn nên chưa bao giờ được biết mùi lạnh lẽo là gì, nhưng sau khi ngủ một đêm đầu tiên ở Đông Hà, thì trời ơi, lạnh gì mà ghê gớm đến teo cả chim đi!!!

Ngày 26 tháng hai, sáng sớm ra tàu để làm tiền phi tôi thấy hơi thở của mình phun ra như khói thuốc thì mới hay độ lạnh đã dưới 5 độ C. Anh xạ thủ răng đánh lạch cạch vì lạnh đang coi lại hai cây M60 và nạp đạn sẵn sàng. Còn tôi và ông hoa tiêu phó làm tiền phi (pre-flight check) chiếc tàu. Chúng tôi nghe phong thanh là tình hình gần biên giới Lào rất nóng bỏng vì các phi vụ ngày hôm trước đều bị bắn tơi bời cả. Mấy phút sau, ông trưởng phi cơ Cao Mạnh Hùng đã ra tới. Anh hỏi vài câu về máy bay và vũ khí rồi kêu anh em chuẩn bị để quay máy, bay vào Khe Sanh túc trực cho QĐI tiền phương hay gọi là Hàm Nghi.

Trên đường vào Khe Sanh, cả hợp đoàn bay thấp dọc theo QL số 9, qua Cam Lộ, Mai Lộc với những trảng tranh và đồi sim bạt ngàn, thì rừng núi bắt đầu cao chớn chở, những vạt mây giăng ngang sườn núi và gió rất lạnh thổi lồng lộng trong con tàu không đóng cửa. Ngoại trừ anh Hùng mặc áo blouson da anh mang từ Mỹ về dầy cộp rất ấm, ai nấy cũng đều phải khoác thêm một áo lạnh của bộ binh vì cái jacket của KQ cung cấp, không đủ sức để chống cái lạnh tàn khốc của miền đèo heo hút gió này. Để có thêm hơi ấm, thuốc lá được thay phiên phì phèo liên miên trong tàu. Khoảng 30 phút sau thì cả hợp đoàn đáp ở phi trường Khe Sanh, đổ đầy xăng rồi bay tới Hàm Nghi để đợi lệnh hành quân từ Quân Đoàn I Tiền Phương.

Hồi Tết Mậu Thân 1968, tôi còn đi học ở trường TH Lê Bảo Tịnh, thì đã từng nghe nói về Khe Sanh hầu như mỗi ngày trên TV và báo chí, vì TQLC Mỹ bị quân Bắc Việt bao vây cả tháng trời, cho tới nay tôi mới đựơc hân hạnh nhìn thấy và đặt chân đến một vùng mà chỉ nghe nói cũng đủ nổi da gà. Thật ra vùng Khe Sanh rất đẹp và hơi giống Đà Lạt về rừng rậm và cây cối, nhưng Đà Lạt không có nhiều hố bom B52 như Khe Sanh. Những đồn điền cà phê có từ thời Pháp thuộc nay bị bỏ hoang, thân cây cao lớn, trái chín đỏ đầy cành cũng không có người lính nào thèm hái xuống rang uống chơi, khi mà chiến trận còn đang khói lửa mịt mù. Ở đây còn những vạt chuối rừng mọc dài theo ven suối, trái chín vàng nhưng ăn tệ lắm, đã lạt nhách mà ở trong còn đầy hột như chuối chát ở dưới miền xuôi.

Khi đang chờ đợi ở Hàm Nghi, tôi và anh xạ thủ check lại tàu và vũ khí lần nữa cho chắc ăn, đâu đó cũng có những Phi Hành Đoàn móc bài ra binh xập xám "chay" cho qua thời giờ. Chẳng bao lâu thì thấy anh SQKQ liên lạc của QĐI gọi tất cả trưởng phi cơ vào họp trong trung tâm hành quân TOC (Tactical Operating Center). Vài phút trôi qua thì anh Hùng trở ra cho biết phi vụ này sẽ chở các phóng viên ngoại quốc. Nghe vậy tôi khoái quá vì nghĩ là phi vụ này cũng nhẹ nhàng. Chốc lát sau có khoảng 4 hay 5 phóng viên đeo máy lỉnh kỉnh, đồ đạc lùm đùm chạy lúp xúp ra tàu, trong số đó có một bà phóng viên Mỹ làm cho tuần báo Time ngồi kề bên tôi. Di chiến trường Khe Sanh chắc lâu ngày không tắm rửa gì nên bà hôi nách thấy mồ tổ, gió trực thăng mạnh như thế mà tôi còn muốn ngạt thở !!! Bà thấy tôi nhăn nhó như con khỉ ăn mắm tôm nên móc ra gói Salem mời cả Phi Hành Đoàn hút (cũng đỡ vã).

Hầu hết phóng viên chiến trường đều mặc đồ nguỵ trang nhìn giống như biệt kích. Phi vụ này được hai chiếc Gunship Cobra của Lục quân Mỹ hộ tống. Hợp đoàn ba chiếc giữ cao độ chừng 5 tới 6 ngàn bộ bay về hướng Tchepone (Sepone) dọc theo QL9 và sông Tchepone.

Tôi vốn thích cảnh núi đồi hùng vĩ, thì được ngay dịp này mà ngắm cho bằng thích. Chưa vào tới nơi, mọi người nhìn về phía nam thì thấy từng cây số, khói lửa bừng lên trên màu xanh thẫm của núi rừng-B52 đang trải thảm - Được gãi trúng chỗ ngứa, các phóng viên click camera lia lịa. Thế nhưng chúng tôi nhận được lệnh phải quay 180 độ trở lại Hàm Nghi vì đại bác phòng không chào đón, nổ đầy trời như những cục bông gòn. Thứ này là khắc tinh của Trực Thăng vì tốc độ chậm như vậy sẽ làm mồi ngon cho các đồng chí.

Về tới Khe Sanh bỏ các phóng viên xuống, vừa bay đi đổ đầy xăng thì tàu tôi nhận được lệnh đi tải thương cho SĐ Dù ở gần đồi 31. Anh Hùng dặn dò anh em cẩn thận trong phi vụ này, bởi vì nguyên một Lữ Đoàn Dù ở đồi 31 (Hill 31) đã bị tràn ngập (over-run) đêm vừa qua và họ đang chạy về hướng đồi 30. Tôi nghe thấy cũng hơi sợ, vì biết rằng trực thăng của Ánh và Đệ cũng bị bắn nổ tung trong vùng đồi 31 này, và L19 còn cho biết là quân Bắc Việt keo này chơi toàn là súng lớn từ 12 ly trở lên tới 57 ly, điều chỉnh bằng radar. Phi vụ này có hai gunship của PĐ213 bay hộ tống cho chắc ăn hơn các anh Cobra của Mỹ. Vô gần tới địa điểm thì anh Hùng và hai gunship bay thật thấp để tránh phòng không nên rất khó tìm thấy LZ. Quân Dù ở dưới đất gọi máy cho biết họ bị địch bám rất sát, nên không thể sử dụng được khói màu, nên phải trải panel vải màu cam để nhận diện bãi đáp.

 Bay hai ba vòng chung quanh các ngọn đồi cây cao dầy đặc, như phơi bụng phệ cho chúng bắn thì tôi mới thấy tấm vải màu cam, trải ra trên một sườn đồi mà cây rừng mới được đốn hạ. LandingZone nhỏ quá lại trên thế đất slope, gốc cây chĩa lên như một bãi chông coi ghê quá ! Tôi nói với anh Hùng trên intercom "Tôi thấy Panel màu cam ở hướng 3 giờ". Anh Hùng liền bay đảo lại và gọi: "Song Chuỳ 2 thấy bạn rồi, xin cho mật mã". Dù: "Song Chuỳ 2 nhận 5 trên 5. Đây là Quang Trung 1, mặt trời mọc".

Biết là đúng đơn vị bạn (ngay cả phi công Mỹ cũng đôi khi bị VC lừa, bởi vì địch cũng nói được tiếng Anh để dụ trực thăng Mỹ đáp rồi phóng B40). Anh Hùng nói trên intercom: "Cơ Phi và Xạ Thủ coi chừng hai bên, clear bãi đáp".

Cả hai nhận lệnh và tôi đã sẵn sàng chong cây M60 lên, Vẹm mà có ào ra là sẽ "Sinh Bắc tử Nam" ngay. Tàu vừa xuống thấp và tốc lực khoảng 30 knots rồi chậm dần để vào final approach thì tôi nhận thấy bãi đáp trước mặt rất ngặt nghèo, nó nhỏ có chút xíu và bao bọc xung quanh là cây rừng cao lớn.

Thường thì Trực Thăng của VNAF mình, trưởng phi cơ sẽ ngồi ghế phải và Cơ phi cũng ngồi bên phải, nhưng vì chiều gió và sườn đồi không thuận nên anh Hùng phải cho tàu đáp về bên trái. Vì lý do đó cho nên anh không thấy bãi đáp trọn vẹn như phía bên hoa tiêu phó. Một phần nữa là anh em Dù di tản và chiến đấu cả đêm qua, đã quá mệt mỏi cho nên đâu còn sức mà đốn cây cho rộng, trong khi VC cứ nghe tiếng động đốn cây là pháo kích liền.

Anh Hùng, một tay hoa tiêu từng tốt nghiệp khoá Mèo Đen (BlackCats) của Mỹ ở Non Nước, Đà Nẵng nên tay lái rất vững vàng, nhưng vì sức gió trên đồi rất mạnh, "hover" rất khó khăn, anh đặt được một skid trên bãi đáp lởm chởm, giọng của anh xạ thủ nói lớn trên intercom: "Clear Left".

Anh Hùng mặc dù trở ngại vì không thấy phía bên trái nhiều, nhưng ráng giữ hover cho các anh em Dù đẩy được một số thương binh và hai poncho xác chết lên sàn tàu. Tôi nghe tiếng AK lóc cóc từ triền cây phía dưới và bên phải bắn vào tàu. Tôi nói trên intercom: "Có AK bắn hướng bên phải", rồi nhoài người ra bắn trả được hai tràng dài thì kẹt đạn. Mẹ cha nó, lúc này mà kẹt đạn thì có tức không? Nhưng có lẽ cũng không cần thiết phải bắn nữa, vì lúc đó tôi thấy địch quân lô nhô dưới chân đồi bắt đầu chạy tán loạn, hai ông nội Gunship nhào xuống bắn minigun như bò rống và rocket phụt ra từ hai bên xối xả.

Trong lúc tàu vừa nhốm lên cất cánh, sức nặng của thương binh cùng với sức gió đã làm con tàu chao nghiêng về phía trái, trong tích tắc cánh quạt lớn đã chém vào ngọn cây rừng kêu một tiếng "đùng" rất lớn như đạn pháo kích. Hoa tiêu phó la lên "Tàu chém cây rồi!", thân tàu rung lên bần bật, tôi suýt té đái trong quần . Anh Hùng báo cáo cho Gunship: "Tao chém cây, có thể thiệt hại, nhưng ráng cất cánh". Vừa nói xong anh nhấc tàu lên cao, quẹo về hướng phải, chúi mũi để lấy tốc độ, rồi lên cao dần. Lúc đạt được khoảng 60 knots thì tàu bị rung và nhảy nhổm kỳ cục như là cưỡi ngựa.

Anh Hùng gọi: "Lead Guns, Song Chuỳ 2 bị thiệt hại phải bay chậm, yêu cầu cover cho về tới Kilo Siera". Lead Gunship: "Okay, an tâm, tao đang đi sau mày đây".

Chúng tôi về đến Khe Sanh lúc trời đã về chiều, từng làn bụi đỏ bay lên ào ạt theo gió cánh quạt. Đã qua một ngày khói lửa, tiếng đề ba của dàn trọng pháo 175 ì ầm bắn về hướng núi. Đài Tiếng Nói Tự Do đang phát ra trên tần số FM radio của máy bay, bản nhạc Bên Cầu Biên Giới qua giọng hát Lệ Thu. Ngồi đây nhìn xuống giòng sông chảy ngoằn ngoèo xuyên qua chân núi phía dưới xa kia, cũng có chiếc cầu nơi vùng biên giới thơ mộng, nhưng đâu còn vẻ yên bình như trong bài hát tiền chiến đó.

Ở miền xuôi nơi phố chợ hay đô thành, người ta vẫn ăn, vẫn chơi, vẫn đêm đêm nhảy nhót trong ánh đèn màu. Cha mẹ, anh em tôi, người em gái bé nhỏ còn áo trắng đến trường vẫn thản nhiên trong cuộc sống, họ đâu biết chúng tôi vừa thoát chết trở về. 

RỚT Ở HẠ LÀO

Ngày xa xưa đó, KQ có rất nhiều ngành được cho đi du học, nhưng cái ngành Cơ Phi của tôi thì có nằm mơ cũng không được xuất ngoại. Ai cũng ham đi, vì không những được biết đó biết đây, mà sau một thời gian ngắn, khi về nước ít nhất cũng có tí tiền còm sắm được chiếc Honda hay cái Lam-Brét-Tuýt chở đào vi vút. Ấy vậy mà sau cùng số trời đã định, tôi cũng được "xuất dương" !! Cho dù là đi qua Lào ... và bị bắn rớt bên đó mà chẳng được ăn cái giải rút gì.

 Ngày 28 tháng Hai, năm 1971….

Hôm nay là ngày thứ ba tôi được đặc phái bay cho Biệt Đội Tiền Phương đóng tại Đông Hà, yểm trợ Hành Quân Lam Sơn 719 và cắt bay với phi hành đoàn mới, Tr/u Đạt, Trưởng Phi Cơ, Thiếu Uý Bi, Co-pilot, và anh xạ thủ tên Thuận mới thuyên chuyển từ Bộ Binh qua, anh khá lớn tuổi so với đám cơ phi trẻ măng như tôi.

Hai chiếc trực thăng danh hiệu Kingstar 4 và 5, lead bởi Thiếu Uý Phúc của PĐ213, trên đường bay vào Khe Sanh phải đáp ở Tà Lu (LZ Vandergrift) để đổ thêm xăng. Chúng tôi được lệnh stand-by cho SĐ1BB, nên xúm vô "binh xập xám" cho qua thời giờ, đứa nào không còn tiền mà cũng không muốn chầu rìa thì giăng võng nằm ngủ hoặc đọc sách báo. Khoảng 10 giờ sáng trời bỗng bớt sương mù và Thiếu Uý Phúc (lead slick) nhận được lệnh bay vào Căn Cứ Hoả Lực Hồng Hà 2 để tiếp tế và tải thương cho Trung Đoàn 3/SĐ1BB.

 Căn Cứ Hoả Lực Hồng Hà 2 được chiếm giữ và phòng thủ bởi Trung Đoàn 3. Đó chỉ là một ngọn núi nhỏ vô danh với cao độ dưới 2000 bộ nằm bên đất Lào, về phía Nam của Lao Bảo và QL 9. Mặc dù không tên tuổi trên bản đồ nhưng nó đã trở thành một căn cứ chiến lược trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, bởi vì nằm chặn ngay yết hầu của đường mòn HCM, cho nên con cháu Bác dù bất cứ giá nào cũng phải "Bứt gọn, diệt gọn". 

HH2 có hai bãi đáp, một bãi nhỏ dành cho UH-1 nằm kế bên Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, và chừng 50 thước về hướng Nam là một bãi đáp rất rộng dành cho trực thăng lớn như CH-47 hay CH-53 dùng di chuyển Đại Pháo 155 ly. SĐ1BB cho PHĐ biết là tình hình nguy hiểm nhưng không đến nỗi tệ. Sau này tôi mới biết là nhiều tin tức tình báo, quân báo đã bị che dấu vì họ sợ anh em KQ từ chối phi vụ. Bởi vì sự thật rất là phũ phàng, HH2 đã bị bao vây nguy ngập cả mấy ngày nay và nhiều trực thăng HK đã bị bắn rớt, cho nên họ đã không đảm nhận những phi vụ mới vào bãi đáp này nữa và gọi là "Hot LZ". Th/u Phúc biết là phi vụ này rất nguy hiểm cho nên anh ra lệnh cho tất cả anh em hãy chuẩn bị sẵn sàng như Kinh Kha sang Tần, có người còn thủ theo cây M16, bình tông nước và gạo xấy, nhất là mấy anh xạ thủ đã từng ở BB nên kinh nghiệm về vụ này lắm, lỡ có rớt còn có cây súng hộ thân và đồ ăn nước uống để cầm cự chờ được cứu.

Hai chiếc UH-1H nặng nề đồ tiếp liệu, thực phẩm và đạn dược vun vút quay máy rồi theo nhau cất cánh, bay rà trên ngọn cây hướng về phía tây nam đèo Lao Bảo, qua khỏi Làng Vei, vượt biên giới Việt-Lào dọc theo QL9, thì hợp đoàn "rendez-vous" với hai AH-1 Cobra gunship của Air Calvary HK bay hộ tống. Cả hợp đoàn bốc lên cao độ 5000 ft rồi bay về hướng Nam của QL9.

Trên đường vào mục tiêu thì thời tiết tốt, chỉ có ít sương mù rải rác khắp nơi phía dưới tàu. Phía bên trái là dãy núi Co Rọc của vùng A-Lưới âm u kỳ bí. Tôi nhìn thấy đường mòn HCM chạy dài từ Bắc xuống Nam với màu đất đỏ quạch giữa chốn núi rừng xanh thẫm, rồi la thầm: "Cái này mà gọi là đường mòn mẹ gì? Rộng thênh thang như xa lộ Biên Hoà, mà có tới mấy đường chớ không phải một". Nhìn về hướng trước mặt, tôi thấy B52 mới vừa trải thảm xong gần chung quanh LZ, khói của hàng trăm quả bom còn đang ngùn ngụt, cho nên chúng tôi cảm thấy an lòng hơn, chắc là con cháu bác Hồ đã bị bom lửa nướng chín như heo quay rồi. Đoàn tàu giảm cao độ để sửa soạn vào LZ thì đại pháo phòng không BV đủ loại từ nhiều cao điểm chung quanh bắn lên như hoa đăng trên bầu trời, tôi nghĩ thầm: "Mẹ kiếp! không khác gì phim Twelve O’Clock High trong đài TV Mỹ". Trong khi đó hai anh AH-1 Cobra Mỹ bắt đầu tách khỏi hợp đoàn VNAF để xuống thấp ‘prep’ các vị trí phòng không của địch bằng cách phóng rocket chống biển người với làn khói màu hồng.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy loại hoả tiễn này. Mãi về sau KQVN mới có thứ đặc biệt đó, ban Vũ Khí Dưới Đất mở đầu đạn ra thì nó chứa hàng ngàn cây đinh, nhìn giống như mũi tên xanh lè màu thép và nhỏ chỉ bằng cây tăm mà thôi, đầu nó nhọn như mũi đinh đóng guốc, nhưng đuôi xoè ra bốn cánh như đuôi bom. Thứ này khi trúng vào người thì vết thương bít lại làm địch quân rất dễ chết, cho dù không thấy chảy máu gì hết.

Những trái đạn đại bác phòng không bắn lên nổ từng đám khói như tụm bông gòn càng lúc càng nhiều. Trong tần số VHF, mấy anh Cobra la chói lói "Ground Fire! Ground Fire!", chỉ một lát sau hai anh Cobra đã chuồn đâu mất tiêu chỉ còn lại hai chiếc Huey của VNAF mình giống như gà tồ vào làm mồi cho chó sói. Thế là mấy cây M60 của chúng tôi bắt đầu bắn rải hai phía bên hông. Th/u Phúc đã vào bãi đáp trước, nhưng ông bị một viên AK bắn bể đầu gối, thân tàu cũng bị bắn trúng nhiều chỗ, đèn báo nguy màu đỏ nổi lên quá nhiều nên Copilot phải tắt máy khi vừa chạm mặt đất. Cả PHĐ chạy xuống giao thông hào ẩn trú với hy vọng chiếc trail sẽ nhào xuống pick up, nhưng khi slick #2 vào final approach thì bãi đáp đang bị pháo kích tơi bời. Tôi nhìn qua LZ kế bên dùng cho pháo binh thì thấy xác trực thăng Mỹ nằm ngổn ngang, có cả chiếc trực thăng khổng lồ CH-53 Sea Stallion của TQLC Mỹ nằm kề một chiếc OH-6 (Loach), mấy chiếc này đã bị bắn rơi mấy ngày trước đây khi ráng di tản mấy khẩu 155 ly.

Tr/u Đạt muốn cứu PHĐ nên cũng ào vô hover kế bên cạnh chiếc lead slick đã tắt máy. Lúc đó pháo kích quá dữ dội cho nên PHĐ chiếc kia không thế nào nhào lên chiếc trail của mình. Trong tích tắc, cơ phi, xạ thủ và một anh SĐ1BB đi theo đã đẩy thực phẩm và đạn duợc supply ra khỏi tàu. Nhìn ra ngoài, tôi thấy ‘in-coming’ nổ gần LZ không ngừng, tiếng anh xạ thủ thét trong Intercom "Tôi bị thương rồi".

Lúc này mà còn chần chờ là chết, ông Đạt hét trong mike "Clear to take off", rồi dùng hết sức kéo collective stick, đẩy cần cyclic stick ra phía trước để cất cánh, tôi nghĩ chắc là tàu sẽ bị over-torque với sức kéo mãnh liệt này. Tàu đã nhấc skid chúi mũi cất cánh về hướng Nam của đồi, để lấy thêm sức nâng và tăng thêm tốc độ.

Những người từng bay vùng núi rừng Đà Nẵng hay Pleiku đều biết qua cái cảm giác lạnh cẳng khi đáp hay cất cánh từ những Hot LZ. Lúc đó tốc lực của chiếc trực thăng rất chậm nên thường trở thành một cái bia lớn cho các đồng chí con cháu Bác thực tập tác xạ. Một trong những cách để tránh né phòng không của ‘HOT LZ’ là dùng phương pháp lá vàng rơi "High overhead auto-rotation" giảm cao độ thật nhanh từ mút trên không để đáp xuống LZ cho được an toàn, nhưng pilot phải là những tay đầy bản lãnh và kinh nghiệm mới "thảy lỗ" được. Cũng nên biết phòng không VC vùng Hạ Lào là những tiểu đoàn kinh nghiệm từ miền Bắc đưa vào, họ từng bắn rớt nhiều phản lực của HK trong những cuộc không tập Linebacker I & II ngoài đó. Theo tin tình báo của HK cho biết có hơn sáu tiểu đoàn đã được thuyên chuyển về vùng Hạ Lào để đương đầu với không lực HK & VN. Pilot của KQ HK đều công nhận là hệ thống AAA (Anti-Aircraft-Artilery) ở vùng Hạ Lào không thua gì ngoài BV. Kết quả là trên 300 trực thăng đủ loại đã bị bắn rơi sau khi cuộc Hành Quân LS 719 chấm dứt.

Để tiếp tục câu chuyện, Kingstar 5 lúc này đã đạt tốc độ 50 knot, nhiều cục lửa bay về hướng tàu không ngừng, một trong những viên đạn này (Tôi đoán cỡ 37 ly) lao vào tàu trúng ngay hộp số rồi nổ tung phía sau lưng tôi. Lửa và khói bộc phát mãnh liệt, tôi nghĩ thầm: "Thôi thế là đời mình chấm dứt ở đây, đành bỏ xác ở nơi xứ lạ quê người rồi". Tất cả đèn phi cụ đều bật đỏ, ông Đạt hét lên trên tần số Guard: "Mayday! Mayday!".

Tất cả phi cơ HK hay VN tham dự Lam Sơn 719 luôn luôn để tần số khẩn cấp Guard đề phòng khi bị bắn rơi thì những phi cơ đang bay trong vùng sẽ nghe để cấp cứu.

Tr/U Đạt liền Autorotation xuống thung lũng trước mặt, ông biết chần chờ là tàu có thể nổ tung. Tôi thấy rừng cây càng lúc càng gần, trong tích tắc tàu rơi trúng ngay một khoảng rừng cây nhỏ cái ầm, tàu không bị lật nhưng càng đáp (skid) đã xụm bà chè. Tôi liếc nhìn chung quanh thì thấy anh xạ thủ đã bị thương, liền nhào qua phụ với người lính BB của SĐI kéo ảnh ra khỏi tàu. Tr/U Đạt và Th/U Bi cũng đã giật jettison mà nhảy ra khỏi cửa. Chúng tôi chạy ra khỏi tàu chừng 15 thước thì lửa đã tràn tới bình xăng nên con tàu đã biến thành một vòm lửa vĩ đại, khói đen bốc lên trời ngùn ngụt.

 Dân phi hành khi rớt xuống đất cũng giống như cá ra khỏi nước nên ai cũng lo lắng, chúng tôi đều rút súng ru-lô P.38 ra cầm tay, anh Bộ Binh thì thủ cây M16 đề phòng mấy anh Vẹm thế nào cũng lò mò tới.

 Chúng tôi biết là mình rớt không xa HH2 lắm, nhưng chỗ này nằm trong một lòng thung lũng nên nhìn chung quanh chỉ thấy rừng cây và đồi núi trùng điệp. Vẹt bờ bụi gai góc mà đi một lúc lâu, chúng tôi đã thoáng thấy HH2, phần lớn là vì nhờ thấy khói đạn pháo kích bốc lên từ căn cứ này. Tuy đã xa chỗ tàu rớt hơn nửa cây số mà quay lại vẫn còn thấy khói bốc lên đen cả một khoảnh rừng.

Cây cối đã cao lớn, mà cỏ voi rậm rạp cũng cao lút đầu người nên chúng tôi như mấy con gà con chui vào ruộng lúa. Những tràng AK bắn hú hoạ lẫn tiếng hét: "Bắt lấy chúng nó, mấy thằng giặc lái máy bay lên thẳng".

 Tr/U Đạt dẫn đầu, tôi và anh BB thay phiên dìu anh Thuận và Th/u Bi thì đi đoạn hậu, cả toán lếch thếch hướng về HH2. Mặc dầu không mở miệng nhưng trong bụng thì ai cũng lo rằng mấy anh Vẹm đang đuổi theo sát nút và sẵn sàng làm thịt hết cả đám, vì có tiếng động của nhiều người di chuyển và nói giọng Bắc rặt. Thế là PHĐ chúng tôi âm thầm đi thật nhanh về hướng đỉnh đồi hy vọng sẽ thoát khỏi vòng vây đang xiết chặt.

Rớt máy bay trong rừng rậm mà không mất mạng là một điều hy hữu, sau đó được sống sót rồi lội rừng đi tìm quân bạn thì chỉ nhờ may mắn và ơn trên mà thôi chứ không phải là tài giỏi hay kinh nghiệm gì. Đây đúng là dịp để chúng tôi học Mưu Sinh Thoát Hiểm, nghe tiếng tụi nó là mình phải nằm im re. Trời lúc này đã quá trưa nên rất nóng, chúng tôi vừa mệt vừa khát nước nhưng vẫn phải tiếp tục leo trèo trên những mỏm đá đầy gai nhọn và giây rừng chằng chịt, cả toán cứ thế mà đi theo trưởng toán là Tr/u Đạt.

 Hơn hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã leo được khoảng 2/3 ngọn đồi thì ngửi thấy mùi hôi thúi kinh khủng từ xác chết của VC trải khắp triền đồi, họ đã bị các đồng chí thân yêu bỏ lại khi tấn công biển người mấy ngày nay. Thân thể họ bị bom mìn băm nát, AK47, B40 nằm lẫn lộn với xác người. Khi trèo lên gần tới vòng đai kẽm gai chằng chịt, ông Đạt ra hiệu dừng lại vì biết mìn Claymore và lựu đạn đầy dẫy trong đó. Lính gác và Bộ Chỉ Huy Tr/Đ3 đang dùng ống nhòm nhìn xuống nên họ la lên "Dừng lại! Chúng tôi sẽ gởi người xuống hướng dẫn các anh lên". Giây lát sau, một anh BB cẩn thận đi xuống tránh từng quả mìn rồi dẫn chúng tôi đi ngược về trên đỉnh đồi nơi có BCH Trung Đoàn. Đây là một cái hầm kiên cố làm bằng bao cát chất lên rất dầy có lẽ đến hơn 10 thước, lối vào hầm là một giao thông hào hình chữ chi có nhiều bao cát tấn hai bên.

Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, khi vào tới hầm Bộ Chỉ Huy thì cả hai PHĐ gặp nhau. Th/u Phúc cho biết đã liên lạc được với Hàm Nghi (Khe Sanh)và họ sẽ tìm cách cho trực thăng tới để rescue. Chúng tôi người nào cũng hốc hác và lo sợ bởi vì nếu PĐ213 không vào cứu, mà đêm nay còn ở đây thì chỉ có nước đi đái mà thôi. Chính ông Trung Đoàn Trưởng tiên đoán là căn cứ sẽ bị over-run tối nay, lính tráng và cả Bộ Chỉ Huy đã cạn thực phẩm, nước uống và đạn dược nên không còn cách nào khác là chờ đêm tối sẽ rút lui ra khỏi HH2, mà di tản như vậy làm sao ông có thể bảo vệ chu toàn được cho PHĐ. Ông Đạt liền mượn máy FM gọi về Hàm Nghi và liên lạc được với Đ/uy Kỳ, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ213, ông cho biết sẽ đích thân vô cứu và ra lệnh cho anh em phải ra sát bãi đáp kể cả người bị thương.

 Lúc này cả căn cứ oằn mình chịu những loạt pháo kích nặng nề, mặc dầu lúc đó về hướng Đông Nam, một phi tuần F4 Phantom đang được FAC (Forward Air Control) hướng dẫn dội bom. Tôi thấy rõ ràng khi nhìn qua công sự: Một chiếc F4 nhào xuống thả một trái bom 500lb vào ngay chỗ chiếc trực thăng của tôi vừa mới rớt, và khi nó ngóc lên, thì cao xạ bắn lên đầy trời, chiếc F4 bị trúng đạn và khói phun ra dưới cánh nhưng nó không rớt, mà ráng tiếp tục bay về hướng Tây.



Năm 2003 vừa qua tôi có vào một Web Site của cựu pilot OV-10 Bronco của KQHK, chúng tôi trao đổi email thì một trong những hoa tiêu đã từng bay Lam Sơn 719 cho biết là ngày đó trong lúc chiếc trail slick của tôi bị bắn rớt, ông đang bao vùng và đã được chứng kiến cảnh ngộ hy hữu này. Trước tiên, ông nghĩ là cả PHĐ bị chết hết vì tàu đã bốc cháy lúc còn ở trên không, nhưng một lát sau, quan sát viên là SQ/VN nhìn ống nhòm thì thấy cả PHĐ đều sống sót nên họ đã gọi về Hàm Nghi xin phi vụ F4 để yểm trợ nếu có trực thăng đi cứu. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, thì một phi tuần Phantom bay tới trên không phận của HH2, nhưng đợi hoài không thấy t/t rescue nên FAC ra lệnh hai chiếc F4 dội bom xuống ngay địa điểm chiếc t/t rớt để giết bọn VC đang bao vây chung quanh. Nhưng thật chẳng may, một trong hai chiếc F4 bị trúng đạn nên họ phải kè nhau ráng bay về căn cứ ở Thái Lan.

Mãi tới 2g chiều, Tr/U Đạt nhận được tin từ Hàm Nghi là sẽ có t/t vào rescue, anh ra lệnh 2 PHĐ phải chuẩn bị sẵn sàng và dìu các anh em bị thương tới thật gần bãi đáp. Lúc này, chắc là các cháu ngoan của Bác đang ăn cơm hay đánh giấc ngủ trưa mà pháo kích ngưng hẳn. Trời về chiều nóng như thiêu đốt (đúng là xứ Lèo, đêm thì lạnh ngày thì nóng) chúng tôi khát nước nên quên cả đói, thì cả bọn mừng như điên khi nghe thấy tiếng phuạch phuạch quen thuộc từ hướng Đông Bắc đi tới. Bãi đáp đã nhỏ thì chớ lại bị chiếc lead slick nằm choán chỗ chỉ còn một miếng sân nhỏ như cái dạng háng, rất khó để thảy lỗ. Chỉ ít giây sau thì Đ/uy Kỳ vào không phận HH2, ông overhead-autorotate từ trên cao như một con đại bàng xà xuống bắt mồi, nhưng thật không may ông lại đáp lộn bãi, nơi đó rất xa nơi anh em chúng tôi đang ẩn trú. Hovering khá lâu mà không thấy ai chạy ra, ông đoán là mình đáp lộn chỗ hoặc đã xảy ra sự gì cho PHĐ rồi vì lúc này đạn pháo kích nổ bời bời, ông bèn cất cánh về hướng Tây Bắc đi sát ngọn cây mà ra khỏi HH2 với một con tàu trống lỗng !!!

Bay ra khỏi HH2 chừng 5 phút, ông Kỳ lại liên lạc với Trung Đoàn 3 lần nữa và xin nói chuyện với PHĐ, ông đã hỏi Tr/u Đạt nhiều chi tiết để biết chắc là chúng tôi đang ở chỗ nào. Thế rồi ông quay mũi tàu 180 độ ngược trở lại và đi ride-smooth sát đọt cây mà trở lại LZ, đại pháo phòng không còn làm gì được nữa nên tụi VC nổ AK như bắp rang với hy vọng sẽ bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng đơn côi này. Phải tài ba lắm nên với tốc độ như thế mà không cần đảo vòng, ông Kỳ đã hover sát giao thông hào của tụi tôi, chúng tôi đẩy được thương binh lên tàu rồi 6 anh em còn lại phóng vào thân tàu nhanh như sóc, việc xẩy ra rất lẹ nhưng cũng có ít nhất 4 hay 5 binh sĩ núp gần đó nhảy lên trốn ra khỏi căn cứ này. Trọng pháo 130 ly và hoả tiễn 122 ly giã tới tấp vào HH2 không ngừng, vì đề-lô Vẹm biết là tt cấp cứu đang trên bãi đáp. Khi biết là anh em lên đuợc đầy đủ, ông Kỳ cất cánh rất khó khăn vì tàu chở quá nặng lại gió xuôi, ông cho tàu chúi mũi ra phía thung lũng trước mắt để lấy tốc độ và từ đó ride-smooth đi ra khỏi HH2.

 Mấy anh Vẹm dưới chân đồi đồng loạt tiễn đưa bằng những tràng AK dòn như pháo Tết, nhiều viên trúng ngay thân tàu nhưng cũng may không nhằm chỗ quan trọng. Chúng tôi nửa mừng nửa sợ: Mừng vì đang ra khỏi chỗ đầy nguy hiểm, sợ là vì tt có thể trúng đạn và mình lại rớt xuống lần nữa. Trong tàu chật cứng đầy người như hộp cá mòi sardine, tôi chỉ biết nhắm mắt cầu trời cho qua giây phút hiểm nghèo này.

Hết nghe tiếng đạn bắn, ông Kỳ biết là đã an toàn nên kéo tàu lên cao và đổi hướng bay về Khe Sanh. Khoảng 15 phút bay, tàu đã tới biên giới vùng QL9/Lao Bảo, cả PHĐ ai cũng mừng rỡ vì biết là mình lại được sống thêm một ngày nữa, còn tôi cảm thấy như mình vừa mới hồi sinh. Với tuổi trẻ như tôi (20 tuổi) mà đã phải va chạm với tử thần mấy lần trong một tuần lễ thì quả là cuộc đời mình đen như mõm chó. Tôi tự an ủi: Ai cũng có số phần cả, lo lắng mà làm quái gì .

Tàu vừa đặt càng skid xuống bãi đáp Hàm Nghi, thì từ Trung Tâm Hành Quân nhiều phóng viên trong và ngoài nuớc đã đổ xô ra chụp hình và phỏng vấn Phi Hành Đoàn, tôi lủi thủi đến bên cạnh anh lính BB đang đứng gác, gật đầu chào rồi tháo nắp bình tông của anh ta mà ngửa cổ uống vội vàng đến nỗi nước tràn đầy lên mặt.

xxxxxx

Lời Cuối Bài:

Cuối năm 2003, tôi có điện thoại cho cựu Tr/T Kỳ đang ở Virginia để vấn an thăm hỏi, khi đề cập đến phi vụ ngày ấy, thì được ông cho biết thêm chi tiết này:

-Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm (Tư Lệnh HQ LAMSON 719) khi hay tin hai chiếc VNAF t/t bị bắn rơi, đã ra lệnh không được gởi t/t vào cấp cứu nữa vì quá nguy hiểm, chỉ thí thêm máy bay mà thôi. Ông Kỳ đã không tuân lệnh trên, âm thầm để Cơ Phi, Xạ thủ và Copilot ở lại Khe Sanh, một mình cất cánh bay vào HH2 mà chẳng có Gun-ship, hay Cobra nào đi hộ tống cả.

 Nhờ tài năng, sự hy sinh và can đảm của ông, mà mấy anh em chúng tôi còn sống cho tới ngày hôm nay. Anh Đạt hiện nay cư ngụ ở Cali, anh Phúc (được giải ngũ năm 71 vì ‘inap’ bể đầu gối) cư ngụ tại Arizona. Th/u Bi của PĐ233 đã tử trận ở Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi năm 1972.

Tôi xin cảm ơn những cấp trên: KQ Đạt, KQ Phúc, và KQ Kỳ đã giúp nhiều chi tiết để đóng góp cho hồi ký này được thêm phần đầy đủ và chính xác.

Cựu Cơ Phi T/T Thông, SĐ1KQ/KĐ51/PĐ239

Viết ngày 16 tháng 10, năm 2004 tại Richardson (Dallas), Texas, USA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn