BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghị quyết của Quốc hội châu Âu 1481 và Việt Nam

24 Tháng Hai 200612:00 SA(Xem: 977)
Nghị quyết của Quốc hội châu Âu 1481 và Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ngày 25-1-2006, tại Strasbourg, một thành phố miền đông bắc nước Pháp, Quốc hội Âu Châu, với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, đã đưa ra nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể.

Vấn đề đầu tiên đáng chú ý là hiện nay không còn nước nào theo chế độ toàn trị cộng sản ở Âu Châu, nhưng tại sao Quốc hội Âu Châu lại lên án chủ nghĩa và chế độ cộng sản? Có thể có hai khả năng: Hoặc Quốc hội Âu Châu lo ngại và muốn chận đứng chế độ toàn trị cộng sản sẽ tái sinh ở một số nước Đông Âu vì những khó khăn kinh tế và do những tổ chức hậu cộng sản đang hoạt động mạnh ở Đông Âu? Hoặc Quốc hội Âu Châu muốn tiếp tay với Hoa Kỳ trong phong trào dân chủ hóa toàn cầu, giải thể các chế độ cộng sản còn lại trên thế giới?

Điều 2 của nghị quyết viết: "Những chế độ toàn trị cộng sản từng cai trị ở Trung và Đông Âu trong thế kỷ qua, và hiện vẫn còn cầm quyền ở vài nước trên thế giới, tất cả (không ngoại trừ) biểu thị chân tướng của sự vi phạm nhân quyền tập thể. Những vi phạm nầy khác nhau tùy theo nền văn hóa, quốc gia và giai đoạn lịch sử, bao gồm cả những cuộc ám sát và xử tử cá nhân hay tập thể, gây chết chóc trong các trại tập trung, cho chết đói, đày ải, tra tấn, nô lệ lao động, và những hình thức khác về khủng bố thể xác tập thể, ngược đãi vì chủng tộc hay tôn giáo, vi phạm các quyền tự do lương tâm, tư tưởng và phát biểu, tự do báo chí và cả không đa nguyên chính trị."

Nguyên văn: The totalitarian communist regimes which ruled in Central and Eastern Europe in the last century, and which are still in power in several countries in the world, have been, without exception, characterised by massive violations of human rights. The violations have differed depending on the culture, country and the historical period and have included individual and collective assassinations and executions, death in concentration camps, starvation, deportations, torture, slave labour and other forms of mass physical terror, persecution on ethnic or religious base, violation of freedom of conscience, thought and expression, of freedom of press, and also lack of political pluralism.

Điều 9 của nghị quyết nhấn mạnh thêm một lần nữa: "Các chế độ toàn trị cộng sản vẫn còn hoạt động tại một số quốc gia trên thế giới và vẫn tiếp tục gây tội ác. Quan điểm về quyền lợi quốc gia không thể được dùng để ngăn chặn sự chỉ trích thích đáng đối với các chế độ toàn trị cộng sản hiện nay. Quốc Hội mạnh mẽ lên án tất cả các vi phạm nhân quyền của họ".

Nguyên văn: Totalitarian communist regimes are still active in some countries of the world and crimes continue to be committed. National interest perceptions should not prevent countries from adequate criticism of present totalitarian communist regimes. The Assembly strongly condemns all those violations of human rights.

Rõ ràng cả hai điều nầy không phải chỉ nhắm vào những chế độ toàn trị cộng sản đã bị khai tử ở Đông Âu, mà còn đề cập đến các chế độ toàn trị cộng sản hiện còn lại trên thế giới. Đó là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba. Các nước nầy đều nằm ngoài Âu Châu và dĩ nhiên không có đại biểu trong Quốc hội Âu Châu.

Chắc chắn phải có những tài liệu cụ thể trong tay, Quốc hội Âu Châu mới quyết đoán như trên. Sự quyết đoán nầy đụng chạm đến Việt Nam. Nói theo tục ngữ chúng ta, "có tật giật mình", nên báo Nhân Dân ngày 27-1-2006 đăng bài "Một nghị quyết sai trái" của Hoàng Liên, có đoạn viết:

"Ngày 25-1, Đại hội đồng Nghị viện Hội đồng châu Âu (Pace) đã thông qua cái gọi là nghị quyết số 1481 lên án những hành vi vi phạm nhân quyền của các chế độ cộng sản. (!) Đây là một nghị quyết hoàn toàn sai trái..."

Báo Nhân Dân ở Hà Nội vội vàng lên tiếng chống đối nghị quyết 1481 vì chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước rất lo ngại ảnh hưởng của nghị quyết nầy, nhất là điều 3 và điều 5 sau đây.

Điều 3 viết: "Những tội ác được biện minh nhân danh chủ thuyết đấu tranh giai cấp và nguyên tắc độc tài vô sản. Sự giải thích hai nguyên tắc trên đã hợp thức hóa việc "thủ tiêu" những người bị cho là có hại cho sự xây dựng một xã hội mới và do đó, bị xem là kẻ thù của các chế độ toàn trị cộng sản. Một số lớn các nạn nhân chính là công dân của các nước đó. Tiêu biểu nhất là các dân tộc của nước Liên Xô cũ với số nạn nhân đông hơn rất nhiều so với các dân tộc khác."

Nguyên văn: The crimes were justified in the name of the class struggle theory and the principle of dictatorship of the proletariat. The interpretation of both principles legitimised the "elimination" of people who were considered harmful to the construction of a new society and, as such, enemies of the totalitarian communist regimes. A vast number of victims in every country concerned were its own nationals. It was the case particularly of peoples of the former USSR who by far outnumbered other peoples in terms of the number of victims).

Điều 5 viết: "Sự sụp đổ của những chế độ toàn trị cộng sản ở Trung và Đông Âu không được theo dõi trong mọi trường hợp qua một cuộc điều tra quốc tế về các tội ác do chúng đã gây ra. Hơn nữa, tác giả của những tội ác nầy chưa hề bị đưa ra xét xử trước cộng đồng quốc tế, như những tội ác kinh khủng do Đức Quốc xã gây ra."

Nguyên văn: The fall of totalitarian communist regimes in Central and Eastern Europe has not been followed in all cases by an international investigation of the crimes committed by them. Moreover, the authors of these crimes have not been brought to trial by the international community, as was the case with the horrible crimes committed by National Socialism (nazism)

Theo các điều trên đây, có hai vấn đề sẽ được đặt ra với Việt Nam. Thứ nhất, từ trước đến nay, chỉ có người Việt Nam, nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam, lên tiếng tố cáo những tội ác của chế độ nầy. Cũng có một số tác giả ngoại quốc lên tiếng về nạn độc tài toàn trị của Việt Nam, nhưng chỉ lẻ tẻ vài người. Nay là lần đầu tiên, một tập thể lớn lao, Quốc hội Âu Châu, nơi tập trung những đại biểu cho hầu hết các nước Âu Châu, đã lên án chế độ cộng sản toàn trị là chế độ vi phạm nhân quyền tập thể.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) hiện đang theo chế độ toàn trị cộng sản, và thực sự chế độ nầy đã vi phạm nhân quyền tập thể một cách hệ thống từ khi đảng cộng sản nổi lên năm 1945 cho đến ngày nay. Do đó, chế độ nầy khó tránh khỏi sự lên án quốc tế trong một ngày gần đây.

Thứ hai, cũng theo Quốc hội Âu Châu, tội ác của các chế độ toàn trị cần phải được nghiên cứu đầy đủ và tác giả gây ra các tội ác nầy cần được đưa ra tòa án quốc tế xét xử, như trước đây đã từng xét xử Đức Quốc Xã ở Nuremberg. Cho đến nay, tuy chế độ cộng sản Việt Nam (CSVN) chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng tài liệu của đảng CSVN hãnh diện cho biết ngưới du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam và thành lập đảng CSVN chính là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh và CSVN đã chủ trương những cuộc đàn áp tập thể, những vụ thảm sát quy mô kéo dài trong nhiều năm, trong Cải cách ruộng đất ở Bắc Việt Nam từ 1949 đến 1956, trong vụ Nhân văn Giai phẩm năm 1956 ở Hà Nội, trong vụ Tết Mậu Thân (1968) ở Nam Việt Nam, những trại tập trung cải tạo sau năm 1975...

Cho đến ngày nay, tại Việt Nam chưa có tự do báo chí, không có một tờ báo tư nhân, chưa có tự do tư tưởng, chưa có tự do tôn giáo... Như thế, Hồ Chí Minh và CSVN chính là đối tượng cần được đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế.

Hồ Chí Minh đã từng đi qua nhiều nước trên thế giới, đến Paris hoạt động với các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, gia nhập đảng Xã Hội Pháp, rồi đổi qua đảng Cộng Sản Pháp, mới đến Liên Xô, nghĩa là Hồ Chí Minh gia nhập đảng Cộng Sản có ý thức, có tính toán, chứ không phải tình cờ mà theo, hay bị bắt buộc phải theo.

Trước Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu đã dự tính nhờ đến Liên Xô giúp đỡ. Trong sách Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu kể rằng khi tiếp xúc với Tòa Đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh năm 1920, ông ngỏ ý muốn nhờ đưa thanh niên Việt Nam sang du học Liên Xô. Nhân viên Tòa đại sứ Liên Xô trả lời rằng Liên Xô rất hoan nghênh và chịu mọi phí tổn để đưa du học sinh sang Liên Xô. Tuy nhiên du học sinh Việt Nam phải quyết tâm thực hiện những việc sau đây: tin theo chủ nghĩa cộng sản, học thành tài về nước phải tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và làm những sự nghiệp cách mạng. Nghe thế, Phan Bội Châu liền tránh mặt, vì ông không chấp nhận những điều kiện của Liên Xô.

Trong hồi ký của mình, Phan Bội Châu chỉ nói rằng vì không biết ngoại ngữ nên ông không tiếp tục liên lạc với Tòa đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh. Thật ra, đây là một cách nói xã giao, chứ sau đó, khi trả lời phỏng vấn của Maurice Detour, báo L'Effort, Hà Nội, Phan Bội Châu nhận định: "Hô hào giải phóng giai cấp đấu tranh ở xứ nầy là một việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế." (Báo Tràng An số ra ngày 7-10-1938.)

Như thế, chính Phan Bội Châu rất sáng suốt tiên liệu chủ nghĩa cộng sản không thể giải quyết vấn đề Việt Nam, và có thể làm cho dân tộc Việt Nam thêm trầm luân khổ ải. Lúc đó, chắc chắn Phan Bội Châu đã biết Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa cộng sản. Là một nhà Nho khiêm cung, Phan Bội Châu không trực tiếp lên án Hồ Chí Minh, nhưng câu nói của Phan Bội Châu trên đây đã mặc nhiên nhắn với Hồ Chí Minh, lúc đó đang quanh quẩn đâu đó ở Trung Hoa, là ông Hồ đang theo đuổi một công việc "cực ngu" (tức hết sức ngu xuẩn), và cụ Phan khuyên ông Hồ không nên làm như thế.

Đáng chú ý là trước khi nhập cảng lý thuyết Mác-xít vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã từng sinh sống hai lần tại Liên Xô. Lần thứ nhất, ông đến Liên Xô vào khoảng cuối năm 1923. Lúc đó nền kinh tế Liên Xô đã suy sụp, dân tình đói khổ. Cuối năm 1924, ông Hồ qua Trung Hoa. Khoảng cuối năm 1933 hoặc đầu năm 1934, ông trở lui Liên Xô và sống tại đây cho đến tháng 10-1938, lại trở qua Trung Hoa lần nữa. Hai lần sống ở Liên Xô trong thời gian tổng cộng khoảng 5 năm, đủ cho Hồ Chí Minh thấy rõ chính sách độc tài với nền kinh tế chỉ huy triệt để bằng những kế hoạch ngũ niên của đảng CSLX, đã làm cho dân Nga đói kém cùng cực. Tại Liên Xô, nạn đói lần thứ nhất xảy ra vào các năn 1921-1922 giết mất 5 triệu người, nạn đói lần thứ nhì xảy ra vào các năm 1932-1933 làm cho 6 triệu người chết. Chắc chắn Hồ Chí Minh biết rõ điều nầy vì ông có mặt tại Liên Xô trong khoảng thời gian trên. Tuy biết vậy, Hồ Chí Minh vẫn cố tình làm tay sai cho Liên Xô, nhập cảng vào Việt Nam loại lý thuyết chỉ làm hại cho dân tộc, mà ngày nay Quốc hội Âu Châu mới lên án.

Có một nhân vật đã theo Hồ Chí Minh và đảng CSVN trong một thời gian dài, lên đến cấp bậc khá cao trong hệ thống cộng sản, ông Bùi Tín, cựu đại tá quân đội CSVN, cựu Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, đã viết rằng: "... Nếu như hồi ấy đường lối đấu tranh đại loại như của cụ Phan [Phan Châu Trinh] đề xướng được chấp nhận và thành hiện thực thì đất nước ta rất có thể khác hẳn hiện nay, vừa có độc lập thống nhất, có dân chủ và phát triển, có thể tránh được chiến tranh..." (Bùi Tín, Mặt thật, USA: SAIGON Press, USA, 1993, tr. 102.)

Như thế có nghĩa là dân tộc Việt Nam có thể có những chọn lựa chính trị khác, nếu không bị Hồ Chí Minh và CSVN lừa phỉnh, lợi dụng lòng yêu nước để mở cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, rồi Hồ Chí Minh và CSVN áp đặt dân chúng Việt Nam dưới chế độ cộng sản toàn trị, độc đảng, bóc lột, phá hoại, đầy ải và bần cùng hóa nhân dân một cách có hệ thống, có bài bản.

Ngoài ra, nếu lúc đó Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa cộng sản là một phương tiện hay một công cụ để chống thực dân Pháp, thì sau khi Pháp về nước, phương tiện hay công cụ cộng sản không còn cần thiết nữa, tại sao Hồ Chí Minh không thay đổi phương tiện để xây dựng đất nước, mà lại tiếp tục sử dụng phương tiện đó để đày đọa dân tộc Việt Nam mãi cho đến ngày nay, tiêu diệt biết bao nhiêu nhân tài đất nước, phá huỷ biết bao nhiêu tài sản quốc gia? Ngày nay, ba mươi năm sau chiến tranh, mức thâu nhập trung bình tính theo đầu người Việt Nam năm 2004 chỉ khoảng bằng 2/3 của mức nghèo đói do Liên Hiệp Quốc quy định là 735 Mỹ kim. Ở trong nước, hiện chưa có tự do ngôn luận, báo chí, chính trị, tư tưởng, tôn giáo nghĩa là chưa có tự do gì cả. Những thay đổi biểu kiến hào nhoáng ở các thành phố Việt Nam chỉ là lớp son bên ngoài, không thể che đậy nỗi cùng cực ở nông thôn.

Chủ nghĩa Mác-xít và chế độ toàn trị cộng sản đã bị nghị quyết 1481 ở Âu Châu lên án là tội lỗi của nhân loại. Thật mỉa mai, hiện nay chủ nghĩa Mác-xít lại là nền tảng tư tưởng của chế độ trong nước Việt Nam. Trong quá khứ, tại Đại hội 2 của đảng CS vào tháng 2 năm 1951 ở Tuyên Quang để đưa đảng CS ra hoạt động công khai trở lại với danh xưng mới là đảng Lao Động, Hồ Chí Minh phát biểu: "Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin...lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam." (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ, tr. 150.)

Hiện nay, điều 4 chương 1 của hiến pháp của chế độ CSVN xác định rằng: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật".

Đồ phế thải của Nga (hậu thân của Liên Xô), nay bị Quốc hội Âu Châu lên án là tội đồ của nhân lọai, lại được chế độ Việt Nam hiện nay đưa lên hàng quốc bảo là hiến pháp của CHXHCNVN.

Như thế, nghị quyết số 1481 ngày 25-1-2006, tuy là do Quốc hội Âu Châu đưa ra tại Âu Châu, nhưng là một bản án "treo" đối với các nước theo chế độ toàn trị cộng sản còn lại trên thế giới. Trong các nước nầy, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) là một cường quốc đang lên, thách thức cả Hoa Kỳ lẫn Liên hiệp Âu Châu, và nhất là CHNDTH đã lọt vào WTO trước khi có nghị quyết nầy, nên bản án treo của Quốc hội Âu Châu ít ảnh hưởng đến CHNDTH.

Ngược lại, đối với Việt Nam, bản án treo nầy chắc chắn sẽ có một tầm ảnh hưởng nào đó, vì Việt Nam đang cố gắng cải thiện bộ mặt chính trị để tìm cách gia nhập vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO).

Phải chăng châu Âu ngầm nhắn nhủ với Việt Nam muốn nhanh chóng gia nhập WTO, thì chẳng những phải thay đổi luật lệ, cải tổ kinh tế, mà còn phải bãi bỏ chế độ toàn trị cộng sản và bỏ luôn điều 4 hiến pháp? Điều nầy khó được CSVN chấp nhận, nhưng nếu không đi theo dòng sống dân chủ thế giới, thì Việt Nam lại khó vào WTO. Đây là một vấn đề hết sức tế nhị hứa hẹn sẽ còn nhiều tranh luận gây cấn trong những ngày sắp đến.

Như thế, nghị quyết 1481 của Quốc hội Âu Châu ngày 25/01/2006 chẳng những là một bước tiến mới trong tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, và chắc chắn cũng là một bước tiến lớn lao góp phần tăng tốc tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Toronto, Tết Bính Tuất

Trần Gia Phụng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn